Gặp gỡ là để chia ly
Lão Yêu Vạn Năm
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

One Shot

One Shot

6 Bình luận - Độ dài: 4,712 từ - Cập nhật:

Liệu bạn có tin vào số phận?

Gặp gỡ… 

Vốn là để chia ly. 

---❧•❧---

Khi ánh trăng bắt đầu nép mình bên cửa sổ và màn đêm dần buông xuống, tôi chợt bần thần khi nghĩ về những tháng ngày đã qua. Đã bao lâu rồi nhỉ? 

Một năm? 

Hai năm? 

Hay là ba năm? 

Cũng chẳng biết nữa, đã quá lâu để có thể nhớ được khuôn mặt của nàng, người từng khiến tôi phải xao xuyến suốt xao xuyến suốt nửa cuộc đời.

Si un jour je disparais.

Vais je te manquer?

Đó là một ngày hè nóng nực ở thành phố xa lạ, tôi lủi thủi trên chiếc ghế đá giữa giờ ra chơi dài đằng đẵng. Dù cô chủ nhiệm có khản cổ yêu cầu mọi người hòa đồng thì cũng chẳng có ai muốn bắt chuyện với một kẻ mới tới cả, bầu không khí ảm đạm pha lẫn trong tiếng ve sầu suốt mấy ngày liền khiến tôi cảm thấy buồn man mác, và nhớ tới lũ bạn ở ngôi trường cũ. 

"Ê! Tao nghe nói có học sinh mới chuyển tới lớp bên, là mày?"

À! Lại đám ma cũ bắt nạt ma mới.

Tôi từng được nghe rất nhiều về chúng trước khi học ở ngôi trường này, những kẻ đáng ghét và khó ưa. Để đối phó với trường hợp này, tốt nhất là không nên yếu thế, tôi được dạy như vậy, nhưng sao chẳng có ai nói rằng một tên bắt nạt cũng trở nên bối rối và lúng túng đến độ phải gãi tay lên má. 

"Quê đâu mày?"

Vậy ra không phải bọn chúng. 

"Ê… Câm à? Có nghe thấy tao nói gì không vậy?"

Bỗng nhiên tôi cảm thấy thất vọng, mà tên này nói nhiều quá, còn phiền phức hơn cả lũ ve trên cây. Nó cứ lải nhải mãi cho đến lúc vào lớp. Phiền thật đấy. 

Mấy ngày hôm sau cũng vậy, cứ đến giờ ra chơi là nó lại bén mảng đến chỗ tôi ngồi và khoe khoang đủ thứ trên trời dưới đất, cứ như thể hai đứa thân nhau lắm. Tôi chả buồn trả lời, nhiều lúc chỉ ậm ừ cho có lệ để thó vài viên kẹo trong tay nó.

Dần dần, tôi bắt đầu quen biết với bạn bè trong lớp và không còn phải ngồi một mình trên ghế đá nữa nên cũng quên bẵng mất một kẻ phiền phức hay phá bĩnh lúc giải lao. 

Nhưng bằng một cách nào đó, cứ giờ ra chơi lại có một bóng dáng nhấp nhô ngoài cửa sổ. Vẫn là cái đầu nấm cùng ánh mắt khó chịu ấy. Bộ nó cho rằng đứng ngoài hành lang là sẽ không bị kỷ luật vì sang lớp người khác hay sao? Đần thật. Tôi gọi lớp trưởng, và chẳng mất đến hai phút, tiếng la oai oái đã vang vọng khắp dãy nhà. Sau bận ấy, cục nợ phiền phức như bốc hơi. Chẳng còn thấy bóng dáng của nó ở đâu nữa. Tôi bèn bĩu môi rồi tặc lưỡi cho qua. Cuộc sống yên bình cứ thế trôi qua cho đến năm học mới. 

Với mong muốn tạo lên một tập thể hòa đồng và thân thiện, hàng năm ban giám hiệu lại trộn lẫn học sinh các lớp với nhau, và thế là chúng tôi lại gặp mặt. Nhưng còn may là không cùng bàn, mỗi đứa một tổ. Thế mà lần nào cũng vậy, hễ trả lời được câu hỏi là nó lại quay sang với ánh mắt dè bỉu và xem thường, cứ như thể trong cả cái lớp này chỉ đúng mình nó là làm được vậy. 

Ghét thật! 

Tôi nghĩ bụng và đáp trả những lần hất hàm khiêu khích của nó bằng cách xung phong lên bảng. Mới đầu thì cô giáo vui lắm, còn tuyên dương hai đứa có tinh thần tiến bộ. Nhưng dần dần ai cũng nhận ra chúng tôi có mâu thuẫn, đến mức mà hễ đứa này lên bảng thì người còn lại cũng phải xung phong cho bằng được; không thì cũng ngồi dưới đá xoáy và móc lỗi nhau. Và để xoa dịu tình hình cô quyết định xếp hai đứa ngồi chung một bàn với hy vọng chúng tôi sẽ làm lành với nhau. 

Nhưng làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, hẳn là nó cũng nghĩ thế nên ngay khi chuyển chỗ đã chia bàn kẻ vạch, mỗi đứa một giang sơn không ai chạm ai. Nếu vi phạm sẽ bị ăn thước. Và chả mất đến hai ngày, tay nó đã lằn đỏ trong khi tôi chả bị sao cả.

Nó tức lắm, nhưng sau hàng trăm lần dùng mưu hèn kế bẩn mà đối phương vẫn không chịu xâm phạm biên giới. Nó bèn gọi cứu viện, chạy một mạch lên thẳng bàn cô khóc lóc, kể nể.

Ôi trời đất thánh thần ơi!

Làm sao lại có một người điêu toa đến vậy? Tôi nào có bắt nạt hay đánh đập gì đâu. Chẳng phải chính nó mới là người khơi mào mọi chuyện hay sao? Thế quái nào mà giờ kẻ bị đứng góc lớp lại là tôi!!!

Sau bận ấy, nó trở nên nhút nhát hơn hẳn, lúc nào cũng sợ sệt và thậm chí còn chẳng dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Phải chăng, nó đã nhận ra lỗi lầm của mình? Mà cũng chả biết nữa. Nhưng cuối cùng người đứng ra hòa giải cũng vẫn là cô chủ nhiệm. 

Và để minh chứng cho hiệp ước ấy, cả hai đã mời nhau những viên kẹo béo đầy tình hữu nghị cà tha thiết. Nhưng thực ra toàn tiền của nó cả, dẫu sao người có lỗi cũng đâu phải là tôi. 

Rồi đến một ngày đẹp giời nào đó, nó nằng nặc đòi chơi cờ ca rô. Nom bộ háo hức lắm. Đôi con ngươi nở rộng ra hệt như mấy đứa con gái vậy. Tôi bĩu môi: "Bộ mày không biết tao là độc cô cầu bại à mà còn rủ."

Nói thì nói vậy thôi, chứ tôi vẫn đặt bút chiến với nó vài ván. Chỉ cần nghĩ đến cảnh có đứa phải khóc lóc xin tha là lòng lại sướng rơn. Và chẳng cần mất đến chục phút, sự thật nghiệt ngã đã khiến tôi phải bừng tỉnh. Năm bàn không gỡ. 

Nhục thật! 

Tôi mím môi và đặt bút xuống, vì biết giờ có chơi nữa cũng chả ăn thua. Thế là nó được đà, che miệng cười hềnh hệch, đôi mắt híp lại đầy rè bỉu và khinh thường như muốn nói: "Hóa ra độc cô cầu bại cũng chỉ có hư danh…"

Tôi vẫn chả thể quên được lần thất bại thảm hại ấy, bởi cho đến tận sau này, nó vẫn thường lấy ra để chọc ngoáy mỗi khi có dịp.

Thời gian cứ thấm thoát trôi qua, quãng đời của học sinh tiểu học bắt đầu đi đến hồi kết. Ngày bế giảng, chúng tôi hẹn nhau ở một cửa tiệm quen thuộc ngoài cổng trường. Bà chủ vốn là một người kỹ tính, lại thích sạch sẽ, nên khi nhận được lời mời tôi đã nghĩ ngay tới vài trò quái đản thay cho lời chia tay. Và chắc hẳn là nó cũng vậy. 

Ngày đó vẫn còn thịnh hành mấy món quà vặt như sữa chua túi, mỳ vụn gói, thạch,... Thế nên tôi quyết định chọn một thứ đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất và cũng là món mà nó thích ăn nhất, mỳ vụn gói. Chẳng cần phải tính toán hay cầu kỳ gì cả, tôi chỉ cần xé một góc nhỏ ở phía dưới, rồi túm chặt và đưa cho nó với một khuôn mặt niềm nở: "Đây. Cho mày đó."

Dường như cũng nhận ra điều gì đó, nó nhăn mặt đẩy lại cho tôi một túi sữa chua có màu ngà ngà đục và cắn răng cầm gói mỳ vụn. Cả hai khoác vai nhau rồi kề khà như mấy tay kiếm hiệp trong truyện Kim Dung: "Tao biết, mày vẫn còn tức chuyển lần đó nên không có ưa tao. Nhưng giờ lên cấp hai cả rồi, lớn cả rồi, nên mọi chuyện coi như xí xóa…"

Nó nói nhiều lắm, cứ đi đi lại lại trước cửa quán, nhưng tôi nào có nghe được gì nhiều, bởi khi ấy lồng ngực đang đập lên rộn rã vì trông thấy những vụn mỳ bắt đầu vương vãi trên đường đi. Là sợ hãi hay hồi hộp? Cũng chả biết nữa. Nhưng ngay khi bà chủ chống tay lên eo chuẩn bị chửi đổng, tôi đã chạy mất biến, mặc cho nó ngơ ngác chả hiểu chuyện gì đang xảy ra. 

le destin est étrange

Mais je n'y crois pas.

Lên cấp hai, chúng tôi không còn học cùng một trường nữa. 

Những tưởng cuộc học đường khi không có nó sẽ thật tuyệt và bình yên biết bao. Nhưng theo một cách nào đó, cõi lòng tôi lại cảm thấy hụt hẫng và trống trải đi rất nhiều, chẳng còn hứng thú với thứ gì cả, hệt như lúc mới chuyển đến. Ngẫm lại thì suốt quãng thời gian qua, cũng chỉ có nó mới khiến tôi cảm thấy bớt tẻ nhạt và cuộc sống trở nên vui tươi. Tuy nhiều lúc không được thân thiện cho lắm nhưng vắng nó, mọi thứ lại ảm đạm đi rất nhiều. Không còn ai trêu đùa hay cạnh khóe, những cuộc ganh đua cũng theo đó mà mất biến, học lực giảm đi trông thấy. Thay vào đó là quãng thời gian nhìn ra ngoài cửa sổ bắt đầu trở nên nhiều hơn. Tôi cũng chẳng biết mình bị sao nữa. Những thứ cảm xúc là lạ cứ đeo bám lấy tối. Phiền thật… 

Và rồi mọi thứ lại qua đi, mãi cho đến tận cuối năm lớp tám. Trong một đợt thi học sinh giỏi ở trường khác, do đã hoàn tất bài làm và chưa có ai tới đón, nên chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải dạo quanh để giết thì giờ. Để rồi tại đó, tôi bắt gặp một kẻ xa lạ mà lại đem đến sự quen thuộc tới cùng cực. Vẫn là mái tóc ngắn cùng với chiếc áo thun đen. Những bước chân thoăn thoắt theo từng nhịp bóng khiến tôi nhớ về hình dáng cũ. 

Hay là nó nhỉ? Nhưng thế thì lạ quá, bởi nó đâu có ngực!!! 

Sự tò mò ấy khiến tôi chăm chú hơn hẳn. Và dường như cũng nhận ra có ai đó đang nhìn mình. Ả dừng lại, chẳng thèm nhận đường chuyền đang ném tới mà nhướn mày: "Ê!..." rồi gãi mái khi thấy đối phương  bắt đầu ngây người. 

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, đúng là nó rồi, hệt như hồi mới gặp. Tôi cảm thấy đôi vành tai của mình bắt đầu nóng rực lên vì ngại. Vậy hóa ra từ trước tới giờ tôi toàn đi so đo, ăn thua với một đứa con gái. Mà thế quái nào lại không nhận ra được kia chứ, chúng tôi ngồi cạnh nhau đến cả nửa năm lận cơ mà. 

Có lẽ cũng cảm thấy được gì đó nên ngay khi tôi chuyển bước rời đi, nó đã gọi với theo: "Là mày phải không? Đợi bố tí coi. Lâu lắm mới gặp."

Nghe giọng điệu thì hình như nó vui lắm, có cả tiếng bước chân vội vã ở phía sau. Nhưng mắc mớ gì phải làm theo lời nó chứ, thế là tôi đi thẳng.

Rõ là rắc rối và phiền phức!

Le destin... est ce comme taquiner les gens? 

Những tưởng sau cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nhưng sự sắp đặt kỳ diệu lại một lần nữa phá vỡ nhịp sống êm đềm của tôi. 

Bắt đầu năm học cấp ba, học sinh chúng tôi đã phải tất tả tìm trung tâm hay các lớp dạy thêm để củng cố kiến thức cơ bản cũng như việc ôn thi tốt nghiệp, đại học. Và theo một cách kỳ lạ nào đó, số mệnh lại một lần nữa gọi tên. Chúng tôi gặp nhau trong lớp học thêm toán, cùng ngồi một bàn, cùng một giáo viên hệt như hồi xưa cũ. 

Nghĩ vậy, tôi lại cười nhẹ và nhỏ cũng thế. Có lẽ cả hai đều có chung một suy nghĩ khi được đặt vào hoàn cảnh cũ. Chỉ có điều nhỏ vẫn đáng ghét, khó ưa và phiền phức như ngày nào. Quà mừng gặp mặt là một tờ giấy có sáu con số cùng một dấu gạch ngang: 125 - 127

Chẳng phải câu chào hay hỏi han gì hết. Đơn giản đó chỉ là tỉ số cờ caro đã đánh. Và tất nhiên kẻ thua cuộc vẫn là tôi. Xem ra, nhỏ định khơi mào một cuộc chiến. Mà ai sợ ai kia chứ! 

Thế là chúng tôi lại bắt đầu, nhưng chẳng còn sự ghen ghét hay thù địch như hồi bé. Đã trưởng thành hơn một chút rồi, khôn lớn hơn một chút rồi. Và cũng chả biết tự bao giờ, tôi đã bắt đầu cười nhiều hơn…

Có lẽ thời gian thật sự sẽ khiến con người ta thay đổi, nhỏ cũng vậy, bắt đầu nuôi tóc dài, mặc đồ nữ tính, chứ nào giống trước kia, chỉ độc một kiểu tomboy. Thậm chí, nhỏ còn trở nên thục nữ hơn, ăn nói nhẹ nhàng và bắt đầu tìm hiểu cả về chăm sóc sắc đẹp. Nhưng dù có nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, tôi vẫn thấy nhỏ là một đứa đáng ghét và khó ưa. 

Có những lúc đang ngồi học, chẳng hiểu sao lại nhăn nhó, ôm một bên bụng và bấu chặt lấy tay tôi, cứ như thể đau đến chết đi sống lại. Ấy thế mà lúc hỏi lại chỉ nhận được sự cáu gắt và khó chịu. Mỗi lần như vậy, tôi bèn bĩu môi và rủa thầm dở hơi. Nhưng lần nào cũng thế, nhỏ sẽ lại mời mọc, vỗ về bằng một chầu chè đậu đỏ thay cho lời xin lỗi. 

Và cũng chẳng biết từ bao giờ, những buổi đi chung rồi lượn lờ như vậy bắt đầu trở nên nhiều hơn. 

Rồi bỗng một ngày, khi đang chỉ bài cho một cô gái bàn bên, tôi nhận thấy nhỏ hơi khang khác. Cảm giác lúc nào cũng cau có và muốn mắng người. 

Chắc là bị bố mẹ mắng đây mà! 

Tôi định bụng sẽ kéo nhỏ ở lại sau giờ học để hỏi thăm. Nhưng tình hình càng lúc càng không đúng, đến độ viết sai một nét cũng bực tức gạch be bét cả trang giấy. Thế là tôi bèn đưa cho nó một thanh kẹo mút và hỏi nhỏ: "Sao vậy má???"

"Không có gì cả!"

Ấy thế quái nào mà nhỏ lại không cầm thanh kẹo như mọi khi, và còn lườm tôi cháy mặt nữa nhỉ.

Tôi khẽ nghiêng đầu: "Trước chắc không, nhưng giờ thì tao thấy vấn đề rồi đó. Có gì thì ẳng!"

Vừa mới nói dứt câu, nhỏ đã đập quyển sách lên mặt bàn mạnh đến độ cả lớp phải quay ra nhìn. Thấy tình hình có vẻ không ổn, tôi kéo nhẹ tay và giục nó bình tĩnh lại.

Nhưng nhỏ chẳng nói chẳng rằng, chỉ xin phép cô về sớm vì sức khỏe không ổn. Trước khi đi qua còn đá vào chân tôi một cái.

"Rõ là phiền phức mà!"

Vừa lẩm bẩm, tôi vừa xin phép ra ngoài đi vệ sinh, vừa hay nhìn thấy bóng của nhỏ khuất hẳn ở cuối ngõ.

Có người từng nói: "Chúng ta chỉ là những phiên bản lớn của trẻ nhỏ." Chắc cũng vì vậy mà nỗi buồn đến cũng nhanh nhưng đi cũng chẳng kém. Ngay buổi học thêm tiếp theo, tôi lại thấy nhỏ vui tươi và hoạt bát như thường ngày, đã vậy còn đem theo cả bánh cuốn nữa. Thế là vừa ăn, tôi vừa hỏi lại chuyện cũ, nhưng nhỏ chỉ lắc đầu cười mà không nói. Nom điệu bộ ngúng nguẩy đến phát ghét ấy, tôi bèn bĩu môi. Đúng là khó ưa… 

Những ngày cuối thu, mưa bắt đầu nhiều hơn khiến cho mặt đường trở nên ướt nhoẹt. Lạnh và đói thúc giục mọi người mau chóng về nhà bên gia đình. Và nhỏ cũng vậy, chỉ một chút vội vã mà trượt chân ngã ngoài bậc tam cấp, đầu gối bị xước hết, máu ứa cả ra. Tôi đành thở dài rồi gãi đầu vào nhà xin cô ít bông băng và oxy già để sơ cứu. Cũng chẳng giống như mọi lần, nhỏ không giãy nảy lên khi bị ai đó động vào, mà lại ngồi im cho tôi lau chùi và băng bó. Đôi mắt còn long lanh đến lạ. 

Xong xuôi, nhỏ định tự về, nhưng đến cái xe còn không dắt được nói gì tới việc điều khiển. Cuối cùng, tôi đành phải chở về. Rõ là phiền phức!!! 

Sau lần ấy, chẳng hiểu sao, nhỏ chả dám nhìn thẳng vào mặt tôi. Hai đứa lúc nào cũng tránh mặt nhau hệt như có một bức tường vô hình đang ngăn đôi bên. Nhưng tận sâu trong tâm trí, tôi biết, có một thứ gì đó, là lạ như trống vắng, như xao xuyến bắt đầu le lói. 

Mãi cho tới khi tôi thấy nhỏ đang ngồi cùng bàn và cười đùa với một cậu bạn khác. Chẳng hiểu sao trong lòng lại cảm thấy bứt dứt, nhịp tim lệch đi một nhịp, vừa hụt hẫng vừa khó chịu. Những cảm xúc này cứ liên tục trỗi dậy. Tôi gãi đầu, cầm theo chồng sách và ngồi xen giữa hai người đó với một nụ cười thân thiện: "Tới giờ vào lớp rồi thưa quý cô!"

Nhỏ cười tít mắt, suốt cả giờ chả biết nghĩ gì mà không học, cứ gối tay nhìn sang phía tôi hoài khiến tôi cũng cảm thấy chột dạ.

Phiền phức thật! Nhưng cũng không đáng ghét lắm!!! 

Kể từ ngày đó, chúng tôi bắt đầu giành thời gian với nhau nhiều hơn. Hay đi lang thang trên các con phố cạnh bờ hồ, hoặc vào công viên ngồi xem mấy bác tỉa cây cảnh. 

Mà đây gọi là gì nhỉ? Tình yêu tuổi học trò ư? Tôi không cho là vậy, mà cũng chả thiết nữa. Bởi đôi khi chả ai nói gì cả, chỉ lẳng lặng đi bên nhau, ngắm trời, ngắm đất, rồi nhìn qua người bên cạnh và mỉm cười, thế là đủ rồi. 

Cuối năm lớp mười đầu mười một, việc học hành tràn lan và áp lực thi cử, trong khi gia đình luôn gán ép, khiến tôi, một kẻ cảm thấy việc bài vở quá bình thường cũng phải bị stress vì quá tải. Đỉnh điểm là phải xin nghỉ ngang buổi học thêm để thả lỏng bản thân. 

Hôm đó trời đổ mưa nhẹ, dưới mái vòm ngoài công viên, tôi ngồi quan sát dòng người hối hả dưới lòng đường mà lại nhớ nhà da diết. Nhưng giờ vẫn còn sớm, nếu về ngay lúc này, chắc chắn sẽ bị mẹ mắng té tát vì bỏ học. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi bèn đung đưa trên thành đá và hứng từng hạt mưa rơi tí tách ngoài thềm. Cái mát mẻ và thoải mái khiến tâm trí dần trở lại. 

Chẳng biết từ bao giờ, đã có một người đứng cạnh đó, yên lặng và mỉm cười. Nhỏ rũ nước khỏi chiếc ô, nhướn mày: "Vậy ra quý ngài trốn học để ra đây nghịch mưa?"

Tôi bĩu môi, vỗ vỗ xuống chỗ bên cạnh: "Vậy mà có người đi theo luôn này."

"Kẻ hèn này chỉ tình cờ đi qua và thấy ai đó thẫn thờ trong này thôi." 

Nói rồi, nhỏ nhảy tót lên thành đá, cố sán vào người tôi, tiếp tục: "Mà mấy nay mày sao vậy? U ám…"

Không để nhỏ nói hết câu, tôi quay ngoắt sang và chăm chú quan sát. Hai gấu quần ướt hết trong khi giời mưa không có to, đầu tóc, chân tóc cũng lấm lem từng giọt nhỏ. Hơi thở thì hơi đứt. Chẳng cần hỏi cũng biết nhỏ đã làm những gì. Tôi thở dài: "Mày đâu cần thiết phải làm tới vậy!"

Nhỏ vùng vằng, cũng đung đưa hai chân nghịch nước mưa và không nói gì. Có lẽ chính bầu không khí yên ắng này khiến cho chúng tôi cảm thấy dễ chịu. Bất giác, tôi liếc mắt nhìn sang, vừa hay nhỏ cũng nhìn lại. 

Thần giao cách cảm chăng? 

Cũng chả biết nữa. Nhưng lần đầu tiên tôi thấy được một đôi mắt đẹp tới nhường ấy. Long lanh và sâu thẳm. Dưới khóe mắt là vài đốm tàn nhan như những nét chấm phá đầy kiểu cách trên nước da trăng trắng. 

"Nhìn gì!!!"

Nhỏ nhướn mày, quay mặt đi chỗ khác. Tôi bèn cười xòa, xoa mái tóc của nhỏ và nắm tay kéo xuống. 

"Đi! Nay ca khao, vì vậy biết điều cầm ô đi."

Crois tu en la destinée?

Ne sont pas! Mais…

Giờ giải lao hôm nay lâu hơn thường lệ vì cô có chút việc riêng. Mà thực ra, đám học sinh bọn tôi chả bận tâm cho lắm, mỗi người mỗi việc. Đứa thì ngủ, đứa thì nghe nhạc, đứa thì ăn. Riêng nhỏ lại lấy điện thoại ra và nghịch ngợm linh tinh. Nghe đâu dạo gần đây hay nổi nên mấy câu nói sến sẩm và chết ở chỗ mật ngọt chết ruồi. Mà hình như nhỏ cũng vậy. Vì dù tôi có nói là đang dở mấy bài tập cũng nằng nặc đòi  phát âm bằng được một câu tiếng Pháp vô nghĩa: "Si un jour je disparais. Vais je te manquer?" hoặc ít nhất tại thời điểm đó tôi cho là như vậy. 

Chỉ chờ có thế, nhỏ liền ôm điện thoại vào lồng ngực, cười tít mắt và lẩm bẩm một câu đối đáp nào đó mà tôi chỉ láng máng nghe được: "Rút qua… tem… tua giua…"

Trông điệu bộ hí hửng đến phát ghét ấy, tôi bèn nhăn mặt: "Nếu có thời gian, sao quý cô đây không luyện caro đi nhỉ. Tỉ số đang là sát nút 157 - 158 rồi đấy. Nếu không cẩn thận…"

Nhỏ lắc đầu nguầy nguậy rồi lại hớn hở với chiếc điện thoại, chốc chốc lại quay sang đến độ tôi đành phải bỏ qua chỗ bài tập để xử lý cục phiền phức trước mặt. Lần này, nhỏ lại sụt sùi trước một câu chuyện tình cảm tào lao nào đó ở trên mạng, rồi lấy y nguyên dòng tít đấy để đối chiếu với bản thân. 

"Nè… Nè… Chả phải tao với mày cũng thế sao? Hệt như định mệnh vậy."

Tôi gật gù và cũng cho là phải. Bèn lén lút quan sát biểu cảm trên gương mặt của nhỏ. Thẫn thờ và cười mỉm. Hẳn là lại nhớ về ngày xưa. Rồi bất chợt nhỏ nhìn thẳng vào mắt tôi, nhoẻn miệng cười thỏa mãn: "À! Mà mày có tin vào số mệnh không?  Tao thì có đấy, và rất biết ơn nó luôn ha ha…"

Số mệnh ư? Chà. Cũng chả biết nữa. Có lẽ là không. Nhưng… 

Tôi chả nói gì, chỉ cười cười rồi cọ sát đầu mình vào trán của nhỏ, nghiêm giọng: "Chuyện tương lai ai mà biết. Nhưng hiện tại thì có đấy, mau làm nốt bài tập đi."

Le destin est il prédéterminé?

Si c'est le cas, je n'en veux plus... 

Định mệnh sẽ luôn gọi tên những kẻ khù khờ mà ngoan đạo. Nhưng cớ sao một người ngoại đạo như tôi cũng được xướng danh? Phải chăng, đây là thử thách, sự trêu ngươi, hay đơn giản chỉ là phản bội. 

Sẽ thật tốt biết bao nếu ngày đó không tới. Nhỏ phải về quê giỗ ông và mất do bị đuối nước…

Chà… 

Ngày đưa tang, trời đổ mưa lất phất. Tôi chả dám vào, chỉ đứng lẳng lặng ở đằng xa mà dõi theo. Di ảnh của nhỏ được trưng bày vô cùng gọn gàng và đẹp đẽ. Họ lấy thời khắc vui vẻ nhất, tươi trẻ nhất mà đặt lên. Nhưng với tôi, nhỏ mãi mãi còn đó, vẫn lẳng lặng đứng bên cạnh che ô và mỉm cười dưới mái vòm. Vì vậy tôi chẳng thể khóc, hoặc cũng có thể ông trời đang khóc thương thay cho cõi lòng này. 

Tranh nhau làm gì cơ chứ… 

Học giỏi để làm gì cơ chứ… 

Cuối cùng cũng chỉ còn lại mỗi mình tôi!

Mãi cho đến tận lúc này, hơn năm năm đã đi qua, dù không thể nhớ rõ được gương mặt của người, nhưng tôi vẫn chả thể quên nổi mối tình ấy. Hoặc cũng có thể chỉ mình tôi tự ôm lấy tương tư và dằn vặt chính bản thân mình.

Nhỏ đúng là một con người tệ hại, tự tiện bước vào cuộc sống của người khác; tự tiện quấy tung sự yên bình vốn có; cho họ hi vọng, cho họ hứa hẹn rồi lại tự tiện ra đi… Ai cho phép cơ chứ!!! Chưa nói lời tạm biệt đã vội vã bước đi. Rõ ràng tự đưa ra lời hứa rồi lại đơn phương phá vỡ ước hẹn. Dối trá và phản bội. 

Nếu ngày đó, chúng tôi thổ lộ với nhau, có lẽ sẽ khác. Đi tiếp hoặc dừng lại. Dù là cái nào đi chăng nữa, có lẽ cũng tốt hơn một kết cục dửng dưng, không đầu không cuối, khiến cho người ta phải day dứt đến chừng này.

Số mệnh ư? 

Chà! Tôi chả tin vào nó.

Nhưng…

Tôi lại tin vào lời của em.

Jusqu'à la mort...

Je t'aime toujours.

---❧•❧---Hết---❧•❧---

Ngoài lề:

Mãi sau này hỏi tôi mới biết, kẻ bắt nạt hồi đó bị thua trong cuộc chơi 'Vị vua và nô lệ' nên mới phải đi lấn lá với kẻ lạ mặt ngoài ghế đá. 

---

Hôm bế giảng cấp một, túi sữa chua mà nhỏ tặng, vị ghê chết đi được. Có lẽ ngoài những thành phần chính còn có thêm những gia vị kỳ lạ. Nhưng không sao, tôi vẫn cảm thấy vui vì trả đũa được một lần.

---

Đoạn mà nhỏ bị ngã trông hơi buồn cười. Cái kiểu tập tễnh mà vẫn muốn ngồi xe. Hẳn là mấy thím nghĩ lãng mạn lắm. Thời tiết se lạnh. Mưa phùn lất phất. Giữa khung cảnh úa tàn và heo hút của lá tàn rơi, một đóa hoa vừa chớm nở. Người trước, kẻ sau. Nhưng thực tế thì còn một đoạn chốt tuyệt dời của tôi nữa: "Thôi… thôi… Lên xe bố chở. Hôm sau trả tao tiền công."

---

Cách đây một năm tôi gặp lại bác gái ở phần mộ của nhỏ. Trông tiều tụy và già đi hẳn. Mới đầu, bác còn bỡ ngỡ không biết tôi là ai, nhưng nhìn một hồi thì giật mình nhớ gì đó, rồi chạy về xe. Một lát sau bác quay lại với một quyển sổ nhỏ, có lẽ nó vẫn luôn để ở đó, cho khoảnh khắc này. 

"Là con phải không?"

Tuy hơi khó hiểu, nhưng sự nghẹn ngào và vương vấn ấy khiến nhận ra nhiều điều. Thì ra là di sản của nhỏ. Tôi nhận lấy. Đó một cuốn nhật ký cũ mèm.

Sau này tôi cũng chả dám đọc và đốt nó đi. Tưởng chừng những vướng bận sẽ theo tro khói mà bay đi mất. Nhưng không, đã lỡ uống nhầm một ánh mắt, say đắm suốt nửa cuộc đời. 

Bình luận (6)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

6 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
TRANS
Không có căn lề T__T
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
TRANS
@An Nhiên Hạ Huyệt: Những câu đề từ nên căn giữa. Lời mở và lời kết căn lề phải nữa là chuẩn bài T__T
Xem thêm
"Gặp mặt, chia ly,...
Cùng nhau chia sẻ cả niềm vui và nỗi buồn.
Con người là những sinh vật phức tạp.
Nhưng cậu biết đó...
...qua thời gian, những cảm xúc đó dần trở thành cái gọi là kí ức.
Không có những kí ức đó...
...có lẽ là điều buồn bã nhất đối với mỗi con người."
-Sakomizu Shingo
Xem thêm
".....cứ đến giờ ra chơi là nó lại bén bảng đến chỗ tôi ngồi....." cho tôi hỏi "bén bảng" là gì nhỉ?
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
TRANS
Ha ha... Bén mảng. T nhầm.
Xem thêm