Vào một buổi chiều muộn, khi tôi cùng bà vừa ăn xong bữa chiều, bố tôi bỗng trở về với một vẻ mặt tươi rói như mới bắt được vàng.
“An,” bố gọi tôi từ tận cổng. “Lại đây.”
“Có chuyện gì vậy bố?” tôi hỏi lại.
“Lại đây.”
Bao giờ cũng vậy, bố luôn gọi tôi đến trước mặt rồi mới nói như thể nếu nói vọng từ xa ngôn từ sẽ đi lạc mà không đến được chỗ tôi, bất cứ chuyện gì cũng thế kể cả chuyện bé như con muỗi.
“Bố có chuyện gì thì cứ nói đi, con nghe được mà.”
“Bảo lại đây thì cứ lại đây,” giọng bố đanh lại. Rốt cục thì tôi cũng phải ra chỗ bố để xem bố định nói cái gì hay khoe cái gì.
“Con gì thế bố?” tôi hỏi ngay khi thấy con vật đứng trước mặt mình. Nó có bộ lông màu nâu xám phủ khắp cơ thể, chỉ phần lông bụng là màu trắng. Đôi tai nó ngỏng về phía trước như tai thỏ. Trông nó giống con ngựa, nhưng nhỏ và ngố hơn con ngựa mà tôi thấy ở nhà chú L. Nhà chú có nuôi một cặp ngựa nâu. Thi thoảng chú phi ngựa ra thị trấn để mua hàng hóa thực phẩm các thứ. Cứ mỗi dịp như thế bà tôi cũng nhờ chú mua hộ vài thứ: kim chỉ, vải vóc hay thịt ba chỉ.
“Bà ơi ra xem cái này nè,” tôi gọi to vào trong nhà.
“Dắt vào nhà đi con,” bố tôi nói và đưa sợi dây cho tôi cầm.
“Nó là con gì vậy bố?” tôi hỏi, và nhận lấy sợi dây.
“Là con lừa,” bố tôi nói.
“Con lừa,” tôi nhắc lại, và bất giác bật cười. Đó là lần đầu tiên tôi biết một con vật có cái tên buồn cười đến thế. “Nó hay lừa người ta lắm hay sao hả bố?”
“Không đâu,” bố tôi nói.
Tôi dắt con lừa vào đến sân, con Mực sủa ầm lên khi thấy con vật lạ. Nó chạy lăng quăng khắp sân thi thoảng chạy lại hửi hửi rồi bật ra xa giữ khoảng cách.
“Bà ơi, ra đây xem con này nè. Hay lắm,” tôi gọi vọng vào trong nhà.
Một lúc sau, bà tôi bước ra.
“Ai cho vậy?” bà tôi hỏi như vậy sở dĩ bà biết ai đó đã cho bố con lừa chứ không thể có chuyện bố mua nó.
“Ông … cho,” bố tôi đáp.
Tôi không nhớ tên ông ta. Sau này, tôi đã đến nhà ông ta chơi một lần. Sở dĩ, ông ta hào phóng cho bố tôi con lừa đó là bởi ông ta có một trang trại ngựa lớn như thể mấy trang trại trong phim cao bồi miền viễn tây. Lần ấy, tôi chỉ thấy ngựa chứ không có con lừa nào. Tôi cũng chẳng hỏi tên ông ta.
Bố tôi nhốt tạm con lừa vào nhà tắm lộ thiên bên hông nhà. Tôi muốn vuốt ve bộ lông của nó, ôm ấp nó như cái cách tôi vẫn làm với con Mực nhưng bố tôi không cho.
“Không được đâu. Nó đá lủng ruột,” bố tôi nói.
“Ừ, phải đó,” bà tôi nói thêm.
Nếu cả hai đều nói thế thì tôi đành chịu. Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi đến nửa đêm mới ngủ được, giống y hệt lúc bố đem con Mực về. Tôi hỏi bố định làm gì với nó nhưng bố úp mở không nói. Nhìn mặt nó thì có vẻ nó chẳng biết trông nhà rồi.
Từ đó mỗi sáng, tôi và bà ra đồng cắt cỏ mang về cho nó ăn. Tôi đặt tên cho nó là Khoai Lang. Thi thoảng, tôi cho nó gặm thử mấy củ khoai lang đào được ở ngoài vườn. Nó gặm như chuột vậy.
Một buổi sáng nọ, bố dắt con lừa ra sân và đặt lên lưng nó một cái yên ngựa (đáng ra phải gọi là yên lừa) được đan bằng mây và phủ lên một lớp vải cũ lấy từ những chiếc áo cũ. Sau khi đã buộc xong dây rợ chắc chắn, bố xốc nách tôi lên và đặt lên lưng con lừa.
“Bám vào cái gờ,” bố tôi nói.
Tôi làm theo lời bố nói, rồi bố tôi cầm lấy sợi dây cương và dắt con vật chậm rãi bước đi. Sau một lúc khi đã quen, hai bố con tôi cho con lừa thử đi lên dốc rồi xuống dốc. Tôi ngồi trên lưng nó, bám chặt vào yên, nghiêng người một chút ra phía sau khi nó xuống dốc, và gập người ra phía trước khi lên dốc.
Hai bố con cứ cách vài ngày lại tập tành cưỡi lừa như thế cho đến hết mùa mưa mà tôi vẫn không biết làm thế để làm gì. Cho đến ngày, tôi phải quay lại trường.
Năm ấy, tôi lên lớp hai. Ngôi trường nằm ở trên một đỉnh đồi cách nhà chừng bốn cây số. Thực ra ban đầu tôi không phải đi xa đến thế. Ngôi trường cũ chỉ cách nhà khoảng hai cây số. Vị trí khá tiện ngay ở trung tâm làng nhưng sau cùng thì mọi người cũng quyết định rời trường đến nơi khác.
Ngôi trường cũ nằm gần một cây đa ngàn năm (thực ra mọi người chẳng biết rõ tuổi của cây đa mà chỉ đoán dựa trên kích thước của nó). Cái cây thực là to lớn. Gốc cây to chừng mười người ôm không xuể, tán lá bao phủ một vùng. Ở làng, gần như ở bất cứ đâu cũng có thể nhìn thấy gốc đa. Cái cây trông như một khu rừng khổng lồ được tạo thành từ hàng ngàn cái cây khác đan vào nhau. Đứng bên dưới tán cây vào những ngày nắng chói chang nhất vẫn cảm thấy mát rười rượi. Khi có gió thổi qua, những nhánh cây đu đưa kêu lên răng rắc như xương gãy.
Năm ấy, trời mưa như chưa bao giờ được mưa. Con đường làng đi xuyên dưới tán cây bị ngập và biến mất không dấu vết. Nước tràn vào trường. Nước sẽ chẳng chịu rút đi cho đến tận tháng mười, tháng mười một nên các giáo viên đề nghị chuyển đi một nơi khác. Tôi nghĩ đó chỉ là một phần, lý do chính là do cây đa có ma.
Tất nhiên, tôi chỉ nghe người ta đồn chứ không biết thực hư thế nào. Những giáo viên dạy tôi đều từ xa đến. Làng tôi không có trường cho đến khi lớp trẻ đầu tiên ở làng đủ tuổi đi học. Người lớn trong làng mới tập hợp lại, xẻ gỗ từ rừng sâu để xây nên ngôi trường. Và mời những giáo viên từ các thị trấn bên cạnh đến dạy. Bọn họ ở lại trong một ngôi nhà gỗ bên cạnh trường. Có lẽ ban đêm họ thấy thứ gì đó nên mới yêu cầu như vậy. Tôi nghe người ta nói còn thấy cả cá bơi trong đầm lầy.
Dù sao thì đi xa một chút còn hơn không được đến trường. Nhưng quả thực mọi chuyện không dễ dàng đến thế. Mùa nắng thì không nói làm gì, nhưng mùa mưa thì đúng là thảm họa.
Đường làng chỉ là một con đường mòn đi nhiều mà thành. Vào mùa mưa, con đường biến thành một bãi lầy không hơn không kém. Hồi đó tôi mới chỉ là một cậu nhóc bảy tuổi chứ không phải vận động viên đường trường. Mặc dù trường buổi học thường bắt đầu vào đầu giờ chiều, tôi vẫn phải chuẩn bị mọi thứ từ sáng sớm. Giờ quãng đường dài gấp đôi tức là tôi phải đối mặt với gấp đôi vấn đề và chướng ngại vật.
Bố thường đi học cùng tôi. Bố đeo một chiếc ủng màu nâu, còn tôi thì đeo ủng màu đỏ của bà. Ống ủng cao đến tận hạ bộ. Tôi hầu như đi bộ toàn bộ quãng đường, bố chỉ cõng tôi qua những vũng lầy quá rộng và sâu. Nhưng đôi khi vũng lầy rộng cả nửa cây số, đã mất công cõng tôi trên lưng bố cõng luôn tôi đến trường.
Có vài lần bố trượt chân, cả hai té nhào xuống bãi lầy. Quần áo, người ngợm biến thành màu đỏ chói như vừa đổ sơn lên người. Nhờ vậy, tôi đã biết được vị đất là thế nào. Thực ra nó chẳng có vị gì mà chỉ lợn cợn trong miệng, nhổ mãi không hết vị ghê ghê ở đầu lưỡi.
Chuyện đó không xảy ra thường xuyên lắm nhưng lúc nào bố cũng mang theo một bộ quần áo sơ cua cuốn trong mấy lớp nilon.
Cả năm lớp hai tôi đến trường trên lưng Khoai Lang. Lúc đó tôi mới biết mục đích bố đem con lừa về là để làm gì. Nhưng tôi có một điều hơi tiếc nuối là chỉ có mình tôi ngồi trên lưng con lừa một cách thoải mái và thong thả còn bố thì vẫn phải đi bộ, phải cẩn thận tránh né những bãi lầy chực chờ hãm hại người đi đường.
Tôi từng thấy hai người cưỡi chung một con ngựa trên tivi.
“Hay bố lên đây ngồi với con,” tôi nói thế trong một lần nào đó.
“Nó không chịu nổi đâu. Lưng nó gãy mất,” bố tôi nói và mỉm cười.
Hồi đó, tôi không biết giới hạn tối đa của một con lừa là bao nhiêu. Thân hình con Khoai Lang chắc chỉ bằng một nửa con ngựa nhà chú L. Nhưng tôi không nghĩ nó chỉ khỏe bằng một nửa con ngựa. Bố tôi cũng thuộc loại khá gầy gò, với chiều cao hơn một mét bảy thì trông như gió có thể thổi bay bất cứ lúc nào.
“Mai mốt lớn lên con sẽ mua cho bố một con ngựa” tôi nói, trong một giây cao hứng.
“Mua xe máy hay hơn đó,” bố tôi nói. “Nhưng sao cũng được. Quan trọng hơn hết là con phải tự mình bước trên đôi chân của mình.”
Tôi không hiểu bố muốn nói gì, có thể một ngày nào đó người ta lấy lại con lừa chăng? Tôi không biết và cũng không muốn biết.
Hàng ngày bố vẫn miệt mài dắt tôi đến trường, nhờ vậy tôi không còn phải nghỉ học thường xuyên và nếm mùi đất nữa. Kết thúc học kì một, tôi nhận được giấy khen loại khá và bước vào kì nghỉ Tết. Ngay trước Tết mấy ngày, tôi nhận được một tin không biết nên vui hay nên buồn nữa. Ngôi trường mới xây trên đồi bị một trận vòi rồng quét qua. Mái nhà bị gió cuốn tận chân trời, người ta tìm thấy mấy mấy tấm tôn cách đó mấy chục cây số.
Mọi người trong làng họp bàn xem có xây lại trường hay không. Sau cùng, mọi người thống nhất không xây lại. Bởi vì dạo ấy, cả làng nằm trong vùng quy hoạch thủy điện. Đằng nào hai ba năm nữa cũng phải dọn đi nơi khác, tốt hơn hết là cho chúng tôi đến theo học những ngôi trường chắc chắn hơn.
Qua Tết mấy đứa trẻ trong làng khăn gói chuyển đến học ở các trường tiểu học lân cận. Bố tôi thuê một căn nhà ngay sau trường để tôi khỏi phải đi học xa nữa.
Tôi gặp Khoai Lang vài lần khi có dịp về nhà cho đến khi dự án thủy điện hoàn thành. Lúc đó tôi đã lên cấp hai và cả nhà tôi chuyển đến nơi khác sống. Bố tôi tặng Khoai Lang cho chú L vì không thể mang nó theo được. Và tin vui là Khoai Lang vẫn còn sống, sống khỏe nữa là đằng khác. Nó có vài đứa nhóc trông giống nó ý như đúc.
0 Bình luận