“Cháu biết không, có lần ông đã trông thấy một con cá voi bay trên trời đấy.”
Ông thường bắt đầu một câu chuyện mới như thế..
“Nó to hơn cá voi bình thường rất nhiều. To bằng một quả khinh khí cầu quảng cáo - cháu biết cái thứ người ta thả bay trên nóc nhà trung tâm thương mại trên phố chứ? Nó to hơn bất kỳ sinh vật nào ông từng thấy, hơn cả con gấu nâu ông từng đánh bại ở Alaska. Và nó có hai cánh lớn - mỗi cánh dài đến mười dặm! Gió cuộn thành cơn lốc sau mỗi cú vỗ cánh của nó. Ông tự hỏi làm sao một sinh vật có thể to lớn đến nhường ấy nhỉ?”
Ông ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ, nhưng tôi thừa biết ông chỉ chờ một phản hồi từ tôi để cho thấy tôi vẫn đang nghe ông nói.
“Cháu không biết ạ.”
Ông làm vẻ mặt đắc thắng như vừa trúng xổ số. “Ông đoán là do oxy, cháu biết sinh vật sẽ càng to lớn khi nhận được càng nhiều oxy chứ? Vậy nên bọn khủng long trong phim mới to đến thế - thời xưa không khí trong lành là thứ ít xa xỉ hơn ngày nay rất nhiều. Một con cá voi bay trên trời có thể hít thở bao nhiêu không khí tùy thích.”
Ông hào hứng vung tay khiến sợi truyền dịch va phải tay tôi.
Ông luôn thích kể chuyện. Những câu chuyện lố bịch và buồn cười kiểu như ‘tôi từng vật sumo thắng một con gấu nâu’ hay ‘tôi bắt gặp một con Nessie khi đang bơi 100 vòng quanh hồ’. Ông kể với bất kỳ ai chịu dành ra vài giây để nghe. Những câu chuyện của ông không hề có biên giới. Chúng có thể diễn ra ở Mỹ, New Zealand hay thậm chí là Bắc Cực xa xôi. Nơi nào ông cũng bảo mình từng đến và tham gia vào đủ chuyện phiêu lưu kỳ quặc. ‘Tôi đã đi khắp thế giới và thấy rất nhiều điều phi thường,’ ông thường tự hào mà nói oang oang như thế.
Tôi biết các bệnh nhân và y tá ở đây gọi ông thế nào. Lão già điên. Tôi đã phải nghe hàng tá những lời như thế. Có vẻ họ không cho là cần thiết phải giữ mồm miệng bên cạnh một đứa trẻ con. Mà nào chỉ mỗi họ. Lũ trẻ quanh đây cứ hễ thấy tôi là lại hú hét như lũ khỉ: “Ê cháu của lão già điên đến kìa!” Tôi thừa biết chúng lấy đâu ra những lời độc địa đó. Cả khu phố không thiếu những người nói toẹt ra rằng chúng ta nên tống ông vào trại tâm thần. Ngay cả những người tử tế nhất cũng đôi lần bóng gió về chuyện đó.
Người phải chịu đựng nhiều nhất có lẽ là ba mẹ tôi và tôi, những người sống chung nhà với ông. Không ít lần chúng tôi đã phải nghe những lời phàn nàn từ hàng xóm. Những lúc buồn chán, ông lại đi rảo bước dọc con phố, tóm lấy một đứa trẻ (đôi khi là cả người lớn) đi ngang qua. Một số bậc cha mẹ cho rằng những câu chuyện của ông đầu độc đầu óc lũ trẻ, khiến chúng mơ tưởng đến những thứ viển vông và xa rời thực tế. Không ít lần mẹ bảo ba phải làm sao cho ông thôi cái trò ấy đi. Và mỗi khi căng thẳng trong nhà lên đến đỉnh điểm, ông lại một hai hứa rằng sẽ không làm thế nữa, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy.
Ngày ông nhập viện, cả khu phố mừng ra mặt. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như bình thường: những người lớn chào hỏi nhau trên đường đi làm, các bà nội trợ hò hét trả giá trước tiệm rau, từng tốp cụ ông cụ bà kéo nhau ra công viên tập thể dục, lũ trẻ túa ra đường như bầy ong vỡ tổ, lăn lê một cách hào hứng trên những vỉa hè ngập nắng. Già trẻ ai nấy đều chẳng buồn giấu đi vẻ nhẹ nhõm trên mặt như thể vừa thoát khỏi hàm một con cá mập.
Vì đang là kỳ nghỉ hè, nên tôi được giao nhiệm vụ thăm nom ông. Ba mẹ hẳn nghĩ ông rất thoải mái với việc này, vì ông thương tôi nhất. Chỉ mình tôi chịu lắng nghe những câu chuyện ông kể. Trong thâm tâm, tôi cũng ngán công việc này đến tận xương. Có lần tôi định nhắc lại với ba mẹ chuyện thuê người chăm sóc ông. Nhưng cứ nhớ lại đôi mắt ầng ậng nước, sáng lấp lóe vì mong chờ của ông, lời lẽ trong tôi cứ như tan biến đi đâu mất.
“Cháu biết không…” - Mỗi khi nghe câu đó, tôi lại lật xấp giấy đặt sẵn trên đùi mình, vuốt thật phẳng rồi lấy cây bút trong túi áo ra. Ông đưa ra yêu cầu kỳ quặc đó vào một hôm tôi đến thăm. Ông muốn tôi ghi lại từng câu chuyện ông kể. Ông bảo một ngày nào đó rồi ông sẽ chết, nhưng những câu chuyện này là cả cuộc đời ông. Linh hồn của ông tồn tại trong chúng, và ông muốn tôi giữ cho chúng sống mãi. Tôi chẳng thích thú gì chuyện ngồi trong phòng bệnh nồng nặc mùi thuốc khử trùng để viết lại những lời lẩm cẩm của một ông già, trong khi đám bạn đang chạy nhảy đến vã mồ hôi ngoài sân bóng.
“Cháu biết không, có lần ông bị trộm mất xe khi đi qua một cánh đồng nọ. Lúc ấy trên người ông không một xu dính túi, tất cả đồ đạc mang theo đều ở trên xe cả. Ông đi lang thang như một kẻ mất hồn, bụng lép kẹp và họng thì khô khốc như miếng bánh mì để lâu ngày. Chính lúc đó ông nhìn thấy một ngôi nhà. Ông mò đến đó định xin ít nước hoặc thứ gì đó bỏ bụng, nếu họ có lòng. Và ông đã nhìn thấy cảnh tượng đáng kinh ngạc nhất trong mọi điều ông từng chứng kiến.”
Như mọi khi, đến đoạn này ông ngừng lại, chờ tôi. Tôi phải cố gắng nặn ra một nụ cười thích thú.
“Chuyện gì thế ạ?”
“Một đám đông người đang vây quanh lấy một con dê. Con dê còm cõi, già nua, xấu xí nhất ông từng thấy. Trông nó như một miếng giẻ lau xám xịt loang lổ bị vắt kiệt. Mớ lông xám rụng tả tơi, trơ ra những mảng da nhẵn thín. Đám đông đang la ó chỉ trỏ, con vật tội nghiệp thì rúm lại, mắt nhìn quanh lấm lét. Ông thấy bất nhẫn. Ông hỏi vì sao mọi người lại tức giận với một con vật thảm hại như thế. Một người trong số họ bảo ông:
‘Con dê này thật vô dụng. Nó chẳng chịu cho sữa để làm pho mát nữa. Nếu không có pho mát sữa dê để bán, chúng tôi sẽ không có tiền, già trẻ ở đây sẽ chết đói cả mất.’
‘Vậy thì thịt nó đi! Nó chẳng còn giá trị gì nữa.’ Một người khác nói thêm vào.
‘Nó chẳng còn bao nhiêu thịt. Ta hãy đem nghiền nó thành xúc xích ấy.’ Lại có tiếng nói đâu đó.
Con dê không hiểu họ đang nói gì. Nó vẫn trưng ra đôi mắt tròn như hòn bi ve một cách vô tội. Ông thấy tội nghiệp nó. Ông bước tới, vỗ lên đầu nó và nói: ‘Dê à, nếu mày không muốn chết, hãy cho ta sữa.’ Rồi một chuyện không thể tin nổi xảy ra. Từ vú dê, dòng sữa đục tuôn trào như nước từ vòi phun mà không cần ai vắt. Đám đông hò reo hân hoan. Họ sắp có tiền rồi. Họ thoát chết rồi. Sữa tràn ra mỗi lúc một nhiều, cả đồng cỏ lênh láng thứ nước nồng nặc mùi ngai ngái của sữa mới. Đám người kia mặc kệ quần áo bẩn mà quỳ cả xuống đất, húp lấy húp để thứ sữa ngon lành. Ông ngạc nhiên đến sững sờ, quên cả húp. Có lẽ chính điều đó đã cứu mạng ông. Vì sau khi ai nấy bụng đã no căng sữa dê, họ không thể đứng lên nổi mà cứ bò mãi trên đất bằng bốn chân. Và rồi từ miệng họ không còn phát ra tiếng người nữa mà chỉ có những âm thanh be be ngắt quãng. Chỉ một thoáng, ông bị vây quanh bởi cả một bầy dê-người. Con dê còm nhìn ông một lúc lâu rồi bỏ đi. Đến giờ ông vẫn không biết nó đang ở đâu.”
Ông khép mắt lúc tôi đặt bút ghi dòng cuối cùng của câu chuyện này. Tôi chẳng dành nhiều thời gian nghĩ về nó hơn bất kỳ câu chuyện nào khác từng nghe từ ông. Cũng chỉ là một chuyện tưởng tượng khác thôi mà.
Một tuần sau đó ông mất. Đám tang tổ chức kín đáo, nhưng người đến dự nhiều hơn tôi nghĩ. Cả những người hàng xóm và lũ trẻ từng dè bỉu ông cũng đến nhìn sự ra đi của con người kỳ lạ nhất khu phố. Tôi không thích ông mấy nhưng vẫn thấy một sự trống vắng kỳ lạ khi thiếu ông. Tôi nhớ những lúc ông nằm trên giường, tay cắm ống truyền dịch, miệng không ngừng kể những câu chuyện tưởng tượng. Hình như thứ gì đó vừa mở cửa một con đập trong cơ thể tôi, nước mắt tôi không hiểu sao cứ tuôn mãi không ngừng.
Tôi ngạc nhiên khi biết ông để lại di chúc. Ông chẳng có vẻ gì là người lo xa đến những chuyện tỉ mỉ như thế. Mọi người không nói nên lời trước khối tài sản lớn ông để lại. Không ai biết ông đã làm công việc gì trước đây. Cuối tờ ghi chúc, ông ghi rõ:
“Tài sản của tôi được chia đều cho tất cả những ai đến dự đám tang tôi, và lắng nghe những câu chuyện của tôi không sót một từ nào, do cháu trai duy nhất của tôi kể lại.”
Thế là mọi người đẩy tôi lên trước quan tài ông. Tôi đứng trơ như phỗng, tay cầm xấp giấy. Những khuôn mặt vàng vọt bên dưới ngước nhìn tôi, chờ mong. Tôi không muốn nhìn họ thêm. Tôi liếc sang ông. Khuôn mặt ông mờ đi sau lớp kính phủ quan tài, trên khóe môi mím chặt hình như thoảng một nụ cười. Ông đã biết trước chuyện này. Từ đầu đến cuối tôi chỉ là quân cờ trong tay ông. Quân cờ phải đi theo con đường được vạch sẵn.
Tôi bắt đầu đọc. Tiếng tôi vang to khác thường trong bầu không khí nghiêm trang.
“Tôi từng trông thấy một con cá voi bay, nó to hơn bất kỳ thứ gì …”
Như thể ai đó vừa rút hết ánh sáng trong nhà. Có tiếng xì xầm vang lên.
“Gió cuộn thành cơn lốc sau mỗi cú vỗ cánh…”
Những ngọn nến trên bàn thiêng nghiêng hẳn về một bên rồi phụt tắt. Tiếng càu nhàu, la ó hòa vào nhau trong bóng tối. Người ta xô đẩy nhau trên lối đi dẫn ra ngoài. Chẳng ai buồn nghe nữa. Tôi cũng chạy theo. Đám đông người tụ thành nhóm trước cửa nhà tang lễ, họ chỉ trỏ lên trời, những đôi mắt từng chỉ biết nhìn mà không thấy đang trợn trừng trong nỗi kinh hoàng.
Tôi ngẩng đầu lên. Gió táp vào mặt khiến tôi phải nheo mắt lại. Tôi thấy thứ họ đang nhìn. Tôi nhớ lại nét cười trên khuôn mặt xác chết của ông. Môi tôi tự nhiên cũng kéo thành nụ cười.
Không biết họ sẽ nghĩ gì khi tôi kể họ nghe chuyện về con dê và món pho mát sữa?
09.8.23
0 Bình luận