Nửa tỉnh nửa mơ
Bé Vỉa Internet
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Oneshot

3011

2 Bình luận - Độ dài: 5,105 từ - Cập nhật:

Một buổi sáng không có gì lạ.

Chàng trai rời khỏi cơn mơ để đến với cuộc sống thực tại. Trước mặt anh ta là ánh sáng mặt trời và một cành cây đương lúc đâm chồi nảy lộc. Một vài giọt sương còn đọng trên những chiếc lá xanh mướt, nhưng rồi cũng sớm phải đáp xuống mặt bê tông khô khốc kia. Một chú chim sẻ đậu trên cành, đôi mắt đen láy hướng về chàng trai một cách thật tình cờ làm sao. Và theo một cách ngẫu nhiên, chàng ta cũng nhìn về phía nó, trong đầu tự vẽ một bức tranh thật đẹp về anh và cảnh. Đó hẳn phải là một đồng cỏ thơm dịu hương các loài hoa cùng nền trời xanh thẳm. Và chú chim sẻ ở đó, đứng yên trước cái cây chỉ có duy nhất ba cành lá.

Thật đẹp làm sao.

Nhưng tiếc thay, khi mới vẽ được phân nửa thì đã có sự cố xảy ra. Từ trên bầu trời, những tia sét đánh thẳng xuống đồng cỏ, tạo nên những vết gạch trắng xóa. Tâm trí chàng trai bỗng trở nên bất an. Anh vội vàng dụi mắt, nhìn lại vào cành cây. Chú chim sẻ đã biến mất tự bao giờ, như cách nó tìm đến cành cây này vậy.

Căn trọ mà anh chàng này đang ở tuy không phải quá ngăn nắp, song cũng không đến mức bừa bộn. Một chiếc giường đặt cạnh cửa ra vào nhà vệ sinh, phủ chiếu và một tấm chăn đã được gập vuông lại. Chiếc bàn xếp đặt ở giữa phòng, phía trên đặt đầy những vỏ thuốc và chai nước khoáng chưa kịp dọn. Những chiếc hộp bằng bìa các tông màu trắng, phía trên có in đủ dòng chữ bằng tiếng Anh được vứt ở góc phòng, lâu dần tụ lại thành một đống cao đến bụng. Tuy vậy, chàng trai chẳng hề có ý định dọn chúng, vì ít ra chúng cũng không làm ảnh hưởng đến lớp gạch men lát sàn.

Trước gương, chàng trai là một thanh niên trẻ, nhưng lại thiếu sức sống. Đôi mắt lúc nào cũng vô hồn và một màu, miệng thì không nhếch lên nổi một ly. Thật không giống một người trẻ điển hình chút nào. Bởi vậy nên mỗi khi ra đường, anh ta luôn cố gắng làm cho bản thân được hoạt bát nhất có thể, hay nói cách khác là không ngớt mồm cười nói.

Sau một hồi hì hục đánh bóng hàm răng của mình trong nhà vệ sinh, chàng trai bước ra với một chiếc áo sơ mi trắng, kèm theo quần Âu. Tuy nhiên, chỉ khi vừa rời khỏi cửa, một sự việc đã thu hút sự chú ý của anh: Cái van vòi của bồn rửa mặt vẫn chưa được khóa. Như thường lệ, anh ta khóa nó và coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Nhưng không, có một thứ ma lực gì đó đang điều khiển anh vậy, cánh tay ấy vươn tới cái van vòi và mở lên. Dòng nước lại chảy xuống bồn. Trước thứ âm thanh ấy, chàng trai sững sờ. Anh liên tục dùng tay đóng, rồi lại mở vòi. Và cho tới khi anh ta hoàn toàn có thể đóng hẳn cái van ấy, không một giây nào phổi anh được phập phồng một cách tự nhiên. Nó như thể đang bị bóp nghẹt vậy. Ánh mắt chàng ta bỗng trở nên thất thần, không hề giống với anh vài phút trước. Chàng trai dần lui khỏi căn phòng một cách chậm rãi, đôi mắt nhắm tịt lại, luôn miệng thầm nhủ “vòi đã được đóng lại rồi”.

Như thường lệ, anh chàng mở sẵn cuốn nhật ký ra và để nó sẵn trên giường. Trên trang giấy đã ngả vàng, anh viết ngày tháng năm đầy đủ, sau đó đặt cây bút bi trên đó. Đó là cách anh mở đầu một ngày mới, tiếp đến mới là khóa cửa nhà.

Trên chuyến xe buýt tới trường đại học, chàng trai không thôi nhìn về phía bên ngoài. Ấy là con phố gần như đã bị xâm chiếm bởi xe con và xe máy, trong khi chiếc xe buýt anh đang ngồi đây bị xem như một tên ăn chặn. Tiếng còi vang lên ầm ầm, tưởng như có thể đánh thức cả những con sâu ngủ khét tiếng nhất. Ở hai bên con đường, dễ thấy những hàng quán đã vào giờ mở cửa. Chàng trai nhìn vào điện thoại và ồ lên, sớm thật, mới đó mà đã bảy giờ rồi. Những ngôi nhà mái cao mái thấp, tôn ngói đủ cả, sơn hai tông màu hiện lên trước phố như một minh chứng sống của cuộc sống thành thị, trái ngược với những gì chàng trai cảm thấy. Không phải vì anh muốn tránh xa sự nhộn nhịp ấy, mà đơn giản là im lặng trong một khoảnh khắc giúp anh suy nghĩ thông suốt hơn.

Chỉ trong có nửa tiếng, chiếc xe buýt đã dừng lại trước cổng trường. Anh chàng xuống xe và dừng lại trước bến, hình như có điều gì đó muốn nói.

“Tên mình.”

Anh vừa chớp mắt vừa nói.

“V.”

Ngay tại khoảnh khắc ấy, anh lắc thật mạnh cái đầu để ngăn những dòng suy nghĩ kỳ lạ ập đến. Mỗi sáng phải thức dậy sớm đã là một điều quá mệt mỏi rồi, anh không cần thêm bất cứ một thứ gì nữa.

Vừa đi vào trong trường, anh chàng vừa suy nghĩ. Đây là một việc hết sức bình thường đối với anh. Mục đích của điều này cũng đơn giản thôi. Từ khi bản thân không thể nhớ được quá nhiều thứ chỉ để tổng hợp lại chúng vào cuối ngày, nên anh sẽ vừa đi vừa miêu tả lại sự vật, sự việc xung quanh, tối về chỉ việc ghi chép lại là xong. Và hôm nay, mọi thứ bắt đầu từ cổng trường.

“Ngày hôm nay, con đường dẫn vào trong trường thật nóng nực làm sao. Hai hàng cây cũng không thể rợp bóng hết những tia nắng chói chang ấy. Thật là nực cười khi đã vào hè rồi mà bản thân vẫn phải đến chỉ vì một cái việc cỏn con. Mang chứng chỉ đến cho phòng đào tạo đối soát sao? Thời đại nào rồi mà còn hành sinh viên vậy, đáng ra anh ta đã có thể yên vị một giấc ở nhà, sau đó đăng vài bức hình để chứng minh lên đã là ô kê la rồi. Nhưng sao? Chẳng làm sao hết.”

Một cơn bực dọc ngay buổi sáng sớm. Phải, không ai muốn đi vào phòng đào tạo giữa cái tiết trời oi bức này cả, lại nắng cháy da cháy thịt nữa, đến người làm công ăn lương cũng phải bọc mình như củ khoai tây nướng thì mới an tâm mà làm việc được, sao mà chịu nổi?

Ngôi trường nơi V học tương đối rộng. Ngay từ con đường vào thôi đã dài cả cây số rồi. Nhưng bù lại là phong cảnh rất đẹp và thoáng đãng, gần như không có chút chất bẩn nào. Đi đâu cũng thấy toàn cây là cây, phải một quãng dài lắm mới thấy được các công trình như nhà khách công vụ hay vài quán cà phê con cóc. Từ cây số thứ hai trở đi, những giảng đường dài hàng mét bệ vệ trước khoảnh đất được phân lô từ trước.

Mất một lúc lâu thì V mới đến được nhà công vụ, nơi đặt văn phòng đào tạo. Đó là một tòa nhà được xây theo kiến trúc hiện đại, trước cửa có đài phun nước, nom khá thú vị. Nhưng V không thèm để tâm tới vẻ đẹp ấy mà bước vào tòa nhà luôn, rồi lại cắm mặt leo lên thang bộ.

“Thì ra là đây, phòng đào tạo. Mình nhớ lần cuối đến chỗ này chắc là vào năm ngoái.”

V đứng trước cửa phòng đào tạo, rồi ngân nga một giai điệu gì đó. Nó trầm bổng nhưng lại hỗn loạn vô cùng. Từng nốt nhạc bị chắp vá như thể chúng được lấy từ từng bài không cùng thể loại, sau đó ghép thành một mảnh giấy chắp vá. Phải mãi một lúc sau, khi nhận ra bản thân đã không còn gì để có thể tự làm vui lòng mình nữa, V mới mở cửa tiến vào phòng. Anh ngồi trước dãy bàn đầu của phòng, sau đó bắt đầu đặt vấn đề với nhân viên trực tại đó.

“À, chào cô, hôm nay em muốn làm thủ tục miễn thi học phần ngoại ngữ ạ.”

“Được thôi, em có mang theo chứng chỉ bản công chứng không?”

Nữ nhân viên nhìn V trực diện với ánh mắt nhạt nhòa. Thật là khó xử làm sao, V thầm nhủ, nhưng bằng một cách nào đó mà anh vẫn có thể cười gượng được trước câu trả lời ấy. Hẳn là thần linh đã cứu chàng trai một phen.

Sau một hồi xem xét tờ chứng chỉ mà V mang theo, nhân viên phòng đào tạo đưa cho anh một tờ giấy kèm theo cây bút, nói:

“Bây giờ em điền đầy đủ thông tin vào trong tờ xin chuyển đổi này, chữ ký trưởng bộ môn không cần phải xin đâu. Viết xong thì tự ký và ghi lại số điện thoại nhé.”

“Vâng.”

Nói rồi V bắt đầu viết. Theo như những gì bản thân tham khảo được từ các tiền bối, kết hợp với trang thông tin của nhà trường thì anh sẽ được miễn ba học phần. Ba học phần, mỗi học phần tương ứng với hai tín chỉ, vị chi tổng là sáu tín chỉ. Ngoài ra, bảng điểm cũng được phê vài con điểm tốt. Đời đi học chưa bao giờ V dám nghĩ tới chuyện xin, chứ đừng nói được miễn, vậy mà hôm nay lại được làm như vậy. Xét theo quy mô của cả khóa học, đó là một bước tiến lớn. Phần lớn sinh viên của trường này đều phải học lại tiếng Anh từ đầu, mà điều đó lại khiến họ phải bỏ ra quá nhiều thời gian, gây ảnh hưởng tới sức học. Vì thế nên tính ra đây là một món hời.

Không cần suy nghĩ nhiều, V điền ngay tên học phần được miễn theo quy định. Chỉ mất có vài phút, mọi thứ đã xong. Chữ ký to, tròn và uốn lượn theo nét bút được biên thẳng lên tờ giấy, kèm theo số điện thoại. V đứng dậy và nộp tờ giấy đó cho nhân viên phòng đào tạo. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Anh cần phải chờ cô ta gọi về cho trưởng khoa để xin xác nhận, sau đó nhập vào hệ thống thì mới coi như hoàn tất.

Và rồi, đôi mắt V chạm mặt người ấy. Chỉ một giây vô tình quay về bàn bên thôi.

Đó là một nữ sinh rất trẻ, có vẻ như là năm nhất. Nhưng đôi mắt cô ấy như đượm một nỗi buồn. Khi nhìn kỹ hơn, V có thể thấy đôi tay thon thả của cô đang viết một tờ đơn, với dòng tựa “đơn xin rút hồ sơ”. Thật bất ngờ làm sao, nhưng cũng không đến nỗi khiến V phải sững sờ. Bởi vì anh cũng đã từng có những suy nghĩ như vậy.

“Ơ, tại sao tự dưng mình lại muốn bắt chuyện với cô ấy nhỉ?”

Đột nhiên, trong lòng V có những cảm xúc thật kỳ lạ. Bất chấp cả hai không quen biết gì nhau, anh vẫn muốn làm quen với nữ sinh đó. Có lẽ vì anh hiểu cảnh ngộ của cô ấy chăng?

“Chào bạn… Bạn đang viết đơn gì thế?”

Trước câu chào xã giao đó, nữ sinh chỉ đáp.

“Đơn xin nghỉ học.”

Lại một lần nữa V bất ngờ. Anh khó có thể tin một người lại sẵn sàng nói cái điều cần che giấu ra một cách tự nhiên tới vậy. Chàng ta thắc mắc.

“Tôi biết, nhưng tại sao bạn lại tự nhiên đến vậy? Chẳng phải chuyện này nên tránh nói sao?”

“Không có gì phải xấu hổ khi học không đúng ngành mơ ước của mình, anh ạ.”

Cô nữ sinh hồn nhiên đáp. Nhưng sớm thôi, V đã để ý đến hai hàng lệ lăn dài trên má cô ấy.

“Này.”

V trao ánh nhìn đầy khó khăn tới nữ sinh.

“Chẳng phải… bạn đang khóc sao?”

Đứng hình trong một giây, nữ sinh ấy vội gạt đi hai dòng nước mắt đã lăn đến má. Cô không dám nức nở vì sợ, đến mức chỉ cần nói một câu với V thôi là đã rùng mình rồi.

“Bố mẹ em biết được sẽ buồn lắm. Vì cả bên nội có mỗi mình em đi học đại học theo ý nguyện của nhà thôi, còn đâu bỏ học sớm đi buôn bán tất.”

Nghe được câu trả lời ấy, lòng V như quặn thắt lại. Anh chợt nhớ về ký ức năm xưa, khi bản thân vẫn chỉ là một tân sinh viên quèn.

Chính V là người đã nằng nặc đòi nghỉ học trước mặt cả dòng họ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bằng một cách đau lòng nhất. Ông thì lên cơn đau tim khi tin ấy, huyết áp bà cũng nhảy vọt theo cùng. Duy chỉ có bố mẹ là giữ được bình tĩnh, nhưng chẳng được dài lâu. Suốt những năm tháng ấy, ngày nào V cũng lên lớp với một tâm thế chán nản, bài vở cũng chẳng tiếp thu được. Nhưng những lời đe dọa cắt tiền từ gia đình cứ như những cú huých đau vậy, cứ ép anh phải học cho tử tế, để thi cho qua môn mà không gặp trắc trở.

Cuối cùng, vào một ngày đầu tháng Một, bố mẹ đã gặp V ở nhà trọ để nói về chuyện mà hai tháng trước anh đã thề thốt trước cả họ. Và tại đó, V không ngần ngại mà lan tỏa luôn sự tuyệt vọng tới cùng cực của mình.

“Bố mẹ biết đây không phải ngành con muốn học mà.”

Vừa nói hết câu thì mẹ anh đã nghiến răng ken két.

“Nhưng đây là ngành mà cả gia đình muốn con học. V, con nên học cách hy sinh bản thân cho người khác đi.”

Hy sinh cái con khỉ khô, V thầm nghĩ. Cả nhà anh đều là những người có ăn có học, thuộc dạng trí thức lâu đời từ gốc, chứ có phải mới phất lên đâu mà nghĩ vậy. Nếu V phải nghĩ vì mọi người, thì ai sẽ là người nghĩ cho V đây? Kể từ sau câu trả lời ấy, câu chuyện dần đi vào hồi bế tắc. Đơn giản vì chẳng ai chịu nhường ai cả. Bố mẹ thì hết ngọt nhạt tới đe dọa, còn V thì mãi cứng đầu với sự tuyệt vọng vốn có của mình. Nếu đó là ngành mà anh mơ ước được học bấy lâu, thì kể cả khó hơn lên trời anh vẫn sẽ tìm được cách. Nhưng ngành này chẳng thể đem lại cho anh một động lực nào cả. Đã thế ngày nào cũng bị dọa cắt tiền nữa thì có ông cố cũng chẳng xốc nách lên mà bắt cười cho nổi.

“Lần cuối cùng, con muốn được thi lại ngành con mong muốn.”

Sau cùng thì V vẫn dứt khoát với lựa chọn của mình. Người bố chán nản và nói.

“Đúng là nỗi thất vọng của dòng họ. Xưa nay người lớn học tất, chỉ có trẻ con mới đi chọn.”

Nhưng đó là câu chuyện của hai thời kỳ khác nhau! V vừa nghĩ mà thấy tức. Cuối cùng, sau hai tháng đối chất qua điện thoại thì bố mẹ vẫn chẳng thèm nghe anh một chút nào, chỉ có áp đặt tư tưởng thôi. Còn người mẹ thì không những trong cả cuộc trò chuyện liên tục kích đểu, mà đến khi bên rìa cũng chẳng ngưng cho rồi.

“Thế thì về quê mà ôn. Mà nếu đã trượt cả ngành mình muốn rồi thì nên biết đường mà học đi, không thi lại trượt lần nữa thì khổ. À mà dưới quê đang gọi lính nghĩa vụ đấy, hay đi một đợt cho biết trân quý.”

Nhớ lại về câu chuyện ấy, có lẽ đến muôn đời sau V cũng không hết cay cho được. Anh đã không thể cưỡng lại nổi sức hút của đô thành hoa lệ.

“Nó quá đẹp.”

V khóc thầm. Chưa kể anh vẫn còn quá yếu đuối và phụ thuộc vào cha mẹ. Có lẽ trong suốt cả cuộc đời này, đó là sự sỉ nhục lớn nhất anh có thể chịu đựng được. Anh chẳng cần nhìn bố mẹ của ai mà ước cả, vì đó mãi không phải bố mẹ của mình. Và sau tất cả, anh vẫn phải đi học tiếp, bất chấp việc có thích không. Suốt mấy ngày sau quyết định an bài ấy, V vẫn cứ khóc.

Trở lại với thực tại, V đã rời khỏi cuộc trò chuyện với cô nữ sinh từ lâu. Đơn giản vì chính anh cũng không thể đối mặt với quá khứ của mình. Quá yếu đuối và thiếu kiên định là những từ không thể chính xác hơn để nhận xét cho sự tuyệt vọng nửa vời ấy. Nhưng dù sao thì V cũng không bỏ cuộc khỏi giấc mơ. Một ngày nào đó, khi đã tốt nghiệp rồi, anh sẽ thi lại để được học ngành mình đã từng bỏ lỡ cả bốn năm.

Buổi trưa, V đi ăn ở trong trường. Trong đầu anh lúc này chẳng còn gì thiết tha để nghĩ, kể cả sự hồi tưởng đáng buồn hồi sáng. Bởi vậy nên anh cứ cắm đầu vào mà ăn thôi, ăn để quên đi sự đời đáng buồn.

Nhưng cũng chỉ được vài phút, V lại nghĩ về cuốn nhật ký dang dở. Vừa thấy xấu hổ cho quá khứ, lại vừa thương cho nữ sinh mình gặp lúc sáng, anh chỉ muốn viết những điều thuần túy nhất.

“Sau một buổi sáng ở phòng đào tạo, mình đã phải suy nghĩ về quá khứ. Phải, mình đã gặp một nữ sinh đang làm đơn xin rút hồ sơ để nghỉ học đại học. Hơn nữa, khi mới nói được vài câu thôi thì cô ấy cũng đã khóc rồi, thành ra mình cũng chẳng dám hỏi gì thêm ngoài lý do nghỉ học. Thực sự, mình rất tiếc, vì đáng ra mình đã có thể khai thác sâu hơn câu chuyện của cô ấy rồi. Nhưng rồi mình cũng muốn khóc theo khi nghĩ về câu chuyện của riêng mình. Quá xấu hổ và nhục nhã thay. Vinh quang nay còn đâu?”

Dường như ông trời không có ý định để V nghỉ ngơi. Từ phía xa, gần chỗ lấy đồ ăn, anh có thể thấy hai sinh viên đang tranh cãi về một điều gì đó khá gay gắt. Nhìn chòm râu vừa dài vừa cứng trên mặt họ, V đoán già đoán non rằng có thể đó là sinh viên năm cuối. Mà năm cuối thì càng phải phép, nên anh cũng chẳng dám xen vào mà hỏi. Song, kỳ thực chủ đề mà họ đang tranh biện với nhau rất cuốn hút nên V dù thế nào cũng phải tìm cách nghe lén cho bằng được.

Khi đã chuyển sang chỗ gần nhất với họ rồi, V mới có thể nghe được trọn vẹn cuộc trò chuyện. Sinh viên thứ nhất, anh tạm gọi là như vậy, đập mạnh tay xuống bàn ăn mà nói.

“Mày không hiểu à? Bây giờ người ta bỏ việc chạy xe ôm hết rồi. Trời ơi, tao tiếc quá, đáng ra tao nên nhận ra việc này từ trước chứ. Quản trị kinh doanh giờ chỉ còn trong giấc mơ thôi!”

Nhưng sinh viên thứ hai, người vốn đã tỏ ra trầm tĩnh từ nãy đến giờ, lại có một góc nhìn hết sức lạc quan.

“Ôi trời ạ, lo quái gì. Quan trọng là mình học tốt để làm xong luận án, chứ việc đâu mà chả có.”

“Mày đừng có nói vậy! Dù sinh viên có trẻ khỏe, thể lực dẻo dai tới mấy thì cũng bó tay nếu không có tiền. Ai thèm mời mình về làm, cả mấy thằng bên công nghệ thông tin cũng đang chết sặc tiết ra kia kìa.”

Sinh viên thứ nhất sỗ sàng, chỉ thẳng tay vào đối phương. Nhưng trái lại, sự lạc quan ấy vẫn được giữ ở mức cao tới lạ thường.

“Sợ gì, mình ăn học mười hai năm liền, chẳng nhẽ lại để chọn sai ngành nghề à?”

“Mày…”

“Mày làm sao?”

Sinh viên thứ hai tỏ ra quan ngại. Nhưng rồi sinh viên thứ nhất cũng tự trấn an lại bản thân.

“Mày nói đúng, cứ học giỏi thì ra sẽ có việc làm. Nhưng chúng ta đâu nằm trong số một phần trăm đó?”

V ngồi nghe phía ngoài mà cũng thấy căng thẳng thay. Nhưng sự thật đúng như sinh viên thứ nhất đã nói. Ngành quản trị kinh doanh thực sự là một trong số những ngành học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, ngang ngửa với sư phạm thi hệ công chức. Ngay cả mẹ của anh, một người có hai tấm bằng, quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng cũng phải bỏ đi làm kế toán tới mười mấy năm trời trước khi tự đi kinh doanh. Chưa kể trên báo cũng đăng đầy rẫy những đầu đề hạ thấp sự nhiệt huyết và lòng tự tin, bằng những con số biết nói thì có cứng rắn tới mấy… e là cũng khó mà trụ được với niềm tin nghề nghiệp.

Còn ngành công nghệ thông tin thì V không biết rõ. Nhưng anh biết chỉ có kẻ xuất chúng nhất trong số những con người giỏi mới được vào làm cho các công ty nước ngoài, còn lại thì mạt kiếp đi cài “win” dạo hoặc làm “thợ code”. Rồi khi qua tuổi nghề, họ cũng sẽ bị đuổi, lại phải lang thang với mấy nghề khác, đỏ thì lương vẫn cao, còn đen thì đủ sống qua tháng. Hoặc ít nhất đó là những gì mà bộ óc hạn hẹp của V có thể biết được về “vua của mọi nghề”.

Tuy nhiên, trước khi có thể nghĩ thêm điều gì xấu hơn, những giọng nói lại dẫn V tới một con đường hoàn toàn khác. Tại sao phải nghĩ tới những điều đen đủi, trong khi tương lai vẫn luôn rộng mở cho những điều tốt đẹp. Hơn nữa, ngành V đang học cũng đang khan hiếm nhân lực, nên tốt nhất vẫn hãy tự tin mà lựa mức lương mong muốn.

“Nào V, tại sao lại buồn bã tới vậy, trong khi trường chúng ta tự hào đứng ngang hàng với những trường trọng điểm khác…”

Nó vuốt ve chàng, nói về những gì mà ngôi trường này đang có, cũng như các cam kết. V cũng tưởng thật. Thế nhưng…

“Nhưng trường chúng ta cũng không phải ‘Havard Chùa Láng’ mà tự hào!”

Sinh viên thứ nhất tức giận nói với sinh viên thứ hai thêm một lần nữa, trước khi anh ta có thể tung một cú móc hàm.

Không, không, không, nhất định V sẽ không bị dẫn dụ bởi những lời ong bướm ấy đâu, phải không? Lướt qua mấy tựa đề mới nhất trên báo mạng, V vẫn chỉ nhìn thấy hình ảnh những cử nhân đi làm xe ôm. Anh rầu rĩ.

“Chúng mày lừa dối tao!”

Liệu thế giới này còn điều gì có thể tươi đẹp hơn những bộ đồ xanh và vàng đó không, anh tự hỏi.

“Bữa trưa hôm nay đã nhắc nhở cho mình nhiều điều. Thứ nhất, phải luôn học tập thật tốt để có thể ra được trường với một tấm bằng đẹp. Thứ hai, việc cập nhật xu hướng nghề là điều bắt buộc. Chỉ có thế, mình mới có thể tìm được chỗ đứng trong xã hội rối ren này.”

Đó sẽ là những dòng V viết vào nhật ký tối nay.

Chiều tối, V vẫn còn ở lại trường. Hôm nay quả là một ngày lạ lùng. Anh đã được “thông não” hết phen này đến phen khác, như thể sự thật đang cố bắt anh phải công nhận sự phũ phàng của nó, chứ không phải những lời tán dương ngoài kia.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, V mới thấy khu bốn hồ đang ở trước mắt mình. Y như tên gọi của nó, đó là bốn cái hồ nằm dọc theo một ngã tư lớn, dẫn tới các khu như giảng đường, sân vận động và tòa nhà hành chính. Xung quanh các hồ, cây không mọc lẻ tẻ, mà được trồng cách đều nhau.

Và trong số đó, V đang đứng trước mép hồ Hy Vọng. Tòa giảng đường quét vôi trắng vẫn đứng sừng sững ở đó, cùng cây gạo “chết chóc” với dây thòng lọng treo trên đó. Nghe không hợp với tên của cái hồ một chút nào.

Bỗng nhiên, điện thoại trong túi V rung lên. Anh mở lên thì thấy một tin nhắn đến từ bố, được viết thành tận ba đoạn văn, trông có vẻ như một lá thư điện tử hơn. V lại càng cảm thấy kỳ lạ hơn. Tại sao bố lại gửi nguyên một bức điện truyền cảm tới cho anh, trong khi gần đây hai bên vẫn còn trò chuyện? Thật là lạ lẫm, nhưng dù sao thì mình cũng nên đọc thử nó, V thầm nghĩ.

“Gửi con, V.

Những ngày gần đây, con vẫn ổn chứ? Thực sự đã rất lâu rồi bố và mẹ không gửi lời hỏi thăm tới con, mong con thông cảm. Tất cả cũng chỉ vì công việc mà thôi. Mỗi tháng, tiền học của con cứ tăng dần lên, trong khi lương của bố mẹ cũng chỉ nhỉnh lên vài trăm trong cả năm.”

Khoan đã, cái gì cơ? Đã rất lâu rồi bố mẹ chưa nhắn cho mình sao? V cảm thấy bối rối. Rõ ràng là mấy bận trước họ còn nhắn tin cho mình cơ mà, sao lại như thế này. Hơn nữa, bố mẹ anh cũng là người có trí nhớ tốt, nên chắc chắn sẽ không có chuyện nhầm lẫn như thế này đâu.

“Cái đ… Không ổn rồi, mình phải xem lại thế nào…”

Lập tức, V trở nên hoảng hốt. Anh xem thật kỹ ngày và giờ của tin nhắn trên, rồi tìm lại những tin cũ hơn. Và đáng buồn thay, V đã sai. Lần cuối cùng mà bố mẹ gửi tin nhắn cho anh là hơn một năm trước, trùng với thời điểm bản thân tuyên bố sẽ nghỉ học để ôn thi lại. Cả những cuộc gọi nữa, cuộc gọi đến gần nhất cũng từ tận sáu tháng trước. Phải chăng trí nhớ của V có vấn đề, hay anh đã bỏ qua chúng để tiếp tục học tập trên trường lớp? Nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. V lại tiếp tục đọc bức thư.

“Bệnh tình của con đã thuyên giảm rồi chứ? Những cơn giận có còn làm con cáu gắt nữa không, sự buồn chán đã buông tha rồi chứ? Có lẽ là đã thôi rồi đúng chứ nhỉ? Dao lam, dây thừng và thuốc ngủ, con đã vứt chúng từ mấy tháng rồi, nên chắc những triệu chứng đã đỡ rồi. Vậy còn sự buồn chán thì sao?”

Nghe những câu hỏi dồn dập đến tận màng nhĩ ấy, V càng sửng sốt hơn. Anh đâu có mắc bệnh gì? Trong cơn hoảng loạn, chàng trai vuốt lên vuốt xuống những dòng tin nhắn, mong tìm được một thứ gì đó có thể làm bằng chứng.

“V này, người bị tâm thần phân liệt như con không nên ở lì trong nhà mãi. Ra ngoài chơi đi nhé, con yêu!”

“Cố lên con trai, rồi mọi chuyện sẽ vượt qua thôi.”

“Bố mẹ yêu con nhất trên đời này, chỉ cần con khỏi bệnh thì muốn gì cũng được hết.”

Những dòng tin nhắn ấy, chúng đong đầy sự yêu thương, nhưng chính cụm từ “tâm thần phân liệt” đã giết chết con tim của V rồi. Rồi theo một cách quỷ tha ma bắt nào đó, V lại nhớ về những thứ trong căn nhà của mình. Cửa sổ rực rỡ những tiếng chim vội vã, chiếc vòi nước bị đóng ra mở vào đến gần hỏng...

Và cả những hộp thuốc V vứt ở góc phòng nữa. Đó là bằng chứng sắt đá nhất cho căn bệnh của anh.

“Vậy hóa ra, tất cả mình làm bấy lâu nay chỉ là thói quen thôi sao?”

V như suy sụp. Rõ ràng anh đã quên mất rằng mình là một bệnh nhân tâm thần, cái loại mà đáng ra phải vào viện để điều trị. Trước đây, V đã từng căm ghét bản thân chỉ vì căn bệnh ấy, đến mức hậu quả sau mỗi lần buồn luôn là những liều thuốc an thần. Giờ đây, anh không dám đọc nốt đoạn còn lại của bức thư nữa, sợ rằng một điều xấu sẽ đến và cướp đi chút lương tri cuối cùng.

Quá buồn bã, V soi bóng mình trên mặt nước rồi khóc nức nở.

“Mình đã không còn là người bình thường như hằng mong ước rồi.”

Và đó cũng là lúc dòng cuối cùng được viết lên nhật ký.

“Chẳng lẽ phải đem đốt hay sao?”

Nhưng sau mỗi cơn mưa, trời sẽ lại sáng. Trong bóng tối nhá nhem, V đứng dậy, gào lên thật to, to đến mức tưởng như có thể đứt dây thanh quản. Bằng một giọng bình thản đến lạ lùng, anh thầm thì với chính mình.

“Chúng ta sẽ quên đi để sống tiếp.”

Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
....
Xem thêm