• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Người chở nỗi buồn

0 Bình luận - Độ dài: 4,100 từ - Cập nhật:

Thanh âm quen thuộc của chiếc giày da sờn cũ lại vang lên, đánh thức cái tĩnh lặng ngủ quên trên hành lang hiu hắt sắc trắng.

Vài tháng nay, đều đặn mỗi năm giờ chiều, phòng bệnh ba không hăm lăm lại chào đón sự hiện diện của một chàng trai. Trông anh không mấy khá giả: mái đầu luộm thuộm len lỏi vài sợi tóc bạc, áo sơ mi trắng nhàu nhĩ, quần tây đen thâm kim, chiếc túi đeo chéo cũ rích, và trên tay là hộp cháo nóng hổi cùng vài quyển truyện tranh đã ố vàng.

Chiều hôm nay, vẫn như thường lệ, chàng trai ấy vẫn đứng trước phòng ba không hăm lăm dành cho bệnh nhân được điều trị đặc biệt. Anh chậm rãi chỉnh lại trang phục, nhẹ nhàng gõ lên cánh cửa đã rộng mở và yên lặng ngắm nhìn khung cảnh phía trước một hồi lâu, rồi mới từ tốn cất lời chào:

– Anh đây.

Trên chiếc giường con con giữa gian phòng thênh thang và im lìm, một cô gái trong bộ đồ trắng tinh tươm đang ngồi, tâm trí cô treo ngoài ô cửa sổ mở hé, treo dưới con đường chộn rộn và treo ở nơi nào đó xa xăm. Trời chiều khẽ khàng rắc những hạt nắng dịu lên vạn vật. Cái gió cuối thu nhẹ nhàng lướt qua mái tóc ngắn ngang vai. Chú chim sẻ bẽn lẽn sải cánh qua những tòa cao ốc nhấp nhô.

Cô gái nhỏ muốn ôm trọn tất cả những hình hài hiền hoà ấy vào lòng, muốn chiêm ngưỡng muôn vàn gam màu rực rỡ của thế giới ngoài kia. Nhưng tiếc thay, cánh tay khẳng khiu của cô run lên khi cố vươn ra xa hơn, đôi đồng tử đục ngầu của cô loang ra với ngân ngấn nước.

Chợt, nắng tắt lịm đi, gió thôi lướt qua làn tóc và chim sẻ cũng dần buông mình xuống. Cô gái chỉ còn biết lặng nhìn những khát vọng nhỏ nhoi của mình bay theo nắng, gió và chim sẻ về phương nào. Hai bàn tay của cô hoá mong manh, chực tan vỡ. Cô nghe tim mình lớn dần tiếng rạn nứt.

– Anh đã dặn Yến sao? Không được khóc mà.

Nhưng đã có một đôi tay ân cần ghép lại từng mảnh vụn trái tim của cô gái nhỏ. Đôi tay ấy xoa nhẹ mái tóc xác xơ của cô và để những giọt nước mắt của cô khẽ thấm vào manh áo sơ mi mỏng.

– Anh Khanh, đói… – Yến dụi mặt vào lòng anh và thều thào, giọng còn vương lại chút nhựa sống.

Khanh dìu cô tựa vào gối. Rồi anh với lấy hộp cháo trên chiếc bàn cạnh giường, múc một muỗng hun hút khói, bắt đầu thổi từng hơi. Mọi hành động của anh đều thanh thoát, nhẹ nhàng và thành thục, như thể anh đã quá quen với việc này và cũng như thể anh đang cố không làm nỗi buồn đang ngủ say bên trong cô gái tỉnh giấc. Đến khi cháo đã nguội đi đôi chút, Khanh mới dịu dàng mớm cho cô.

– Anh tự nấu cho Yến luôn đó! Ngon chưa! – Vừa nói, Khanh vừa nở nụ cười dịu dàng như để nêm thêm một ít gia vị vào muỗng cháo trắng.

Gạo rang ninh với nước. Một món ăn tuy đơn giản, bổ dưỡng nhưng lại vô cùng nhạt nhẽo. Khanh chọn nó vì anh thừa biết dù có là sơn hào hải vị đi chăng nữa, Yến cũng không thể nếm được hương vị thật sự của chúng mà thay vào đó, chỉ là một vị chát ngắt nơi đầu lưỡi.

– Nữa hả anh? Em muốn… bích tét!

Nuốt xuống muỗng cháo vô vị, Yến liền bĩu môi tỏ vẻ thất vọng pha lẫn hờn dỗi, cô dùng ngón tay huơ huơ vào không khí, vẽ ra hình ảnh đĩa bò bít tết hấp dẫn mà chỉ Khanh mới nhìn thấy được.

– Lần sau nhen, hứa luôn, anh mua cho em một trăm đĩa luôn!

– Anh… hứa nha!

– Ừ, hứa danh dự!

Dù đã nhiều lần tự nhủ phải mua cho Yến món ngon ấy, nhưng Khanh cứ mãi chần chừ, vì anh nghèo. Khanh làm nghề giáo viên Ngữ văn cấp hai, lương bổng không mấy khấm khá nhưng anh đều đổ vào tiền viện phí hết cả, chỉ dám giữ lại bên mình vài trăm để nuôi thân cũng như chăm nom những bữa ăn cho Yến.

Đã bao lần Khanh bắt gặp vẻ thảm hại của bản thân qua gương, đó cũng là những lúc anh không thể đáp ứng mong cầu bé nhỏ của cô người yêu như bây giờ đây. Anh tự biết mình có nghĩa vụ phải làm hài lòng sự hiếu kì về thế giới ngoài kia của Yến, dẫu biết rất rõ, nhưng anh vẫn tiếp tục lần lữa. Bởi anh không còn lựa chọn nào khác, không, anh còn chẳng có lấy cái quyền lựa chọn…

Khanh đắm chìm vào dòng suy tư, mi mắt cụp xuống, không nhận ra Yến đang nhìn mình bằng con mắt tò mò. Một lúc lâu, cô lắc vai anh, cất giọng:

– Anh Khanh buồn hả…?

Đáng lẽ nỗi buồn đã ngủ yên dưới đáy lòng, nhưng giờ đây lại bị vực dậy bởi câu hỏi vu vơ của cô gái nhỏ. Nỗi buồn lân la đến bên hồn Khanh, khiến anh không sao nén được tiếng thở dài. Anh không muốn bắt chuyện hay làm thân với nỗi buồn, anh không thích nó, nó đã giày vò cô người yêu bé nhỏ của anh và chính bản thân anh. Khanh nuốt vào tiếng thở dài, nở nụ cười dịu dàng:

– Anh chở nỗi buồn đi rồi. – Nói rồi, Khanh xoa đầu Yến.

Từng sợi tóc mỏng như tơ luồn qua từng ngón tay làm Khanh không khỏi xót xa. Mái tóc bồng bềnh của Yến ngày nào, anh hãy còn nhớ, tung bay trong gió và ngát hương thơm. Vậy mà sao giờ đây, mái tóc ấy lại nhuộm một nỗi buồn không sao tẩy xoá được? Khanh tự hỏi, và dĩ nhiên, anh vẫn không thể nào tìm ra câu trả lời. Khanh lại múc từng muỗng cháo nhạt, mớm cho Yến. Ngắm nhìn cách cô gắng gượng nuốt xuống thứ đồ ăn dở tệ ấy, lòng Khanh như bị dây thừng siết lấy.

Hòng tìm kiếm chút an ủi, Khanh phóng tầm nhìn về phía những tòa nhà cao vời vợi. Ánh nắng chiều chỉ còn vương lại trên những ô cửa kính. Yến thích hoàng hôn, nhưng nó lại vụt tắt quá nhanh, như sinh mệnh của chính con người cô. Một cơn gió lùa vào phòng qua ô cửa sổ đang hé mở, làm tấm màn trắng đung đưa nhè nhẹ. Yến cũng thích những ngọn gió vi vu thổi, nhưng gió đến và đi cũng thật khẽ khàng, cũng thật giống như cuộc đời hiu hắt của cô.

Và rồi một chú chim sẻ không biết từ đâu bay đến, đậu lên lọ hoa trên bàn, đôi mắt nó đen, một màu đen sâu thẳm đến não nề, đôi cánh nó rụng rời, mất đi vài sợi lông. Nó nhìn Yến. Phải chăng nó đang lầm tưởng Yến là chị em của mình, khi mà giờ đây cô cũng không còn có thể chạy nhảy tung tăng như thuở thiếu nữ, khi mà giờ đây đôi cánh của cô không chỉ rụng lông, mà đã gãy rồi?

– A chim sẻ kìa! – Giọng nói hân hoan của Yến vang lên bên tai Khanh.

Anh quay mặt sang, thấy cô đang vươn cánh tay đến sinh vật bé nhỏ đậu hờ hững trên lọ hoa. Đôi mắt của Yến trông lung linh, nước tràn và loang ra. Yến chồm dậy, rướn người về phía chim sẻ. Khanh cũng chực đưa tay, nhưng ngẫm kĩ, anh lại thôi. Khanh muốn ngắm thêm cái dáng vẻ hạnh phúc hiếm có của cô người yêu: Yến tựa hồ mong manh hơn, đến mức chỉ cần một tác động nhẹ cũng đủ làm đổ vỡ. Lòng Khanh chợt dâng lên một cảm xúc lạ lùng, ray rứt nhưng cũng thật êm đềm. Bất giác, anh muốn Yến hạnh phúc hơn, anh muốn nỗi buồn rời khỏi chốn đây, anh muốn chở nỗi buồn đi đến nơi nào đó thật xa, để nó không còn có thể làm Yến đau đớn nữa.

Bỗng, chú chim sẻ cựa quậy, đập cánh bay đi một cách khổ sở mà chẳng màng đến cánh tay đang khẽ run của cô gái. Yến không tin vào mắt mình. Tại sao nó lại bay đi, cô chỉ muốn chạm vào nó thôi mà? Nước chực trào dưới hàng mi Yến.

– Không sao… không sao… chắc nó phải về nhà thôi mà, đừng khóc, em nha… – Lại như bao lần, Khanh ôm chầm lấy dáng hình gầy guộc ấy và dỗ dành.

Đó là việc duy nhất anh có thể làm để nỗi buồn không bén mảng đến gần người con gái anh thương.

Cuộc gặp gỡ buổi chiều hôm nay kéo dài lâu hơn so với thường lệ. Khanh phải tranh thủ về sớm để còn soạn giáo án cho ngày mai. Anh gom hết các thứ lỉnh kỉnh, dọn dẹp sạch sẽ và xếp mấy quyển truyện tranh gọn gàng vào một góc bàn, sau đó mới tống khứ những bất an mà mình kìm nén nãy giờ ra ngoài qua một tiếng thở dài khe khẽ.

Tiếng thở buông bỏ muộn phiền ấy hòa cùng nhịp thở đều của Yến đang say giấc trong tấm chăn trắng muốt. Vài giọt nước mắt long lanh vẫn còn đọng lại trên mi Yến, Khanh lấy tay gạt đi, nhẹ nhàng hôn lên bờ môi khô của cô. Anh vẫy tay tạm biệt, không quên để lại cho cô câu chúc ngủ ngon cùng nụ cười trìu mến. Rồi Khanh gom nỗi buồn lại như một thứ hành trang và cất bước đi.

Hành lang lúc sáu rưỡi sẩm tối cũng im lìm tựa mọi khi. Đôi giày sờn cũ gõ lộp cộp lên nền gạch men trắng, gõ vào cả con tim Khanh. Trong không gian tịch mịch và mênh mông, anh mới thấy mình bé nhỏ đến nhường nào, yếu ớt đến nhường nào và bất lực đến nhường nào.

Mỗi lần âm thanh lộp cộp vang lên là một lần con tim Khanh lung lay, như thể chờ đợi mạch máu cuối cùng níu giữ nó với cơ thể Khanh đứt ra, để nó được kết thúc chuỗi ngày mệt mỏi chỉ có đập và đập. Đến cầu thang, Khanh bỗng đứng lại, anh nhìn như thôi miên vào vòng xoáy dẫn xuống tận sâu nơi tầng trệt mà mặt mày choáng váng hệt như bị say sóng. Chiều giờ Khanh chưa có gì bỏ bụng, dạ dày anh kêu lên những tiếng căm hờn. Dưới ánh đèn lờ mờ rọi xuống từ trên trần nhà, Khanh lại đi, với chiếc bụng đói cồn cào.

Phải mau chóng tìm thứ gì để ăn thôi, anh nghĩ, bởi vì với cơn đau quặn thắt này, anh sẽ không còn tỉnh táo để có thể về nhà sớm như đã định.

Tiếng lộp cộp gõ lên nền gạch men đã nhường chỗ cho một thứ âm thanh khác não nề hơn: tiếng rột roạt khi cạ phải sỏi đá trên con đường dẫn đến nhà xe. Khanh lê từng bước chân nặng trịch, như thể đang phải mang theo gông xích. Anh tưởng tượng tiếng sỏi lạo xạo dưới chân mình chính là tiếng sắt gỉ kéo lê.

– Khanh! Yến khoẻ không, con? – Bỗng, một giọng nói quen thuộc len vào tai Khanh. Anh bèn ngoảnh mặt lên.

Người đàn ông lom khom trông có vẻ sốt ruột ấy chính là bác Cội – bảo vệ của bệnh viện này – đồng thời cũng là một người cha hiền từ của Khanh. Kể từ khi Yến được điều trị tại đây, nhiệm vụ của bác là trao cho Khanh những lời an ủi động viên và những cái vỗ vai chân thành.

Không một buổi chiều nào bác lãng quên nhiệm vụ lớn lao đó, một phần vì bác muốn vỗ về tâm hồn tràn ngập những con sóng dữ của Khanh, và một phần vì cô đơn, bác luôn xem anh như một đứa con trai của mình.

Ngay khi nhìn thấy cái dáng vẻ lom khom và mái đầu hói quen thuộc ấy, Khanh vội vã điều chỉnh gương mặt thất thểu của mình sang một vẻ khác dễ nhìn hơn. Nhưng hành động nửa vời đó chẳng thể dễ dàng đánh lừa được đôi mắt đã gần sáu mươi tuổi. Bác Cội thấy Khanh khổ sở như vậy, bèn ngoắc tay; rồi vừa tặc lưỡi liên tục, bác vừa nói mà như mắng:

– Sao? Có gì thì nói bác nghe, chứ sao mà cứ chù ụ hoài vậy mày!

– Không có gì đâu bác, hôm nay Yến hơi mệt nên con phải ở lâu hơn chút thôi. – Khanh cố đánh trống lảng và bước vội về hướng nhà xe.

Chỉ hôm nay thôi, Khanh sẽ ôm chặt lấy nỗi buồn sâu kín này và không để bác Cội phát hiện, anh không muốn san sẻ cho bác, anh không muốn ngày nào bác cũng phải lắng nghe và lựa lời an ủi mình.

Khanh chính là người góp nhặt nỗi buồn và chở chúng đến bãi phế liệu ở một phương trời xa thật xa, chứ không phải kẻ chuyên phân phát nỗi buồn đi muôn nơi. Khanh cứ thế cúi gằm mặt mà đi, lướt qua người cha già tội nghiệp đang không hiểu vì sao đứa con trai thân thương lại giở chứng giận hờn vu vơ.

Khanh dừng bước trước nhà xe, nhìn quanh quất, bỗng, sắc mặt của anh đã u ám nay lại càng u ám hơn. Chiếc xe của anh đâu rồi? Không lẽ là bị ai lấy cắp? Nhưng thật vô lí, có bác Cội ở đây thì làm sao chuyện hoang đường ấy có thể xảy ra? Mà một chiếc xe đạp hỏng hóc đến thế thì đáng giá mấy đồng chứ? Cái dạ dày rỗng của Khanh quặn lên, ép anh phải suy diễn ra bao nhiêu là viễn cảnh tồi tệ.

– Ấy quên, bác “tắm rửa” rồi xích con “chiến mã” của mày ở đằng kia kìa. – Bác Cội chỉ tay về phía cổng, nơi có chiếc xe đạp đã được cố định chắc chắn bằng dây xích, rồi bác cười toe. – Đừng có mà né bác, không ở lại nói chuyện đàng hoàng thì đừng hòng bác cho mày về!

Khanh sững người, cảm nhận được một thứ ân tình mộc mạc và giản dị từ người cha của mình. Khanh không thể nói được gì, cổ họng anh nghẹn lại bởi một cảm xúc trào dâng vô cùng khó tả. Anh nhìn bác Cội loay hoa loay hoay. Bác hì hục lôi cái bàn nhựa cùng hai cái ghế con ra và trở vào phòng bảo vệ bưng ra hai ly trà đá mà bác đã pha sẵn từ trước. Khanh chỉ biết đứng lặng như thế. Anh muốn chạy lại giúp bác lắm chứ, nhưng lại có một hòn đá vô hình đè lên chân anh, làm anh không tài nào nhấc lên được.

Rồi Khanh thảng thốt khi nhìn thấy bác Cội hớn hở đem từ trong phòng mình ra một ổ bánh mì thịt trứng đã được chia làm đôi.

– Bác thấy hôm nay con ra trễ quá nên mua vài ngàn thịt với hai trứng về chiên lên làm một ổ bánh mì, chắc con cũng đói lắm rồi, ngồi đi, bác cháu mình mỗi người một nửa, ăn cho chắc dạ…

Bác Cội nhẹ nhàng đặt ổ bánh mì lên bàn, rồi bác nhìn Khanh với ánh mắt chan chứa sự hiền từ và tình yêu thương, ánh mắt của người cha già mong ngóng đứa con của mình trở về để cùng thưởng thức bữa ăn mà ông đã tự tay làm.

Và giờ đây, kì diệu thay, hai bàn chân của Khanh lại trở nên nhẹ tênh như được gắn thêm đôi cánh. Không ngần ngừ, Khanh liền đến bên bác Cội, trông anh hân hoan nhưng cũng có phần mệt mỏi, hệt dáng vẻ của đứa con trở về nhà sau một ngày dài lao tâm khổ tứ, và không nén được sự vui mừng mà chạy xô vào lòng cha nó mong được vỗ về.

Đã bảy giờ hơn. Những con phố nối nhau và những ngọn đèn đường rực sáng, khung cảnh trông hệt một sân khấu rộng lớn được thắp lên bởi hàng ngàn ánh đèn pha. Những ngôi nhà xung quanh cũng đều đã lên đèn, hằng hà ô vuông sáng nhỏ li ti hiện lên từ gần đến xa, trông thật giống màn trình diễn nghệ thuật quy mô khổng lồ. Đằng chân trời, bức màn đen sẫm chậm rãi trùm lên vạn vật, báo hiệu một tiết mục vừa mới kết thúc, và một tiết mục khác không kém phần hoành tráng lại sắp sửa bắt đầu.

Lúc này đây, Sài Gòn đã khoác lên bộ trang phục mới, trở thành người nghệ sĩ mới, vén lên tấm màn đen và chính thức bắt đầu buổi diễn về đêm nhộn nhịp của nó.

Hai bác cháu vừa thưởng thức màn trình diễn ấy vừa chuyện trò với nhau lâu thật lâu, đến lúc nhận ra thì đá trong ly trà đã tan gần hết.

– …con nghĩ Yến cần một người tốt hơn.

Sau một khoảng lặng tưởng chừng bất tận, Khanh mím môi, giấu sự mệt mỏi trong từng câu chữ. Nhưng dường như anh không muốn để bác Cội phát hiện ra trong lòng mình sóng biển lại cuồn cuộn dâng trào, Khanh nói tiếp, với một giọng gượng gạo:

– Người đó chắc là… con của tương lai.

Khanh nghĩ người cha già sẽ lập tức bật cười, hớp một ngụm trà, chép chép miệng và sẽ đùa rằng anh thật ngu ngốc khi nói ra mấy lời không đâu. Nhưng trái với suy đoán của anh, bác Cội lúc này trông như đang mang một suy tư gì lớn lao, ánh mắt của bác dán chặt vào khung cảnh trời đêm, và ẩn sâu bên trong đôi mắt ấy là một niềm trăn trở khôn nguôi.

Đây là lần đầu tiên Khanh nhìn thấy dáng vẻ trầm ngâm và đăm chiêu của một bác bảo vệ lúc nào cũng rạng rỡ như mặt trời. Lúng túng quá, Khanh không biết nên khoả lấp khoảng trống này như thế nào nên chỉ đành im lặng, chờ đợi câu trả lời từ bác.

– Bác không biết mày đang dóc hay là nghiêm túc, nhưng mà gì thì gì, bác cũng cấm mày bỏ rơi con Yến. – Bác Cội khẳng định thế, và căn dặn tiếp. – Hai đứa đến với nhau, có duyên với nhau, vả lại mày cũng đã hi sinh nhiều cho nó rồi, không lẽ bây giờ… mày nói đi là đi, hả con?

Nghe đến đây, Khanh chợt cảm thấy ân hận vì đã trót buông những lời không hay về Yến. Anh khẽ gật đầu, thấm thía từng lời của bác Cội. Yến chẳng cần một kẻ nào tốt hơn, cô gái đáng thương ấy chỉ đơn giản là cần một người có thể thấu hiểu và yêu thương cô đúng cách, và đối với bác Cội, Khanh đã là một sự tồn tại to lớn như vậy rồi. Khanh cảm thấy như mình vừa được giải thoát, những gánh nặng trong lòng anh nhẹ đi một cách kì lạ.

Khanh lại chìm vào dòng suy tư. Bất chợt, muôn vàn con sóng kí ức vỗ vào cõi lòng anh: từ cái ngày cả hai tình cờ gặp nhau như hai mảnh ghép còn sót của một bức tranh xếp hình, rồi đến cái đêm mà bức tranh ấy tan vỡ – cái đêm kinh hoàng mà Yến gặp phải tai nạn xe, đánh mất những người thân máu mủ mà mình yêu thương, và phải sống tiếp chuỗi ngày vật vờ, không mục đích, với một phần kí ức đã mãi mãi chìm vào quên lãng.

Trong suốt khoảng thời gian đó, Khanh không sao nhớ nổi, đã bao lần Yến mệt mỏi ngả vào lòng anh, tha thiết gọi tên anh, và chính Khanh cũng đã quên rằng, từ khi nào bản thân đảm nhận trách nhiệm gánh vác những nỗi buồn cứ chực chờ vực dậy và làm tổn thương người con gái bé nhỏ ấy.

– Con xin lỗi…

Khanh lí nhí, không nói được hết câu. Trông anh như một đứa con, sau những lời dạy dỗ chân thành của cha mình, giờ đã nhận ra lỗi lầm và hối hận. Bác Cội cũng nhận thấy dường như có một tia hi vọng đang được thắp lên trong lòng Khanh, dù nhỏ nhoi, nhưng cũng đủ soi sáng cho Khanh trên con đường mà anh đã chọn. Và như thường lệ, bác nhích ghế lại gần đứa con trai của mình, nhẹ nhàng vỗ vai nó.

– Biết vậy là tốt. Mà thôi, cũng trễ rồi, về nghỉ ngơi đi, con.

Khanh thả lỏng hai vai, mỉm cười dịu dàng, nhưng sực nhớ đến điều gì đó, anh cuống quýt:

– Tí thì quên! Con cảm ơn bác! Không có ổ bánh mì của bác chắc con thành con ma đói…

– Khỏi! Mày còn phải cảm ơn bác dài dài… – Bác Cội chen ngang lời của Khanh, dường như bác vẫn chưa bỏ được cái thói ngại ngùng quá độ khi nhận được lời cảm ơn.

Bác Cội im bặt giấu đi sự lúng túng, bước đến con “chiến mã” và cởi xích cho nó. Sợ đứa con phải nhìn thấy tật xấu của mình, bác Cội vẫn không chịu quay mặt lại, vẫy tay chào tạm biệt Khanh rồi sau đó đi thẳng về căn phòng con con của mình.

Trước những hành động kì quặc mà khôi hài ấy, Khanh không biết làm gì hơn ngoài cười trừ. Anh đặt hai chiếc ghế con và cái bàn nhựa trước cửa phòng bảo vệ, sẵn tiện cất lời chào tạm biệt người cha già kính yêu:

– Cảm ơn bác Cội, con về đây.

Rồi Khanh lại cất bước đi với nỗi buồn nặng trịch làm hành trang. Nhưng lần này, thứ hành trang ấy không còn làm anh sờn lòng, mà nó như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về bổn phận của chính anh.

Khanh bước đến trước cổng bệnh viện, nhìn chiếc xe mua hồi mười lăm năm trước, khi mà mình còn lông nhông, và nghe nỗi bồi hồi ập đến. Anh không nghĩ có ngày mình sẽ phải dùng đến nó để lang thang hàng chục cây số.

Chiếc xe Wave mà anh đã cật lực làm lụng và tích góp mới mua được, giờ đây chỉ còn là kỉ niệm, anh đã phải bán nó đi để lấy tiền đóng viện phí cho Yến. Thật ra Khanh cũng không lấy làm tiếc, vì công sức và tiền bạc mình bỏ ra có thể thắp lên ngọn nến sự sống cho cô người yêu bé nhỏ.

Anh nghĩ vẩn vơ, gạt chân chống, leo lên xe và bắt đầu đạp. Tiếng cót két phát ra từ bộ sên cũ nghe thật xót xa, vô tình dệt lên trong tâm trí anh khung cảnh dưới trời đêm, một chàng trai đi xe đạp chậm rãi giữa lòng Sài Gòn hấp tấp, và trên yên sau là nỗi buồn mà chàng trai góp nhặt từ nhiều nơi.

Khanh nghĩ đến đây, vừa tự cười bản thân mình, anh vừa ngâm nga:

Thong dong trên chiếc xe đạp cà tàng… Tôi chở theo những bộn bề lo toan… Đến chốn thấp thoáng xa xăm cùng tận… Để một mai khi tỉnh khỏi giấc nồng… Lệ sẽ thôi đọng nơi khoé mi em…

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận