Tẫn Mệnh
DŨNG JOY
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 01: Nhận Thiệp Mời Của Tây Vương Mẫu.

Chương 01

0 Bình luận - Độ dài: 2,146 từ - Cập nhật:

Cõi trần đất Văn Lang, "Miếu Thần" của ta nằm trên đỉnh ngọn núi cao nhất xứ này. Núi vốn chẳng có tên riêng, cũng chẳng ai biết nó sinh ra tự bao giờ. Nó cứ âm thầm đứng đó, như cái trụ chống trời, tồn tại qua biết bao cái phong trần, tuế nguyệt, nhìn hết bao thế hệ Lạc dân ngã xuống rồi lại đứng lên.

Cho đến khi ta về đây nhậm chức Tôn Thần, từ đó Lạc dân gọi núi này là “Núi Thần”; trên đỉnh Núi Thần có cái động đá rộng, Lạc dân lấy tên ta mà đặt, gọi là “Miếu Thần Cao Sơn”.

Thời gian quá lâu, ta cũng chẳng nhớ chính xác mình thành Thánh, đạt Bán Thần, sau đó được cấp đất phong, chính thức trở thành Tôn Thần tự bao giờ. Chỉ nhớ từ đó đến nay, cái xứ Văn Lang này cũng đổi đến cả chục đời Lạc Vương, chắc độ đâu đó hơn ngàn năm rồi.

Hôm nay, nhân dịp Lạc dân ở quanh Núi Thần được vụ mùa bội thu, chúng nườm nượp ngựa xe, mang tế lễ lên núi để tạ ơn ta. Nào lợn, nào trâu, dê, nai… đủ loại; rượu thuốc, rượu gạo… bày đầy cả bệ đá.

Miếu thờ của ta cũng khá rộng, tuy là động đá tự nhiên, nhưng đã được Lạc dân cải tạo lại đôi chút. Trần cao gần một trượng [1], hai bên dài rộng cũng độ tầm đó, tạo thành một khối hộp vuông. 

Từ cửa nhìn thẳng vào, giữa miếu đặt một bàn đá to, cũng phải hơn chục người nằm mới xuể. Trên bàn, ngoài những tế lễ còn đặt một chiếc lư hương lớn, độ hai người khiêng.

Phía sau bàn đá đến gần sát vách tường đặt tượng thờ của ta, còn gọi là “vật tổ” [2]. Ở vách hai bên cũng được Lạc dân tạc thêm hai bệ đá dài, thường dùng để dâng rượu, thắp đèn.

Ta ngồi trong tượng, vừa hít lấy hít để phần hương hỏa từ lư đồng do Lạc dân mới đốt, trong lòng thầm than thở: 

“Ôi! Cái đống đồ ăn này làm sao ta ăn hết đây? Bỏ đi thì Lạc dân nó mang tội, sau này chúng nó chết, xuống Âm Phủ kiểu gì chẳng bị thằng Đầu Trâu, Mặt Ngựa nó phạt ăn dòi!”

Sau một hồi đắn đo, ta quyết định hóa phép thần thông, mời thêm chúng Thần ở gần đây tụ lại, hưởng hết tế lễ do Lạc dân mang tới.

Đợi đến trời tròn bóng, khi Lạc dân đã kéo nhau lục tục ra về, miếu thờ chỉ còn ngổn ngang đồ tế lễ thì thằng Gióng mới từ từ hiện ra. 

Nó từ ngày thành Thần đến giờ cũng chẳng thay đổi gì; đầu mang khăn vải, thân trần quấn khố, vác khúc tre ngà trên vai tựa tên tiều phu quẩy gánh. 

Lạc dân mà có gặp, sợ cũng chẳng thể tưởng tượng nổi vị này là Phù Đổng Thiên Vương, Tôn Thần mà bọn họ luôn cầu nguyệt nhờ hắn ban phước mỗi khi ra trận.

Gióng vừa vào Miếu đã phát ra tiếng cười sang sảng, hồ hởi hỏi: “Ha ha, anh Cao Sơn. Năm nay Lạc dân làm lễ lớn hay sao em cũng được hưởng ké vậy?

Vừa nói, nó vừa đảo mắt đánh giá quanh đây một lượt. Khi thấy trên bệ đá đặt toàn vò sành, dù đã được đậy kín nhưng mùi rượu thơm vẫn len lỏi tỏa ngát. Mắt nó sáng lên, cổ họng không tự chủ nuốt ừng ực.

Ta biết nó khoái rượu, nên tiện tay quẳng qua cho nó một ghè rồi bảo:

“Mi thử đi, anh nghe Lạc dân bảo rượu này ngâm từ ba mươi hai loại thảo dược, là hàng cống nạp của mấy bộ lạc nhỏ khu ngoại biên đấy.”

Gióng và ta như anh em một nhà, nghe ta nói vậy nó cũng chẳng có gì phải câu nệ. Ghè rượu to ngang đấu gạo bị một tay nó bắt gọn, uống ừng ực. 

Rượu ngon chảy trọn xuống dạ dày, Gióng khua tay quệt miệng, mặt mày phấn khởi, vừa định nói gì đó thì đã có âm thanh từ trên trời ở ngoài miếu vọng xuống.

“Hai thằng nhóc chúng mi, lão còn chưa tới mà chúng mi đã phân chia rượu thịt cả rồi à?”

Kèm theo giọng nói già nua, Hà Bá chậm rãi từ trong hư không bước ra. Cái lưng còng của lão trăm năm trước còn hơi vuông vức, hiện tại đã như cầu vồng sau mưa.

“Ài… lâu ngày không có dịp gặp gỡ, thọ mệnh của Hà Bá có lẽ cũng sắp cạn mất rồi!”

Ta thầm nghĩ.

Dẫu thế, ngoài mặt ta vẫn cười tươi, không dám bỏ qua lễ tiết, vội vàng ra trước cửa miếu, hơi cuối người chào: “Chào cụ Hà Bá, lâu ngày có dịp Lạc dân tế lễ, nên con mới mời cụ sang chơi, hưởng chút lễ lộc của Lạc dân mang tới. Chứ mình con dùng cũng không hết, bỏ thì phí, lại tạo thêm nghiệp cho chúng dân thì khổ.”

Hà Bá tuy cũng đồng cấp Tôn Thần như ta, nhưng lão năm nay cũng độ hơn chín ngàn tuổi, sống lâu hơn, kinh nghiệm cũng phong phú hơn ta rất nhiều.

Vì thế, những Tân Thần như ta gặp lão đều lấy phận con cháu mà đối đãi, cũng thể hiện lòng biết ơn ngày xưa lão đã nhiệt tình chỉ dạy khi chúng ta mới về Trời.

Ở bên cạnh, Gióng thấy Hà Bá đến, vội vàng đặt ghè rượu xuống chạy tới đỡ lão, giọng điệu có vẻ áy náy nói:

“Ôi, Thầy tới sao không nhắc con ra đón!” 

Nói về thân thiết thì ngoài người anh em như ta, có lẽ Gióng thân với Hà Bá nhất. Ngày nó mới thành Thần cũng được Hà Bá giúp đỡ, chỉ dạy rất nhiều thứ, nên qua cả ngàn năm, đến giờ nó vẫn rất cung kính gọi lão là Thầy.

Khoảng nửa giờ sau, mấy Tôn Thần khác đều đã lục tục kéo tới. Tuy không đầy đủ nhưng tính cả ta nữa cũng được sáu Tôn. Ngoài những vị Thần trên dương gian như ta, Gióng, Hà Bá, Gió và Quý Minh. Lần này ngay cả thằng Đầu Trâu cũng đúng dịp đang xin nghỉ phép, lên trần gian dạo chơi nên góp mặt.

Chúng ta ngồi xung quanh bàn đá giữa miếu thờ, đồ tế lễ đầy ắp cứ thế mà thỏa thích ăn uống. Khi có Lạc dân thì chúng ta chỉ hưởng hương hỏa, nhưng lúc không có ai như này thì rượu thịt phàm trần cũng bị chúng ta dọn sạch.

Vài canh giờ trôi qua, Quý Minh, Thần quản lý ở dưới xuôi đã ngà ngà say. Mặt hắn đỏ ngầu, lững thững đứng dậy, chân nam đá chân xiêu nói:

“Ta nói các vị nghe xem có hợp lý không? Người trần mắt thịt có biết Thần Tiên là cái gì đâu! Chẳng hiểu tại sao đạo Trời lại có cái luật - phải có tín đồ mới được phong Thần!” 

Vừa dứt lời, hắn liền ôm lấy vò rượu nốc một hơi cạn sạch. Sau đó mới quét mắt nhìn qua tất cả các Tôn Thần đang ngồi đây một lượt, giọng hơi lè nhè, tiếp tục nói:

“Độ trước, Lạc dân dưới núi Đinh thấy trên núi có con cọp hay ăn thịt người, chúng sợ hãi lập cả miếu thờ. Vài năm sau con cọp nhờ hưởng chút hương hỏa mà mở ra linh trí, nói được tiếng người.”

Nói đoạn, hắn hừ một tiếng, lộ vẻ coi khinh rồi tiếp tục:

“Con này khôn, trước chưa có linh thì giết người như giết gà. Giờ nó sợ quả báo nên không dám giết nữa, chỉ cần gầm một tiếng là dân chúng nó mang đồ ăn dâng lên tận miệng, lại được tiếng thơm là bảo vệ dân làng. Tín đồ ra vào miếu nó nườm nượp, chắc chẳng mấy năm nữa cũng thành Thần rồi.”

Tiếng rượu “ừng ực” chảy qua thanh quản, Quý Minh khà ra một cái rõ to rồi lại nói:

“Ấy vậy mà có cụ cây ở làng chài Ông Mạnh, hắn dãi nắng dầm mưa cả ngàn năm nay nào có ai hay. Xui rủi gặp đúng ‘năm tuổi’ bị cô hồn, ngạ quỷ nó nấp trong thân, hại cụ bị trời đánh cho gần chết, cũng may đúng lúc ta đi ngang nên vớt lại được một mạng. Dân làng thấy lạ mới thắp nhang, cúng quả, lập miếu thờ. Nhẽ ra mấy thứ này bị đám cô hồn, ngạ quỷ nó ăn hết mới phải, nhưng đám đó đã bị nhà Trời đánh chết rồi còn đâu. Cụ cây trong cái rủi có cái may, được thơm lây, nhờ vậy mà thành Bán Thần.”

Quý Minh vừa nói, vừa uống, vừa khua tay múa chân. Cứ như hắn sợ sự bực dọc của mình chẳng ai chứng kiến, chẳng ai để tâm vậy. Nốc một ngụm rượu đắng, hắn lại tiếp tục kể: 

“Thế rồi có hôm vợ chồng thằng Sấm, con Chớp chẳng biết vì chuyện gì mà cãi nhau to. Chúng nó chẳng may đánh trúng cụ cây gãy một nửa thân, đè chết hết thảy bảy người đang trú mưa dưới gốc. Giờ dân làng chài nó sợ, nó gọi cụ là cây thành tinh giết người. May có ta ngăn trở chứ không chúng nó đập miếu, quật cả gốc cụ lên rồi. Nhà trời vừa định phong Thần cho cụ, cũng do thế mà phải đình lại! Các vị nghĩ coi có vô lý không?”

Nói tới đây, Quý Minh nheo mắt nhìn sang phía ta, ợ một cái rõ to rồi gằn giọng:

“Cao Sơn, mi bớt ăn lại, mi thấy ta nói có đúng không?”

Ta sẵn đũa, đang gắp miếng thịt heo nướng còn chưa kịp bỏ vào miệng, nghe hắn hỏi lúc này mới nhớ nãy giờ y đang “bất mãn chế độ” nên ngồi kể lể.

Cũng chẳng biết trả lời làm sao cho vừa lòng hợp ý thằng bạn mình, ta mới ậm ờ đáp:

“Ờ… thì cái chuyện phong Thần là do trời đất định sẵn, Ông Trời cũng có muốn đâu. Mi cứ phải ấm ức chuyện cụ cây không được làm Thần mãi thế nhỉ? Đã ba trăm năm rồi!”

Vừa nói, ta vừa giơ ba ngón tay lên, khua khua trước mặt hắn, rồi mới tiếp tục.

“Ta nói với mi chứ… làm Thần như chúng ta có sung sướng gì đâu! Mang tiếng đi mây về gió, thế mà cứ như làm đầy tớ cho chúng dân ở dưới trần. Ta còn hơn một trăm năm nghỉ phép, mà mãi không có dịp để nghỉ đây! Chẳng phải cũng vì sợ nghỉ rồi ở dưới trần không ai thay thế, dân chúng sinh loạn hay sao!”

Nghe ta nói, thằng Gióng, thằng Gió, cụ Hà Bá với thằng Đầu Trâu không biết là đang đồng cảm hay chế giễu, nhưng cả đám đều cười phá lên. Thằng Đầu Trâu còn đắc ý chen ngang bảo:

“Các anh cứ ở mãi trên mây nên làm việc gì cũng khó khăn nhỉ? Chứ cứ như dưới Âm Phủ của em, Đầu Trâu nghỉ phép thì còn có Đầu Gà, Đầu Heo vào thế, chẳng bao giờ sợ thiếu Âm Thần làm việc.”

Quý Minh nghe thấy lời này, hắn ngồi lại bàn, gắp một miếng thịt lớn, vừa ăn vừa trả lời: “Mi nói hay như hát. Âm Thần chúng mi được định sẵn từ khi còn sống, ai có duyên âm lớn, tích đủ công đức cõi trần thì được chọn, chứ có luật lệ hà khắc như cõi Trời của chúng ta đâu?”

Nói đoạn, hắn trợn mắt nuốt xuống miếng thịt rồi lại tiếp tục: “Nói mới tức, cụ cây kia ta định cho lão thế vào vị trí của ta, trông coi dưới xuôi, để ta có thời gian đi tìm cơ hội thăng cấp thành Chân Tiên. Chứ tuổi thọ Tôn Thần như chúng ta chỉ đâu đó chừng mười ngàn tuổi, giờ cứ mãi như này có khác gì đang chờ chết đâu.”

–-----------------------------•-----------------------------–

[1] Một Trượng: Khoảng 4 mét.

[2] Vật Tổ: Tên gọi khác là Tô-tem. Là vật thể, ý niệm hay biểu tượng linh thiêng có ý nghĩa đối với một cộng đồng người nhất định. Trong truyện thì có thêm công dụng để các Thần thông qua đó mà bảo vệ, nhận tín ngưỡng - hương hỏa, ban phước lành cho dân.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận