Năm đó, hoa mắt huyền giăng kín hàng dây thép, dẫn đường vào một căn hẻm nhỏ hút gió mát rượi. Đi hết hẻm nhỏ, ta dễ dàng bắt gặp những tiệm cắt tóc vỉa hè với giá hai mươi ngàn trên một đầu. Sau cơn mưa, bầu trời trong veo như một chiếc mâm ngọc. Từng cơn gió lướt qua, khiến hàng dâu da xoan nghiêng mình tựa đang khiêu vũ trong ánh sáng lãng mạn buổi đầu chiều.
- Quân, xuống đây!
- Không đâu, em nhất định không cắt tóc đâu!
Phong đưa mắt về gốc cây, nơi phát ra tiếng cãi vã của đôi chị em nọ. Cô chị nửa khó chịu, nửa lo lắng ngước lên nhìn đứa em bướng bỉnh đang cố sống cố chết bám vào một cành cây lớn. Trông thằng bé như đang nằm sấp trên một khúc gỗ hẹp gấp đôi cơ thể với đôi chân buông xuống, lơ lửng giữa tầng không. Thỉnh thoảng, nó lại bứt một quả dâu da xanh lét mà cho vào miệng, ngay sau đó thì mặt nhăn như khỉ vì vị chua của trái non.
Chàng thanh niên nhìn qua cô chị. Từ hàng ghế anh đang ngồi về phía nàng thiếu nữ tạo thành một góc nhìn nghiêng khá hẹp. Dưới góc nhìn đó, Phong chỉ thấy cô gái này có một dáng hình nhỏ nhắn. Bóng lưng gầy với phần tóc sau gáy rẽ làm đôi.
- Ê nhóc!
Tiếng gọi của Phong thu được ánh nhìn của cả hai chị em. Với thành công này, anh tiếp tục hất hàm về phía thằng bé:
- Trên cây có sâu róm đấy!
Cảnh báo tốt! Bằng chứng của việc đó là thằng bé rên lên một tiềng sợ hãi, nhanh chóng lộn người lại rồi thả mình xuống đất. Như chỉ chờ có vậy, cô chị cốc đầu đứa em một cái rồi kéo nó vào băng ghế đợi đến lượt cắt tóc. Trước khi đi, nàng không quên cúi đầu cảm ơn, kèm một nụ cười duyên dáng.
Phong gật đầu chào lại, đồng thời cố gắng nhìn kỹ gương mặt khả ái kia. Dưới ánh nắng nhẹ nhàng cuối chiều, trông cô yêu kiều với một nửa nhuộm màu nắng, dịu dàng với một nửa được tô điểm bởi bóng râm. Mái tóc có phần xơ rối nhưng được buộc gọn gàng thành hai dải, bó sát khuôn mặt trái xoan đầy nữ tính. Đôi mắt bồ câu với hàng lông mày thanh tú khiến người ta cảm thấy vô cùng dễ chịu. Ở nơi thành thị xô bồ này, trông cô tự nhiên hơn nhiều so với những cô nàng đồng trang lứa.
Những tiệm cắt tóc vỉa hè nối đuôi nhau trải dài trên phố, Phong ngồi ở hàng giữa, còn cô chị gái kia đang kéo em mình về phía đầu đường sau khi đã làm xong việc. Chàng thanh niên mải nhìn theo bóng dáng đó mà lơ đễnh, không nghe thấy người thợ cắt tóc già đang gọi đến tên mình, cho đến tận khi ông cầm tờ báo gõ nhẹ lên đầu anh:
- Đến lượt cháu rồi kìa! Làm gì mà như người mất hồn vậy? “Trúng sét” của con bé rồi hả!
- Chú Sơn! Sét đánh chỉ có trong truyền thuyết thôi! – Phong đỏ mặt phân trần – Thậm chí cháu còn chẳng biết tên người ta!
Người thợ tên Sơn cười sang sảng. Đôi mắt quắc thước ánh lên vẻ tự hào:
- Con bé tên Giang! Từ vùng quê Hải Dương lên thủ đô lập nghiệp. Nhà con bé nghèo lắm, nó phải nghỉ học khi xong hết cấp ba. Nhưng con bé vừa có trí lại vừa có chí! Nó đang nuôi em mình ăn học và gửi một số tiền về để cho cha mẹ bớt khổ. Nó làm trong một nông trại gần đây từ năm giờ sáng. Đến bốn giờ chiều lại về đây học việc cắt tóc. Chú với con bé là đồng hương nên cũng mong nó được học hành tử tế lắm!
Vậy ra cô bé đó tên Giang. Dáng người nhỏ bé kia đã không còn thấy đâu nữa, giọng nói ngọt ngào dạy dỗ đứa em thơ cũng chẳng còn vang bên tai. Vậy mà sao lòng anh lại thấy một vẻ bồi hồi đến lạ? Liệu trên đường có duyên được gặp lại nàng không? Suy nghĩ của Phong lúc này là như vậy đó!
Bên kia đường, hàng dâu da đang hát thì phải!
Và, cái được gọi là duyên số thực sự tồn tại ở trên đời. Không lâu sau đó, Phong đang ngồi bên quán bún riêu, hàn huyên với ông anh họ, nói những câu chuyện mà "chỉ đàn ông mới đem lại hạnh phúc cho nhau".
- Có bạn gái thích không Phong?
Thanh hỏi trong khi tay đang xoay tròn chiếc đũa. Hỏi Phong câu này thì khác gì tìm người mù hỏi đường? Nhưng bằng lòng tự tôn của một đứa con trai, anh vẫn cố nặn ra một câu vô thưởng vô phạt:
- Em chỉ thấy toàn mùi hành thôi! Thế còn anh thì sao, định bao giờ cho em ra mắt chị dâu?
- Anh sao? Vẫn đang tìm cô nào chịu bán hành cả đời cho anh đây! Nếu một cô nàng có cá tính mạnh mẽ xuất hiện thì anh sẽ rước cô ấy về bằng mọi cách!
- Một cô nàng dịu dàng thùy mị vẫn hơn chứ?
- Không một cô nàng cá tính mãnh mẽ!
- Một cô nàng..
Tràng cãi vã của hai tên ngốc bị cắt đứt bởi tiếng động cơ nặng nề, phá tan bầu không khí tĩnh mịch buổi ban trưa. Ba tên du côn vây quanh một cô gái nhỏ bé với thế chân vạc. Phong nhếch mép, cái đầu thường được giữ với nhiệt độ đông đá nay nóng bừng. Lại là mấy cái thằng ranh con đó, cậy mình có xe mà suốt ngày tụ tập trêu tức người khác. Lần đụng độ trước anh đã dần cho chúng một trận nhớ đời, vậy mà nay vẫn “ngựa quen đường cũ". Mắt chạm mắt với ông anh họ, cả hai người đập bàn đứng dậy, nhưng chàng thanh niên bất chợt sững sờ khi thấy cô gái đang gặp nạn lại là Giang.
Không kịp rồi, dù có lao vào nhanh như thế nào thì cái môi bẩn thỉu của gã du côn kia cũng sẽ chạm vào mặt cô ấy mất. Phong nghiến răng, chân vẫn lao tới và mong chờ một phép màu sẽ xảy ra. Nhưng nó đã không xảy ra, thay vào cái phép màu mà anh chờ thì một viên đá xanh lao như điện xoẹt kèm theo một cú đá vòng điệu nghệ. Không gian yên ắng trong một giây và bị phá vỡ bởi tiếng gì đó nghe như quả rụng. Đưa mắt nhìn lại đã thấy tên du côn nằm đo đất cách đó nửa mét. Người cứu Giang là một cô gái khác với mái tóc dài xõa ngang lưng. Hai tên đằng sau đang định đánh lén cô nhưng Thanh đã nhanh hơn một bước. Bằng món Hầu quyền của mình, Thanh lộn một vòng trên không, rồi phẩy sơ sơ giữa hàm một tên. Không chậm trễ thêm một khắc nào hết, Phong vòng ra sau lưng tên còn lại, túm lấy đầu hắn mà đập thật mạnh vào trán của đồng bọn. Cả hai tên ngã lăn ra đất, ôm đầu mà rên rỉ.
- Em có sao không?
Thanh lại gần cô gái nọ hỏi thăm, nhưng chỉ nhận được một cái liếc sắc như dao gọt ổi:
- Vô duyên, biết người ta bao nhiêu tuổi mà gọi bằng em?
Nói rồi cô lập tức móc ví của bọn côn đồ, để lại một chữ “ổn” rồi phóng chiếc phượng hoàng mà đi thẳng. Phong đỡ Giang dậy rồi vỗ vai ông anh số nhọ.
- Em đưa Giang về, anh trai đừng buồn quá!
Chỉ thấy Thanh thở dài ngao ngán rồi quay lại quán bún riêu, còn Phong được giữ lấy cái vinh hạnh đưa người đẹp về. Ấy vậy mà cả một phần tư quãng đường anh chỉ hỏi duy nhất một câu:
- Giang không sao chứ?
Giang lấy tay che đi nụ cười khúc khích:
- Anh Phong hỏi em câu này lần thứ tư rồi!
Anh chàng đẹp trai đưa tay lên gãi đầu. Chẳng biết nghĩ gì mà chuyển qua chuyện thời tiết:
- Trời nắng to quá nhỉ?
- Vâng! – Giang đáp, đồng thời chỉnh lại chiếc mũ rộng vành trên đầu. – Cảm ơn anh đã cứu em. Em được nghỉ giữa giờ, đang tranh thủ về nhà nấu bữa trưa thì gặp phải bọn côn đồ đó. Do bất ngờ nên em chưa kịp cảm ơn chị ấy, thật ngại quá! Không biết em còn cơ hội cảm ơn người ta không?
- Có duyên sẽ gặp lại thôi, giống như anh gặp lại em vậy?
Giang quay qua nhìn người đi bên cạnh, đôi mắt ánh lên vẻ hiếu kỳ:
- Chúng ta đã từng gặp nhau ạ?
Cố giấu đi vẻ sung sướng vì đã tìm ra được chủ đề để bắt chuyện, Phong đưa ra gợi ý:
- Con sâu róm!
Một tiếng “A” tinh nghịch được thốt lên từ đôi môi xinh xắn.
- Thì ra là anh ạ! Từ dạo đó em trai của em không còn leo cây nữa! Thật tốt quá! Chúng em sinh ra ở nông thôn, cây cối thì chẳng ngại trèo. Nhưng đây là thành thị, nếu bị các bác cán bộ tổ dân phố tóm được thì rất phiền phức!
Câu chuyện của hai người cứ như vậy mà tiếp diễn. Khi không biết nói gì thì chỉ hỏi thăm và thời tiết, nhưng khi chữ đã vào đầu thì chàng “bạch diện thư sinh” có thể tìm mọi chủ đề trên trời dưới biển. Phong rất ngạc nhiên khi nghe Giang kể về vùng nông thôn nơi cô lớn lên. Nào là những bông hoa dâm bụt ngọt lịm, mọc lúp xúp dưới tán lá bích ngọc. Nào là những cái ao cá lớn. Vào mùa mưa cá cứ thi nhau mà nhảy cả lên bờ.
- Một ngày nào đó anh đến thăm quê em nhé!
- Thậm chí đến nhà ra mắt cha mẹ em luôn cũng được!
Nguy! Thấy được sự nghiêm trọng trong câu đùa của mình, Phong chết điếng. Nhưng Giang vẫn chỉ cươi khúc khích:
- Được vậy thì tốt quá!
Phần nào đó từ tận sâu trong tim, Phong đã nhận thấy cảm giác của nhân vật “tôi” trong bài thơ "Quê Hương" của tác giả Giang Nam.
“Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích
Mắt to tròn, thương, thương quá đi thôi!”
Suy nghĩ lúc đó của Phong là như vậy đấy!
Những tháng ngày yên bình cùng Giang bắt đầu từ đó. Nhưng, cuộc gặp gỡ nào mà không có chia ly? Vẫn con hẻm vắng dẫn ra con phố có những tiệm cắt tóc vỉa hè. Vẫn hàng dâu da nơi lần đầu anh gặp cô. Phong ngồi dưới tán cây mát mẻ, nửa thân trên được bọc bởi mảnh vải ngăn tóc bám lên người. Sau những tiếng dao kéo vui tai, một bàn tay đặt lên má anh. Nó không mềm mại như bàn tay lẽ ra phải có ở một cô gái đôi mươi, chỉ toàn những vết chai sạn do suốt ngày cày cuốc. Dẫu vậy, trong lòng của Phong lại ấm áp khó tả. Bàn tay này, liệu anh có còn được cảm nhận thêm lần nữa?
- Chắc phải rất lâu nữa, em mới lại có thể cắt tóc cho anh!
Giọng của Giang rất vẫn ấm áp, nhưng đã không còn giữ nổi sự điềm đạm vốn có.
- Em sẽ về học tiếp thật à? Cao Đẳng Y Hải Dương phải không?
- Vâng. Khoa kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh!
Phong không nói tiếp, chỉ lẳng lặng nhìn qua gương. Đôi mắt bồ câu đang ngấn nước. Hàng dâu da lại nghiêng mình như lần đầu tiên anh gặp cô. Chỉ là lần này, chúng đang quyến luyến trước bóng hình đã gắn bó quá lâu với mảnh đất nơi đầu hẻm vắng.
- Hứa với anh! Nhất định phải quay lại nhé! Bằng không, dù có lật tung cả Miền Bắc lên anh cũng sẽ bắt cóc em về!
Giang bật cười trong tiếng sụt sùi. Cô đáp bằng giọng điệu trong trẻo như chim buổi sớm:
- Vâng!
“Này gương ơi, em ấy cười rồi! Em ấy cười rồi!”. Những suy nghĩ lúc đó của Phong là như vậy đấy.
Rất lâu sau đó, vào một ngày xuân bướm đen bướm trắng thi nhau bay lượn trùng trùng điệp điệp. Phong cụng ly cùng chú rể, rồi lười biếng nhấp rượu trên môi. Đám cưới là ngày vui của một đời người, dù tâm trạng anh không tốt cũng không nên làm ảnh hưởng tới không khí xung quanh. Bố anh có vẻ vui, nhìn ông hàn huyên cùng chiến hữu mà Phong không khỏi cười khổ. Rốt cuộc anh có mặt ở đây làm gì? Để ngồi gắp miếng thịt gà vào bát rồi “gặm” như một tên tự kỷ ư? Chán!
Hôm nay đáng ra phải là ngày anh cùng Thanh và đám chiến hữu “châm tửu ca” để mừng những tháng ngày độc thân cuối cùng của thằng bạn nối khố. Ấy vậy mà mẹ của Phong lại bắt anh phải tham gia đám cưới của một cô em họ chưa gặp bao giờ. Chưa gặp thì giờ gặp, mà gặp rồi thì sao, liệu ra đường hai người có thể nhớ mặt mà chào nhau một câu không? Chẳng phải cổ nhân có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần” ư? Nếu không phải các cụ nhầm thì chắc chắn là mẹ anh nhầm!
Phong thở dài vừa khéo để không ai nhận thấy. Đặt đũa xuống bàn rồi mời mọi người tự nhiên, anh đưa đôi chân mình lách qua đám đông đang hò hét trong tiếng quan họ mừng đôi uyên ương. Ngoài trời, những hạt mưa xuân lất phất bay cùng cơn gió mát rượi. Trên cao, những chùm hoa nhãn đưa mình khiêu vũ cùng cặp bướm qua đường. Bao Thăng Long chỉ còn duy nhất một điếu thuốc. Sau một mồi lửa, Phong hờ hững nhìn hơi khói phát ra từ miệng mình ngưng đọng trong không trung rồi loang ra mất dạng.
- Hút thuốc lá không có lợi cho sức khỏe đâu!
Giọng nói ấm áp cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của chàng thanh niên. Phong đưa mắt nhìn lại, bóng hình quen thuộc với mái tóc gợn sóng buộc thành hai dải. Giang kiêu sa với chiếc áo trắng sơ vin gọn gàng trong tà váy đen.
- Anh không quen khe hở giữa hai đầu ngón tay. Nếu nó được lấp đầy bởi bàn tay của em thì anh sẽ nghĩ đến chuyện bỏ thuốc.
Phong buông một câu nói đùa sau năm giây lặng người. Giang chỉ bật cười không đáp, Phong bất giác cười theo.
- Anh sẽ không để em đi đâu nữa! - Suy nghĩ của Phong lúc đó là như vậy đấy.
Lại rất lâu sau đó, hoa mắt huyền vẫn giăng kín một hàng dây thép. Đôi bàn tay thô ráp của người phụ nữ nọ đang vuốt lên mái tóc của người chồng tuổi khoảng tứ tuần:
- Thấy chưa, em đã bảo chồng ngồi yên rồi mà. Làm em cắt lệch rồi này!
Qua tấm gương đã cũ, ánh mắt của người phụ nữ đó nửa yêu thương, nửa hờn dỗi, lại thêm chút phần lo lắng. Người đàn ông kéo đôi bàn tay nọ xuống, khiến vợ ông ta mất thăng bằng mà khom lưng, ôm chặt lấy chồng. Như đã đạt được ý muốn, ông đưa đôi môi của mình lên bờ má đã hằn vết chân chim.
- Anh yêu vết cắt lệch này. Yêu nó như yêu vợ vậy đó! – Suy nghĩ lúc này của Phong là như vậy đó!
9 Bình luận