Tất Tần Tật Về Hội Thoại
Members

Viết hội thoại nói dễ không dễ mà nói khó cũng không khó. Cơ bản thì để viết một đoạn hội thoại ổn ổn một chút cần hai yếu tố sau: (i) nội dung hội thoại và (ii) kỹ thuật.

Về nội dung thì cần phải chú ý một vài điểm sau:

  1. Xuất thân của nhân vật:

Nhân vật có người giàu kẻ nghèo, người quý tộc kẻ vô lại; thế nên với mỗi xuất thân khác nhau, họ lại có kiểu giao tiếp khác nhau.

Với những nhân vật có COCC, họ thường có lối nói chuyện hoặc trịch thượng ta đây ra vẻ hoặc đường hoàng tử tế, lịch thiệp và nhã nhặn. Những người này thường được hưởng chế độ giáo dục nghiêm chỉnh nên rất có thể cách dùng từ của họ cũng trau chuốt hơn. Trong lúc nói chuyện, họ có thể sẽ dùng đến những từ mà ngày nay ít ai (hoặc chả ai) hiểu như: ô trọc, tày liếp, manh nha, diệu vợi, truân chuyên, quắc thước,…

Những nhân vật bụi đời thì sẽ nói tục nhiều, dùng từ lóng nhiều, nói trống không, hay cợt nhả, sỗ sàng; hoặc họ có thể rất ít nói, xa cách với mọi người. Cách dùng từ của họ cũng chợ búa hơn, đơn giản hơn, bình dân hơn, và mang tính địa phương hơn.

Nhưng bấy nhiêu đó mới chỉ đủ để tạo thành tiếng nói của một nhóm nhân vật. Để tạo ra tiếng nói cho một nhân vật cụ thể, còn phải xét đến những yếu tố sau:

  1. Tính cách của nhân vật:

Tính cách thì không liên quan gì đến xuất thân. Dù họ có là quý tộc hay là nông dân bần hàn đi chăng nữa thì họ vẫn có thể lắm mồm hoặc hài hước như nhau. Tuy nhiên, hài hước cũng có mấy kiểu hài hước. Có những người thích kể truyện cười dung tục; cũng có những người lại nói mấy câu đùa hàn lâm mà chả ai cười nổi. Có người hoà đồng vui vẻ nhưng tạo cho đối phương cảm giác giả tạo; nhưng có người lại rất có duyên, khiến ai nấy đều bị họ cuốn hút.

Nếu bạn xây dựng nhân vật kỹ lưỡng, tính cách và xuất thân sẽ khiến cho các nhân vật trở nên khác biệt hơn, không bị rơi vào trạng thái một màu. Đôi khi chỉ cần đọc một câu thoại thôi, độc giả đã biết ngay đấy là xuất phát từ cửa miệng của nhân vật nào rồi. Đừng để độc giả đọc một câu truyện mà tất cả lời thoại đều giống như do một nhân vật duy nhất nói ra nhé.

  1. Đặc trưng giọng nói và ngôn ngữ hình thể:

Tính cách và xuất thân ảnh hưởng đến cách nói của một người, còn âm thanh phát ra lại chịu ảnh hưởng bởi đặc trưng vùng miền và đặc điểm sinh lý cơ thể. Có người là nam nhưng lại nói giọng eo éo; có những bạn nữ nhưng chất giọng lại ồm ồm. Có người do hút thuốc quá nhiều hay bệnh tật gì đấy mà thanh quản bị ảnh hưởng; lại có những nhân vật nói lí nhí, nói sang sảng, hoặc bị câm.

Ở mỗi vùng miền khác nhau, nhân vật lại có ngữ điệu khác nhau. Có người nói như hát; có người trọ trẹ; có người ngọng líu ngọng lô; có người không phát âm được một vài chữ nào đó.

Khi diễn tả đặc trưng ngôn ngữ vùng miền này, có trường phái khuyên bạn nên viết hẳn hoi chân thật cách nói của họ như thế này: “Pòng bệnh hơn trữa bệnh.” nhưng cũng có trường phái bạn chỉ cần miêu tả cách nói của nhân vật rồi viết bình thường. Cá nhân tôi thì theo cách thứ nhất.

Khi bạn kết hợp đầy đủ 3 yếu tố trên, đoạn thoại của các nhân vật chắc chắn sẽ cải thiện rất nhiều. Hệ thống nhân vật trong truyện cũng đa dạng hơn, chân thật hơn. Hẳn rồi, chỉ cần bước ra khỏi cửa bạn đã bắt gặp vô số những giọng nói khác nhau. Cớ gì thế giới trong truyện lại không giống như vậy?

  1. Trạng thái hiện tại của nhân vật:

Đôi khi do một lý do nào đó mà nhân vật phải giấu đi cách nói chuyện thật sự của mình. Họ phải đóng giả làm một người khác, đổi một ngữ điệu, đổi cách dùng từ,… Tuỳ theo mục đích của mình mà tác giả có thể cho họ ứng xử khéo léo hay vụng về, có để lộ manh mối hay không. Nhưng nhìn chung lại, khi phải nói bằng một giọng điệu khác, phần nào đó người ta sẽ không thể diễn tự nhiên và đều lộ ra ít nhiều bản chất thật của mình (trừ phi là chuyên gia). Yếu tố này có thể đóng vai trò nào đó để xây dựng diễn biến truyện đấy.

Ngoài ra, khi nhân vật cáu giận hay buồn bã hay vui vẻ, chất giọng của họ ít nhiều cũng có biến đổi. Nếu những nhân vật khác để ý và phát hiện ra những chi tiết nhỏ này cũng là một cách để thể hiện tính cách và mối quan hệ giữa họ.

  1. Tránh những đoạn tán gẫu dư thừa:

Đừng bao giờ nhét những đoạn thoại chán ngắt như thế này vào truyện:

A: “Trời đẹp nhỉ?”

B: “Ừ, hôm nay khá mát mẻ đấy.”

A: “Tối qua ngủ ngon không?”

B: “Ngon lắm.”

Chả ai muốn đọc mấy thứ này cả. Thay vì vậy, chỉ cần nói ngắn gọn họ tán gẫu với nhau một chút, rồi sau đó bắt đầu vào đoạn thoại quan trọng luôn.

Chỉ khi nào những câu tán gẫu có chức năng quan trọng gì đó thì mới cho vào truyện. Ví dụ như:

A: “Tối qua ngủ ngon không?” A hỏi, không giấu được sự quan tâm trong giọng nói.

B: “Ngon lắm.” B quày quả đáp, cúi mặt giấu đi đôi mắt thâm quầng.

Qua đoạn tán gẫu tưởng chừng như chán ngấy này, người đọc nhận ra hai việc. B vì lý do gì đó đã không yên giấc tối qua; và B cố tình giấu giếm A, một người rất quan tâm đến mình, việc đó.

Ngoài ra, trong ví dụ trên, chúng ta cũng thấy được cử chỉ của nhân vật khi trò chuyện. Lúc viết hội thoại, đừng chỉ viết lời nói của họ như một cái máy phát thanh vô hồn. Hãy cho họ vừa nói vừa gãi tai, vừa đỏ mặt, vừa rít qua kẽ răng, vừa đập mạnh lên bàn,… Cuộc trò chuyện nhờ đó mà cũng sinh động hơn, rõ ràng hơn cho độc giả nắm trạng thái của họ. Cứ thử xét vì dụ sau là hiểu:

1: “Em tin anh.”

2: “Em tin anh,” cô nói, nụ cười rạng rỡ trên môi.

3: “Em tin anh,” cô nhướng mày, cố tình kéo dài giọng ra và không quên cái nhếch mếp mỉa mai.

  1. Cú pháp trong văn nói:

Khi viết văn xuôi, cần chú ý đến vấn đề cú pháp như câu đơn câu ghép này kia. Nhưng khi bạn trình bày lời nói của nhân vật thì đó là mô phỏng lại văn nói trong thực tế. Khi nói chuyện, chúng ta dùng đại từ mơ hồ, chúng ta mắc lỗi ngữ pháp, chúng ta dùng câu lê thê, chúng ta lặp từ, chúng ta dùng quá nhiều mệnh đề phụ thuộc, và chúng ta dùng từ sai ngữ cảnh (y như câu tôi đang viết vậy). Và đó chính là văn nói chân thật, không phải một kịch bản thuyết trình được viết chỉn chu. Tuỳ theo kiểu nhân vật mà tác giả hoàn toàn có thể quên đi tiêu chuẩn cú pháp thông thường để lột tả cho đúng nhất tinh thần của nhân vật đó. Nhớ là chỉ áp dụng cho hội thoại nhé. Văn xuôi mà viết ẩu là tiêu đời đấy.

  1. Lưu ý về những yếu tố ngữ pháp và ngữ cảnh:

Tuy nhân vật chịu ảnh hưởng bởi yếu tồ vùng miền nhưng tác giả viết văn bằng tiếng Việt và có rất nhiều những thành phần ngữ pháp mà tiếng Việt không có đơn vị tương đương trực tiếp. Ví dụ điển hình nhất là các hậu tố kính ngữ trong tiếng Nhật như -kun, -san, -chan, -sensei, -sama,…

Những chi tiết này có thể vô tình gây khó khăn cho độc giả nào không quen với văn hoá của ngôn ngữ ấy. May mắn là tiếng Việt cũng có những cách gián tiếp để thể hiện những yếu tố này ra mà vẫn bảo đảm được tính thuần Việt và không gian đối thoại. Vậy nên các tác giả nên chịu khó suy nghĩ cách diễn đạt tương đương thay vì lạm dụng và lai tạp hai ngôn ngữ nhé.

_____

Bên cạnh những yếu tố về nội dung thì phần kỹ thuật viết hội thoại cũng có vài điểm đáng lưu ý, chủ yếu xoay quanh việc dùng dấu ngoặc kép và cách chấm phẩy. Thật ra cũng không có gì quá phức tạp, trước hết cần phải biết kết cấu ba phần của một câu thoại đã:

“Nội dung thoại” + người nói + hành động liền kế

Bây giờ, hãy xem ví dụ dưới đây để phân tích cách sử dụng dấu câu liên kết ba thành phần này.

Đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi đoạn văn xuôi.

“Đây là một câu trần thuật,” tôi nói, nhún vai ra vẻ sao cũng được. (tất cả nối bằng dấu phẩy, người nói không viết hoa).

“Đây là một câu cảm thán!” cô ấy bật lại, rõ ràng là đã bực mình. (người nói vẫn không viết hoa cho dù đứng sau dấu chấm cảm).

“Đây là một câu hỏi?” tôi trố mắt, chẳng hiểu bạn gái mình muốn gì. (người nói vẫn không viết hoa dù đứng sau dấu chấm hỏi).

Cô ta hậm hực ngoảnh mặt đi. “Đây lại là một câu cảm thán!” (nếu người nói và hành động đứng trước thì phải chấm rồi mới đến nội dung thoại).

Đôi khi nhân vật kể một câu chuyện rất dài hay giải thích một vấn đề gì đó mà câu thoại của họ biến thành nhiều đoạn thoại phải xuống dòng. Ta sẽ viết như sau:

Ông ấy chầm chậm kể. “Đây là một câu chuyện rất dài, dài lắm, phải xuống hàng lần một thôi và không đóng ngoặc kép nhé.

“Đoạn tiếp theo mở ngoặc kép nhưng nếu còn đoạn sau thì lại xuống dòng nhưng không đóng ngoặc kép.

“Đoạn cuối mở ngoặc kép và đóng ngoặc luôn cho người ta biết là xong.”

Đấy! Cứ làm thế là được. Ít nhất, đó là những gì tôi làm (đừng vào truyện tôi kiểm tra làm gì. Trong đó tôi viết vẫn còn sai nhiều chỗ lắm, giờ đang ngồi biên tập đây T___T).

_____

Cuối cùng, là một số mẹo nhỏ khi viết hội thoại:

  1. Đừng để nhân vật A giải thích cho nhân vật B nghe một chuyện mà B đã biết tỏng:

Đây gọi là lỗi bad exposition. Đôi khi trong truyện chúng ta cần phải cho độc giả biết được cách vận hành của máy móc, của luật pháp, của phép thuật,… và nếu chỉ viết dông dài ra thành những đoạn văn thì sẽ bị dính ngay lỗi info dump (thải thông tin) và làm mạch truyện lan man (cá nhân tôi để ý thì một số truyện theo phong cách Trung với góc nhìn toàn tri thường bị dính lỗi này). Vậy nên một số tác giả đã chèn những thông tin đó vào phần thoại bằng cách để nhân vật A kể chuyện hay giải thích cho nhân vật B nghe, nhưng tai hại một chỗ là B đã biết quá rõ về vấn đề này nên thành ra đoạn thoại đó trở nên gượng và dư thừa.

A: “Chà, anh biết đấy. Ở đất nước chúng ta thì tội phạm có quyền thách đấu với người tố cáo chúng để thoát khỏi hình phạt.”

B: “Ừ tôi biết rồi. Cảm ơn anh đã nhắc lại cho tôi một việc hết sức hiển nhiên mà ai là công dân ở cái đất nước này đều biết. Anh không sợ độc giả nghĩ tôi bị đần độn hay mất trí nhớ hay thiếu kiến thức xã hội trầm trọng ư? Sao anh không đi nói quy định này cho một nhân vật C nào đó, người mà chưa biết gì hết?”

A: “Ừ nhỉ…”

  1. Viết thoại trước, viết văn kể sau:

Ít nhất, đây là cách tôi thường làm khi viết một chương. Tôi sẽ viết sạch sành sanh thoại và chỉ thoại thôi ra trước. Không ngôn ngữ hình thể, không miêu tả cái gì hết. Rồi tôi sẽ đánh dấu các nhân vật bằng cách in đậm, in ngiêng, in màu, và để nguyên. Như thế này:

“Chúng ta phải bao vây thành Starpiece.”

“Vô ích. Charlotte sẽ không giao mấy viên Cổ Ngọc ra đâu.”

“Nếu bạo lực không có tác dụng, chi bằng đàm phán đi.”

(Lưu ý: đoạn hội thoại trên không tiết lộ nội dung truyện mà chỉ nhằm mục đích minh hoạ)

Cách này giúp tôi viết thoại một cách liên tục, không ngắt quãng. Nội dung các câu sẽ liên kết chặt chẽ hơn; và việc đánh dấu sẽ cho thấy nhân vật nào có nhiều thoại hoặc quá ít thoại, liệu có nên bỏ đi luôn câu của người đó đi không.

Sau khi xong xuôi hết, tôi mới bắt đầu bổ sung phần văn xuôi và miêu tả hành động nhân vật.

3. Đọc lại thoại thành tiếng:

À cách này sẽ cho ta cảm nhận được là câu nói đó nghe có giả tạo quá không, có bị kịch nghệ quá không. Nếu đọc câu thoại lên mà ta chợt nhận ra rằng ở ngoài đời chả ai nói năng như vậy thì nên viết lại cho tự nhiên hơn.

“Mày lên nhầm xe lửa rồi.”

“Tao có thể lên nhầm xe lửa, nhưng mày bắt nhầm con tao rồi.”

—>

“Mày dám mò lên cái xe này là sai lầm rồi con ạ.”

“Ừ, còn mày dám bắt con tao thì lại càng sai lầm hơn.”

(Thật ra nghe vẫn hơi kỳ nhưng tôi nghĩ nó đỡ kỳ hơn phiên bản gốc. Phim Việt mình lúc nào phần thoại nghe cũng thiếu tự nhiên.)

4. Cài cắm một số thông tin trong thoại:

Quy tắc Chekhov’s Gun nói gì nhỉ?

“Nếu bạn miêu tả một cây súng săn máng trên tường ở chương một thì chương ba nó phải được lấy xuống và bắn một phát. Nếu cây súng đó chẳng ai sử dụng, nó không đáng được nhắc đến trong truyện.”

Chương một và chương ba ở đây chỉ mang tính tượng trưng thôi. Không nhất thiết phải đúng như vậy nhé. Đại ý là nếu bạn nhắc tới một chi tiết nào đó trong truyện thì chi tiết đó phải có mối liên hệ về sau không ít thì nhiều. Đừng đưa ra những thông tin thừa thãi làm độc giả bội thực. Khi bạn miêu tả vết sẹo nhân vật, vết sẹo đó phải gắn với mạch truyện hoặc tiền truyện. Khi bạn miêu tả quần áo của họ, hãy bảo đảm quần áo sẽ có một chức năng nào đó về sau.

Trong thoại cũng vậy, nếu A hỏi B có phải B là con của ông C và bà D không; thì ông C và bà D này nên có vai trò. Nếu không thì bỏ luôn thông tin này đi cho nhẹ và viết cái gì đó quan trọng hơn.

Trong truyện của tôi, nhân vật thường chết đúng theo cái cách mà họ đã từng đe doạ người khác. Kỹ thuật này tương đối phổ biến, tôi chỉ bắt chước lại thôi.

5. Chửi thề trong thoại:

Một số nhân vật đòi hỏi phải được lột tả tính cách bằng cách ăn nói tục tĩu, nhưng tác giả lại ngại làm cho văn của mình trở nên thô kệch.

Với vai trò là một tác giả, bạn có thể tự chế ra những từ tục để thay thế. Độc giả tự khắc sẽ hiểu. Như trong The Maze Runner, tác giả chế ra từ "klunk" để thay cho "shit" và dùng "shuck" để thế chỗ "fuck." Trong A Song of Ice and Fire, các nhân vật cũng chửi thề bằng cụm "seven hells." Trong truyện của tôi thì nhân vật chửi "Đất Mẹ nó!" để thay cho đm. Ngay cả khi truyện của bạn ở thế giới hiện đại, bạn vẫn có thể chế từ được, giống như một phương ngữ hay từ lóng vậy.

_____

Hết rồi. Bài dài quá, nhưng hy vọng những bạn nào có kiên nhẫn đọc hết sẽ rút ra được gì đó mới để tác phẩm được hoàn thiện hơn. Bạn nào có những ý kiến đóng góp bổ sung thì đừng ngại bình luận ở dưới để chia sẻ cho mọi người nha.

Truyện sáng tác

120 Bình luận

Anh tốt thiệt, bỏ thời gian ra để viết mấy cái này luôn. Tuy không biết liệu nó có thể giúp cho chất lượng của OLN có tăng lên hay không nhưng mong là công sức của anh không bị bơ đi mà làm chỗ cho người mới vào để học hỏi vỗ tay :>
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Cần lắm những người lâu lâu vào đào lên :)) hehehe
Xem thêm
Thanks những kinh nghiệm này sẽ giúp tụi e cải thiện rất nhiều????
Xem thêm
Nếu muốn dùng dấu gạch ngang ở trước mỗi câu thoại thì làm thế nào ạ? Em không thích dùng ngoặc kép cho lắm
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Đoạn văn, đoạn văn, đoạn văn. Nhân vật A vừa cười vừa nói:
- Này, thứ bảy này đi chơi không?
- Cũng được. Dù gì thì tớ cũng rảnh.
____
Cá nhân anh không thích dùng dấu gạch ngang vì nó không hữu hiệu trong việc thể hiện ai là người nói và trạng thái của họ lúc đối thoại. Như trong ví dụ trên em thấy đó, nhân vật A thì còn có một câu nhỏ ở phía trên để hỗ trợ, nhưng nhân vật B thì rất khó thể hiện những yếu tố trạng thái. Vả lại, trong đoạn hội thoại có 3 người trở lên thì dùng dấu gạch nối rất dễ loạn.
Xem thêm
ADMIN
TRANS
- Như thế này nè. - Le Ciel điềm đạm nói.
Xem thêm
Xem thêm 5 trả lời
Cho em hỏi cái.
Dấu “” gõ như thế nào thế ạ?
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Chú vừa gõ ra đấy thôi. ','
Xem thêm
Xem thêm 6 trả lời
Nếu cả 2 nv nói cùng lúc cùng 1 câu thì sao nhỉ?
Xem thêm
ADMIN
TRANS
- Cái gì!? - Cả A và B cùng bất ngờ đồng thanh.

- Không lý nào!? - A kinh ngạc đứng phắt dậy rồi lại càng bất ngờ hơn khi nhìn về phía B, người cũng vừa phản ững tương tự.
Xem thêm
""abc.""
Còn nếu đông hơn thì chỉ cần 3 là đủ, đừng lạm dụng.
Xem thêm
Xem thêm 12 trả lời
TRANS
Cảm ơn anh :33 Đọc lại vẫn thấy cuốn như thể đọc truyện ý xD
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Giúp được em là tốt rồi. ^^
Xem thêm
hum~ thank a nhiều nhé! con hàng ngon thật. nhưng có đoạn nào đó anh bảo độc giả thêm vào cái gì đó... em ko bt phải ko... đọc lại ko thấy or ko chú ý...
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Anh không hiểu ý em... @@
Xem thêm
@oceannguyen: ờm... Ý là khi lướt qua em có đọc đoạn nào đó có vẻ anh nhầm độc giả và tác giả... Thế thui kkk
Xem thêm
Xem thêm 2 trả lời
Ui, đúng thứ em đang cần. Mà chả biết bản thân có cải thiện được không nữa...
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Chắc chắn phải có cải thiện chứ! Cầu tiến thế cơ mà.
Xem thêm
@oceannguyen: Em sẽ cố gắng khi căn bệnh lười hiện tại được chữa trị!
Xem thêm
Bài dài quá nên lười đọc, không biết trong bài có nói đến cái gọi là cảm xúc thoại không?
VD: Neto tức giận khi nghe T.A nói rằng mình viết truyện như l*n, chính vì vậy cậu hét thẳng vào mặt hắn ta.
"Câm họng, mày không có tư cách nói như vậy!"

Có thể thấy rõ ràng cảm xúc của người nói là tức giận.

Chứ tôi đọc khá nhiều truyện ở Hako và một số nơi khác, tức giận mà nó nói như vậy nè.
"Cậu đừng nói như vậy mà!"
"Tôi không phải như thế đâu."
"Điều đó không đúng lắm đâu ạ."

=)) Ơ đây là loại gì đây, giận dữ gì mà như tâm sự tuổi hồng vậy.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Có chứ ^^ một yếu tố quan trọng mà~
Xem thêm
@oceannguyen: ngoài ra góp ý thêm là khi xây dựng một câu đưa trước câu thoại nhưng lại chứa nhiều hơn hai đối tượng hành động thì nên phân biệt bằng đại từ phiếm chỉ. Tránh lặp từ và đối thoại thô.

Với lại khi đối thoại đừng xưng hô nhiều quá vì thực tế, chả ai rảnh mà nói ra một câu hoàn chỉnh đâu. Vài ba câu là bắt đầu bỏ đại từ nhân xưng rồi :v

"Ta đồng ý với Lí Kiều!"
"Ngươi nói thật không?
"Thật!" (Ở đây ai viết là "Ta nói thật đấy." thì đọc rõ ràng là ngượng vl ngượng rồi"
Xem thêm
Xem thêm 3 trả lời