Khoảnh khắc tiếp theo mà tôi nhận thức được, đó chính là lúc tôi đang ở một công viên thủy cung, màu xanh lam thanh khiết vây lấy tôi từ bốn bể. Những nguồn sáng tròn trên sàn của con đường hầm nằm dưới lòng đất ánh lên mờ mờ, và xung quanh lác đác vài người. Tôi ngắm nhìn anh bạn cá nhám voi khổng lồ trôi nổi lững lờ trên đầu. Ở phía bên cạnh tôi, một đàn cá mòi bơi lướt qua, chúng tụm khít khìn khịt lại với nhau tưởng chừng kết bè thành một loài cá thậm chí còn bự hơn chú cá voi ban nãy.
Tôi vốn không định đặt chân đến nơi này—nhưng lý do lại nằm ở nhỏ em gái đã mất của tôi đang thu mình trước tấm kính ngay kế bên tôi. Rồi não tôi đột ngột nhảy số, và tôi dần lý giải được hiện tượng kỳ lạ này. Tôi đang nằm mơ, một giấc mơ về cái ngày khi bốn người chúng tôi đi chơi thủy cung dưới danh nghĩa là một gia đình, chỉ vài tuần trước khi Karen mất.
“Đẹp quá,” Karen lẩm bẩm, áp hai tay lên tấm kính. Nhưng nét mặt con bé lại biểu lộ theo cách khác; trông cô bé như đang buồn ngủ. Tôi nghĩ hẳn Karen mỏi chân lắm, vì con bé liên tục nhấc khuỷu chân này tới khuỷu chân kia. Vì muốn đắm chìm trong giấc mơ tỉnh này với con bé thêm thật lâu, tôi cố lục tìm trong đầu từng mảnh ký ức và đáp lại từng từ y hệt những lời tôi nói khi ấy.
“Em muốn về nhà chưa?”
“Ưm, chưa ạ,” Karen nói, mái tóc buộc đuôi ngựa của con bé lay động trước cái lắc đầu. “Mẹ và bố cần thêm thời gian để làm lành. Tụi mình nán lại đây thêm chút nữa đi.”
Bố mẹ chúng tôi đang đứng cách đây không xa, để mắt đến hai đứa tôi và trao đổi gì đó. Thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng bọn họ cười, nên tôi tin rằng mọi chuyện đang chuyển biến tốt.
“Nếu đau chân thì leo lên lưng để anh cõng đi cho,” tôi đề nghị.
“Được đó! Cho em ngồi lên vai đi!” Karen reo lên, vẻ uể oải khi nãy hoàn toàn biến mất.
“Hả? Vai á?”
“Đi mà!!”
Karen bắt đầu giật giật ve áo tôi, kéo giãn cái áo hết bên này sang bên nọ. Tôi miễn cưỡng khuỵu gối xuống để con bé trèo lên vai, lấy tay giữ chặt cổ chân con bé rồi đứng lên, lúc này Karen mới cười khúc khích tỏ vẻ hạnh phúc. Cô bé đặt tay lên đầu tôi, rồi nắm lấy một lọn tóc và dùng một cái dây chun buộc nó lại. Vậy là đã có “cần điều khiển”, Karen dùng nó để ra hiệu cho tôi di chuyển đến nơi nhỏ muốn. Đây có thể được coi là một hình thức cao cấp hơn của trò cưỡi ngựa, nhưng chúng tôi thấy rất vui.
“Tiến lên phía trước nào, Brobot!” Karen ra lệnh, và tôi tiến về phía trước, miệng gầm gừ bắt chước âm thanh của xy lanh thủy lực (con bé rất thích mỗi lần tôi làm vậy. Khi tôi trở mệt, tôi liền nói “C-ần nạp nh-iên liệu,” và con bé sẽ nhảy xuống để tôi nghỉ một lúc. Khi Karen ra lệnh cho tôi bắn ra tia laser, tôi đưa chân đá một vật nhỏ nào đó đang ngáng đường (dù không giống như đang bắn laser lắm song chẳng sao).
“Anh thấy vui không, Kaoru?”
“Dĩ nhiên rồi,” tôi đáp. Nếu Karen muốn tôi đi khắp năm châu bốn bể, tôi sẵn sàng làm vậy. Chỉ cần con bé nở nụ cười thôi đã là quá đủ.
“Tuyệt quá,” Karen rời tay khỏi cái cần điều khiển và nhẹ nhàng lướt ngón tay qua mái tóc tôi. “Em rất vui vì chúng mình đã đến nơi này.”
Tôi bị đánh thức bởi tiếng đồng hồ báo thức đang reo, và tôi mở mắt ra để đối diện với khung cảnh trần phòng ngủ quen thuộc. Những đốm bụi lơ lửng trong tia nắng ban mai đã lọt qua tấm rèm che ô cửa sổ, tựa phản ánh dư âm từ giấc mơ ấy.
Nếu tôi nhớ không nhầm, chúng tôi đi xem trình diễn cá heo ngay sau đó. Karen và tôi ngồi ngay hàng ghế phía trước (vị trí này bị nước tung tóe vào nhiều nhất) và mặc cho bị ướt như chuột lột—hai đứa vẫn cười như được mùa suốt cả buổi. Lũ cá heo quả thực là một loài động vật vui nhộn và khôi hài, khiến chúng tôi không thể kiềm chế nổi tiếng cười. Ngày hôm ấy đã trở thành một phần ký ức đẹp đẽ nhất mà tôi sở hữu cho đến lúc này—khi Karen vẫn còn ở đây, biến mỗi ngày tầm thường thành những phút giây muôn màu. Giá mà con bé còn sống, sự hạnh phúc đó có thể đã kéo dài đến tận ngày hôm nay.
Tôi nhấc người khỏi giường và bước chân ra hành lang. Sau khi đã chắc chắn bố tôi không lảng vảng đâu đó trong bếp, tôi đi theo cánh cửa dẫn ra ngoài sân sau, nơi đã bị bỏ bê từ lúc mẹ tôi biến mất. Tôi khom người xuống dưới cửa sổ phòng tắm và bò qua; tôi nhanh chóng tìm thấy vật mình đang tìm kiếm và lôi nó ra.
Đó là một hộp thiếc lớn hình chữ nhật từng dùng để đựng bánh gạo, nhưng Karen và tôi đã biến nó thành một cái rương bí mật để cất giấu những món báu vật của hai đứa—một nhành cỏ bốn lá, vài viên bi từ chai nước ngọt ramune [note49814]—cùng các thứ lặt vặt khác. Nó cũng chứa đựng các món đồ mà Karen trân quý nhất, như chiếc lược yêu thích và thú bông, bên cạnh đó là mấy tấm hình con bé thích. Nói cách khác, nó từa tựa chiếc hộp thời gian của riêng con bé.
Tôi mở cái hộp ra, thứ đập vào mắt tôi đầu tiên là đôi xăng đan đỏ cũ của con bé. Một chiếc tôi vừa tìm thấy gần đây ở đường hầm Urashima, chúng lại trở thành một đôi hoàn chỉnh. Nhìn vào chúng làm con tim tôi dịu đi; chúng mang đến cho tôi hy vọng rằng Karen có thể đang ở đâu đó ngoài kia, vẫn còn tồn tại trên thế gian này. Đừng lo Karen. Anh sẽ tìm được em. Chỉ cần đợi anh thêm ít lâu nữa thôi.
Với lời nguyện cầu thầm lặng ấy, tôi đóng nắp lại và đặt chiếc hộp kho báu về lại chỗ cũ, nơi mà bọn tôi đã cất giấu nó kể từ khi còn là trẻ con. Vị trí để giấu nó là do Karen và tôi thống nhất. Ước gì tôi có thể gạt bỏ đi khoản đó và đem nó đi cất nơi khác, ví dụ, trong phòng tôi chẳng hạn, nhưng tôi biết thừa bố tôi mà phát hiện thì sẽ ném nó đi, nên tôi đành giữ nguyên vị trí. Ký ức về Karen trong ông đã biến mất vào hư vô đến độ ông vứt bỏ mọi thứ từ lớn đến cái bé trong phòng Karen sau khi mẹ bỏ đi, cảnh tượng đó vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi. Cũng vì thế mà tôi không còn nhớ quá nhiều về con bé. Tôi vẫn còn ghét ông vì vụ đấy, nhưng tôi hiểu trút giận lên ông không mang đến lợi lộc gì. Có khi còn khiến mối quan hệ đã rạn nứt của tôi thêm tan vỡ.
Tôi đứng dậy và xem giờ trên điện thoại. Đã bảy giờ sáng và tôi về phòng để chuẩn bị cắp sách đi học.
Đã sắp sửa vào giữa tháng Bảy, và thời tiết mùa hạ càng ngày càng gay gắt. Tôi bước qua cổng chính để vào trong khuôn viên trường, cùng lúc có mấy nữ sinh khác chạy vụt qua, họ dùng tạm những chiếc cặp để che nắng thay cho ô dù. Tôi đổi sang giày đi trong nhà, rồi đi ra hành lang để đến lớp 2-A. Trước khi tôi kịp bước đến chỗ mình ngồi, tôi nhận thấy có một học sinh nữ mới trong lớp. Tóc nhỏ ngắn, đen tuyền và trên sống mũi là một gọng kính dày, trông nhỏ chẳng khác gì những nữ sinh thường thấy—nhưng không biết vì lý do nào mà tôi lại cảm tưởng như đã gặp nhỏ ở đâu rồi.
Thế rồi tôi nhận ra: cô gái ấy là Koharu. Nhỏ đã tẩy màu tóc, và mặc một chiếc váy phủ đầu gối. Phong cách giờ đã khác xa so với bề ngoài chị đại trước kia.
“Ờ, Koharu? Chuyện gì đã xảy ra vậy? Không lẽ đó là phong cách mới của cậu…”, một người trong số hội chị em cũ của Koharu lên tiếng với giọng điệu mỉa mai, mục đích không còn gì khác ngoài cố ý trêu chọc chỏ. Koharu chỉ đáp lại nhỏ bằng một câu trả lời vô thưởng vô phạt, không thừa nhận hay phủ nhận, và lơ đi. Nhìn nhỏ cười e thẹn và nói lắp khác xa so với cử chỉ ngạo mạn thường ngày làm tôi thật sự không thể tin vào mắt mình nếu không có những sự kiện diễn ra ngày hôm qua.
“Nè mày, bộ nhỏ bị ấm đầu à?” Shohei thì thầm vào tai tôi. Tôi không hề để ý thấy nó.
“Chắc nhỏ quyết định lột xác thôi.”
“Duy ngã độc tôn như nhỏ mà lột xác á? Không ngờ hôm nay tao lại được chứng kiến đấy.”
“À ừm. Dạo này nhỏ cũng trải qua nhiều chuyện mà.”
“Ờ, nhất là sau khi bị nhỏ mới đến làm nhục mặt. Tiện hỏi, hôm qua mày với nó đi đâu vậy?”
“S-sao mày biết?” Tôi lắp bắp, hoàn toàn đánh mất cảnh giác.
“Quào, vậy hai tụi bây đi chơi với nhau đúng không? Một thằng trong câu lạc bộ thư pháp của tao nói hôm qua thấy nhỏ ngồi cạnh một tên nào đấy trên xe buýt. Giờ nhỏ đang là chủ đề bàn tán của cả trường đấy. Tao bảo nó miêu tả xem tên mà nhỏ đi cùng trông ra sao, và nghe xong tao thấy tên đó y hệt mày, nên hỏi dụ mày thử, không ngờ mắc bẫy luôn.”
Trời ạ, dở thật. Tôi cứ như tự lấy lưỡi câu móc vào mồm mình.
“Thế, hai đứa bây có quan hệ gì?” Shohei hỏi một câu đầy mưu mô.
“Chẳng có gì đặc biệt như mày nghĩ đâu,” tôi nói, trợn tròn mắt. “Bọn tao cũng không hẹn hò hay làm gì khác. Mà bọn tao thậm chí không phải là bạn bè nữa.”
“Thế mày ngồi chung xe buýt với nhỏ làm gì hở? Tao nhớ lần trước mày đi tàu về cơ mà.”
“Tụi tao phải tới nhà Kawasaki để chuyển cho nhỏ bài tập hè.”
“Cả hai đứa bây luôn à? Nghe đáng nghi thế?”
“Chuyện dài lắm, anh bạn à. Giờ mà kể chắc phải mất cả năm. Cho nên để tiết kiệm thời giờ cho tao với mày, bỏ qua đi hén…?”
“Hầy, xin xỏ chi đâu,” Shohei phì cười. Coi bộ nó nghĩ tôi lười giải thích. “Tao cũng không ngạc nhiên lắm. Thấy tụi bây có nhiều điểm chung thật.”
“Hả? Ờ, ừ. Chính xác là nhỏ với tao giống nhau ở điểm nào?”
“Cái đầu tiên này, mày không bao giờ mở lòng với người khác. Và theo tao thấy thì nhỏ cũng tương tự. Nên ngỡ như tụi bây cùng tần số với nhau khi đều không muốn dây dưa nhiều với mọi người xung quanh.”
“... Mày là bác sĩ tâm lý của tao đấy à?”
“Đâu nào, tao thích nhìn ngó người khác và đưa ra phân tích về tâm lý học thông qua hành vi của họ thôi. Sở thích ấy mà.”
“Sở thích này mới nghe lần đầu.”
Trước lúc bọn tôi kịp dứt chuyện, tiếng chuông báo vào tiết đầu bỗng reo lên, Shohei giơ hai ngón tay hình chữ V và quay về chỗ ngồi.
Chẳng mấy chốc đã tới giờ ăn trưa. Thường ngày, Koharu sẽ ăn với hội chị em ngồi tụm lại quanh bàn, nhưng hôm nay, nhỏ cầm hộp cơm trưa và đứng dậy ngay khi tiết học vừa kết thúc. Tôi hiếu kỳ dõi theo nhỏ, tự hỏi xem nhỏ đang tính đi đâu. Bất ngờ thay, nhỏ đi thẳng đến bàn của Anzu và nhu mì ôm hộp cơm trước ngực.
“...Này, ừm, cậu có phiền nếu tớ ăn chung không?”
Tiếng xì xầm nổ ra khắp cả lớp. Đến cả Anzu lúc này đang dở tay mở bọc gói bánh kẹp cũng tỏ ra lúng túng trước đề xuất của Koharu.
“Cứ việc tự nhiên,” Anzu nói.
Được cho phép, Koharu quay trở lại bàn mình và kéo chiếc ghế sang chỗ của Anzu, nhỏ mở hộp cơm trưa và đặt lên bàn. Khung cảnh hết quái lạ: hai người từng là kỳ phùng địch thủ, từng cấu xé nhau chỉ mấy ngày trước mà đã ngồi lại ăn chung với nhau. Song sự yên bình chẳng kéo dài được bao lâu khi Haneda, từng là tay chân của Koharu bất chợt vênh váo đi tới làm gián đoạn bữa trưa của hai người, trên môi nở một nụ cười điệu.
“Nè, Koharu yêu dấu ơi? Hà cớ gì mà cậu lại ăn trưa chung với cô ta thế?”
Từ giọng điệu của cậu ta, hình như không phải nhỏ thất vọng vì Koharu lại ăn cùng người khác thay vì bọn họ; cậu ta chỉ đang tìm cách nhạo báng nữ vương thất sủng của mình. Koharu cúi gằm mặt, nom không dễ chịu mấy.
“Bởi vì…” nhỏ bắt đầu nói, lẩm bẩm nhỏ quá khiến tôi không nghe được vế còn lại.
“Xin lỗi, sao cơ? Cậu nói to hơn chút được không?” Haneda hỏi.
“Bởi vì tớ muốn trở nên giống như cậu ấy!”
Cả lớp học chìm trong im lặng, đến độ nghe được cả nhịp tim. Haneda há hốc mồm đứng đó, còn Anzu để lộ bộ mặt sửng sốt. Tôi chưa từng lường trước sự thay đổi này của Koharu. Tôi cho rằng nhỏ ăn chung với Anzu bởi lẽ nhỏ cảm thấy cố gắng hòa nhập với đám bạn cũ thật quá nguy hiểm và nhỏ tuyệt vọng trước điều ấy. Dù đó có là lý do thực sự đi chăng, Koharu đã đưa ra câu trả lời bằng chính miệng mình vì không thể nghĩ ra bất cứ lời biện minh nào khác.
Tuy vậy, ngay khi người bạn cũ của Koharu nhận ra nhỏ không hề nói dối, cậu ta bất ngờ bật cười. “Ha ha ha ha! Xin lỗi nghen, nhưng mà cậu nói gì chứ?! Cậu đang nghiêm túc phỏng?!”
Tiếng cười nói khinh bỉ vang lên khắp phòng học khi đến cả những học sinh khác cũng xầm xì bàn tán với nhau.
“Hê. Coi bộ gái ấy đã nhận ra giá trị thực của bản thân rồi.”
“Chắc vẻ ngoài chị đại hôm nào chỉ để trưng ra cho thiên hạ sợ thôi.”
“Hình như bữa trước bị đấm xong não bộ bị chập mạch luôn.”
Từng lời nói tựa những hòn đá ném đến tấp vào kẻ phạm tội. Song Koharu ráng hết sức để chịu đựng chúng, dẫu nhỏ đã đỏ mặt tía tai và toàn thân run lên bần bật.
“Nực cười quá đi,” Haneda không dừng lại. “Cậu đang tính làm gì vậy chứ? Bộ muốn hóa trang thành một con nhỏ lập dị tự kỷ chắc?”
“Không phải việc của cậu… Để cho tớ yên.”
“Thui nào, đừng như vậy chứ! Hiển nhiên là việc của mình rồi! Tụi mình là bạn bè mà.” Haneda nói, cố dồn Koharu vào chân tường, cậu ta còn nắm lấy vai và lắc mạnh người Koharu.
Thật nhẫn tâm với cái mác “bạn bè”. Koharu không phản kháng, nhỏ chỉ ngồi yên không muốn đối diện.
“Ê ê! Nói gì đi chứ!” cậu ta nài nỉ, lần này suýt chút nữa đẩy Koharu ngã khỏi ghế. Lúc Haneda rụt tay lại, tay cậu ta mắc vào tấm lót mà Koharu đã trải xuống dưới hộp cơm, làm cho mọi thứ kéo văng khỏi mặt bàn. Trước khi Koharu kịp phản ứng, hộp cơm của nhỏ đã bay lên không trung. Thậm chí cả Haneda cũng không định khiến mọi chuyện đi xa như vậy, bằng chứng nằm ở sắc mặt kinh hồn của nhỏ. Nhưng thay vì xin lỗi, Haneda tiếp tục gây áp lực và chối lỗi phay pháy.
“Không phải tớ cố ý nhá. Do cậu không chịu trả lời câu hỏi tôi thôi, phải không?” Haneda tìm kiếm sự tán thành từ hội tay chân cũ của Koharu. Họ đều gật đầu và nói mấy lời bênh vực. Không một ai đứng về phía Koharu.
Koharu mở miệng toan nói gì đó, nhưng rồi thôi và cúi xuống thu dọn thức ăn bị đổ trên sàn. Chứng kiến nhỏ khom lưng uốn gối, khóe mắt ươn ướt khiến tôi phần nào thương xót, nên tôi nhanh chóng bỏ cái bánh đang ăn dở xuống và đến giúp nhỏ một tay. Chưa kịp làm gì thì một tiếng kít do động tác kéo ghế đột nhiên vang lên.
“Kawasaki.”
Là Anzu. Nhỏ đứng dậy khỏi chỗ ngồi, mặt không tí cảm xúc và bước đến bên cạnh Koharu. Nhỏ là người mà tôi dự đoán ít khả năng can thiệp nhất, nhưng vào khoảnh khắc nhỏ đứng lên, Haneda bỗng chốc run như cầy sấy.
“Lúc nãy cậu nói muốn trở nên giống tôi nhỉ?” Anzu hỏi Koharu, nhỏ gật đầu vài cái trong kinh ngạc. “Vậy nhìn mà học hỏi này. Tôi sẽ cho cậu xem mình nên làm gì khi người khác vượt quá giới hạn của cậu.”
Anzu chầm chậm quay mặt sang phía kẻ ức hiếp Koharu, đoạn siết chặt nắm tay và giơ lên ngang tầm mắt. Ai ai đều nghĩ nhỏ định đấm Haneda với bộ mặt đang tái mét.
“Này, g-gượm đã! Tôi không gây sự với cậu! Tránh xa ra, con lập dị này!” Haneda xua tay biểu thị không muốn dính vào rắc rối. Nhỏ quay gót và triệt thoái về bàn mình.
“Hừm. Rõ mõm,” Anzu phì cười, sau đó rút khăn giấy trong túi ra và lặng lẽ giúp Koharu dọn đống thức ăn trên sàn nhà.
Koharu rất kinh ngạc vì Anzu tự nhiên lại tốt với mình đến vậy, nhưng vẫn tỉnh táo để thể hiện lòng biết ơn khi lí nhí nói “Cảm ơn cậu…”
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi không thể dám chắc tình hình sẽ diễn biến ra sao. Tôi mừng vì mọi người đã tránh được một cuộc ẩu đả. Ngoài ra, tôi khó tin nổi sự thay đổi của Koharu trong một đêm; dường như nhỏ rất ngưỡng mộ hình tượng Anzu, thành ra nhỏ cố hết sức để giữ bình tĩnh dù Haneda làm hết cách để kích động nhỏ. Tôi phải khâm phục mức độ quyết tâm mà Koharu dành để sửa chữa bản thân mình. Nhỏ đã ghi được nhiều điểm tốt trong lòng tôi.
Hàng giờ đã trôi qua kể từ vụ đụng độ hồi trưa, và giờ tôi đang lần mò qua các bụi cây rậm rạp trên một con đường đất ít người qua lại vào buổi tối, trên tay chỉ có mỗi chiếc đèn pin bỏ túi để soi sáng đường đi. Những lối mòn trên núi này không ngờ lại khá ồn ào vào ban đêm—thậm chí hơn cả tiếng rít của lũ ve khi chiều về. Tá lả các loài côn trùng đua nhau chiếm lĩnh thính phòng, và tiếng réo của đám cú muỗi xuyên thủng cả khu rừng.
“Ựa, tệ thật…”
Trước khi rời khỏi nhà, tôi đã đảm bảo từ đầu đến chân mình đều được xịt thuốc chống muỗi, nhưng rốt cuộc vẫn bị muỗi đốt cho ba phát. Sai lầm chí mạng của tôi là không mặc áo tay dài. Giá mà được đi theo lối cũ ở cạnh đường ray xe lửa, ở đó chẳng cần phải lo nghĩ về cây cối, xui thay, sau khi bị cô H cảnh cáo hôm trước thì đã không còn cơ hội đó nữa rồi. Cho nên tôi mới phải rơi vào thảm cảnh này.
Cuối cùng, sau một trận chiến tàn khốc với mẹ thiên nhiên, tôi đã tới được bậc thang gỗ dẫn lối xuống đường hầm Urashima. Khi tôi bước xuống, tôi chú ý thấy một ngọn đèn trắng phát ra từ trước lối vào đường hầm. Nghĩ bụng chắc đấy là Anzu, tôi đi tiếp—và đúng thật là nhỏ. Nhỏ đang cúi người, hai tay siết chặt lấy chiếc đèn pin để rọi sáng mặt đất ngay phía trước. Coi bộ nhỏ chưa phát hiện ra tôi.
“Hú, lần này cậu đến sớm nhỉ,” tôi gọi nhỏ lúc vừa đi hết bậc thang. Nhỏ giật bắn người như thể thấy ma và chiếu ánh đèn về phía tôi. May thay, tôi kịp che mắt trước khi bị mù.
“Cậu tới muộn rồi đó!” nhỏ kêu lên.
Tôi kiểm tra điện thoại. Hiện tại đang tám giờ tối. “Tớ đến đúng giờ mà.”
“Đáng lẽ cậu phải đến trước năm phút! Ai ai cũng như thế cả!”
“Thôi được rồi. Tớ không muốn nghe người lần trước đến trễ nửa tiếng thuyết giáo đâu.”
“Hai chuyện hoàn toàn khác nhau! Khi đó là ban ngày! Cậu tính để con gái nhà người ta chờ đợi giữa đêm hôm khuya khoắt thế này à?! Lỡ tớ bị thú dữ tha đi, rồi hôm sau người ta tìm thấy đống xương của tớ chẳng còn dính tí thịt nào và không nhận diện được danh tính thì sao?!”
“Đảm bảo chuyện đó chẳng đời nào xảy ra. Vả lại, đây có phải hoang mạc châu Phi đâu. Cơ mà, nếu cậu không thích tới đây vào ban đêm thì sao tụi mình không dời sang sáng mai?”
“Tớ đã bảo rồi! Tớ muốn cuối tuần này chúng ta phải khám phá nhiều nhất có thể!”
Cũng phải. Hôm nay là thứ Sáu, ngày 12 tháng 7. Chúng tôi được nghỉ vào thứ Bảy, và thứ Hai là kỷ niệm ngày thành lập trường, nên được thưởng thêm một ngày ở nhà. Nói cách khác, chúng tôi không phải đến trường tận ba ngày—điều này hết sức quý giá, bởi lẽ chướng ngại lớn nhất của bọn tôi khi thám hiểm sâu bên trong đường hầm Urashima chính là thời gian trôi qua cực nhanh. Dẫu chỉ khám phá bên trong thêm một đoạn ngắn, lượng thời gian bị hao tổn là không thể đong đếm được, vậy nên được nghỉ học ba ngày liền giúp chúng tôi bù đắp khá nhiều vào rủi ro này. Khởi đầu cuộc thám hiểm vào đêm nay thay vì sáng mai cho chúng tôi thêm mười hai tiếng để tận dụng, nên Anzu rõ có lý. Nhưng với chừng này thời gian, chúng tôi cũng chỉ có thể ở bên trong đường hầm thêm mỗi hai phút. Tôi được bố cho phép qua đêm tại nhà bạn hết cuối tuần, để dùng hai phút ngắn ngủi này.
“Không có thời giờ để tám chuyện đâu. Cậu vẫn nhớ rõ mọi thứ mà chúng ta đã thảo luận khi trước chứ? Nếu nhớ thì đi thôi.” Anzu nắm tay tôi và kéo đi đến trước cửa ngõ đường hầm Urashima.
Cơn gió âm ấm lùa vào đường hầm làm đằng sau gáy tôi hơi nhột. Tưởng chừng đêm này thời tiết sẽ mát mẻ và thoáng đãng, nhưng đứng trước lối đi tối om và màn sương mù ngột ngạt làm tôi thấy khó thở. Tôi muốn làm xong việc càng sớm càng tốt để hít thở khí trời bên ngoài. Mục đích chính ngày hôm nay sẽ là tìm hiểu xem đường hầm Urashima dài chừng nào. Kế hoạch chỉ có chạy nhanh nhất có thể, ngay khi mốc thời gian định sẵn sẽ chạy trở ra.
“Đại khái là,” Anzu bắt đầu nói, “nếu chúng ta dành hai phút trong đường hầm, thì có thể vào sâu được ba trăm mét khi chạy hết tốc lực. Dựa theo độ cao và chu vi ngọn núi cùng hướng của đường hầm, nơi này không thể dài đến mức đó. Giả sử mọi sự suôn sẻ, chúng ta có khả năng chạy được sang phía đầu bên kia.
“Phân tích ghê thật. Rất ấn tượng!”
“Ấn tượng vì gì cơ?”
“Ai biết đâu. Tớ tưởng cậu hiểu rõ điều mà mình đang nói chứ.”
“Phì,” nhỏ cười khẩy. “Vậy xem ra cậu chỉ thích giọng của tớ. Thôi được.”
Trời ạ… Hẳn nhỏ nghĩ mình đần lắm.
“Cơ mà, tớ đã tự nghiên cứu một số thứ trong thư viện bữa trước,” nhỏ nói tiếp. “Tớ cố tìm tất tần tật mọi thông tin về đường hầm Urashima, nhưng không có gì tồn tại trên mạng hay tài liệu về truyền thuyết đô thị mà tớ đã đọc qua. Thành ra bây giờ còn mỗi nước tự thân đi thám hiểm bằng kinh nghiệm cá nhân thôi.”
“Kinh thật, Hanashiro à. Cậu thực sự dành hết tâm huyết cho vụ này… Ờ, nhưng bỏ tay tớ ra được không? Cậu nắm hơi bị chặt đấy.”
Anzu đứng khựng lại và ngay tức thì thả tay tôi ra sau khi kéo tôi theo từ ngoài đường hầm vào đây. Nếu đó là nắm tay nhẹ nhàng tình cảm thì tôi nào dám ý kiến (thực ra tôi chẳng còn tâm trí nào để nghĩ suy), nhưng nhỏ cắm móng tay sâu vào trong da tôi, nên không còn cách nào khác ngoài nói thẳng cho nhỏ biết.
“A-à, xin lỗi. Hai chúng ta nắm tay cũng hơi buồn cười.”
“Ờm thì, nếu cậu muốn nắm tay thì tớ không ngại đâu. Miễn là không phải kiểu kia là được…”
“Thôi được rồi. Quên đi. Chúng ta tiếp tục thôi.” Anzu giục tôi đi tiếp. Tôi cất bước, nhưng bỗng chốc có gì đó đang kéo lấy đằng sau tôi. Anzu đang nắm lưng áo tôi bằng hai tay và đứng đằng sau tôi vài phân—khiến cứ mỗi lần tôi đi bước nhỏ, mũi giày nhỏ lại đá vào gót chân tôi. Đây ắt hẳn là cách đi kỳ lạ nhất trong suốt lịch sử nhân loại.
“Hanashiro này, cậu sợ bóng tối à?” Tôi hỏi nhỏ khi cả hai chập chững tiến về trước. Nhỏ không đáp ngay. Chắc suy nghĩ của mình đúng rồi. Tôi đã có linh cảm này dựa trên cách hành xử kỳ lạ của nhỏ kể từ lúc chúng tôi gặp nhau vào tối nay.
“Ừ, thì sao? Thích ý kiến không?” nhỏ cuối cùng cũng thừa nhận, dẫu giọng điệu lại phần nào thâm hiểm.
“Không, tớ không đánh giá cậu đâu mà. Do tớ hơi tò mò thôi. Vì lúc trước mỗi lần đến đây cậu đều bình thường cả,” tôi nhớ lại cái lần mà nhỏ bám đuôi tôi và lần thám hiểm sau đó nữa. Tôi không hề để ý rằng nhỏ tỏ ra nhút nhát vào những lần ấy.
“Ừm. Vì khi đó đang là ban ngày. Ngoài trời còn sáng trưng nên vẫn có thể nhìn được chút ít bên trong đây, thành ra tớ mới giữ bình tĩnh được. Nhưng bây giờ là ban đêm. Ngoài kia trời tối đen như mực, trong này cũng thế. Lỡ như đèn pin của chúng ta chợt tắt thì sao? Tớ sẽ chết vì đau tim mất.
“Cậu sợ đến mức đó ư?”
“Ừ, hỏi ngu quá. Cậu không được bình thường mới không sợ thôi. Làm cách nào mà cậu không cảm thấy ngột ngạt khi bị bóng tối bao trùm, nuốt chửng vạn vật chung quanh, áp lực dần bám vào cơ thể và từ từ phân rã cả thế giới chứ…?”
Nhỏ cứ không ngừng huyên thiên, làm tôi bất chợt dấy lên cảm giác mình cần phải thực thi nghĩa vụ gì đó. Rốt cuộc, tôi quá khờ khi bảo nhỏ bỏ tay mình ra vì nhỏ bấu chặt quá, nhưng từ góc nhìn của Anzu, nhỏ đang đối mặt với nỗi sợ hãi lớn nhất trong tim và đang cố tìm một cành cây để bám vào. Sao tôi không ngộ ra điều đó sớm hơn? Tôi chẳng nam tính tí nào, lấy đâu ra tư cách xưng bạn với bè.
Tôi khẽ hít một hơi thật sâu, rồi đưa tay ra sau và đặt lên bàn tay của Anzu, nắm lấy nó thật chặt. Bàn tay ấy căng cứng và run bật lên trong một khoảnh khắc, nhưng thoáng chốc đã nắm chặt tay tôi đáp lại. Dẫu chỉ diễn ra trong vòng không quá ba giây, và hai đứa bọn tôi không ai nói một lời, nhưng những cảm xúc thầm kín mà cả hai truyền tải vào giây phút ấy thật sự sâu sắc và thân tình hơn bất kỳ ánh mắt hay lời nói mà chúng tôi đã trao cho nhau từ trước đến nay. Không lâu sau tôi đã bắt đầu thấy ngại ngùng và xấu hổ vì hành động của mình. Tôi cố nhớ lại hồi nãy bọn tôi nói về chuyện gì để thoát khỏi tình trạng này.
“Cũng phải nói, tớ có phần bất ngờ; ban đầu tớ cứ nghĩ rằng chẳng thứ gì trên đời này khiến cậu sợ hãi cả. Không lẽ trước đây đã xảy ra sự việc gì làm cậu trở nên sợ bóng tối sao?”
“Ừm. Hồi tớ học tiểu học, tớ đánh nhau với đám bạn cùng lớp rồi bị tụi nó nhốt trong tủ khóa. Từ đó tớ mới sợ bóng tối và mấy nơi chật chội nữa.”
“Ồ, ra vậy.”
Không hiểu sao tôi lại làm sự tình ngượng nghịu hơn nữa rồi. Hơn cả, lý do nào khiến tôi nghĩ nỗi đau trong quá khứ sẽ trở thành chủ đề trò chuyện để giải trí cơ chứ? Nghe đau xót hơn tôi tưởng tượng nhiều.
“Không phải do hồi đó tớ bị bắt nạt, mỗi tội khi ấy là một trong những lần hiếm hoi tớ đi gây sự và để thua. Kết cục tìm ra cách mở tủ khóa từ bên trong, và lấy chổi đập tá lả cái thằng đã nhốt mình vào đó, nên đến cuối cùng vẫn được một tràng cười.”
“Ha ha. Vậy mới giống Hanashiro mà tớ biết chứ.”
“Cậu có sợ gì không, Tono-kun?”
“Tất nhiên là có rồi. Tớ không liệt kê ra hết được đâu, nói chung tớ sợ nhiều vô kể.”
“Vậy nói xem nỗi sợ lớn nhất của cậu là gì đi?”
“Lớn nhất à? Để tớ suy nghĩ chút…”
Câu hỏi khó đối với tôi. Rõ ràng tôi có thể kể đại cả tá thứ làm tôi sợ, nhưng để xếp hạng lại chẳng dễ dàng. Bị cá mập ăn thịt, bị gấu làm gỏi, động đất, dính bệnh rồi chết… Tất tần tật những gì mà loài người sợ, tôi đều sợ nốt. Tôi nghĩ điểm chung của tất cả các thứ nói trên là nỗi sợ phải chết, hay khái niệm về cái chết nói riêng. Đó là một nỗi sợ nguyên thủy, xuất phát từ bản năng và chảy trong mạch máu của mọi loài sinh vật sống, nhưng lại không quá đỗi xa lạ với tôi. Điều gì làm tôi, Tono Kaoru, sợ hãi nhất? Liệu tồn tại điều gì đáng sợ hơn cả cái chết?
Là cái chết của người mình yêu thương.
“Không biết nữa. Tớ không nghĩ ra được gì, xin lỗi.”
“Thật à? Hừm.”
Anzu làm bộ mếch lòng trước câu trả lời chán ngắt của tôi, nhưng tôi không muốn làm bầu không khí thêm tồi tệ bằng cách bới móc chuyện thầm kín. Dẫu sao tôi đã chắc nịch rằng câu trả lời mà tôi nghĩ ra là đúng, mặc dù không định nói ra.
“Này, nhìn đằng kia kìa.” Tôi chỉ về nguồn sáng le lói ở sâu bên trong đường hầm, có vẻ chúng đến từ những ngọn đuốc được gắn trên tường. Chúng tôi đã tới rất gần cánh cổng torii. Anzu và tôi tức tốc chạy nốt quãng đường còn lại. Khi chúng tôi đến được cánh cổng torii đầu tiên, tôi tắt đèn pin và nhét lại vào túi—từ giờ trở đi không cần dùng đến nó nữa. Vì đã có một nguồn sáng khác đáng tin cậy hơn, Anzu cũng chầm chậm rời tay khỏi vạt áo tôi.
“Được rồi,” tôi nói, miệng nuốt nước bọt. “Giờ là phần khó khăn nhất.”
Chúng tôi có giới hạn là hai phút đồng hồ. Bọn tôi sẽ chạy vượt qua từ cánh cổng torii đầu tiên trong vòng một phút, và dành phân nửa thời gian còn lại để chạy về. Tôi đổi đồng hồ trong điện thoại sang chế độ đếm giờ để không mất dấu thời gian.
“Tất cả đã chuẩn bị xong. Nói với tớ chừng nào cậu sẵn sàng.”
“Bên này cũng xong xuôi hết cả rồi,” Anzu nói. Nét mặt nhỏ nghiêm nghị, nhưng trong giọng nói vẫn lấp lửng chút do dự. Song nhỏ không tỏ ra lo sợ—tôi nhìn thấy trong ánh mắt nhỏ một đốm lửa chất chứa sự hiếu kỳ bất khuất và quyết tâm rắn rỏi, hướng về nơi sâu nhất của đường hầm. Không cần lo lắng cho nhỏ nữa rồi.
“Được. Tớ ra hiệu thì xuất phát,” tôi nói, nhướn một chân về đằng trước vào tư thế sẵn sàng. Lòng bàn tay siết chặt của tôi ướt đẫm mồ hôi. “Vào vị trí, chuẩn bị… Đi thôi!”
Tôi nhấn nút Bắt đầu trên đồng hồ, và cả hai đều cắm đầu chạy. Tôi là người dẫn trước. Lần lượt từng cánh cổng torii lướt qua trước mắt trên con đường hầm. Tôi đang chạy với tốc độ bằng tám mươi phần trăm khả năng tối đa của mình. Bởi Anzu đã từng cho mấy đứa con gái trong hội điền kinh hít khói nên tôi nghĩ không khó cho nhỏ để bắt kịp tôi. Hơi thở tôi dần trở nên nặng nhọc hơn, và tôi kiểm tra điện thoại thì thấy chỉ mới có mười giây trôi qua. Nhưng trước mắt vẫn không thấy được lối ra. Tôi liếc qua vai để xem Anzu đang ra sao. Coi bộ nhỏ vẫn ổn, nên tôi tăng tốc độ lên đôi chút.
Đồng hồ đã điểm hai mươi giây, rồi ba mươi. Ngoài kia chắc đã sang buổi chiều ngày hôm sau. Nhưng tới bây giờ khung cảnh trong đường hầm chả thay đổi tí nào—chỉ có đèn đuốc và cổng torii trải dài xa thẳm.
Bất chợt, trong đầu tôi nảy ra một hoài nghi. Anzu muốn đạt được gì từ đường hầm Urashima chứ? Nhỏ và tôi đã nói chuyện với nhau suốt vài ngày qua, song tôi không hề đoán được nhỏ muốn đường hầm đáp ứng nguyện ước nào? Dù không liên tục giày vò não tôi hay ảnh hưởng tới chính mình, song tôi nghĩ cả hai nên sẵn lòng chia sẻ với nhau—đề phòng trường hợp nó là tác nhân làm gián đoạn tiến trình khám phá đường hầm. Tôi quyết định sẽ hỏi nhỏ chừng nào ra được bên ngoài.
Chúng tôi đã gần chạm đến mốc một phút, và đôi chân tôi đã sức cùng lực kiệt. Lúc tôi chuẩn bị đưa mắt nhìn đồng hồ, bất thình lình, vô vàn tiếng loạt soạt đến từ đằng trước. Tôi ngẩng đầu lên, và trước mắt tôi là hàng tá—thậm chí hàng trăm—tờ giấy trắng tinh bay lất phất xuống đất, tựa những đốm hoa giấy bị gió cuốn đi từ hư vô.
“Quào!”
Một trong số các tờ giấy bay về phía tôi hệt côn trùng trong cơn giông và đập ngay vào giữa trán, che đi hoàn toàn tầm nhìn làm tôi chẳng thấy gì sất. Tôi hoảng loạn trong giây lát rồi đưa tay lên và lột tờ giấy ra khỏi mặt, nhưng lại bất cẩn để mất thăng bằng rồi ngã xuống đất.
“Oái!” Tôi rên.
“Tono-kun?!” Anzu hét lên.
Tờ giấy rơi khỏi mặt tôi—và giờ tôi mới thấy chiếc điện thoại của mình trượt đi trên mặt nền đá. Cú ngã đã làm tôi hụt tay và lỡ đánh văng nó ra xa tận ba mét.
Không ổn! Mình cần xem thời gian! Tôi bò loạng choạng trên mặt đất để nhặt nó lên. May thay, ngoại trừ vết nứt trên màn hình, điện thoại vẫn hoạt động bình thường. Phù, cảm tạ trời đất… Từ từ, suýt quên mất! Phải ra khỏi đây ngay!
“Lỗi tớ! Đi thôi, chúng ta không thể lãng phí thời giờ được… ơi Hanashiro?”
Tôi cứ ngỡ nhỏ sẽ ở phía trước tôi hoặc đến bên cạnh để đỡ tôi dậy—nhưng không hề. Nhỏ đang đứng trơ ra đó, ngay tại cái nơi mà tôi đã ngã xuống, ánh mắt nhỏ đắm chìm vào tờ giấy nhỏ vừa nhặt lên. Số còn lại chất thành đống dưới chân Anzu. Ắt phải gần cả trăm tờ.
“Hanashiro?” Tôi gọi lên nhỏ thêm lần nữa, nhưng không nhận được hồi đáp.
Nhìn cái cách đôi bờ vai nhỏ cử động, coi bộ nhỏ đang thở dốc hòng lấy sức sau nguyên một phút chạy đường dài (cơ mà nhỏ trông khỏe khoắn hơn tôi nhiều). Có thứ gì đó không đúng. Tôi đứng dậy và chạy đến cạnh nhỏ.
“Sao vậy? Cậu ổn không?” Tôi lên tiếng hỏi.
“Nhưng… Nhưng cái này…” nhỏ ngơ ngác lẩm bẩm, giọng nhỏ run rẩy.
Tôi không chắc rằng liệu nhỏ đã nghe được tôi không. Tôi đầy hiếu kỳ mà nhướn qua vai nhỏ để xem tờ giấy. Trên đó vẽ nguệch ngoạc mấy nhân vật ở trong các khung khác nhau giống truyện tranh… Thoạt nhìn trông giống sách truyện vẽ tay của trẻ con. Nhưng vì cớ gì chúng lại xuất hiện ở đây…? Một bí ẩn mới, nhưng chúng tôi không có thời gian dư dả để đứng mà thường thức truyện tranh. Tôi lại nhìn vào điện thoại: một phút hơn đã trôi qua. Trán tôi bắt đầu đổ mồ hôi lạnh.
“Hanashiro, tụi mình phải quay về thôi.”
Nhỏ chẳng nói chẳng rằng. Thậm chí không quay mặt lại nhìn tôi. Nhỏ còn quỳ gối xuống và cố gom hết các tờ giấy khác trên mặt đất.
“Thôi đi, Hanashiro!” Tôi bất lực hét lớn. “Cậu đang làm gì vậy?! Chúng ta không còn thời gian đâu!”
“Đừng đợi tớ, cậu đi tiếp đi!”
“Hả? Cậu bị thần kinh à?! Tớ không bỏ cậu ở lại đây đâu!”
“Vậy tớ cũng không bỏ đống này lại!” nhỏ gắt lên với tôi. Âm giọng nhỏ cục súc pha lẫn đau khổ, tựa một con quái thú khát máu sa bẫy. Nỗi tuyệt vọng hiện lên trong cái cách nhỏ gom đống giấy lại càng khiến tôi nghĩ đây không phải Anzu mà mình từng biết. Tôi nhanh chóng nhận ra mình nói gì cũng vô ích, nên tôi định bụng gồng cơ tay kéo nhỏ theo. Nhưng sẽ khiến sự việc đi quá xa.
“Ựa, thôi được rồi!” tôi càu nhàu.
Tôi khuỵu xuống và bắt đầu giúp nhỏ; vào khoảnh khắc tất cả mọi tờ giấy đều đã được gom lại, chúng tôi đứng dậy và chạy hết tốc lực. Tôi không dám phí một giây nào để nhìn vào đồng hồ—chỉ vắt chân lên cổ mà chạy sang bên kia tổng torii ngoài cùng, nơi thời gian không bị biến động.
“Phù… Muốn rụng lá phổi mất…”
Tôi phải gắng gượng để không ngã gục xuống đất, may là vẫn còn chịu đựng được cho tới lúc ra hẳn bên ngoài. Chúng tôi càng tiến tới gần lối ra, bên trong đường hầm càng thêm sáng sủa, và đón chào chúng tôi là khúc cao trào của bài ca ve sầu. Khoảnh khắc chúng tôi bước chân ra khỏi bóng tối của đường hầm và chạm vào bãi cỏ khô cằn, ánh nắng gay gắt ban trưa rọi chiếu lên người hai đứa.
Tôi xem điện thoại: hiện tại đang là một giờ chiều ngày 16 tháng 7. Bọn tôi thám hiểm đường hầm vào tối ngày 12, tức hai đứa đã ở trong đó hơn ba ngày rưỡi. Mặc dù đã hy sinh ngần ấy thời gian, chúng tôi vẫn không thể xác định được đường hầm kéo dài đến đâu. Từ trải nghiệm vừa rồi, nơi này chắc chắn phải dài hơn ba trăm mét.
Ít ra chúng ta vẫn khám phá được một thứ khác. Tôi nhìn vào xấp giấy trên tay. Song trong nháy mắt, chúng mất tăm hơi.
“Cái g…”
Anzu đã chộp lấy chúng khỏi tay tôi với tốc độ ánh sáng. Dù đống giấy này là gì đi chăng, rõ ràng nhỏ không muốn tôi xem chúng, dẫu vậy, tôi đã nhìn thoáng qua được nội dung bên trong chúng.
“Này, ừm… Hanashiro?” Tôi cất tiếng hỏi nhỏ. “Những thứ này là gì?”
“...không là gì cả…” nhỏ quay lưng lại với tôi mà đáp.
“Xin lỗi? Tớ nghe không rõ lắm. Sao cậu không quay lại đây và nói to lên chút đi?”
Anzu chẳng chút nhúc nhích.
“Nàyyy…?” Tôi hỏi. Không một lời được nói lên. Tôi mất kiên nhẫn, đành chộp lấy vai Anzu và xoay người nhỏ lại. Song, khi tôi nhìn thấy gương mặt nhỏ, toàn thân tôi như đông cứng.
Ngấn mắt Anzu ướt đẫm lệ. Nhỏ đang khóc. Tôi á khẩu đứng trơ ra thì nhỏ lấy cổ tay gạt đi nước mắt và chốc chốc lấy lại được bình tĩnh.
“Không phải thứ gì quan trọng đâu mà. Cậu không cần phải lo.”
“Thôi nào… Cậu nghĩ tớ thực sự sẽ tin á?”
Nếu xấp giấy này không quan trọng, nhỏ đã không phải lăn lê bò trườn trên mặt đất để thu gom hết chúng hệt thú dữ. Theo tôi thấy, đống giấy đó dường như còn nguyên vẹn và không bị rách rưới, nên hẳn đã có người nào đấy vứt chúng vào trong đường hầm cách đây nhiều năm—đặc biệt là khi thấy chúng rơi tá lả từ trên trần hầm. Tôi đoán chắc chúng là một vật tương tự đôi xăng đan của Karen và con vẹt nhà tôi nuôi ngày trước. Nhưng tại sao lần này là giấy? Và cớ sao Anzu phải khóc vì chúng?
“Cậu ước những thứ này à?” Tôi hỏi.
“Không,” nhỏ đáp.
“Vậy là gì? Nói thẳng với tớ đi này, tớ hứa không chỉ trích gì cậu đâu.”
“Giải thích thì được tích sự gì chứ.”
“Cậu không biết thôi chứ đây có thể là manh mối giúp chúng ta khám phá bí ẩn của đường hầm đấy.”
“...Tớ đã nói không có đâu.”
Giọng Anzu hơi chút run rẩy. Vì lý do nào đó mà nhỏ không muốn kể cho tôi. Tôi tự hỏi liệu nhỏ có tổn thương khi tôi bảo sự thiếu chín chắn của nhỏ sẽ trở thành chướng ngại vật lớn nhất cản trở cuộc thám hiểm này…nhưng tôi quyết định giữ mồm miệng. Biết đâu nó sẽ cho chúng tôi một mục tiêu mới để theo đuổi, nhưng cũng có thể khiến mối quan hệ của hai đứa rạn nứt. Đồng thời sự thiếu tin tưởng lẫn nhau sẽ đẩy cuộc thám hiểm vào bế tắc. Tuy nhiên, vẫn còn một hoài nghi mà tôi muốn làm rõ
“Thế cậu đang theo đuổi điều chi? Cậu muốn cái đường hầm này ban tặng cái gì?”
“Tớ…” Anzu toan nói nhưng chững lại—câu từ như nghẹn lại trong cổ họng nhỏ. Phải mất mười giây trước khi nhỏ lắp bắp vế còn lại. “...Tớ không chắc nữa. Tớ định bụng sẽ tiếp tục cuộc thám hiểm rồi nghĩ về nó sau.”
“Gượm đã, cậu nghiêm túc đấy à…? Cậu phung phí bao nhiêu năm cuộc đời mặc dù không có sẵn bất kỳ mục đích nào ư?”
“Tớ có,” nhỏ phản bác. “Tớ muốn trở thành một con người… phi thường.”
“Ờ… ừ? Bằng cách nào?”
“Cậu thử nghĩ đi—một nơi mà dòng chảy thời gian bị bẻ cong, thậm chí được đồn đoán rằng có thể hóa ước nguyện thành sự thật nữa? Còn trải nghiệm nào phi thường hơn dấn thân vào một nơi mà định luật của vũ trụ bị phá vỡ chứ?”
“Tớ không nghĩ trải nghiệm phi thường sẽ giúp cậu trở thành một con người phi thường đâu.”
“Cậu sai rồi. Đó đích thị là thứ khiến người ta trở nên phi thường.”
Đầu óc tôi bắt đầu đau như búa bổ.
“Nhưng tại sao cậu lại ám ảnh với việc phải trở nên ‘phi thường’ thế?”
Tôi đứng dậy gặng hỏi vì sự kiên nhẫn đang mất dần.
Đột nhiên, Anzu tỏ vẻ ngơ ngác và lúng túng tựa một đứa trẻ bị lạc mất mẹ ở siêu thị. Thực chất, tôi chưa từng nhìn thấy vẻ ngoài yếu đuối của nhỏ từ trước đến nay. Sau một hồi do dự, nhỏ điềm tĩnh trả lời tôi:
“Ông nội tớ mất hồi tớ được mười ba tuổi.”
Một cơn gió ấm khẽ thoáng qua. Những tàn lá rụng lả tả trên đầu. Cảm giác cắn rứt lương tâm bỗng ập đến như adrenaline, và tôi cắn nhẹ vào thành miệng mình. “...Xin lỗi.”
“Cậu không cần phải xin lỗi đâu…?”
“Hai người gần gũi với nhau lắm sao…?”
“Không hẳn… Tớ còn ít thân thiết cơ. Đến giờ tớ còn chẳng thể nhớ mặt mũi ông ra sao.”
“Ồ, ừm… tớ hiểu rồi…”
“Tới tận bây giờ tớ vẫn ghê sợ,” nhỏ giải thích. “Cái cách mà ông ấy chết. Không có gì đổi thay cả và gần như mọi thứ không hề bị tác động. Ở đám tang có vài người đã rơi lệ, nhưng tớ cá một tuần sau đó, không ai trong số họ còn bận tâm nữa. Cái chết là điểm đến cuối cùng của tất cả chúng ta, và mọi người đều chấp nhận để rồi bước đi trên cuộc đời cho đến lúc về với cát bụi. Con người không thể chối bỏ cái chết. Và khi chúng ta biến mất, mọi dấu vết chứng minh rằng ta từng tồn tại sẽ dần nhạt phai và bị dòng chảy thời gian cuốn trôi đi. Trừ vô cùng, vô cùng ít ỏi những trường hợp ngoại lệ, tất thảy người từng sống vào thời điểm này sẽ con người ở hai trăm năm sau quên lãng. Cái chết của ông nội tớ đã giúp tớ nhận ra điều đó.”
Giọng nhỏ càng lúc càng trở nên khẩn thiết.
“Cậu không thấy đau buồn sao? Cứ nghĩ đến lúc mình chết đi và mọi vết tích bị xóa sạch. Thế giới dù mất đi cậu vẫn sẽ tiếp diễn giống với khi cậu còn sống. Tớ tự hỏi chúng ta sống là vì mục đích gì. Tại sao chúng ta lại phải tồn tại trên cõi đời này, hao tâm tổn sức để sống trong thảm cảnh và chết đi rồi bị quên lãng. Nên tớ khiếp đảm suy nghĩ rằng mình phải đóng vai một con người tầm thường. Cho nên tớ luôn quyết tâm trở thành một người nào đó mà ai ai cũng khắc ghi. Người mà dù rời bỏ nhân gian vẫn để lại một di sản không thể xóa nhòa trên thế giới. Một con người phi thường.”
Tôi choáng váng không thốt nổi nên lời. Trong nháy mắt Anzu đã từ người bình thường trở thành đứa bị khủng hoảng hiện sinh. Đây không phải là điều mà tôi nên trả lời lấy lệ như “Ừ, rõ rồi,” hay “Tớ cũng hoàn toàn đồng ý với cậu.” Tôi nên tôn trọng sự thành thật của nhỏ vì đã lựa lời cẩn thận và giải đáp với tôi thật chi tiết.
Tôi ngẫm nghĩ để xem nên trả lời ra sao. Tôi suy nghĩ thật từ tốn và chín chắn, nhưng đầu óc tôi trống rỗng. Tâm trí tôi trắng xóa. Tôi chẳng nghĩ ra được gì sao cho chúng có ý nghĩa dù chỉ bằng một phần những gì Anzu đã thổ lộ. Dường như nhỏ đã dành cả tháng hoặc nhiều năm trời bồi đắp cho lý tưởng này của bản thân. Tôi không động não ra được một lời hồi đáp sâu sắc tương tự chỉ trong vài giây ngắn ngủi… Song tôi không thể làm cho bản thân công nhận (và ngụ ý tán thành) cái góc nhìn ấy. Thành ra tôi lúng túng, và thốt ra câu nói ngu học nhất trần đời.
“Cậu nói rất nhiều khi kể lể về thứ mà mình đam mê nhỉ?”
Liệu có người nào ngu hơn tôi? Dám chắc là không.
“...Thật ư? Tớ phải thu hết can đảm mới dám thổ lộ hết ra.” Anzu nhíu mắt nhìn tôi. “Tớ chưa bao giờ kể chuyện này cho ai khác.”
“X-xin lỗi,” tôi hốt hoảng. “Nhiều thông tin quá nên tớ không biết phản ứng ra sao, cho nên…”
“Không sao cả. Tớ thấy nhẹ nhõm vì đã nói ra. Giờ thì cậu đã hiểu chưa, khi tớ nói muốn khám phá đường hầm Urashima ấy?
Nếu trả lời thật lòng, tôi sẽ nói rằng mình hiểu. Tuy nhiên, tôi không thể đồng cảm với nhỏ. Tôi không ước nguyện trở thành con người đặc biệt hay nổi tiếng như nhỏ. Ngoài ra, nhỏ từng áp đặt tư tưởng của mình lên những người sống mà thiếu thốn những ao ước lớn lao rằng họ là một đám chây lười và thất bại, nhưng làm người bình thường thì có gì sai cơ chứ? Tại sao phải dành cả đời để tạo nên một dấu ấn khi mà chính bản thân mình còn không thể tồn tại để xem nó khắc in vào thế giới này? Giả sử ai cũng có quyền tự do lựa chọn, nếu bất cứ ai đã hạnh phúc trước cuộc đời bình dị của họ rồi, vậy thì cớ sao họ phải khát khao thêm nhiều hơn? Vì lý do nào mà ta cần đứng trên đỉnh cao để thỏa mãn bản thân chỉ trong một khoảnh khắc và chìm trong mục rữa suốt phần đời còn lại? Cuộc đời này quá ngắn ngủi, và có gì sai trái khi làm một chú cừu ngoan ngoãn để giữ gìn sự hạnh phúc bền vững mãi mãi? [note50287]
Tôi không có quyền quyết định động lực khám phá đường hầm Urashima nào của Anzu mới là hợp lệ. Dẫu tôi không chấp nhận lý do của nhỏ đi chăng nữa, nhỏ sẽ không từ bỏ ý định thám hiểm nơi này, cho dù phải tiến bước mà không có tôi bên cạnh. Ý chí và động lực của nhỏ quá rõ ràng. Về phần mình, tôi cũng không muốn đường ai nấy đi, bất chấp sự mâu thuẫn về tư tưởng của nhau. Và giờ tôi đã biết mình cần phải nói gì.
“...Ừm. Tớ không còn nghi ngờ gì nữa khi cậu tỏ ra nghiêm túc trước vụ này.”
“Thật sao?” Anzu gặng hỏi. Tôi gật đầu quyết đoán, và gương mặt nhỏ giãn ra, nở một nụ cười tươi tắn. “Vậy được rồi.”
Nút thắt đã được gỡ. Nhưng một mặc cảm tội lỗi đang dần gặm nhấm tôi. Phải khó khăn lắm tôi mới không nhìn đi chỗ khác trước ánh mắt của nhỏ.
Rốt cuộc bọn tôi chỉ có thể đến lớp vào tiết học thứ sáu vào ngày hôm đó. Không cần nói cũng biết, cô H tặng cho hai đứa một tràng rầy la khi thấy bọn tôi lủi thủi vào lớp. Thực lòng tôi không hiểu sao mình xuất hiện làm chi. Tôi ngáp một phát ầm ĩ giữa lớp, và giáo viên toán nhìn tôi khó hiểu, nên tôi còn mỗi nước chui xuống gầm bàn để trốn. Hiện tại là hai giờ chiều ngày thứ Ba, nhưng theo như cái đồng hồ sinh học của tôi cho hay, nó vẫn còn bỏ xác tại sáng sớm ngày thứ Bảy tuần trước; thế rồi sự tỉnh táo và cơn buồn ngủ của tôi chiến đấu với nhau khốc liệt. Tôi xoay xoay bút để ngăn cái ngáp thứ hai. Kiến thức toán học chẳng chui nổi vào đầu tôi. Tâm trí tôi đã vứt đâu ở đường hầm Urashima rồi.
Hai yếu tố cốt yếu để xác nhận lời đồn đoán về đường hầm: thứ nhất, nó bẻ cong dòng thời gian, và thứ hai, nó hóa điều ước của người thám hiểm thành sự thật. Chúng tôi đã chứng thực cái đầu, nhưng cái sau vẫn bỏ ngỏ, và dần làm tôi đau đầu nhức óc. Điều ước của tôi không phải được đoàn tụ lại với con vẹt đã chết, hay chiếc xăng đan của nhỏ em, và đối với Anzu, nhỏ đang không theo đuổi xấp giấy kia. Một nghi vấn khác được đặt ra: Điều kiện nào làm cho đường hầm vận hành như vậy? Không lẽ nó lựa chọn một vật quý giá trong ký ức người khác và ngẫu nhiên mang chúng trở lại hiện thực? Hẳn có mánh khóe nào đó. Đối với tôi, hai thứ kia quả thực có phần nào liên hệ với mong ước của tôi, nhưng suy cho cùng đó không phải là điều tôi thật sự mong muốn.
Tôi bất chợt nhớ về Bàn tay khỉ. Nó là một mẩu chuyện kinh dị mà tôi đã dịch nghĩa trước lớp hồi cấp hai. Đại khái rằng cái bàn tay ấy sẽ cho bất kỳ ai ba điều ước, nhưng đồng thời nó sẽ khai thác lỗ hổng trong cách đặt câu của người đó. Na ná cây đèn thần nhưng khó ăn hơn. Ví dụ, một đôi vợ chồng ước được nhiều tiền, nhưng té ra số tiền đó lại đến từ tiền bảo hiểm mà họ nhận được sau khi người con trai bị thiệt mạng do tai nạn ngay tại công sở. Thế rồi họ ước con trai mình sống lại, và gõ cửa nhà họ là một cái xác đang thối rữa của anh ta.
Biết đâu đường hầm Urashima ban tặng điều ước tương tự với cách của bàn tay khỉ, nhưng không có khoản kinh dị thế kia. Nghĩ lại, có khi nào nó cũng tồn tại ác ý thì sao? Chả nhẽ nó đợi tôi chuẩn bị quay gót trở ra để làm chiếc xăng đan của Karen xuất hiện trước mặt tôi, thật trùng hợp đến kỳ lạ. Con vẹt Kee cũng vậy. Tựa hồ đường hầm đang đặt bẫy để nhử con mồi (trong trường hợp này là tôi) vào sâu bên trong.
Ngẫm lại từ góc nhìn khách quan, coi bộ tôi đang tự dấn thân vào bẫy. Đó là nếu như tồn tại thế lực thâm hiểm đứng sau đường hầm Urashima, vậy nếu nó giống với bàn tay khỉ và hồi sinh Karen cho tôi, nhưng theo cách kỳ dị…? Tôi không muốn nghĩ đến khả năng ấy.
Tôi gắng hết sức gạt tan suy nghĩ bất ổn đó khỏi đầu, mắt nhìn lên nhìn ngày tháng viết bằng phấn trên tấm bảng đen. Kỳ nghỉ hè đã gần kề rồi.
3 Bình luận