Hãy tìm Cheol Soo
가짜과학자, Nhà khoa học rởm
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn truyện

Chương 02

0 Bình luận - Độ dài: 2,675 từ - Cập nhật:

Cheol Soo nghĩ con người chẳng qua chỉ là một loại máy móc sống. Anh là người theo chủ nghĩa vô thần, và anh tin rằng kiếp sau vốn chỉ là thứ vô nghĩa do những kẻ cuồng tín bịa ra. Một loại công cụ được dùng để lợi dụng nỗi sợ hãi của con người và đe dọa cũng như xoa dịu họ để nâng cao vị thế của tôn giáo, đó chính là đức tin cũng như quan điểm tôn giáo của Cheol Soo. Giống như loại máy móc nào rồi cũng sẽ có lúc ngừng hoạt động, con người sẽ không có kiếp sau mà chỉ sống hết tuổi thọ và ngừng thở mà thôi. Cheol Soo tin là vậy.

Cho đến lúc này.

Tại sao anh vẫn còn ý thức? Tại sao một người đã chết khi đối mặt với sự diệt vong của địa cầu lại đang nằm trên giường thế này?

Cheol Soo bàng hoàng đứng dậy. Khi nhìn xung quanh, anh bỗng nhận ra căn phòng này quen thuộc đến lạ.

Trên bàn anh có dán thời khóa biểu, tủ ba ngăn chất đầy sách giáo khoa và sách tham khảo, đến cả cái giường đơn bên dưới đây.

Khung cảnh này vừa xa lạ lại vừa quen thuộc.

“Không thể nào.”

Cheol Soo lẩm bẩm với giọng run rẩy và bỗng giật bắn mình. Giọng anh cũng khác thường. Nghe cứ như một đứa trẻ con vẫn chưa vỡ giọng vậy.

“Cái quái gì… Sao lại có thể…”

Đây là căn phòng Cheol Soo từng sử dụng từ hồi bé cho đến khi thành niên. Anh dáo dác nhìn quanh như thể vẫn chưa tin được, và rồi một lời giải đáp hợp lý hiện lên trong tâm trí anh.

Đây là ảo giác do não tự tạo ra trước khi chết. Hồi tưởng quá khứ.

Nếu vậy thì mọi chuyện đều sáng tỏ. Người ta hay nói con người thường sẽ nhớ lại toàn bộ cuộc đời mình trước khi chết, có vẻ là thật.

Có lẽ đây là món quà cuối cùng trước khi anh lìa đời.

Cheol Soo nhìn xung quanh mình trong nỗi nhung nhớ rồi đứng dậy và đến gần tủ sách. Trên ngăn tủ có những quyển sách giáo khoa và sách tham khảo sạch sẽ ghi dòng chữ “Lớp 7”, cùng với một vài quyển tiểu thuyết.

Cheol Soo chạm qua từng quyển sách rồi bỗng khựng lại. Có gì đó là lạ.

Hồi tưởng chỉ là nhớ lại ký ức mà thôi. Vậy tại sao anh lại có thể tự do làm những hành động mà mình chưa từng làm trong quá khứ như thế này?

Cheol Soo đanh mặt lại, anh lấy bừa một quyển sách và nhanh chóng giở trang. Càng giở vẻ mặt của anh càng kinh ngạc. Nội dung của sách quá chính xác. Chi tiết đến cả những thông tin nhỏ lẻ nhất.

Lời nói đầu của tác giả, tiểu sử, mục lục, mã ISBN.

Anh có thể nhớ hết tất cả những thông tin này sao? Làm thế nào? Não anh đang tự lừa phỉnh chủ của nó và bịa ra những chi tiết này chăng? Nhưng kể cả thế thì ký ức này vẫn quá rõ ràng.

Cheol Soo nhíu mày và lại tiếp tục lấy những quyển sách khác trên giá tủ. Chúng cũng chẳng khác gì quyển sách anh lấy ra lúc đầu. Bên trong chứa đầy những nội dung mà anh còn chưa ngó qua chứ đừng nói đến nhớ trong đầu.

Đến lúc này, Cheol Soo chỉ còn cách rút lại phỏng đoán ban đầu của mình. Đây không phải là ảo giác hay hồi tưởng. Anh vẫn đang ở hiện thực.

“Vậy đây là tình cảnh gì thế này?”

Cheol Soo ngồi xuống rồi khoanh tay ngẫm nghĩ.

Tình cảnh anh đang gặp phải hình như là quay ngược thời gian. Nhưng anh vẫn không hiểu nổi. Tại sao? Sao lại thế?

Người ta nói hiện tượng quay ngược thời gian là khi entropy*[note46607] giảm rồi lại tăng lên. Một hành tinh nhỏ như một hạt cát trong toàn vũ trụ như trái đất không thể gây ảnh hưởng đến thời gian và không gian chỉ vì va chạm với một tiểu hành tinh còn bé hơn nó được.

Nếu thời gian quay ngược thật thì con người sẽ chẳng nhận ra hiện tượng này, bởi vì bộ não lưu giữ ký ức cũng sẽ quay lại thời điểm trong quá khứ.

Tức là trông thì tưởng Cheol Soo đã quay về quá khứ, nhưng khả năng cao là không phải vậy.

Thế thì anh nên giải thích hiện tượng này như thế nào đây?

Cheol Soo ngẫm nghĩ một hồi rồi bỗng nhớ ra một chuyện. Ngày xưa anh từng xem một bộ phim về A.I. Nhân vật chính trong phim cũng rơi vào tình cảnh giống như anh. Người ngoài hành tinh, hay cũng có thể là người tương lai, phát hiện ra thi thể của nhân vật chính và dùng công nghệ tiên tiến để hồi sinh người đó, sau đó để nhân vật chính trải nghiệm lại thời điểm đáng nhớ nhất trong đời mình.

Hai trường hợp khác biệt ở chỗ nhân vật chính David là robot, còn Cheol Soo là con người. Nhưng con người chẳng qua cũng chỉ là máy móc ở một phạm trù lớn hơn mà thôi.

Vậy tại sao anh lại quay về cơ thể khi còn nhỏ? Có lý do gì khiến họ cố tình biến anh thành trẻ con sao?

Hay trong lúc hồi sinh có vấn đề gì nên cơ thể anh mới nhỏ lại? Hay họ đang nuôi bản sao của anh, và cơ thể nhỏ như thế này đã đủ để họ cấy ký ức cho não?

Vậy chính xác thì Cheol Soo này không phải là Cheol Soo-gốc mà là Cheol Soo-2 chăng? Anh nghĩ ngợi một hồi rồi dứt khoát bỏ qua. Nếu đã tiếp tục có ý thức thì có là bản gốc hay bản sao cũng không quan trọng. Đã gọi là bản sao rồi thì còn gì khác bản gốc nữa.

Sau này Cheol Soo-gốc hay Cheol Soo-3 mà xuất hiện thì mới có vấn đề. Nhưng khi nào gặp phải thì tính sau. Anh còn chẳng biết chắc mình có phải bản sao hay không chứ đừng nói đến Cheol Soo-3. Không cần phải đau đầu vì những vấn đề này làm gì.

Cheol Soo quyết định không nghĩ nhiều về bản thân nữa. Sau đó anh chuyển sang suy luận mục đích tái sinh. Thực ra đây mới là vấn đề quan trọng.

Nhưng không lâu sau anh đã tìm ra lời giải đáp. Có lẽ là vì sự tò mò.

Giả dụ như con người phát hiện ra xác khủng long được bảo tồn và có công nghệ tiên tiến đủ để hồi sinh khủng long. Vậy thì họ sẽ làm thế nào?

Không cần nghĩ cũng biết họ đương nhiên sẽ chọn hồi sinh. Làm được thì cứ làm thôi.

Và khi hồi phục sinh vật xong, họ tiếc rẻ không muốn phá hủy vật mẫu nên để nó sống tiếp. Như vậy thì họ vừa có thể tìm hiểu về sinh vật đã bị tuyệt chủng từ thời cổ đại vừa có thêm thứ để trưng bày trong sở thú.

Nếu vậy thì mọi chuyện đều được giải thích. Cũng giống như con người tạo ra môi trường sống phù hợp để nuôi thú, ai đó cũng tái tạo lại căn phòng trong quá khứ và cũng là chốn bình yên đối với Cheol Soo để quan sát cuộc sống của anh, như vậy cũng khá hợp lý.

Vấn đề là làm thế nào mà họ có thể tái tạo môi trường sống của Cheol Soo giống y hệt bản thật. Cheol Soo nghĩ ngợi rồi lại nhận ra chuyện này chẳng đáng để lo nghĩ. Họ đã có công nghệ để hồi sinh con người hoặc đưa ký ức từ một cơ thể đã chết sang cơ thể khác thì rút ký ức từ bên trong não cũng chẳng có gì khó khăn với họ cả.

Nhưng tất cả những suy nghĩ của anh chỉ là giả thuyết. Cheol Soo gật gù nghĩ mình phải xác nhận một lần, sau đó nhìn quanh và nói với thái độ biết tuốt.

“Ê này, có ai ở đó không?”

Không có phản ứng.

Giả thuyết của anh sai rồi sao? Không phải đâu. Vẫn chưa chắc chắn được. Có thể họ chỉ đang giữ im lặng và tiếp tục quan sát mà thôi.

Cheol Soo lại nói thêm vài câu như đã biết hết về những người quan sát mình.

“Có ai không? Ra đây đi. Tôi biết tỏng rồi đấy nhé.”

“Đang nhìn tôi từ đây hả?”

“Hay là chỗ này?”

“Mục đích của các người là gì? Tại sao lại cho tôi sống lại?”

Cheol Soo nhìn khắp phòng và thử nói hướng vào các góc. Nhưng nói mãi mà vẫn không có ai đáp lại anh.

Bọn họ đã tái tạo căn phòng một cách hoàn hảo như thế này thì không thể nào không biết tiếng người được. Chẳng lẽ những người quan sát quá thận trọng nên tránh tiếp xúc với anh? Hay giả thuyết của anh vốn đã sai rồi?

Dù là thế nào thì anh cũng không có cách xác nhận ngay lúc này. Nếu họ thận trọng thì sẽ không lộ mặt, còn nếu không tồn tại thì càng không có khả năng lộ mặt.

Cheol Soo ngồi phịch xuống giường và tạm bỏ qua những giả thiết tái sinh trong đầu mình.

Rồi anh lại nghĩ tiếp. Giả như những gì anh dự đoán là sai thì anh nên lý giải tình cảnh hiện tại bằng cách nào? Cheol Soo đặt cả những khả năng mà mình thường bỏ qua vào giả thiết và tiếp tục suy luận.

Vũ trụ vĩnh cửu luân hồi của Nietzsche. Đó là khái niệm cho rằng toàn vũ trụ sẽ liên tục trải qua quá trình diệt vong rồi lại tái sinh, mỗi thế giới đã diệt vong đều quay trở về trạng thái giống hệt, hoặc là gần giống thế giới cũ và cứ vĩnh viễn lặp lại như vậy. Tức là hiện tại Cheol Soo không ở một thời điểm trong quá khứ mà đang ở một thời điểm gần giống trong tương lai. Ý tưởng này khá hợp lý đối với Cheol Soo. Nhưng có một vấn đề mang tính quyết định. Làm thế nào mà Cheol Soo vẫn giữ lại ký ức trong quá khứ?

Vũ trụ lặp lại, vậy thì Cheol Soo không thể có ký ức của thế giới cũ được.

Vì lý do đó nên Cheol Soo bỏ qua ý tưởng này và tìm cách giải thích khác đi.

Rồi anh bỗng nhớ ra khái niệm về thế giới bên kia.

Từ xưa đến nay anh luôn nghĩ rằng chết là hết, nhưng nếu cái chết không phải kết thúc mà là một sự khởi đầu mới thì sao? Nếu đây là địa ngục hoặc thiên đường thì sao? Như vậy thì anh hoàn toàn có thể lý giải cho cơ thể hồi nhỏ hay môi trường xung quanh.

Nhưng giả thuyết này cũng có khuyết điểm riêng. Anh không đau khổ cũng chẳng cảm thấy vui sướng. Có lẽ anh đang ở nơi luyện ngục*[note46608]. Nhưng thế giới luyện ngục đáng lẽ ra nên nằm ở thời điểm thế giới đã dần sụp đổ dẫn đến nạn diệt vong, vì phải vào lúc đó anh mới hối hận và tự kiểm điểm về những gì mình làm trong quá khứ.

…Quả nhiên là không phải thế giới bên kia. Nhưng nếu giả thiết này cũng không đúng thì chẳng lẽ là…

“Mơ?”

Có lẽ anh đang chìm trong một giấc mơ dài. Nhưng Cheol Soo lại lắc đầu. Ký ức về khoảnh khắc trái đất diệt vong quá rõ ràng và chắc chắn nên không thể chỉ là mơ. Cheol Soo không thể coi đó là một giấc mơ. Những gì anh chứng kiến trước khi tỉnh giấc chắc chắn không thể là mơ mà là hiện thực.

Tuyệt đối không thể là mơ. Cheol Soo loại bỏ hoàn toàn khả năng này và nghĩ tiếp.

“Cũng có khả năng là thế giới song song…”

Có một học thuyết liên quan đến vấn đề này gọi là Thuyết sinh tâm (Biocentrism). Đây là một học thuyết trong cơ học lượng tử được dùng để giải thích về đa thế giới, ngắn gọn lại như sau. Thế giới được phân nhánh theo từng khả năng xảy ra, và ý thức của con người trong từng thế giới nhỏ đều được liên kết nhưng bản thân họ lại không nhận ra điều đó. Thế rồi nếu người trong một nhánh nhỏ chết đi thì ý thức sẽ được chuyển sang nhánh khác…

Một giả thiết không thể được chứng minh, nghe cứ như mê tín đội lốt khoa học khiến Cheol Soo trước đây chắc hẳn đã cười ra tiếng. Nhưng gặp phải chuyện khó tin như thế này thì anh khó có thể khẳng định chắc chắn nữa. Ít nhất thì giả thiết này có thể lý giải cho hiện tượng truyền ký ức.

Nhưng giả thiết này cũng có vấn đề. Nó không thể lý giải tại sao ký ức lại quay về thời điểm quá khứ chứ không phải thời điểm hiện tại của một thế giới khác.

Đương nhiên, cũng có thể suy đoán rằng ý thức của anh được dịch chuyển về thời quá khứ bằng một cách nào đó không liên quan đến Thuyết sinh tâm. Nếu ký ức quay trở lại một thời điểm trong quá khứ thì Cheol Soo sẽ phải nhớ tới tình huống hiện tại và tạo ra một nghịch lý thời gian (time paradox). Nhưng nếu thế giới phân nhánh ngay vào thời điểm này thì vấn đề đã được giải quyết.

Anh vẫn chưa hiểu ký ức của mình được truyền kiểu gì. Khoa học hiện đại cũng không phải vạn năng nên anh cũng khó có thể khẳng định đó là chuyện bất khả thi.

Cheol Soo nghĩ ý tưởng cuối cùng là một điểm đáng để cân nhắc kỹ càng. Đúng là phải sống lâu… à không, phải chết rồi thì mới trải qua những chuyện hoang đường này.

Cheol Soo bật cười. Càng nghĩ càng thấy khó tả.

Lúc này, cửa phòng Cheol Soo đột nhiên mở ra. Anh chậm chạp nhìn về phía cửa rồi bỗng trợn tròn mắt.

“Cheol Soo, con không ngủ hả? Sao lại vứt sách vở bừa bãi thế này?”

Bên ngoài cửa là người mẹ đã quay đời từ lâu của anh. Bà Yang Hye Ja đứng đó với dáng vẻ trẻ trung như thiếu nữ.

Vành mắt Cheol Soo đỏ bừng. Dừng mọi suy nghĩ phức tạp trong đầu, anh chạy đến ôm chặt lấy mẹ. Những giả thuyết về việc tái sinh hay thế giới song song mà Cheol Soo tốn công suy nghĩ nãy giờ không còn quan trọng nữa. 

Giả thiết đúng hay sai cũng được. Quan trọng là anh được gặp lại mẹ.

Thấy con trai hành động không giống ngày thường, Yang Hye Ja chỉ biết ngỡ ngàng đứng đó. Thế rồi bà ngay lập tức nở nụ cười hiền dịu và ôm lấy Cheol Soo.

“Hôm nay còn biết làm nũng mẹ cơ. Sao vậy? Con mơ thấy ác mộng à?”

Cheol Soo vùi mình vào vòng tay của mẹ và gật đầu. Anh chắc chắn rằng những gì anh trải qua không phải một giấc mơ, nhưng hiện giờ anh muốn coi như chúng không tồn tại. Rằng chúng chỉ là một cơn ác mộng thật dài, thật khủng khiếp mà thôi.

Ghi chú

[Lên trên]
Entropy có thể coi là một thước đo sự hỗn loạn trong nhiệt động lực học, thường để chỉ "sự lộn xộn" hoặc "tính bừa" trong một hệ kín. Tức là entropy thấp thì trật tự, entropy cao thì loạn. Entropy luôn gia tăng theo thời gian vì trong một hệ kín, vật thể sẽ luôn có xu hướng chuyển từ trạng thái trật tự sang hỗn loạn. Nếu quay ngược thời gian thì entropy sẽ giảm từ cao đến thấp -> nghịch lý, không thể xảy ra.
Entropy có thể coi là một thước đo sự hỗn loạn trong nhiệt động lực học, thường để chỉ "sự lộn xộn" hoặc "tính bừa" trong một hệ kín. Tức là entropy thấp thì trật tự, entropy cao thì loạn. Entropy luôn gia tăng theo thời gian vì trong một hệ kín, vật thể sẽ luôn có xu hướng chuyển từ trạng thái trật tự sang hỗn loạn. Nếu quay ngược thời gian thì entropy sẽ giảm từ cao đến thấp -> nghịch lý, không thể xảy ra.
[Lên trên]
Một trạng thái trung gian sau khi chết, nếu con người chưa đủ hoàn hảo để lên Thiên Đàng và phải tạm thời ở lại để thanh tẩy mọi tội lỗi cho đến khi đủ điều kiện lên Thiên Đàng.
Một trạng thái trung gian sau khi chết, nếu con người chưa đủ hoàn hảo để lên Thiên Đàng và phải tạm thời ở lại để thanh tẩy mọi tội lỗi cho đến khi đủ điều kiện lên Thiên Đàng.
Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận