*Trans+Edit: Lắc
Khi phải tiếp xúc với một bản giao hưởng có phong cách quá khác biệt so với truyền thống, việc các nhạc sĩ vô thức chối bỏ và bắt đầu bới lông tìm vết là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tác giả của bản nhạc này lại là Lucien Evans, một trong những nhạc sĩ hàng đầu nổi tiếng nhất, một thiên tài được biết đến là người rất có tinh thần cải cách, sáng tạo, bởi vậy, trong lòng họ vẫn có sự kính nể sâu sắc. Ngay cả khi có cảm giác muốn phủ nhận và phải ôm ấp nỗi khó chịu trong lòng, họ vẫn lắng nghe rất chăm chú và cẩn thận.
Dần dần, hầu hết những nhạc sĩ không phải người Aalto bản địa đều bị làn sóng cuồng nhiệt cùng giai điệu khẩn trương và căng thẳng cuốn đi, như thể đã được đẩy trở lại cuộc sống khi mới tới Aalto.
Cuộc sống lúc ấy là những tháng ngày bận rộn với nhịp sống hối hả. Mỗi ngày họ đều phải tất bật chạy ngược chạy xuôi và làm đủ những công việc nặng nhọc mà bản thân không tài nào thoát khỏi chỉ nhằm mục đích thuê được một dàn nhạc và tổ chức một buổi hòa nhạc nhỏ. Trong thời gian rảnh rỗi, họ sẽ cống hiến hết mình cho âm nhạc, hoặc là bứt trụi cả tóc để nghĩ cho ra giai điệu, hoặc là tập đi tập lại mặc kệ hai bàn tay đau đớn. Sức nặng của thực tại đè ép khiến họ ngạt thở. Chỉ những khi được chìm trong bầu không khí của âm nhạc, họ mới tìm được chút bình yên.
Sau đó, họ nghe thấy một giai điệu mới lạ khác hoàn toàn với phong cách âm nhạc quen thuộc trước đây. Đó là giai điệu đến từ những quốc gia khác, từ những nền văn hóa dân gian của những nơi chốn khác nhau. Nó phơi bày ra trước mắt họ một thế giới âm nhạc hoàn toàn mới, khiến họ chấn động khôn cùng. Giống như khi rời xa quê hương để đến Aalto, họ đột nhiên được tiếp xúc với âm nhạc của Aalto giữa cuộc sống bộn bề và nhọc nhằn. Những phong cách khác hẳn với âm nhạc quê nhà ấy đã kéo rộng chân trời của họ, trao cho họ một tầm nhìn mới về âm nhạc.
Hàng lông mày của Christopher từ từ giãn ra khi ông nhớ về những kỷ niệm dĩ vãng.
Ông rời quê hương, đem theo ước mơ âm nhạc tới mảnh đất Aalto, trên đường vừa đi vừa biểu diễn. Tuy nhiên, Aalto quá thịnh vượng, có quá nhiều nhạc sĩ và nhạc công. Nếu không sở hữu tài năng phi thường và kỹ thuật trình diễn điêu luyện thì rất khó tồn tại được ở đây.
Bởi vậy, để mưu sinh, ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một nghệ sĩ đường phố, dựa dẫm vào những khoản boa nhỏ từ những người qua đường mỗi khi chơi xong để lấp đầy bụng. Đêm đến, ông sẽ điền cuồng thu nạp những ý tưởng sáng tạo của Aalto – vốn rất khác với quê nhà ông – và dồn hết số tiền ít ỏi kiếm được để học chữ và mượn sách.
Trong cuộc sống bộn bề, nhọc nhằn, hối hả ấy, ông tình cờ gặp được ngài Lessing, người đã mở ra cho ông một cánh cửa mới, một cánh cửa dẫn tới thế giới của giao hưởng có kết cấu chặt chẽ.
Vào lúc đó, ông đã vô cùng bàng hoàng, giống như một du khách đặt chân tới một đất nước hoàn toàn xa lạ và được chứng kiến đủ thứ khác biệt.
‘Âm nhạc của Lucien đã bộc lộ trọn vẹn những trải nghiệm của cậu ấy – sau khi vượt qua muôn trùng khó khăn, du hành đến một đất nước mới, nghe những loại hình âm nhạc mới và trở nên đầy đam mê.’ Christopher đã rũ bỏ được những định kiến và cứng nhắc vừa nảy sinh một cách tự phát trước đó để đưa ra đánh giá một cách đầy công tâm.
Ngay sau đó, toàn thể dàn nhạc tấu lên một giai điệu đầy cuồng nhiệt, hùng tráng và dữ dội như những con sóng, và rồi hai chủ đề phụ lần lượt được bộc lộ ra. Đoạn giai điệu này được chơi bằng sáo, sáo dọc[note58086] rồi tới sáo ngang, cả hai cùng nhau mang đến một loại xúc cảm buồn bã, u sầu, phủ một tầng thương cảm lên Christopher và những người khác, khiến họ nhớ về những gì đã từng trải qua trong những tháng ngày bận rộn đó.
Điều tiếp theo mang đến cảm nhận khác biệt cho các nhạc sĩ chính là sự đổi mới trong cấu trúc. Mãi tới khi chương đầu tiên kết thúc, họ mới nhận ra sự độc đáo trong việc sắp xếp kết đề. Sau nhiều pha biến chuyển và trì hoãn đầy kịch tính, phần kết đề[note58087] mới thực sự bắt đầu.
Hầu hết những quý tộc trong Thánh vịnh Thính phòng và thường dân tại quảng trường thành phố đều không đòi hỏi cao về giao hưởng có kết cấu chặt chẽ bằng giới chuyên môn như các nhạc sĩ. Mặc dù họ cũng cảm thấy bản giao hưởng này có chút gì đó khác biệt so với những gì mà họ hay nghe, thậm chí với tư cách là kinh đô của âm nhạc, nơi này cũng có rất nhiều người biết thưởng nhạc đủ khả năng nhìn ra nó không đúng chuẩn mực ở đâu, nhưng tất cả đều phải tán đồng rằng đây là một tác phẩm xuất sắc, vượt trên tiêu chuẩn.
Họ chỉ đơn thuần lắng nghe bằng tai, bằng tâm hồn.
Sau một quãng ngắt nghỉ ngắn, Lucien lại giơ gậy dẫn nhịp lên, mắt khẽ nhắm như thể đang say sưa trong âm nhạc.
Giai điệu trở nên xa xăm, mọi sắc màu cũng u tối dần đi. Dàn nhạc chơi một vài hợp âm trầm, từ đó thành công tạo nên một bầu không khí vừa huyền bí vừa u ám.
Giữa bầu không khí như vậy, những cảm xúc đã lên men bấy lâu nay trong lòng Lucien bỗng lần lượt dâng trào và hóa thành những hình ảnh, những hồi ức mà cậu nhung nhớ. Cảm xúc đó mang tên “nỗi nhớ nhà”.
Cậu nhớ gia đình, nhớ bạn bè, những kỷ niệm từng có với họ hiện lên đầy sống động: Thầy Victor, người luôn tốt bụng, ngay thẳng và cao thượng, không bao giờ phân biệt đối xử, luôn thật lòng thật dạ chỉ bảo và yêu thương cậu. Chú Joel và dì Alisa, những người luôn quan tâm chăm sóc cho cậu như cha mẹ thực sự, sẵn sàng cho cậu mượn cả tiền tiết kiệm của mình, thậm chí còn không do dự đứng ra bảo vệ cậu khi cậu bị đám côn đồ truy đuổi. John, người bạn thân của cậu, đánh nhau với đám côn đồ vì cậu, mạo hiểm cả tương lai hiệp sĩ của mình. Natasha xinh đẹp và hài hước của cậu thì luôn vui vẻ và hào phóng, không một chút kiêu ngạo, đối với bạn bè thì sẵn sàng cho đi mà không bao giờ đòi hỏi đền đáp. Cả hai còn cùng nhau trải qua rất nhiều chuyện nữa…
Cậu nhớ ngôi nhà cũ nát tồi tàn của mình ở Aderon. Cánh cửa gỗ của ngôi nhà do chính cậu tự tay sửa lại, còn có phòng thí nghiệm ma thuật đã bị phá hủy ở dưới lòng đất. Trong suốt thời gian sống ở đó, cậu đã học chữ, trở thành một người học việc và chiến đấu chống lại đám dị giáo Ngân Giác.
Cậu nhớ căn biệt thự sân vườn của mình. Dù chỉ sống ở đó vỏn vẹn mấy tháng, hình ảnh vân đá và những dây leo phủ đầy bức tường vẫn còn như in trong tâm trí cậu. Chính ở căn biệt thự này, cậu đã chơi For Silvia và chương đầu tiên của Ánh trăng cho Natasha. Cũng chính ở nơi này, cậu đã được biết về Ma pháp Nghị viện từ Rhine.
Cậu nhớ Hiệp hội Nhạc sĩ Aalto, nơi lót những tấm thảm vừa dày vừa mềm, nhớ môi trường yên tĩnh nơi ấy, thư viện âm nhạc gọn gàng, sạch sẽ, phòng piano được trang bị đầy đủ. Chúng đã chứng kiến vô số lần tập đàn của cậu, lắng nghe những “truy vấn” xuất phát từ tận đáy lòng khi cậu chơi Định mệnh…
…
Những hình ảnh này lóe lên trước mắt Lucien như thể thực sự đang diễn ra. Thế nhưng, điều hiển hiện rõ ràng và nổi bật hơn cả lại là niềm khao khát, sầu muộn và nhớ nhung thường trực đối với cuộc hành trình, với cuộc sống tại Allyn, cùng với đó là nỗi buồn và sự bất lực khi sắp phải chia tay.
Những cảm xúc sâu đậm, mạnh mẽ này hóa thành những nốt nhạc vô hình và chậm rãi tuôn chảy theo từng nhịp vung gậy của Lucien.
Tiếng sáo dọc cất lên một giai điệu du dương vừa u buồn vừa ngọt ngào êm dịu, như một tia sét giáng vào tim mỗi người.
Christopher rơi vào trạng thái xuất thần, suy nghĩ như lạc về thị trấn nhỏ ở quê nhà. Ngôi nhà hai tầng u ám mang phong cách Đế chế Ma thuật cổ đại giờ còn đó không? Nó vẫn bị đồn đại là có ma chứ? Con sông uốn khúc quanh thành phố vẫn trong vắt như trước chứ? Cây táo trước ngôi nhà cũ có còn sai trĩu quả không? Chúng vẫn chua như năm mươi năm trước chứ? Cô gái ông thầm yêu ngày ấy giờ chắc tóc cũng đã bạc, răng cũng đã lung lay như ông rồi nhỉ? Liệu cô còn thích cười như ngày xưa không? Bia mộ tổ tiên ông trong nghĩa trang hẳn cũng đã mọc đầy cỏ dại rồi. Gia tộc ông liệu còn ai đến đó dọn dẹp không?
Giai điệu ảm đạm, u sầu dường như đã xóa bỏ khoảng cách thời gian năm mươi năm dài đằng đẵng, khiến Christopher nhớ quê nhà hơn bao giờ hết. Nỗi nhớ da diết đến nỗi lòng ông chỉ còn lại nỗi buồn.
Betty, Joanna và Simon cũng chìm đắm trong dòng chảy hoài niệm của âm nhạc. Họ nghĩ về những ngọn núi quen thuộc, những cung đường ngoằn ngoèo và gồ ghề ở Công quốc Orvarit, nghĩ tới những truyền thuyết đáng sợ về chiêu hồn sư và Ma cà rồng. Họ nhớ những người bạn cùng chơi thời thơ ấu, nhớ hương vị của quê nhà, nhớ hơi ấm ngọt ngào của cha mẹ khi còn sống, nhớ cả ngôi nhà chắp vá của họ…
Nghĩ đến những điều đó, hốc mắt Joanna và Betty đều không nhịn được mà đỏ hoe và rơi lệ. Mong muốn được về nhà bỗng nhiên dâng trào mãnh liệt.
Đây là thứ cảm xúc mà chỉ những con người tha hương xa xứ mới hiểu.
Joel và Alisa thì nghĩ về thị trấn phía Nam, nơi hiên nhà chứa đựng chuyện tình của cả hai, thậm chí cả mọi bóng cây ngọn cỏ quen thuộc cũng đều trở nên đáng trân trọng. Đám rêu xanh mọc dưới chân tường hiển hiện ra đầy sinh động trước mắt họ, những đặc sản địa phương thơm ngon của quê nhà dường như vẫn còn để lại dư vị trong giấc mơ đêm qua…
Grace thì nhìn thấy Sturk, thấy những cây cầu đá với đủ kiểu dáng, phong cách khác nhau, thấy những bức tượng sáp trông giống y người thật, thấy cha mẹ cô ngày càng già nua, thấy em trai cô ngày một tiều tụy…
…
Giai điệu uyển chuyển, réo rắt như tiếng khóc lóc, nỉ non. Bất kể là quý tộc, nhạc sĩ, thương nhân hay người thường, chỉ cần đã từng trải qua những cảm xúc tương tự thì đều sẽ không thể thoát được ra khỏi bầu không khí đó.
Không biết có bao nhiêu người đã lặng lẽ rơi nước mắt. Không biết có bao nhiêu người đã rơi vào xúc cảm hoài niệm mãnh liệt.
Bầu không khí tươi đẹp dần dần bị gián đoạn bởi khung cảnh bình dị, sau đó chủ đề đầu tiên của bản giao hưởng khẩn trương và gấp gáp kéo mọi người từ trong hồi tưởng quay lại thực tại – thực tại rằng sau khi tỉnh dậy từ giấc mơ lúc nửa đêm, họ vẫn chỉ đang cô đơn một mình ở bên ngoài, không có gia đình bầu bạn bên cạnh.
Giai điệu u sầu kéo nỗi buồn hiu hắt quay trở lại một lần nữa, và chương thứ hai kết thúc với tiếng violin đầy truyền cảm cùng hợp âm trầm và nhẹ theo sau.
Không một tiếng vỗ tay nào vang lên, chỉ có một đám đông đang im lặng khóc thầm.
Chương ba tiếp theo bỗng bùng lên sức sống mãnh liệt, rực rỡ đầy màu sắc, giai điệu trầm bổng cất lên như đang nhảy múa, khiến mọi người một lần nữa cảm nhận được cảnh sắc và vẻ đẹp của một đất nước mới.
Mặt khác, chương thứ tư lại hùng tráng và đầy hứng khởi. Nó tái hiện lại tất cả những chủ đề từng được trình bày trước đó, bên trong chứa đựng một khối năng lượng tích tụ cùng khát vọng được về nhà mãnh liệt, Bên cạnh đó, những khung cảnh hạnh phúc tưởng tượng như một dòng lũ cuồn cuộn ập đến, dồn dập tới tận khi kết thúc.
“Từ Tân Tổ quốc” chậm rãi lắng xuống.
Dòng cảm xúc mạnh mẽ này vang vọng trong lòng mỗi thính giả, khiến họ từ lặng lẽ rơi nước mắt trở thành khao khát đến vỡ òa, khiến họ từ im lặng lắng nghe trở thành vỗ tay vang dội như thể sóng thần và hò reo cuồng nhiệt.
Từng đợt vỗ tay vang lên không dứt trong quảng trường thành phố và Thánh vịnh Thính phòng, khiến Lucien phải cúi đầu chào khán thính giả hết lần này đến lần khác.
Quý tộc, thường dân và các thương nhân hầu hết mặt mũi đều vặn vẹo, nước mắt rưng rưng, tay vỗ nhiệt liệt như không hề biết đau. Họ dường như đang muốn gửi gắm nỗi nhớ quê hương và khao khát được về nhà cho Lucien!
Với vẻ mặt bình tĩnh, tràn đầy hoài niệm, Christopher trầm giọng nói với Othello, Victor và Natasha: “Ngài mai, tôi sẽ về thăm quê nhà.”
Dừng lại một thoáng, ông nói tiếp: “Đây là chương Adagio[note58088] cảm động nhất trong tất cả những bản giao hưởng mà tôi đã từng nghe. Nó đã khiến tôi quên đi hoàn toàn việc phải tập trung vào kết cấu của toàn bài…”
“Con người ta khi già đi thường hay nhớ quê nhà nhiều hơn.”
7 Bình luận