Liên Minh Tuổi 15
Masahiro Mita
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Liên minh tuổi mười lăm

Phần 3

1 Bình luận - Độ dài: 10,259 từ - Cập nhật:

Len lỏi qua trung tâm thành phố náo nhiệt, tôi hướng về phía nhà ga, mua một chiếc vé tàu và đi qua cổng soát vé. Tôi có thể thấy chiếc cầu vượt dẫn sang sân ga phía đối diện. Đôi chân tôi ngừng bước.

Có tiếng của đoàn tàu, đích đến là sân ga bên kia. Nếu bây giờ chạy lên cầu thang, có khả năng tôi sẽ đuổi kịp.

Tòa chung cư mười bốn tầng. Những cơn gió thổi qua dãy hành lang. Ngọn đồi thoai thoải và dãy núi đằng xa. Ngay khi bàn chân vừa kịp nhấc lên, một thứ mùi xông vào mũi tôi trong giây lát. Mùi thuốc sát trùng. Không khí nặng nề mà tôi đã cảm nhận lần đầu khi bước vào phòng chứa đồ của bệnh viện để mượn đầu đọc VCR tràn qua như những đợt sóng.

Chuyến tàu nhẹ nhàng dừng lại trên sân ga đối diện. Tôi thở nặng nhọc trong lúc nhìn về phía con tàu trắng với đường kẻ màu nâu nằm ngang trên thân.

Từ sân ga tôi bước lên xe buýt. Đây là tuyến không soát vé mà tôi vẫn hằng đi. Tôi cho cuống vé vào trong hộp thu vé đặt cạnh ghế lái và ngồi xuống một trong mấy chiếc ghế đơn.

Điểm dừng thứ năm là trạm xe nằm gần trung tâm y tế.

Trên xe không có nhiều hành khách, dưới bến cũng chẳng có mấy ai đang đợi lên, nên chiếc xe di chuyển rất nhanh trên tuyến đường của nó. Khi tới gần trung tâm y tế, tôi bấm nút dừng không chút do dự.

Mây vẫn bay đầy trời, song cơn mưa rả rích từ sáng đến giờ đã ngớt. Vẫn như lần trước, sắc đỏ của những bông xô thơm đang nhuộm thắm khoảng vườn trước sân. Khoảnh đất tơi xốp màu nâu đậm nhờ độ ẩm cao trông đến bắt mắt.

“Đến thăm Naomi lần nữa đi nhé?”

Tetsuya nói thế với tôi, nhưng kể từ đó tôi chưa ghé qua lần nào. Tất cả những gì tôi đã làm là quay lại trận bóng chày như cậu ta đã yêu cầu. Giữa tôi và cô ấy chẳng có lấy một mối liên kết. Mà dù có đến gặp, tôi nghĩ mình cũng không biết phải nói gì.

Nhưng hôm nay, linh tính mách bảo tôi sẽ làm được.

Tôi bước ra thang máy, khi qua trạm y tá thì thấy chị Izumi.

“Ôi chao! Hôm nay em đến một mình à?”

Đôi mắt chị ấy lấp láy khi hỏi.

Tôi bước dọc theo dãy hành lang dài, thẳng tắp. Hàng tá những cánh cửa y hệt nhau xếp dọc hai bên. Có thể đằng sau mỗi cánh cửa đều có một bệnh nhân đang nghỉ ngơi, chống chọi lại một chứng bệnh nào đó.

Tôi kiểm tra dòng chữ viết trên bảng tên đến hai lần rồi mới gõ cửa.

“Dạ?”

Một giọng nói tươi vui đến khó tin cất ra từ bên kia cánh cửa.

“A!”

Cô ấy thốt lên giống như mừng rỡ khi thấy tôi đến. Vẫn như lần trước, cô đang trùm chăn kín người và ngồi thẳng dậy trên giường. Trông cô ấy có vẻ vui, nên tạm thời bây giờ, tôi đã có thể thở phào.

“Mình vừa mới xem băng của cậu!”

Một cái đầu đọc VCR khác với cái đầu đọc trong kho bệnh viện đang được nối với cái ti vi để trên kệ. Trên màn hình là tôi đang chơi piano. Tôi đã không nhận ra tiếng nhạc Ravel văng vẳng bên tai trong lúc mở cửa.

“Ồ…”

Đó là điều duy nhất tôi có thể nghĩ ra để nói. Khi đang trên đường đến đây, tôi tưởng mình có điều gì để nói, nhưng giờ khi đã đứng trước mặt cô, tôi lại không biết phải nói gì. Đời nào tôi có thể tưởng tượng được là cô lại xem băng hình ghi lại cảnh tôi chơi đàn. Việc làm hết sức bất ngờ này của cô đã khiến tôi không thể nói lên lời trong giây lát.

Cô ngước về phía tôi với vẻ tinh quái như thể có phần thích được trông thấy tôi như vậy.

“Kìa, đừng có đứng như phỗng thế. Ngồi đi!”

Giọng điệu của cô nghe gần như ra lệnh chứ không phải mời. Tôi bèn ngồi xuống cái ghế gấp cạnh giường.

“Ba mình mua cái đầu VCR đấy. Nó là một món rẻ tiền được sản xuất tại Hồng Kông hay Đài Loan gì đó, nhưng vẫn hoạt động tốt nên mình cũng chẳng quan tâm.”

Tôi mới gặp cô ấy có hai lần, nhưng cô lại nói chuyện với tôi với vẻ vô tư như thể đã thân quen từ bé. Hoặc biết đâu chỉ là vì tính cô ấy cởi mở thôi, nhưng tôi vẫn không khỏi cảm thấy ở con người cô còn có một chút kiêu kỳ nữa.

Ánh mắt Naomi quay lại với màn ảnh nhỏ. Tôi cũng nhìn về phía cái ti vi. Chúng tôi ngồi xem trong lặng lẽ, lắng nghe giai điệu âm thanh cho đến khi bản nhạc kết thúc.

“Này, cậu bấm dừng ở đoạn này được không?”

Cô ấy nói vậy khi trận bóng chày vừa bắt đầu. Chiếc đầu VCR nằm ngay trong tầm tay để cô có thể dễ dàng với tới, nhưng bởi đã trùm một đống chăn lên người nên cô ấy không thể nhúc nhích.

“Cậu không định xem trận bóng à?”

Tôi đứng dậy và vươn người qua cái giường để ấn vào nút “tắt”; cuối cùng tôi cũng nói ra được một câu.

“Sao phải xem? Bóng chày là một trong mấy thứ mà khi biết kết quả rồi thì xem chán phèo.”

Giọng cô ấy tỏ rõ sự không hứng thú.

Cô ấy ngồi trước mặt tôi, quấn chăn kín mít. Đây là lần đầu tôi ở gần cô ấy như thế. Không biết có phải vì căn bệnh mà nước da trắng nhờ nhờ của cô ấy trông khô đến mức khó chịu. Mặc dù vậy, nó vẫn không thể lấy đi vẻ đẹp của hàng lông mày đen mượt, sự long lanh trong đôi mắt hay màu hồng đào của cặp môi; tất cả khiến cho tôi muốn được đứng thật gần để tiếp tục ngắm nhìn cô ấy.

“Âm nhạc tuyệt vời hơn nhiều, cho dù có nghe đi nghe lại, mình cũng không bao giờ thấy chán.”

Cô nói vậy và ngước về phía tôi. Một nụ cười thấp thoáng trên bờ môi cô ấy. Đôi mắt cô toát ra một vầng sáng sinh động hệt như một sinh vật ngoài tự nhiên, tràn đầy sức sống.

“Hôm nay trông cậu phấn chấn quá nhỉ.”

Tôi nói vậy và ngồi xuống cái ghế đặt cạnh giường. Ngay sau khi thốt ra những lời này, tôi mới thấy câu bình phẩm của mình thật quá thiếu suy nghĩ, nhưng tôi không thể nghĩ ra điều gì khác.

“Mình lúc nào chả phấn chấn; chẳng qua là bị mất cái chân thôi mà.”

Cô ấy nói vậy điềm nhiên như không. Tôi rùng cả mình. Nếu có Tetsuya, hẳn là cậu ta có thể biến câu nói này thành một câu chuyện cười… hoặc không thì sẽ có thể quở mắng cô ấy không nên nói ra những lời như vậy, nhưng tôi thì chỉ có thể ngồi đó.

Sự im lặng tiếp tục ngự trị.

Càng cảm thấy phải nói, những câu chữ càng tản ra và tan biến vào không khí.

Cô cứ đánh mắt sang phía tôi như thể đang thầm thích thú việc được trông thấy tôi hoảng loạn.

“Này,” đột nhiên cô bảo.

“Mình hơi mệt rồi, cậu giúp mình nằm xuống được không?”

Tôi vội vàng đứng dậy.

“Cậu chỉ cần đỡ đằng sau thôi, mình sẽ từ từ ngả lưng xuống.”

Cô rũ bỏ tấm chăn đang quấn quanh người và kéo nó xuống dưới chân. Hiện ra trước mắt tôi là bộ pyjama màu hồng. Tôi có thể thấy chiếc cổ để trần của cô, mang một màu trắng nhạt. Khi tiến gần đến giường, tôi ngửi được một mùi hương ngọt lịm thoáng qua. Tôi đứng cạnh cô ấy và giơ tay ra. Có cảm giác như tôi đang đỡ lấy một vật thật mỏng manh, đến mức khiến cho tay tôi run bắn. Tôi cảm nhận được lớp vải cốt-tông mềm khi cô ấy bắt đầu ngả ra sau. Tôi cảm nhận được hơi ấm và sức nặng đầy tin cậy. Cô gầy hơn tôi nghĩ, bởi tôi sờ thấy xương bả vai trong lúc đỡ cô ấy.

“Đúng rồi. Cậu làm tốt lắm.”

Do đã trông thấy Tetsuya giúp cô ấy nằm xuống lần trước, tôi cũng biết qua những việc tối thiểu mà mình cần làm. Sau khi đầu cô ấy đã nằm yên vị trên gối, tôi không thể nén lại tiếng thở phào.

“Cảm ơn cậu.”

Cô vừa nói vừa cười khúc khích. Mắt cô ánh cái vẻ tinh nghịch trong lúc ngước lên.

Tôi nhanh chóng lùi ra xa khỏi cái giường và trở về với chỗ ngồi của mình.

Naomi kéo chăn đắp lên ngực.

“Cậu biết không, cậu tốt bụng lắm đấy.”

Cô nói vậy trong lúc vuốt thẳng mấy nếp nhàu trên chăn.

“Cậu nghĩ thế sao?”

Tôi thận trọng đáp lại bởi không biết cô ấy sẽ nói thêm điều gì.

“Nhưng cậu cũng hơi nhạy cảm, có phải không?”

“Không biết nữa?”

“Đúng là vậy đấy. Mình thấy thế mà. Mình có thể đoán được hết cậu đang nghĩ gì.”

Thấy tôi không đáp lại, cô ấy nhìn chằm chằm về phía tôi mà bảo: “Cậu nghĩ mình là một con bé tội nghiệp nào đó, đúng chứ?”

Đôi môi cô nhoẻn thành một nụ cười, song không có một sự hóm hỉnh nào trong khóe mắt.

“Làm sao nào, cậu đến gặp mình là bởi vì cậu thương hại mình hả?”

Dường như cô đang muốn thử thách tôi bằng cách đưa ra câu hỏi này.

Tôi trả lời: “Không phải thế.”

“Thế cậu có ý gì?”

“Mình đến đây chỉ vì muốn gặp cậu thôi.”

“Phải vậy không? Hóa ra là cậu chẳng thấy thương mình một chút nào sao?”

Tôi ngần ngừ.

Đây là lần đầu trong đời tôi nói chuyện trực tiếp với một cô gái như thế này. Chỉ riêng việc đó đã đủ để khiến tôi thấy hồi hộp, nhưng thế này còn tệ hơn, bởi cô ấy sắc sảo hơn những đứa con gái bình thường nhiều.

Trong tình trạng luống cuống, chắc hẳn tôi đã để lộ ra cái vẻ rầu rĩ trên mặt, bởi cô ấy đột nhiên hạ giọng thì thầm, “Mình xin lỗi.”

“Đáng ra mình không nên hằn học với cậu như vậy.”

Ánh mắt cô ấy đã trìu mến hơn: “Cậu đúng là hiền lắm. Nếu mà là Tet thì chắc đã la lối om sòm rồi, cậu ta cứ thô bạo như vậy đấy.”

Cô nói câu này như đang tự nhủ với chính mình. Có lẽ bây giờ cô ấy đang nghĩ đến Tetsuya.

“Hanegi cũng tốt mà.”

Tôi thực lòng tin vào điều này nên đã nói ra những gì trong đầu.

“Thật ư? Một người như cậu ta thì có gì mà tốt?”

Cô phản bác. Dù làm ra vẻ như đang nghĩ điều ngược lại, nhưng mắt cô long lanh khi nói vậy. Trông giống như không có gì khiến cho cô ấy thích thú hơn là được trò chuyện về cậu ta.

“Cậu ta dễ xấu hổ nên hay ăn nói suồng sã để che dấu đấy thôi.”

“Cậu nghĩ vậy à?”

“Ừ, mình nghĩ vậy.”

Cô ấy nhún vai rồi bật cười.

“Mình đoán cậu là một người rất cẩn trọng trong việc đánh giá người khác nhỉ.”

Cô nhìn tôi chăm chú cùng một nụ cười nở trên môi. “Vậy nói mình nghe nào. Cậu có ấn tượng gì về mình?”

“Ý cậu là sao…”

“Mình trong mắt cậu có phải là một người tốt bụng không?”

Đầu óc tôi đã bớt căng thẳng sau một hồi nói chuyện, như thể tôi đã thoải mái hơn. Tôi trả lời: “Hanegi bảo rằng cậu có một ‘tính cách méo mó’.

“Mình đang hỏi cậu nghĩ gì cơ mà.”

“Mình cũng nghĩ vậy.”

“Ối trời!”

Cô ấy ra vẻ bĩu môi phồng má, nhưng trong đôi mắt đã ánh lên vẻ hân hoan. Khi thì giận, xong rồi lại vui ngay, biểu cảm trên gương mặt cô ấy liên tục thay đổi. Nhưng dù tâm trạng có ở trong trạng thái nào cũng đều đầy sức sống.

Tôi thực sự mừng vì đã đến đây ngày hôm nay.

“Hanegi nay không đến à?”

Sau khi dành một chút thời gian trò chuyện về trường lớp, tôi hỏi cô vậy.

Naomi trông thậm chí còn tươi tắn hơn nhiều khi nói về Tetsuya. Nhìn cô hạnh phúc như vậy cũng khiến tôi thấy vui lây.

“Cậu ta đến hôm qua rồi, nên hôm nay không đến đâu. Cậu ta cứ giả đò nói là ‘quá bận’.”

“Đáng ra là phải ngày nào cũng tới chứ.”

“Mặc kệ. Đằng nào nếu cậu ta ngày nào cũng vác mặt đến thì mình sẽ chán ngấy cho xem. Đằng nào thì ba mình có bảo là hôm nay sẽ qua.”

“Cha cậu á? Ấy, thế thì để mình về nhé?”

“Đừng, ở lại cho đến khi ba tới đi.”

Cô ấy không cho tôi về, nên tôi quyết định ở lại, nhưng chủ đề nói chuyện của cả hai đã cạn. Tôi thấy không thoải mái nếu cứ tiếp tục đem chủ đề trường lớp ra khi mà cô ấy không thể ra khỏi bệnh viện. Chắc hẳn cô ấy cũng muốn đi học ngay khi được phép.

Trong một thoáng, tôi tự hỏi sao mình lại tới đây. Ánh mắt tôi hướng về phía cửa sổ. Tôi có thể thấy bầu trời âm u nằm giữa hai tòa nhà. Tôi có thể nghe được tiếng ì ầm của những đoàn tàu ngoài xa. Nó khơi lại nỗi đau dày vò chọc thẳng vào tim tôi. Tâm trí tôi nhớ lại về con tàu dừng lại một lúc trên sân ga đối diện, về mùi thuốc khử trùng đặc trưng. Tôi thậm chí không còn nhớ mình muốn nói điều gì với cô ấy trước khi đến.

Tôi chìm vào với những suy tư của mình, không hay bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Một khoảnh khắc ngắn ngủi, hay đã mất một lúc lâu rồi không rõ, nhưng khi giật mình quay về với thực tại, tôi thấy Naomi đang ngó tôi chằm chằm.

“Này…” cô thì thầm khe khẽ.

“Cậu cũng có những ưu phiền riêng hả?”

Tôi không đáp; tim tôi đang dộng bình bình, khó mà thở được.

Phải hít một hơi sâu, tôi mới trả lời được: “Trông mình như có vấn đề gì sao?”

“Ừ, có đấy.” Cô mỉm cười.

“Cậu thật thà như vậy, nên nó hiện lên trên mặt cậu rõ như ban ngày.”

Cặp mắt sắc sảo của cô khiến cho một thứ gì đó tương đồng như nỗi sợ chạy qua huyết quản của tôi. Tôi có cảm giác như cô ấy có thể nhìn thấu hết từng phần của con người tôi vậy. Tôi lục lọi tâm trí, nhưng có những thứ tôi phải đối diện mà còn chưa hiểu được trọn vẹn được nó. Cô ấy đã cảm nhận được điều gì vậy?

Tôi không thể chịu nổi việc tiếp tục nhìn vào mắt cô ấy, nên một lần nữa tôi lại nhìn về phía cửa sổ. Và tôi lại nghe được tiếng ì ầm xa xăm của đoàn tàu.

Vẫn có những lúc tôi nghĩ, “vào lúc này, chết cũng không quá tệ.”

Những sợ hãi và nghi hoặc liên quan tới một hành động như thế bỗng biến mất, và cơ thể tôi bỗng nhiên nhẹ hẫng. Khung cửa sổ. Tay vịn cầu thang. Vạch trắng trên sân ga. Chỉ cần tiến thêm một bước nữa thôi.

“Vài năm trước có một cậu bé học lớp năm đã tự tử.”

Ngay cả đến tôi cũng không biết tại sao mình lại đột nhiên nói vậy với cô ấy, nhưng khi bừng tỉnh thì dòng chữ đã tuôn ra rồi.

“À, mình vẫn nhớ. Cậu bé đó đã nhảy xuống từ một chung cư cao tầng phải không nhỉ?”

Tôi nhìn cô ấy.

“Cậu có trí nhớ tốt đấy.”

“Cậu bé đó bằng tuổi mình mà.”

“Ừ, nhưng trẻ con tự tử cũng đâu phải là chuyện hiếm.”

“Có một lời nhắn tự tử… cậu bé đã viết vài chữ lên tường.”

“Mình đã đọc được lời nhắn đó trong một tuần san.”

“Ồ, mình chưa đọc bao giờ. Trong đó nói gì?”

“À… cũng chẳng có gì khác so với mấy lời nhắn thông thường.”

Tôi đáp bừa do cảm thấy nặng nề khi nghĩ đến cảnh phải giải thích nội dung của lời nhắn.

“Thế hả…”

Naomi cũng không dò hỏi cặn kẽ hơn.

Cuộc nói chuyện lại tắt lịm. Tôi đã nói ra một điều mà mình không nên nói. Giờ khi đã buông lời, không có cách nào để rút lại được nữa. Tôi đành nói thế này để tìm cách giải thích: “Vấn đề của mình cũng không phải to tát gì. Chỉ là thi thử mãi mà điểm phân loại học lực của mình vẫn không tăng được, có thế thôi. Cốt lõi của nó là vậy.”

“Vậy thì sao, cậu muốn kết liễu đời mình vì chuyện đó?” Cô điềm nhiên hỏi.

“Không, không phải vậy.”

Tôi cảm thấy như mình đang từ từ bị dồn vào chân tường. Vì muốn trút bỏ những cảm xúc mịt mùng, mông lung cuộn xoáy trong lòng nên tôi bắt đầu nói nhanh: “Mình không thể giải thích sao cho xuôi tai, nhưng đơn giản thì chắc là thế này: đi kèm với kết quả thi thử là một dãy danh sách các trường được liệt kê ra như những món ăn trên thực đơn nhà hàng. Khi điểm phân loại của cậu thấp, các trường mà cậu có thể lựa chọn cũng hạn chế hơn. Nhưng tớ nghĩ rằng phải có một cách để sống cuộc đời mình mà không cần phải dựa vào những món được kê ra trên cái thực đơn ấy.”

“Ví dụ như?”

“Chẳng hạn, hiện giờ tớ đang tính đến chuyện thi vào một nhạc viện. Ngoài ra còn có học viện mỹ thuật, các trường về nông nghiệp hoặc chăm sóc cây. Nấu ăn, cắt tóc, thủ thư, lập trình máy tính… có rất nhiều thứ mà người ta có thể làm. Họ có thể chọn học một trường chuyên hoặc đi làm luôn cũng được. Thậm chí còn có một lựa chọn là thi vào đại học. Tớ chỉ muốn nói là trong cái danh sách dài lê thê ấy, nếu có thêm ‘tự tử’ thì cũng chẳng sao cả.”

Cô ấy không có vẻ gì là hài lòng với lời giải thích của tôi. Cô thở khẽ một tiếng, nhìn ra nơi khác, rồi thở dài, “Thêm cả ‘nhập viện’ vào cái danh sách đó nữa nhé?”

Giọng cô run run trong lúc tiếp tục nói: “Một người khỏe mạnh không đời nào có thể hiểu nổi. Cái danh sách duy nhất mà mình được người ta đưa cho chỉ có: bệnh tật, bệnh tật và bệnh tật; chỉ có thế thôi. Mình thậm chí còn không có cái lựa chọn tự tử. Bởi vì nếu có, họ cũng sẽ nghĩ mình vì ốm đau mà làm vậy. Khi nhắc đến tự tử, sẽ chẳng có ai ngạc nhiên nếu nạn nhân không phải là một người khỏe mạnh.”

Dần dần cô ấy cũng bình tĩnh lại. Trong lúc nói, ánh mắt cô ấy dán chặt lên trần nhà: “Hồi còn học lớp năm, mình vẫn chưa bị bệnh. Hồi đó, mình cũng có cái lựa chọn tự tử như cậu; thế nên mình nhớ khoảng thời gian ấy rất rõ. Nhưng mặt khác, lúc ấy mình đang học một trường tư thục tự động chuyển cấp, đến năm cuối không cần thi cử gì, nên tất cả mọi người trong lớp bao gồm cả mình đều cực kỳ vô tư. Không đời nào bọn mình có thể hiểu nổi những gì đang diễn ra trong đầu của một cậu bé vừa mới tự tử. Khi nghe tin, mình chỉ hơi bất ngờ chút thôi. Mình nghĩ rằng thế giới đó khác hoàn toàn so với thế giới của mình, thế đấy.”

Cô ngước mắt xuống và nhìn tôi. Sự tĩnh lặng tưởng như sờ thấy được bao trùm căn phòng.

“Cậu có thể tưởng tượng nổi mình là người như thế nào khi còn học tiểu học không? Mình thực lòng không muốn nhắc đến, vì kể lại chỉ khiến mình thấy sầu khổ buồn bã, nhưng cậu biết không, hồi đó tương lai mình tươi sáng lắm. Học lực của mình rất khá, mình đang học ba lê, thậm chí còn tập tành theo học một chút thể dục nhịp điệu nữa. Vào đến cấp ba, mình dự định sẽ viết một câu chuyện cho các bé gái… quá nhiều ước mơ như vậy. Có một danh sách dài vô tận những điều mà mình muốn làm. Và có một điều cuối cùng trong danh sách đó mà mình dự định sẽ thực hiện nếu những giấc mơ kia không thành, đó là…”

Cô nhăn mũi và cười khúc khích khoái chí:

“…làm vợ của Tet.”

Dù vẫn đang cười, nhưng nước mắt đã bắt đầu xuất hiện trên khóe mắt cô.

“Nhưng với cái cơ thể này, mình thậm chí còn chẳng thể biến kế hoạch đó thành hiện thực được nữa.”

Nhắm mắt lại, cô nói: “Mình không thể không thấy đố kỵ với những người vẫn còn có tương lai. Họ không hiểu được họ may mắn đến mức nào khi có thể tính đến những chuyện như tự tử.”

Nói xong, cô quay sang phía tôi. Cặp mắt to tròn đẫm nước mắt cứ nhìn tôi chằm chằm. Tôi nhận ra rằng không có từ ngữ nào có thể phản bác lại điều mà cô ấy vừa nói.

Cánh cửa bỗng mở ra.

Một người đàn ông có chân tóc đang thưa dần nhưng lại sở hữu khuôn mặt như con nít ngó vào căn phòng. Tôi ngay lập tức nhận ra đó là cha của Naomi.

“Ủa? Hôm nay không phải bạn Hanegi à?”

“Chào bác,” tôi cúi đầu chào. Tôi biết mình nên cân nhắc hơn về lời chào hỏi của mình song không thể nghĩ ra ngay lập tức điều gì khác để nói.

“Bạn ấy tên là Kitazawa,” cô ấy giới thiệu.

Cha cô ấy mỉm cười quay sang, trông bác khá hiền. Bác có lẽ nhiều hơn cha tôi vài tuổi, nhưng nụ cười của bác vẫn còn trẻ trung.

“Ba không biết con còn có một bạn trai khác ngoài Hanegi đấy.”

“Ba biết không, bạn Kitazawa là nhạc công piano đấy.”

“Thế hả?”

Mắt bác trai nhìn tôi tròn xoe. Tôi tự động quay mặt đi.

“Cậu ấy xấu hổ tí thôi,” cô ấy chêm vào.

“Ba mình là nhà hóa học đấy.”

Lần này thì đến lượt cha cô ấy xấu hổ.

“Bác chỉ là một nhà nghiên cứu cho một công ty sản xuất đồ điện tử. Một doanh nhân bình thường ấy mà.”

Mặt bác ửng đỏ hết cả, bác có vẻ là một người chất phác.

Và thế là, tôi ở lại nói chuyện với cha cô ấy. Bác trình bày tỉ mỉ những nghiên cứu của bác cho tôi nghe. Cha Naomi là chuyên gia hóa học ứng dụng và bác cho tôi biết rằng bác đang nghiên cứu về các loại hợp chất organosilicon. Lĩnh vực này nghe khá phức tạp, nhưng bác không nói chuyện với tôi như thể tôi là một đứa trẻ; bác kiên nhẫn giảng giải về chi tiết công việc và tôi cũng thích được nghe bác nói. Đây là lần đầu tôi có một cuộc nói chuyện như vậy với người lớn.

Tôi không khỏi nghĩ rằng Naomi có một người cha tuyệt vời. Bác tốt bụng, vui tính và thông minh. Rất có khả năng tính cách này của bác đã được truyền cho con gái. Tôi thấy tâm trạng mình đã khá hơn một chút. Nếu không phải vì điều gì khác thì tôi cũng mừng là đã đến đây để có cơ hội gặp gỡ với một người như bác ấy.

Đến khi tôi ra về thì cũng đã gần tới giờ ăn tối.

Mẹ tôi đang đứng trong bếp nấu nướng, sau khi đã kết thúc giờ dạy.

“Đi đâu mà giờ này mới về?”

Lúc nào mẹ tôi nói chuyện người ta cũng sẽ nghĩ là mẹ đang bực. Cho đến giờ, tôi vẫn không thể phân biệt khi nào thì tính khí mẹ bình thường, khi nào thì mẹ giận thật.

“À, con đi ra ngoài.”

“Ra ngoài là đi đâu? Mày có nhớ là mày đang phải chuẩn bị thi cử rồi không? Lang thang ở đâu đến giờ?”

“Có phải là con lêu lổng ở đâu đâu.”

“Rồi, thế thì nói xem mày đã ở đâu suốt từ bấy đến giờ xem nào. Hay là mày không thể nói ra cái chỗ đấy?”

“Chẳng có việc gì phải nói với mẹ cả. Mẹ không cần phải nhúng mũi vào.”

“Gì thế hả ranh con! Ăn nói với mẹ mày thế hả!”

Mẹ tóm lấy tay tôi khi tôi đang cố đi lên cầu thang. Là một người đã quen với phím đàn, nên nắm tay của mẹ rất chắc chắn. Xét về thể chất và ý chí, tôi không có cách nào đọ lại với mẹ.

“Mẹ đang làm đau con đấy!” tôi la lên.

“Có chuyện gì vậy? Sao ồn ào thế?”

Tôi nghe thấy tiếng cha vang lên từ phòng khách. Tôi không hề biết là cha đang ở nhà. Cha tôi đang nằm ngả người trên cái ghế mây so, bên cạnh là lon bia. Cha tôi trông như thể vừa mới bước ra khỏi nhà tắm, vẫn mặc trên người cái áo choàng bông trên người.

“Nào nào, đừng dùng bạo lực.”

Ổng nói bằng giọng uể oải.

“Ông đừng có mà xen vào. Chuyện trong nhà thì ông ngồi ngoài cho tôi nhờ.”

“Ờ, thì…”

Có vẻ lần này là giận thật rồi. Trong tình huống như thế này, cha tôi cũng chẳng làm gì được. Cha tôi vẫn hay chùn bước mỗi khi lâm vào thế kẹt, và cũng tại hiếm khi có mặt ở nhà, nên chẳng mấy lúc cha dám ho he phản đối lại mẹ tôi.

Cha tôi là người đứng đầu một công ty chuyên sản xuất tiểu thuyết khổ nhỏ bỏ túi. Mặc dù là giám đốc trên danh nghĩa, nhưng công ty chỉ có một vài nhân viên, và họ chỉ nhận các hợp đồng thuê khoán mà mấy công ty xuất bản lớn giao cho làm. Mặc dù vậy, họ đã liên tục cho ra những tác phẩm ăn khách vào mấy năm gần đây nên nghe nói việc làm ăn đang phát đạt lắm. Công việc bận rộn như vậy, cũng chẳng trách mà có rất nhiều ngày cha tôi sẽ ở lại văn phòng qua đêm. Ngay cả vào chủ nhật, hiếm khi nào cha tôi ở nhà.

“Ngồi xuống kia đi xem nào.”

Mẹ tiếp tục giữ chắc cánh tay của tôi trong lúc lôi xềnh xệch tôi vào phòng khách. Cha tôi lặng lẽ quan sát cảnh tượng đang diễn ra trước mắt.

“Tranh thủ lúc cha mày ở nhà, đây là lúc thích hợp nhất để nói về tương lai của mày.”

“Ý hay đấy.”

Cha tôi nói vậy với cái giọng tưng tửng thường lệ.

Mẹ tôi thiếu điều ấn tôi xuống cái ghế sô pha.

“Mày giấu kết quả thi thử trong ngăn bàn phải không?”

“Có phải là con giấu đâu.”

“Thế sao lại không đưa cho tao xem?”

“Bởi vì không cần, đây là chuyện của con. Bên cạnh đó, xin mẹ đừng có tự tiện đi vào phòng con.”

Cha tôi đột ngột cắt lời: “Ăn nói kiểu gì đấy! Mày nghĩ nhà này là của ai? Là nhà của tao. Không có cái gì gọi là ‘phòng của mày’ đâu.”

Lời lẽ của ổng nặng nề, nhưng tôi biết rằng cha tôi hiếm khi nào nổi giận nên nhờ đó cũng yên tâm hơn phần nào. Tôi đáp trả, “Con cái cũng có quyền riêng tư. Bọn con không phải là đầy tớ.”

“Ừ, cũng phải.”

Dường như cha tôi đã bị thuyết phục bởi ổng bỗng nhiên hạ giọng. Thay vào đó mẹ tôi còn to tiếng hơn trước: “Ông tránh ra chỗ khác!”

Cơn giận của mẹ tôi chẳng có dấu hiệu gì là sẽ dịu đi. Một khi đã nổi cơn như thế này, chẳng ai có thể khiến mẹ tôi nghe ra lý lẽ. Mẹ điên tiết cái chuyện tôi đã làm mẹ bực mình đến mức giờ tôi có nói gì cũng vô ích.

“Cha.”

Tôi biết đây là một cách tương đối xảo trá để giải quyết mọi chuyện, nhưng tôi vẫn quyết định đưa cha ra làm lá chắn. Tôi trưng ra một bộ mặt nghiêm túc và nói với cha: “Con có điều cần bàn với cha – một mình.”

Tôi biết rất rõ cha tôi hay mủi lòng nếu dùng cách này.

“Ồ!” Cha tôi thốt lên, mặt mũi đăm chiêu hơn hẳn.

“Thế hả? Được, đã hiểu.”

Ngay lúc cha tôi nói vậy, mẹ tôi rít lên: “Mày đừng có mà tìm cách lủi khỏi chuyện này! Tao đang hỏi mày đấy, cái thằng này! Sao mày lại không nói được với tao?”

Mẹ tôi mặt đang hằm hằm, nhưng cha tôi bỗng nói bằng một giọng điệu quyết liệt mà hiếm khi nào thấy cha tôi dùng: “Chờ chút đã nào. Ryoichi bảo nó muốn nói chuyện với anh một mình, nên chuyện này để anh lo, được chứ?”

“Ông đang cố ra cái vẻ gì đấy? Năm thì mười họa mới có mặt ở nhà, đừng có cái kiểu khi nào thấy tiện thì mới cư xử như một người cha! Ông lúc nào cũng bận túi bụi vào công việc, bao nhiêu việc nhà thì đổ hết lên đầu tôi! Tôi cũng phải làm việc chứ!”

“Này, cái đó là việc giữa tôi và cô – đừng có mang ra mà nói trước mặt con cái.”

Chuyện đã biến thành một cuộc cãi nhau to giữa cha mẹ của tôi. Mặc dù tôi có lợi khi chủ đề cãi vã đã không còn liên quan đến mình, nhưng phải ở gần trung tâm cuộc đấu khẩu này cũng chẳng khá hơn là bao.

“Dù sao đi nữa, sẽ tốt hơn nếu để tôi và nó nói chuyện với nhau, đàn ông với đàn ông.”

Cha tôi thích dùng từ “đàn ông”. Có lẽ bởi vì ổng thích xem phim yakuza của Nhật. Hiếm khi nào cha tôi to tiếng với mẹ, nhưng thi thoảng có thứ sẽ khiến cha tôi nổi cơn.

Mẹ tôi liếc về phía đồng hồ. Chắc mẹ tôi vẫn còn điều muốn nói, nhưng học sinh lớp buổi tối của mẹ sắp sửa đến, nên mẹ tôi phải chuẩn bị và ăn xong bữa tối cho kịp.

Như thể chỉ chờ có thế, Kousuke bước xuống cầu thang.

“Có bữa tối chưa mẹ?”

Kousuke, đứa học sinh mẫu mực, là tâm điểm chú ý của gia đình này.

Lời nói của nó giải quyết mọi chuyện, và tôi đã có dịp chuồn khỏi buổi hỏi cung của mẹ.

Không biết từ khi nào tôi đã gọi cha tôi là “cha.”

Trước đây rất lâu, tôi vẫn dùng “ba” để gọi cha mình.

Từ cái thời xa xưa trước cả khi tôi vào học mẫu giáo, “ba” thường dành mọi lúc ở nhà. Mặc dù trí nhớ đã không còn rõ nét, tôi vẫn còn lờ mờ nhớ cảnh cha tôi lười biếng nằm nhà cả ngày. Cũng có khi là cha đã soạn một vài bản thảo trong lúc tôi ngủ. Dù sao thì, khi nào tôi thức, cha cũng luôn ở đó để chơi với tôi.

Hồi ấy cha tôi còn đang thất nghiệp. Tôi không rõ cha tôi bị đuổi khỏi công ty xuất bản đang làm hay bỏ việc, nhưng trong một thời gian, cha tôi không tìm được một công việc nào khác. Nhà ông bà ngoại tôi ở gần đó. Mẹ tôi dạy piano ở nhà ông bà, mình mẹ gánh vác tài chính cho cả gia đình. Ngôi nhà chúng tôi sống hồi ấy là một căn hộ nhỏ bằng gỗ, nên trong nhà không có piano. Bà ngoại tôi đang chăm Kousuke lúc đó vừa mới sinh, nên đến buổi chiều, trong nhà sẽ chỉ có tôi và cha tôi.

Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ chắc vì cha tôi đã uống rượu trong buổi chiều nên lúc nào ông cũng vui vẻ và phấn chấn như thế.

Nhưng chẳng bao lâu sau cha tôi bắt đầu bận rộn với công việc. Cha tôi trở thành một cây viết chìm, đi phỏng vấn vận động viên chuyên nghiệp hoặc người nổi tiếng và xuất bản sách dưới tên của họ. Cha tôi lập ra một công ty xuất bản, đặt trụ sở tại một khu văn phòng trong thành phố, và dành hàng đêm ở đó để làm việc. Kể từ thời điểm đó, tâm trạng của ông đảo chiều, trở nên rầu rĩ.

Cha tôi bắt đầu chỉ nói về việc đã bán được bao nhiêu cuốn sách. Khi Kousuke đang học để thi vào cấp hai, bằng cách nào đó cha tôi đã dành ra được thời gian để về nhà mỗi chủ nhật giúp nó học bài; có lẽ cha tôi đã tìm ra niềm vui ở việc theo dõi mức điểm phân loại của con mình tăng lên.

Song không phải lúc nào cha tôi cũng vậy.

Hồi chỉ có hai cha con trong nhà, cha tôi thường kể với tôi rất nhiều điều. Cha tôi kể về những câu chuyện trẻ con quái gở mà ổng tự viết ra, cùng những câu chuyện chế theo cổ tích nổi tiếng.

Tôi đã lãng quên hầu hết, nhưng vẫn còn những câu chuyện mà đến giờ tôi vẫn nhớ.

Một trong số đó là “Câu chuyện về sợi tơ nhện.”

Ngày xửa ngày xưa, Đức Phật thả xuống một sợi tơ nhện từ thiên đình cho một người đàn ông đang bị đày đọa dưới địa ngục. Người đàn ông không do dự nắm lấy sợi tơ và bắt đầu trèo lên. Ngay trước khi ông ta đến được thiên đình, Đức Phật cắt sợi tơ và ngắm nhìn người đàn ông rơi trở xuống đáy địa ngục.

Cha tôi bật cười nói rằng, “Thế mới vui chứ lại!”

Có những câu chuyện tôi không hiểu nổi có gì là thú vị. Phần lớn thời gian, cha tôi cười ầm lên trước khi kể đến phần buồn cười, nên tôi hiếm khi nào cười nổi. Nhưng tôi vẫn lấy làm vui về chuyện cha tôi có được niềm vui từ việc kể lại những câu chuyện đó.

Thi thoảng, cha còn dẫn tôi đi bộ ra công viên gần nhà. Công viên đó có một cái hồ rất to và vài chiếc thuyền chèo. Ban đầu cha sẽ ngắm tôi chơi xích đu và cầu trượt, nhưng dần dần ánh mắt cha sẽ chuyển dần sang phía cái hồ. Nhưng cha tôi không quan tâm đến cái hồ, mà đúng hơn là một thứ gì đó xa xăm hơn. Trông như thể cha đang nhìn về phía cuối chân trời, đến mức tôi gần như thấy tội nghiệp cho cha mình; nhưng tôi cũng yêu quý chính phần này ở cha.

Sau bữa tối chỉ còn lại cha và tôi. Tiếng lớp học piano vang lên dưới cầu thang, và trên tầng hai, tôi có thể nghe thấy tiếng vọng của nhạc Mahler. Cộng hưởng cùng tất cả là tiếng rì rầm của máy rửa chén trong bếp.

“Thế…” cha tôi ngập ngừng. Do chúng tôi ít khi nói chuyện riêng, nên cha tôi trông có vẻ hơi chần chừ.

“Mày muốn nói về chuyện gì thế?”

Đến lúc được cha tôi hỏi thẳng điều đó, tôi lại không thấy có điều gì cần kíp phải nói với cha. Nếu đây là người cha mà tôi biết khi còn nhỏ, có lẽ chuyện đã khác, nhưng tôi không có gì để nói với con người mà cha tôi đã trở thành.

Nhưng tôi cũng không thể phủi bỏ chuyện này được. Dù sao thì thế này vẫn tốt hơn ngàn lần so với việc phải đối mặt với mẹ.

“Con là con cả…”

Tôi ngừng lại ở đó để xem xét phản ứng của cha. Vẻ mặt của ổng cho biết rằng cha tôi vẫn đang thắc mắc tôi sẽ nói gì.

“…nhưng không có nghĩa là con sẽ phải tiếp quản công ty của cha đúng không?”

Tôi cố tỏ ra vẻ bình thản, vô tư khi nói vậy.

“Tất nhiên, có phải tao đang mở cửa hiệu đâu.”

“Vậy thì con có thể tự quyết định sau này làm gì chứ?”

“Ừ, phải. Tao nghĩ vậy.”

Ổng liếc xéo về phía tôi.

“Nhưng mày mới chỉ…”

Vẻ mặt cha tôi bỗng trở nên đắn đo.

“Mày mấy tuổi rồi nhỉ?”

“Con mười bốn.”

“Ờ, đúng rồi. Mày mới chỉ mười bốn.”

Cha tôi gật đầu một cách dứt khoát.

“Mười bốn tuổi thì biết gì được chứ?”

Tôi không đáp.

Cha tôi gật đầu thêm lần nữa như muốn khẳng định điều vừa rồi.

“Mày có thể tự mình quyết định sẽ làm gì với cuộc đời của mày. Nhưng chỉ sau khi mày tròn hai mươi tuổi thôi. Từ giờ tới đó, cố mà học hành chăm chỉ, xong vào đại học, sao cho mày có thật nhiều lựa chọn.”

Phải nghe một thứ quan điểm sáo rỗng nhan nhản như vậy chẳng dẫn đến đâu cả. Cha tôi còn chưa chắc đã nắm được tình trạng thi vào cấp ba hiện giờ. Nó không giống như chuyện thi đầu vào ở các trường tư thục nơi mà các học sinh mẫu mực so kè từng đứa với nhau, cũng chẳng như bọn học sinh tiểu học đi học thêm để làm theo mong muốn của cha mẹ. Phân nửa bọn học sinh cấp hai khi đến lớp chín đã đủ lớn để nghiêm túc cân nhắc về tương lai rồi. Tôi không muốn sống một cuộc đời đi làm đầu tắt mặt tối và chỉ nghĩ đến tiền.

“Mày không cần lo đến chuyện điểm số. Chỉ cần nỗ lực hết mình kể từ bây giờ là được”

“Vâng, con hiểu rồi.” tôi đáp.

Tôi còn chẳng buồn mà tranh luận với cha. Chẳng có một ai để tôi có thể nói thẳng lòng mình về vấn đề này. Cuộc nói chuyện này cũng không còn cần thiết với tôi nữa.

Chỉ còn sự im lặng.

Tiếng dương cầm, nhạc Mahler và tiếng máy rửa bát cắt qua căn phòng.

“Hiểu thật không?”

Vì tôi không nói gì, cha tôi nhấn mạnh vào từng chữ để tỏ ý nghi ngờ.

“Con hiểu.”

Tôi đang đi về phía phòng nhạc sau bữa trưa thì Tetsuya bỗng nhiên xuất hiện.

“Ê,” cậu ta nói, “Thấy bảo ông đã đến thăm Naomi vào chủ nhật hả?”

Tôi gật đầu.

“Thế thì, ông đi thăm thêm lần nữa có được không?”

“Được,” tôi đáp. Tôi nghĩ cuộc trò chuyện đến đây là hết, nên dợm bước về hướng phòng nhạc, nhưng cậu ta đứng ngay giữa đường để chặn tôi lại.

“Ông bạn thật sự là kỳ quái đấy, biết không hả?”

“Ông đang nói về chuyện gì vậy?”

“Tôi thấy bảo ông bàn với Naomi về chuyện tự tử. Ai đầu óc bình thường lại đi tới bệnh viện thăm người ốm để lôi chuyện như thế ra nói chứ?”

Cậu ta nói có lý.

“Đúng là vậy. Đáng ra tôi không nên nói ra chuyện đó.”

“Thôi, kệ đi. Naomi rất vui khi thấy ông đến, đó mới là điều quan trọng. Đầu óc nó cũng chập mạch đấy thôi.”

Gương mặt của Naomi hiện lên trong tâm trí tôi. Những giọt lệ đọng trên khóe mi khi cặp mắt ấy nhìn về phía tôi không chút nao núng. Một sự tĩnh lặng trong suốt hòa vào cùng với hình bóng của cô ấy…

Tôi hỏi: “Hôm nay ông có đi thăm bạn ấy không?”

“Có. Muốn đi cùng không?”

“Được.”

Thấy tôi đồng ý, một thoáng vui mừng bất chợt bừng lên trên khuôn mặt cậu ta.

“Có thế chứ, đi nhé!”

Chúng tôi hẹn gặp nhau trước cửa lớp rồi đi đến bến xe buýt.

Cũng bởi Tetsuya cực kỳ nổi tiếng quanh trường, nên bọn con gái đều quay lại nhìn; thậm chí còn có người cất tiếng chào cậu ta. Mỗi lần như vậy, cậu ta đều “Chào!” bằng một giọng hớn hở, vô tư. Âu cũng là một phần trong cái duyên của cậu ta. Cũng có mấy đứa con gái chỉ đứng nhìn từ xa mà không nói gì. Nhưng họ không chỉ nhìn mỗi cậu ta – mà còn ngó tôi chằm chằm, bởi tôi đang đi bên cạnh. Khung cảnh hiếm có này gợi cho họ sự tò mò; cũng phải nói thật là chuyện này có hơi kỳ quặc.

Chúng tôi không nói năng nhiều trên đường đi, chuyến buýt cũng đến rất sớm sau khi cả hai tới được bến. Ở trạm dừng này chỉ có duy nhất hai chúng tôi lên xe.

Chúng tôi tìm được ghế trống ở cuối xe và ngồi xuống. Lúc đó Tetsuya bắt đầu kể, “Hồi bọn tôi còn học mẫu giáo ấy, Naomi cao hơn cả tôi nên hồi đó tôi không dám hó hé gì với nó cả. Thậm chí nó còn là thủ lĩnh của bọn trẻ trong xóm. Từ khi vào học tư thục tiểu học thì nó đã ra cái vẻ nữ nhi hơn, nhưng kể cả đến bây giờ vẫn rất cứng cỏi. Ông nghĩ sao về Naomi?”

Cậu ta đã hỏi tôi chính câu hỏi này trước đây. Tôi tự hỏi hồi đó mình đã trả lời ra sao.

“Ý ông là…”

“Nó có làm ông thấy khó chịu không?”

“Không đâu.”

“Hở, thật thế hả? Ừ thì, nó cũng tốt mà. Chẳng qua là cái căn bệnh đang khiến nó giở chứng thôi.”

Tôi có cảm giác tông giọng cậu ta có hơi cao hơn bình thường. Trên xe có những hành khách khác, song cậu ta không nề hà gì tới họ và tiếp tục nói: “Hồi bọn tôi còn là trẻ con, Naomi từng học chơi piano. Tôi dám chắc là nó không nói ra với ông chứ gì? Nó bắt tôi đi tới một vài buổi độc tấu của nó, nhưng phải nói thật là Naomi không được giỏi lắm. Thế nên không lâu sau nó bỏ chơi. Có lẽ nó thấy hơi ghen tỵ khi nghe ông chơi đàn.”

Trái ngược hoàn toàn với giọng điệu tươi vui của cậu ta, tâm trạng của tôi càng ngày càng u ám. Tôi không biết gì về Naomi. Tôi không thể so được với Tetsuya. Không có cách nào để xoay ngược kim đồng hồ lại cả.

Làn sương mù tan biến dưới những chùm nắng hè chiếu sáng lên khoảnh vườn trước bệnh viện. Mấy khóm hoa xác pháo nằm phơi dưới nắng, đỏ như lửa.

Tetsuya xuống xe trước và đi tới bệnh viện.

“Hôm nay bà có hai người đến thăm nhé,” cậu ta nói.

Naomi ngẩng đầu lên và nhìn về phía chúng tôi. Cô ấy không thể nào không nhìn thấy tôi được, nhưng mắt cô ấy chỉ tập trung vào Tetsuya trong lúc nói chuyện với cậu ta. Cách cư xử của cô ấy ngượng nghịu một cách kỳ lạ. Tôi đã trông mong sẽ được nồng nhiệt chào đón, nên thế này giống như bị một xô nước lạnh chụp lên đầu.

“Đỡ tôi dậy đi,” cô nói nhỏ. Tetsuya đi vòng qua giường tới bên cạnh và đỡ lưng cô ấy. Tôi đứng nhìn từ một khoảng xa xa.

Lần gần nhất, người đỡ lưng cho cô ấy là tôi. Hai tay tôi vẫn còn ghi nhớ cảm giác của lớp vải pyjama mềm mại và hơi ấm dễ chịu.

Nhưng giờ, cô ấy đã có Tetsuya.

“Không tự mình dậy được sao?”

Tetsuya nói có phần hơi gay gắt.

Cô vuốt ngược lại mớ tóc phủ xuống trước trán trong lúc đáp lại, “có người ở đây để nhờ thì không dễ hơn à.”

“Nếu bà mà không cố gắng mà phục hồi chức năng thì làm sao mà sống một mình được.”

“Chẳng quan trọng nữa đâu.”

“Cái gì mà chẳng quan trọng?”

“Phục hồi chức năng để mà làm gì chứ?”

“Đồ ngốc!”

Cậu ta giơ tay lên, khiến tôi thoáng chốc giật mình, tưởng đâu cậu ta định đánh cô ấy. Nhưng rồi cậu ta hạ tay xuống và búng một cái nhẹ lên trán cô ấy bằng ngón tay trỏ.

Naomi nhắm mắt lại và quay mặt đi; trông như có tâm trạng cực xấu.

Cô ấy không nhìn lấy một cái về phía tôi. Có lẽ tôi nên là người khơi mào câu chuyện, nhưng lại không biết nói gì. Căn phòng chìm trong sự gượng gạo.

Tetsuya lấy ra chiếc ghế gấp gần đó và ngồi xuống bên cạnh tôi. Naomi vẫn tiếp tục nhìn mỗi mình cậu ta. Tetsuya cũng vậy, cậu ta tiếp tục nói chuyện với cô ấy mà không nhìn sang tôi. Đã rủ tôi tới đây, đáng ra cậu ta cũng nên cố giúp tôi tham gia vào trò chuyện, nhưng trông cậu ta khá là lạ, không giống như thường ngày. Nhìn qua, tưởng chừng đây là một người cởi mở, nhưng sâu trong lòng cậu ta là một người rất nhạy cảm. Có lẽ cậu ta cảm nhận được rằng Naomi đang cố tránh mặt tôi.

Cả hai trò chuyện về tuổi thơ của họ. Dường như họ đang cố tình chọn những chủ đề mà tôi không thể tham gia vào. Hoặc cũng có thể Tetsuya đã lái câu chuyện sang hướng đó bởi cậu ta nghĩ rằng nếu không thì Naomi sẽ càng sưng sỉa hơn. Không lâu sau, cô ấy đã bắt đầu thoải mái hơn trông thấy và thậm chí đôi khi còn thoáng nở một nụ cười. Tôi ngồi im lắng nghe câu chuyện của họ. Tôi vẫn chưa thốt ra một lời nào kể từ khi bước chân vào đây.

Có cảm giác như một thời gian dài đã trôi qua cho đến khi cô ấy bất ngờ quay sang chỗ tôi. Trông như thể cô ấy muốn nói gì đó, nhưng mau chóng kìm lại lời rồi đưa mắt đi với vẻ lúng túng.

“Hai cậu có thân nhau không?”

Tôi không rõ là cô ấy đang hỏi Tetsuya hay tôi.

“À!”

Rồi lại im lặng. Có vẻ như cậu ta cũng không thể nghĩ ngay ra được điều gì để nói.

“À thì… bọn tôi quen nhau cũng chưa được lâu lắm… nhưng cũng hợp nhau đấy chứ?”

Cậu ta vội vàng cao giọng và liếc sang hòng tìm kiếm sự đồng thuận của tôi.

Tôi tiếp tục giữ im lặng.

“Này…”

Sau một hồi dài không nói, cô mở miệng, mắt vẫn nhìn ra nơi khác, “Mình sắp mười lăm tuổi rồi.”

Rõ ràng là cô ấy đang nói chuyện với tôi vì Tetsuya đã biết thừa ngày sinh nhật của cô ấy mà không cần phải nhắc.

“Mình có chuyện này muốn nhờ cậu…”

Tôi trả lời, “Chuyện gì cũng được.”

Cô ngẩng đầu lên nhìn tôi.

“Thật không? Cảm ơn nhé.”

Tetsuya chen ngang, “Ấy, ông không định hỏi đó là chuyện gì trước khi đồng ý sao?”

Cậu ta nói với cái giọng vui vẻ và hơi bông đùa. Không khí trong phòng tươi tỉnh hơn trong chốc lát. Naomi cũng nhoẻn cười, song nụ cười đó nhanh chóng tắt lịm. Cô ấy quay về phía Tetsuya với cái nhìn dè dặt. Tôi chột dạ. Gương mặt Tetsuya trông cũng y như cô ấy. Dường như biểu cảm của cậu ta đã thay đổi bởi những chuyển biến trong cách cư xử của Naomi, hoặc cũng có khi là ngược lại.

“Tự đi mà nói.”

Tetsuya nói thế bằng một giọng nghe khó chịu mà hiếm khi nào cậu ta dùng.

Cô ấy vẫn im lặng, chừng như e sợ.

Tetsuya bắt đầu nói một lèo như thể cậu ta không thể kìm nén nỗi sốt ruột được nữa, “Kitazawa, ông có thể chơi piano vào ngày sinh nhật của Naomi được không? Trong phòng sinh hoạt chung ở đây có một cái piano.”

“Được thôi,” tôi sẵn lòng đồng ý.

“Cảm ơn cậu.”

Naomi nói nhỏ. Tâm trạng cô ấy vẫn cứ rầu rĩ như thế.

“Này, tươi tỉnh lên xem nào. Cậu ta bảo là sẽ chơi rồi còn gì?”

Giọng của Tetsuya thiếu đi cái sự hớn hở thường lệ.

Tôi thấy không thoải mái khi ở đây. Tôi thấy mình đang xen vào giữa họ; cảm giác ngượng nghịu lưng lửng này chắc hẳn là vì thế. Naomi chắc cũng chỉ muốn được nghe tôi chơi đàn, không có ý gì sâu xa hơn. Nhưng vì có Tetsuya nên cô ấy không dám nói, và phải hỏi vòng qua cậu ta. Giá như tôi chưa từng có mặt ở đây, điều này sẽ không bao giờ xảy ra.

“Tet ơi, hôm nay nóng thật đấy.”

Naomi nói vậy theo một cách hồ hởi thái quá, giống như cô ấy không thể chịu đựng nổi sự im lặng này thêm một chút nào nữa.

“Tôi toát mồ hôi nhiều quá rồi. Ông giúp tôi thay pyjama nhé?”

Tetsuya lặng lẽ lườm Naomi với vẻ cáu kỉnh. Cô ấy phớt lờ điều này và cư xử như chẳng hề để ý thấy, đoạn quay sang tôi và nói bằng giọng yêu cầu gần đến mức ngạo mạn: “Kitazawa, phiền cậu lánh đi đâu đó một lúc được không?”

Tôi nhổm dậy và nhanh chóng chuồn khỏi phòng.

Trong hành lang không có bóng người. Suốt cho đến cuối dãy, tôi có thể trông thấy những cánh cửa giống y chang nhau xếp dọc hai bên. Một làn gió ẩm vuốt qua mặt tôi. Tôi có thể nghe thấy tiếng radio khe khẽ. Một chương trình vô tuyến sóng ngắn về tình hình chứng khoán. Một danh sách bất tận những chữ cái - chắc hẳn là tên viết tắt của các công ty - cùng với tỷ giá đi cùng cứ thế vang lên đều đều.

Khoảng năm phút sau thì cánh cửa bật mở.

“Về thôi.”

Tetsuya nói với vẻ ngán ngẩm.

“Thần kinh của bả hôm nay không được ổn định lắm.”

Chúng tôi bắt đầu bước đi về phía thang máy.

Lặng lẽ vào đến trong thang máy, tôi bấm xuống tầng một. Cửa đóng lại. Không gian kín bưng khiến cho bầu không khí càng trở nên nặng nề.

Tetsuya thì thầm: “Kitazawa.”

“Tôi đã biết Naomi kể từ khi hai đứa còn nhỏ, bọn tôi lớn lên với nhau gần như là anh em. Ông hiểu tôi đang nói gì chứ?”

Giọng cậu ta run run trong lúc nói vậy. Tôi có thể cảm nhận được tâm sự của cậu ta trong từng lời nói.

“Ừ, tôi hiểu.”

Nói là hiểu, nhưng chấp nhận nó lại khác; tôi không muốn thế. Tôi cứ tự nhủ với mình rằng sau ngày sinh nhật của Naomi, tôi sẽ không đặt chân tới bệnh viện này thêm một lần nào nữa.

Hôm đó là một ngày vừa nóng vừa ẩm, ngay trước độ vào hè.

Tôi đứng đó trước cây đàn piano trong phòng sinh hoạt của bệnh viện.

Trong phòng có các loại máy vận động dành cho bệnh nhân phục hồi chức năng, một bàn cờ đam, cờ shogi, một giá đựng tạp chí và sách, sau cùng là một bàn đánh bóng bàn gấp gọn được.

Cây đàn piano đứng trông tồi tàn và cần phải được mang đi chỉnh âm ngay lập tức. Song khi chiếc nắp được nâng lên đúng vị trí, âm thanh nó phát ra cũng không đến nỗi nào. Ít nhất thì nghe cũng sẽ hay hơn bội phần so với khi nghe qua băng từ.

Tôi chơi một vài bài từ tuyển tập “Kinderszenen” theo phổ nhạc. Nối tiếp bằng “Tình yêu dành cho ba quả cam” của Prokofiev, cùng với một bài mà tôi vừa mới tập xong: “Điệu nhảy lửa thần” của Falla. Bài hát cuối, tôi chọn “Gymnopedie Số 1” của Satie. Tôi đã không chọn bài nào được hướng dẫn trong các buổi học riêng. Tất cả ở đây đều là cách cảm thụ của tôi.

Tất cả nhịp ngón tay đều do chính tôi quyết định, nên có những lúc giai điệu trở nên gần như loạn nhịp; nhưng điều này không thành vấn đề do đây không phải là một buổi kiểm tra hay một cuộc thi. Ngón tay tôi tự di chuyển theo ý của chúng, và tôi có thể dồn hết cảm xúc của mình vào bản nhạc. Những thính giả của tôi cũng đang tán thưởng.

Naomi, cha mẹ cô ấy, Tetsuya và chị y tá Izumi đã đến lắng nghe. Mới đầu chỉ có họ, nhưng trong lúc tôi chơi, bệnh nhân ở các phòng quanh đó cũng bắt đầu tụ tập và không lâu sau, căn phòng đã đầy ắp người.

Tôi dồn tâm huyết của mình vào việc chơi nhạc. Đây sẽ là lần đầu và là lần cuối tôi chơi cho Naomi xem. Kể cả nếu cô ấy có được xuất viện sau này, tôi cũng không có ý định gặp cô ấy nữa.

Sau khi đánh xong bài của Satie và đứng dậy để cúi chào, Naomi la lên: “Nữa đi!”

“Nhưng tớ chỉ chuẩn bị phổ nhạc cho mấy bài vừa rồi thôi.”

“Ravel thì sao, cậu thuộc lòng bài đó rồi, phải không nào?”

Tôi nhìn về phía cô ấy trong sự bất ngờ. Trên mặt Naomi là một nụ cười tinh nghịch. Cô ấy biết tên gọi của bài đó.

“Không sao đâu. Tớ có phải là ‘công chúa’ trong bản nhạc đó đâu, nên cậu không có gì phải lo lắng cả.”

Tôi đã không định chơi nhạc Ravel bởi bản nhạc đó không thích hợp để chơi trong một nơi như bệnh viện cho lắm, nhưng vì chính người yêu cầu tôi chơi lúc đầu đang muốn tôi chơi bài đó, nên tôi cũng không có cách nào để từ chối.

Tôi bắt đầu chơi bài: “Điệu Pavane cho nàng công chúa đã chết.”

Assez doux, mais d’une sonorite ‘large (Ngọt ngào và êm dịu, song vẫn mang âm hưởng). Đó là hướng dẫn cho khúc dạo đầu.

Một giai điệu nhẹ nhàng ôm trọn căn phòng, vang vọng lại là những hợp âm gợi nhắc về một hình bóng. Giữa cơn lốc âm thanh hòa quyện vào nhau, tôi cảm thấy tim mình run rẩy. Kể cả khi chơi bản nhạc này một mình, tôi vẫn phải vất vả mới giữ được nước mắt khỏi trào dâng; bây giờ còn có thêm cả Naomi nữa, tôi phải tập trung toàn bộ tâm trí vào những đầu ngón tay của mình. Nếu không, tôi sẽ bị cảm xúc chế ngự hoàn toàn.

Tres lointain (tận cùng xa xăm). Một giai điệu thê lương khiến cho người ta nhung nhớ về một thời đã qua. Một thế giới sâu thẳm, rộng lớn trải ra theo từng đợt sóng. Naomi đang ngồi rất gần cây đàn. Nhưng dù gần như vậy, giữa chúng tôi vẫn có một bức tường không thể vượt qua. Ngày chúng tôi lần đầu gặp gỡ tưởng như đã xảy ra từ lâu lắm rồi.

Cuối cùng, bản nhạc tiến đến đoạn tres grave (nặng nề). Một đợt sóng âm thanh quét qua căn phòng. Ngón tay tôi ấn lên những phím đàn mạnh hết sức có thể. Hợp âm phát ra nghe như một tiếng khóc ai oán. Bên trong vỏ hộp gỗ của cây đàn piano này, âm thanh đang vang vọng mãnh liệt.

Kế đến là sự sâu lắng, nhường chỗ cho giai điệu chủ đạo đang chực chờ quay trở lại. Như một cây nến phát ra ngọn lửa rực rỡ nhất trước khi tàn lụi, bản nhạc kết thúc cùng một khúc cao trào ngắn ngủi. Nếu như chỉ có một mình, tôi sẽ để cho những nốt nhạc cuối cùng hãy còn đang nấn ná thấm vào từng phân của cơ thể rất lâu sau khi chúng đã ngừng ngân lên.

Tiếng vỗ tay cắt qua những nốt nhạc cuối cùng. Tôi miễn cưỡng đứng dậy, lòng muốn cất ra một tiếng thở dài.

Buổi biểu diễn kết thúc, chúng tôi quay trở lại phòng bệnh của Naomi. Một cái bánh sinh nhật được mang ra, chúng tôi cụng ly nước hoa quả tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ.

Tetsuya và Naomi đều không có tâm trạng nói năng. Mẹ Naomi vốn đã là một người kiệm lời. Rốt cục, cha Naomi phải dùng những câu chuyện của mình để thỏa lấp sự im lặng.

Đây là lần thứ hai tôi được nghe những câu chuyện của bác, nhưng thực sự là ở bác ấy có một điều rất độc đáo. Bác lặng lẽ, trầm tính, nhưng lại thông minh. Tôi không chắc là bác có cảm nhận được bầu không khí lạ lùng trong căn phòng hay chăng. Song cũng không phải là bác lấn át hoàn toàn trong cuộc trò chuyện, chỉ là mỗi khi cuộc nói chuyện sắp sửa tắt lịm, bác lại làm cho nó sôi nổi trở lại.

Từ những gì mà bác kể, có một điều mà tôi nhớ rất rõ, đó là về một loại chân giả mới mà trung tâm nghiên cứu bác đang làm việc vừa kịp hoàn thiện. Đây là kết quả mới nhất của quá trình nghiên cứu cơ thể người qua phân tích bằng máy tính. Nó được tạo ra từ sự phát triển của một loại cao su đặc biệt có độ đàn hồi siêu cao cho phép chân giả có thể hoạt động chỉ bằng cách di chuyển hông và đùi. Nếu tập luyện đủ lâu, một người sẽ có thể bước đi một cách tự nhiên đến mức những người khác sẽ chẳng thể nhận ra được trừ khi nói với họ. Nó thậm chí có thể giúp người ta leo cầu thang hoặc chạy. Mặc dù không trực tiếp tham gia vào dự án, có khả năng bác vẫn có thể mượn được một mẫu thử nghiệm, nên khi nào Naomi đã đủ khỏe, cô ấy có thể dùng nó cho việc phục hồi chức năng.

Những chủ đề đưa ra đều rất lạc quan. Nếu như một chiếc chân giả tuyệt vời như thế thực sự có thật, vậy thì Naomi thậm chí có thể quay lại trường. Mặc dù múa ba lê hay thể dục nhịp điệu không thể nằm trong tầm với, nhưng cô ấy sẽ có thể học lên đại học và mở ra nhiều hơn những cánh cửa dẫn tới tương lai…

Đã đến lúc tôi phải ra về. Nếu như quan hệ với mẹ rạn nứt thêm nữa, tôi sẽ rơi vào đủ loại rắc rối. Khi đã ăn xong phần bánh của mình, tôi đứng dậy. Trong lòng mình, tôi đã nói lời từ biệt với Naomi.

Tôi định đi về một mình, nhưng Tetsuya cũng đứng dậy và ra khỏi phòng. Cả ngày hôm nay tâm trạng của cậu ta tối sầm. Khi tôi chơi piano, trông mặt cậu ta nhăn nhó. Có thể vì cậu ta không thích nhạc cổ điển. Sau khi vào phòng Naomi cậu ta cũng chẳng thốt ra lời nào.

Lúc cửa thang máy đóng lại, y hệt như lần trước, Tetsuya cũng quay sang phía tôi để nói gì đó.

“Kitazawa.”

“Sao cơ?”

Cậu ta lưỡng lự, một điều mà tôi mới thấy lần đầu. Một thoáng sau, cậu ta nói bằng một giọng nhỏ và khàn: “Không có gì.”

Sau đó Tetsuya không nói thêm gì nữa.

Bình luận (1)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

1 Bình luận

Bộ này khá khó hiểu nhỉ?
Xem thêm