I.
Chiếc xe cứu thương chật vật lách cái thân người bệ vệ của nó vào lòng con hẻm. Người ta đã báo trước rằng chiếc xe sẽ không vào được, mà nếu có vào được cũng sẽ không ra được. Nhưng nó cứ vào, như con thằn lằn bóng cố rút cái mỏ nhòn nhọn của mình vào khe gạch nứt để dí theo một ổ nhện nằm lọt tót bên trong. Để rồi bây giờ nó bị mắc kẹt ở khúc ngã ba trong hẻm, mà cả ba ngã đều chẳng có ngã nào đủ rộng cho nó quay đầu. Tiếng còi hụ inh ỏi, ụ đèn trên mui màu đỏ lựu xoay tít lên. Đến là sốt ruột! Cái âm thanh của còi cứu thương làm người nào người nấy sốt hết cả ruột! Mấy tay đàn ông chạy ù ra, nghĩ cách. Yên tâm là sẽ ra được thôi nhưng phải nhích cho khéo léo một chút. Chà! Lái sao mà cho kẹt vào cái thế khó này được cũng hay! Lão Khải chết chưa? Chết quách nó rồi chứ sao chưa chết được, nên là từ từ thôi đừng gấp, có cứu được nữa đâu mà. Cứu cái xe quan trọng hơn. Lúc này, cái xe cứu thương mới là thứ cần phải được cứu.
Mấy tay chức trách, mấy gã mặt hầm hầm vận đồng phục cảnh sát cũng chạy ra. Người ta đang căng dây chắn và lắp biển báo, không để cho dân tụ tập đông quá. Người chết chứ có phải người sống đâu mà đến xem! Chẳng có ai thương khóc một tiếng, họ chỉ bàn nhau về cái chết của lão Khải. Lão Khải làm gì mà chết?
Người ta mến lão như mến một cái chậu cây. Nghĩa là lão chẳng qua lại gì với ai, bình thường trông cứ trơ ì và xơ cứng, tất nhiên lão có cử động và cử động nhiều là đằng khác, nhưng cử động không có nghĩa là sống động, và lão là một thứ ít sống động nhất. Lão chỉ ru rú làm việc của mình, nếu có ai đến bắt chuyện thì lão cũng chỉ xăm xúi né đi, như đang ghét bỏ ai hay hậm hực điều gì. Song dẫu có ra sao thì lão cũng là một người đàn ông lành tính, chăm chỉ làm lụm, chỉ biết làm lụm chứ không ai thấy lão còn làm gì khác. Con người đó cứ lầm lầm lì lì, nhìn tội nghiệp, vì người ta thấy lão cũng không phải là dân lèo lá, không dối gạt ai hay làm mếch lòng ai. Vì một nỗi lão chỉ run rút có một mình, một mình thì bớt chuyện. Lão sống như thế đã năm năm nay. Vậy cũng được, mỗi người mỗi tính thì biết làm sao, miễn láng giềng ăn ở với nhau cho thuận hoà. Người ta nhớ lão như nhớ một người quen nhưng không thân, biết nhưng không để ý nhiều, ngoài mấy bể nuôi cua với lợi nhuận - mà nghe đâu - cũng khấm khá của lão.
Rồi đùng một cái lão chết!
Nghe kể về tình trạng lúc người ta tìm thấy cái xác mà ai cũng rùng mình. Một đường khứa tan nát ở trên cổ, nó mở hoác ra như một cái miệng thứ hai của lão. Máu bắn khắp mọi nơi, lên tủ kệ, lên tường, lên bàn ghế, quần áo, bàn thờ, lên bức tranh Thiên Chúa đội khăn có vầng sáng sau đầu, lên hai pho tượng mẹ Maria kích thước tầm cẳng tay đứa trẻ - một pho bằng sứ được sơn màu và một pho bằng đồng đã ố đục. Máu bắn lên bức tượng Chúa bị treo trên thập tự giá, dù thứ ấy được đặt ở nơi cao nhất của ban thờ. Máu chảy khắp sàn, bên cạnh lão là con dao Nhật lưỡi mẻ nham nhở, mà người ta thường thấy lão cầm để phát cỏ dại mọc xung quanh mấy bể nuôi cua trước nhà.
Rất nhiều máu, một lão già như lão Khải mà cũng lắm máu trong người thật! Máu khô đặc lại như nhớt bị đổ ra sàn và vón cục, thành một thứ màu đỏ cánh gián mà người ta khó tin đó là máu người. Và không biết là bao lâu kể từ khi lão chết họ mới tìm thấy lão, chắc hẳn cũng không quá lâu, vì chẳng có một điều gì xảy ra ở cái xóm này mà bị bỏ qua cả, chỉ có biết sớm và biết trước, chứ không có chuyện biết trễ.
Nhà lão Khải cũng là ngôi nhà duy nhất trong xóm theo đạo Thiên Chúa. Hồi còn mồ ma vợ con lão, mỗi cuối tuần người ta lại thấy cả gia đình lão dắt nhau đi lễ. Rồi vào dịp Giáng Sinh cuối năm, nhà lão trang hoàng còn rực rỡ hơn cả ngày Tết, đến cả những bể cua cũng được treo đèn chớp xung quanh. Không biết lũ cua có bị những ánh đèn nọ làm cho hoảng sợ hay không nhưng ấy không phải là chuyện người khác biết. Đó là những ngày xưa lắm, xưa lắm. Bây giờ hầu như người ta không còn thấy lão đi lễ vào cuối tuần nữa, Giáng Sinh cũng không trang hoàng, lão Khải bỏ lần hồi những hoạt động đức tin cộng đồng của mình, chỉ còn những hoạt động đức tin mang tính cá nhân mà không cần phải đi đâu hay gặp ai.
Về cái chết của lão, mỗi người nói một phách, chẳng đâu vào đâu và chẳng có quan điểm nào là nghe hợp lý. Một lão già như thế thì ai đành đoạn giết lão làm gì, mà tự sát dường như không phải là chuyện sẽ xuất hiện trong ý nghĩ của một lão già, dù cuộc đời có khổ sở đến mức nào đi chăng nữa. Già cả rồi ai còn nghĩ đến chuyện tự sát! Đã sống như thế, đã cố gắng như thế, đã cần cù siêng năng suốt cả cuộc đời mình như thế thì tại sao lão phải chết. Nhưng lão không tự giết lão thì ai giết? Người ta nhìn nhau nghi ngờ. Giết người cướp của chăng? Lão Khải sống một mình và nghe đâu là giàu có - vì lẽ sống một mình thì dễ giàu, mà không ai thấy lão ăn xài tiêu pha gì. Lão ngoan đạo, thiện lành và có chút gì đó hơi ù lì, nghễnh ngãng (song cũng phải nói thêm là không dễ ức hiếp). Côi cút và dư dả - hai thứ này đều là những thứ mời gọi bọn cướp đến. Có khi nào không? Trời, quân khốn nạn nào mà đành đoạn làm vậy?
Nhưng suy luận này ngay lập tức bị bác bỏ khi phía cảnh sát điều tra hiện trường công bố là trong nhà không có dấu hiệu bị mất cắp. Tiền bạc của cải vẫn còn nguyên trạng và đúng là nhiều thật. Chưa kể số tiền trong túi áo lão mặc khi chết cũng không bị đụng vào. Người ta phải nghĩ theo một hướng khác. Nhưng còn hướng nào nữa? Ngoài cái hướng rằng lão đã tự giết mình.
Nếu như vào độ nửa năm trước, giai đoạn mà con chó lão nuôi còn ở bên cạnh lão, con chó mực khôn lanh có đôi mắt sáng rực, cơ thể quắc thước như một bức tượng đồng hay một chàng hiệp sĩ chuyên tâm canh giữ ải quan của mình, thì chưa chắc lão đã chết. Con vật ấy bây giờ ở đâu? Không ai biết, có người hỏi nhưng lão Khải không đáp, một khả năng đặc biệt của lão là lão có thể không đáp những câu hỏi không muốn đáp. Một thím nhà bên kể lại hồi nửa năm trước khi con chó còn ở đây, người ta hay thấy nó cạ cạ răng vào gốc cây dâu ở trước nhà lão, riêng bụi táo dại thì nó né đi, nó biết không nên đến gần cái nơi gai góc nguy hiểm đó. Hai cái cây ấy còn lạ lùng hơn, người ta bảo lão Khải chặt bỏ chúng đi, hoặc dời chúng ta sau nhà, trồng gì mà cứ để mặc hai cái cây um tùm đằng trước mặt tiền như vậy, nhìn cứ bất an thế nào. Nhưng mãi lão vẫn không có ý định chặt bỏ hay di dời chúng, hẳn là do thấy việc đó cũng nhiêu khê, mà hai cái cây cũng chẳng sinh ra sự gì quái ác. Người ta nhắc vài lần cũng thôi.
Việc con chó biến mất càng khiến cho ngôi nhà vốn đã chỉ còn duy nhất một người càng thêm biệt lập hơn nữa. Giá mà còn con chó, lâu lâu nghe tiếng nó sủa khơi, thấy nó cuống quýt chạy, thấy nó lạng tới lạng lui quanh chân chủ hay nghe tiếng thở hì hà của nó, người ta còn thấy một chút gì của lão Khải có liên hệ đến mình. Chứ như bây giờ, con chó đi đâu mất, lão sống một mình mà lại cứ im im ắng ắng, chẳng bao giờ ló mặt ra khỏi nhà, chẳng mấy khi nói chuyện với ai, người ta cứ thấy sao sao ấy.
Nhưng quay lại câu chuyện cũ: Tại sao lão chết? Một cái chết dị hợm, oan khuất và lạ lùng như thế. Theo lời kể của hai bác trai là bạn hàng mua cua của lão - những người đầu tiên phát hiện thi thể vào sáng nay - thì lúc đó cửa nẻo không khoá, họ gọi mãi nhưng không thấy ai trả lời nên đã cứ vậy mà đi vào xem thử. Cũng không phải lần đầu tiên tự ý bước vào nhà lão nên hầu như họ chẳng suy nghĩ gì nhiều. Lúc ấy cua trong ba cái bể bạt lớn đã xổng và bò ngổn ngang khắp nơi, đó là cái kỳ lạ thứ nhất. Rất nhiều cua. Chúng nằm sấp ngửa ở đủ mọi chỗ, trên đất, trên hàng ba, trong nhà. Có con còn ở gần cái xác của lão Khải, gần đến mức một trong hai người vẫn chưa dứt cơn hoảng loạn đã bảo rằng chúng như là đang uống máu chảy ra từ cái xác, hay đang rúc rỉa cái xác bằng những cái miệng tụ bọt. Cua thì chắc không thích thú gì với máu và thịt người nên người ta quyết định chờ cho ông bác bình tĩnh hơn để hỏi tiếp.
Cái lạ thứ hai tất nhiên là xác của lão Khải nằm dặt dẹo trên nền nhà, với biểu cảm đau đớn đã đông cứng, hai mắt trợn ngược, khuôn miệng há ra, như vừa nhìn thấy một điều gì khủng khiếp lắm. Lão nằm đó xanh xám và quái đản, cũng vì cái đau đớn trên mặt lão mà người ta xác định rằng lão bị giết, nhưng nghĩ lại nếu lão tự giết mình thì cũng đau đớn y như vậy thôi, cái đau đớn giữa bị người khác giết và mình tự giết mình có khác gì nhau? Và biểu cảm của lão, nó nằm ở giữa sự kinh hoàng và không kinh hoàng, giữa sự cựa quậy vùng vẫy và buông xuôi chấp nhận, lại thêm như đã nói ở trên là không có dấu hiệu bị cướp của, nên một lần nữa chưa thể trả lời bất cứ điều gì. Dù sao thì vụ việc chỉ mới được phát hiện vào sáng nay, đến giờ chiếc xe cứu thương còn chưa thoát được khỏi hẻm thì tất nhiên cũng chưa có đủ thời gian để đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Tội nghiệp! Lão già ấy cũng hiền, cái nết có lẽ là chơi được - nếu có trường hợp lão muốn chơi với ai. Và mới hơn mười năm trước, ngôi nhà ấy còn tiếng nói tiếng cười rộn ràng, biết đâu lại có ngày hôm nay. Vợ lão hồi trước cũng tốt bụng, cũng hay lam hay làm không kể gì cái việc bản thân bị cụt một bên tay, cũng nói cười thơn thớt, người ta có thể không biết lão Khải chứ vợ lão thì không ai là không biết. Đó là trước lúc mụ bị điên, mà cả khi điên rồi mụ cũng điên một mình thôi, mủ mỉ nói chuyện một mình, cười một mình, khóc một mình, đi lơi khơi một mình. Rồi mụ vào nhà thương điên, không ai biết sống chết thế nào và cũng không ai hỏi. Nhưng nhìn điệu bộ của lão Khải thì chắc tám phần là mụ chết rồi, bởi vì một người đàn ông mất vợ trông sẽ khác một người đàn ông còn vợ. Khác chỗ nào thì không kể rõ được nhưng biết là khác lắm.
Và thế đấy, người này đoán ra gà, người kia bàn ra vịt, người nọ hoang mang, người khác thì nôn nao nhấp nhổm khi tiếng còi cứu thương còn hụ tán loạn không ngừng. Tiếng còi đó át đi phần nào những lời thương cảm của hàng xóm, cả những phán đoán quàng xiên đang bắt đầu xuất hiện. Nhưng chúng đúng được bao nhiêu, không ai rõ cả, chỉ rõ là người chết đã chết rồi, và họ chỉ biết những gì họ biết.
***
Năm nay là bắt đầu vào năm thứ mười ba lão Khải sống một mình trong ngôi nhà này. Mười hai năm qua đã xảy ra những chuyện gì lão không còn nhớ rõ nữa, mọi ký ức của lão, cả cuộc đời lão cứ như đã dừng lại ở mười hai năm trước, nên mới có chuyện từ bấy đến nay lão sống mà chẳng nhớ gì. Từng ngày trôi qua thì nhớ, nhưng khi đã chầm chậm lướt hết cả một chặng đường dài rồi nhìn lại thì chẳng có gì để cho lão nhớ. Có thể là do tuổi tác lão đã lớn, đã đến cái lúc bản thân một người có thể nhận ra rõ mồn một những hư hỏng do thời gian gây ra trên cơ thể của mình. Có khi nào lão đã già đến thế? Không, dù tuổi tác có thể xem là lớn, mà trông lão quả là có già hơn tuổi thật, nhưng cũng chưa vượt qua cái ngưỡng để một người phải quýnh lên vì chuyện tuổi tác. Không thể có chuyện một người đàn ông mới qua năm mươi mà đã bắt đầu nghễnh ngãng, nhớ trước quên sau được.
Vậy thì chỉ có thể là do mười hai năm qua không có chuyện gì quá bất thường xảy ra, như cái chuyện đã xảy ra vào mười hai năm trước.
Lão nhìn thau ốc bươu đang ôm trong lòng, những con ốc bươu còn sống sẽ được thả nuôi chung với lũ cua, chúng sẽ là nguồn thức ăn cho lũ cua của lão, hoặc lão sẽ nghiền nhỏ chúng ra - mà cách ấy thì buộc phải thay nước thường xuyên. Công việc hàng ngày của lão là ra xem tình hình lũ cua trong ba bể xi măng được lót bạt, xem chúng có bệnh tật gì không, có điểm nào kỳ lạ hay không, có cần thay nước hay không. Tất cả mọi thứ, từng chút từng chút một đều phải kỹ lưỡng, bởi vì không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận lợi với nghề này và không phải lúc nào vụ nuôi cũng thành công. Lão đã có kinh nghiệm nhiều năm nên có thể không khó khăn gì, nhưng thời gian đầu thì lại khác. Lão vẫn còn nhớ lại quãng thời gian hồi trước và lấy đó để nhắc nhở mình rằng lúc nào cũng phải theo sát tình hình.
Lúc trước, quy mô nuôi cua bể bạt của nhà lão lớn hơn bởi vì khi đó lão cần có một nguồn kinh tế ổn định, nhưng bây giờ chỉ ba bể là đã đủ vất, và cả, lão không còn có nhiều người để chăm sóc nữa, lão chỉ còn một mình, vì một mình nên cảm giác mình sống sao cũng được.
Lão nhìn lên bầu trời, những đám mây xám xịt vón cục lại báo hiệu một ngày thời tiết không tốt, lão nheo mắt nhìn theo một cánh chim lộn nhào trong gió, nó vút lên rồi nương theo cơn gió để bay về phía xa và biến mất giữa những đám mây trĩu nước. Con Xăm thấy lão bước ra, nó xổ người từ bên dưới gầm cũi chạy đến cuốn lấy chân lão. Con chó lính quýnh, câng cẩng người ra vẻ mừng chủ. Xăm là một con chó thông minh và giống con người ở chỗ tướng ngồi tướng đứng của nó luôn toát ra một vẻ chính trực và bản lĩnh, có lúc nó ngồi ngay đơ và thẳng thớm như một con chó đá canh cửa, điều đó làm cho con vật toả ra một cảm giác có thể tin cậy được.
Lão vội chuyền cái thau ốc qua một bên, đưa tay xoa xoa đầu con vật, đoạn bước về phía những bể nuôi cua xếp thành hàng. Trên mặt nước, bèo tây đan thành một màu xanh mướt mát, điểm những đoá hoa tím nhạt đây đó, nấp trong những chiếc lá hay vươn ra khoe vẻ đặc biệt của mình, chúng soi xuống dưới mặt nước và chỉ thấy bản thân là một cái bóng màu nâu, đùng đục và buồn buồn. Đám bèo tây chen chúc nhau, rễ của chúng bám vào nhau, nhập lại thành một. Trong đám rễ là những con cua nhỏ xíu, khi đặt trên tay chúng bò làm mình nhột râm ran, không chỉ cua mà còn có những loài bọ nước, có ốc, trùn hay những thứ không biết bằng cách nào mà chúng lại sống ở đây. Cứ như một quần thể sinh thái tí hon vô cùng phong phú với bao nhiêu là sự sống. Điều đó làm lão Khải tưởng như mình đã tạo ra một thế giới riêng, một thế giới khác và có toàn quyền quyết định sự sống của những sinh mệnh ở cái thế giới đó.
Nhíu mày tìm kiếm những sự sống trong đám bèo xanh rì, lão Khải thấp thoáng thấy một cái gì đó đang cử động, một cái ngoe đang ngút ngoắt, một con mắt lồi đang ngó qua tấm thân căng phồng của nhánh bèo nhìn mình. Những con ốc trong thau của lão nấp cả vào phía sau lớp mai, lúc nào chúng cũng lặng lẽ như người chết, khi bị chạm đến cũng chỉ biết rút mình vào vỏ, cả di chuyển cũng lề mề. Lão đổ chúng xuống nước, đoạn dợm bước vào nhà lấy thêm trùn quế.
Trùn quế là loại thức ăn quan trọng trong nghề này, vì chúng dễ nuôi và không làm ô nhiễm nước. Lão đang nghĩ hôm nay có phải là ngày thay nước cho bể cua hay không, hai hôm trước lão đã thay rồi nhưng nước hôm nay lại bắt đầu đục. Con Xăm vẫn lẽo đẽo theo lão, khuôn mặt thông minh nhưng có vẻ tâm tính của con vật vẫn còn khờ khạo quá, nó cứ vui mừng vì những chuyện không có gì phải vui mừng.
Khi lão hoàn thành việc đọc Kinh buổi sáng trước ban thờ cũng là lúc nghe thấy bên ngoài đường tiếng xe bò lộc cộc kéo ra chợ. Lão nhìn con chó đang nằm ở hàng ba, rồi nhìn ra phía rào, thấp thoáng đằng sau hai bụi dâu tằm và táo dại là một chiếc xe bò đang chầm chậm gõ nhịp xuống nền đất lướt qua. Hôm nay hình như lão đã bắt đầu mọi thứ sớm hơn so với ngày thường, trời đất vẫn còn hơi lạnh, hay là do thời tiết báo hiệu sắp có mưa nên mới thế. Lần nào nghe thấy tiếng xe bò đi ngang nhà cũng làm lão mơ hồ nhớ lại Huyền. Ôi đứa em lão yêu quý nhất nhà! Lão nhớ lại cái ngày mình đánh xe bò đưa nó ra bến xe để lên thành phố nhập học, thằng Huyền mảnh khảnh và hiền lành mà dường như không ai nghĩ là nó xuất thân từ một gia đình gắn bó bao nhiêu đời với đất đai. Huyền và lão đi chung với nhau tạo nên một cái gì đó thật khập khiễng, mà sự chênh lệch không thuần tuý chỉ dừng lại ở vẻ ngoài. Đã đành thằng Huyền là em trai lão, nhưng nó có dáng vẻ và khí chất của học trò, lão thì làm gì có được điều đó.
Chính lão đã hy sinh đời mình cho nó và, biết đâu, nó cũng hy sinh đời mình cho lão. Trên cái xe bò cứ lắc lư, chùng chiềng, xóc nảy ngày hôm đó, nó bịn rịn nhìn về phía sau, tay ôm cái ba lô con cóc, xung quanh là không biết bao nhiêu đồ đạc, đồ ăn thức uống dưới quê gửi theo. Trong ánh mắt đứa em trai còn ngô nghê và trong vắt, lão nhìn thấy sự thấp thỏm nhưng tràn trề phấn khởi khi sắp sửa bước vào tương lai phía trước.
“Mày lên trên đó cố gắng lo mà ăn học cho tử tế, đừng có tụ tập bè bạn quá rồi bỏ bê việc học. Trong nhà bây giờ chỉ có mày mà thôi!” Lão nhắc nhở đứa em trai mà tự thấy mình sao cũng bắt đầu lắm mồm lắm miệng.
Huyền ngồi phía sau chỉ nhát gừng vâng dạ đáp lại. Chốc chốc cơ thể nó lại đổ về bên này rồi ngã về bên kia, một chút nữa thôi khi ra ngoài phố thì đường mới dễ đi hơn.
“Đừng học mấy trò rượu chè gái gú rồi lại hư người, ở nhà lo cho không thiếu một thứ gì thì càng phải sống nghiêm túc. Lỡ mà sa vào ăn chơi thì chẳng ai cứu được đâu!” Lão lại tiếp tục, cố lục ra trong đầu mình những gì cần phải dặn dò. Nhưng lão biết trên thành phố có quá nhiều cám dỗ mà lão từ trước đến giờ chỉ có quanh quẩn ở một xó quê thì không thể nào đoán được hết. Và lỡ như những ánh đèn điện sáng choang mở ngày mở đêm ấy sẽ nuốt mất một con người thì sao?
Sau một khoảng im lặng, lão nói tiếp, “Mày đã lớn rồi!”
Đứa em trai ngày nào còn chạy theo sau lão trên những cánh đồng và bờ sông mênh mông, đã bao nhiêu lần ạch đụi vì chân thằng nhỏ quá ngắn mà sải chân của người anh lớn thì lại quá dài, đã bao nhiêu lần kêu to đợi em với mà lão vì nhiều thứ nên đã không nghe thấy. Đứa em nhỏ và yếu ớt ấy bây giờ đã lớn, buộc phải lớn và phải tự làm chủ chính cuộc đời mình.
Tiếng xe bò vọng vào làm những cảnh tượng khi xưa hiện lên rõ mồn một trước mắt lão. Cái ngày đứa em trai của lão lên thành phố, lão ngồi thèo đảnh ở đầu xe nhìn mông bò, tiếng bánh xe lạo xạo, kẻ trên đất hai đường thẳng xiên xiên, thằng Hoàng em lão thì đương còn hồi hộp vì lần đầu đến một nơi xa xôi và xa lạ. Rồi mấy năm sau vẫn là lão đánh xe bò, ra bến xe rước nó về với tấm bằng trong tay, nhưng ngỡ ngàng thấy nó trong bộ quần áo đẹp đẽ, đẹp đến mức dường như việc nó leo lên chiếc xe bò để lão chở về như hồi trước là một việc vô lý, bởi vì lão nhận ra cái sự khập khiễng đầy kỳ lạ giữa bộ quần áo ấy với chiếc xe bò của gia đình.
Trước giờ lão Khải chưa từng tin khi nghe ai đó nói rằng niềm vui sẽ khiến cho con người giữ được sự trẻ trung, hay cười nhiều sẽ giúp chống lại sự lão hoá. Nhưng khi đứng trước Huyền ngày hôm ấy, lão đã tin, rằng bao nhiêu năm gặp lại thằng Huyền vẫn không già đi, mà ngược lại nó còn phong độ hơn, tươi tắn hơn nhiều so với mấy năm trước. Còn lão thì ngày càng héo hắt, tay chân ngày qua ngày đã bị sạm đen và đầy những vết chai, vết sần, nhăn nheo và bong tróc. Thì ra sự khổ cực có thể làm thay đổi con người nhiều đến thế. Rồi lão lại thấy không đúng, nếu nói vậy thì thật bất công với Huyền, chẳng lẽ thằng bé không phải chịu khổ cực ở nơi đất khách quê người hay sao? Vậy thì do đâu mà hai người lại khác nhau đến thế, có lẽ là do tuổi tác của hai anh em ngay từ đầu đã có sự chênh lệch khá đáng kể, hay do lão đã phi nhanh hơn Huyền, lão lúc nào cũng chạy nhanh hơn nó, vì thế mà lão đã già đi trước. Vậy thì trong cuộc đời, chưa hẳn đi nhanh là tốt.
Song chuyện lại không như lão nghĩ, trong lúc lão đang bối rối thì thằng Huyền đã hất người phóng lên xe, nó vui vẻ chào lão như chưa từng xa cách. Và lão nghĩ thật may mắn khi mình có thể thấy đầy đủ quá trình trưởng thành của một con người. Sau này nghĩ lại, lão nhận ra có khi lòng mong muốn được nuôi nấng một đứa con đã nảy sinh bên trong lão kể từ khoảnh khắc đó.
Huyền đã dạn dĩ hơn, nó kể về mọi thứ, nhận ra con đường mà mấy năm trước mình từng đi qua đã có nhiều đổi khác. Đôi mắt đứa em trai bây giờ trông tinh tướng, cả giọng nói cũng tự tin khoáng đạt khác với cái giọng lí nhí nhát gừng khi xưa. Lão Khải nhìn lại chính mình mà thấy so với đứa em thì mình vẫn như vậy, vẫn với cái chiếc xe bò - mà mỗi khi có gì đó hư hỏng thì lại tìm một món khác đắp vào chứ nhất quyết không mua xe mới. Lão bỗng dưng thấy vui vui trong lòng, lão biết mình đã làm một điều đúng đắn chính là cố gắng để nuôi đứa em trai ăn học thành tài, bởi vì chẳng có gì hơn việc chúng ta cố gắng vì một ai đó, phát công tái tạo và nuôi dưỡng một ai đó, khi ấy ta sẽ thấy mình thiêng liêng hơn chính mình, mình đã tiếp nối sự sống của bản thân bằng cách tồn tại như một phần tạo nên giá trị trong người khác.
Bị con Xăm nằm dưới đất rướn mõm liếm liếm vào lòng bàn tay, lão giật mình khỏi những suy nghĩ miên man. Phải rồi, đối với con Xăm thì lão cũng đã có ơn với nó như một Thượng Đế, đối với nó lão như kẻ bề trên toàn năng toàn quyền, có thể phán định cuộc đời nó và nó cũng chẳng bao giờ thắc mắc vào cái điều ấy, bởi lẽ không như con người hay nghĩ dông nghĩ dài và hay chất vấn, con vật chỉ biết quấn theo người nào cho chúng thức ăn, chỗ ở và chăm sóc chúng. Có thể vì vậy mà lão Khải mới quý nó, như quý một kẻ học trò luôn trung thành kính cẩn với mình. Chẳng hiểu sao lão luôn thích thú khi mình có thể trở thành một điều gì đó để những người xung quanh nương dựa vào.
Phải thế chăng mà lão đã lấy vợ lão, người đàn bà bị máy nghiền xí nghiệp rứt cụt một cánh tay, lại còn theo đạo. Một người phụ nữ mà ai cũng nghi ngờ là sẽ khó lấy được chồng. Nhưng lão vẫn chấp nhận lấy mụ, chấp nhận trở thành một người theo Chúa. Và hơn ai hết mụ hiểu được điều đó, nên đối với mụ, chồng mình là một người vô cùng nhân từ và cao cả. Lão đã cứu vớt đời mụ. Cả cuộc đời lão, từ đứa em trai đến mụ vợ rồi cả đứa con gái, rồi đến con Xăm và ba bể cua, tất cả đều neo hết vào lão, giống như lão là cây cột chống trời lừng lửng và không thể bị gục ngã hay khuất phục. Lão sống cả một đời với cái niềm vui rằng sự tồn tại của mình là trung tâm và mình đang hy sinh cho người khác.
Vì thế mà nhiều lần mụ vợ đã ngờ ngợ, hình như lão Khải dù không phải là con dân Công giáo nhưng sao cách sống của lão, suy nghĩ và tâm hồn lão lại giống một người Công giáo như thế. Tại sao lão là một người không có đức tin mà lại có động lực thúc đẩy mình sống vì kẻ khác, tại sao có thể tự hình thành trong con người mình một tâm hồn lượng cả, bao dung và giàu đức hy sinh như vậy?
Gió ngày càng nổi dữ, mái tôn trên đầu bị bung ốc đập lạch cạch vào thanh xà cố định. Con bò chở người đi chợ buổi sớm vừa lướt qua trước nhà lão được một lúc thì dừng lại, nó ngoái đầu nhìn ra sau như trận gió đột ngột nổi lên khiến nó cảm thấy bất an không dám bước tiếp. Nó giậm giậm guốc tại chỗ trong lúc người chủ sau lưng đang cố ra sức thúc giục. Những con bò không được thông minh lắm, có lúc lại thành ra bướng bỉnh khó dò.
Và lão nhớ ngày hôm đó con bò của lão cũng vậy. Vẫn tiếp tục là lão trên cái chiếc xe bò. Lão thúc xe đi khi vừa nghe người ta đến báo tin, rồi lại cùng chiếc xe đưa xác thằng Huyền về nhà. Ôi chao, cả cuộc đời dài đằng đẵng của lão và thằng em trai lão sao mà chỉ luẩn quẩn có bao nhiêu đó! Lúc lão nghe được tin thằng Huyền bị bọn du côn đánh chết, nó chỉ mới về quê được vài bữa, đồ trong ba lô còn chưa được dỡ hết ra. Lão run rẩy dạt đám người đang tụ tập quanh đoạn cầu xi măng bắt qua một con kênh lớn, cảm giác bất lực khiến lão như không còn có thể đứng vững, chân lão chệnh choạng và tay lão quơ quào trong không khí. Thằng Huyền nằm trên đất dặt dẹo, khuôn mặt tím bầm căng phồng lên, đầy những máu và khủng khiếp như một con quỷ thích doạ người trong một bộ phim kinh dị mà lão và thằng Huyền đã xem lúc nhỏ, thằng em trai lão đã rút vào cánh tay lão khi con quỷ mặt toàn những máu ấy nhảy xổ ra, giờ thì nó đã trở thành chính cái thứ mà hồi xưa nó sợ hãi.
Có lẽ hơi khó tin vào lời khai của đám thanh niên đã đánh chết Huyền. Bọn chúng bảo rằng cái mặt thằng này kênh kiệu nhìn rất trêu ngươi kẻ khác, chúng định bụng dạy cho thằng nhỏ một bài học nhưng chẳng hiểu sao lại lỡ hăng máu đến thế. Và đúng không con người ta có thể giết nhau mà không cần phải có thù hận gì với nhau? Trời, thằng em lão chết sao mà tức tưởi, sao mà vô lý và trớ trêu! Huyền nó mới từ thành phố về nên đã quen với việc đi đứng phải ngẩng đầu, hất cằm, khi nói chuyện sẽ nhìn thẳng vào người khác, nó đâu biết điều đó sẽ khiến bọn du thủ du thực nghĩ rằng nó như vậy là láo toét, là mất dạy, là ra vẻ công tử và đang chọc tức bọn chúng. Đời có thể diễn ra như vậy sao? Lão sống ở một cái nơi con người ta chỉ có thể cắm cúi mà đi, miễn ai ngẩng đầu dậy thì sẽ bị kết tội, tỏ ra tự tin thì sẽ bị đánh đập, chỉ thể hiện bản thân hơn người khác một chút thì sẽ ngay lập tức bị lôi tuột xuống.
Đứa em trai mà lão và gia đình đã gồng người bươn chải để nuôi nó ăn học suốt bao năm qua, bây giờ mới lấy được tấm bằng thì đã run rủi mà chết, còn chưa kịp làm gì để báo đáp, nó mới vừa bước vào đời thôi. Thế là công sức lâu nay của lão đi toi, cứ tưởng rằng cuộc đời mình một mai sẽ khác nếu trong nhà có người học cao hiểu biết rộng. Nhưng lão đâu có ngờ rằng con người ở nơi này chẳng bao giờ dung chứa những kẻ dám vượt lên trên họ. Và đúng không lão đã sai khi nghĩ rằng chỉ cần có trí tuệ thì sẽ chiến thắng, học thức chẳng là cái thá gì nếu đứng trước nắm đấm của những kẻ sẵn sàng bước qua luật lệ. Nghĩa rằng hay hớm gì cái việc học cho giỏi rồi cuối cùng lại bất lực khi đối phương tung nắm đấm. Chẳng lẽ lại đứng rao giảng đạo lý cho chúng nghe hay sao?
Tiếp tục vẫn là lão đánh xe bò chở nó về, xác nó được đặt ngồi trên xe, lắc lư qua lại trên con đường đất chằng chịt những vũng lầy và đá vụn. Thằng Huyền sống cũng như chết, vẫn ngồi im và lắc lư. Lão vừa đánh xe vừa nghĩ tương lai sẽ thế nào, đi một vòng lớn lão vẫn trở về như từ trước đến nay, vẫn tiếp tục làm lụm, không có gì thay đổi. Con bò chốc chốc lại rề rà, có khi còn đứng hẳn lại giống như chần chừ trước cửa tử. Lão Khải lại phải đánh nó, kèm theo tiếng kêu “họ họ” để giục, nhưng con bò dường như đã nhận ra cái xe thường ngày mình vẫn kéo bây giờ đã trở thành một cái xe đưa tang, không còn là một chiếc xe bò bình thường nữa. Lão Khải chẳng biết mình nghĩ vậy thì có đúng ý con vật hay không. Đầu lão đang xấn bấn vì một nhẽ lão nhận ra mình không hoàn toàn có quyền hạn gì đối với số mệnh của một con người. Cái chết không nằm trong tay lão và không nằm trong sự xếp đặt của lão.
Mấy ngày tang gia bối rối, lão Khải hết trở đầu này lại trở đầu kia, hai cụ ở nhà khóc không còn một cái gì. Mẹ lão ngã vật ra trước linh cửu, ôm lấy cái áo quan như muốn đòi chết cùng con. Nếu người ta chết vì một lý do có quy luật hơn, hợp lẽ tự nhiên hơn và mang tính nhân quả hơn thì có lẽ nỗi đau sẽ không lớn lao đến thế. Cha lão vớ lấy cây rựa, xăm xăm chạy ra khỏi nhà, mấy bác mấy dì sống chết kìm ông lại, người bấu lấy tay, người nằm rạp xuống đất bán mạng nắm chân ông, người thì cố dằn lấy cây rựa. Mắt ông vằn vện và đỏ kè như mắt của một người bị khói bếp xộc vào. Ông vứt cây rựa rồi đập đầu mình xuống đất chừng chục cái để tỉnh táo, như đang muốn thoát ra một cơn mơ quái ác.
Lúc đó lão Khải ôm lấy cột nhà, trông ra cái đám người kẻ nằm người đứng, kẻ rồ người tỉnh đó. Rồi lão lại nhớ về cái ngày chỉ vừa sáng sớm tinh mơ, trời còn ướt nhoè sương thấm đẫm hai bên vai áo, lão chở đứa em mình trên chiếc xe bò kéo để cho nó đi học. Chỉ mới mấy năm mà lão lúc đó đã ngỡ như là xưa, xưa lắm. Sao mà cuộc đời lại đành đoạn tát cho lão một phát để lão tỉnh người nhận ra nuôi dưỡng sự sống chưa bao giờ là việc dễ dàng.
2 Bình luận