Mở đầu: Lò Hộ Sinh
Người dân ở Thung lũng Xám đã gần như quên mất việc họ có thể sống ở bên ngoài Thành phố Trung tâm. Không phải do thế giới bên ngoài quá nguy hiểm, hay vì lí do linh thiêng ăn sâu trong nền văn hoá đã chết ấy. Họ chỉ đơn giản đã quên mất rằng ở bên ngoài Thành phố vẫn tồn tại một thế giới, khác xa với cái sự khuôn khổ và máy móc mà họ đã quá quen thuộc. Thứ nực cười ở đây là chính bản thân họ cũng không có ai ưa thích cái sự khuôn đúc ấy. Họ ghét sự lặp lại, sự tối ưu hoá mà họ đã mất hằng thế kỷ để gây dựng, củng cố và vận hành. Họ muốn những thứ lãng mạn, những thứ làm người ta phấn khích, làm từng cọng lông tóc dựng đứng lên.
Họ tin rằng cái thế giới xung quanh họ là tất cả những gì còn lại, rằng những gì chiếu trên màn hình kia chính là mọi thứ tồn tại trên đời. Họ biết rằng bên ngoài Thung lũng là cả một thế giới lớn, họ chỉ đơn giản là tin rằng họ không cần đến nó, cũng như không cần nghĩ đến nó, và rằng nó cũng chẳng còn gì ngoài những bình nguyên trắng xoá bất tận. Khi trong tay họ là tất cả những tri thức và góc nhìn về thế giới, họ dần quên rằng thế giới ngoài kia là một nơi mà họ có thể bước tới, một nơi tồn tại những thức nằm ngoài sự đơn điệu của cuộc sống nơi đô thị.
Mặt trời đã đi xuống từ lâu, có lẽ cũng đã được hơn năm, sáu tiếng gì đó. Những sự đó không quan trọng. Mặt trời chỉ là một thứ công cụ chỉ giờ, một thiên thể tồn tại bên ngoài thế giới của họ. Nó cũng vĩ đại đấy, một vì tinh vân bừng sáng giữa sự tối tăm của vũ trụ, ngọn lửa của sự sống và sinh mệnh trên vô vàn thế giới. Nhưng ở Xứ Rỗng, nó sau cùng cũng chỉ được dùng để người ta nhận biết ngày đêm. Mà có lẽ nó cũng đang mất dần đi thứ giá trị ấy vào tay của đèn điện, đồng hồ và hệ thống ngày đêm trong các lồng kính, đấy là nếu như người dân của Thung lũng Xám vẫn còn quan tâm tới việc ngày đêm.
Mây tro, khói nhà máy, những thứ bụi đóng kín mái vòm trong các tòa nhà khổng lồ. Nếu trời có sáng, họ cũng khó mà biết được. Và nếu trời có tối, cũng chẳng ai quan tâm. Hệ thống sưởi dùng năng lượng địa năng thay thế cho hơi ấm của vầng thái dương, và những bóng đèn điện không khác gì những ngôi sao trong mắt của người dân nơi đây. Mà có khi họ cũng không biết bầu trời sao nhìn như thế nào, bởi cả đời họ đâu có được thấy gì ngoài những bóng đèn kia.
Trong một phân xưởng nằm sâu dưới nền đất của Thung lũng, tiếng máy hoạt động vẫn không ngừng nghỉ. Họ gọi nơi ấy là Xưởng Hộ Sinh, hay Lò Hộ Sinh. Từng tốp thợ đến, từng tốp thợ đi. “Ngày và đêm” không còn là cách họ định thời gian, vì nó không rõ ràng và cũng khó có thể xác định chính xác, thay vào đó là giờ và ca. Một ca kéo dài bốn giờ, nghỉ bốn giờ, rồi lại vào ca mới. Những người thợ cứ làm như vậy, cứ hết ca là về buồng nghỉ. Họ không nhìn đồng hồ, thứ đó không cần thiết. Họ chỉ cần biết nghe theo tiếng chuông. Tiếng chuông ở xưởng báo hiệu giờ tan ca, tiếng chuông ở các buồng nghỉ báo hiệu một ca mới bắt đầu.
Những người công nhân ở đấy có dáng người mảnh mai, làn da nhợt nhạt. Họ cao, gầy và xanh, với sải tay dài dễ có khi gấp rưỡi thân người. Sáu ngón tay cho phép họ điều khiển các loại máy linh hoạt hơn, ba con mắt để mở rộng tầm quan sát. Họ không mặc gì nhiều ngoài một bộ đồ thường phục màu trắng xám hoặc những món đồ bảo hộ như găng tay hay khẩu trang. Cả ngày của họ chỉ xoay quanh công việc, nghỉ ngơi, rồi lại làm việc. Những buồng nghỉ của họ chỉ vừa đủ cho một người nằm, gọi nó là buồng chứ thực nó không khác gì một cái hòm. Bữa ăn cũng chỉ là một bát cháo dinh dưỡng không hơn không kém và một cốc nước lọc có bổ trợ chất vi lượng. Có lẽ cũng vì điều kiện sống giống nhau mà họ ai nấy nhìn cũng giống nhau.
Xưởng có năm tầng, mỗi tầng phục vụ một công đoạn. Các tầng được thiết kế theo dạng lục giác, với một giếng lớn ở giữa thông qua các tầng. Treo giữa cái giếng là một thang máy. Gọi nó là thang máy có phần không đúng, nó quá ‘văn minh’ so với một thứ bệ đứng công nghiệp lớn có thể di chuyển lên xuống. Ấy là chỗ làm việc của tên đốc công, và chỗ nhận lệnh của đám quạ. Trên bệ, tay đốc công có thể điều khiển cho nó lên xuống, cho phép hắn quan sát các tầng. Bên cạnh hắn là những con quạ, một thứ máy quan sát biết bay, lượn lờ quanh các tầng, truyền thông tin chúng nhận được về cho tay đốc công. Xung quanh tay đốc công là những đường ống lớn, dẫn từ trên xuống và được chặn lại ở một đầu bằng cái cửa sập ở phía trên đỉnh. Xưởng có rất nhiều phân khu, và tất cả đều có cùng một dạng thiết kế, cùng một số lượng công nhân, cùng một cách sắp xếp các loại máy và kho chứa, và cùng một tên đốc công trông y như nhau, như thể chúng đều được tạo ra từ một cái khuôn. Nếu nhìn một lát cắt cấu trúc của xưởng, có thể sẽ có người nhầm nó thành một thứ tổ ong làm từ sắt, được sắp xếp một cách khoa học nhất có thể.
Tay đốc công, cái thứ đó, hắn khó có thể được gọi là người. Bốn cánh tay di chuyển xung quanh các nút bấm và cần gạt. Cái đầu của hắn được bọc kín bởi một cái mũ bảo hộ với hệ thống cảm quan 360 độ, các cảm biến liên tục đảo quanh các màn hình.. Hắn gần như không bước khỏi vị trí bao giờ, hắn cũng không có nhu cầu cho việc ấy. Dinh dưỡng được truyền thẳng vào hắn từ một bình chứa được thay thường xuyên bởi đám quạ, còn chất thải thì cũng tương tự. Hắn có thể ngủ với một bán cầu não, còn cái kia sẽ tiếp tục làm việc.
Tay đốc công chịu trách nhiệm giám sát khu vực ấy một cách máy móc và tuần tự. Hắn hạ thang xuống tầng 1, nơi quá trình sản xuất bắt đầu. Nguyên liệu thô được truyền qua từ các ống dẫn gắn trên tường. Nó là một thứ bùn nhão màu xám xanh, gần giống với màu da của những người công nhân. Họ dùng những chiếc túi để hứng thứ bùn đó, chia chúng thành từng phần nhỏ. Ở một khu vực khác bên cạnh khu vực nguyên liệu mềm là một nhóm công nhân khác thực hiện công việc phân loại nguyên liệu cứng. Những mảnh xương đến từ một phân xưởng khác, có lẽ là cũng cùng một nguồn gốc với thứ bùn, được đưa tới qua những băng truyền. Công việc của họ là phân loại những loại xương và đóng gói chúng lại. Những phần đóng gói sau đó được đưa vào một thang máy để chuyển lên tầng trên.
Ở tầng tiếp theo là công đoạn lắp ghép khung xương. Các tay công nhân ở tầng hai đón lấy những gói đồ ở tầng một và sử dụng chúng để lắp những bộ khung, đều như thể vừa được đem ra khỏi khuôn đúc. Tiếp theo đó, họ đắp những túi bùn lên bộ khung ấy, tạo thành một hình nộm to bằng một người trưởng thành. Sau công đoạn đó, những hình nộm được chuyển lên trên. Các thợ may ở đây một tay cầm một cây kim, tay kia cầm một cuộn dây dài. Họ luồn những sợi dây vào trong hình nộm, tạo thành các đoạn mạch đi khắp nơi trong cái hình nộm ấy. Xong xuôi, hình nộm được bọc lại vào đưa lên tầng bốn.
Ở tầng bốn, các thợ máy chuẩn bị các bồn chứa. Họ đổ đầy vào những chiếc bồn một thứ dung dịch màu lục bảo, chứa đầy dưỡng chất và các loại bụi tiên. Sau đó, nhưng chiếc bồn này được chuyển qua khu vực đóng hộp. Nhưng cái hình nộm kia được đưa vào bên trong những chiếc bồn, với tất cả kẽ hở được bịt kín lại. Họ đưa chúng vào một máy ấp kiêm thang máy, chuyển chúng lên tầng năm. Trong quá trình đấy, một tay công nhân do đứng không vững, bị ngã về sau và va vào một chiếc bốn. Chiếc bồn nặng gấp đôi anh ta đổ xuống, đè lên người tay công nhân. Anh ta cố hết sức để nâng nó lên, nhưng không thể. Anh ta giãy giụa. Anh ta khóc. Tay chân vung vẩy như một con bọ bị lật ngửa. Và cũng như một con bọ bị lật ngửa, anh ta không thể thốt ra lấy một câu.
Tay đốc công thấy vậy nhưng cũng không có phản ứng gì ngoài việc bấm một nút trên bảng điều khiển. Một nhóm quạ bay tới chỗ của anh công nhân. Sau khi chiếc bồn chứa đã được dựng lên, chúng sà tới và nhấc anh ta lên. Những con quạ nhấc người công nhân đến một đường ống nằm trong giếng trời, mở một cửa ngách ra rồi thả anh ta xuống. Xác người công nhân rơi xuống đáy, chỉ nghe được một tiếng phịch rất nhẹ như tiếng người ta thả các bao bột mì lên nhau, kèm theo đó là tiếng máy chạy ở bên dưới.
Những chiếc bồn được đưa lên tới tầng năm. Ở đây, chúng rời khỏi máy ấp và được mở ra. Các công nhân ở tầng này đem những hình nhân ra, rạch một lỗ ở ngực nó. Sau đó, một trái tim làm từ đá pha lê và sắt được đặt vào, nối với những đoạn mạch có sẵn.
Trên bàn chế tác, cái thứ hình người kia bắt đầu động đậy. Những mạch máu xanh chạy dọc theo cổ tay, tiến về phía thân, toả ra thứ ánh sáng nhẹ pha giữa sắc xanh của ma thuật và màu lục bảo của hoá chất. Trái tim đá bắt đầu đập từng nhịp một, đều đặn và mạnh như pít-tông. Lớp da cứng dần, khô lại thành màu đen tuyền, với những vân nổi lên có phần giống vỏ cây cổ thụ. Những múi cơ xoắn lại, khiến cánh tay không khác gì những đoạn dây leo cuốn vào nhau, để lộ ra những kẽ hở trên cơ thể. Từ trong những kẽ hở ấy, một luồng năng lượng được phả ra ngoài, đào thải những tạp chất sinh ra từ quá trình trao đổi năng lượng bên trong. Hai đôi mắt vẫn nhắm chặt, như thể một em bé mới chào đời.
Xong công đoạn đó, các thợ chế tác bắt đầu gắn các bộ phận máy vào cơ thể của hình nhân. Một cái mặt nạ mạ chrome gắn thẳng vào đầu, cắn sâu vào thái dương và phần miệng, che đi đôi mắt và hai tai. Chúng mọc ra những cái răng, cắm vào sâu trong não bộ và hoà làm một với hệ thống thần kinh cảm giác. Những mảnh giáp ăn thẳng vào lớp da vốn đã cứng của chúng, đục thủng lớp vỏ ngoài và hoà làm một với lớp thịt non bên dưới. Phần bụng bị mổ ra, đưa vào trong đó là các bộ phận nội tạng máy thay thế, chạy bằng năng lượng ma thuật phát ra từ quả tim, chúng cũng dần dung hợp vào với cơ thể. Xương sống của nó được cắt làm đôi, nửa trên thay bằng một hệ thống cảm biến tích hợp điều khiển, với những dây dẫn cắm thẳng vào phần thuỳ não.
Trong cả công đoạn ấy, sinh vật kia bắt đầu thở. Nó thở từng nhịp nặng nhọc. Nhưng nó không kêu la, kể cả khi cơ thể đang bị xé ra. Khi người ta đặt nó vào những bệ đỡ, nó tự gượng mình nắm chặt lấy hai cái móc ở hai bên. Bệ đỡ ấy kéo nó lên, đưa nó khỏi phân xưởng. Còn những con không thể làm được chuyện ấy, các thợ tháo dỡ sẽ lao tới và xé các bộ phận máy khỏi chúng, thả chúng lại vài cái hố ở giữa phân xưởng. Sâu bên dưới cái hố ấy, một máy xay khổng lồ hoạt động liên tục, phân tách các loại nguyên liệu ra để rồi đưa lên trên xưởng. Lại có một tiếng còi vang lên. Tay đốc công đưa ra lệnh, cánh cửa sập của chiếc ống bên cạnh hắn mở khoá. Một lượng lớn những kẻ giống với những hình nhân kia rơi xuống khu máy nghiền. Chúng hoặc bị thương tích nặng, hoặc bị biến dị gây cản trở tới khả năng hoạt động. Một mẻ nguyên liệu mới cho xưởng.
Thấy đường lên đã thoáng, tay đốc công ra lệnh cho máy đưa những hình nhân lên. Những hình nhân dần được nâng lên từ những phân xưởng. Chúng đi qua khu vực sàng lọc nguyên liệu. Sau đó là khu tiếp nhận nguyên liệu thô. Trong suốt quá trình ấy, những dây nối từ máy chủ đến não chúng không ngừng truyền dữ liệu vào. Tất cả được đưa đến tầng cao nhất: mặt đất.
Cuối cùng, chúng được thả xuống một sân tập trung lớn. Một cỗ máy khác hạ xuống tay chúng những thứ đồ quái lại. Những thứ vũ khí hoá học, những loại chất nổ, những cây kiếm, lưỡi lê, những cây thương điện. Thứ đầu tiên chúng được nghe là tiếng còi xung trận, tiếng trống hành quân.
Bên cạnh chúng là những cỗ máy khổng lồ, những con xe với khẩu pháo lớn làm thân và tám cái chân dùng để di chuyển, hay những con mã, một thứ kỵ binh không có đầu. Trên đầu chúng là những tư tế, những con tượng không tay không chân, với con mắt lớn đảo qua đảo lại, bay quanh đoàn quân hàng vạn lính. Đứng sau chúng là con vua, một thứ sinh vật không có gì ngoài một cái đầu, được hộ tống bởi một con hậu. Thế còn bọn chúng?
Chúng là những con tốt mới đã được xuất ra từ Lò Hộ Sinh. Chúng không có chức năng gì ngoài việc chiến đấu. Một thứ bộ binh rẻ mạt có thể tái chế vào sản xuất hàng loạt. Những con tốt mới được tạo ra sẽ ngay lập tức được đem ra ngoài chiến trường. Những con tốt được sinh ra chỉ để chết.
0 Bình luận