Bản thảo Chương Cuối.
Đã hai tuần trôi qua kể từ ngày tôi bắt đầu viết chương cuối nhưng số chữ hiện tại vẫn bằng không.
Trong căn phòng tối mù, ánh sáng nhấp nháy từ màn hình máy tính là thứ duy nhất tôi được phép nhìn. Có lẽ vì thói quen thích để phòng tối lúc làm việc mà mắt tôi lúc nào cũng mỏi. Cứ một lúc tôi lại phải bỏ kính ra để xoa đôi mắt đỏ ngầu. Tôi chỉ đeo kính lúc làm việc trên máy tính vì thú thật tôi không thích cảm giác nhìn đời hai qua hai mảnh kính lắm.
Đang dụi mắt thì âm thanh chuông báo chợt vang lên làm tôi giật mình ngã về sau.
Đây rồi. Âm thanh của quỷ dữ đang gọi đến. Chẳng cần nhìn tên tôi cũng biết đó là ai.
"Hừm." Tôi ấn nút nhận cuộc gọi rồi chỉ thở một hơi để chứng tỏ mình còn sống chứ chẳng muốn chào.
Những ngày gần đây, cứ mỗi ba tiếng gã biên tập viên lại gọi đến đòi bản thảo, đúng giờ hơn cả đồng hồ báo thức.
"Hilda, chừng nào cô mới chịu gửi bản thảo đến đây hả? Nếu còn báo lịch hoãn chương thêm hai tuần nữa thì chắc độc giả sẽ rải xăng đốt luôn bộ tóc giả của tôi mất!"
Trí tưởng tượng phong phú của tôi lập tức sản xuất ra cảnh thân hình mập mạp của gã biên tập viên bị trói lại rồi bị tưới xăng lên bộ tóc giả lố lăng mà gã ta luôn tự hào khoe là hàng ngoại nhập. Tôi nghĩ mình sẵn sàng bỏ tiền để xem thêm cảnh ai đó đốt luôn bộ ria mép vênh váo trên mặt gã.
"Làm gì tệ đến mức đó."
"Không tin thì lên xem mục bình luận và khu thảo luận đi. Cô có biết từ tuần trước đến giờ có bao nhiêu tin nhắn phàn nàn được gửi đến rồi không hả?"
Tôi giật thót lên như một phản xạ có điều kiện khi nghe đến mục bình luận. Có chết tôi cũng không muốn nhảy vào biển lửa đó.
"Vâng. Tôi sẽ kiểm tra lại tình hình ngay. Vậy nhé, hẹn gặp lại sau."
Tôi nhanh tay ấn kết thúc cuộc gọi, cắt đứt tiếng hét giận dữ từ đầu bên kia. Sau đó tôi tắt nguồn điện thoại, tắt cả màn hình máy tính, trả lại bóng đêm yên bình cho căn phòng nhỏ bé.
Chỉ khi xung quanh đã tối om thì ánh sáng lập lòe từ phía cửa sổ mới dần dần hiện lên. Tôi đứng dậy duỗi người để giảm bớt sự tê cứng vì phải ngồi quá lâu, sau đó từ từ bước đến ô cửa sổ cạnh bên bàn làm việc.
Vén màn cửa lên, khung cảnh sầm uất của thành phố về đêm hiện lên như một bức tranh rực rỡ, chữa lành cho đôi mắt cay rát của tôi.
Tôi cầm một điếu thuốc ngậm lên miệng nhưng không dám châm lửa.
Khó khăn lắm tôi mới cai thuốc được. Nửa năm rồi tôi vẫn kiên định tránh xa mọi chất kích thích. Chỉ khi khó chịu tôi theo thói quen ngậm một điếu thuốc trên môi để chải chuốt suy nghĩ.
Tôi bắt đầu viết tiểu thuyết mạng từ ba năm trước. Hiện tôi đã ký hợp đồng với một nền tảng tiểu thuyết mạng và có nguồn thu nhập ổn định từ việc viết lách.
Tác phẩm duy nhất của tôi, "Ngày tàn của chúng ta", là một tiểu thuyết kinh dị lấy bối cảnh ngày tận thế tràn ngập xác sống. Gần đây nó đã trở nên khá nổi tiếng. Nguồn lợi nhuận từ truyện tăng lên, nhưng kèm theo đó cũng là sự áp đặt và kiểm soát từ phía nền tảng. Họ bắt đầu tìm mọi cách can thiệp vào câu chuyện của tôi.
Những yêu cầu như kéo dài mạch truyện, thêm những tình tiết giật gân, xây dựng nhân vật gây tranh cãi,... đều là những thứ tôi có thể cắn răng điều chỉnh được.
Nhưng giờ đây họ muốn thay đổi kết thúc của câu chuyện. Một điều tôi không tài nào chấp nhận được, cũng không thể nào chấp bút được.
Cắn điếu thuốc trên môi, tôi hít vào một hơi thật sâu, vờ như vị thần nicotine sẽ đến gỡ rối cuộc đời.
Tôi muốn giết toàn bộ dàn nhân vật chính khi câu chuyện kết thúc.
Biết rồi mà. Thừa nhận rằng nghe qua ý tưởng đó có hơi đau đầu.
Nhưng đó sẽ là cái kết hoàn hảo cho một câu chuyện lấy đề tài viễn tưởng hậu tận thế đắm chìm trong sự loạn lạc, xác sống, tình yêu và cả cái chết. Tôi đã dành bao năm qua lên kế hoạch chi tiết cho từng cái chết một, khiến chúng thật hoàn hảo. Vậy mà cuối cùng bọn biên tập viên chỉ trả về hai chữ 'nhảm nhí' rồi vứt phăng bản thảo chương cuối của tôi. Họ bảo tôi phải viết lại một cái kết có hậu để chiều lòng độc giả.
Nghĩ đến chuyện đó tôi lại thấy phiền lòng. Điếu thuốc bị cắn nát đã trở nên nhàm chán nên tôi vứt nó đi.
Reeng... Reeng...
Tiếng chuông báo từ chiếc đồng hồ đeo tay kéo tôi về với những nhu cầu trần tục.
Tôi liếc nhìn thời gian, '6:55 p.m', đã đến giờ chuẩn bị bữa tối.
Tôi chậm chạp ấn công tắc trên tường để mở đèn lên rồi đi đến quầy bếp phía đối diện cửa sổ. Không còn nhiều đồ trong tủ lạnh nên tối nay tôi sẽ nấu một bữa đơn giản.
Trước khi bắt tay vào nấu nướng thì tôi quay ra mở chiếc tivi cạnh bàn làm việc lên và chuyển sang kênh tin tức buổi tối tôi vẫn thường nghe.
Tôi không thực sự hứng thú với những tin tức ngổn ngàng ngoài kia. Tôi chỉ đơn giản không thích ăn trong sự yên lặng ngột ngạt, việc đó làm tôi nhận ra mình cô đơn đến cỡ nào.
Xem tin tức thế giới cũng ít nhiều giúp cho việc viết lách nên tôi cũng thuận theo tự nhiên lập thành thói quen xem tin tức mỗi ngày.
["...Nhiệt độ hiện tại thấp kỷ lục so với những năm trở lại đây. Dự đoán tuyết sẽ rơi ở một số khu vực..."]
Chỉ vừa hết hè sang mùa thu mà nhiệt độ đã lạnh đến có tuyết rơi. Một hiện tượng đáng quan ngại đối với đất nước, và cả tủ quần áo chỉ toàn đồ mùa hè của tôi. Tôi nên tranh thủ sắp xếp lại và mua thêm quần áo ấm.
["Cảnh báo: Dịch bệnh mới chưa rõ nguồn gốc đang lan rộng. Lệnh cách ly đã chính thức được ban hành ở một số quận nội thành. Các chuyên gia cho rằng hiện tượng virus dại xuất hiện có liên quan đến sự biến đổi khí hậu đột ngột..."]
Tôi tắt bếp đi để có thể nghe tiếng tivi rõ hơn. Tay nhanh chóng chuyển cái trứng ốp lết cùng vài miếng dăm bông từ chảo lên đĩa. Cơ thể tôi hoạt động như một cái máy được lập trình sẵn còn tâm trí thì đã dính chặt vào màn hình tivi.
["Người nhiễm loại virus dại mới sẽ có các dấu hiệu của bệnh dại như mất kiểm soát hành vi, loạn trí và thậm chí tấn công các vật sống xung quanh..."]
Theo sau lời dẫn của phóng viên là một loạt hình ảnh miêu tả triệu chứng bệnh, chúng ghê tởm đến mức khiến tôi muốn đâm đơn kiện vì nhà đài dám chiếu chúng trong giờ ăn tối.
Dù mất hết hứng nhưng sau cùng tôi vẫn cố gắng nhét thức ăn vào miệng rồi nuốt xuống dù nghẹn ứ ở họng. Tôi nhất định phải ăn no rồi mới có thể uống thuốc được.
Dù đây không phải lần đầu tin tức về dịch bệnh được nhắc đến nhưng có lẽ đây là lần cảnh báo nghiêm trọng nhất. Chưa kể đến biểu hiện lạ của bệnh nhân và tỷ lệ tử vong cực kì cao. Triệu chứng nhiễm bệnh thì chẳng khác gì trong mấy bộ phim kinh dị viễn tưởng.
Nghĩ về dịch bệnh biến con người thành xác sống cùng với việc khí hậu biến đổi vô cùng kì lạ tôi lại cảm thấy rùng mình. Những hình ảnh về ngày tận thế lấp ló như cái máy đập chuột, tôi thì cứ vác cây búa lí trí đập mãi chằng trúng con nào.
Chịu thôi, tôi viết truyện về ngày tận thế được ba năm nay rồi. Bao nhiêu sự kinh hoàng của đại dịch xác sống tôi cũng lột tả hết rồi. Nói tôi không thấy sợ là nói dối.
Vừa ăn xong cũng là lúc chuông báo trên đồng hồ tay lại vang lên. Đã tới giờ đi làm thêm.
Tôi uống các phần thuốc được mình chuẩn bị sẵn rồi vội thay sang đồng phục của cửa hàng tiện lợi. Sau khi cẩn thận tắt hết điện trong nhà thì tôi mới yên tâm rời đi.
Chung cư tôi có một bãi giữ xe miễn phí ngay cạnh bên. Trước bãi giữ xe có một tiệm sửa xe lớn chuyên phục vụ cho người trong chung cư.
Tôi có một chiếc xe đạp thể thao cũ, bãi giữ xe không có chỗ riêng cho xe đạp nên phải để nhờ đằng sau tiệm sửa xe. Dù chỗ đó không được chỉn chu lắm nhưng bù lại nằm rất gần lối ra nên việc lấy xe cũng nhanh chóng.
Đạp xe đến chỗ làm chỉ tốn năm phút.
Nơi làm thêm của tôi là một cửa hàng tiện lợi lớn nằm ở ngay ngã tư đường, cũng chính là khu trung tâm của những tòa chung cư lân cận. Tôi làm ca đêm ở cửa hàng tiện lợi này được một năm rồi.
Trước khi tiểu thuyết của tôi nổi tiếng, tôi đã phải làm thêm ba công việc cùng lúc. Khi lợi nhuận từ tiểu thuyết tăng lên thì tôi mới bỏ hết việc và xin đi làm ca đêm ở nơi này vài ngày trong tuần.
Tiền đã không còn là động lực chính, chỉ là tôi sợ nếu không làm việc bên ngoài thì tôi sẽ mọc rễ trong nhà rồi dần biến thành một cây nấm mốc meo.
"Sao cô đến trễ quá vậy!"
Chào đón tôi khi vừa bước vào cửa hàng là tiếng nói chanh chua của người đang đứng sau quầy thanh toán.
Đó là Betty, người đồng nghiệp làm ca chiều trước tôi. Betty đang khoanh tay nhìn về phía này, khuôn mặt trang điểm đậm của cô ta nhăn nhúm lại còn đôi mắt thì đâm chọt lấy tôi như nhìn thấy một con mồi dễ xơi.
Tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ điện tử trên tay, tám giờ đúng. Ca làm của tôi đến tám giờ rưỡi mới bắt đầu. Tôi thích đi làm sớm nên chưa bao giờ trễ ca làm.
Betty lại mở màn cho vở kịch khó coi của cô ta. Các nhân viên cùng làm ca chiều với Betty đã sớm quen với việc này nên ai cũng đưa tặng tôi một ánh nhìn đồng cảm.
"Nhanh nhanh lết cái xác vào đây. Tôi không rảnh đợi cô cả ngày đâu."
Tôi bước ra sau quầy thanh toán thế chỗ cho Betty vì không muốn lỗ tai chịu khổ. Chỉ vì tôi thích đi làm sớm mà cô ta đã nghiễm nhiên xem đó là quyền lợi được tan làm trước.
"Có biết trễ giờ hẹn hò của tôi rồi không? Người gì mà lề mề." Betty liên tục lớn tiếng nhằm vào tôi, khiến các vị khách đang ngồi cạnh đó nhìn sang. Cô ta không ý thức được việc mình đang làm phiền khách hàng mà chỉ lo cặm cụi thu dọn đồ cá nhân toàn phấn son cùng vài lọ sơn móng tay.
Tôi không thèm liếc mắt đến Betty. Chỉ vội đeo kính lên rồi chăm chú kiểm tra mớ hóa đơn nhập hàng, việc này đáng lẽ ra là của Betty, nhưng cô ta lúc nào cũng mắc lỗi nên tôi tình nguyện nhận làm cho đỡ phiền phức.
Có lẽ sự bình thản của tôi càng làm Betty bực tức hơn khi mà cô ta bắt đầu động chạm đến vẻ ngoài của tôi như một hình thức trả đũa đầy trẻ con.
"Đeo cái cặp kính quê mùa đó lâu quá nên bị điếc rồi hay gì ấy." Betty quay lưng đi, vậy mà vẫn không ngậm được miệng. "Đầu tóc thì không biết bao lâu mới chải một lần."
Mỗi khi ra khỏi nhà tôi đều chải tóc nhé. Chỉ là mái tóc đen của tôi dày và hơi xoăn thôi. Tôi vừa cắt tóc ngắn đến vai nên trông chúng có hơi nghịch ngợm hơn lúc thường.
Những lời xúc phạm của Betty chỉ như muối đổ biển. Tôi đã quen với tính cách điêu ngoa của cô đồng nghiệp này. Dù sao cô ta cũng là cháu gái ruột của chủ cửa hàng, vào đây làm chỉ để lấy lệ cho quen việc quản lý cửa hàng.
Khi Betty đã rời đi tôi mới có thể tập trung kiểm tra hàng hóa. Cửa hàng lại trở về với bầu không khí yên bình.
Tôi đứng sau quầy hóa thân thành một người nhân viên mẫu mực với nụ cười nghề nghiệp cứng đờ. Công việc ở quầy thanh toán lặp đi lặp lại có phần nhàm chán nhưng vẫn có một điểm sáng.
Khi thấy đồng hồ trên tay đã sắp điểm chín giờ, tôi bắt đầu vực dậy tinh thần, mắt trông ngóng nhìn về phía cửa chính; chờ đợi điểm sáng của công việc xuất hiện.
Đúng giờ như thường lệ, điểm sáng của công việc bước vào từ cửa chính. Đó là một người phụ nữ ở độ tuổi hai mươi, có vẻ nhỏ hơn tôi. Cô ấy có vóc dáng hơi gầy nhưng vô cùng khỏe khoắn. Thêm vào đó là mái tóc vàng bạch kim đặc trưng vô cùng hút mắt.
Cô ta bước qua tôi và tiến thẳng vào khu kệ hàng. Cô ấy luôn tỏa ra cảm giác lạnh lùng và nghiêm túc, tôi chưa từng thấy cô ấy mở miệng nói chuyện với ai quá hai câu cả.
"Vẫn hâm nóng và thanh toán bằng thẻ đúng không ạ?" Tôi cầm trên tay chiếc sandwich được cô ấy thả xuống quầy thanh toán, dù miệng đang hỏi nhưng tay đã bắt đầu bỏ nó vào lò vi sóng và mở thanh toán thẻ.
Mỗi khi đến đây cô ấy đều mua đúng một loại sandwich và uống đúng một loại trà. Bọn tôi đã ngâm đi ngâm lại tuồng thanh toán này một năm nay rồi.
Khi thanh toán xong và nhận lại chiếc sandwich nóng hổi, cô gái liền đi đến khu ăn uống, lấy laptop ra bắt đầu làm việc.
Lý do tôi quan tâm đến cô nàng kia thật ra cũng khá nực cười.
Cô ta giống hệt với nữ chính trong tiểu thuyết của tôi, Violet. Như thể Violet trong tâm trí tôi đã đạp lên những con chữ lạnh băng trong màn hình để hóa thành con người có da thịt và máu nóng.
Hơn nữa, tôi phải thừa nhận rằng cô ta có một nhan sắc rất ấn tượng, với khuôn mặt thuộc về trang bìa những tạp chí làm đẹp. Đặc biệt là đôi mắt xám như màu của màn sương lạnh giá - thứ duy nhất khác với Violet trong trí tưởng tượng của tôi.
Chỉ cần nhìn cô ta tôi lại có thể liên tưởng đến Violet và làm sống lại những cảnh trong tiểu thuyết, từ đó công việc cũng đỡ nhàm chán. Thậm chí cô ta còn cho tôi cảm hứng và nhiều ý tưởng phát triển nhân vật, đúng là một điểm sáng trong cả hai công việc.
Ngắm nghía con gái nhà lành xong tôi lại quay về với chuỗi công việc vô vị; thanh toán, hâm nóng, sắp xếp hàng và dọn dẹp bàn ghế. Công việc đơn giản lặp đi lặp lại tuy nhàm chán nhưng lại mang đến cảm giác an toàn.
Cho đến khi một sự kiện kinh hoàng phá hủy sự yên ổn mỏng manh của tôi.
Chẳng biết từ đâu vang lên một tiếng hét thảm thiết vang lên. Sau đó là âm thanh va đập mạnh làm rung động mặt đất, rồi thì tiếng bánh xe thắng gấp cào cấu lấy mặt đường.
Nhìn qua lớp cửa kính về hướng ngã tư huyên náo, một chiếc xe tải đã đâm thẳng vào cửa hàng bên kia đường.
Tôi chỉ nhận ra khi từng tiếng gào thét đau đớn tát vào mặt, rằng chiếc xe tải kia vừa vượt đèn đỏ với tốc độ khủng khiếp và tông thẳng vào làn người ngược xuôi qua đường.
Chỉ trong chớp mắt, mặt đường xanh đen lạnh cóng bị phủ lên một lớp màu đỏ tanh nóng. Những "mảnh vụn" vương vãi khắp nơi, một số còn bắn lên vỉa hè ngay trước cửa hàng tiện lợi. Những người không bị biến thành mảnh vụn thì cũng tê liệt trên bể máu loang lổ.
Những người khách ngồi gần cửa kính giật bắn người dậy rồi hét toáng lên. Một số người quay ngoắt mặt về nơi khác, che miệng cố kìm nén, có người trực tiếp đứng dậy chạy khỏi cửa hàng. Vài giây sau các vị khách ngồi ở tầng trên cũng bắt đầu chạy xuống, mặt ai cũng trắng bệch.
Những hình ảnh ghê rợn cứ thế len lỏi vào đầu tôi, để lại dư vị đắng chát mà lại quen thuộc. Tôi không thể di chuyển. Mặc cho dòng người đang đổ xô ra bên ngoài cửa hàng, mắt tôi chẳng thể rời khỏi chiếc xe tải đã biến dạng. Tôi đứng đờ ra như một bức tượng cho đến khi âm thanh inh ỏi của xe cứu thương và xe cảnh sát vang lên.
Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ cứ thế lắng xuống, nhưng lại thêm một bất ngờ nữa ập đến.
Tôi nghe tiếng gào rú, nhưng lần này là từ bên trong chiếc xe tải. Cánh cửa xe tải bị đâm biến dạng đang mở tung, bên trong thò ra một thứ dị dạng, một cánh tay không còn nguyên hình. Cánh tay mất đi màu da người mà trở nên thâm đen với những đốm kỳ lạ, các ngón tay vặn vẹo chĩa về nhiều hướng khác nhau. Mỗi khi cánh tay vùng vẫy thì tiếng rống lại vang lên.
Cả cánh tay vùng vẫy lẫn tiếng gào vừa rồi có lẽ là do người tài xế. Nhưng đầu xe tải đã bị đâm thành đống sắt vụn, không lý nào tài xế vẫn còn sống và có đủ sức vùng vẫy như thế.
Hơn nữa cánh tay dị dạng đó không giống như thuộc về con người. Càng giống như-
"-Ực." Tôi nuốt xuống hai từ “xác sống” nghẹn ứ trong họng. "Chắc có lẽ là loại virus dại như trên tin tức nói thôi, chỉ là bệnh dại thôi.”
Tôi lắc đầu để phủi bỏ suy nghĩ rối ren. Bỗng tình cờ tôi như lạc vào màn sương mù lạnh lẽo khi chạm mắt của vị khách tóc bạch kim.
Cô ấy vẫn đang ngồi yên chỗ cũ, tuy nhiên sắc mặt lại không tốt lắm. Gương mặt cô ấy đã đẫm mồ hôi còn vai cứ nhấp nhô thở dốc. Nhưng những thứ đó đều không thể làm lu mờ đi ánh mắt sắc bén cô ánh hướng về tôi.
Ánh mắt vị khách như xuyên thấu hết tâm cam làm tôi lạnh gáy. Tôi bỏ chạy khỏi ánh mắt ấy, trốn vào nhà vệ sinh.
Bên trong nhà vệ sinh yên ắng hơn bên ngoài. Những suy nghĩ hoang đường cứ thế đâm chồi nhiều lên chứ chẳng nguôi ngoay chút nào dù tôi đã cố rửa chúng đi bằng dòng nước lạnh.
Tôi biết những dấu hiệu đó, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và diễn tả chúng vô số lần trong khi viết tiểu thuyết. Những thông tin về dịch bệnh và tai nạn gần đây cũng khiến tôi lung lay. Dù lý trí đã cố bảo tôi bình tĩnh nhưng đâu đó trong tôi, bản năng đang không ngừng báo động.
Vì còn phải làm việc nên tôi trở ra quầy chỉ sau chốc lát. Người phụ nữ tóc bạch kim đã đi mất, lượng khách hàng cũng lần lượt giảm đi. Chỉ còn lại tiếng còi báo động inh ỏi bên kia lớp cửa kính và tiếng bàn tán của những người đồng nghiệp bên cạnh.
Mãi cho đến khi người quản lý xuất hiện trước mắt thì tôi mới tỉnh táo lại. Chú ấy thở hồng hộc, mồ hôi ướt cả lưng, có lẽ chú ta đã nghe tin mà vội chạy đến. Nét mặt chú ấy lúc xanh lúc vàng, có vẻ đống "mảnh vụn" ngoài kia cũng làm chú ấy sợ.
"Ơn trời,... cửa hàng không bị gì hết." Người quản lý dù hụt hơi nhưng quay đầu kiểm tra xung quanh trước khi nhìn tôi. "Cô không sao chứ Hilda, có ai bị gì không?"
Những người đồng nghiệp chỉ ấp úng lắc đầu, không ai muốn nói gì thêm.
Tôi ngập ngừng lên tiếng, "Chiếc xe tải chệch bánh sang phía bên kia đường, cửa hàng không bị ảnh hưởng gì cả. Nhưng khách về hết rồi."
"Vậy là quá may mắn rồi." Chủ quán lý vuốt ngực để bình ổn hơi thở, "Mọi người dọn dẹp cửa hàng đi. Hôm nay chúng ta đóng cửa sớm."
Người quản lý bắt tay vào phụ việc dọn dẹp bàn ghế. Chú ấy rất nhanh nhẹn dù có một thân hình khá tròn trịa và còn hụt hơi Chưa kể chú ấy cũng rất tốt với nhân viên và công bằng trong việc thưởng phạt. Không thể tin được một người có năng lực như vậy lại sắp bị Betty thay thế.
Ai cũng tiến vào trạng thái chạy nước rút. Chỉ mất mười phút là mọi thứ đã được dọn dẹp xong. Chú quản lý khóa cửa và dặn dò chúng tôi cẩn thận trên đường về.
Đến khi nhận ra thì chỉ còn mình tôi ngoài vỉa hè. Chiếc xe đạp của tôi không bị ảnh hưởng gì. Tôi leo lên xe một lúc mà vẫn do dự không muốn chạy đi. Ngoài đường vẫn đông đúc cảnh sát và nhân viên cứu hộ. Tiếng còi inh ỏi khiến tôi chẳng thể tĩnh tâm suy nghĩ được.
Tôi nên về nhà sao? Hay là...
"Bình tĩnh, hít thở sâu vào, cứu hộ đến rồi."
"Này, mau mau giữ chặt cô ấy xuống."
"Agghhh!" Tiếng phụ nữ gào lên như muốn xé rách cả phổi.
Tôi không nhịn được quay đầu nhìn về hướng vụ tai nạn. Cách tôi chỉ độ trăm bước, một người phụ nữ trẻ trông có vẻ như là nạn nhân của vụ đâm xe đang lên cơn co giật. Các cảnh sát và nhân viên cứu hộ thì bao quanh cố giữ chặt cô ấy nhưng vô dụng.
Xung quanh có rất nhiều đèn xe và đèn cứu hộ, chúng như ánh đèn sân khấu đang phơi bày sự kinh hoàng của vụ tai nạn. Nhờ vậy tôi có thể thấy rõ mọi chi tiết, nước da người phụ nữ dần thâm tím lại, cách mạch máu trên cơ thể căng phồng ra dị thường. Những dấu hiệu của dịch bệnh đã rõ mồn một.
Tôi cứng người, tim cứ như bị ai siết chặt. Cảm giác bất an cứ trào dâng trong lòng.
Cuối cùng khi người phụ nữ bị mang đi, tôi mới lấy lại nhịp thở. Lần này tôi đã để sự sợ hãi chiến thắng bản thân. Chân tôi bắt đầu đạp xe, tay lái run run vội vã.
Tôi sẽ không về nhà.
1 Bình luận