Trời quang mây tạnh, trăng chiếu trên ao.
Giữa lòng nước tĩnh lặng phản ánh nguyệt quang rọi xuống nhân gian hữu tình, thơ mộng huyền bí khiến lòng người không khỏi dao động.
Người mẹ ngồi ngoài hiên nhà, bên cạnh cây nến mờ ảo trong đêm trăng. Tay vá tay khâu lại cái khuy áo sơ mi dưới cái nhìn tù mù vàng vọt từ ánh nến. Tay bà run run nhưng hãy còn khéo, được một lúc là cái cúc áo nằm gọn gàng trên áo.
Hôm nay trời xui quỷ kiến kiểu gì mà lại mất điện thêm lần nữa. Dân đến là khổ.
Mấy ngày trời nắng nóng, chẳng quạt kiếc gì trong cái thời tiết cháy bỏng đốt da đốt thịt trong cái tiết trời nóng khủng khiếp ấy, nhưng cũng chẳng khiến bà buồn lòng vì gia cảnh nghèo nàn của mình là bao, bởi vì hôm nay là ngày vui khiến mẹ thư thái hơn hẳn, thi thoảng còn ngâm nga vài câu hát ngày xưa, cái thời còn thuở thiếu nữ đang yêu.
Ngay đó bóng dáng của Thảo bước ra khỏi cửa.
Từ trong bóng tối cậu đi lại gần mẹ, bước chân gần như là lặng lẽ mà nhẹ nhàng.
Nhìn tấm lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi, như thể người đon gánh giữa ngày hè nóng nực khiến người ta trùng lưng cúi xuống. Điều ấy khiến cậu chàng đang chênh vênh giữa cái tuổi còn nửa trưởng thành nửa chưa trưởng thành cảm nhận một cảm giác buồn tủi sâu sắc.
Anh ngồi xuống bên cạnh mẹ, lấy quạt tiêu trên tay phe phẩy cho người phụ nữ tần tảo vì con trai rồi cất tiếng nhẹ nhàng như âm thanh suối chảy.
-Sao không để sáng rồi hẵng khâu vậy u?
Mẹ cười đáp trên gương mặt trải dài những đường nét phai tàn của tuổi trung niên.
-Thôi, khâu lại cúc áo cho học sinh đỗ đại học thì tôi phải làm ngay chứ để ngày mai còn phải lo việc khác nữa.
Thảo cười trừ nói:
-Nhưng u ơi, mắt của u đã mờ, tay u thì run. U phải biết thương mình trước đã, như thế là đã thương con lắm rồi.
Thảo đặt tay giành lấy cái áo sơ mi về tay. Khuy áo đã khâu được một nửa, những đường chỉ vẫn chuẩn xác nhưng đã không còn nhanh. Sau cậu cũng xin luôn bộ kim chỉ về mình.
Ấy nhưng nét mặt người mẹ thấy thế liền phát hoảng lên mà giằng bộ kim chỉ lẫn cái áo về. Bà oang oang ngay.
-Anh bỏ tay ra ngay, con trai con nôi phải làm việc to việc lớn, chứ làm mấy cái chuyện may vá của đàn bà con gái làm gì? Huống gì lại còn là sinh viên Hà Thành tương lai nữa, cái này mà để bàn dân nó biết thì biết để đâu cho hết nhục.
Thảo nghe vậy cũng chẳng lấy làm lạ nhưng lại thấy thật buồn lòng khi nghe lời mẹ nói. Thậm chí đã nhiều lần giận dỗi trước lối suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu của nhiều người ở thôn quê. Tuy vậy, anh vẫn nhẹ nhàng gạt tay mẹ sang một bên rồi dúi cái quạt tiêu cho mẹ mà ân cần nói.
-Thôi u ạ, thời nào rồi mà u còn giữ cái suy nghĩ ấy. Bây giờ đàn ông có thể làm việc đàn bà, mà đàn bà cũng có thể làm việc của đàn ông. Kể cả có là sinh viên Hà Thành thì cũng phải ăn phải uống như bao người khác. Huống chi bây giờ chỉ có trời cao trăng sáng thì mình nhục với ai được hả u?
Mẹ nhăn mặt lấy làm không hài lòng miễn cưỡng nhận cái quạt tiêu.
-Anh chỉ có giỏi mồm, giỏi miệng thôi. Để tôi nói anh nghe này, ba đời nhà mình làm quan. Nếu không phải do xa cơ lỡ vận, thầy anh còn sống thì cũng chẳng rơi vào cái cảnh bần hàn cố nông này đâu. Chỉ khổ cho anh thôi, đỗ bảng trạng mà chẳng thể làm cỗ làm tiệc. Với cả tiếc cho thầy anh chẳng còn mà để nhìn anh đỗ đạt.
Nói đến đây mẹ lại rơm rớm nước mắt buồn thủi thui mà phe phẩy cái quạt tiêu cho người con trai.
Số phận mạt kiếp thế nào lại để mấy cụ thân sinh nhà ba của Thảo chết. Khi đó ba còn hẵng ở nơi xa không có tin tức. Nhà chỉ có đàn bà cùng đứa con đỏ hỏn lay lắt tại nơi quê nhà. Mấy người họ hàng, anh em không biết ác ôn thế nào lại giành lấy hết quyền thừa kế đất đai, tiền bạc rồi đẩy hoàn cảnh hai mẹ vào chốn cùng cực ở cái nhà mái ngói cũ nát này, không đồng không bạc, không bóng dáng người đàn ông trong mái ấm gia đình. Mẹ phải thắt lưng buộc bụng, cố rắt nước vào trong mà địu con làm thuê làm mướn khắp chốn khắp nơi để có cái ăn cái uống, để lo cho cái thứ đứt ruột đứt gan này có thể lớn lên thành người.
Rồi khi nó lớn bà lại phải chạy đông, chạy tây. Vay mượn khắp nơi khắp xó để có thể có tiền để mà lo cho Thảo đi học, để làm sao cho con nó có cái chữ cái nghĩa bằng với người ta, để cho con mình được ngày nào đó thoát khỏi cái cảnh khốn cùng nghèo nàn rách nát này.
Thảo biết nhưng anh chỉ có thể thở dài mà lặng lẽ chấp nhận số phận hiện tại. Mái nhà ngói phủ đầy những thứ rêu phong mụn nhọt, cây cột trong nhà thì bị đục lỗ chỗ. Bao quanh bởi bức tường trát vôi đang dần mục mòn bởi sự phong hóa. Đây chẳng thể gọi là nhà nếu chính căn nhà lại đem tới cảm giác đầy nguy hiểm.
Thảo lại càng thương mẹ hơn.
Cậu càng phải cố gắng, cố thoát khỏi cái cảnh cùng quẫn này.
-Thôi, u vào trong nhà nghỉ ngơi cho khỏe người, cả ngày nay u đi làm cũng hẳn đã mệt lắm rồi.
Mẹ thở dài:
-Tôi biết rồi, anh có lòng thì tôi cũng xin dạ xin vâng.
Rồi mẹ đột ngột thay đổi cách nói chuyện:
Nhưng mà Thảo này, sắp tới đi xa rồi nhớ giữ gìn sức khỏe nhé con. Hà Thành lắm trò vui cái thú, nhiều lời mê hoặc phù phiếm, mà đã là ham mê thì nó khó cưỡng lắm nên mẹ cũng chỉ mong con giữ mình sao đừng xa đà quá mức. Tập chung vào học hành cho nên thân nên người con ạ, sau này còn có cái để mà làm kế sinh nhai cho đời nó bớt khổ đi. Mẹ chẳng cần con phải thành ông này bà kia, chỉ mong con không còn phải chạy vạy từng bữa, không còn ở dưới mái nhà dột nát, ngày ăn ba bữa, không nợ nần ai hết, lấy vợ sinh con, thế là xong một đời người trọn vẹn. Chỉ thế thôi con ạ.
Thảo nhìn mẹ nở nụ cười tươi sáng mà đến cả đôi mắt mờ vẫn nhìn thấy. Cậu gật đầu đáp:
-Vâng con biết rồi. U vào nhà nghỉ ngơi đi.
Nhìn bóng lưng mẹ bước vào trong nhà, cậu thu bộ kim chỉ và cái áo, dập tắt cái nến đang cháy rồi bước vào nhà.
-Việc này không để ngày mai, nhưng có những thứ đáng trân trọng bây giờ hơn là những việc mà ta có thể làm ngày mai.
Thế là ánh trăng chiếu xuống dần bị một đám đen che phủ đi...
-0-0-0-0-
Trong bóng tối, sương mù phủ rợp trời.
Bóng sương nguyệt ẩn hiện sáu lớp mây mù, gió trời thổi thoang thoảng lướt qua như làn sóng gợn.
Tại gian phòng trọ đang xảy ra một cuộc ẩu đả.
Bên trong một thanh niên trai tráng tung đấm giáng thẳng vào mặt một người gầy gò xanh xao, tóc tai bơ phờ. Bị đấm đau tới chảy máu, người gầy gò ngã ngục ra sàn nhà, năm cơ giãy như con cá mắc cạn.
-Mẹ kiếp, quân chó đẻ nhà mày.
Thanh niên quát kẻ gầy gò.
-Tao không ngờ mày lại đem cái thứ đốn mạt khốn nạn ấy vào đây. Tao đã bảo mày bao nhiêu lần rồi hả Sơn? Mày có muốn chơi đồ ở chỗ khốn kiếp nào thì mặc xác mày nhưng tốt nhất đừng có mà mang cái thứ ma túy khốn khiếp đó vào chỗ ở của tao.
Sơn quằn quại dưới nền đất, không nói lên lời. Nửa phê nửa đau khiến đầu nó chẳng nghĩ nghĩa được cái khốn nạn gì hết. Cho tới tận lúc bị túm lấy cổ áo lôi bổng rồi dí sát vào mắt một túi zip chứa chất màu trắng thì cái đầu u mê, mù mẫm đó mới bắt đầu sực tỉnh mà bắt cái tay với lấy cái túi zip. Nhưng chưa kịp đụng thì đã bị hất ngược lại xuống đất một cách thô bạo, đầu đập xuống xà nhà, choáng váng thêm lần nữa.
-Khốn nạn nhà mày. Lại còn muốn lấy, mày biết cái thứ này đã lấy mạng của biết bao người không hả? Nếu không phải là do cô Tâm thì tao đã mặc xác mày từ lâu rồi. Nhưng thế này là quá giới hạn rồi.
Sơn gấp ngoải cố đáp lười khàn khàn đến khó nghe:
-Mày không hiểu, mày không hiểu gì hết đâu Thảo...
Nhưng lời này nghe thật chướng tai gai mắt, nhìn cái bộ dạng hết cứu này của thằng Sơn khiến anh nghiến răng nghiến lợi lại quát.
-Hiểu cho cái gì khi mày là một thằng nghiện ngập, khi mẹ mày đang nai lưng ra nuôi mày ăn học ở quê để cho mày ở đây chơi mấy thứ đồ nguy hiểm. Đây là cách mà trả ơn cho mẹ mày đấy hả?
Thảo nhăn trán, nhăn mặt.
Anh với Sơn là hai người cùng tỉnh, cùng huyện, cùng xã lên Hà Nội. Vì tình thân làng xã, xóm giềng cộng việc mẹ Sơn là bà Tâm đã từng giúp đỡ rất nhiều với nhà anh. Vậy nên khi biết Sơn và Thảo đang ở chung với nhau, cô Tâm đã gửi vài lời nhờ cậy anh quan tâm tới thằng con du thủ du thực của mình sao cho nó tránh xa cái xấu.
Mà nói tới Sơn thì cũng buồn lòng nhiều. Là một người giỏi giang, hiểu biết, nhưng Sơn lại chẳng chú ý gì đến việc học hành mà lại thích thú chơi bời lêu lổng, kết bè kết phái với đám du thủ du thực. Lại thêm cái tính sĩ diện hão đời. Không gì là không thử, từ ăn cắp, ăn trộm, hút thuốc, cờ bạc và bây giờ là đến ma túy. Y đã không biết bao lần báo cha báo mẹ ở dưới quê, dù đã được Thảo can ngăn nhiều lần nhưng Sơn vẫn ngựa quen đường cũ mà lặp đi lặp lại sai lầm đến hết lần này cho tới lần khác.
Cho tới bây giờ anh đã chịu hết nổi rồi.
Nó chẳng lấy làm hối cải trước những điều mình làm hay tỏ ra một chút ân hận vào chính cha mẹ mình.
-Chứng cứ ở đây, tao sẽ báo công an. Gông cổ mày vào trại cai nghiện! Cho mày sáng mắt ra!
Nghe thấy thế Sơn phát hoảng mà lồm cồm bò dậy ôm chân giọng khẩn khoản cầu xin.
-Đừng Thảo ơi. Bỏ qua cho tao lần này đi, mẹ tao mà biết ngã bệnh ra mất, nhà tao khó khăn quá, bây giờ mà còn bị bắt lên trại cai nghiện tao không sống nổi mất.
Nhưng đáp lại là ánh mắt hung hãn của Thảo, anh hất cẳng đạp cái tay bấu víu kia ra. Đã bao lần thằng đốn mạt này đã dùng chiêu, dùng trò lấy mẹ ra làm cái bùa thí mạng để lấp liếm cái sai cái xấu của nó. Anh đã từng cảm thông, đã nhiều lần mềm lòng với sự thương cảm khi hoàn cảnh của cô Tâm chẳng khác mấy nhà anh là bao, cũng là gia đình cố nông mong muốn đời con mình thay đổi, cố gắng có được cuộc sống thoải mái.
Tuy nhiên cũng chỉ vì những lần dung tâm hạ ý đó đã giết chết cuộc đời thằng Sơn. Với tấm lòng sắt đá, anh hạ quyết tâm không thể để nó nằm ở cái vũng lầy không đáy đó nữa.
-Đừng có cố nữa, tao nói rồi. Đây là cách duy nhất, cách tốt nhất cho mày, mẹ mày, và cả tao nữa.
Rồi anh bỏ đi không quay lại, nhưng không biết rằng từ lúc thằng Sơn cầu xin, nó đã lẳng lặng lấy con dao nho nhỏ nó dắt trên người ra, với ánh mắt hung ác nhìn Thảo đầy thù địch.
Sau đó lẳng lặng chầm chậm tiến sát lại, sau đó con dao đâm thẳng vào tấm lưng không phòng bị, máu chảy róc rách vùng tiếng la lớn.
Thảo nhăn mặt quay lưng lại, mắt long sòng sọc nhìn thằng khốc nạn này. Anh đạp nó một phát khiến nó ngã lăn quay ra đất, sau đó sấn sổ lao tới nhưng lúc này Sơn đã vớ được lên tay cái cán chảo. Hắn dùng nó phang thẳng vào đầu Thảo khiến anh choáng váng ngã phục xuống.
Chưa dừng lại ở đó.
Thằng khốn nạn này. Vẫn còn tiếp tục đập cái chảo xuống đầu Thảo nhiều phát, máu me be bét, não sọ tứ tung tám phương bốn hướng. Cho tới khi cơ thể Thảo cứng đờ và ngừng long lên những đợt cuối trước khi lặng hẳn với đôi tay thả ra.
Cho tới lúc chết.
Thảo nhớ đến mẹ mình. Một nỗi buồn kinh khủng. Lời hứa còn chưa được thực hiện mà đã vong mạng tại đây.
Và anh đã ước:
Nếu phép mầu tồn tại, hãy cho anh cơ hội thứ hai để hoàn thành lời hứa về một cuộc sống yên bình.
-0-0-0-
-Thật là một cái chết thảm khốc. Tội nghiệp cho cậu chàng ấy. Hãy giúp cậu ấy hoàn thành ước nguyện của cậu ấy đi lão già.
Một bà già tóc trắng lơ thơ nói.
-Giúp thế nào được, bung bét ra thế kia thì giúp thế nào được.
Lão già hằn học đáp. Lão thật sự chẳng thích tính cách của bà già là bao.
-Ồ thưa lão già đáng quý tôi ơi, chỉ là sự giúp đỡ cho một linh hồn nhỏ nhoi mà thôi. Chưa kể chúng ta đang còn nợ thân sinh cậu ta một ân tình đấy.
Bà già từ tốn đáp.
Lão già chẳng đáp chẳng rằng chỉ cảm thấy phiền. Nhưng ân tình thì vẫn cần được trả. Lão ngoặc người đáp đầy miễn cưỡng.
-Giúp thì giúp. Nhưng sau việc này tất cả những điều xảy ra sau đó đều hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của chính cậu ta. Và đây là tất cả những gì ta có thể làm cho cái ân tình tai hại mà hai ta đã nhận.
Bà già cười hiền từ, vỗ vỗ vai lão già.
-Phải thế chứ cái đồ quỷ già này.
0 Bình luận