Gửi tới: mùa Thu
THU RỰC
Thu chớm qua chút bụi phấn trắng của trái hồng giòn, còn vương trên đầu ngón tay An sau khi nếm đủ vị ngọt chát đan xen, thấy đọng lại phần chát nhiều hơn phần ngọt. Ngày bé An thích ăn hồng giòn vì thời đó loại hồng trứng chín nẫu, mềm dai phổ biến hơn, chỉ tới mùa Thu mới vòi vĩnh Mẹ mua cho vài trái hồng giòn hoặc lựu đỏ. Giờ khi đủ khả năng tự mua cho mình bao nhiêu hồng giòn tùy thích,thì An lại nhớ quay quắt trái hồng đỏ cam hơi nứt ra vì chín mềm và hạt nhiều hơn thịt quả, trái hồng mà Nội chắt chiu giữ lại cho đứa cháu gái về thăm quê.
Hồi ức có lẽ là gia vị nêm cho thức ăn sự ngon miệng trường tồn với thời gian. Thứ mà chỉ có ăn ngay thời điểm đó, làm bởi một người nào đó, gắn với sự kiện nào đó, mới ngon lành tuyệt vời. Thứ mà dù hiện tại có giống hệt vẫn chẳng nếm ra được vị ngon của sự mãn nguyện tròn vẹn.
Thu vừa chớm mà như Thu đã vãn.
An lia mắt từ cửa sổ giảng đường nhìn xuống chút phấn trắng trên đầu ngón tay, dùng giấy lau vội nó đi rồi phủi phần vỏ hồng vào miếng khăn giấy. Vừa làm xong thì cũng kịp lúc cậu bạn cùng bàn thả ba lô xuống ghế bên cạnh, Nhựt phủi phần tóc mái vương hơi sương rồi cất giọng ồ ồ.
“Sáng nay cô Châu lại nhờ Trợ giảng hỗ trợ thay nên tụi nó ai cũng đi trễ, sao mày đi sớm vậy?”
“Tao thức sáng đêm, nên đi sớm luôn.”
“Cày game à?”
“Vẽ tranh”
“Vẫn muốn chuyển ngành hả?”
“Không, vẽ cho nhớ tao thích gì và quên thứ tao không thích lắm nhưng phải học thôi.”
“Ha!”
Nhựt thở hắt ra như ông cụ, ra chiều đăm chiêu suy nghĩ lắm, nhưng An biết cậu bạn chưa hẳn hiểu sự lựa chọn rối rắm của An, với việc bản thân thích một thứ nhưng vẫn chấp nhận làm một thứ khác, chỉ là với tư cách bạn bè thì Nhựt thấy mình nên “hiểu”. Thực ra An cũng không thấy bản thân có gì cần cảm thông, vì An biết lựa chọn hiện nay rất tốt, bởi giữa thứ mà An thích nhưng không giỏi và thứ mà An có thể giỏi nhưng không thích lắm, thì phạm trù “không thích lắm” có thể điều chỉnh được. Người ta thường sẽ mất dần cảm giác yêu mến khao khát với những điều đã nắm trong lòng bàn tay, nên đôi lúc thứ không đạt được đó sẽ là liều thuốc kích thích thần kinh cho những mỏi mệt của thực tế.
Sau cặp kính cận không độ, mà theo lời chính chủ là tăng thêm phần tri thức cho vẻ ngoài sắp đáp máy bay sang quốc gia mang tên “Lông Bông” của cậu bạn,Nhựt lại lầm bầm về việc Trợ giảng đến trễ. An nhìn cậu bạn rồi đưa mắt ra khoảng sân có bức tường trồng hoa giấy đối diện Giảng đường, nhác thấy bóng Trợ giảng đạp giày cao gót chạy vội về phía này, tự nhiên thấy buồn lạ lùng, Giảng viên dạy môn này bệnh ung thư giai đoạn cuối rồi. Đây cũng là tiết cuối cùng của môn học này, sau đó thì có lẽ dù là An hay Giảng đường này cũng sẽ không còn thấy sự hiện diện của cô Châu nữa.
“Tao thấy lo cho Yên ghê…”
Yên là con trai của cô Châu,Nhựt là gia sư tiếng Anh của cậu bé.Thật là một vòng quay liên hệ rối rắm.
Một đời người nói nhanh thì như mùa Thu chuyển Đông cây hồng ra trái, nói chậm thì cũng như mùa Thu chuyển Đông cây hồng rụng rơi đón mùa lạnh. Thật kì lạ và cũng thật đúng đắn. Bởi lẽ trong tiết trời Thu đã dập dờn sẵn mùi vị của mùa Đông sắp tới, sự tàn lụi.
LỬA ĐẬU CÀNH
Cô Châu là Giảng viên môn Tài Chính Quốc Tế, tài giỏi và có gia đình hạnh phúc, đó là ấn tượng của đại đa số bạn học của An, còn với riêng An thì còn thêm ấn tượng khó tính và độc đoán nữa.
Mâu thuẫn giữa người với người đôi khi mang tính thành kiến cá nhân và được điều khiển bởi cảm xúc nhiều hơn lý trí, nhất là đối với những cá thể cùng giới tính, nó không phải là kì thị giới đâu,mà thực tế mâu thuẫn thường dễ lên men rồi bùng nổ khi ta có sự tương đồng và hiểu rõ về mặt sinh học hoặc đôi khi là cảm xúc. Chuyện sẽ không có gì là to tát nếu An không phải là người hiếu thắng và luôn có cảm xúc mâu thuẫn về việc lựa chọn ngành học, nhất là khi cô Châu đặt ra một câu quá thực tế đánh thẳng vào An giữa buổi thuyết trình.
Em có thực sự tìm hiểu về nội dung hay chỉ đọc theo phần trình chiếu nhóm cung cấp?
“Dạ em nghĩ là do em nói hơi dài dòng nên cô thấy hơi rối, để em rút ngắn lại…”
Thời điểm đó cô Châu bỗng ngước mắt lên từ góc cuối giảng đường, nơi cô ngồi nghe thuyết trình, nhìn lên bục giảng An đang đứng, cái nhìn xoáy sâu và mắt An. Chừng như chán phải đôi co vì đã gần hết thời gian cho các nhóm khác, cô hơi nhấn giọng.
“Thôi được, nội dung cô đánh giá cao nên sẽ cho điểm đạt, riêng An thì lần kiểm tra sau em nên cố gắng gỡ điểm nếu không muốn rớt môn này. Được rồi, nhóm tiếp theo!”
Sự bẽ bàng và chua chát xâm chiếm An tức khắc, thực tế là An không hiểu nội dung thật, vì suốt quá trình làm bài nhóm An chỉ tìm tài liệu, việc tổng hợp do một người khác còn An sẽ thuyết trình, nên cô nói rất thực tế, nhưng đôi khi thực tế chính là viên đạn bắn tan nát vào phần cảm xúc của người nhận. Phần bị nát ấy rơi xuống, bao phủ trong sự chua chát bẽ bàng, và rồi lên men.
Tuy nhiên thứ cảm xúc lên men ấy chưa kịp thành hình hoàn chỉnh thì sự xuất hiện của cô trên Giảng đường vơi dần, và được thay thế bởi Trợ giảng. Ở một môi trường mà sự đồng hành của Giảng viên và Sinh viên chỉ kéo dài vài tín chỉ, thì sau đó An không gặp lại cô Châu một thời gian dài, môn học cũng kết thúc rồi, thế là mọi chuyện vẫn diễn ra đều đều như vậy, mùa Thu thì vẫn thế và thời gian thì trôi qua vùi lấp tất cả.
Nhưng sự giao thoa và gặp gỡ giữa người với người đôi khi trùng lặp một cách kì lạ. Một buổi sáng cuối tuần khi An đang dọn dẹp trước sân cửa hàng họa cụ mình làm thêm, thì gặp cô Châu đang mua hoa gần đó. Sau ngần ấy thời gian, cô vẫn mang dáng hình đầy kiêu hãnh, nhưng có lẽ bệnh tật đã ăn mòn đi sức sống của cô, mọi thứ cứ như chiếc đèn kéo quân dưới ánh sáng ban ngày. Bạn biết rồi đó, đèn kéo quân thật rực rỡ và huyền ảo về đêm, đó dường như là ánh sáng tuyệt vời nhất, nhưng khi ánh nắng ló dạng thì đèn kéo quân lại không còn là ánh sáng duy nhất nữa. Trong một tích tắc phân vân giữa đến chào cô và quay đi, thì bóng dáng cô Châu đã khuất sau làn xe cộ đông đúc. Một giọt mưa phùn mùa Thu phất qua ngọn cây Chò Nâu, theo gió lướt qua gò má An rồi đọng lại vũng nước dưới vỉa hè.
Bầu trời và tán lá xanh in hằn lên làn nước hình cung của vũng nước, trên nắp cống kim loại đen tuyền, kì lạ là dù nó nằm ở nơi dơ bẩn bụi bặm như thế nhưng hình ảnh mà nó phản chiếu vẫn mang màu xanh trong nguyên bản.
Phải chăng vẻ đẹp luôn vẫn thế, dù nó ở nơi cao như trời hay thấp như đất? Tự nhiên An thấy chạnh lòng và xót xa, không phải cho cô, không phải cho bản thân, mà là cho những gì tốt đẹp đang phai tàn. Giữa muôn ngàn sinh linh có mấy ai sống được theo ý mình, là An cũng thế là cô Châu cũng vậy, thậm chí là cậu bạn tưởng chừng vô tư là Nhựt đi nữa.
Mối liên hệ giữa cô Châu và Nhựt có lẽ còn bắt đầu sớm hơn trước khi cả hai gặp nhau tại giảng đường, khi Nhựt kèm những buổi học đầu tiên cho cậu bé có cái tên dịu dàng nhưng cá tính mạnh. Sau này khi cô Châu dần ít xuất hiện ở giảng đường thì Nhựt cũng không còn làm gia sư cho Yên nữa. Nhìn cái cách cậu bạn năng động của mình dần trở nên trầm lắng dần sau khi không còn liên lạc với cô Châu và Yên, An lờ mờ cảm nhận được một vài điều gì đó.
Nhựt mang đầy đủ nét hào sảng và vô tư của một chàng trai Tây Nguyên, cậu bạn cao ráo nhưng làn da lại trắng một cách kì lạ so với nơi cậu sinh ra. Xung quanh cậu bạn luôn bao phủ một luồng năng lượng tích cực và bất quy tắc, giống như cái tên “Nhựt” mà cậu bạn được đặt cho. Đáng ra cậu bạn sẽ tên là Nhật nhưng có lẽ Ba cậu thấy cái tên ấy hơi bình thường, nên chọn tên Nhựt. Với người miền Nam có cách phát âm hơi khác biệt thì khi đọc lên Nhật hay Nhựt đều nghe giống nhau, mọi thứ chỉ khác biệt khi được viết ra. Người ta luôn nói cái tên phản ánh một cuộc đời, nó có lẽ đúng một phần nào đó với Nhựt. Mang một hình thức giống đại đa số nhưng có cách thể hiện riêng biệt. Suốt hai năm đầu Đại Học An vẫn luôn phân vân với vẻ ngoài và tính cách ấy nhưng chưa bao giờ thấy Nhựt có bạn gái, mãi tới tận khi những cuộc nói chuyện giữa cả hai tràn ngập cái tên Yên thì dường như mọi thứ đã có đáp án.
Trong một vài cuộc chuyện trò vu vơ của cả hai, Nhựt luôn bất chợt có những câu hỏi về bản ngã, mà kết thúc luôn là những bỏ ngõ cả hai chưa thể phân định. Về yếu tố con người hay tình bạn, An thấy việc Nhựt có những khác biệt so với quy chuẩn mà xung quanh đặt ra không to tát. Nhưng cũng giống như cách Nhựt không rõ ràng sự băn khoăn của An về đam mê, thì An cũng như thế về cách Nhựt đối diện với bản ngã của cậu.
Những trăn trở như trái Hồng rực đỏ đậu nơi cành khô rụng hết lá, sự kiên nhẫn và một chút thuận lợi sẽ là một trái Hồng tươm mật ngọt ngào, nhưng chỉ cần một chút bất cẩn thì chỉ còn dư lại vị chát đắng của “sự chưa hoàn thiện” mà thôi.
Trước hiên nhà Nội của An có một cây Hồng cổ thụ, An thường thấy hình dạng xanh tốt cao lớn của nó nhiều hơn vì mùa Hè mới có thể về quê chơi, tới mùa Hồng thay lá kết trái cũng là thời điểm An tựu trường. Mãi tới tận ngày Nội mất vào một mùa Thu heo may, thì An mới thấy được hình dạng cây Hồng mà Nội chắt chiu từng trái gửi cho An bước vào mùa thay lá. Chẳng phải thật mâu thuẫn sao, khi mọi cố gắng tới kì kết quả thì cũng là lúc sự lụi tàn bắt đầu, dùng gần như cả quãng dài để xanh tốt chỉ đề héo khô và trơ trụi lại những “đốm lửa” tròn vo đậu nơi cành lá.
Gió heo may cuốn theo vụn lá cây Hồng khô héo, bay lên cao một chút rồi vút ào xuống nền đường, tụ lại cùng những chiếc lá khác. Lá khô được vun thành từng cụm rồi đốt, mùi hăng hắc nóng bỏng quyện trong cái sắc lạnh cứa vào từng lỗ chân lông khiến người ta lạnh lẽo còn đôi mắt thì cay nhòe. Cuối mùa Thu, trên thế gian này lại vừa lụi tàn một đốm lửa, cô Châu đi vào một tối muộn bên ô cửa sổ đóng kín.
NGƯỜI THẮP MỘT LÀN KHÓI, TA VẼ MỘT ĐỐM LỬA
Đối diện cổng sau và sảnh phụ trường An có một mô hình quả Chò Nâu rất lớn, mở rộng ra xung quanh là một đài phun nước nhỏ, nơi An và Nhựt vẫn hay thảo luận về việc tại sao lại gọi là Hoa Chò Nâu khi đáng ra nó chính là quả Chò. Mãi về sau này, An có được nghe một cái tên thật hay ho mà Yên gọi Chò Nâu: “Vũ Công Mùa Gió”. Kì lạ làm sao, người ta có đôi khi chưa từng gặp mặt một lần, nhưng lại có những mối liên hệ thân thiết và tỏ tường. An đã rất mong gặp Yên một lần, nhìn thật kĩ cậu bé yên tĩnh nhưng mạnh mẽ mà Nhựt thầm thương,cậu bé mà có lẽ sẽ giống người khiến An có những cảm xúc mâu thuẫn là cô Châu.
An đã mường tượng rất nhiều về việc được gặp Yên sẽ ra sao, nhưng không ngờ lần đầu tiên gặp Yên lại là khi phải tiếc thương cho sự ra đi của một con người. Cậu bé cao và gầy một cách kì cục, với khuôn mặt đượm nét dịu dàng và mái tóc xoăn nhẹ, duy chỉ có đôi mắt sâu hun hút một màu nâu ngã vàng dưới ánh mặt trời là giống cô Châu. Bỗng dưng An nhớ về lời Nội từng nói ngày bé, trong những câu chuyện trò rời rạc qua điện thoại.
“Cây Hồng lại thay lá, trái trĩu cành…Nội có cất cho An một thùng rồi…Cây Hồng vẫn sống mà An, qua năm sau nó lại xanh tốt cả thôi…Đợi Hè An về là xanh um tha hồ leo cây.”
À đúng rồi nhỉ, đời người hay đời cây đều thế. Một vòng tuần hoàn của sinh trưởng và lụi tàn. Cây Hồng có sự kế thừa từ trái ngọt, con người lại có sự kế thừa từ yêu thương. Qua một mùa Đông lạnh sẽ lại tới mùa Xuân, như cái cách Yên thủ thỉ với Nhựt và An qua làn khói nhang mù mịt.
“Mẹ nói rằng đã sống vui và đủ đầy, có lẽ đôi lần sai lầm nhưng con người là thế,mùa cũng là thế. Mẹ nói em đừng buồn, nhưng em khóc nhiều lắm.”
“Anh rất tiếc – Nhựt thầm thì một cách buồn bã”
“Không sao đâu, Mẹ nhắc anh với lớp nhiều lắm.”
“Cô có thấy buồn vì lớp không điều gì không Yên?” – An hơi ngước mắt lên nhìn cậu bé.
“Không chị ạ, Mẹ chỉ thấy tiếc vì chưa kịp dẫn dắt mọi người hoàn chỉnh. Mẹ cũng khuyên em theo đuổi điều em thích để không phải hối tiếc điều gì.”
An hơi ngẩn ra rồi gật nhẹ đầu, vươn tay nhận lấy một phần nhang từ Yên, qua làn hương khói mù mịt nhìn lại nụ cười của cô Châu. Sự an toàn có khiến An thỏa mãn, niềm đam mê có khiến An đủ đầy? An không rõ, nhưng ngay khi cơn gió mùa Đông vừa kéo qua ngọn đèn đường ngoài hiên nhà cô Châu, An thấy mình cần phải chuẩn bị “hạt giống” cho vụ gieo trồng mùa Xuân. Khi Hạ qua, Thu tới, có lẽ mùa màng của An sẽ bội thu, có lẽ không, nhưng rồi mùa vụ khác tới An sẽ có kinh nghiệm từ thất bại mà.
Có một câu chuyện thế này,vùng núi Ozarks thuộc Mỹ có cách đoán định mùa Đông sắp tới ra sao rất kì lạ. Họ cắt một trái hồng đều đẹp và chọn ra một hạt mẩy nhất, cắt hạt theo chiều dọc rồi nhìn phần nhân bên trong. Nếu phần nhân hạt mang hình chiếc nĩa thì mùa Đông năm đó sẽ ít lạnh, hình chiếc thìa thì sẽ ngập tuyết, và hình dao thì sẽ thật giá lạnh khắc nghiệt.
Trên bàn học của An, cạnh bức tranh loang màu có một trái Hồng còn xanh được cắt đôi, rải rác xung quanh là hạt hồng, và ở cạnh chiếc dao nhỏ là một hạt Hồng được cắt xẻ gọn gàng. Phần nhân hạt có hình chiếc nĩa…
Mọi câu chuyện đều đang tiếp diễn, một kết thúc là chưa có cho An, Nhựt hay Yên. Nhưng hãy vững tin rằng mọi người đều đang trên một hành trình tìm kiếm đúng đắn. Còn bạn thì sao, có băn khoăn đam mê như An, vô định về bản ngã như Nhựt hay là mất mát như Yên? Dẫu ra sao, thì hãy luôn vững tin nhé.
0 Bình luận