Tập 01. Vận mệnh thay đổi
Chương 02. Nốt trầm trong cuộc đời
0 Bình luận - Độ dài: 3,942 từ - Cập nhật:
Vâng, trước mặt tôi đây chính là ngôi trường mà tôi đã gắn bó được bốn năm. Nơi đây gợi lại cho tôi những kỷ niệm không mấy tốt đẹp.
Những ngày tháng cô độc ngồi trong lớp học. Tôi lạc lõng giữa 36 thành viên của lớp và bị bỏ lại trong những tiết học nhóm, các hoạt động lớp được tổ chức khi mà tôi bị gạt qua một bên.
Tôi vẫn nhớ y nguyên những ánh mắt đó... Chúng nhìn tôi với sự khinh bỉ. Những tiếng rì rào tựa như một cơn mưa xung quanh tôi và những lời nói lạnh lẽo như gió đông cắt sâu trong tim.
Những người mà tôi coi là “bạn” hồi tiểu học dần quay lưng lại với tôi. Như một nốt trầm trong cuộc đời, từng tiết học trôi qua mang đi bốn năm của đời người và mang đến những nỗi sầu bất tận.
Sau khi hồi tưởng một lúc lâu, nhận ra mình không thể đứng đây lâu hơn được nữa, tôi từ từ bước vào cổng trường.
Đi vào khuôn viên sân trường rộng rãi trải dài, với ba dãy nhà tạo thành hình chữ U đặc trưng mà gần như ở trường nào cũng có.
Ở trước dãy nhà chính giữa là chiếc bục phát biểu với mái vòm bao bọc bên trên và một chiếc màn hình trong suốt với kích thước khổng lồ được gắn ở phía dưới mái vòm.
Các biểu ngữ của đảng và nhà nước hiển thị trên những bức tường, hình ảnh của bác Hồ ở trên cao phía trước toà nhà chính giữa, bên cạnh biểu tượng búa liềm của đảng.
Xung quanh khuôn viên là những bộ bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn với những chiếc máy bán hàng tự động ở ngay bên cạnh, những hàng cây xanh thắm trải dài ở hai bên dãy nhà đang che đi những ánh nắng vào buổi sớm.
Những con robot hình tròn di chuyển xung quanh để dọn dẹp sân trường, vài ba máy giám sát đang bay trên trời nhằm bảo vệ an ninh trật tự kèm theo đó là camera có gắn ở các ngóc ngách khác nhau.
Vậy là bốn năm học của tôi ở đây đã kết thúc.
Quan sát xung quanh một lúc. Trong khuôn viên hiện giờ ngoài những con robot ra thì còn có một vài người đang tập thể dục xung quanh, nhưng nhìn chung thì quanh đây khá là vắng vẻ.
Mới có 7 giờ 30 phút, có vẻ như tôi đến khá sớm. Còn 30 phút nữa cho đến khi lớp tập trung đông đủ, chắc có lẽ tôi sẽ thong thả từ bây giờ cho đến lúc đấy.
Tôi tiến tới cái ghế gần đó. Mua một chai nước ngọt từ máy bán hàng tự động bên cạnh, tôi lấy chiếc thẻ cá nhân của mình ra và đưa tới gần cái máy quét được gắn trên đó, tuy trong thẻ không có quá nhiều tiền nhưng cũng đủ để tôi tiêu xài ở một mức độ nào đó.
Ngay khi đưa chiếc thẻ lại gần máy quét, một màn hình hiển thị xuất hiện, trên đó là các loại nước khác nhau với đủ loại vị cho tôi chọn.
Sau khi đã chọn xong loại nước muốn uống, trên điện thoại tôi hiện ra thông báo ghi rõ số tiền bị trừ khi mua nước và số tiền còn lại trong tài khoản của tôi, tôi cất chiếc thẻ vào túi quần và tiến tới ghế ngồi cùng với chai nước.
Đó là một bộ bàn ghế được gắn liền nhau với cái bàn hình tròn được đặt ở giữa, trung tâm chiếc bàn có gắn cái ô che lấy cả bộ bàn ghế và chiếc ghế dài hình chữ C bao bọc lấy chiếc bàn, có một chỗ hở của chiếc ghế để có thể đi vào.
Tôi đặt chai nước ngọt lên bàn và ngồi xuống, mở điện thoại lên mạng xem hôm nay có gì thú vị trong lúc đợi cả lớp.
Sau một hồi ngồi nghịch điện thoại, một ông chú đang tập thể dục quanh đây đi qua liền chào hỏi tôi.
“Ra trường làm gì đây cháu, tưởng cấp hai các cháu được nghỉ hè rồi?”
“Dạ vâng, cháu đến để chụp kỷ yếu với lớp.”
“Ồ! Cháu học lớp chín à?”
“Đúng rồi ông, năm nay cháu ra trường.”
Tôi bỏ điện thoại xuống và nói chuyện đàng hoàng với ông chú.
“Mấy đứa trẻ ranh lớn nhanh thật! Ngày nào ông cũng đi tập thể dục quanh đây mà vèo cái mấy đứa đã tốt nghiệp hết rồi.”
Ông nói với giọng điệu nuối tiếc. Chắc hẳn việc nhìn chúng tôi trưởng thành đã khiến ông nhớ lại thời thanh xuân của mình, việc này cũng khiến tôi có hơi chút buồn khi mà tôi đã không thể tận hưởng cuộc sống cấp hai của mình trọn vẹn.
Trong bốn năm ở đây tôi hoàn toàn cô độc và lạc lõng, tách biệt hoàn toàn với mọi người xung quanh. Tôi chỉ có thể hi vọng rằng lên cấp ba được đối xử bình đẳng và sẽ không phải gặp lại những người học cùng mình hồi cấp hai.
“Thế cháu định học trường nào?”
“Bố cháu tính cho cháu vào trường cấp ba gần đây.”
Cuộc trò chuyện của hai chúng tôi chủ yếu xoay quanh trường lớp, về bản thân và cả về những dự tính của tôi trong tương lai, đôi lúc chúng tôi cũng nói về mấy chuyện khác trong cuộc sống. Tôi cũng hỏi ông chú mấy câu, nhưng chiếm phần lớn trong cuộc trò chuyện là những câu hỏi của ông dành cho tôi và tôi chỉ việc đối đáp lại những câu hỏi đó.
“Bạn của cháu kia à?”
Nói chuyện được lúc lâu thì có vẻ như họ đã tới. Tôi đưa mắt sang hướng ông chú đang nhìn để xác nhận.
Nhìn từ xa thấy một nhóm người đang tụ tập trò chuyện trước cổng trường, họ cười đùa vui vẻ và trêu chọc nhau.
“Vâng ông, bọn nó nó đến rồi.”
Có vẻ như chính là họ, cuộc trò chuyện này có lẽ nên kết thúc tại đây. Ông chú chào tạm biệt tôi và tiếp tục buổi sáng của riêng ông.
Ông từ từ bước ra cổng trường, đi ngược chiều là đám bạn cùng lớp đang tiến vào.
Họ cũng mặc đồng phục để chụp kỷ yếu. Con trai mặc quần dài đen và áo sơ mi trắng, con gái thì mặc áo dài truyền thống với màu trắng làm chủ đạo.
“Ô kìa! Đây không phải là anh bạn cùng lớp của chúng ta sao.”
“Bất ngờ phết, nó cũng đến này!”
Người vừa nói câu nãy là Nam, một người cao ngạo với gương mặt điển trai nổi tiếng nhất lớp. Và Ngân, cô nàng cá tính nổi tiếng với những vụ đánh ghen.
Họ khiêu khích ngay khi nhìn thấy tôi, còn tôi chỉ biết im lặng chịu trận. Với họ tôi chẳng đáng với cái danh người quen, huống chi bạn cùng lớp.
“Thôi nào mọi người, chúng ta đến đây để chụp kỷ yếu chứ đâu phải để vùi dập cậu ấy.”
Nhận thấy bầu không khí căng thẳng, một cô gái lên tiếng đánh tan bầu không khí này.
“Với lại đây là lần cuối cùng chúng ta gặp lại nhau khi còn chung lớp. Đừng để ngày hôm nay thành một ngày đáng quên.”
Đó là Ngọc, hoa khôi của lớp với tính cách nhí nhảnh, mái tóc dài ngang lưng uốn nhẹ. Cô nàng được rất nhiều con trai trong trường theo đuổi.
“Đúng đấy, việc bắt nạt một thành viên trong lớp vào lần cuối gặp nhau chẳng có gì tốt đẹp cả.”
Người còn lại là Oanh, cô nàng có thân hình nhỏ nhắn cột tóc lại sang hai bên. Tuy không quá nổi trội nhưng lại rất đanh đá.
Đây là hai trong số ít người không cô lập tôi, nhưng cũng không thân thiết đến nỗi có thể gọi là “bạn”.
“Thôi được rồi, cũng không nhất thiết phải nói chuyện với nó làm gì.”
Giọng điệu khinh bỉ thốt ra từ miệng Ngân, cô ta nhìn tôi với vẻ mặt khó chịu. Tôi có chút bực bội, nhưng vẫn cố để không biểu lộ ra gương mặt.
“Phiền cậu ra chỗ khác! Chỗ này bọn tôi có việc.”
Tôi cau mày lại, đứng dậy sau câu nói của Nam. Di chuyển ra chỗ khác cùng với cái điện thoại rồi vứt chai nước vừa uống xong vào thùng rác.
Tôi tìm đến cái ghế gần đó để ngồi, mong muốn được tránh xa đám người kia.
Tôi gần như rất ít khi tham gia vào những hoạt động lớp như thế này, trừ khi bị ép buộc. Đây là một trong số lần hiếm hoi tôi tham gia cùng với lớp.
Đối với những người khác, các hoạt động lớp chẳng khác gì một buổi đi chơi giải trí với bạn bè vậy. Những buổi dã ngoại hay đi du lịch cũng thường xuyên được tổ chức để giúp các học sinh thêm gắn kết và kỷ niệm với lớp học. Nhưng với tôi nó chẳng khác gì một hình thức tra tấn tinh thần.
Đợi được một lúc thì có vẻ như đã đông đủ, bóng dáng cô chủ nhiệm bước vào từ cổng trường, kế bên là cô nhiếp ảnh gia. Hai người cười đùa, vui vẻ nói chuyện với nhau.
Cô mặc chiếc áo dài màu hồng nhạt, trên ngực thêu họa tiết cánh sen. Sở hữu gương mặt trẻ trung, cô đeo chiếc mắt kính và để tóc dài ngang vai.
“A! Cô đến rồi!”
Họ hô lên trong vui sướng.
“Cô có biết bọn em phải đợi bao lâu rồi không?”
“Hì. Cho cô xin lỗi nhá, cô bận chút việc.”
Cô khẽ cười và giải thích trước câu hỏi của chúng tôi. Sau đó nhìn qua từng người một, sau khi chắc chắn rằng không thiếu một ai, cô kêu chúng tôi xếp thành hai hàng ngang đứng trước bục phát biểu của trường.
Nữ đứng trước, nam đứng sau, hàng nam chúng tôi đứng trên bậc thang của bục phát biểu. Sau khi xếp thành hai hàng, cô chủ nhiệm đứng vào giữa hàng nữ.
Cô nhiếp ảnh gia đeo chiếc kính ảnh thực lên, rồi từ từ chỉnh các thông số và góc độ chụp. Chúng tôi chỉnh đốn lại tư thế khi cô thông báo bắt đầu.
“Cười lên nào.”
Cô ấy nhấn vào nút bấm trên chiếc kính, bức ảnh cả lớp chụp chung đã được hoàn thành sau vài cú nhấn.
Sau một hồi chụp ảnh dưới sân trường. Có người chụp chung với bạn bè, cô giáo, những người thân thiết với họ, người thì chụp riêng với quang cảnh trường lớp, những cặp đôi yêu nhau lưu giữ lại kỷ niệm.
Rồi cả lớp di chuyển từ sân trường lên lớp học, được trang trí sặc sỡ sắc màu và mở sẵn điều hòa.
Mọi người cười đùa, vui vẻ bước vào lớp học. Tôi ngồi cô độc trên chiếc ghế, ngắm nhìn Hoa Phượng vĩ đỏ tươi. Xung quanh tôi là những kẻ cố hạ thấp người khác để nâng giá trị của bản thân.
Buổi chụp kỷ yếu kết thúc khi cô chủ nhiệm đưa cho chúng tôi những tấm hình của ngày hôm nay.
Do chỉ chụp đúng hai lần, một lần dưới sân trường và một lần trên lớp, nên tôi cũng chỉ nhận được duy nhất hai tấm ảnh. Trong khi những người khác còn chụp cả những tấm của riêng họ.
Nhìn bọn họ cười đùa vui vẻ, tôi cất đi hai tấm hình rồi chuẩn bị ra về.
“Tuấn!”
Ngay trước khi rời đi, một tiếng gọi bất ngờ khiến tôi dựng đứng lên. Tôi ngoảnh đầu lại, đứng sau tôi là cô chủ nhiệm.
“... Gì vậy cô?”
“Em vẫn thế nhỉ, năm cuối rồi đấy! Không biết sau này mấy đứa có còn gặp lại nhau nữa hay không.”
Vậy càng tốt, việc phải gặp lại những người không coi tôi ra gì cũng không mấy vui vẻ. Tôi im lặng và để cô tiếp tục cuộc nói chuyện.
“Không phải ai cũng cô lập em trong cái lớp này đâu, em biết mà đúng không. Trước ngày chụp kỷ yếu có một số bạn nhắn tin với cô bảo rằng, các bạn ấy muốn em góp mặt trong ngày hôm nay.”
Ý cô đang nói đến những người như Ngọc và Oanh. Đúng là có những người đã chủ động làm thân, giúp đỡ tôi những lúc gặp khó khăn. Nhưng thực tế, họ cũng chỉ đang nhìn tôi với ánh mắt đáng thương mà thôi và tôi thực sự biết ơn họ.
“Vâng... Như cô thấy, em vẫn đến dù không có sự can thiệp từ cô.”
Nhưng lần này tôi đã thực sự muốn tới đây để đánh giấu kết thúc bốn năm cấp hai của mình. Dù thật mừng khi khoảng thời gian đó đã kết thúc nhưng trong lòng cũng có chút nuối tiếc.
“Vậy ít nhất em cũng phải ở lại một lúc để tạm biệt các bạn chứ.”
“...”
“Tối nay lớp tổ chức tiệc chia tay, cô đã gọi điện cho bố em rồi đấy.”
“... Vâng cô.”
Tôi chẳng thể làm gì khác ngoài gật đầu đồng ý, rồi từng bước ra về.
Vậy là tối nay, thay vì ăn cơm với một con mọt rượu thì tôi lại phải ăn cơm với những kẻ giả tạo, không biết nên vui hay buồn nữa.
Trên con đường từ trường về đến nhà. Tôi lấy ra hai tấm hình vừa mới nhận, đây có lẽ là kỷ niệm duy nhất của tôi với bọn họ.
Chăm chú nhìn tấm hình một lúc. Trên đó là những gương mặt ngây ngô tuổi học trò, ai cũng nở một nụ cười trên môi, riêng tôi đứng một góc và làm nét mặt nghiêm túc. Lúc đó tôi tưởng thế là ngầu, nhưng giờ nhìn tôi chẳng khác gì hề chúa.
Trái tim rung lên, một nụ cười nhẹ xuất hiện trên môi tôi lúc nào không hay. Tôi từ từ cất hai tấm ảnh đi.
Đúng vào lúc này! Lại một lần nữa... Khung cảnh từng người một chết hiện lên trước mắt tôi.
Những gương mặt quen thuộc với tôi và cả những người mà tôi chưa bao giờ gặp... Từng người trong số họ ngã xuống, họ bị chém đứt đôi cơ thể, những lỗ đạn chằng chịt khắp người, in sâu trong da thịt tử thi là vết cắn xé của quái vật. Những gương mặt ngây ngô chỉ còn là những cái xác vô hồn không chút biểu cảm, ánh mắt đó... Chúng cứ nhìn chằm chằm vào tôi.
“AAA!”
“Tôi không muốn chết...”
“Tránh xa tao ra!”
“Lũ khốn khiếp!”
“Cứu tôi với... Làm ơn.”
“Còn lại nhờ cậu...”
Tiếng la hét thảm thiết trong đầu, thì thầm bên tai tôi là những lời trăn trối cuối cùng.
Tay run cầm cập, mồ hôi chảy dài trên má nhưng không phải do cái nóng của mùa hè, mà là do sự sợ hãi và hoảng loạn.
Hai tấm ảnh trên tay rơi xuống đất, tôi từ từ lùi lại phía sau lấy tay bịt tai rồi nhắm mắt lại. Cho đến khi những âm thanh đó nhỏ dần rồi vụt tắt, những hình ảnh trong đầu dần biến mất.
Tôi nhìn xung quanh rồi chậm rãi tiến về phía hai tấm hình, nhặt nó lên và quan sát lúc lâu. Vẫn là những gương mặt ngây ngô cùng với biểu cảm hí hửng đó.
“Phùu.”
Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi cất đi hai tấm hình.
Sau khi đã bình tĩnh lại. Giấc mơ khi mới tỉnh mộng thoáng qua đầu tôi, tôi chợt nhớ ra ảo giác khi tôi ra khỏi nhà.
“Liệu... Có khi nào, những gì mình thấy là điềm báo?”
Hoặc cũng có thể là tôi đang mắc một căn bệnh tâm thần nào đó cũng nên.
Bước qua từng ngôi nhà, con phố, từng con đường. Trong khi tôi vừa đi vừa suy nghĩ về điều đó, thì trước mặt là một lão già say xỉn đang ngồi nói lảm nhảm mấy thứ vớ vẩn, bố bên cạnh đang hút thuốc lá điện tử trong con xe chở hàng đậu trước sân, bà thì đang ngồi xem tivi trong nhà.
Tạm gác lại vấn đề sang một bên. Nếu hiện tượng này diễn ra ngày càng nhiều, tôi có thể tìm đến bác sĩ.
Bỏ qua sự hiện diện của ông tôi, tôi tiến thẳng vào trong nhà. Bố có vẻ đã nhận ra tôi.
“Chào bố!”
“Hôm nay thế nào?”
Bố bỏ vape xuống và nói chuyện với tôi. Dù không nói với ông nhưng có vẻ như bố tôi biết hôm nay tôi đi chụp ảnh kỷ yếu.
“Ừmm... Khá là thú vị.”
“Tối nay lớp tổ chức tiệc chia tay, mày đi không để bố đưa đi.”
“Bố thấy sao?”
“Mày học hay bố mày học?”
Tôi có chút lưỡng lự trong việc này, nhưng dù gì thì đã đồng ý với cô nên không còn cách nào khác...
“Chắc là có ạ.”
“Thế sửa soạn đồ đi, tối bảy giờ bố con mình đi.”
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của hai bố con kết thúc.
Tôi đang nghĩ đến việc ghé thăm mấy cửa hàng quần áo vào chiều nay, có mấy bộ đồ đã khá cũ và không mặc vừa, thì bà gọi cả nhà vào ăn cơm.
Người mong chờ điều này nhất chắc có lẽ là ông tôi.
Khi mâm cơm được dọn ra trên bàn ăn. Bữa ăn được chế biến từ thịt thực vật, có kèm rau và canh, đi kèm theo đó là một chai rượu trên mâm.
“Mời cả nhà ăn cơm.”
Lặng lẽ thưởng thức bữa ăn. Vang quanh đây là tiếng thời sự phát ra từ chiếc tivi ba chiều, cùng với những lời nói không ngớt gây khó chịu từ ông tôi.
“Chậc, giới trẻ ngày nay! Thuần phong mỹ tục ném vào sọt rác rồi hay sao?”
Bà nội, một người bảo thủ đang chỉ trích những gì mà bà cho là sai trái theo góc nhìn của bà.
Trong căn phòng khách là một gia đình với bốn người chung một mâm cơm, nhưng chỉ có ba người ăn, ông nội với chai rượu trên tay, lảm nhảm về thời trẻ làm sát quái nhân của mình.
Tôi ghét ông ta... Ghét ông nội tôi.
Dẫu trong cơn say ông ta luôn nhắc đến tên tôi, như một cách để thể hiện tình cảm dành cho cháu đích tôn của ông.
“Đúng cháu ông có khác!”
“Tuấn! Con là cháu đích tôn của ông...”
“Ai dám động đến cháu tao! Biết tay tao. “
Nhưng... Tôi thì không, tôi sẽ không bao giờ dành tình cảm cho con người này, và sẽ không bao giờ thừa nhận ông ta.
Những kẻ ăn hại như ông ta nên biến mất.
Bố chỉ lẳng lặng ăn rồi đứng dậy, bà thì cáu gắt nhắc nhở ông, nhưng vẫn để cho ông uống như một cách để lão chết nhanh hơn vậy, một gã nghiện rượu không đáng để nói chuyện.
Tôi ngồi một bên, chứng kiến mọi chuyện trong mười bốn năm qua, từng tư tưởng ngấm dần trong tôi. Tôi sẽ sống, theo cái cách mà tôi được dạy!
Sau khi cho hết bát đĩa vào máy rửa bát. Vẫn còn khá buồn ngủ, tôi lên phòng bật điều hòa rồi nằm ngủ đến 3 giờ chiều.
Lần này khi tôi tỉnh dậy, may mắn thay... Không có chuyện gì xảy ra.
Tôi đứng dậy khỏi giường với tâm thế thoải mái. Nhìn xuống dưới nhà, bố đã đi làm cùng với chiếc xe chở hàng, bà đang làm những việc lặt vặt trong gia đình, còn ông thì đang nằm ngủ.
Đêm nào cũng vậy, chỉ có buổi trưa là được yên tĩnh.
Ra khỏi nhà và mang theo chiếc thẻ cá nhân để mua đồ, tôi có thể cảm nhận rõ cái nóng mùa hè vào thời điểm này.
Trong khu đô thị đông nghịt người, với các toà nhà cao tầng bao bọc quanh đây. Các con robot môi trường đang dọn dẹp đống rác thải ra ngày một nhiều trên vỉa hè.
Camera gắn ở khắp ngóc ngách, còn những chiếc máy giám sát bay trên không trung đảm bảo an ninh mà không cần tới cảnh sát.
Một bầu không khí ngột ngạt bao trùm lấy nơi này, mùi hôi thối từ rác cùng những tiếng ồn xung quanh khiến tôi cảm thấy khó chịu.
Đi thật nhanh qua một hẻm tối, những người ăn xin đang lảng vảng quanh đây, mang theo chiếc thẻ cá nhân trên tay. Có một số người tốt bụng đi qua đã chuyển tiền cho họ.
Giờ tôi có hai lựa chọn, cho họ tiền hoặc không. Sau một hồi suy nghĩ, câu trả lời là không.
Tôi đi ngang qua những người đó mà không để lại gì cả.
Thành thật xin lỗi... Tôi không thừa tiền, và số tiền này là dùng để mua đồ.
Bước trên con đường tấp nập xe cộ, nhìn lên là những cỗ xe bay phủ kín cả bầu trời, phía trước mặt là dòng người bon chen nhau, dưới dòng sông Lô là tàu thuyền phủ kín cả mặt nước.
Các tấm áp phích cùng các biển hiệu quảng cáo truyền tải những thông điệp của đảng và nhà nước treo khắp nơi, xuất hiện tràn ngập trên các con đường tôi đi qua.
Vô số cửa hàng, siêu thị đông đúc nằm chi chít xung quanh đây.
Tôi vào một cửa hàng quần áo gần đó, chủ cửa hàng này là một người Nga, cô ấy có chồng là người Việt Nam.
Mỗi lúc mua quần áo tôi hay vào đây, từ bao giờ đã trở thành khách quen của cửa hàng này.
Trước mặt là một gian hàng quần áo với các mẫu mã khác nhau, mỗi loại giá cả một khác được đựng trong một chiếc tủ kính, phía dưới có các nút bấm để chọn kích thước từ S đến XXL.
Tôi còn có thể mặc thử từng bộ trước khi thanh toán.
Sau khi đã chọn xong vài bộ ưa nhìn, tôi liền mang chúng đến quầy thanh toán.
Lại được giảm giá à...
“Cháu cảm ơn.”
“Không có gì, lần sau nhớ đến đây nữa đấy.”
So với những lần khác tôi tới, cô ấy nói thạo hơn hẳn, giọng không còn cứng ngắc như trước nữa mà nói rất tự nhiên. Lần đầu tới đây tôi còn phải dùng ngôn ngữ quốc tế để giao tiếp.
Tôi chào tạm biệt và ra về.
Giờ này đường đã vắng bóng hơn, chỉ còn những bà nội trợ đi mua đồ ăn hay những người mới đi làm về...
Trước khi về, tôi đi vòng quanh đây một thời gian, ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống. Khởi đầu cho sự nhộn nhịp về đêm của thành phố.
0 Bình luận