Tham Vọng Những Loài Hoa
Mì Chính Bò Cạp
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Hồi Hai: Món quà bất đắc dĩ, chị gái vô tư lự và Boeing 777

Chương 4: Đoạn 2: Một quán ăn đúng kiểu

1 Bình luận - Độ dài: 2,359 từ - Cập nhật:

Hồi đại học chưa được sở hữu xe máy hay xe đạp nên hiển nhiên phương tiện di chuyển chủ yếu của tôi là xe buýt. Mãi mới mò được vé tháng ở tít dưới đáy balo, tôi khựng lại khi nhìn thấy tấm ảnh thẻ gắn trên đó. Chính cái bản mặt thư sinh này mà tôi đã bị mấy tên bạn cùng lớp trêu là ẻo lả và yếu đuối suốt mấy năm đại học, còn bọn con gái thì đánh đồng tôi với mấy tay trai làng lúc nào cũng ủ mưu cưa gái phố.

Cũng may cái địa điểm chị Di hẹn gặp mặt nằm ngay gần một điểm dừng trên lộ trình chuyến xe số bốn mươi lăm đi ngang qua cổng trường tôi.

Mãi mới đặt chân lên được xe buýt. Trước đó tôi đã phải đứng chờ ở bến gần nửa tiếng. Chiếc xe đông nghẹt toàn sinh viên làm tôi phải chen chúc mãi mới có một chỗ đứng gọi là tàm tạm.

Cứ tưởng chỉ cần lên được xe, tôi có thể thả lỏng mà bình tĩnh suy xét những gì đã diễn ra lúc này.

Thế nhưng sự thật là cơn ác mộng chỉ vừa mới bắt đầu.

Một lần nữa trong cái cuộc đời khốn khổ của mình, tôi lại được trải nghiệm cái cảm giác địa ngục trần gian là như thế nào. Gần bảy chục con người nhồi nhét trong chiếc hộp kín bưng chưa tới hai mươi lăm mét vuông vào giờ cao điểm. Không khí ngột ngạt, sàn xe nhớp nháp và điều hòa thì chạy lập lờ. Nồng nặc trên xe là hỗn hợp mùi của mồ hôi, nước hoa, khói thuốc lá (vì trên xe đã cấm hút thuốc nên không khó để đoán ra mùi này đến từ đâu) cùng đủ thứ tạp nham khác mà tôi chẳng dám gọi tên – một màn tra tấn khứu giác tàn nhẫn và kinh dị.

Chiếc xe buýt nhích từng centimet trên con đường nội thành nghìn nghịt toàn xe với người. Tất nhiên không thể thiếu đó là bản hòa âm inh ỏi của đủ thứ còi từ tông thấp tới tông cao, cả hồi ngắn lẫn hồi dài. Hơi nóng từ trên phả xuống và từ dưới lòng đường nhựa bốc lên như thử thách giới hạn chịu đựng của bất cứ kẻ xấu số nào phải tham gia giao thông vào giờ này. Chiếc áo ướt nhẹp dính bệt vào da, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, đôi chân mỏi nhừ nhưng tôi chẳng dám cựa quậy gì. Chiếc xe buýt cứ tiến lên một đoạn lại phanh gấp một cái, hành khách nhất loạt nghiêng ngả. Thậm chí nếu không tập trung cao độ suýt chút nữa tôi đã ngã dúi dụi về phía trước vài lần.

Sau gần một tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng thoát được khỏi cái địa ngục trần gian đó. Đặt chân xuống điểm chờ không có mái che, tôi vươn vai hít một hơi thật sâu và cảm nhận từng cơn gió mát rượi phả vào mặt. Sau đó tôi uể oải rút điện thoại kiểm tra lại cái địa chỉ mà chị Di đã nhắn và phải cuốc bộ thêm vài trăm mét.

Đi mãi rồi cũng đến nơi. Đó là một nhà hàng bốn tầng nằm ở con phố nhỏ yên tĩnh phía sau một cây xăng. Mặt tiền đơn giản chỉ có tấm biển lớn màu nâu với vài kí tự đơn giản. Tầng một tòa nhà được thiết kế gồm cầu thang kèm vách kính trong suốt dẫn lên tầng hai. Đi đến cuối ta sẽ bắt gặp màu đỏ tươi tắn của cánh cửa gỗ phỏng theo các bốt điện thoại công cộng ở Anh Quốc đang đóng im ỉm, trên có treo tấm bảng nhỏ với dòng chữ “Open”.

Lúc tôi đẩy cửa bước vào, tiếng chuông báo khách vang lên leng keng. Cô gái mặc chiếc sơ mi đen đứng ở quầy lễ tân đang cặm cụi ghi chép liền ngẩng lên, miệng định nói gì đó, bỗng khựng lại. Nụ cười chực chờ trên môi cũng tắt ngấm, nét mặt cô biểu hiện thoáng bối rối.

Khó hiểu trước biểu hiện của người lễ tân trẻ, tôi quay sang nhìn lại mình trong chiếc gương cao quá đầu người treo gần cửa. Bấy giờ tôi mới ngã ngửa ra. Chiếc áo phông kẻ xanh nhàu nhĩ cùng cái quần gió đen bị thủng một lỗ ở đầu gối và đôi giày bata nát bươm làm tôi trông chẳng khác gì thằng nhà quê mới lên thành phố. Đầu tóc thì rối như tổ quạ, mặt mũi lem nhem, cả người bốc lên một mùi hôi rình. Tất cả sĩ diện chợt bay đi đâu mất, giờ tôi chỉ mong có một cái lỗ nào để chui xuống thật nhanh mà thôi.

Hóa ra, tôi đã từng là một kẻ nhếch nhác và thảm hại tới nhường này. Mà có chỉ đơn giản là “đã từng”? Hay tới tận bây giờ tôi vẫn sống một cuộc sống như ba năm trước? Thê thảm và thất bại.

Đúng lúc đó thì cô gái nọ lên tiếng, có chút ngần ngừ trong lời nói.

“Anh ơi... Cho em hỏi là anh đi một mình hay đi cùng ai ạ?”

Tôi đành thở dài một hơi rồi đáp lại.

“Cô Thiên Di phải không ạ... Anh chờ chút” – Cô lễ tân nhanh chóng thao tác trên máy tính – “Vâng, anh đi đến bàn số hai mươi tám ạ.”

Tôi cảm ơn rồi đi theo chỉ dẫn. Bỏ lại ánh mắt của cô gái đằng sau, tôi nhận ra có một thứ khác mình phải đối mặt.

Bên trong nhà hàng rộng hơn tôi tưởng. Ánh sáng mờ từ những bóng đèn thả chỉ vừa đủ để chiếu sáng tạo nên một cảm giác lung linh. Nhạc jazz không lời phát ra từ chiếc loa treo dọc trên bức tường sơn màu sáng được trang trí bắt mắt. Cạnh lối đi, cứ một đoạn lại xuất hiện một chậu cây nhỏ màu trắng. Đối diện với bức tường là dãy bàn ăn xếp dọc cách nhau bởi các tấm ngăn mỏng trên có đánh số thứ tự. Tôi cứ men theo đó mà đi.

Những chiếc quạt trần cổ Eole quay vù vù tuy không xua được cái nóng mùa hạ nhưng lại đem tới một cảm giác thoáng đãng lạ thường.

Mười.

Mười một.

Mười hai.

...

Sự hồi hộp tăng lên theo từng bước chân.

Ngày hôm nay trong kí ức của tôi, tức thứ Năm ngày 9 tháng Tám năm 2007, sau cuộc điện thoại với đứa em trai, người chị gái duy nhất của tôi đã trở thành nạn nhân trong một vụ va chạm giao thông và qua đời trên đường tới bệnh viện.

Nhưng tại đây, ngay lúc này, điều đó đã không xảy ra.

Tôi đã làm chệch hướng bánh xe vận mệnh.

Không có tai nạn nào cả, nó bị tôi ngăn chặn.

Nghĩa là chị tôi vẫn còn sống, và điều đó phần nào vô tình tác động tới cảm xúc và suy nghĩ của tôi.

Phải công nhận cái cảm giác bồn chồn này thật khó chịu. Tôi như muốn ngạt thở.

Tôi thầm nhủ xem mình sẽ nói cái gì khi gặp chị. Có lẽ đầu tiên là chào hỏi trước, rồi nói chuyện đơn giản, trong khi đó thì cư xử sao cho thật bình thường. Phải, cứ thế mà theo thôi, không việc gì phải khớp cả.

...

Hai mươi lăm.

Hai mươi sáu.

Hai mươi bảy...

Tôi khựng lại trước chiếc bàn ở vị trí số hai mươi tám.

Ở đó có một người phụ nữ trẻ đang ngồi, bên cạnh là ly nước màu xanh biển đang sủi bọt còn vơi nửa. Chân đi đôi bốt xăng đan giả da, cô vận áo len móc bên ngoài chiếc sơ mi xám cùng chân váy chữ A màu đen. Mái tóc ngắn bù xù nhưng vẫn vô cùng duyên dáng. Tay cô đeo chiếc đồng hồ mạ bạc nom có vẻ đắt tiền, mặt kính hướng vào trong. Khuôn mặt được trang điểm nhẹ, cô sở hữu một đôi mắt trông có vẻ lúc nào cũng u sầu.

Hình bóng ấy đã ba năm rồi tôi không còn có cơ hội được nhìn...

Dù tôi đã tới gần, cô vẫn chăm chú trượt cây bút trên màn hình chiếc điện thoại.

Những giọt nước lấm tấm trên thành ly thủy tinh ánh ra một màu xanh biếc.

Tôi muốn lên tiếng nhưng họng cứ nghẹn lại. Đột nhiên tôi cảm thấy hồi hộp tới mức tim đập như đánh trống. Chân tôi bứt rứt, lòng bàn tay thì toát mồ hôi lạnh.

Người mà lẽ ra giờ này nằm lạnh ngắt trong nhà xác, lại đang ngồi sừng sững trước mắt, tôi không cảm thấy căng thẳng mới là lạ.

Mặc dù biết thế, nhưng những gì tôi định nói cứ lần lượt trôi tuột đâu đó, đầu óc trống rỗng không còn lấy một từ.

Thế rồi, chợt nhận ra sự hiện diện của tôi, người phụ nữ đó – chị tôi – chậm rãi ngẩng lên. Chị nhẹ nhàng vẫy tay, kèm theo đó là chất giọng trầm khàn từ tốn.

“Chào Ngao.”

Thật khó mà tưởng tượng...

Hóa ra chị đã trở thành con người trưởng thành và chính chắn như thế này...

“Thật không ngờ ăn mặc lôi thôi nhếch nhách như thế kia mà em cũng dám bước vào đây. Với tư cách là chị của em, chị cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Em trai chị đúng là chẳng còn chút liêm sỉ nào.”

Tôi muốn rút lại lời khen vừa rồi. Ngay lập tức.

Tất cả những cảm xúc rưng rưng trước đó bỗng tụt hết chẳng còn gì, nhưng tôi vẫn chưa đủ bình tĩnh để định hình những lời muốn nói. Tôi đứng đực ra đó một cách vô thức.

Thấy thế chị Di bèn hắng giọng.

“Còn chờ gì nữa mà chưa an tọa đi?”

Nghe vậy tôi cũng chẳng còn cách nào khác ngoài làm theo chỉ dẫn của chị mình. Tôi chậm rãi ngồi xuống vị trí đối diện với chị Di nhưng vẫn giữ nguyên cái tình trạng á khẩu.

Chị Di nheo mắt nhìn tôi đầy khó hiểu.

“Sao thế? Mèo tha mất lưỡi rồi hửm?” Thế rồi chị liền giơ tay lên trước mặt tôi, búng một phát đánh “tách” giống như cách nhà thôi miên hay làm trên phim ảnh.

Cái kiểu châm chọc này đã rất lâu rồi tôi mới được gặp lại.

Sở dĩ tôi không biết phải nói gì là bởi tôi của hiện tại lại đang là tôi của ba năm sau. Từng đó thời gian đủ để khiến phai mờ đi những kí ức của tôi về chị Di, và tất nhiên là về tôi ba năm trước nữa. Dù sao tôi cũng không thể cứ im lặng mãi như thế này. Trước mắt cứ lên tiếng, dù có vô nghĩa, nhưng còn hơn là câm như hến, quan trọng tỏ ra bình thường là được – tôi thầm nhủ vậy.

“À thì...”

“Mà này!” – Chị Di lập tức cắt ngang, mặc kệ việc đứa em trai vừa định mở lời – “Tại sao lúc nãy em lại yêu cầu chị xuống xe làm gì hửm? Nhờ em mà chị phải cuốc bộ đến đây đấy, bây giờ mỏi hết cả chân rồi. Thế nên không có lời giải thích thỏa đáng là không xong đâu đấy.”

Phải rồi, tôi tự nhiên quên mất vự này. Đáng lẽ ra tôi phải dành thời gian để bịa ra một cái lí do nào đó giải thích cho hành động của mình. Bằng không bây giờ bị chất vấn như thế này tôi khó lòng nào mà suy nghĩ thấu đáo được, chỉ sợ lại giấu đầu hở đuôi.

Chị Di khoanh tay trước ngực rồi nheo mắt nhìn tôi một cách hình sự.

“Chị đếm từ một đến mười mà chưa nói là chết đấy. Một... Hai...”

Không xong rồi, lại còn bị giới hạn thời gian như thế này thì biết làm sao?

Chẳng lẽ tôi cứ huỵch toẹt ra cái nguyên nhân thực sự khiến mình có hành động như vậy? Chị ấy chắc chẳng đời nào tin nổi, thậm chí còn coi đó là chuyện hoang đường là cái chắc. Vả lại tôi cũng không chắc nói sự thật có làm ảnh hưởng gì đến dòng thời gian này. Nếu tôi không tác động lên thế giới này, thì chắc chắn giờ này tôi, và cả cái người đối diện kia đã chẳng ngồi đây thong thả như vậy.

Hay tôi cứ im ỉm rồi tìm cách lảng sang vấn đề khác?

Không, làm thế cũng chẳng ích gì. Trái lại nó sẽ làm chị Di càng tò mò hơn và cố moi cho bằng được những gì bản thân muốn biết.

Có khi đành phải bịa ra một câu chuyện nào đó, miễn là nó nghe có vẻ dễ chấp nhận là ổn.

“Tám.” Miệng vẫn đếm, nhưng chẳng biết từ lúc nào chị Di đã không còn lườm tôi nữa. Thay vào đó mắt chị hoàn toàn chú ý vào màn hình chiếc cảm ứng sáng trưng đặt trên mặt bàn.

Mà... cũng chẳng cần đến mức đó – tôi thầm nghĩ.

Thực ra còn một cách.

Phải.

Tốt nhất bây giờ cứ nói thế... thử cũng chẳng mất gì cả...

“Chín.”

Được! Quyết định như vậy!

“Mười! Hết giờ!”

Tôi hít một hơi thật sâu rồi lập tức thở hết ra, và chậm rãi nói tuột hết những gì đang nghĩ trong đầu.

“Lí do là vì nếu em không làm thế, chị sẽ gặp tai nạn vào lúc năm giờ kém mười lăm tại một nút giao cách đây chưa đầy một cây số.”

Bình luận (1)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

1 Bình luận

... Không biết nói gì....
Xem thêm