LỐI VIẾT ĐIỆN ẢNH: ĐỊNH NGHĨA, PHƯƠNG PHÁP, VÍ DỤ, LUYỆN TẬP
Members

Hello, lại là Đại Dương và một bài tip bổ ích cho các tác giả OLN đây. Để nhắc nhở công chúng rằng tôi vẫn còn sống và tuần sau Huyền Thoại Cổ Ngọc sẽ quay trở lại, tôi sẽ giới thiệu một kỹ thuật viết mà mình vô cùng yêu thích, cũng như đã ứng dụng trong tất cả các tác phẩm hiện tại.

 

CINEMATIC WRITING, có thể hiểu là lối viết điện ảnh hay văn phong điện ảnh cũng được. Nhưng chính xác thì nó là cái gì? Thực ra thì chẳng có định nghĩa cụ thể đâu vì viết văn và điện ảnh là hai thứ khác biệt hoàn toàn cơ mà. Tuy nhiên, nếu có thể đem được những tính chất đặc trưng của điện ảnh vào dòng văn, vào câu chữ, tác giả sẽ tạo ra được một bộ phim trong đầu độc giả. Và đó có thể chính là cách hiểu về cinematic writing.

 

Vậy, phương pháp để ứng dụng cinematic writing vào văn là gì? Trước hết, chúng ta hãy tập suy nghĩ như một đạo diễn đã nhé.

 

Yếu tố thứ nhất - Nhân vật trung tâm:

Một bộ phim được cấu thành từ nhiều cảnh phim, tương tự như một quyển truyện có nhiều chương vậy. Và để kể những cảnh phim/chương truyện này, ta bắt buộc phải có một người kể chuyện. Các tác giả hãy chịu khó dành thời gian suy ngẫm xem câu chuyện này kể dưới góc nhìn của ai là hợp lý nhất, tương tự như cảnh phim ấy xoay quanh nhân vật nào vậy.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến ngôi kể và góc nhìn (nếu chưa phân biệt được hai khái niệm này thì xin đọc lại những bài hướng dẫn cũ hơn nghen), số lượng góc nhìn nếu ai dự định viết multi-pers.

 

Yếu tố thứ hai - Góc máy:

Đặc điểm của phim ảnh là câu chuyện được kể bằng nhiều camera khác nhau. Người xem có thể thấy được toàn diện một cuộc chiến lớn hoặc zoom vào một cặp nhân vật đang đối kháng. Người xem có thể thấy được hiện trường vụ án rồi lại tia sang phía một nhân vật đội mũ che mặt vừa lỉnh đi khỏi đám đông.

Trong truyện, góc máy được thể hiện qua ngôi kể. Ai đang là người kể chuyện, liệu anh ta có thấy được/biết được toàn cảnh không hay chỉ quanh quẩn theo giác quan của mình thôi. Vì vậy, cần lựa chọn ngôi kể cho khéo vì ngôi kể của truyện thì nên nhất quán và xuyên suốt tác phẩm.

Khi vào mỗi chương, góc máy sẽ đặt ở đâu? Cùng là cảnh hai người bàn bạc nhưng góc máy có thể đặt trong mắt người A, trong mắt người B, trong mắt một người C hiện diện ở đó, trong mắt một người D đang nhìn lén. Có ai từng xem bức hoạ The Music Lesson của Johannes Vermeer chưa? Hoạ sỹ vẽ một buổi học đàn nhưng lại chọn góc nhìn từ phía sau và ngang hông nhân vật giống như người xem đang cúi xuống và nhìn lén qua khe cửa vậy á. Góc máy sẽ tạo nên rất nhiều hiệu ứng tuỳ theo độ khéo của tác giả.

 

Yếu tố thứ ba — Điểm đứng ban đầu:

Khi mới nhảy vào một chương/cảnh, cần xác định rõ cho độc giả thấy được họ đang ở đâu, họ đang nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy gì,… và họ muốn làm gì. Không có những yếu tố đó thì cảnh sẽ mù.

Ví dụ:

John luôn thích nghe tiếng sóng vỗ bờ. Lần này cũng không phải ngoại lệ. Từ lan can phòng nghỉ của mình nhìn xuống, John chẳng thấy gì ngoại một đại dương đen sẫm loang loáng ánh trăng phản chiếu trên mặt nước. Nhưng tiếng sóng thì vẫn như vậy, đều đặn và trầm tĩnh như đang khuyên nhủ anh vậy. Dang tay hít đầy một bụng mùi gió biển man mát, John với lấy ly rượu nồng bên cạnh. Anh cần một chút trầm lặng của sóng, một chút ấm áp của rượu để chuẩn bị tiết lộ với nàng một chuyện.

Con người ta cảm nhận thế giới qua năm giác quan nên cứ dùng những giác quan đó để nhấn chìm độc giả vào khung cảnh của tác giả nhé. Hay hơn nữa thì có thể cho cảnh tác động ngược lại vào nhân vật. Đó là còn chưa tính đến các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ,… hay các plot device như foreshadow, easter egg,… á. Còn văn ông nào khô như ngói cứ “trời hôm nay xanh, hoa hồng trên tay anh đỏ” thì tôi chịu rồi ạ…

 

Yếu tố thứ tư — Dàn cảnh:

Là một đạo diễn, bạn cũng phải chú ý đến trang phục và đạo cụ của cảnh đó. Hãy mường tượng trước xem căn phòng đó cần bài trí những gì, giấu những gì, đồ vật đặt ra sao, trang phục, trang điểm của nhân vật như thế nào… Điều này sẽ tác động lên xây dựng nhân vật, góp phần hình thành tính cách nhân vật tại một thời điểm nhất định. Rồi ông nào khoái foreshadow hay easter egg thì cũng rất cần cái tư duy dàn cảnh này để cài cắm chi tiết vào.

 

Yếu tố thứ năm — Nhập tâm:

Có ai xem phim đến mấy cảnh nhân vật ở dưới nước thì cũng nín thở theo giống tôi không. Camera thường có thể cho thấy được cảnh và hành động nhưng tâm lý và suy nghĩ thì chúng ta cần một loại camera khác. Bình thường, các tác giả thường lười và đi đường tắt bằng cách nói huỵch toẹt móng heo ra hết là A đang sợ, B đang buồn, C đang cáu. Nhưng nếu tác giả biết ứng dụng “camera tâm lý” thì sẽ quay ra cho độc giả xem tim A đang đập thình thịch thế nào, đồng tử mắt giãn ra, nước mắt chảy trên gò má B ấm nóng thế nào, mặn ra sao, bàn tay C siết lại thành nắm đấm chặt đến nỗi móng tay cấu cả vào thịt thế nào, tiếng răng nghiến ra sao,… tất cả đều có thể quy về camera cả.

 

Tóm lại:

Cinematic writing không phải là kỹ thuật khó nhưng mà ứng dụng thì tốn sức tốn não hơn một chút. Nếu dùng một hai từ để tóm gọn lại kỹ thuật này thì tôi sẽ chọn “nhấn chìm”. Tất cả mọi thứ đều được hình ảnh hoá, âm thanh hoá, 3D, 4D, 5DX hoá để nhấn chìm độc giả vào cảnh chứ không phải vào chữ.

Lợi thế của cinematic writing là hạn chế được info dump vì người kể sẽ “bớt nói” lại mà sẽ “quay phim” nhiều hơn. Thứ hai nữa là tác giả sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn, lên kế hoạch nhiều hơn, viết có chiến thuật hơn nên cũng mau lên tay. Thứ ba là nếu viết tốt thì sẽ dễ khiến độc giả cảm tác phẩm của mình hơn.

Nhược điểm là mệt, lâu, và mệt lắm ạ!

 

Vậy thôi xin hết.

Hẹn gặp mọi người vào thứ tư tuần sau và thứ tư các tuần sau nữa nghen!

5 Bình luận

816213601022377985.webp?size=44&quality=lossless Veri kul. Rate tác giả 11/10 còn bài viết thì Đậm chất điện ảnh/10.
Xem thêm
TRANS
Quá tuyệt vời, quá bổ ích. Cảm ơn thầy nhiều lắm
Xem thêm
Thử ngay cho nóng. 🤪
Xem thêm
AUTHOR
Tks đại ca, e đã trộm đc kha khá kiến thức mới.
Xem thêm
ADMIN
TRANS
Ngon, bổ, miễn phí 😋
Xem thêm