“Flop” quả thực là một cơn ác mộng với những tay bút ngày đêm háo hức muốn chia sẻ câu chuyện của mình đến với mọi người. Thử tưởng tượng mà xem, bạn bỏ ra hàng tiếng đồng hồ gõ chữ, đổ mồ hôi công sức, ngón tay rã rời và cột sống thì chưa bao giờ là ổn. Bạn viết truyện trong năm tiếng chỉ để người đọc thưởng thức nó trong năm phút, nhưng thế là quá đủ để bạn vui, vẫn còn hơn là không có ai thèm đọc. Tôi tin đó là cảm nhận chung của rất nhiều người.
Lan man một chút như vậy bởi vì anh bạn LG đã hỏi tôi và muốn biết vì sao truyện của hắn lại flop ia. Bình thường thì tôi cũng không muốn đi chầu mồm vào một cái vấn đề nhạy cảm như vậy, vì thú thực tôi không phải chuyên gia. Nhưng nếu bạn hỏi thì oke, tôi quyết định dành thời gian đọc truyện để nghiên cứu phân tích hộ LG, đồng thời review địa điểm du lịch này luôn. Xin lưu ý đây không phải một báo cáo học thuật, hãy coi nó là thuần giải trí thôi.
Nào, không lề mề nữa. “Game On!”
Có rất nhiều lý do để một bộ truyện bị flop ngay từ ban đầu: bìa không thu hút, tóm tắt không khơi dậy được trí tò mò, PR kém, hay chỉ đơn giản là quân tử không click bait, … (cái này thì đúng mịa rồi bạn tôi, thời buổi nào mà tên truyện còn đặt mỗi hai chữ? Hai dòng xem nào?) Ẹ hèm, vui thôi đừng tin thật.
Đầu tiên, bìa không thu hút? Sai, phải nói là bìa của game on có đầu tư, có đẹp. PR kém? Vậy thì lại càng sai, nói gì thì nói mảng PR chính là thế mạnh được đầu tư kinh khủng nhất của LG, ai quen hắn chắc đều biết hắn có một đội ngũ cây nhà lá vườn vừa đông vừa nguy hiểm, thủy quân lấp đầy Xích Bích. Và vụ tên truyện thì tôi chỉ đùa bên trên thôi, một kẻ treo đầu dê bán thịt chó như tôi không có tư cách phán xét, đồng thời cũng không khuyên ai làm theo. Miễn tên truyện truyền tải được trái tim của bộ truyện là đủ.
Cho nên cái đầu tiên mà tôi muốn chỉ ra, đó là phần tóm tắt. Mọi thứ đều ổn và khơi dậy được sự tò mò của tôi cho đến đoạn:
“Dần dần lộ ra những bí mật về sự thật đằng sau kẻ tổ chức trò chơi. Lý do họ thực sự ở đây không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Vén màn vụ án nhiều năm về trước và những thí nghiệm lên con người.”
Tôi hiểu tác giả muốn nhá hàng một chút bằng đoạn trên. Nhưng với những người hay để ý như tôi thì nó sẽ sớm là một thảm họa. Cái này tôi sẽ nói đến kĩ hơn khi chúng ta đi tới đó, còn hiện tại chỉ cần nhớ vậy là đủ.
Sau khi đã lướt qua cái vỏ bên ngoài, tôi sẽ mổ xẻ nội dung bên trong cho đằng ấy cùng xem luôn.
Tại sao Game On lại flop, là vì thể loại truyện kén người đọc ư? Tôi dám khẳng định là không! Thể loại trò chơi sinh tử đã không còn hiếm thấy gì, và mức độ thành công của chúng cũng đã được tuyên bố một cách đanh thép qua những tác phẩm “Trò chơi cơn đói”, “Alice ở đất vùng biên”, “series Ma sói”, “Kaiji”, “Như là chúa muốn” hoặc gần đây nhất là “Trò chơi con mực” đình đám. (ai nhận ra hết những phim này nào?). Nếu liệt kê cả các đầu manga nữa thì có mà đến sáng mai không hết!
Tóm lại, thể loại game sinh tồn không hề kén khách, nên không thể vin vào đó mà bào chữa được, chưa nói đến có khi nó đáng lẽ phải là thứ dùng để hút khách ấy chứ.
Cứ cho rằng phương tiện truyền thông khác nhau (ở đây là dùng con chữ, thiếu sự minh họa sống động) khiến hiệu quả đạt được không như mong muốn đi, thì nó cũng chẳng phải điều gì to tát. Chưa kể trường hợp “trò chơi cơn đói” còn có gốc từ sách mà ra.
Vậy thì vấn đền hẳn phải tới từ bản thân nội dung câu chuyện, và đúng thế thật! Để làm rõ được quan điểm này, tôi sẽ xét đến ba khía cạnh chính.
- Nhân Vật:
Nhận xét chung của tôi, tác giả làm khá ổn trong mảng này. Hắn đã nắm được những cái cốt lõi khi xây dựng nhân vật. Có mục tiêu rõ rang, có vấn đề của riêng bản thân, có sự phát triển trong suốt quá trình, và có sự liên kết lẫn nhau dù là thù địch, sự yêu mến hay là vì máu mủ.
Dù vẫn có những lỗi lầm lớn nhưng nó không đến mức khiến cho mọi thứ sụp đổ.
Điểm đầu tiên tôi muốn chỉ ra đó là “không có chất Việt”. Các nhân vật được giới thiệu đều là người Việt, có những cái tên rất Việt, nhưng chỉ đến thế mà thôi. Từ cách nói chuyện của họ qua các câu thoại, đến thái độ ứng xử của các nhân vật từ chính đến phụ đều không mang lại cho tôi cảm giác đồng hương. Tôi có thể thay tên toàn bộ bọn họ bằng những cái tên nước ngoài mà không hề ảnh hưởng gì đến trải nghiệm đọc truyện.
Mục đích tác giả chọn dùng tên Việt là gì? Vì muốn thiết lập bối cảnh dựa trên xứ sở Đông Lào này? Không, vì rất nhanh thôi đám nhân vật sẽ bị bứng đến khuôn viên tổ chức của trò chơi kia mà không còn ở Việt Nam nữa? Thế thì là vì muốn khiến những nhân vật đó có được sự thân quen với những độc giả người Việt ư? Cũng không nốt như tôi đã nói ở trên.
Mục đích cho hành động này không có, vậy tên Việt để làm gì, again? Đáng lẽ cái chất Việt trong nhân vật phải là thứ dễ làm nhất, chỉ cần tự liên hệ đến bản thân và những người xung quanh là được. (Trừ khi tất cả người xung quanh bạn đều là wibu). Nhưng thôi, nó không đến mức đạp đổ thiết lập của truyện như tôi đã nói ngay từ đầu. Do đây không phải một bộ Sol chú trọng tương tác qua thoại và các tình tiết thường nhật, cũng không hề dựng bối cảnh tại Việt Nam. Nên ít nhất tác giả đã không phá hỏng hình tượng quê hương xinh đẹp của tôi. Thật may vì đám người ngoại quốc biết nói tiếng Việt này đã bị bứng đi nơi khác trước khi tôi kịp căng. Phiên phiến đi vậy.
Thứ hai, đám nhân vật này quả là một lũ dị nhân. Thật, kì nhân dị sĩ từ đầu chí cuối. Trừ những nhân vật tỏ ra lập dị ngay từ đầu nhé, tôi chỉ sẽ nói đến đám người có vẻ là bình thường kia thôi.
Thần kinh của họ chắc phải làm từ sợi nano carbon! Tôi hỏi đằng ấy, theo đằng ấy thì điều gì là quan trọng nhất của một con game sinh tồn? Trò chơi thú vị ư? Cũng đúng. Những mưu kế tầng tầng lớp lớp ư? Cũng đúng. Nhưng cái hồn của nó phải là “tâm lý nhân vật”!
Trò chơi sinh tử khác gì so với những trò chơi team building tính điểm nhận quà khi đi trại hè? Đúng, là vì nó đặt người chơi vào những tình huống đe dọa tính mạng. Khiến họ phải đứng trên ranh giới giữa phần người và phần con. Khán giả hồi hộp muốn xem liệu nhân vật sẽ giữ vững lý trí hay vượt qua lằn ranh chỉ để được sống. Mà với những kẻ chọn bỏ đi nhân tính thì chúng sẽ làm được ra những hành vi thương thiên hại lý gì?
Nhưng Game On không có cái sự “sinh tồn” này dù mang tiếng là một trò chơi “sinh tử”. Các nhân vật dù có biết mình đang phải đối mặt với cái chết cũng đều rất quân tử đứng so tài với nhau một cách chân chính, tuyệt quá, tuyệt quá, thế mới là hảo hán chứ! Hành vi “bẩn” nhất mà tôi được chứng kiến trong vol 1 chỉ có 2 tình huống.
Tình huống đầu tiên là dùng vũ lực để đạt được mục đích, nhưng cặp đôi dùng vũ lực này đã bị quản trò khử ngay lập tức, khiến các trò chơi bị quy về chỉ được dùng trí tuệ để đấu nhau. Nếu đây là thiết lập của tác thì tôi phải nói bạn đã giết chết một nửa cái chất của “trò chơi sinh tử” rồi. Trong tất cả những tác phẩm cùng thể loại này mà tôi xem, không thể thiếu nhóm nhân vật dùng trí tuệ, không thể thiếu loại hình não cơ bắp, cũng chẳng thể quên mất lớp nhân vật 4` chẳng có gì ngoài sắc đẹp nhưng vẫn biết tận dụng nó để sống sót. Rồi còn nhiều nhiều, rất nhiều kiểu mẫu nhân vật khác nữa.
Và điều này không hề có ở Game On, đám nhân vật một màu, đồng nhất về kiểu cách như thể họ được sản xuất hàng loạt trên cùng một dây chuyền vậy. Tuy họ có cá tính và những vấn đề cần giải quyết khác nhau thật đấy. Nhưng thế vẫn chưa đủ để biến họ thành những “người chơi” đầy thú vị. Thử hỏi một con game mà ai cũng build chung một cây kĩ năng thì có vui không?
Tình huống thứ hai là lúc có nhân vật tìm cách lách luật ở trò chơi tàu hỏa khi bắt đầu chạy xung quanh phá đường ray (Cái này các bạn nên đọc để hiểu rõ hơn). Tôi thề, ngay khi tôi đọc cái nội quy trò chơi tôi đã thấy ngờ ngợ rồi, ở điều thứ 5 nhấn mạnh và nói rõ không được tác động vật lý vào đoàn tàu của người chơi khác khiến nó rời đường ray. Tôi bật ra luôn câu hỏi thế tôi tác động lên đường ray, phá đi hay bôi trơn nó chẳng hạn, để tàu đối phương tự rời chứ không cần tôi tác động vật lý lên nói? Và mọi thứ diễn ra y hệt dự đoán.
Bạn sẽ nói có thể là do tôi hay xem mấy thể loại game đấu trí này rồi, hoặc tôi não to các thứ các thứ… nên đừng áp đặt cảm nhận này lên người khác, đối với bạn nó vẫn là một sự bất ngờ. Ô kê, không áp đặt lên bạn, nhưng tôi đang nói đám nhân vật kìa. Đến tôi còn nghĩ ra được dù tôi rất là bình thường, học không giỏi, làm test IQ cũng chỉ điểm tầm trung. Thì hà cớ gì một đám được PR là thành phần xuất sắc được chọn lọc ra từ bao nhiêu người để mà tham dự cái trò chơi này, lại không nghĩ ra được, để mà đến lúc team lách luật kia quẩy tung lên rồi mới mắt chữ a mồm chữ o mà không kịp tìm đối sách. Đến giờ tôi mới thấm câu trí tuệ nhân vật không thể nào vượt quá tác giả. Và LG đã tự tìm cho mình một chủ đề khó. Tôi không hề thấy đám người chơi này thông minh chút nào cả.
Tôi cứ tưởng ai trong số họ (các nv) cũng phải nhìn ra cái lỗ hổng to đùng trong luật chơi kia chứ? Hay là thế này… Họ đều nhìn ra cả rồi, nhưng tất cả cùng chính nhân quân tử đến nỗi khinh không thèm lách luật, đứa nào lách luật hèn làm chó? Kể cả biết có thể đem tính mạng ra đặt cược cũng phải ngẩng cao đầu đến cuối cùng, thành bại tại kĩ năng?
Tới đây thì nửa còn lại trong cái hồn của “trò chơi sinh tử” đã chết nốt. Khiến Game On không khác gì một trò team building tính điểm nhận giải ở trại hè. Tâm lý nhân vật đặt trong thời khắc sống chết được tả rất hời hợt, có chăng cũng chỉ thoáng qua trong đầu chứ hiếm khi thể hiện ra ngoài. Bằng chứng là mồm thì nói sợ nhưng cứ ngủ một giấc là bọn họ lại có tinh thần để mà chiến tiếp vào ngày hôm sau.
Dây thần kinh của họ làm bằng sợi nano carbon, tôi nói lại! Cái chữ “sinh tử” trong thể loại này quá mờ nhạt rồi. Có lẽ đây là lý do Game On không thể giữ chân những người yêu thể loại nói trên, bởi vì nó vốn không phải.
Well, nhưng biết gì không, đến đây nó vẫn chưa làm cho câu truyện sụp đổ, bởi vì tôi hiểu tại sao mọi thứ lại như vậy à nha. Nhớ cái mà tôi bảo các bạn hãy lưu tâm ban đầu chứ? Cái đoạn trong tóm tắt truyện ấy.
“Dần dần lộ ra những bí mật về sự thật đằng sau kẻ tổ chức trò chơi. Lý do họ thực sự ở đây không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Vén màn vụ án nhiều năm về trước và những thí nghiệm lên con người.”
À há, lý do mà cặp đôi dùng vũ lực kia bị loại là vì họ không phải “người được chọn” và lý do đám còn lại đều như kì nhân dị sĩ bởi vì đúng thế thật, họ không phải ngẫu nhiên mà ở đây! Còn lý do họ ai cũng giống ai một cách kì lạ, như thể chui ra từ cùng một dây chuyền sản xuất, có cùng một “hướng build chỉ số” vì họ đều là vật thí nghiệm của một cái lab chết tiệt nào đó. Yay!!!
Bên trên là suy đoán của tôi thôi nhé! Nhưng mà nếu nó là thật thì tôi phải phục sát đất bộ não của LG luôn! Xin lỗi bạn, tôi hồ đồ quá! (Đây hoàn toàn không phải là mỉa mai đâu, ừm, hoàn toàn không phải.
Nhưng nếu nó mà là thật thì chính cái tóm tắt của tác giả đã phần nào spoil trước một số cái đáng ra phải được giấu kín để làm plot twist. Không phải lúc nào cũng nên nhá nhủng mấy thông tin quan trọng ở phần tóm tắt. Tôi quan tâm quái gì đến vấn đề có phải được chọn hay không, tôi quan tâm quái gì đến thí nghiệm con người hay không, thứ tôi muốn khi vào đây là một câu chuyện thú vị, nên cần gì phải nhá đống đó ở phần tóm tắt? Chẳng may có ai đấy não toàn sạn với IQ 200 đọc rồi bị spoil chán luôn thì sao nhỉ? Sửa lại cái tóm tắt đi homie.
- Trò chơi:
Vâng, quan trọng sau nhân vật chính là đến bản thân trò chơi, nếu nhân vật là phần hồn thì thiết lập trò chơi lại là cái thể xác của “game sinh tử”. Thiếu một bên nào đều không được.
Và tôi phải nói là những trò chơi được làm khá tốt, thật đấy, cái quan trọng của một trò chơi không cần phải phức tạp và đồ sộ làm gì. Nó chỉ cần đơn giản là các trò chơi dân gian mà thôi cũng được. Hãy nhìn vào thử “trò chơi con mực” mà xem, (dù tôi nghĩ phim hơi bị overrated quá) các trò chơi đều không mới mẻ gì, đều là những trò chơi dân gian như kéo co, đồ tượng, cắt bánh,… Hay một số phim khác như “Animals world” (phim này rất hay, tôi khuyến khích các bạn xem, nó là phim trung quốc), trong phim đó thì các trò chơi chỉ đơn giản là dựa trên các lá bài trong bộ bài tây mà thôi.
Tuy đơn giản là vậy, nhưng chúng vẫn rất thú vị nhé, trò chơi có được đầu tư hay không, không phải thứ có thể quyết định thắng thua của một tác phẩm về “game sinh tử”
Để mà nói thì trò chơi đoàn tàu của LG khá sáng tạo, tôi có thể thấy nỗ lực và tâm trí bỏ vào để thiết kế ra nó. Nhưng tại sao nó lại không đem lại hiệu quả mong muốn? Là bởi vì “trò chơi” chỉ đóng góp vai trò như cái môi trường để cho nhân vật thể hiện bản thân mình mà thôi, thể hiện từ tính cách, lột tả đến tâm lý, họ bị trò hơi đẩy đến giới hạn, đến lằn ranh đỏ như thế nào, và giải quyết nó ra sao?
Gần như không có…
Như đã nói ở phần nhân vật, họ đều là hảo hán, thế nên chơi game rất là ra dáng chơi game, không có mấy sự lồng ghép về sự đấu tranh của từng nhân vật. Hoặc có thì cũng rất ít. Như đoạn cuối của game đua tàu hỏa, chúng ta mới thấy được một chút conflict của cặp đôi anh em nhà Kiệt lặc. Mà đáng nhẽ, cái cao trào này phải được làm tốt hơn thế. Nhưng cuối cùng vẫn là bom xịt do dàn nhân vật chui ra từ Lương Sơn Bạc kia.
Thứ tuyệt nhất trong vol 1 lại là cái trò chạy ba chân của hai anh em. Trò chơi trừng phạt này chẳng có cái vẹo gì, nó thậm chí còn khó mà được gọi là một trò chơi ấy chứ. Nhưng suốt quãng chạy đó của hai nv chính lại là quãng đường dẫn tới sự trường thành, tâm lý nhân vật liên tục biến hóa và hoàn thiện, dù cho họ cuối cùng vẫn thua, thì họ lại vẫn “thắng”. Thắng chính mình và thắng được trái tim độc giả.
Vol 1 có một cái kết thỏa mãn được tôi, thật sự cứu vớt được chuyến du lịch tưởng chừng là thảm họa này. Một cái kết viên mãn cho một khởi đầu chẳng ra đâu vào đâu mà một cái cao trào đọc rất hề hước. Thay vì “đầu voi đuôi chuột” như thường thấy, thì Game On vol 1 lại là “đầu hề mông voi”. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao anh bạn lại flop ia. Cái hay anh bạn giấu đi hết đằng mông thì ai người ta đủ kiên nhẫn theo dõi qua cái phần mở đầu kia? Sao không viết chắc tay được như cái kết bài suốt cả cuộc hành trình nhỉ?
Thôi thì cứ coi như tôi vừa đấm vừa xoa đi, chuyến review của tôi sẽ chỉ đến đây thôi. Truyện mới 75k chữ mà tôi rặn ra được bài review 3k chữ thì cũng nhất bạn rồi đấy, chọn lọc thông tin nào ra được để cải thiện thì cứ tự nhiên. Tổng kết lại, bạn flop do tự làm khó mình, chọn một thể loại không khó đọc nhưng lại khó viết. Yêu cầu bộ não tác giả tương xứng độ bá của nhân vật bạn luôn flexing, yêu cầu cách điều tiết lượng thông tin và khai thác tâm lý nhân vật một cách tỉ mỉ, bạn phải hiểu được phần nào hai chữ “sinh tử”, cần một số loại kinh nghiệm mà chắc chắn một người chưa thi đại học không thể nào ngộ ra. Ví như bạn có hiểu được một người đứng bên cạnh ngưỡng cửa tử sẽ điên cuồng đến mức nào không chẳng hạn?
Ấy là cái hồn của thể loại “trò chơi sinh tử” này, thứ cần được khai thác triệt để nếu muốn viết hay, còn nếu đã không hay thì tất nhiên là flop do không thỏa mãn được độc giả. Hãy cứ để ý các tác phẩm thành công mà xem, chúng có rất nhiều tầng ý nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là máu me.
Nhân đây cũng coi như góp ý cho những ai đang tập tành trên con đường viết lách, việc chọn một chủ đề cho tác phẩm đầu tay, thậm chí thử thật nhiều thể loại rồi mới quyết định viết cũng rất quan trọng, không thể làm qua loa thích là nhích, để rồi tự làm khó bản thân xong dính flop. Hãy làm thứ vừa sức, tập tạ cũng phải từ hạng cân thấp đến cao dần. Thích viết gì thì viết không làm bạn khá lên được nếu bản thân là một người cầu tiến.
Bên trên hoàn toàn chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, fact. Nhưng tôi sẽ không viện cái lý đó mà để không chịu trách nhiệm cho những gì mình nói. Ai muốn phản bác gì hay không đồng tình các thứ, muốn đấm tôi thì cứ phóng ngựa đến đi (tôi khổ dâm đấy)
Chuyến du lịch của tôi đã kết thúc, nhưng chuyên mục lời thì thầm của… Ấy nhầm, tour du lịch của Đá số thứ tư này vẫn chưa kết thúc. Tiếp sau đây là phần nhận xét đánh giá của hướng dẫn viên du lịch tập sự “Nhân tố Y. dấu tên” (Người đang muốn ké fame tôi dù tôi làm méo gì có fame.)
Dù sao thì tôi cũng đồng ý hợp tác với Y. để đấm LG, do tôi sợ 500 anh em fanbase của giáo sư LG đến thanh toán tôi sau vụ này ấy mà. Có chết tôi cũng phải kéo người chết chung cho vui, thế nhé Y.
Dahlias out, peace!
____________________
It's my turnnnnnnnn!
Xin chào các bạn. Mình là nhân tố Y, người được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Có thể các bạn đã biết mình qua server discord của Hako hoặc bài review mình đã làm về Useless Hero. Nhưng hôm nay chúng ta sẽ đến với một thế giới khác, đó là Game On! (hay còn gọi là Trên trò chơi).
Đây là lần đầu mình hợp tác cùng Đá, vậy nên có gì sai sót mong các bạn thông cảm. Trước khi vào thế giới này xin cảnh báo trước spoiler và wall of text, nếu bạn không muốn một ngày đẹp trời mà dính phải spoiler của truyện mình muốn đọc và phải thấy hàng dài chữ nói về vấn đề mà truyện đó gặp phải khi chưa có trải nghiệm gì. Xin hãy đóng bài này lại, và tự bản thân đọc truyện để có trải nghiệm chân thực nhất.
Ở lần này mình sẽ nói về kĩ thuật viết và các điều khác của Game On!, đồng thời sẽ nói đến 1 phần nội dung mà mình được trải nghiệm từ truyện.
Nhưng hãy dừng một chút, trước khi bắt đầu(xin lỗi vì khiến các bạn tốn thời gian) mình có vài lời muốn nói. Xin khẳng định mình không có bất cứ lời đá xéo hay cố gắng đạp đổ chén cơm của tác giả. Dưới đây đơn thuần là trải nghiệm chân thực nhất đến từ mình, mình vốn là một con người khó tính vì vậy bạn có thể thấy rất nhiều từ khó nghe trong bài review này. Nhưng xin nhắc lại, mình đã du di để có một trải nghiệm ổn nhất dành cho Game on!, bài review này được làm một cách công tâm, xin hãy cứ thẳng thắn góp ý và phản bác khi thấy chi tiết nào đó khiến bạn không đồng tình.
Đồng thời, hi vọng tác giả sẽ tận dụng sự góp ý từ bài review này để có thể khiến truyện trở nên tốt hơn.
Và sau đây là phần của mình.
Mọi chuyện được bắt đầu từ lời gạ gẫm của Đớ Chan, và bản thân tác giả LG cho mình. Cũng như mình đã mở lời để đọc tác phẩm được vài người bạn mình đánh giá là có tiềm năng này. (Dah: mẹ kiếp, thôi lảm nhảm đi, đuổi việc giờ! Với cả ai gạ ông?)
Dĩ nhiên mình đã giảm mức độ hi vọng của mình xuống thấp trước khi đọc, vì mình cũng không muốn để sự kì vọng quá cao của một thằng vốn khó tính khiến trải nghiệm truyện trở nên tệ đi. Và hóa ra, lựa chọn đó của mình lại chính xác.
Để nói ngắn gọn, Game on là một chiếc bánh béo bở, thơm ngậy mùi sữa và được trang trí một cách đẹp mắt. Nhưng hỡi ôi khi bạn cắt chiếc bánh ra lại thấy phần bánh đã ỉu xìu và kem đã chuyển sang màu khác. Khi bạn đặt miếng bánh lên đĩa và cắn một miếng, trải nghiệm vị ngòn ngọt thì chợt một nửa con gián bỗng từ đâu xuất hiện ở trong miếng bánh và bạn biết nửa còn lại nằm ở đâu rồi đấy. Đó là mô tả chính xác nhất về những gì mình trải nghiệm từ Game on!
Nhưng mình sẽ tránh động đến phần cốt truyện nhiều nhất có thể, vì ở đó đã có Đá lo rồi. Mình sẽ chỉ nói về kĩ thuật viết và những điều ngoài lề khác.
Vậy kĩ thuật viết gồm những gì? Thực ra đây là một chủ đề rất rộng nên mình sẽ chỉ vắn tắt lại ở những điều bạn dễ thấy nhất. Đó là: Thoại, Kể, Tả và Logic.
Đầu tiên về thoại, đây là điều khiến mình phải khó chịu với Game On! nhất.
Ở khía cạnh “nhìn”, thoại của Game On được sắp xếp 1 cách ổn thỏa, và có các dấu để cho bạn biết đâu là lời nói bình thường và đâu là suy nghĩ nội tâm.
NHƯNG, à vâng chữ nhưng to đùng. Bạn có thể thấy thỉnh thoảng lại xuất hiện một câu thoại trời ơi đất hỡi từ đâu đó chẳng có điều gì báo trước, không miêu tả, không gợi ý. Bùm, giữa một đoạn kể quan trọng thì chúng ta lại có một câu thoại vô duyên đến mức khó chịu.
Thêm nữa, vào các trường đoạn nhiều nhân vật của truyện nói cùng lúc thì rất rối. Nếu không phải đã đọc qua nhiều tác phẩm, thì mình khá chắc quá nửa trong số người đọc chẳng phân biệt được đâu là thoại của ai và ai. Vì sao ư? Đơn giản thôi, anh bạn thân Đá của mình đã nói ở trên kia rồi. Mọi nhân vật đều có cá tính riêng, nhưng họ đều như được đúc ra từ một khuôn. Lúc cần thì chẳng thấy ai bộc lộ một cách rõ ràng cả. Một phần khác vì bản thân tác giả đã chẳng làm tốt gì ở việc phân chia cho rành mạch tả kể và các đoạn thoại giữa các nhân vật với nhau.
Vậy khía cạnh “cảm” thì sao, dĩ nhiên cũng chẳng tốt hơn bao nhiêu. Đã được đề cập ở trên, các nhân vật chẳng có chút việt nào dù mang cái tên Việt Nam. Đáng buồn hơn, thoại của nhân vật còn chẳng phải là lậm nhật. Vì nếu như thế mình có thể phì cười và mỉa mai rằng bối cảnh đặt ở vũ trụ “what if Việt Minh thua Nhật trong cách mạng tháng 8 rồi bị đồng hóa” và bảo tác giả chuyển bối cảnh và nhân vật sang Nhật cho lành.
Mình chỉ có thể thở dài, thoại của các nhân vật trong Game on là tập hợp của lúc thì như Romcom Nhật Bản, lúc thì như Cung đấu trung quốc, lúc thì lại giống mấy bộ phim trinh thám được parody bởi một team thiếu kĩ năng nào đó trên youtube.
Trong nhiều trường hợp, thoại của nhân vật chẳng bộc lộ rõ ràng cảm xúc mà họ đang có, thậm chí hơi thừa. Giống như bạn cảm thấy buồn mà lại mở miệng nói: "Uầy, buồn ghê" vậy.
Thậm chí, đôi lúc mạch cảm xúc của nhân vật còn chẳng rõ ràng. Nó lên nó xuống nó xoay như chong chóng chẳng theo một thứ tự nào, mà có khi tỉ giá của đồng Euro còn phải gọi bằng thầy. Dĩ nhiên vấn đề này thì không xảy ra quá nhiều như cái ở trên, nhưng cũng chẳng thể gọi là ít được.
Đó là những vấn đề nổi bật nhất ở thoại, còn những cái khác nhỏ hơn mình đã phiên phiến đi vì dù sao thoại của nhân vật đã cải thiện một phần về cuối vol. Vậy thoại của nhân vật trong Game On như thế nào. Xin nhận xét thẳng thắn: Tệ.
Kế đến, Kể và Tả.
Vậy thoại đã yếu thì kể và tả như nào? May mắn, kể và tả nằm ở mức chấp nhận được. Vậy chấp nhận được ở đây là gì? Là tác giả cho bạn biết nhân vật này là ai, có ngoại hình gì, cảm thấy thế nào và dẫn truyện đủ để người đọc hiểu mọi thứ đang diễn ra.
Tất nhiên, chấp nhận được không có nghĩa là ổn. Kể và tả của Game On chưa bao giờ làm mình tưởng tượng nổi cái khung cảnh xung quanh nhân vật nó diễn ra thế nào. Không, tác giả chẳng nói gì ngoài chêm vài dòng rồi vứt đấy.
Tả về nhân vật cũng có người này người kia, người thì được miêu tả khá rõ ràng. Người thì đóng vai trò không nhỏ nhưng cũng chẳng nổi bật gì. Cá là nếu bạn đọc thì ngoài cặp đôi nhân vật chính, cô bạn Tuệ điên điên, địch thủ Như (hình như thế nhỉ) thì bạn chẳng nhớ nổi ngoại hình của bất kì ai cả. Vì tác giả có tả nghiêm túc đâu, thậm chí còn chẳng có nhiều gợi nhắc cho độc giả. Nó phiên phiến như cách mà Dahilas và mình chấp nhận gạt bỏ một số vấn đề lặt vặt của Game On vậy.
Và còn tả trò chơi nữa, trong đoạn chơi tàu mọi thứ còn rối đến mức mình phải confuse và vận dụng bộ não xem thứ này hoạt động như nào. Nếu để so sánh một cách công bằng nhất, thì tả phần chơi tàu chẳng khác gì mình đọc phần lý thuyết về thế giới được viết bởi Kamachi tác giả Index vậy, hỗn loạn. (Dah: thật ra do trí tưởng tượng nhân tố Y. gà. Nhưng cũng có cái đúng, chúng ta đang dùng con chữ làm phương tiện truyền tải. Với những bộ đặt nặng vào chi tiết nhỏ thì sẽ khó hình dung hơn việc đọc truyện hay xem phim cùng một nội dung ấy, đây là hạn chế của người viết truyện, nói thật đến “No game no life” viết rất chắc tay thỉnh thoảng tôi đọc còn lú.)
Rồi đến mảng cảm xúc, Thoại đã chẳng tốt để biểu hiện thì cậu bạn cùng tiến Kể Tả cũng vậy. Trong trường hợp này thì cách dùng từ của tác giả là thứ tác động lớn nhất, khiến mọi chuyện dù cao trào đến đâu cũng trở nên bình thường một cách đáng kinh ngạc. Giống như thần kinh nhân vật được làm từ nano và họ lao đến "Nano Machine, son!" rồi đấm thẳng vào mặt mình trong khi họ vẫn khóc cười vậy. (Dah: tôi nghĩ ý của nhân tố Y là giọng kể ngôi 3 của tác giả rất chung chung và chọn cách dùng từ không đóng góp được cho bầu không khí ở một phân cảnh nào đó, kiểu như những lúc cấp bách thì giọng kể lại cứng ngắc máy móc, phá hủy bầu không khí á.)
Kế đến, Logic. Thật sự đây là vấn đề đáng quan ngại của bản thân tác giả. Ngoài việc thiếu đi cái linh hồn của thể loại truyện như Dah đã nói ở trên thì nhân vật còn có nhiều hành động thiểu năng đến mức khó hiểu dù họ được miêu tả là IQ không hề thấp.
Lấy ví dụ như trò chơi đầu tiên khi mà hai nhân vật chính kẹt trong phòng. Bạn biết gì không? Trong khi cậu anh vật lộn để giải thì cô em làm gì? Cô ấy lột đồ và thay cái váy trước mặt cậu anh trong khi biết rằng rất có thể đây là một chương trình truyền hình và căn phòng này là một trò chơi giải đố. Vậy là sao ạ? Ai xem gameshow nhiều sẽ biết là có camera ẩn để quay, chính cô này cũng nghe từ bạn bè về việc trò chơi lên sóng. Và cô ta lột đồ cho hàng nghìn người xem mà chẳng mảy may suy nghĩ (xin nhấn mạnh là lúc đó các nhân vật chưa biết mình đã bị bứng đến một cơ sở bí mật để tiến hành trò chơi sinh tử, họ vẫn nghĩ đây là một trò chơi khăm của bên tổ chức, con em gái này mắc chứng cuồng khoe thân à?). Chưa hết, khi cậu Kiệt quay sang thì lại kêu cậu ta biến thái dù mình mới là người bắt đầu trước. Chắc cái đó thuộc về Char dev nên mình cũng chẳng dám nói sâu hơn.
Và còn nhiều trường hợp khác như việc cặp anh em nhân vật chính và các nhân vật khác thấy cảnh người chết xong vẫn tự tin vào trò chơi mà chơi dù biết mình sẽ mất mạng. Hai nhân vật chính chỉ kêu, cáu, chứ chẳng hề có một động thái muốn bỏ trốn, không đau buồn, ghê sợ, tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài ạ - Cứ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Và thậm chí ta cũng chưa thấy một biện pháp răn đe có hiệu quả nào từ kẻ đứng sau để ngăn người chơi trốn đi. Không một hành động gì ngoài nói mồm. (Dah: Như đã nói, họ đều là những anh hùng hảo hán, kì nhân dị sĩ đầu đội trời chân đạp đất.)
Và thậm chí các hình phạt sau khi thua trò chơi dành cho các nhân vật khác ngoài cặp người chết đầu truyện cũng chẳng khiến mình lo cho nhân vật. Một nhân vật bị đẩy vào phòng giam (chứ không chết hay bị thương) và thoát ra một cách đơn giản vài chục dòng sau đó mà nhân vật còn lại trong cặp của họ chẳng phải làm gì quá nhiều. Thật ra mình nghĩ đây có thể là một plot quan trọng nhưng tác giả chưa cho mình thấy điều gì cả.
Và còn rất nhiều rất nhiều điều khác mà quá dài rồi mình không muốn đề cập nữa.
Chấm điểm Logic: Ờ ừm, phiên phiến đi. Nó ở mức dưới trung bình.
Vậy đó là tổng kết cho tour du lịch của Đá lần thứ tư. Với vai trò là hướng dẫn viên hỗ trợ cho Đá lần này, mình đã hiểu ra lí do tại sao Trên Trò chơi lại flop tới vậy. Và cũng chẳng phải một trải nghiệm được gì so với thời gian mình bỏ ra. Nếu bạn muốn đọc, có lẽ nên là vì sự mới lạ của tag truyện. Chứ nếu bạn khó tính hơn, xin vui lòng đừng đọc Game On! cho đến khi tác giả sửa xong nó. Vì một ngày tốt lành cho tâm hồn của bạn.
Trên hết, mong tác giả có trách nhiệm hơn với tác phẩm của mình. Đây quả thực là một trải nghiệm không mấy vui vẻ với thế giới bạn tạo ra dù nửa sau đã có sự tiến bộ nhỏ. Mình là người khó tính nên nếu có gì hãy bỏ qua cho mình.
Peace! Gud luck and have fun. Pray for you.
P/S: Mình chưa quên những gì tác giả nói về Game On! trong discord đâu. Và mong bạn ib mình để tìm cách giải quyết cho truyện.
(Dah: well, nhân tố Y. hôm nay khó ở nên tác giả cứ tưởng tượng lão nói mấy câu trên trong lúc đang cười vui vẻ nhé!)
5 Bình luận
Becareful what you wish for - they said.
Thích nhất câu này🤣🤣🤣