Mình muốn làm rõ quan điểm trước khi vào nội dung chính là mình không phải một nhà văn chuyên viết truyện, và những thứ mình muốn chia sẻ dưới đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân nên nếu bạn có cách nhìn khác cứ để lại bình luận để chúng ta cùng xem xét và có thể viết truyện tốt hơn.
Cũng như truyện ngắn mà mình muốn nói ở đây là kiểu truyện ngắn ta được học trong lớp như: Vợ chồng A Phủ, Chiếc thuyền ngoài xa, Chiếc lá cuối cùng...
1.Thời lượng của truyện ngắn.
Truyện ngắn thường được viết ngắn gọn, nhanh và với một số truyện ta còn có thể đọc hết trong 5-10 phút. Nhưng điều không có nghĩa là bạn chỉ được viết vài ngàn hay vài trang giấy mà có thể viết nhiều hơn, bởi nếu như thế thì Hako không quy định truyện ngắn có tối đa 50k từ (xấp xỉ 100 trang ở cỡ chữ 11).
Một lỗi thường gặp ở những người mới viết là không biết phân chia thời lượng như: truyện thì quá ngắn chưa kịp truyền tải ý nghĩa đến người đọc thì đã hết, truyện thì kéo dài lê thê khiến người đọc bị rối và chán không muốn đọc tiếp.
2. Nội dung.
Tuy truyện ngắn có thời lượng đa dạng, nhưng nó không trường kỳ và dài như tiểu thuyết nên truyện ngắn thường chỉ tập trung xoáy sâu về một vấn đề nhất định: bạo lực gia đình, đói nghèo, sự phản kháng trước số phận, tình người... chứ khó lòng mà đem nhiều vấn đề vào để nói như tiểu thuyết được.
Bạn không thể biến cả cuộc đời của Pavel trong 'Thép đã tôi thế đấy' với đói nghèo, bất công, giác ngộ, hành trình theo đuổi ước mơ... dài hơn 500 trang thành một truyện ngắn dài 100 trang được. Nhưng nếu như bạn tách một thứ trong đó ra như tình yêu ra để tập trung thì có thể viết thành một truyện ngắn được.
Nhưng không phải là bạn không thể nói cùng lúc hai, hoặc vấn đề được như truyện ngắn 'Vợ Nhặt' không chỉ nói về sự đói nghèo mà còn cả mong muốn gia đình hạnh phúc trong nạn đói. Tuy nhiên việc viết về hai, ba vấn đề một lúc thường không dễ và khó mà truyền tải hết ý nghĩa đến người đọc. (Vấn đề này có thể mình sẽ nói đến trong một bài đăng sau này)
3. Phong cách.
Khác với tiểu thuyết là cuộc hành trình kéo dài hàng chục năm với hàng trăm nhân vật, thì truyện ngắn chỉ như một khoảnh khắc trong cuộc đời này vì vậy mà không gian thời gian thường bị giới hạn.
Mình có hai ví dụ về vấn đề này, 'Vợ chồng A Phủ' thì truyện diễn ra trong vài năm và tập trung ở nhà Thống Lý. 'Chiếc là cuối cùng' với gần như toàn bộ câu truyện chỉ diễn ra trong một mùa đông và bên trong phòng của Johnsy.
Do giới hạn như vậy mà các nhân vật cũng ít đi, và các nhân vật xuất hiện trong truyện ngắn đều mang một ý nghĩa nào đó, có thể là chỗ dựa tinh thần, người thúc đẩy, hoặc kẻ xấu... Vì bạn không có nhiều thời gian để viết nên hãy chỉ tập trung vào các nhân vật trung tâm, nếu có những nhân vật chỉ xuất hiện trong vài dòng thì sự xuất hiện đó phải có ý nghĩa gì đó để phát triển nhân vật trung tâm, hoặc bối cảnh.
Như người vợ khác của A Sử, dù chỉ xuất hiện đúng một lần nhưng sự xuất hiện đầy tiều tụy, khổ sở cho ta thấy sự tàn bạo của hắn.
Cùng với cảnh sử án A Phủ, khi ở đó có rất nhiều nhân vật chỉ được giới thiệu sơ qua nhưng những kẻ đó làm nổi bật lên bối cảnh thối nát của xã hội phong kiến miền núi.
4. Tình huống truyện.
Như đã nói ở trên thì do thời lượng của mình nên để tránh việc đi nhầm hoặc lan man sang những vấn đề khác thì chúng ta có tình huống truyện, một thứ không thể thiếu trong bất kỳ truyện ngắn nào.
Tình huống truyện cực kỳ quan trọng !!
Để nói thì cả truyện ngắn là một con đường, còn tình huống truyện là một vật chắn đột ngột xuất hiện, khiến ta phải xuống xe và suy nghĩ cách giải quyết. Tình huống truyện giới thiệu chủ đề và làm nổi bật nội dung mà tác giả muốn nói, và thường khi nhắc đến truyện ngắn ta thường nhớ đến tình huống truyện đầu tiên.
Như khi nhắc đến 'Lặng lẽ Sa Pa' thì ta nhớ ngay đến cảnh cây chắn đường và các nhân vật gặp được anh thanh niên, "Người cô độc nhất thế gian" và sau đó ta tự hỏi tại sao anh thanh niên lại làm công việc khí tượng này.
Hoặc trong 'Chiếc thuyền ngoài xa' thì đó là hai phát hiện của Phùng, một là vẻ đẹp của cảnh đắt trời cho, hai là cảnh bạo lực gia đình. Một sự đối lập giữa cái đẹp thiên nhiên và xấu xí của con người, tại sao trong một khung cảnh lại có hai thái cực như vậy.
Rồi người đọc sẽ theo chân tác giả để tìm hiểu ý nghĩa đằng sau tình huống truyện đó, thứ gì đã dẫn đến điều đó, rồi cả những thứ sau đó.
Nhưng tình huống truyện không cần phải là những thứ quá cao siêu, khi nó có thể là những điều nhỏ nhặt xung quanh nhưng lại ẩn chứa nhiều tầng nghĩa, và mình thấy có một truyện ngắn làm rất tốt ở khâu này là 'Con lừa của bố tôi' của Tahm_kayn. Khi tình huống truyện ở đây là sự xuất hiện của con lừa, tại sao nó phải là con 'lừa' mà không phải con ngựa, rằng những hành động của người bố chỉ đơn giản như suy nghĩ ngây thơ của người nhân vật tôi ? Rồi từ đó làm nổi bật lên cái bối cảnh phía sau và ý nghĩa của truyện.
Giải quyết tình huống truyện như giải quyết một vấn đề, vấn đề càng lớn ta càng thỏa mãn và khi không còn băng khoăn, tự người đọc sẽ tự rút ra được ý nghĩa từ trong đó.
Thông thường chính tác giả sẽ là người giải quyết tình huống truyện, dù vậy thì cũng có vài trường hợp bỏ ngỏ và chính độc giả phải tự giải quyết nó. Nhưng cách này thường không an toàn, vì nó có thể khiến người đọc hiểu nhầm hoặc đi quá xa so với nội dung truyện và hiểu sai toàn bộ câu truyện mà tác giả muốn gửi gắm, nếu như tác giả không thể xây dựng các nhân vật trung tâm đủ tốt cùng một bối cảnh mơ hồ.
1 Bình luận