Nhận xét về truyện Re/Spectre - Mikazuki Gwen.
Members

Trước khi vào bài đánh giá thì có một số điều mình cần lưu ý người đọc trước. Đây là nhận xét công tâm của mình trên tư cách là một đọc giả. Chưa nói đến khả năng phân tích sâu xa như thế nào, nên những gì viết dưới đây không phải là "kinh thánh", mà đơn thuần chỉ là từ quan điểm của một người đọc.

 

Ngoài ra trong bài viết mình có trích dẫn một số đoạn trong truyện. Việc này vô tình khiến độ dài của bài đánh giá, nhận xét dài hơn ( đáng kể).

 

Bài đánh giá bắt đầu từ dưới đây:

___________________________________

 

Re/Spectre của tác giả Mikazuki Gwen là bộ truyện mà trước khi đi sâu vào phân tích, có một số điều cần được làm rõ để: Một, xác định cái nhìn của việc đánh giá bộ truyện này dựa trên tiêu chí nào. Và hai, đây là một bộ truyện khá là “không bình thường”. Với những lưu ý trên, bài đánh giá này sẽ phân tích những điểm thú vị và độc đáo làm nên Re/Spectre, cũng như những lỗi mà tác giả có thể khắc phục được để giúp câu chuyện của mình trở nên “đẹp” hơn.



Re/Spectre có một phong cách rất lạ, độc lạ, nếu nói thoáng ra là như vậy. Chỉ ngay trong chương mở đầu (nói quá lên thì tới chương một), bộ truyện đã khẳng định rõ được điều đó. Có thể thấy tác giả hướng câu chuyện đi theo phong cách như monogatari series của tác giả Nisio Isin, dĩ nhiên, không hoàn toàn là ăn theo vô tội vạ mà chỉ là những cảm hứng có thể nhận ra được nếu là một fan của bộ truyện monogatari. Cụ thể hơn thì những thứ ảnh hưởng lên Re/Spectre đó chính là cách hành văn của tác giả, cách chuyển cảnh, xây dựng đối thoại và nhân vật. Mọi thứ đều tạo nên một cảm giác kỳ lạ, khó hiểu, tưởng chừng như ở ngay đó, nhưng thực sự lại có một ẩn ý gì đó khác. Điều đó khiến Re/Spectre vừa dễ để phân tích, vừa khó để có thể thực sự phân tích một cách mạch lạc. Đúng là câu trước đá câu sau, nhưng sự đối nghịch này lại hợp lý và có thể chấp nhận được, như cách chủ đề chính của Re/Spectre được trình bày qua 17 chương truyện - “sự tương phản”.

 

Tóm tắt nội dung của Re/Spectre. Câu chuyện xoay quanh Asahina Reiji, một học sinh cấp ba lớp 12 sau một sự kiện hi hữu thì cuộc đời bị đảo lộn. Những câu chuyện kỳ bí cứ như vậy xuất hiện xung quanh nhân vật chính Reiji, những sự kiện, cuộc đối thoại tưởng chừng như quá tầm thường, thực ra luôn ẩn chứa một mặt khác của thế giới mà Reiji không biết tới - thế giới của những “dị biệt”. Hiện tại thì trong quyển 1, tác giả vẫn chưa giải thích rõ “dị biệt” là những gì. Vậy nên tạm thời, với những gì đã được giải thích, có thể hiểu “dị biệt” là những sự tồn tại không tuân theo quy luật bình thường của tự nhiên. Như vampire, thợ săn, bán vamp, linh hồn, vv… (Gwen, Yumeko The Taurus - 006). Bản thân nhân vật chính Reiji cũng là một dị biệt, nhưng lại khác với những dị biệt còn lại. Cậu là một dị biệt nửa vời, một bán vamp. Và đây cũng là lúc mà sự tương phản được nhắc tới.

 

Tác giả sử dụng cách hành văn (việc này có vẻ đã có người nhận xét qua rồi nên mình xin phép trích lại thôi) dễ chịu, như đang đối thoại trực tiếp với người đọc. Những đoạn dẫn tưởng chừng như lảm nhảm, thực chất lại chứa đựng rất nhiều thứ để suy nghĩ nếu độc giả tinh ý, từ đó khiến câu chuyện không có lúc nào là chán hay tụt hứng. Đoạn trích này, “Tiếng súng ra hiệu bắt đầu, lại một nhóm nữ sinh khác phóng đi như bay trên đường chạy kẻ những vạch trắng dài phân làn. Họ cắm mặt về phía trước, dồn hết sức từ chân đến cơ bụng, tới những cái vung tay đầy uy lực nhưng không kém phần thánh thoát. Tất cả tuy riêng biệt nhưng hài hòa, kết hợp thành một bộ máy hoàn hảo. Các nữ sinh lao lên như những mũi tên bắn ra, xẻ một đường trong không trung, cắt ngang vệt gió. Gương mặt họ nhăn lại, đôi mắt nheo nhúm, trong tâm trí bây giờ hẳn chỉ còn nhìn thấy một thứ - vạch đích. Mặc cho những cơn đau từ lồng ngực đang co thắt liên hồi vì hụt hơi, hay các sợi cơ đang giãn kéo bên trong bắp chân.

 

Phải, mặc cho tất cả những điều đó, họ vẫn chạy. Những linh hồn kia đang cháy sáng rực rỡ, những cơn đau là minh chứng cho sự sống. Rằng họ vẫn là con người.

 

Vậy, tôi có còn là con người không?

 

Câu hỏi đó chợt vụt qua tâm trí. Trong chốc thoáng thôi, nhưng giờ tôi không thể ngừng suy nghĩ về nó.” (Gwen, Yumeko The Taurus - 001) là một ví dụ điển hình trong lối dẫn dắt lạ lùng, nhưng không thể phủ nhận rằng nó rất mượt trong việc chuyển ý này qua ý khác như một sự sắp đặt có chủ đích. Và đây cũng là thứ thường hay thấy trong các tác phẩm của tác giả Nisio Isin nói chung, và monogatari series nói riêng. Qua đoạn dẫn như vậy có thể thấy được ảnh hưởng từ đó. Nó là tốt, hay là xấu thì còn tùy vào góc nhìn của từng độc giả.

 

Dĩ nhiên, việc có ảnh hưởng từ monogatari cũng đồng thời mang tới những bất lợi. Có thể thấy rõ nhất trong việc tác giả chuyển cảnh giữa các chương (không nói tới những chương cùng một cảnh). Ví dụ như từ chương Arisu The Nocturnal - 000 qua chương 001, có một khoảng thời gian bị cắt đi giữa kết thúc chương đầu và mở của chương sau. Thay vì tác giả nói rõ về cụ thể bối cảnh thời gian, việc đó lại được đưa xuống dưới phần mở đầu chương 001 một chút, khiến độc giả cảm giác bối rối về thời điểm sự kiện hiện tại xảy ra liên quan tới sự kiện trước. Dĩ nhiên, khi phần thông tin về bối cảnh lẫn thời gian được đưa ra thì mọi thứ dễ hiểu hơn. Dù vậy thì sẽ hay hơn và mượt hơn nếu tác giả mang những yếu tố đó lên trước.

 

Trong 17 chương (bao gồm cả chương epilogue), 96,000 từ mà nội dung của câu chuyện chưa đi xa là bao. Nó xoay quanh sự tương tác của nhân vật chính Reiji với hai nhân vật nữ được giới thiệu là chủ chốt của quyển 1 - Takamine Arisu và Haneda Yumeko. Cách tác giả dựng cảnh trong mỗi arc (Arisu the Nocturnal và Yumeko The Taurus) cũng là một sự độc đáo. Các chương truyện trong arc thường chỉ dùng một đến hai cảnh là tối đa, có nhiều chương (Yumeko The Taurus - 004 đến 006) chỉ có duy nhất một cảnh đối thoại của hai nhân vật Reiji và Yumeko. Và đã nói về lối dẫn truyện độc lạ, cũng phải nói tới việc xây dựng thoại và tính cách nhân vật - cũng vậy không kém. Cách xây dựng thoại của tác giả không được bình thường. Theo một hướng nhìn, có thể nó là nó hơi khuôn khổ (đôi khi có vẻ cringe), nhưng nghĩ kỹ lại theo tiêu chí đánh giá bộ truyện này là dựa trên sự ảnh hưởng như monogatari, việc xây dựng thoại cho nhân vật như những diễn viên kịch lại trở nên hợp lý. Qua thoại, độc giả có thể nhìn ra được sự kỳ dị trong tính cách dường như bị phóng đại để phù hợp với các motip tính cách (tsundere, yandere, kuudere, vv…) Cách làm này không rõ là cố tình hay vô tình, nhưng trong trường hợp nào thì nó cũng lạ, chỉ là lạ thú vị, hay là lạ dở. Đoạn thoại dưới đây là một ví dụ của việc nó khuôn khổ như kịch bản, nhưng bù lại rất thú vị và hợp lý với tính cách dựng lên của nhân vật:

 

“Takamine chậm rãi tiến lại gần, dưới ánh đèn đường mập mờ rọi sáng chỗ đầu tôi nằm lăn lóc. Cô ấy liếc mắt nhìn xung quanh rồi bật cười. Có lẽ là vì phần tay chân và nội tạng của tôi đã văng tứ tung mỗi nơi một khúc.

 

“Thế, chuyện gì xảy ra?”

 

“Nhìn… mà còn… hỏi. Bị té… cầu… thang.”

 

“Haha, không. Hỏi cho có thôi.” Cô ấy nhởn nhơ đáp lại, vẫn theo thói quen mà cười vào mặt tôi. “Nhìn có vẻ tệ nhỉ.”

 

“Chỉ… có vẻ… thôi sao?”

 

“Mà, cứ cho là vậy đi.” Takamine ngồi bệt xuống, hai tay nhẹ nhàng nhặt đầu tôi lên. “Cái cầu thang này chắc phải nguy hiểm lắm.”

 

Tôi muốn gật đầu đồng ý. Nhưng chút sức lực còn lại cũng đã dùng hết để cố gắng đuổi đám quạ đang rỉa thịt mình đi.

 

Mà chỉ còn có mỗi cái đầu thì gật kiểu gì được?” (Gwen, Yumeko The Taurus - 002)

 

Ngoài ra, việc sử dụng thoại cũng có thể nói là một điểm thú vị của bộ truyện (vì đa phần truyện đều chỉ là những cảnh đối thoại, như monogatari), thế nên việc sử dụng phương thức tiếp cận này giống như một con dao hai lưỡi. Với độc giả không quen đọc sẽ cảm thấy tình tiết đi chậm và nhàm chán, với những ai quen với motip truyện như thế này, việc đọc qua sẽ cho những cái nhìn mới. Lý do mà các đoạn thoại không bị chán bởi vì tác giả có sử dụng những miếng hài trong đó. Tới đây, (mình) chợt nhận ra bộ truyện này có tag romcom. Chiếu theo một bộ romcom bình thường thì, Re/Spectre không ai nhìn vào có thể nghĩ tới nó là romcom. Những đoạn đối thoại, như Reiji và Yumeko, hay Reiji và em gái Akari được làm rất tốt, nhanh và tới tấp, nhưng đôi khi có những phần chậm lại để điều tiết cảm xúc và không khí bối cảnh. Tuy đôi khi việc chuyển biến không khí có vẻ hơi gấp, có lúc đang đá xéo nhau hài hước lại chuyển thẳng qua sợ hãi hay trầm tư. Việc này tác giả cần xây dựng khéo léo hơn.



Thoại và dẫn là hai thứ tạo nên sự thú vị và độc đáo của Re/Spectre với các bộ truyện trên OLN của Hako cùng thể loại (romcom, mystery và sol supernatural), nhưng nó không chỉ dừng ở đó. Thứ mà hiện tại Re/Spectre làm rất tốt còn có việc chèn những reference (có thể là từ pop culture, anime, vv…) vào truyện trong các tình huống. Tuy nó không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng có thể thấy được tư duy của tác giả khi cài cắm những reference này vô. Và cuối cùng là chơi chữ, như một đặc trưng của bộ truyện monogatari series, Re/Spectre cũng chơi chữ rất nhiều. Các phần này có ghi chú trong chú thích, việc đọc qua một lần có thể không hiểu ngay được, nhưng một khi đã hiểu, thì cách chơi chữ đó trở nên rất thông minh, thú vị và tinh tế.

 

Để tránh spoiler chi tiết quan trọng của truyện, mọi người có thể skip qua phần này xuống mục có đánh dấu sao. Nếu không bận tâm thì có thể đọc tiếp.






***Spoiler***

 

Ở chương cuối Yumeko The Taurus - 013, phân đoạn khi nhân vật Arisu đột ngột thổ lộ tình cảm với nhân vật chính Reiji một cách đột ngột. Và cậu trả lời lại bằng một cách chơi chữ như sau:

 

Cô ấy nghiêng đầu, mở đôi mắt to tròn nhìn chằm vào tôi.

 

“Thế, câu trả lời? Anh biết em không thích bị vào thế bất lợi bao giờ mà.”

 

Nó rõ ràng không phải là một câu hỏi.

 

Tôi biết nếu cứ tiếp tục như vậy, vẫn liên quan tới Takamine thì mặt nước tĩnh lặng trong cuộc đời mình sẽ lại dao động. Lúc này, tôi phải rút lại lời nói của mình. Quả thật hội trưởng đã đúng. Takamine bình thường một cách thật dị biệt. Vì từ giờ, cuộc đời tôi có lẽ sẽ nhìn thấy nhiều rắc rối hơn là lời giải cho chính nó.

 

Nhưng như vậy mới là Takamine mà tôi biết. Một người con gái tự tại, luôn áp đặt, ích kỷ và mang tới rắc rối.

 

Có vẻ không được tinh tế nếu tôi cũng đáp lại bằng tiếng Anh, nhất là với người phụ nữ này, người chỉ muốn những thứ cực đoan và choáng ngợp. Mà, vốn hiểu biết của tôi về tiếng Anh cũng chỉ dừng lại ở mức bề nổi. Nếu muốn một thứ phải hơn cả dễ thương…

 

“Từ giờ, anh hy vọng mình sẽ quen với cách gọi này… nhưng,”

 

Takamine không chỉ dễ thương.

 

Takamine không chỉ xinh đẹp và tự tại.

 

Takamine, một "hồn ma" luôn đầy rẫy những bất ngờ. Và từ giờ có lẽ sẽ luôn là như vậy.

 

Tôi quay người, nhìn về phía cô ấy, khẽ cười.

 

“Takamine, yuukai.” (Gwen, Yumeko The Taurus - 013).

 

Đoạn trên, điểm nhấn của câu đáp lại nằm ở chữ “yuukai” mà tác giả giải thích trong chú thích. Việc giải thích nó lại ở đây sẽ khó hiểu hơn bởi vì với những ai chưa đọc truyện, hoặc đọc lướt sẽ không nhận ra chủ ý cài cắm ngay từ những chương đầu. (Nếu ai tò mò có thể xem chú thích cuối chương Yumeko The Taurus - 013).



Hay như:

 

“Anh biết đó, cái gọi là khế ước, nó thực sự không tồn tại.”

 

“À, phải, cái khế ước…” Tôi quay người về sau.

 

Một cái bẫy tinh vi. Một tiểu xảo khôn lường. Và cũng là thứ duy nhất liên kết chúng tôi với nhau. Một mối quan hệ dựa trên sự áp đặt và lừa dối.

 

Nhưng sự lừa dối hay áp đặt suy cho cùng vẫn là một dạng quan hệ. Như đứa em gái bé bỏng của tôi đã nói, “một mối quan hệ dựa trên sự áp đặt, theo một cách nào đó thì, nó cũng giống như sự tin tưởng tuyệt đối.”

 

“Nghe như một mối quan hệ tốt đấy chứ.”

 

“Nhưng nó không có thật…” Gương mặt cô ấy hiện lên vẻ lo lắng. Hoặc là do tôi đã nghĩ vậy. Không chắc nữa, vì bên dưới tán cây cổ thụ rộng lớn, mọi thứ trông thật tối mù mịt. (Gwen, Yumeko The Taurus - 013).

 

Đoạn trích trên không hẳn là cách chơi chữ, mà nó nằm ở sự dẫn dắt chuyển logic rất khéo léo. Cụ thể là đoạn, “Nhưng sự lừa dối hay áp đặt suy cho cùng vẫn là một dạng quan hệ. Như đứa em gái bé bỏng của tôi đã nói, “một mối quan hệ dựa trên sự áp đặt, theo một cách nào đó thì, nó cũng giống như sự tin tưởng tuyệt đối”. Nó thực sự khiến độc giả phải ngồi lại và suy ngẫm, và sau khi đã suy ngẫm thì đột nhiên lại có một góc nhìn mới chợt hiện ra. Đây là điều thú vị trong cách dẫn dắt khôn khéo và kiểu chơi chữ của tác giả.







***Hết spoiler***



Dĩ nhiên, những lối chơi chữ, đối thoại, dẫn tự sự, hay việc chèn reference vào cũng đều là một con dao hai lưỡi (như đã nói trên). Một mặt nó khiến bộ truyện độc đáo và thú vị, mặt còn lại nó sẽ rất kén độc giả. Việc này tác giả nên xem xét mục tiêu câu chuyện nhắm tới là gì. Vì nói một cách thẳng thắn thì bộ truyện Re/Spectre có vẻ không hợp thị hiếu của đa phần người đọc trên hako.

 

Sau khi đã phân tích về các điểm tạo nên sự độc đáo của Re/Spectre, phần này sẽ tập trung nói về chủ đề chính là quyển 1 Tales of Blood này truyền tải - “sự tương phản”. Sự tương phản hiện diện hầu như là xuyên suốt từ ngay chương mở đầu, cho tới tận chương cuối. Vậy, sự tương phản là gì?

 

“Chịu, tôi cũng không thể biết được. Nhưng nếu nó là sự thật, tôi cũng sẽ không tỏ ra mấy ngạc nhiên. Dẫu sao, sự tương phản có thể là một phần gốc rễ của những vấn đề, nhất là đối với các dị biệt như chúng tôi. Thế nhưng đồng thời, nó cũng là một phần quy luật của tự nhiên, sự đối nghịch hợp lý.

 

Và nhắc tới đó, hình như có một điều khác nữa mà tôi cần xác nhận.

 

Sự tương phản trong lời nói.

 

Quá trình đảo ngược của logic.

 

Tôi chợt nhớ ra những lời Takamine nói vào buổi hẹn hò sáng hôm qua và ngay lập tức đứng bật dậy, đi vào bếp để chuẩn bị.

 

May thay trong tủ lạnh còn một hộp kem vị dâu. Thật trùng hợp. Nhưng càng trùng hợp hơn là trên bếp lại có nồi lẩu kimchi từ bữa tối đêm qua còn dư.

 

Thật trùng hợp, như một sự sắp đặt có chủ đích. Cay và ngọt, lạnh và nóng, đều là những sự tương phản hợp lý. Đối với vampire, những món ăn thường là một không gian đơn màu, Takamine đã nói vậy. Giờ thì, tôi muốn xác thực điều đó.” (Gwen, epilogue).

 

Đoạn trích trên là một phần dẫn truyện ở chương epilogue. Nhưng kể cả có trích ra như vậy thì cũng chỉ hiểu được face value của “sự tương phản”. Vậy còn cái ý nghĩa của nó là như thế nào? Việc này thì độc giả phải đọc qua 17 chương và tự đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó. Vì có thể với mỗi người, cách nhìn nhận sẽ khác nhau. Vậy nên (mình) xin phép chia quan điểm về “sự tương phản” rút ra được. Nhân vật chính Asahina Reiji là một con người, nhưng bị biến thành bán vamp, không phải dị biệt mà cũng không phải con người, một sự tồn tại không theo bất kỳ quy luật nào - sự tương phản. Hay như Haneda Yumeko, một con người nhưng lại tồn tại hai nguồn linh hồn khác biệt trong cùng một cơ thể (spoiler, chòm sao Taurus). Tác giả sử dụng những sự kiện, đối thoại, hình ảnh để tạo sự tương phản từ những thứ bất hợp lý, lại khiến chúng thành hợp lý nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn phù hợp với định luật tự nhiên đặt ra. Nói một cách đơn giản thì: 

 

“Đúng vậy, nó là điều kiện tối thiểu. Không ai đặt ra, chỉ mình tôi tự suy diễn như vậy. Nhưng không vấn đề. Bởi vì tôi thích viết lách, và sở trường của người cầm bút chỉ nằm ở giới hạn của trí tưởng tượng.

 

“Biên thư hư ảo.” Tôi nói. “Trong giới hạn của những giả tưởng, không gì là không thể.” (Gwen, Yumeko The Taurus - 013).

 

Đoạn thoại này của nhân vật chính Reiji dường như đã diễn giải hết sự khó hiểu và kỳ lạ trong câu chuyện. Như thể nhân vật tự nhận thức được mình là một diễn viên, đứng trên sàn diễn và phải hoàn thành tốt vai trò được giao. Trong giới hạn của sự giả tưởng thì những điều bất hợp lý cũng trở nên hợp lý, và ngược lại cũng vậy. Đây là cách hiểu cho “sự tương phản” mà độc giả có thể rút ra được khi đọc qua quyển một. Và như vậy thì có chút kỳ lạ khi mà tựa đề của quyển một là Tales of Blood thay vì Tales of Contrast hay đại loại vậy. Về việc này thì (mình) cũng không rõ được ngụ ý tác giả khi đặt tên vậy. Hoặc có thể nó chỉ liên quan đến các sự kiện xảy ra với Reiji đều dính dáng tới máu (Arisu hút máu và Yumeko chém cậu).

 

Một lần nữa, bài đánh giá này thực sự có thể tạo cảm giác khó hiểu, dường như nó đặt ra thêm câu hỏi thay vì trả lời chúng. Vậy nên cách tốt nhất để những bạn đọc hiểu được, là hãy đọc thử Re/Spectre để tự trả lời những thắc mắc của chính mình đề ra.



Tổng kết, Re/Spectre là một bộ truyện lạ, độc lạ. Khó nhận xét, nhưng đồng thời cũng có thể nhận xét được rất nhiều những yếu tố làm nó thú vị. Để tóm tắt, nếu độc giả muốn tìm một sự đổi mới trong thể loại romcom học đường pha chút yếu tố bí ẩn và siêu nhiên, Re/Spectre của tác giả Mikazuki Gwen là một lựa chọn tốt. Các nhân vật độc đáo, lạ lùng và thú vị, dẫn dắt đáng để suy ngẫm, thoại hài hước và nhanh nhảu, mang nhiều ý nghĩa cũng như cách chơi chữ độc đáo. Bộ truyện này có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, và mỗi lần dường như có thể nhìn ra thêm được một góc nhìn khác từ nó. Dĩ nhiên, cũng như nhiều góc nhìn, đây là một ý kiến cá nhân dựa trên cảm nhận của (mình) khi đọc qua. Nó tốt, nhưng không phải là hoàn hảo. Những thứ như dẫn dắt tự sự, chuyển cảnh/không gian giữa các chương có khi hơi rối cần được làm rõ, và đối thoại nhiều làm tình tiết đi chậm đôi khi lại khiến người đọc không thể bám trụ được lâu dài. Vậy nên một lần nữa, tác giả có thể xem xét để làm nó reader-friendly hơn, dù có thể sẽ mất đi cái chất độc đáo của Re/Spectre ở hiện tại.

 

Truyện sáng tác

3 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
Cho những ai thắc mắc thì cái phần (Gwen, Yumeko the Taurus - 013) này là citation theo APA nhé. Gwen (có thể) là họ tác giả, và Yumeko The Taurus - 013 là chương mà đoạn trích được sử dụng.
Xem thêm
Wow, không nhận ra là có bài đánh giá luôn. V~ thật. Cảm ơn Rikkka đã viết bài đánh giá cho bộ truyện (flop oi ear) của tui. 😀 Sẽ ráng để khắc phục những lỗi mà bạn nhắc tới sớm nhất có thể.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Cố lên tác giả. 😁
Xem thêm