*Chú thích trước khi đọc: bài review này chủ yếu là về Volume ngôi 1 của bộ truyện, và có chứa spoiler.
Những chương đầu tiên của bộ Tôi Yêu Nữ Phản Diện bởi tác giả Raynard mang lại cho tôi cảm giác thích thú, ở cái hành trình mà nhân vật chính, Audrey, đang và sắp phải trải qua. Bộ truyện mang đến một cái nhìn thú vị (và có phần độc đáo hơn so với các bộ truyện cùng motip) về cuộc sống ở một thế giới giả tưởng, nơi có ma thuật, những cơn sốt quái đản và... những giây phút rất dễ thương cùng với các nhân vật bên cạnh Audrey (Alicia, Lina, vv). Tiện thể thì tôi chỉ đọc có ba chương đầu của Volume ngôi 3 nên bài review này sẽ không nói về vol ngôi 3 mà là về vol ngôi 1 (cá nhân tôi thích đọc ngôi 1 hơn chứ không phải vì ngôi 3 dở hơn hay không thú vị).
Nội Dung Câu Chuyện.
Vô luôn ngay từ vài chương đầu thì tôi thấy tác giả đã khéo léo xây dựng được bối cảnh truyện và nhân vật, ghim vào đầu người đọc được hình ảnh và cá tính của nhân vật “tôi” (trong thân xác Audrey). Cậu được thể hiện lên rất chân thật qua những cơn đau hành hạ cơ thể đã không còn chút sức lực của mình (cơ thể Audrey trong game bị bệnh và đáng lẽ đã chết vì cơn sốt, cho tới khi nhân vật chính “tôi” chuyển sinh vào). Cách mà tác giả miêu tả các triệu chứng của cơn sốt qua những câu chữ rất chân thực, tạo nên sự đồng cảm mạnh mẽ. Độc giả dễ dàng hình dung được tình trạng của Audrey - nóng như lửa, khó thở, và nhất là cái cảm giác “chỉ muốn nằm lì trên giường”. Sự độc đáo của NPD trong cái motip chuyển sinh này, đó là nhân vật “tôi” mới chuyển sinh vào game thì đã bị hành hạ tới tàn tạ. Tự dưng làm nhớ tới cái intro của dòng game soulsborne, mới đầu game nhân vật chính đã bị ăn hành cho ngóc đầu lên không nổi.
Một điểm nữa mà tôi rất thích trong những chương đầu là cách tác giả dùng sự so sánh giữa Audrey và Josua trong “Hạt tuyết cuối cùng”. Mặc dù tôi không biết gì về “Hạt tuyết cuối cùng” cả, nhưng cũng là một người hay sử dụng việc reference thế này nên tôi chấm ngay khi thấy. Nó không chỉ làm nổi bật tâm trạng của nhân vật mà còn khéo léo dẫn dắt độc giả vào chiều sâu tâm lý của Audrey nữa. Việc mượn hình ảnh của một nhân vật nổi tiếng từ tác phẩm văn học khác không chỉ tạo điểm nhấn cho tính cách của Audrey (dễ hình dung hơn, đồng cảm được hơn), mà còn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về văn chương.
Nhân Vật.
Nói về nhân vật thì ngoại trừ Alicia (chỉ được nhắc qua ở Volume góc 1 này), thì Lina cũng là một điểm sáng khác trong tác phẩm. Cô không chỉ đơn thuần là một người hầu, mà là người bạn đồng hành tận tâm, luôn lo lắng và chăm sóc cho Audrey (theo setting game thì là vậy), và nó được thể hiện ra ngay từ giây phút mà nhân vật “tôi” chuyển sinh vào cơ thể Audrey. Cách mà Lina rưng rưng nước mắt nhưng vẫn cố gắng mỉm cười tạo nên một khoảnh khắc cảm động (nhờ sự tương phản trong cảm xúc và hành động), khiến tôi phải vô tình ước là tác giả cho Audrey có harem cơ, vì mỗi Alicia thì hơi tiếc. Mà thôi thì nói về tình bạn vậy, hay theo cách nói khác thì là một mối quan hệ vượt qua cả giới hạn của chủ nhân và thuộc hạ, cách Audrey và Lina quan tâm đến nhau thực sự đã giúp tăng thêm độ chân thật và cảm xúc của các nhân vật, sâu xa hơn thì thậm chí là cả câu chuyện.
Công tước Valencia và phu nhân Lena cũng được xây dựng khá tốt, thể hiện sự yêu thương và quan tâm đến Audrey (cho những ai chưa đọc thì họ là cha mẹ của Audrey trong game). Sự xuất hiện bất ngờ của công tước Laurent với vai trò là bác sĩ tạo nên bước ngoặt, một điểm nhấn cho hướng đi của câu chuyện. Mà, vì ông xuất hiện ở ngay cuối chương 6 và tác giả vẫn chưa ra thêm chương mới, nên việc ông có vai trò gì thì phải chờ để xem thôi. Nhưng thực sự thì đọc tới đây tôi tự dưng thấy tò mò. Laurent vốn là cha của bạn thân nữ chính trong cái game này, nên việc ông ta xuất hiện như vậy không biết là tác giả có dùng để gài gắm điều gì không, hay là plot twist, hay là chắc tôi chỉ đang nghĩ quá lên thôi.
Câu Chuyện Kể và Ngôn Ngữ.
Về phần này thì tác giả đã chọn cách kể chuyện rất tinh tế, với giọng điệu tự sự và nhẹ nhàng, mang lại cho độc giả cảm giác gần gũi (ngôi 1). Ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm rất mạch lạc và dễ hiểu, ai cũng có thể tiếp cận mà không gặp khó khăn. Nhưng không phải vì vậy mà bộ truyện bị đơn sơ, ngược lại, tác giả không chỉ dừng ở việc truyền tải nội dung mà còn mang đến những hình ảnh và cảm xúc sống động qua con chữ.
Tuy nhiên có một số chỗ mà tôi nghĩ tác giả có thể cải thiện. Đôi khi một vài đoạn mô tả có phần hơi dài dòng, khiến cho nhịp điệu của câu chuyện bị chững lại. Đặc biệt như việc miêu tả những cảm giác của Audrey khi bị sốt ở các chương đầu đôi khi có vẻ hơi lặp ý. Điều này có thể làm cho độc giả cảm thấy chán nếu không có những tình tiết kịch tính mới để thúc đẩy câu chuyện.
Tính Hài Hước.
Mặc dù câu chuyện có nhiều yếu tố drama, bi kịch (ngay đầu vol đã nói tới death flag của Alicia rồi… chưa kể Audrey còn vừa chết nữa), nhưng tác giả không quên lồng ghép những khoảnh khắc hài hước vào từng chương, dù nhẹ nhàng, bất ngờ hay có nhiều cái thẳng thắn gây hài. Cách những tình tiết gây cười được xây dựng rất hợp lý, nó không những giúp giảm đi sự căng thẳng sau các màn drama kịch tính để điều tiết không khí truyện lại, mà cũng bởi vì như vậy nên nó mới càng được nhấn mạnh.
Để ví dụ thì có tình huống Audrey phải vật lộn với cơn sốt và những triệu chứng khó chịu. Sau đó thì nghe tới cái tên “Alicia” là bỗng dưng cậu có cảm hứng đi rèn luyện thể chất lại. Mà có thể với nhiều người thì nó không buồn cười, nhưng mà tôi lại thấy nó hài vì ngày từ đầu tôi thấy Audrey hơi có dấu hiệu simp Alicia rồi, mà giờ thì càng đọc nó càng rõ ?
Và ngoài ra thì câu chuyện đi như một cái tàu lượn siêu tốc vậy (không đến nỗi lên xuống quá kinh khủng), nhưng nhờ có sự xuất hiện của những tình huống dở khóc dở cười, như kiểu Audrey cố gắng ngồi dậy nhưng lại suýt ngã nhào, xảy ra sau khi cậu vừa mém chết (thực ra là đã chết do bệnh rồi) thì nó khá chill và nhấn mạnh hơn cả cái bi kịch và hài hước. Đại khái mà nói thì nó hài vì trước đó có bi kịch/drama. Chứ spam hài không thì nó thành ra nhàm chán.
Kết Luận.
Tóm lại thì trong 6 chương đầu tiên của Tôi Yêu Nữ Phản Diện này mang tới cảm giác nhẹ nhàng, thú vị tạo nên nền tảng vững chắc cho những gì xảy ra tiếp theo trong cuộc hành trình của Audrey. Tác giả đã khéo léo kết hợp giữa bi kịch và hài hước, một sự pha trộn tinh tế và đầy cảm xúc. Mặc dù còn một số điểm có thể cải thiện trong việc mô tả và nhịp điệu câu chuyện, nhưng tổng thể, đây là một tác phẩm đáng để đọc và theo dõi tiếp. Độc giả chắc chắn sẽ không cảm thấy hối tiếc khi theo dõi hành trình đầy thử thách của Audrey (chinh phục Alicia? Maybe?) trong thế giới giả tưởng “đầy màu sắc” (còn sắc gì thì không biết, chứ nghe có vẻ dark dark) này. Fandom của tác cũng thúc ra chương nữa, mong tác không delay quá :))))
17 Bình luận
Mà sao tui không thấy điểm chấm của bài review này vậy nhỉ...