Một bài đánh giá nho nhỏ cho Nữ Hoàng muốn viết truyện
Members

Chào mọi người.

 

Có thể mọi người không biết mình là ai, mình cũng tự nhận bản thân sinh hoạt khá là kín tiếng tại nền tảng này. Vậy nhưng khi biết tin Pod có tham gia cuộc thi lựa chọn banner và đã vào được vòng trong, thì mình đã có dự định viết một bài review nho nhỏ để ủng hộ người em của mình.

 

Qua những cuộc trao đổi ngắn của hai anh em thì mình nhận thấy đây là một dự án rất là tâm huyết của Pod, em ấy thực sự bỏ công sức ra để nghiên cứu và tìm hiểu các chất liệu để tạo nên thế giới giả tưởng Nam Quốc, và em cũng mong muốn câu truyện mình viết sẽ là một đầu truyện để đời. Bởi vậy nên ngoài việc viết một bài đánh giá nhận xét công tâm ra, thì nhân đây mình cũng muốn chỉ ra những lý do vì sao mà câu truyện Pod viết chưa thực sự xứng tầm với tưởng tượng trong đầu em ấy dựa theo ý hiểu của bản thân mình. Để bài đánh giá này khách quan nhất có thể, thì từ giờ mình sẽ thay đổi xưng hô với Pod và coi em như một tác giả bình thường. Nội dung trong bài viết sẽ có số lượng spoil nhất định, vậy nên những ai chưa đọc qua truyện hãy cân nhắc trước khi xem.

 

Vậy điểm mạnh của câu truyện là gì?

 

Mình rất là đồng tình với bài review trước của bác Rikkka. Tác giả viết rất là chắc tay. Các câu văn gãy gọn và dứt khoát, không tạo cảm giác lê thê và dài dòng thường thấy của tác giả lần đầu viết truyện. Mặc dù vẫn còn đó lỗi dấu câu và lặp từ rải rác. Có thể lấy ví dụ ở chương 6, bởi vì nó hội tụ hầu hết các lỗi sai về mặt ngữ pháp có trong truyện.

 

Vị chủ tịch Thành Trì kinh ngạc, nhưng chưa kịp thốt lên câu nào thì Kiều Anh nói rằng kể cả thế cũng khó có thể dự đoán sự kiện của một nghìn năm sau. => vế sau thiếu dấu câu và từ nối làm cho câu văn không thực sự thoát ý.

 

“Hầu hết sự kiện cháu dự đoán được hầu hết diễn ra một tháng sau từ lúc gặp ác mộng. Dự đoán được sự kiện ở thời điểm xa đến như vậy? Cháu không chắc.” => vế đầu lặp từ “Hầu hết”.

 

“Khó nhưng không phải bất khả thi.” => đoạn này thiếu dấu phẩy để ngăn cách vế “Khó” và “nhưng không phải bất khả thi.”, vậy nên nó tạo cảm giác câu văn không được tự nhiên khi đọc, bởi vì việc ngắt nghỉ không hợp lý.

 

Như mình đã nói ở bên trên, thì tác giả thực sự để tâm tới việc xây dựng thế giới. Nó không có to tát và rộng lớn kiểu năm châu bốn bể với hàng ngàn hàng vạn quốc gia tranh đấu vì lợi ích giống như plot của các Pháp sư Trung Hoa. Thế giới hiện tại được kể thông qua Nam Quốc, một quốc gia nhỏ bé bị giày xéo bởi đủ loại thế lực trong và ngoài nước khi khủng hoảng kéo đến. Dù nhỏ bé vậy nhưng tác giả đã làm tốt ở việc tạo chiều sâu cho thế giới đó, từ văn hóa, lịch sử, hình thái quốc gia, đến cả quá khứ các nhân vật trong truyện. Chúng ta đều đồng cảm với khát khao viết truyện của nữ hoàng Tuyết Nhung, cũng như thấy được tinh thần bất khuất của dân tộc An Nam ở cuộc khởi nghĩa (hay là nhóm phản động như trong nguyên tác) do đại tướng Trần Văn Trung dẫn đầu và nhận được sự hưởng ứng từ người dân trong nước. Lịch sử tiếp diễn rồi lại lặp lại chính nó, khép lại các sự kiện của quá khứ và kiên nhẫn chờ đợi cho một chu kỳ mới sắp đến.

 

Mình nghĩ viết đến đây là đủ để cho mọi người hiểu những điểm mạnh của tác phẩm rồi. Quả đúng là các chương đầu (đặc biệt là từ chương 3 đến chương 5) rất nặng về world building, nhưng mà qua giọng văn của tác giả, chúng ta không phải trải qua lớp học lịch sử chán ngắt để có thể nắm bắt các diễn tiến ngoài lề với câu chuyện chính. Ta được đồng hành với Tuyết Nhung, cảm nhận được những biến động của thời đại đã ảnh hưởng tới cô như nào để từ một đứa trẻ mồ côi có thể leo lên vị trí đứng đầu của một quốc gia. và tầm ảnh hưởng của cô từ quá khứ đã định hình thế giới hiện tại như nào. Các tình tiết đều được xây dựng chỉn chu và số lượng các chi tiết nhỏ được cài cắm rải rác là đủ để tạo được sự hứng thú để khiến mình có động lực đọc tiếp.

 

Tuy nhiên, các vấn đề nội tại của câu truyện vẫn còn đó.

 

Có thể tác giả đã nhận ra, hoặc nếu đã lắng nghe phản hồi của độc giả rồi, thì bạn sẽ biết điểm yếu lớn nhất là vấn đề tốc độ và mạch truyện của câu chuyện. Nó chạy nhanh theo rất nhiều khía cạnh, và tiếc thay nó lại xuất hiện ngay ở những chương đầu tiên. Ở chương một ta được giới thiệu bối cảnh tại ngôi trường đại học của Nam Quốc trong một thế giới ma pháp. Ta biết tới hai nhân vật là Kiều Anh và hiệu Trưởng Văn Trung, trong đó Kiều Anh là người có được ký ức của nữ hoàng Tuyết Nhung. Cả hai sau một cuộc đụng độ nhỏ cuối cùng cũng chịu nhận mặt nhau và bỏ ngỏ cho một tương lai tại thế giới học đường. Quả thực chương tiếp theo có nói một chút về bối cảnh trường học thật, nhưng rốt cuộc kết chương lại là một cú quay xe 180 độ. Thành phố bị sâu Tận Thế tấn công, hiệu trưởng Văn Trung hy sinh và cả ngôi trường lẫn các học sinh trong đó đều bị xóa sổ.

 

Tất cả đều cần có thời gian mới có thể hình thành nên tình cảm. Có thể tác giả muốn tạo một cú sốc dành cho độc giả, kiểu như đây không phải là một câu chuyện kể về môi trường học đường bình thường, nơi các cô cậu sinh viên chỉ có vùi đầu vào đèn sách với những mối lo toan về cơm áo gạo tiền hay những câu chuyện tình cảm yêu đương nhắng nhít không thôi đâu. Cái này mình có thể hiểu, nhưng mà kể cả với mục đích như vậy thì diễn biến như thế vẫn là quá nhanh với người đọc, và đã bỏ lỡ cơ hội về việc giới thiệu và mở rộng thế giới trong môi trường học thuật, và những tương tác giữa Kiều Anh và hiệu trưởng Văn Trung, đặc biệt là nhân vật Văn Trung. Quả thật cái chết của ông có ấn tượng rất lớn với Kiều Anh, nhưng không phải với độc giả. Như tác giả thấy, chẳng ai tiếc thương cho cái chết của Văn Trung, hay bất kỳ học sinh nào trong cái ngôi trường xấu số đấy cả. Người đọc chỉ vừa mới biết bọn họ thôi mà, còn chưa kịp xây dựng cảm tình với các nhân vật trong truyện thì tất cả đã đi bán muối hết cả rồi.

 

Việc thay đổi bối cảnh giữa quá khứ và hiện tại, mà theo ý định của tác giả, là để thay thế cho việc Kiều Anh bị hôn mê và ký ức quá khứ từ nữ hoàng Tuyết Nhung hiện về. Về mặt lý thuyết thì nó hay và khả thi để áp dụng. Nhưng mà tác giả làm chưa khéo ở đoạn này. Sau một màn quay xe gắt như thế thì độc giả rất cần một thứ gì đó để níu kéo họ nắm bắt được mạch truyện sắp tới, chứ không phải là ném họ vào một bối cảnh khác mà không để lại chút manh mối nào như vậy. Cái này nếu mà lấy thuật ngữ bên Marvel thì có nghĩa là độc giả đang rất hoang mang và cần một nhân vật (hoặc sự kiện) mỏ neo nào đó để bấu víu vào và định hình lại câu chuyện. Tác giả chưa làm được như thế, các sự kiện vẫn tiếp tục tiếp diễn dẫn đến việc người mới đọc lần đầu sẽ cảm thấy mạch truyện diễn ra rất là nhanh là như vậy. Cái này có thể sửa lại thành Kiều Anh có xuất hiện trong giấc mơ đó nhưng lại không thể tác động lên thế giới trong mơ. Khi đó Kiều Anh sẽ là nhân vật mỏ neo của độc giả, và từ góc nhìn của cô ấy thì họ sẽ có được cái nhìn tổng thể tốt hơn về bối cảnh và thời gian khi đó.

 

Đó là những lý giải của mình để trả lời cho câu hỏi vì sao cốt truyện lại nhanh tới như vậy. Dù cho tác giả đã cố gắng rất nhiều để giảm nhịp câu truyện xuống ở những chương sau, nhưng gốc rễ vấn đề vẫn còn ở đó. Mong sao sắp tới nếu tác giả có ý định quay lại và nhìn những chương mở đầu, thì bài viết này sẽ giúp cho bạn có được hướng đi để bạn dễ dàng nắm bắt. Thôi thì bài viết cũng đã dài rồi, mình cũng không phải là người bắt bẻ và khắt khe quá về các lỗi sai. Mong rằng tác giả sẽ tiếp tục tiến xa và đoạt giải cao cho câu chuyện tâm huyết này.

0 Bình luận