“Khung cảnh đẹp nhất thế giới ở đây chứ đâu!”
Tiếng anh Yoki vọng xuống từ ngọn một cây long não cao phải đến ba mươi mét. Tôi đang ngồi ở cành cây bên dưới, thưởng ngoạn bầu trời bao la và gió thổi qua tán lá.
Chúng tôi đang trên đỉnh núi Tây, tranh thủ nghỉ giải lao trong lúc tỉa cây bách.
Đôi khi, tùy vào điều kiện ánh sáng và thổ nhưỡng, liễu sam và bách sẽ được trồng trên cùng một ngọn núi. Liễu sam sống tốt hơn ở nơi đất cằn và ít nắng, nên thường được trồng ở dưới chân, từ trạm số tám trở xuống. (Mỗi ngọn núi thường được chia thành mười trạm, trạm số một ở chân núi, số năm ở lưng chừng và số mười ở trên cùng.) Mặt khác, bách được trồng về phía đỉnh. Chúng thích loại đất thấm nước nhanh và nhiều ánh sáng, chịu lạnh và chịu tuyết tốt hơn liễu sam.
Nhưng trồng gần đỉnh núi cũng có nghĩa là việc chăm sóc và khai thác chúng đòi hỏi nhiều công sức hơn. Chỉ lên đến nơi thôi cũng đã phải leo mỏi cả chân. Nếu có người bị thương thì cũng khó lòng nhanh chóng đưa họ về chốn văn minh. Sâu trong lòng núi, không thể trông cậy vào ai khác ngoại trừ những người đồng chí của mình, đội Nakamura làm việc một cách cẩn trọng và đầy căng thẳng.
Có một ngoại lệ tất yếu – anh Yoki. Càng lên cao, nguy hiểm càng lớn, ổng lại càng hăng. Ổng thích nhất là được tỉa cây bách trồng gần đỉnh núi. Thích đến mức giờ ăn trưa ổng vẫn không chịu trèo xuống. “Ăn xong lại leo lên làm tiếp thì xuống làm gì?” Thế là ổng buộc mình vào cái cây và đu đưa như con sâu, nhấm nháp miếng onigiri.
“Tốt nhất là kệ nó,” Lão Già Saburo bảo. “Nó là hyoitoko ấy mà.” Hyoitoko là tiếng Kamusari có nghĩa là “con trời” – sinh vật sống trên không trung, bàn chân hiếm khi nào chạm xuống đất.
Noko ngẩng đầu nhìn anh Yoki lủng lẳng trên cây, rồi quay qua anh Seiichi vẫy vẫy đuôi – ý nó muốn uống nước. Anh Seiichi bèn rót cho nó một ít vào một cái bát làm từ lá tre, và cu cậu liếm sạch. Noko có thói ăn uống tốt hơn chủ của nó nhiều.
Trèo cây trên sườn núi còn ghê hơn cả trên đất bằng. Ban đầu, tôi vừa tỉa vừa sợ run người. Liễu sam và bách không có nhiều cành để bám vào, bởi vì mục đích của việc tỉa là để loại bỏ hết cành nhánh kia mà! Chúng tôi cũng hiếm khi nào sử dụng dây cứu hộ. Lúc nào cũng tháo với lắp cả đống dây dợ thì chỉ tổ làm cho công việc chậm rì.
Dần dần tôi cũng thích nghi. Núi thì to, cây thì nhiều không đếm xuể. Cứ thế mà tỉa thôi. Chỉ cần làm việc say sưa là sẽ không còn chỗ cho nỗi sợ nữa.
Sau khi tôi đã quen việc rồi, một hôm anh Yoki rủ tôi trèo lên cái cây long não đó vào giờ nghỉ trưa. Các ngọn núi quanh làng Kamusari chỉ trồng liễu sam và bách, nhưng dọc theo sống núi, thi thoảng sẽ có một cây long não hoặc cây gỗ cứng khác. Người làm nghề lâm họ thường trồng một cây ở rìa vạt rừng để đánh dấu, hoặc để nguyên trạng những cây đã có ở đó từ đầu.
Trên núi Tây, sườn dốc phía đông cây long não thuộc về một ông già ở quận Naka. Không còn đủ sức để chăm cây rừng nên ông đã nhờ đội Nakamura tiếp quản giúp. Việc duy trì rừng đòi hỏi sức khỏe và kinh nghiệm, nên mọi người sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Cả một hệ thống được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và hợp tác qua nhiều thế hệ.
Cây long não to khổng lồ với cành lá xum xuê rất thích hợp cho việc leo trèo. Vỏ cây tỏa hương thơm nồng. Với lá cây xòa lên mặt, tôi nhìn xuống biển màu xanh lục bên dưới, về những mái nhà đang lấp lánh ở xa xa dưới làng.
Bầu trời xanh nhạt không chút gợn mây. Gió đã bắt đầu mang nét hanh của mùa thu theo cách vô cùng ý nhị. Việc bơi lội trên sông không còn hấp dẫn nữa. Những hàng cây ở chân núi nằm gần ngôi làng đang sắp sửa thay áo, mấy quả hồng mai đây sẽ chín đỏ.
Muông thú trên núi đang bận rộn chuẩn bị cho mùa đông. Cảm nhận được sự hiện diện của chúng, Noko sủa vào mấy bụi cây, cái đuôi cong veo vẫy lấy vẫy để.
“Ngoan, Noko, ngoan!” Thấy anh Yoki gọi xuống từ trên ngọn, Noko nguôi đi đôi chút.
Chắc chắn là có cái gì đó cậu chủ à. Cậu chủ có chắc là muốn tôi bỏ qua nó không? Nó lấy chân trước bới bới sốt ruột xuống đất ngỏ ý như thế. Chẳng bao lâu sau cu cậu mất kiên nhẫn và lại tiếp tục sủa.
“Giống chó săn nó vậy.” Anh Yoki thôi không dỗ yên nó nữa và tựa lưng vào thân cây. Ở trên cao ba mươi mét mà trông ổng thoải mái như đang ngồi ườn trên đi-văng phòng khách.
Tôi rón rén đổi tư thế trên cành. Không nhìn xuống dưới chính là bí quyết để hòa mình vào cây lá. Nếu bạn nhận thức được mình đang cách xa mặt đất cỡ nào, hai hòn của bạn sẽ teo lại vì sợ.
“Noko khi ở trong rừng nổi bật quá anh nhỉ?” tôi nhận xét. “Lông nó trắng tinh thế kia mà.”
Ở làng Kamusari, không ai xoa xà phòng cho chó cả. Một lần anh Yoki trông thấy một con chó mặc quần áo trên TV và cười hô hố. Còn Noko thì không được chải chuốt cho lắm. So với những chú chó mà tôi thường thấy, cu cậu phải nói là dơ. Nhưng khi ở trên núi, cu cậu vẫn trắng một cách nổi bật và rực rỡ.
“Chó vừa khôn vừa trắng rất có giá trị đối với người làm rừng. Chúng trông rất rõ vào ban đêm. Nếu anh mày mà bị tai nạn chấn thương không di chuyển được, thì việc Noko dễ bị nhìn thấy cũng khiến cho người ta tìm thấy anh dễ hơn.”
Hay thật. Ai mà biết là chọn chó nuôi cũng phải tính xa đến thế kia chứ? “Thế còn mùa đông thì sao? Sau một trận tuyết là Noko sẽ hòa lẫn hết vào cảnh vật xung quanh luôn.”
“Khi đó thì anh mày sẽ ôm nó để sưởi ấm. Còn nếu bất quá thì cho vào nồi vậy.”
Eo ơi. Nhưng giả trường hợp xấu nhất xảy ra đi nữa, tôi biết anh Yoki cũng sẽ không bao giờ ăn thịt Noko. Có khi ổng còn xẻo thịt mình ra để cho nó ăn ấy chứ. Anh Yoki có thể không cho Noko ăn diện, nhưng không ai chăm chó của mình tốt hơn ổng cả. Ở vùng núi chủ và chó không cưng nựng lẫn nhau, nhưng cả hai đều có chung một tâm hồn đồng điệu. Tôi luôn cảm nhận được điều đó trong ánh mắt giữa họ.
Việc tỉa cây tiếp tục diễn ra mà không có sự cố nào cả.
Tôi tự thấy mình đã tiến bộ nhiều. Tôi không còn nói mấy câu như “cành lá còn xanh thế này mà cắt đi thì thật phí”. Tỉa cây là việc cần làm để cho ra những khúc gỗ trơn. Bỏ đi những cành không thiết yếu cũng giúp duy trì chất dinh dưỡng, đảm bảo cho tất cả các cây được nhận đủ ánh sáng mặt trời và giảm tối đa khả năng cháy rừng.
Hỏa hoạn lúc nào cũng có thể xảy ra trong rừng trồng. Nguyên nhân đến từ những người đi lên rừng để chăm sóc cây, họ nhóm lửa hoặc hút thuốc. Một khu rừng được cắt tỉa cẩn thận có thể chống cháy đến một mức độ nhất định, bởi không có các cành cây thấp dễ dàng bắt lửa. Ở những nơi lơ là việc tỉa cây và để cành khô lòa xòa xuống đất, cháy rừng có thể lan nhanh trong tích tắc.
“Cháy một vụ là toi công cả chục năm,” chú Iwao nói. “Phải luôn cảnh giác để ngăn không xảy ra cháy và giữ rừng trong trạng thái tốt nhất. Không bao giờ được quên chúng ta chỉ đang mượn lại đất đai của sơn thần.”
Những cây bách trên núi Tây cao đến gần mười hai mét. Chúng tôi tới đó để tỉa những cành cây cách mặt đất khoảng bảy, tám mét và có đường kính khoảng sáu đến tám phân ở phần chạc. Chúng tôi chặt đi từng cành, từng cành một.
Bạn không thể cứ nhắm mắt mà làm. Chắc bạn cũng biết cành cây thường lồi ra một tí ở nơi chúng nối liền với thân, cắt vào chỗ lồi đó sẽ khiến thân cây bị tổn thương và làm giảm giá trị của gỗ. Bạn phải để nguyên chỗ lồi ra đó và cắt đúng góc, đồng thời phải cân nhắc cả hình dáng của cành và thân cây. Để làm việc này khi đang ở trên cao tám chín mét, trong lúc bám lấy thân, thật sự là căng não. Tay thì mỏi, dây thừng thì siết vào người.
Tôi dùng một cái cưa. Còn anh Yoki thì đương nhiên dùng rìu. Đung đưa giữa không trung, ổng vung cái rìu ấy và chặt lìa cành cây không lệch một phân. Tỉa xong một cây, ổng quăng thòng lọng sang cây kế tiếp, thắt nút lại và nhảy. Ổng bảo là để tiết kiệm sức trèo xuống rồi lại leo lên. Một lần nữa trông ổng không giống người tí nào.
“Anh giống như Tác-Giăng ấy,” ổng nói bình thản. “Trông siêu không?”
Theo tôi thì trông ổng giống một con sóc bay vác theo vũ khi chết người là cây rìu của ổng.
Không giống như anh Yoki, làm xong một cây, tôi trèo xuống thang, cố định nó vào thân cây khác, rồi mới leo lên. Tôi dùng một cái thang con rết, bao gồm một cọc gỗ đơn giản ở giữa và các nấc thang nằm xen kẽ nhau ở hai bên. Tôi sẽ tựa nó vào cây rồi cố định lại bằng cách buộc dây thừng quanh thân tại một số điểm.
Ban ngày càng lúc càng ngắn. Đến năm giờ, trời đã tắt nắng. Quạ bắt đầu kêu và núi đã nhuốm sang màu đỏ, nên chúng tôi kết thúc công việc và trở về nhà. Cơn gió buổi tối vuốt qua da tôi lành lạnh, song ruột gan tận sâu bên trong tôi lại ấm áp vô cùng, hài lòng vì đã kết thúc một ngày làm việc hăng say. Được trở về nhà và ăn cơm tối là một cảm giác thật tự do, bên cạnh một nỗi buồn mênh mang khó tả.
“Núi Tây như thế là hòm hòm rồi,” anh Seiichi nói khi cả bọn đang đi xuống dốc. “Nhanh hơn dự tính.”
Chú Iwao, tay vác cái thang con rết, quay lại nhìn tôi. “Cũng nhờ có thằng Yuuki.”
Tôi vừa vui vừa mắc cỡ. “Chú cứ nói quá,” tôi bảo.
“Đúng là quá thật,” anh Yoki gật gù.
Anh im đi. Tôi và ổng đấm trêu nhau.
Mặc kệ bọn tôi, Lão Già Saburo quay sang anh Seiichi hỏi, “Thế mai thì sao? Có làm gì không?”
“Không ạ, sáng mai đội nhà mình nghỉ.”
“Sao lại thế?” Anh Yoki có vẻ thất vọng.
“Quên à? Chiều mai có buổi họp lên kế hoạch cho lễ hội của ngài Oyamazumi.”
Đó là tên của vị thần trên núi Kamusari, tôi nhớ vậy. “Ừm… ngài Oyamazumi trên núi đúng không ạ?”
Mọi người quay sang nhìn tôi.
“À đấy,” anh Yoki lên tiếng. “Xử lý thằng này kiểu gì đây?”
Chú Iwao với Lão Già Saburo liếc nhìn nhau.
Xử lý? Như thế nào là xử lý? Tôi thấy hơi mếch lòng.
Đáp lại câu hỏi của tôi, anh Seiichi nói, “Đúng rồi. Ngài Oyamazumi sống ở trên núi Kamusari. Ngài là vị thần của Kamusari, và chúng ta tôn vinh ngài bằng một lễ hội đặc biệt vào mỗi mùa thu.”
⸙
Sáng hôm sau, nhà anh Seiichi tất bật chuẩn bị cho cuộc họp buổi chiều. Phụ nữ xung quanh tụ tập hết trong bếp để chuẩn bị đồ ăn. Trong khi đó, anh Seiichi bận tiếp đón dân làng khi họ đến, chú Iwao và Lão Già Saburo bận xếp gối kê và mâm bát, còn anh Yoki thì bận… hút thuốc trong sân. Trừ lúc trên núi ra thì ổng chẳng được cái tích sự gì.
Tôi chạy đi chạy lại giữa nhà bếp với phòng trà, giúp họ bê đồ ăn thức uống. Tôi thầm mong Naoki sẽ có mặt, nhưng không. Nghĩ lại thì hôm đó là ngày thường. Làm giáo viên sao dễ mà nghỉ.
Gần như mọi người dân nam giới trong quận Shimo, Naka và Kamusari đều tham dự cuộc họp này do anh Seiichi tổ chức. Họ đến đây trên xe bán tải, một số ngồi chen chúc sau thùng xe. Trong làng này không có luật giao thông à? Xe đỗ thành hàng trước sân nhà anh Seiichi tràn cả ra đến cầu.
Khi đã bỏ hết vách ngăn, gian nhà chính của anh Seiichi rộng thênh thang, phải đến bốn mươi chiếu. Cảnh tượng một đám đàn ông đủ mọi lứa tuổi ngồi chung hết vào một phòng quả là dễ sợ. Phụ nữ thì ở bên ngoài. Khi đến phiên lên kế hoạch cho lễ hội mùa thu, các ông chồng râu quặp mới được dịp nắm quyền.
Khi tất cả đã no nê và uống đôi ba chén rượu, anh Seiichi mới đi vào chủ đề cần bàn. “Đã lại đến ngày tất cả chúng ta đều cùng nhau tưởng nhớ đến ngài Oyamazumi. Năm nay sẽ là đại lễ bốn mươi tám năm một lần. Hãy cùng chung sức để lễ hội thành công tốt đẹp.”
Một vài ông già tóc bạc đứng dậy kể lại đại lễ lần trước đã được tổ chức ra sao. Họ trải một cuộn giấy cũ gì đó ra rồi trao đổi. Cả nhóm ấn định kế hoạch cho hôm lễ hội và sau đó chia công việc cho từng quận một. Tôi chẳng hiểu mô tê gì nên ngồi gà gật trong góc phòng. Bên cạnh tôi, nnh Yoki nằm thẳng cẳng trên nền nhà, ngáy o o.
Sau ba tiếng, mọi thứ dường như đã được thu xếp hầu như ổn thỏa.
“Cuối cùng,” anh Seiichi nói, “Có ai phản đối gì việc Yoki đóng vai trò là medo không?” Anh nhìn khắp một lượt mọi người.
Dù đang ngủ gật, nhưng đến chỗ này thì anh Yoki choàng dậy. “Không có ý kiến gì!”
Chẳng rõ vì họ bị lấn át bởi luồng năng lượng bốc ra từ anh Yoki, hay vì họ công nhận khả năng của ổng mà không có ai phản đối. Tôi vẫn không biết medo là cái gì, nhưng trông anh Yoki khá mãn nguyện, nên bèn bỏ qua.
“Điền chủ.” Bác Yamane, người đang ngồi ở gần chính giữa phòng, lên tiếng với một vẻ quyết tâm rất lớn. “Thế còn cậu học việc của anh thì sao? Anh tính như thế nào với cậu ta?”
“Ý chú là Hirano Yuuki? Tất nhiên là cháu sẽ cho em ấy tham gia vào lễ hội.”
Những tiếng thì thào rộ lên khắp căn phòng.
“Tôi là tôi… không đồng ý.” Bác Yamane ngập ngừng một tí, so dường như đã hạ quyết tâm. “Nếu cho người ngoài tham dự vào lễ Oyamazumi, đã vậy lại còn là đại lễ nữa thì không biết thần sẽ giận dữ tới đâu.”
Tôi không quan tâm lắm đến cái lễ hội này, nhưng thái độ của bác Yamane khiến cho tôi bực mình. Như thường lệ, bác ta tránh nhìn tôi. Tôi thì vẫn đang cố hết sức để hòa nhập đây, vậy mà mỗi khi đi ngang qua ngoài đường, bác ta luôn làm như không nghe thấy tôi chào hỏi. Cứ như tôi tàng hình hay là con ma không biết. Còn nữa, tôi biết anh Seiichi và những người khác trong đội đang bị chỉ trích vì đã nhận một đứa gà mờ như tôi.
Mọi người trong phòng nhìn dáo dác hết từ bác Yamane sang anh Seiichi rồi lại quay lại. Thi thoảng họ còn nhìn lén tôi một cái, song quay đi rất nhanh. Tôi ước nếu họ thích nói gì thì nói quách ra cho xong.
Anh Yoki ngồi khoanh tay với điếu thuốc ngậm trong miệng, nhả luồng khói rõ dài ra từ hai lỗ mũi. “Xì xà xì xào! Sốt cả ruột. Ai phản đối giơ tay coi.”
Chẳng có cánh tay nào giơ lên. Cũng không ngạc nhiên lắm: anh Yoki, mồm thì bảo mọi người giơ tay, còn mắt thì gườm quanh hết cả căn phòng. Song không khí chung vẫn là không muốn tôi tham gia vào, tôi biết vậy.
Anh Seiichi thở dài. “Thôi được rồi. Tạm thời chúng ta sẽ không bàn đến chuyện cậu Yuuki có được tham gia không. Giờ mọi người hãy về và chuẩn bị theo như kế hoạch mà chúng ta đã thảo luận hôm nay.”
Đêm hôm đó, tôi bực bội và tức tối đến mức không ngủ được. Tôi bực cái bác Yamane bằng đấy tuổi rồi mà vẫn sợ thần linh giận với chả dỗi, tức với mấy người dân làng khác không muốn cho tôi tham gia nhưng lại không có gan mà nói cho ra nhẽ. Đằng nào cũng không ngủ được, tôi bỏ chăn, lặng lẽ đẩy cửa ra ngoài. Tôi muốn tìm ai đó tâm sự, nhưng bà Shige ngủ say sưa mất rồi. Ngay cả hai con cá cũng đang lửng lơ không động cựa gì trong cái bể đặt cạnh gối của bà.
Tôi lẻn ra vườn qua khung cửa kính phòng bà Shige. Buổi đêm giá lạnh và yên tĩnh. Noko đang ngủ trong chuồng liền ngẩng đầu lên, nhưng thấy tôi thì lại gục đầu xuống hai chân trước và nhắm mắt ngủ tiếp.
Người thân và bạn bè tôi ở Yokohama đang ra sao nhỉ? Nếu người ta sẽ không bao giờ đón nhận tôi ở đây, chi bằng bỏ đi và về lại quách cho rồi. Tôi ngồi lên hiên và nhìn lên bầu trời tối. Trước khi đến làng Kamusari, tôi không biết cảm giác bị đối xử như người ngoài lại có thể cay đắng đến vậy.
Trời cao rải đầy ánh bạc. Một lớp mây xám mỏng che đi đỉnh núi Kamusari. Từ phía ruộng vang lên tiếng xào xạc của những bông lúa trĩu nặng. Tiếng côn trùng hòa ca át cả đi tiếng nước sông.
Đương lúc đang ngáp một cái rõ to, một cánh cửa kính khác hé mở và anh Yoki thò đầu ra.
“Làm gì ấy?”
Thấy tôi không trả lời, anh ngồi xuống bên cạnh và châm một điếu thuốc. Ổng mặc yukata thay vì đồ ngủ, nên lúc ngồi bắt chéo, cái chân lông lá của ổng thò hết cả ra.
“Chú mày ra mà nhòm,” ổng chỉ về phía phòng ngủ của ổng.
Ổng giục mãi, nên tôi bèn áp mặt vào kính và nhìn vào bên trong. Hai cái đệm futon được trải giữa phòng. Chị Miho đang nằm sõng soài một bên, mặt úp xuống đất, không biết kiểu gì mà chân lại gác lên gối, tấm chăn xoay ngang đắp trên hông.
“Vẫn thở được ạ?”
“Đã bao giờ thấy cái gì dữ hơn vậy chưa?” Ổng cười khùng khục. “Đêm nào bả cũng ngủ như thế.”
Tôi quay mặt ra vườn. Chúng tôi im lặng một lúc, thu vào người những âm thanh và cảm nhận của ngôi làng vào ban đêm. Tiếng lá xào xạc. Mắt muôn thú sáng trong bóng tối. Khắp xung quanh, mọi người đều đang lạc trong những giấc mơ.
“Giống kiểu khi mà chuyển trường ấy,” anh Yoki nói, “mới đầu chưa thể hòa nhập với cả lớp ngay được.” Ổng dụi đầu mẩu thuốc lên hiên.
“Em đã bao giờ chuyển trường đâu mà biết.”
“Đây cũng thế. Chú mày nghĩ ở đây có trường để mà chuyển chắc? Ý nói chung chung ấy.”
“À vâng.”
“Kamusari giống như một ngôi trường mà mấy trăm năm rồi chưa có học sinh nào chuyển đến. Thế nên là sẽ có người bàn ra tán vô.”
“Vâng.”
“Nhưng không phải lo. Anh Seiichi là hiệu trưởng, còn anh mày đây giống kiểu đầu gấu của trường, thế nên có ai gây khó dễ cho chú mày là hai anh xử hết.”
Những tưởng anh chỉ đùa, nhưng khi tôi liếc ngang, trông mặt ổng khá là nghiêm túc. Tôi nhận ra ổng đang cố động viên tôi. Tâm trạng tôi nhẹ hẳn.
“Tính lão Yamane không xấu lắm đâu,” ổng bảo.
“Không ấy ạ?”
“Chẳng là thế này, hai năm trước chính lão mang một cậu học việc về. Cái cậu đó vừa mới thôi công việc bàn giấy, tuyên bố rằng sẽ cống hiến cả đời còn lại của mình cho lâm nghiệp, nhưng được mấy tháng thì bỏ của chạy lấy người. Lão Yamane cứ đau đáu mãi. Lão thực lòng quan tâm cho cái cậu đó lắm.”
Tôi hiểu cảm giác của bác Yamane, nhưng giá như bác ta đừng có nhầm tôi với cái cậu học việc đó thì hơn. Tôi phải làm gì để làm cho bác ta thấy được rằng tôi đang làm hết sức mình để làm quen và bám trụ, đương đầu với hết những thử thách mà núi rừng đặt ra.
Đâu đó đằng xa, mặt đất bỗng phát ra tiếng rì rầm lặp đi lặp lại như tiếng máy nghiền. Đù đù đù.
“Tiếng gì thế nhỉ?”
“Tiếng núi Kamusari.” Anh Yoki đứng dậy và lẩm bẩm cùng với một cái nhíu mày rất không giống ổng, “Có khi lại sắp có chuyện.”
⸙
Anh Yoki và tôi không phải là người duy nhất nghe thấy tiếng núi. Anh Seiichi và chú Iwao cũng bị nó đánh thức. Lão Già Saburo thì ngủ say không biết gì, cả bà Shige và chị Miki cũng thế.
Ngày hôm sau, tiếng rì rầm của ngọn núi là chủ đề duy nhất được đem ra bàn tán. Dựa vào cách người ta chào nhau thì cái âm thanh bí ẩn vào đêm hôm qua có thể là điềm gở, cũng có thể là điềm tốt, cũng có khi chỉ là hiện tượng thiên nhiên bình thường và chẳng làm sao phải cuống lên cả.
Một tuần trôi qua, giữa lúc chúng tôi đang tỉa cây trên núi Đông thì anh Yoki kêu lên, “Ê, ngửi thấy gì không?”
Tất cả đều dừng tay và dỏng mũi lên ngửi. Chắc chắn là mùi khét.
Anh Yoki tháo ngay sợi dây thừng buộc ngang hông và lẹ làng trèo lên ngọn liễu sam. Vừa mới thấy ổng biến mất sau tán lá thì đã nghe tiếng ổng la lên, “Cháy! Cháy ở ngọn núi sau trường tiểu học!”
Anh Seiichi, mặt đanh lại, hét ngược trở lên. “Yoki, gọi cứu hỏa và ủy ban. Tất cả chuẩn bị đi dập lửa.”
Chúng tôi chạy vội xuống sườn núi, chui hết lên xe tải và phóng với tốc độ tối đa tới trường tiểu học Kamusari. Dân làng đang đứng tụ lại trong sân trường, lo lắng nhìn lên ngọn núi phía sau.
Khói trắng bốc cao từ quanh trung tâm ngọn núi. Bỗng có tiếng rắc! của gỗ bị gãy vụn, và một cây liễu sam đang bùng lên ngọn lửa từ gốc đến ngọn. Xung quanh rộn lên tiếng thì thầm.
“Không ổn, gió đang thổi xuống từ đỉnh.” Anh Seiichi nói.
“Chú ý vào,” anh Yoki hò hét với đám người đang tụ tập, “không thì không chỉ có trường học mà cháy ra cả làng đấy!” Ổng đi ra góc sân và dội nước lên khắp mình mẩy.
Tôi đứng nhìn một cách thận trọng. Đừng bảo là…
“Khẩn trương khẩn trương,” ổng gọi lớn, “phải chặn không cho nó lan tiếp!”
Ờ đúng rồi đấy, ổng đang kêu gọi chúng tôi nhảy vào giữa một đám cháy rừng. Thôi, em xin kiếu. Song dường như mọi người đều mặc định rằng đám thợ rừng chúng tôi sẽ làm chính cái việc ấy. Khắp mọi nơi dân làng đều đang gật đầu và hô lên những lời động viên.
Đội chữa cháy chạy đến, kéo theo một vòi nước. Họ bơm nước từ sông và bắt đầu phun nước lên mái trường. Khi chiếc xe cứu hỏa độc nhất của ngôi làng xuất hiện, đội chữa cháy nhường ngôi trường lại cho lính cứu hỏa và trèo lên núi với vòi nước khuân trên vai. Họ dự định sẽ mang vòi tận đến chỗ đám cháy, nơi xe cứu hỏa không thể lên tới.
Tôi không còn cách nào khác ngoài đi theo cùng. Hạ quyết tâm, tôi cũng lấy nước dội lên hết quần áo như cách anh Yoki đã làm.
Để phong tỏa đám cháy, các đội thợ rừng chia nhau đốn hạ cây quanh ngọn lửa. “Đội ta sẽ chặt những cây nằm dưới hướng gió,” anh Seiichi thông báo sau khi đã hội ý với người của những đội khác.
Học sinh đã được sơ tán hết ra khỏi lớp học. Các giáo viên, trong đó có Naoki, đang bình tĩnh đưa ra hiệu lệnh: Các con đi về thẳng nhà nhé. Các bác các chú sẽ dập được lửa ngay thôi, không phải sợ. Không được la cà đâu đấy.
Dõi theo Naoki trong khóe mắt, tôi lao vào đám cây sau trường. Lúc trèo lên đồi, nào thỏ nào sóc đang tháo chạy tán loạn trước mặt tôi. Noko cất tiếng hú. Không khí chao đảo đầy ám muội.
“Bắt đầu từ chỗ này luôn đi,” Lão Già Saburo nói.
Anh Seiichi gật đầu. “Chặt dần dần ngược theo hướng gió. Mọi người xếp thành một hàng và nhớ phải hô trước hô sau.”
Chặt cây là một việc nguy hiểm. Thông thường, chúng tôi sẽ đứng tản ra để giảm thiểu nguy hiểm, nhưng lúc này tốc độ đang là tối cần thiết. Tiếng máy cưa nổi lên. Chúng tôi chia thành từng cặp. Một người đốn trong lúc người còn lại quan sát hướng đổ của cây để đảm bảo tất cả đều an toàn.
“Ke!”
“Hoisa!”
Những tiếng hô cảnh báo vang suốt sườn đồi cùng những tiếng đáp lời.
Từng hàng liễu sam kẽo kẹt rồi đổ rầm xuống đất. Mất bao công sức gây trồng để rồi phải đốn hạ quả thật xót xa, nhưng nếu không chặt đi, tro và tàn lửa sẽ lan từ cành này sang cành khác và gây ra thiệt hại còn nhiều hơn.
Chúng tôi tiến dần lên cao cho tới khi khói đã dày đến mức không thể thở bình thường được nữa. Tôi lên cơn ho sù sụ.
Chú Iwao lẩm bẩm, “Tới đây thôi” rồi tắt cưa máy.
Có một đội cứu hỏa tình nguyện vẫn thường tổ chức các buổi huấn luyện dập tắt các đám cháy rừng. Hiện tại, các thành viên đó đang lao đến chỗ chúng tôi từ xa phía bên kia luồng khói, vác theo vòi xịt nước.
“Điền chủ!” Một người họ chạy ra trước mặt anh Seiichi. “Chúng tôi làm hết sức rồi.”
“Trực thăng đâu?”
“Dự kiến phải hai mươi phút nữa.”
“Được rồi. Cố cầm cự cho đến lúc ấy.”
Theo lệnh của anh Seiichi, mọi người rút xuống dưới hướng gió, trèo qua đống cây bị chặt. Từ sau rào chắn làm từ các thân cây đang nằm chỏng chơ lên nhau, chúng tôi phun nước lên những cây còn đứng.
Ngọn lửa nóng rực tiến đến ngày càng gần, ngấu nghiến đớp lên hết từ cây này đến cây khác. Tàn lửa rơi xuống từ những cây liễu sam xanh mướt, thẳng tắp.
Dân làng cùng bảo nhau xếp thành một dây chuyền từng xô nước từ chân núi lên tới nơi tuyến đầu chống cháy. Máy bơm đang hoạt động hết công suất, mấy chiếc vòi thi nhau phun liên tục, thế nhưng ngọn lửa vẫn phừng phừng xấn đến. Nỗ lực của chúng tôi đã phong tỏa được đám cháy, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy nó sắp sửa dịu bớt.
“Chẳng ăn thua gì cả.” Anh Yoki tặc lưỡi.
Chú Iwao, mặt đen xì bồ hóng, hất cả xô nước lên bụi cây gần kề. Anh Seiichi đang đi giữa các đội, động viên các thành viên đang hoang mang và chỉ cho họ cách dùng vòi hiệu quả nhất. Lão Già Saburo, nhất quyết không chịu bó tay, lặng lẽ đứng chặt cây một mình cách một khoảng không xa.
Anh Yoki và tôi cùng điều khiển một cái vòi nước. Đến giữa chừng ổng quay qua tôi và bảo, “Anh mày xách vòi vào gần đây.”
“Hả? Đừng. Nguy hiểm lắm.”
“Đứng đây giải quyết gì đâu, người ta bảo là như gì nhỉ… như rắc muối xuống biển.”
“Ý anh là như muối bỏ bể?”
“Gì thì cũng mặc xác,” ổng gầm gừ. “Đi đây!” Xách cái vòi, ổng trèo qua một thân cây đổ và tiến về phía ngọn lửa đang lan đến.
“Đợi em với!” Cái ý tưởng này không làm tôi khoái lắm, nhưng sao tôi có thể để anh Yoki một mình xông pha vào nơi nguy hiểm như thế chứ?
Chúng tôi băng qua rào chắn. Cơn gió nóng rãy cuốn phăng đi mọi hơi ẩm trên quần áo lẫn tóc tai của tôi. Lưỡi lửa đỏ liếm qua từng hàng cây, để lại vô số đốm tro rơi như mưa lên những chồng lá rụng dưới đất.
“Này, hai thằng kia! Quay lại đây!” Anh Seiichi vội vàng gào với theo, song cả hai đều không ngoái lại. Chúng tôi đỡ cho vòi tiếp tục phun xối xả. Chiếc vòi bự màu trắng co thắt như một đoạn động mạch. Lũ cá dưới sông, thân mình sáng lên màu bạc, bay ra từ miệng vòi theo luồng nước.
Chốc nữa là thành cá nướng, tôi nghĩ vẩn vơ.
Trong lúc lửa cháy lan khắp mọi nơi, hai anh em tôi cùng nhau xử lý từng điểm nóng một. Anh Yoki và tôi không trao đổi lấy một lời. Chẳng cần phải nói câu nào, cả hai vẫn biết phải xịt vào đâu tiếp theo. Hơn nữa, giữa cái nóng hừng hực, không có cách nào mở mồm ra được. Miệng tôi sưng, hai mí cay xè; khói khiến cho nước mắt chảy ròng ròng xuống mặt.
Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, chúng tôi đã đứng như phỗng trên sườn đồi, vác cái vòi cạn khô. Bầu trời xanh ngắt cao trên đỉnh đầu đang có một chiếc trực thăng đỏ rải hóa chất chống cháy.
Sao ở giữa rừng lại nhìn rõ cả trời xanh thế nhỉ? Đến khi suy nghĩ này sượt qua đầu, não bộ tôi mới ghi nhận được sự tan hoang xung quanh mình. Ngọn lửa đã phá hủy cánh rừng, để lại những cây liễu sam đã cháy thành than đứng rải rác như mấy cây cột đen xì. Trên sườn núi phía tây, nửa phần rừng đã ra tro, thiệt hại phải đến năm trăm cây. Ba tiếng rưỡi sau khi bùng phát, ngọn lửa cuối cùng cũng tắt.
Sở cứu hỏa sau này xác định nguyên nhân của vụ cháy là do một mẩu thuốc lá vứt bừa bãi. Sáng hôm đó, một nhóm dân làng đã đi lên hái nấm. Không quen rừng núi thì không thể hiểu nổi sự khủng khiếp của một đám cháy rừng và sẽ chẳng màng gì việc thảy ra một mẩu thuốc lá mà không buồn dập nó đi – không nhận thức có bao nhiêu thời gian lẫn công sức đã được đổ vào từng thân cây trong rừng.
Song không một người nào trong làng muốn đổ lỗi hay truy tìm thủ phạm. Đã là hỏa hoạn thì chẳng biết đâu mà lần. Vẫn với sự ung dung thường lệ, họ nhìn nhận tai ương này theo một cách rất thản nhiên.
Đứng trước sườn núi cháy đen, tất cả mọi người đều im lặng.
Chúng tôi trở về nhà trong bộ dạng như những nhân vật hoạt hình sau vụ nổ - tóc tai dựng đứng, mặt mày và quần áo đen lem nhem.
Lúc anh Yoki đánh xe vào sân, chị Miki bước ra từ phía trong nhà. Anh bước xuống xe, nhìn gương mặt chị, ánh mắt chùng xuống. Anh cắn môi. Chị tiến lại và lặng lẽ ôm lấy anh.
Tôi đứng một bên, mắt rơm rớm. Bà Shige lật đật đi đến cạnh, tay chống gậy. “Cảm ơn việc bây đã làm.” Bà vỗ lên mông tôi một cái. Chắc là bà muốn vỗ vào lưng nhưng không với tới nơi. Tôi ráng kìm nước mắt, nhưng một giọt vẫn lăn xuống má.
Ngọn lửa thật kinh khủng. Nhìn nó phá hủy cây cối mà tôi thấy bất lực và ấm ức. Tôi muốn gào khóc cho bõ, nhưng sĩ diện không cho phép.
Thì ra lúc nào cần là bà Shige vẫn đi lại bình thường được sao. Tôi tự làm bản thân sao lãng bằng ý nghĩ đó và ngước lên trời, nơi những ngôi sao đang bắt đầu xuất hiện.
⸙
Có gì đó không ổn với Noko.
Sau vụ hỏa hoạn, nó xuống núi cùng với chúng tôi, đuôi cụp, mình đầy bồ hóng. Nó trèo lên xe bán tải và theo về nhà, nhưng kể từ đó, cu cậu không làm gì ngoài nằm trước cửa chuồng với cái đầu gục xuống.
Chắc ngọn lửa đã làm nó bị tâm lý. Cả đến anh Yoki và tôi còn ủ rũ mất mấy ngày. Trông thấy ngọn lửa tiến đến sát gần mình như thế quả là một cú sốc, cộng thêm việc mất đám liễu sam nữa. Noko không biết lửa là gì, chắc hẳn còn thấy khiếp vía hơn. Không biết nó nghĩ gì nhỉ? Kiểu “trời ơi, tôi bị một con quái vật nóng phừng phừng rượt cho té khói luôn nè!”.
Nó còn chẳng buồn ăn. Chị Miki lo lắng bèn mua cho cu cậu đồ ăn loại xịn ở siêu thị dưới thị trấn, nhưng nó chỉ hít lấy cái đĩa một cái rồi rầu rĩ quay đi. Nó cứ ở lỳ trong chuồng, thò mỗi cái đuôi ra ngoài, khi nào anh Yoki gọi thì nó chỉ vẫy một cái cho có lệ. Nó cũng không theo chúng tôi lên núi nữa – vốn trước đây cu cậu vẫn khoái được ngao du trên rừng lắm cơ.
“Anh gần như chưa thấy nó như vậy bao giờ,” anh Yoki bảo.
“Gần như là sao?”
“Cách đây hai năm, anh bị ngã trên núi Đông.”
Chuyện xảy ra trên một khu rừng trồng lấy gỗ đã không được ai chăm nom mấy chục năm, ở một nơi mà anh Yoki chưa từng đặt chân đến trước đây. Chủ rừng đã đến nhờ công ty gỗ Nakamura tiếp quản việc gìn giữ, nên anh Yoki mới đi khảo sát trước, đem mỗi Noko theo cùng.
“Chỗ đấy dương xỉ mọc tràn lan, lá liễu sam thì dày, che hết cả ánh sáng, xong có cảm giác là sẽ có gấu xuất hiện bất thình lình. Anh phải bảo Noko đi thám thính trước cho an toàn. Sau một lúc anh thấy Noko quay lại, chắc mẩm “Kiểu này đúng là có gấu rồi.” Anh nhìn khắp xung quanh, nhưng không phát hiện ra dấu hiệu gì, lại thấy Noko tè lên một gốc cây.” Trông vậy nên anh Yoki cũng yên chí và bước lên mấy bước – rồi té xuống vực. Đám dương xỉ khiến cho cái vách cao hơn ba mét tương đối khó nhìn.
“Tưởng đâu nát bố nó mông rồi,” anh Yoki kể. “Đau thấy bà cố nội luôn. Mất cả tiếng anh mày mới mò ngược lên được, dù chỉ có ba mét.”
Đến khi ổng thò được đầu lên vách núi, Noko liền chạy tới và vẫy vẫy đuôi tỏ ý xin lỗi. Trong ba tháng kế, anh Yoki nói, Noko hầu như không ăn.
“Nhưng sao lại thế? Có phải anh ngã là do nó đâu.”
“Đừng bắt anh lý giải lương tâm của loài chó.”
Anh Yoki bảo cứ kệ Noko ở đấy rồi cu cậu sẽ khá lên thôi, nhưng tôi vẫn cứ lo.
Lúc anh Seiichi ghé qua để xem tình hình của Noko, tôi bèn gợi ý đưa nó đi bác sĩ thú y. Anh Seiichi ậm ừ và gật nhẹ trong lúc nhìn Noko. Dỗ ngon dỗ ngọt, Noko mới chịu thò mặt ra ngoài chuồng, nhưng nó ngay lập tức nằm xuống không chịu nhíc nhích. Anh Seiichi và Santa vỗ lên đầu nó hỏi, “Noko sao thế?” – dẫu vậy cằm nó vẫn đặt nguyên trên mặt đất với hai tai cụp xuống. Nó thoáng liếc lên Santa, đầu không cử động, rồi đột ngột nhắm tịt mắt lại như thể chẳng còn tâm trạng. A, hóa ra là cậu điền chủ nhỏ đến chơi. Nhưng xin thứ lỗi, cậu cứ để tôi nằm đây một mình đi.
“Có phải vì nó vẫn ám ảnh với vụ cháy rừng không ạ?” tôi hỏi.
“Một phần.” Anh Seiichi ngẫm nghĩ một lúc. “Anh có ý này. Giúp anh một tay.”
Anh Yoki đang ngồi ngoài hiên bấm móng chân. Anh Seiichi gọi ổng lại và giải thích kế hoạch của anh.
“Làm thế mà giúp nó bình thường lại thật á?” Anh Yoki tỏ vẻ nghi ngại.
“Đáng thử chứ.” Giọng anh Seiichi khá tự tin.
Dưới mái hiên có xếp rất nhiều củi để chuẩn bị cho mùa đông. Sàn đất của nhà bếp đến mùa lạnh phát sợ, nên phải đốt bếp củi cho ấm. Que hoặc khúc gỗ được cắt thành từng đoạn dài độ nửa mét được chất cao đến ngang đầu tôi.
“Mấy cái que thôi, đừng có chơi cả khúc gỗ.” Anh Yoki phản đối.
Anh Seiichi chẳng hề suy chuyển. “Dùng được. Khô rồi có nặng nữa đâu.”
“Ai chả biết, lỡ chẳng may chục cái hay hai chục cái rơi vào người thì sao? Gãy xương chứ chơi?”
“Bình tĩnh đi anh,” tôi nói. “Anh không thương con Noko à?”
“Thương thì thương, nhưng tao phải thương cả tao nữa chứ!”
Mặc xác anh Yoki càm ràm, anh Seiichi lệnh cho chúng tôi vào vị trí. Anh tiến ra chỗ bóng đổ của ngôi nhà, Santa và tôi sau lưng, bỏ lại anh Yoki đứng một mình trong sân trước mặt Noko. Noko biết có ổng ở đó nhưng không buồn ngóc đầu dậy.
“E hèm.” Anh Yoki giả đò hắng giọng. “Ơ kìa. Đống củi trông như sắp đổ ấy nhỉ. Để xem nào. Phải xếp lại mới được.”
Từ chỗ nấp ngó ra, Santa và tôi nhìn nhau rồi bụm miệng cười trước màn đóng kịch rất ư lộ liễu của ổng.
Anh Yoki bước qua trước mặt Noko và rướn về phía chồng củi. “Thôi xong!” Chồng củi đổ cái rầm – hay chính xác hơn là anh Yoki kéo nó xuống. Ổng lăn ra đất giữa đám củi rớt lông lốc như tuyết lở. Noko chồm dậy để xem có chuyện gì xảy ra.
“Cứu với!” Giữa cơn hỗn loạn, với mấy khúc củi đè lên người, anh Yoki thều thào, “Tao không đứng được nữa! Cứu tao với Noko!”
Chú chó trung thành lao tới bên cạnh anh Yoki. Nó lấy mũi đẩy một tay ổng, nhưng ổng không dậy.
“Không ổn, tao sắp tẻo rồi.” Ngọ nguậy như con sâu đang hấp hối, ổng rên, “Gọi người đến cứu đi.”
Noko dường như không biết phải làm gì. Nó đi vòng vòng quanh người anh Yoki, ngậm quần ổng rồi kéo, liếm lên má ổng. Thế rồi đột ngột, như cơn dông ập đến, nó hú lên một tiếng đầy khẩn thiết và đau thương.
Bình thường Noko không mấy khi ồn ào. Kể cả lúc bị Santa kéo tai hoặc túm đuôi, nó cũng kệ. Nhưng khi nhận ra anh Yoki đang gặp nguy khốn, nó như hóa phép. Nghe tiếng hú kêu cứu ai oán mà tôi thấy nghẹn lại trong họng. Anh Yoki hẳn cũng động lòng, bởi ổng vội vàng ngừng diễn: “Ấy thôi, Noko! Không cần phải to vậy đâu.”
“Chắc được rồi đấy,” anh Seiichi nói rồi tiến về phía Noko.
Bỗng nhiên cánh cửa trước mở bung và chị Miki lao ra ngoài. “Noko, có cái gì mà…?” Sau đó chị nhìn thấy anh Yoki đang nằm giữa đống củi bị đổ. “Yoki!” chị hét lên. “Xảy ra chuyện gì rồi?” Chị dựng ổng dậy và lắc lấy lắc để. “Yoki, sao lại ra nông nỗi này!”
Khó thế nhỉ. Tôi nhìn ngược lại anh Seiichi. “Quên không nói cho chị Miki biết mất rồi.”
“Ừ. Thôi chờ tí xem thế nào.”
Có thêm chị Miki, màn kịch nhỏ hướng đến Noko lại càng tăng thêm tính thực tế. Chị đang day lắc anh Yoki mạnh đến mức ổng hoa cả mắt, giữa tiếng sủa động viên của Noko.
“Chờ đã mình ơi. Anh không sao. Đừng lắc nữa! Váng hết cả đầu rồi.” Anh Yoki cuối cùng cũng trấn an được chị Miki. Rồi ổng quay sang Noko và ôm nó một cái thật mạnh. “Noko, mày vừa cứu mạng tao đấy! Mày là chú chó số một Nhật Bản!”
Ổng vẫn đang diễn vờ, nhưng Noko đang vẫy đuôi rối rít, mừng rỡ vì được nựng và được khen. Nó hửi lấy anh Yoki, hài lòng khi biết ổng vô sự, rồi lon ton trở về chuồng để thay cho lời nói: Chà, tôi đã hoàn thành một công việc khá vất vả đấy chứ. Đoạn nó sục thẳng vào cái đĩa và đớp gọn chỗ thức ăn cho chó.
Santa vỗ tay. “Noko lại vui rồi!”
“Làm sao mà hết buồn nhanh vậy?” tôi thắc mắc.
“Là thế này, Noko cảm thấy mình không giúp được gì trong đám cháy, thế nên nó bị mất tự tin,” anh Seiichi giải thích.
“Nhưng chó thì làm sao mà dập lửa. Đâu phải việc của nó.”
“Cho dù vậy, là một thành viên của đội, lòng tự hào của nó vẫn bị tổn thương.”
Tôi mới hiểu ra: cứu anh Yoki chính là cách Noko phục hồi danh dự. Lấy lại được tự tin rồi, giờ đây cu cậu đã có thể nuốt trôi đồ ăn. Thật kinh ngạc khi biết được rằng kể cả một chú chó cũng biết tự hào khi được làm một thành viên trong đội.
Trong khi đó chị Miki còn đang mải quát tháo. “Cái gì? Tất cả chỉ là giả vờ thôi sao?”
“Có nên nói gì không ạ?” tôi hỏi anh Seiichi.
“Thôi, không nói thì hơn. Noko lấy lại được tự tin, còn thằng Yoki thì biết với Miki nó quan trọng thế nào rồi. Một mũi tên trúng hai đích.”
Đúng thật, ngay cả khi bị chị Miki la lối, anh Yoki trông vẫn khá khoái chí.
Santa đang đuổi Noko chạy vòng quanh sân.
Xin lỗi vì đã lừa mày, Noko. Nhưng mừng vì mày đã lại quay về giống như xưa.
Anh Seiichi và tôi nhặt đống củi rơi dưới đất lên và xếp gọn trở lại. Núi Kamusari hùng vĩ vươn trên đầu chúng tôi, đỉnh núi hòa trong màu tía. Lũ chuồn chuồn đỏ bay ngang mặt ruộng, bên cạnh bóng của những bông lúa đang gục đầu trong gió.
Làng Kamusari, nơi những người đàn ông vừa mới dốc hết tâm huyết vào vai diễn viên để mua vui cho một con chó. Một nơi gây thêm cho tôi cảm tình trong mỗi phút mỗi giây.
⸙
Không chỉ Noko, có gì đó khác nữa đã thay đổi sau vụ cháy rừng. Dân làng bắt đầu nhìn tôi với ánh mắt khác. Cần nói thêm rằng hầu hết mọi người đã chấp nhận tôi, nhưng chắc chắn vẫn có những người không lấy gì làm vui vẻ với người ngoài. Những người như bác Yamane.
Song có thể là do tôi đã góp công giúp dập tắt đám cháy, thái độ của bác Yamane đối với tôi dịu hẳn đi. Giờ khi đi ngang qua trên đường, bác sẽ đáp lại lời chào của tôi. Thật ra thì nếu thấy tôi chào bác ta cũng chỉ gật thôi, nhưng trước đây là phớt lờ hẳn luôn. Lần đầu tiên thấy bác ta gật, tôi mừng rơn. Xong rồi! Đã thuần phục thành công con khỉ hay nhăn nhó!
Một lần trong lúc nghỉ trưa tại một chỗ có nắng rọi trên núi, tôi mới kể lại câu chuyện ấy, và chú Iwao cười ồ.
“Dám gọi bác ấy là khỉ cơ đấy! Thế là không hay đâu nhé Yuuki!”
Được một lần anh Yoki bênh tôi. “Phải nói là lão Yamane trông giống khỉ thật.”
Lão Già Saburo nãy giờ đang đứng “giải quyết” dưới một tán cây gần đó. Lão quay lại, tay kéo khóa quần. “Thằng Yuuki rất khá hôm có cháy. Cái thằng tiều phu tuổi ranh đấy chẳng có lý gì để mà phàn nàn nữa cả.”
Nghe Lão Già Saburo gọi bác Yamane là “thằng tiều phu tuổi ranh” kể cũng hài.
Anh Seiichi chuyền cho mọi người xúc xích, nói, “Dù sao thì chắc Yuuki sẽ được cho tham dự lễ hội, thế là tốt rồi.”
Nỗi háo hức đang ngấm ngầm tích tụ trong quá trình ngôi làng chuẩn bị cho lễ hội vinh danh thần Oyamazumi. Như thường lệ, tôi vẫn mù tịt về cả thần lẫn hội. Gần như mỗi ngày đâu đó trong ngôi làng cũng có một loại nghi thức Thần Đạo nào đó được thực hiện. Nếu lễ hội là ngày bầu cử tổng thống thì những nghi thức nho nhỏ này là giai đoạn vận động cử tri. Chúng bắt đầu và kết thúc trước khi tôi kịp hiểu mô tê ra sao. Đầu tiên tôi bỗng thấy mấy ngôi miếu nhỏ nằm quanh làng được quét dọn sạch sẽ, kế đến shimenawa kết bằng rơm sẽ được chăng ngang sông Kamusari. Những người phụ trách các khâu chuẩn bị này dường như đều không muốn bị ai thấy thì phải.
“Quét dọn đền đài miếu mạo là để thanh tẩy ngôi làng từ bên trong,” chú Iwao giải thích. “Chăng dây shimenawa trên sông để cho tà ác không tìm đến làng từ bên ngoài. Khi những thứ đấy đã xong cũng là lúc có thể bắt đầu lễ hội của ngài Oyamazumi.”
Tôi không thể ngờ được lại có nhiều công sức cần phải bỏ ra cho khâu chuẩn bị như thế. Lễ hội sẽ được tổ chức giữa tháng mười một, song công tác chạy đà diễn ra trước đó phải đến hơn tháng. Là điền chủ, anh Seiichi phải lo liệu hết, nên càng thêm bận bịu.
Điều khiến tôi bất ngờ nhất là khi có một cái bục cao bằng gỗ chợt từ đâu hiện ra trên mặt ruộng, ngay sau khi lúa vừa gặt xong. Hôm đó là một ngày thứ bảy giữa tháng mười, được nghỉ làm nên tôi cũng ra nghía qua xem sao. Một bó lúa được treo tại mỗi góc, bên trên có đặt cái trống taiko to. Không thấy một bóng người xung quanh.
Tôi lấy làm lạ, rồi đến đầu giờ chiều hôm đó, tiếng trống taiko trầm đục vang lên lan đến khắp cả làng. Tôi liền chạy ra trước nhà để coi. Hơn chục người cả đàn ông phụ nữ đang múa quanh cái bục theo nhịp trống. Trông cũng khá giống điệu múa lễ Bon truyền thống, có điều không có hát ca. Các vũ công múa lặng lẽ và không lộ biểu cảm nào, cánh tay chậm rãi đưa lên hạ xuống. Và bọn họ đều mặc quần áo trắng. Hơi bị rợn.
“Đấy là điệu múa Honen.” Lão Già Saburo cũng đứng xem cùng. “Này là sắp có lễ hội đến nơi rồi.”
“Sao họ không hát hay vỗ tay ạ?”
“Sao phải làm thế?”
“Trông nó hơi kỳ, như kiểu họ đang giao tiếp với người ngoài hành tinh hay sao ấy.”
“Điệu múa là để dành tặng thần linh, đương nhiên là phải nghiêm trang.” Lão nói với vẻ kính cẩn.
Tôi vẫn không hiểu. Ở chỗ tôi điệu múa Bon được thu xếp bởi các hội đoàn phường xã, nhưng họ dùng loa phát nhạc và sôi động hơn ở đây nhiều. Với lại họ tổ chức đúng vào mùa lễ Bon giữa tháng tám. Chỉ có một nhúm người đi ra xem điệu múa Honen, ngay cả sau khi những vũ công bận đồ trắng đã ngừng đi vòng vòng quanh cái bục, vẫn không có ai tán thưởng. Thêm nữa, đêm hôm đó cái bục bị dỡ xuống và đem đi như thể chưa từng có cái bục nào cả. Thật sự có cái quái gì vừa xảy ra vậy?
Dù sao thì, sau khi một lô một lốc những nghi thức đủ loại mà tôi không hiểu lắm đã được tổ chức, cuối cùng cũng tới lúc cho lễ hội chính.
Đến ngày, anh Yoki đánh thức tôi dậy từ sáng sớm – chính xác là từ hai giờ sáng, giữa đêm – xong tôi cũng bị bắt phải làm mấy thứ lễ nghi. Tự nhiên tôi lại muốn bảo với dân làng rằng, “Ngẫm ra thì làm người ngoài cũng không thấy có sao ạ, cháu xin rút.”
Lễ hội là để ăn uống hát hò vui vẻ chứ phỏng? Nhưng không phải cái lễ này. Nếu hội hè của làng là bộ mặt trưng cho thế giới bên ngoài thấy, thì lễ Oyamazumi chính là danh tính cốt lõi của cái làng này. Bản chất thật của dân làng này được phô bày ra hết. Bản chất thật mà tôi nói đến là sự ung dung song hành đồng nhất với sự phá hoại. Thật là một quãng thời gian dựng tóc gáy, khiến tôi tưởng mình sắp chết tới nơi. Nhưng trước khi kể đến đó, tôi muốn kể về những gì xảy ra với chị Naoki cái đã.
Kể từ cái đêm được chị Naoki tặng con cá vàng tôi vẫn dậm chân tại chỗ. Nhưng không phải là tôi chỉ có ngồi xoa tay thôi đâu nhé. Chị Naoki thường ghé nhà anh Seiichi, thế là mỗi khi nghe tiếng xe gắn máy phóng đến, tôi thường kiếm cớ chạy sang luôn. Kệ anh Yoki có trêu đi nữa.
Naoki và Santa cùng chơi tô màu và gấp giấy. Đôi khi chị ấy sẽ giúp chị Yuuko làm kẹo hạt dẻ. Những lúc Santa đòi cõng, tôi vẫn thường nhìn trộm Naoki nấu nướng trong bếp. Chị ấy làm bộ không để ý và chỉ một lòng hướng về anh Seiichi. Ảnh thì luôn luôn giữ khoảng cách đúng mực, với thái độ: em dâu thì cũng là em gái. Tôi tự hỏi liệu anh có biết tình cảm của chị ấy không nữa. Kiểu gì cũng biết. Ảnh không có khờ. Ảnh biết nhưng vờ như không. Không có ý định nào đáp lại. Tôi vừa an tâm, vừa thấy tội. Người ngồi ngay trước mặt, nhưng trong mắt không hề có hình bóng. Trong lòng chị hẳn sẽ thế nào? Nghĩ thôi mà sầu. Bởi tình cảnh của Naoki phản chiếu lại tình cảnh của chính tôi.
Yếu tố bí ẩn ở đây là chị Yuuko. Chị có biết em gái chị đang đem lòng yêu chồng chị? Tôi quan sát rất cẩn thận nhưng vẫn không thể đoán nổi. Chị Yuuko luôn vui vẻ chu đáo, cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối đối với anh Seiichi. Tôi không thể hình dung cảnh chị ghen đến phát rồ như chị Miki hay nung nấu tình cảm đơn phương như Naoki, vậy nên càng khó để suy đoán.
“Úi, biết chứ,” anh Yoki cười toét. “Người ta bình tĩnh được là nhờ tự tin. Bả biết mình là một người phụ nữ xuất sắc và không có thằng chồng nào của bả lại dám lạc lối cả.”
Chị Miki bèn nhéo vào đùi ổng. “Ôi xin lỗi vì tôi là cái thể loại phụ nữ làm cho chồng mình lạc lối!”
Ổng rống lên vì đau. “Anh có nói thế đâu!”
Cứ đến giờ ăn là lại sinh chuyện. Tôi đã không còn đếm xỉa gì nữa. Xen vào giữa đoạn chí chóe, tôi hỏi, “Vâng, nhưng lỡ mà giữa họ nảy sinh gì đó thì sao? Chị Yuuko có nổi điên được không?”
Cả anh Yoki lẫn chị Miki đều lắc đầu.
“Không đời nào,” anh Yoki đáp. “Seiichi tính ngay thẳng như pho tượng Jizo ấy. Lăng nhăng với em dâu? Chắc khi đó cây trên núi Kamusari chắc cũng trụi hết. Có khối mà xảy ra.”
“Còn Naoki thì hiền,” chị Miki nói. “Nó không làm gì khiến cho Santa và Yuuko buồn lòng đâu.”
Tất nhiên là cả hai đều đúng. Do đó Naoki chỉ có thể quan sát anh Seiichi và gia đình, với tình cảm giấu kín trong lòng. Đâu khác gì tra tấn.
Bà Shige vẫn ngồi im nghe chuyện, nhưng đến đây bà lên tiếng. “Thỉnh thoảng cái thân tự nó sẽ phải buông bỏ thôi.” Bà hớp một ngụm trà. “Nhưng bỏ thì bỏ, chẳng có gì đảm bảo là nó sẽ quay sang cưới bây đâu Yuuki. Chuyện nào ra chuyện đó.”
“Cư-cưới á?” Tôi suýt nghẹn. “Cháu đã nghĩ gì đến chuyện cưới xin đâu!”
Bà cười khúc khích. “Mà thôi. Bây có thể bắt đầu bằng cách cho nó thấy sự đàn ông của bây ở lễ hội.”
“Chí phải!” Anh Yoki vỗ tay. “Nhờ anh mà chú mày sẽ có cơ hội góp công lớn cho lễ hội.”
“Sao lại nhờ anh?” tôi hỏi.
“Anh mày được chọn làm medo, nhớ không? Đội nào có medo sẽ đóng vai trò trung tâm của lễ hội. Đây là cơ hội để chú mày thể hiện. Quá hay.”
Medo? Tôi vẫn chưa hiểu cái đấy là cái gì. Mà đằng nào thì sang thời buổi này có còn đứa con gái nào mê trai vì lý do “cho thấy sự đàn ông ở lễ hội” nữa không? Tôi là tôi nghi lắm.
Naoki đã từng nói nhỏ với tôi rằng: “Cái bà chị đó của tôi cũng ghê gớm lắm đấy.” Lúc đó chị ấy đang bận tách vỏ hạt dẻ trong bếp. Chỉ có tôi và Naoki có mặt tại đó vào thời điểm ấy. Có lẽ chị ấy chỉ đang vừa nghĩ vừa nói thôi. “Cậu có biết tại sao anh Seiichi không nói giọng Kamusari mấy không? Anh ấy không muốn bả cảm thấy cô đơn vì quê gốc bả ở Tokyo. Dở hơi.”
Tôi không nói gì.
Naoki đang ngồi trên một băng ghế trên nền đất với cái bát đựng hạt dẻ đã tách vỏ trong lòng. Lưỡi con dao nhỏ trong tay chị ấy lóe lên trong không gian âm u, gọt thoăn thoắt thoăn thoắt. Vỏ hạt nằm rải rác trên sàn nhà dưới chân.
“Từ xưa bả đã thế rồi. Giỏi rù quến đàn ông.”
Những từ ngữ chát chúa ấy dường như khiến cho bản thân Naoki cũng thấy đau đớn. Tôi buộc phải lên tiếng gì đó. “Nhưng chị có ghét chị ấy đâu, phải không?”
“Không, tôi không có ghét bả.”
Naoki nghỉ tay một chút và cười khẽ. “Đáng ra tôi phải là đàn ông. Khi đó tôi có thể đi theo đội của anh Seiichi như cậu và cùng làm trên rừng với anh ấy.” Chị đứng dậy để rửa đi vết nhựa hạt dẻ trên tay và thở dài. “Luyên thuyên gì thế không biết! Coi như tôi chưa từng nói gì đi.”
Coi làm sao được chứ? Tôi nán lại trong bếp cho đến khi Santa chạy vào tìm tôi rủ đi chơi.
Rồi em sẽ khiến chị quên anh ấy. Tôi không thể nói ra những lời hoành tráng như vậy và cũng chẳng muốn nói. Nhưng tôi hy vọng lễ hội tới đây có thể mang lại cho Naoki một sự giải thoát nào đó. Tôi sẽ dốc hết sức để biến nó thành hiện thực.
Bởi suy cho cùng, lễ hội là khoảng thời gian để ta thấy phấn khích, trải nghiệm cảm giác hút chết để rồi được tái sinh, nhỉ?
⸙
Với một lòng quyết tâm thầm kín, tôi sửa soạn chờ đến ngày lễ hội… một lòng quyết tâm chỉ chực le lói rồi tắt ngóm.
Đánh dấu cho lúc bắt đầu lễ hội là tiếng tù và được ai đó thổi vào lúc… hai giờ sáng. Âm thanh dội khắp ngôi làng. Cùng lúc, anh Yoki đẩy toang cửa và xông vào phòng tôi.
“Dậy ngay! Buổi lễ bắt đầu rồi!”
Có ai bảo với em lễ hội bắt đầu giữa đêm đâu! Tôi gà gật phản đối trong đầu khi bị ổng lôi ra khỏi chăn. Bà Shige chờ ở phòng bên, đưa tôi một cái bọc quấn vải.
“Gì đây hả bà?”
“Đồ thay ra sau khi làm xong lễ tẩy rửa dưới nước.”
Tẩy rửa dưới… nước? Tôi thấy hơi có điềm rồi.
Gần cửa, chị Miki đứng tiễn, hai tay đánh viên đá lửa. “Hai anh em phải còn sống mà trở về nhé!”
Một người phụ nữ mạnh mẽ như chị mà vẫn phải rơm rớm nước mắt.
“Còn sống là sao ạ? Chị ơiiii…” tôi bỗng cảnh giác
“Kệ bả. Lúc nào cũng bé xé ra to.” Anh Yoki kéo tôi đi trong lúc tôi còn đang ngơ ngác, rồi cả hai tiến về phía sông. Tôi cảm thấy mình mặc hơi ít. Anh Yoki đang mặc một bộ yukata thay cho đồ ngủ, tôi thì áo phông quần đùi. Cần phải nói thêm rằng giữa tháng 11 ở Kamusari đã là mùa đông. Hơi thở của chúng tôi trắng xóa trong không khí. Tôi vừa đi qua cây cầu nằm cạnh cửa hàng bách hóa vừa run rẩy trước cái lạnh tê cóng. Đàn ông trong làng đang tập trung bên kia cầu, một vài người cầm theo lồng đèn trắng. Giữa màn đêm u tối nổi lên mấy đốm sáng đu đa đu đưa.
Bằng một giọng nghiêm trang, anh Seiichi bắt đầu. “Medo năm nay là Iida Yoki của quận Kamusari. Đội của Nakamura Seiichi sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Đội Kumotori Nisuke của quận Naka sẽ đóng vai trò chứng giám, dẫn đầu sẽ là đội Ochiai Tsuyoshi của quận Shimo. Có phản đối gì không?”
“Không có,” tất cả đều đồng thanh.
Họ đang làm gì vậy? Như kiểu đang diễn lại một phân cảnh trong lịch sử hả? Tôi đứng há mồm xem buổi lễ tiếp diễn. Đoàn người bắt đầu vỗ tay và hát:
Bơi nà trăn nà
Ra nà thỏ nà
Đi lên Kamusari,
Mang thần về nà.
Naa-naa hoina,
Naa-naa hoina.
Vừa hát, từng người một vừa lội xuống sông. Tất nhiên anh Yoki là người lao xuống đầu tiên.
Thật đấy à mấy chú mấy anh ơi? Tháng mười một rồi đó. Nước lạnh bỏ bu ra.
Thấy tôi đứng như phỗng, Lão Già Saburo và chú Iwao bèn nắm lấy khuỷu tay và điệu tôi xuống, nguyên giày nguyên dép.
“Hứ hừ hừ! Lạnh ngang nước đá!”
“Mạnh mẽ lên,” chú Iwao bảo tôi.
“Bây phải tẩy rửa để còn trèo lên núi Kamusari,” đến lượt Lão Già Saburo nói.
Nước mắt giàn dụa, tôi cố vùng ra, nhưng hai người đó không quan tâm. Họ bắt tôi lội trong nước cao đến hông.
Tôi tưởng mình sắp lên cơn đau tim ấy chứ. Dòng nước này không còn có thể dùng từ “lạnh” để mô tả nữa. Cơ thể tôi từ nhức nhối chuyển sang tê dại và sau đó là mất hết cảm giác. Những cơn rùng mình kéo đến từng đợt từng đợt khiến tôi lẩy bà lẩy bẩy. Chắc chắn sau quả này toàn bộ cơ bắp của tôi sẽ mỏi nhừ. Mấy bạn có biết cái quảng cáo quai đeo giảm mỡ không? Cái mà “ba nghìn nhịp rung mỗi phút” ấy? Tôi thề, lội nước lạnh hiệu quả hơn nhiều. Chỉ có điều không có gì đảm bảo là sẽ không gây nguy hại đến tính mạng.
Tôi đứng giữa dòng sông, răng đánh lập cập nhiều đến mức á khẩu. Không nói nổi từ gì mà chỉ toàn là “Ây da ây da ây da.” Trong khi đó cái điệp khúc “naa-naa hoina” vẫn được xướng lên. Họ ngụp lặn hòa nhịp với lời ca hoặc đổ nước lạnh lên đầu bằng những cái xô gỗ tí hon mang theo người.
“Hoina! Hoina!” Cái người đang nghêu ngao đặc biệt to và dội nước lạnh lên người với niềm hăng hái dâng cao nhất, đương nhiên vẫn là anh Yoki. Tôi thì bó tay.
“Cố lên, Yuuki,” chú Iwao nói. “Thêm một tí nữa thôi.”
“Vừa có thấy nước ấm lên một tí không?” Lão Già Saburo hỏi. “Ta vừa tè cho bây sưởi đấy.”
Eo ôi! Kinh quá! Thật tởm lợm! Tôi rất muốn phản đối om sòm lên, song chỉ ú ớ được mấy tiếng “Ây da ây da ây da.”
Lễ tẩy rửa bằng nước cảm tưởng như kéo dài vô tận, nhưng thực tế chắc chưa đầy năm phút.
“Naa-naa hoina. Mau mau lên với ngài Oyamazumi.”
Hát xong, mọi người lũ lượt lên bờ. Họ cởi quần áo ướt ra và lau khô người bằng những chiếc khăn trắng. Anh Yoki chà mạnh đến mức tôi sợ người ổng sắp bắt lửa đến nơi.
Dưới ánh sáng đèn lồng, làn hơi nước mỏng bốc lên từ cơ thể chúng tôi rung rinh như một đám khí nóng.
Bên trong cái bọc vải là bộ y phục màu trắng giống như của các nhà sư yamabushi tu trên núi – chính là cái bộ tôi mặc lúc đi tìm Santa hồi thằng nhỏ bị thần bắt. Mũi tôi chảy ròng ròng, nên tôi vừa mặc quần áo vừa sụt sịt. Tay tôi cứ run bắn, buộc mấy cái dây mãi mới xong.
“Giờ thì sao ạ?” tôi hỏi khẽ.
“Suỵt, không được phép nói gì kể từ giờ cho đến khi lên núi Kamusari.” Chú Iwao nhắc.
⸙
Đội Ochiai của quận Shimo đi đầu với pháp trượng trong tay. Đội Kumotori của quận Naka và đội chúng tôi đi sau theo hàng một. Bọc hậu là người của các đội khác chưa được phân vai trò cụ thể. Tổng cộng lại chắc cũng phải đến bốn mươi mạng. Toàn bộ đàn ông ở tuổi lao động trong làng đều tham gia.
Đoàn người nối đuôi nhau trong đêm hướng về núi Kamusari. Đi bằng xe chỉ mất một đoạn ngắn, nhưng đi bộ thì hết cả tiếng.
Sao bạc giăng kín trời. Một cơn gió lạnh từ trên núi thổi xuống, mang theo mùi lá mục thật dễ chịu. Chúng tôi băng qua những ngôi nhà nằm rải rác, im lìm và tối om, nghe được tiếng dòng sông, thi thoảng lại thấy một con cá nhảy.
Đi quá nghĩa trang cũng là khi nhà cửa đã hết. Con đường nhấp nhô và đầy sỏi. Hai chân tôi nằm ngoan ngoãn trong đôi ủng jikatabi, vẫn là đôi giày đế cao su dùng đi làm. Tôi đặt những bước vững chãi lên mặt đất, an tâm tận hưởng cảm giác quen thuộc. Cú sốc của khâu tẩy rửa đã nguôi ngoai, người tôi cũng đã hết run. Những ngọn cây liễu sam trồng dọc bên đường đen xì xì che khuất cả bầu trời.
Không ai nói một lời. Chúng tôi yên lặng bước trong đêm.
Dần dà chúng tôi cũng ra khỏi con đường liễu sam cùng với tiếng cây lá xào xạc và đến được điểm bắt đầu của lối mòn dẫn lên núi Kamusari. Dưới ngôi miếu nhỏ có thắp một cây nến. Giữa hai cây liễu sam có người đã chăng đoạn shimenawa mới. Kể từ đây chúng tôi sẽ băng xuyên qua rừng cây rậm rạp trên đoạn dốc hẹp không tên không tuổi. Lúc này chắc đã quá ba rưỡi sáng.
Đoàn người dừng lại ở một khoảng trống nhỏ trước ngôi miếu. Đằng sau chúng tôi là tiếng dòng nước cuồn cuộn của sông Kamusari.
Đừng bảo là phải leo cái núi này vào giữa đêm đấy nhé!
“Tất cả cố lên.”
Một giọng nói vang lên trong bóng tối. Đứng giữa khoảng trống là một người đàn ông trung niên mà tôi đã từng gặp trước đây. Hồi mới đến Kamusari, chính chú đã huấn luyện cho tôi những thứ cơ bản. Bên cạnh chú là cả một đống dụng cụ lâm nghiệp. Một mình chú khuân hết cái đống này đến đây ấy hả? Dám lắm. Tôi nhớ chú ấy đủ khoẻ để vật nhau với lợn rừng cơ mà.
Anh Yoki bước tới trước và cầm lấy cây rìu. Thấy vậy, tôi cũng tiến lên - ủa, cưa máy của tôi kìa! Làm thế nào nó ở đây vậy?
Mọi người trong đội đều chọn lấy một dụng cụ quen thuộc. Càng lúc tôi càng thấy có điềm.
Anh Seiichi, đại diện cho cả nhóm, đến đứng trước miếu và núi Kamusari, chắp hai tay và bắt đầu đọc một bài khấn trang nghiêm:
Oyamazumi, Kamusari thổ thần, chúng con kính cẩn đến trước ngài.
Wairana kateto yasukihio megumitamawanna arigataku chinikome furifuri yamanisumi boroboro…
Sao? Bạn không biết nó nghĩa là gì á? Tôi cũng có biết đâu. Bài khấn kỳ lạ không rõ ngữ nghĩa này kéo dài khoảng một phút. Chắc là anh ấy đang cảm ơn thần linh đã bảo hộ và ban phúc cho ngôi làng, nhưng một số đoạn nghe câu được câu chăng.
Kết thúc bài khấn là câu: “Mãi mãi muôn đời phù hộ cho dân chúng, sinh vật và cây cối nơi đây, hỡi Oyamazumi, kính mong ngài luôn bình yên, naa-naa.”
Mọi người đồng loạt hô to, “Hoina!” làm tôi nhảy dựng lên. Anh Seiichi chắp tay một lần nữa, tất cả cùng cúi đầu. Lão Già Saburo ấn vào gáy tôi, và thế là tôi cũng cúi đầu trước núi Kamusari.
Xong cái này rồi chắc được về nhà ngủ nhỉ. Niềm hy vọng mong manh ấy vụt qua đầu tôi, nhưng dĩ nhiên đó chỉ là mơ.
“Lên đường! Làm hết sức nhé mọi người!” Anh Yoki, vẫn cầm cây rìu, bắt đầu khua tay loạn xạ. “Mau lên nào! Để cho mặt trời mọc trước khi lên đến nơi là mạo phạm thánh thần đấy!”
Dứt lời ổng xung phong chạy lên con đường mòn.
“Đi theo nó!” Lão Già Saburo ra lệnh, tôi bèn nhập bọn xông pha về phía trước.
Chúng tôi đang đi đâu, ra trận chắc?
Những người khác bây giờ đã lên tiếng, vừa trèo vừa hò vừa la. Tôi bị tụt lại phía sau khoảng trống, đương chùn chùn thì bỗng đột ngột có một cái bóng trắng vút qua trước mặt. Ra là Noko. Chắc nó phải chạy suốt từ nhà ra tới đây quá. Bóng cu cậu biến mất phía trên lối mòn, lần sát theo dấu anh Yoki.
Sao lại thua một con chó cơ chứ!
Tôi triệu hết quyết tâm ra và đặt chân lên con đường mòn, vác theo cái cưa máy.
Tại sao tôi lại trèo lên núi Kamusari, và điều gì đang đợi chờ tôi trên đỉnh, tôi cũng không biết nữa.
⸙
Khu rừng rậm rạp và tăm tối. Vào lúc canh mơ thế này, ngọn núi chỉ sáng lên nhờ khoảng chục cái đèn lồng được mang theo bởi hai đội có nhiệm vụ “dẫn đầu” và “chứng giám”. Chốc chốc lại có một ánh sao soi xuyên qua tán lá dày, nhưng quá nhỏ nhoi với bóng tối xung quanh.
Tiếng thở và hơi ấm cơ thể của những người đang cùng trèo động viên tôi tiến lên. Thỉnh thoảng tôi lại nhác thấy Noko chạy phía trước, bèn lấy nó làm chỉ dấu để đi theo. Dường như cả đoàn đang trèo lên đỉnh theo một đoạn đường thẳng tắp
Đường đi dốc làm tôi thở phì phò. Hơi thở của tôi lơ lửng giữa trời đông như màn sương trắng. Đến cả anh Yoki cũng đã thôi hò hét. Đôi chốc ổng lại vung vẩy cái rìu, phạt đi đám dây rợ cành lá mọc chắn lối lên. Noko lon ton bên cạnh, vẫy vẫy đuôi như gọi tôi theo.
Ngọn núi vào ban đêm ngập tràn âm thanh. Chim muông bị đánh thức bởi sự xuất hiện không báo trước của chúng tôi, réo lên những tiếng hốt hoảng trên cành một cây sồi khổng lồ. Có thứ gì đó vừa lủi vào bụi, cành lá hãy còn rung rinh, chắc là thỏ hoặc chồn. Tôi cảm nhận được từng tán cây, chim chóc, muông thú đều đang dõi theo hành động của những kẻ đang xâm phạm vào lãnh thổ của chúng.
Song tất cả đều gói gọn trong một cái lặng thinh. Tiếng gió lùa cành, tiếng động vật kêu, cả tiếng thở của tôi đều bị hút vào dải rộng thời gian đã hình thành nên khu rừng, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác.
Leo độ một tiếng, tôi bắt đầu thấy run, dù đang mồ hôi mồ kê. Cả cơ thể lẫn tâm hồn của tôi đều rũ rượi, tưởng như cũng sắp hóa thành cỏ lá. Mùi rừng núi khiến tôi mụ mẫm không còn biết mình là ai, ở đâu hay đang làm gì nữa.
“Yuuki.” Giọng anh Seiichi vang lên sau lưng tôi. “Nhìn kìa. Đẹp không?”
Tôi trông theo hướng cái cưa anh chỉ. Đằng đó là một gốc liễu sam đã chặt, to một người ôm không xuể. Xung quanh đoạn gốc rêu phong đã mục, khu rừng thưa hơn một chút. Cạnh đó mọc một cây cao mét tám, dáng thanh tao. Những cành mảnh dẻ của nó đã trút hết lá, lấp đầy bằng những quả đỏ nhỏ xíu, sáng lên nhè nhẹ như ánh đèn đô thị khi nhìn từ xa.
“Cây đàn hương đấy,” anh Seiichi cho biết. “Em thấy đấy, rừng núi không chỉ xa vời cách trở, mà nó còn ẩn chứa những vẻ đẹp như thế. Dù không có ai chiêm ngưỡng thì đến mùa cây vẫn đơm hoa kết trái.”
Khả năng cao là anh Seiichi đang thận trọng trông chừng tôi nãy giờ. May cũng nhờ anh mà tôi tập trung lại được. Tôi quay lại nhìn anh và gật một cái để cho anh biết, em ổn rồi.
Quầng sáng đỏ bừng của những quả đàn hương như đang chạm đến tận trên cao, bầu trời trở nên sáng dần, mới đầu còn xanh xám, sau ngả dần sang màu vàng bình minh, cuối cùng nhường chỗ cho sự tinh khôi của sáng sớm.
Giữa chừng dốc, tôi bỗng đứng lặng tại chỗ.
Khu rừng trên núi Kamusari, nơi tôi đang vội vàng phi đến trong đêm tối như mực khi thậm chí còn chưa rõ nguyên cớ, chính là xứ sở tuyệt vời này đây. Vào cái đêm Santa bị thần bắt khiến chúng tôi phải đi tìm, tôi cũng đã thoáng được chiêm ngưỡng qua. Nhưng tại đây, sâu hơn trong lòng núi, thiên nhiên lại càng kỳ diệu. Cơ man nào là đại thụ: có những cây tầm ma dễ phải trên ba mươi mét; những cây sồi, tơ lá trắng muốt lấp kín cả vùng trời; những cây liên hương cổ kính với tấm thân nứt nẻ; những cây liễu sam và bách to ngoại cỡ không hề tồn tại trên các lâm trường mà tôi làm việc. Cây lá rụng và cây thường xanh, cây lá kim và cây gỗ cứng, tất cả mọc chen chúc vào nhau không chút đếm xỉa đến sự phân loại của con người.
Không như những sườn núi do con người trồng từng hàng thẳng thớm, ở đây cây cối đủ mọi giống loài đan xen nhau hỗn loạn theo một cách có trật tự thành tầng tầng lớp lớp màu xanh. Tôi nhớ về cây hồng to đại trồng trong sân nhà anh Seiichi. Chắc chắn nó có nguồn gốc từ đây. Đến đây tôi mới hiểu.
Nghề lâm đang tàn lụi dần: từ lâu người ta đã nói thế, ấy vậy mà làng Kamusari bằng cách nào đó vẫn trụ lại được. Một phần lý do là nhờ kế hoạch gieo trồng khai thác hiệu quả và có hệ thống, phần khác là nhờ phân bổ lao động từ già đến trẻ. Lý do lớn hơn cả giúp Kamusari tiếp tục, chính là nhờ ngọn núi này. Núi Kamusari là đích đến trong tín ngưỡng của dân làng, là cái nôi tinh thần, là biểu tượng cho niềm tự hào của họ với tư cách của những con người miền núi. Và nó là cả một kho tàng các loại gỗ quý hiếm – bằng chứng về việc: tiền trồng ra được.
Tôi ngây người, ngước nhìn vòm lá dày phía trên đầu. Không biết nơi nào là điểm bắt đầu và nơi nào là điểm kết thúc của nó. Ngón giày jikatabi của tôi đá vào một đoạn rễ cây ú nần. Tôi nào có thể tin một ngôi rừng hùng vĩ đến nhường này lại thuộc về một ngôi làng bé tí trên đảo Honshu.
Liệu đã có đài truyền hình nào biết về nơi này chưa? Chỉ cần làm một phóng sự về núi Kamusari thôi là du khách kiểu gì cũng kéo đến nườm nượp. Này, có khi tôi sẽ nhận được khoảng thù lao kha khá nhờ công giới thiệu ấy chứ. Ngay lập tức tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình và gạt suy nghĩ ấy đi. Nào nào nào. Nếu tiết lộ khu rừng bí mật của làng ra bên ngoài thì dù có dễ tính đến đâu cũng đừng hòng mà họ tha cho. Có thể họ sẽ không để cho tôi đi nữa – họ sẽ ùn ùn kéo đến tính sổ với cây rìu trong tay. Èo. Nghe đã thấy sởn gáy.
Vì sao người dân tự họ không thể ngang nhiên mà bước lên trên đây? Vì sao mà một số người lại tỏ ra ngần ngại với việc cho tôi tham gia vào lễ hội? Tất cả là để bảo vệ cho ngọn núi này. Nhìn qua thôi là đủ biết khu rừng đã được người dân gìn giữ cẩn thận qua biết bao thế hệ, không chặt cây bừa bãi mà cẩn thận vun trồng để truyền lại cho con cháu mai sau.
Họ đã tin tưởng và đón nhận tôi. Tôi hạnh phúc và tự hào khi được có mặt tại đây.
Đội Ochiai đầu đoàn hô rằng họ đã tới được sống núi. Anh Yoki nghe thấy thế hú lên và lao ngay đến. Chú Iwao và Lão Già Saburo cũng tăng tốc vượt lên trước.
“Đi nào. Sắp đến nơi rồi.” Nhờ lời động viên của anh Seiichi, hai chân tôi lại bước tiếp.
Cả đoàn nãy giờ vẫn đi trên một con đường thẳng tắp từ ngôi miếu nhỏ dưới chân núi, song tới đoạn này nó bỗng ngoặt sang một bên. Lý do cho việc phải đi vòng vèo nhanh chóng lộ diện: có một tảng đá lớn phi thường đang đứng ngáng.
Đoạn leo cuối cùng cũng là đoạn khó nhất, tôi tụt lại đằng chót.
“Ơ kìa! Gì mà lâu thế?” Anh Yoki gọi với từ đằng xa.
Với nỗ lực vĩ đại, tôi vượt qua được chỗ tảng đá và lên đến sống núi.
Mọi người đâu hết rồi? Tôi tìm bóng dáng của mấy người mặc đồ trắng, nhưng cành lá rậm rạp bủa vây che kín hết. Giờ mà lạc thì chỉ có toi! Với tâm trạng ngày một hoảng, tôi căng hết tai mắt lên. Thẳng ngay trước mặt, tôi trông thấy ngọn của một cây liễu sam đặc biệt cao lớn. Phía bên trên đang có một dải lụa đỏ và một dải lụa trắng đang lửng lơ vòng quanh. Có phải cờ đuôi nheo trang trí lễ hội không nhỉ? Nhìn kỹ hơn thì thấy đó rõ ràng là hai người phụ nữ, một người mặc kimono đỏ, người kia mặc kimono trắng, bóng dáng họ trôi nổi giữa không trung.
Tôi rụi mí chớp mắt mấy lần, rồi lấm lét ngước lên nhìn một phen nữa.
Chẳng thấy một ai. Chỉ thấy bóng xanh hùng vĩ của ngọn liễu sam trên nền trời sáng trong giữa độ đông về. Đương nhiên rồi. Có người thường nào bay được xung quanh một cái cây cao hơn ba chục mét cơ chứ. Nhưng linh tính mách bảo tôi sẽ tìm được mọi người đang tụ tập quanh gốc cái cây đó. Tôi tức tốc lần theo sống núi tới chỗ cây liễu sam.
⸙
Cấm chỉ ăn uống trên núi Kamusari. Sao lại không chứ? Tôi phản đối trong bụng. Tôi muốn ăn sáng. Dạ dày không ngừng ỉ ôi, nên tôi bèn vốc một ít nước suối lên uống. Bên cạnh tôi, Noko đang ngó chằm chằm xuống mặt nước óng ánh bạc.
Đám đàn ông ăn vận như yamabushi đang chụm đầu vào nhau dưới tán liễu sam, bàn luận say sưa.
“Jinsuke, lúc nào rồi ông còn đùa.”
“Đùa là đùa thế nào. Yoki, mày làm được là cái chắc.”
Nhiều người trong số họ đã lớn tuổi, đã thế họ còn nói nhanh nữa nên tôi càng khó mà thủng được thổ ngữ họ dùng. Chẳng biết đang cãi nhau cái gì, nhưng tôi cũng phong phanh được rằng anh Yoki và trưởng đội chứng kiến Kumotori Jinsuke đang tranh luận gay gắt về cái cây liễu sam. Lão Già Saburo đang đứng ngoài nói chêm vào với vẻ hớn hở lồ lộ, bác Yamane thì cố khuyên họ bình tĩnh, còn anh Seiichi thì đang chăm chú lắng nghe quan điểm của cả hai bên.
Sau khi đã lót dạ bằng chút nước, tôi ngồi xuống một cái rễ liễu sam to tướng. Nội cái đoạn ngoi lên khỏi mặt đất đã cao ngang đầu gối tôi. Đây là cái cây liễu sam to nhất tôi từng thấy trong đời. Đoạn gần rễ đường kính chắc cũng phải dài gần chín mét. Thân cây - sừng sững như bức tường thành - phủ đầy rêu phong. Có một con thằn lằn đang lướt vội qua. Một chú chim đang lảnh lót trên những cành đầy lá trên đầu. Đây là ngôi nhà của bao nhiêu sinh vật? Tôi áp trán vào thân cây, cảm nhận cái lạnh và ẩm của lớp vỏ.
“Cây này ngót nghét cũng một nghìn tuổi rồi.” Chú Iwao tách ra khỏi nhóm người đang cãi vã và ngồi xuống cạnh tôi. “Cũng không bị rỗng thân. Đẹp hết ý.”
“Nhìn bên ngoài có biết được thân cây rỗng hay không ạ?”
“Thường thường có chứ. Có thể nhìn vào độ vươn cành và tình trạng của lá.”
Tôi gật gù khâm phục, sau đó nhắm mắt tựa vào thân cây.
Một cơn gió thổi ngang qua, từ đâu đó bỗng vang tiếng lá rơi xào xạc.
“Nãy cháu thấy có gì lạ lắm,” tôi kể. “Có hai người phụ nữ đang bay bay phía trên cái cây này. May nhờ có họ cháu mới không bị lạc.”
Những tưởng chú sẽ cười và bảo tôi ngủ mơ, song chú lại ôn tồn, “Thế hả? Một người áo đỏ một người áo trắng, có phải vậy không?”
“Đúng rồi ạ. Áo may bằng vải rất đẹp và mỏng.”
“Họ là con gái của ngài Oyamazumi.” Chú vỗ vào vai tôi. “Sướng nhé, Yuuki. Sơn thần quý cháu đấy.”
Chú Iwao không hề nói chơi. Sự trang nghiêm của khu rừng hẳn đã tác động đến tôi, bởi tôi bỗng nghĩ có khi chú nói đúng, rằng biết đâu lại có chuyện như vậy.
Thình lình anh Yoki giơ cao cây rìu lên. “Được, nếu mọi người đã quyết, thì Iida Yoki tôi sẽ làm!”
Những người khác hò reo và vỗ tay.
“Họ làm cái gì thế ạ?” Tôi nhìn nhóm người đó với sự ngán ngẩm.
Chú Iwao hắng giọng đứng dậy. “Họ vừa mới nhất trí kế hoạch để chặt cái cây.”
“Gì cơ! Họ sẽ chặt cái cây này ấy ạ?”
Chặt là chặt. Nghe nói đến mỗi dịp đại lễ họ sẽ đốn hạ một cây cổ thụ trên rừng.
“Những năm còn lại, làng mình sẽ chặt cây non hơn, chỉ chưa đầy một hoặc hai trăm năm tuổi. Như năm ngoái là một cây bách,” anh Seiichi giải thích.
“Non” ở đây là hơn một thế kỷ cơ mà. Tôi nghĩ nhỡ đâu một ngày nào đó cây rừng sẽ bị chặt sạch cả, nhưng hóa ra là không cần phải lo gì cả.
“Bọn anh lần nào cũng trồng một chồi cây cùng loại thế chỗ. Ngay cả khi không có người chăm bón thì cuối cùng cũng sẽ có một loại cây nào đó mọc lên thôi.” Anh Seiichi ngước nhìn trìu mến cây liễu sam vĩ đại. “Truyền thống lên núi Kamusari đốn cây đã có từ rất lâu rồi. Không ai biết nó bắt đầu khi nào.”
“Em tưởng luật không cho chặt cây hơn nghìn tuổi?” Tôi hỏi.
“Làng mình được đặc cách chặt một cây mỗi bốn mươi tám năm một lần. Đây là nghi thức rất quan trọng.”
“Anh sẽ làm gì với cái cây sau khi chặt nó xuống?”
“Em muốn biết không? Cứ chờ mà xem.” Anh Seiichi cười khì.
Tôi có cảm giác không mấy hay ho, liền khấn trong đầu: Xin thần hãy cho con xuống núi một cách toàn thây ạ.
Đội chúng tôi, dẫn đầu bởi anh Seiichi, sẽ thực hiện công đoạn chính của việc chặt cây. Anh Yoki đang làm các động tác giãn cơ và gập người khởi động trong lúc chú Iwao giảng giải kế hoạch cho tôi.
“Trông đây này.” Chú trải tờ sơ đồ ngọn núi ra và chỉ vào một điểm trên sống núi. “Đây là chỗ chúng ta đứng. Cái cây nghìn tuổi đang đứng gần như thẳng đứng ở ngay rìa sống núi.”
“Vâng.”
“Bây giờ phải chặt làm sao để nó nghiêng sang hướng tây góc mười lăm độ.”
Chặt cây đúng góc với đỉnh là một chuyện gần như bất khả, còn ở phía tây cây liễu sam nghìn tuổi đang là một loạt cây cối đủ loại cao tầm mười lăm mét đang đứng chắn khu vực nơi cây liễu sam sẽ đổ xuống đất.
“Sao lại sang hướng tây khi mà vướng rất nhiều cây như thế ạ?” Tôi hỏi.
“Nhìn bên kia kìa. Có thấy cái máng không?”
Chú Iwao chỉ sang phía đông cây liễu sam. Một cái máng trượt gỗ đã được thiết kế theo chiều ngang sườn núi. Đội Kumotori mất hai tuần mới chuẩn bị xong, chú kể.
Tôi nhớ có nghe nói về những máng trượt lớn mà người ta dùng để đưa gỗ xuống, cấu tạo bởi những khúc gỗ sồi và gỗ liễu sam ráp lại như chiếc bè. Đột ngột hiểu ra, tôi nuốt nước bọt. “Thế là định cho cả cái cây cổ thụ này lên máng trượt ấy ạ? Toàn bộ luôn?”
“Phải.” Chú cười khì như thể đó là chuyện nhỏ. “Thân cây đoạn dưới nặng hơn, nên phần đuôi đi trước. Thế nên mới phải chặt làm sao để phần đỉnh đổ sang hướng tây.”
“Cái máng trượt có đi hết xuống chân núi không ạ?”
“Không. Lúc lên có đi vòng qua cái tảng đá to ấy nhớ không? Máng trượt chỉ dẫn đến đấy thôi. Kể từ đoạn ấy là đường dẫn thẳng xuống rồi, chỉ cần có thế.”
Vậy thì từ đoạn có tảng đá, cái cây liễu sam khổng lồ này sẽ lăn một mạch lông lốc xuống chân núi.
Khoôông! Cháu không muốn tham gia vào cái kế hoạch khủng khiếp thế đâu nà!
Tôi hét thầm trong bụng bằng đúng y giọng miền Kamusari như vậy.
⸙
Mặc xác tôi muốn hay không muốn, công cuộc chuẩn bị vẫn cứ tiếp diễn. Anh Seiichi lấy rượu ai đó đã mang theo và đổ hết xuống quanh rễ. Chúng tôi đến đứng trước cây và đồng thanh cung kính chắp hai tay. Nếu đã tỏ lòng tôn thờ cái cây thì chẳng phải không chặt là tốt hơn sao?
Tất cả cùng nhau mang nón và kính bảo hộ để tránh mạt cưa và dăm gỗ bắn ra. Mấy thứ đó sao mà lạc quẻ với bộ trang phục yamabushi cổ lỗ sĩ chúng tôi đang mặc, tôi rất muốn cười thành tiếng, song những người còn lại vẫn hết sức nghiêm túc.
Anh Yoki đi vòng quanh cây, đo đạc đủ mọi góc độ, nom như tay gôn đang căn ke mặt cỏ trước khi thực hiện cú đánh. Cuối cùng ổng chọn được một điểm. “Chỗ này!” Ổng gõ hai cái vào thân cây bằng cán rìu, rồi giơ lưỡi rìu lên cao trong tư thế sẵn sàng, chỉ chờ vung xuống.
Đoàn người bắt đầu xướng lên:
Hoina hoina
Oyamazumi-san
Xin ngài chứng giám
Liễu sam ngài ban
Bằng hết tài hèn
Chúng tôi xin hạ
Hoina hoina
Rắc! Lưỡi rìu bổ nhát đầu giòn và lảnh lang. Vỏ cây nứt ra, để lộ màu gỗ mới trắng ngần bên dưới và mùi hương nồng nàn.
Anh Yoki bắt đầu bằng cách mở miệng về hướng tây, tạo thành một cái khía phía dưới. Nếu mở miệng sai góc và sai hướng, cây sẽ không đổ như ý muốn. Đây là bước cốt yếu khiến cho việc này thành công. Bí quyết của ngôi làng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là phải khiến cho cái khía trông như kiểu bạn vừa mới đục một mẩu tam giác ra khỏi thân cây vậy.
Kế đến, ở phía bên kia, ổng sẽ bổ nhát cắt gáy. Mở miệng và cắt gáy giống như hai đầu của một đường hầm. Chặt cây cũng giống như đào từ đầu bên này sang bên kia hầm – nhưng không được đào thông với nhau. Đến đoạn giữa, bạn phải để lại một cái khớp nối. Không có cái khớp quyết định đó là cây sẽ đu đưa rồi đổ không biết đường nào mà lần. Nếu nhát cắt gáy được thực hiện đúng, cây sẽ từ từ nghiêng về hướng mở miệng, với cái khớp làm điểm tựa. Ít nhất cây bình thường là như thế. Còn lần này anh Yoki sẽ phải vượt qua thử thách lớn chưa từng có trong cuộc đời của ổng. Ở nơi dày nhất, tôi dám cá cái cây cũng phải đến cả chục mét.
Sau những nhát bổ với sức mạnh của siêu nhân, anh Yoki tạm dừng một lúc để mài lại rìu. Trong lúc ổng bận làm điều đó, những người còn lại trong đội vây xung quanh và dùng cưa máy để cắt tiếp. Chúng tôi làm theo lượt, phối hợp chặt chẽ theo nhịp và đảm bảo sao cho phần dưới của nhát chặt bằng phẳng.
Tiếng cưa vang rền khắp núi Kamusari như tiếng của một cây ghi ta bị cong cán. Chim chóc bị đánh động bay tán loạn. Một lượng mùn cưa khổng lồ bay ra rơi thành từng đống dưới chân chúng tôi. Chóp cây đu đưa như thể đang vật vã trong đau đớn.
“Yoki, chuẩn bị đến lúc rồi đấy.” anh Seiichi nói rồi hạ cưa xuống.
“Xong ngay!” Anh Yoki một lần nữa ra đứng đối diện với cái cây, trong tay là chiếc rìu mới mài. “Giờ tôi sẽ hạ nó vào đám cây hạt dẻ kia” (ý ổng là mấy cây sồi konara).
Nếu cho một cái cây vừa già vừa to như cây liễu sam này đổ thẳng xuống đất thì bản thân trọng lượng của nó, cộng thêm lực sốc có thể khiến cho thân cây bị gãy hoặc bị nứt. Anh Yoki dự định sẽ hãm lại cú đổ bằng khóm cây ở phía tây. Dĩ nhiên, đối với mấy cây sồi konara thì việc bị lôi ra làm bệ đỡ chẳng khác nào thảm họa, tương đương như cảnh một cái xe đẩy hàng bị xe chở rác tông trúng. Cây nào rồi cũng sẽ bị đè cho nát bét.
“Vĩnh biệt mấy bạn cây hạt dẻ! Rất tiếc phải lấy đi thức ăn của chúng mày nhé sóc ơi! Hãy tha thứ cho tao!”
Xin lỗi lũ sóc vì đã tước đi nguồn hạt dẻ của chúng xong xuôi, anh Yoki vào tư thế, lưỡi rìu giơ cao. Ổng như một luồng lửa quyết tâm bốc lên ngùn ngụt. Những người khác đều cúp đuôi chạy hết lên sống núi trên cao để tránh chẳng may bị cây đè vào. Song đội Nakamura hoàn toàn tin tưởng vào tài nghệ của anh Yoki. Chúng tôi biết anh Yoki đã nói cây sẽ đổ vào đâu thì nó sẽ đổ đúng vào đấy, và thế là bốn chúng tôi đứng nguyên tại chỗ, ngay sau lưng ổng.
Tiếng rìu của anh Yoki lanh lảnh lặp đi lặp lại, ngày càng khoét sâu vào nhát cắt gáy. Cuối cùng, cái cây cổ thụ bắt đầu ngả dần sang phía tây. Ngọn cây vẽ nên một đường cung rộng. Đám sồi konara bị nghiền thành từng mảnh. Thời gian dường như trôi chậm lại.
Cú va chạm khiến cho mặt đất nảy lên, làm tôi bừng tỉnh. Cây liễu sam cổ thụ nằm yên vị ở nơi mà nó rớt xuống. Những vòng cây lộ ra trên rìa nhát chặt (gọi là mặt cắt ngang) ánh lên màu trắng trong thoáng chốc trước khi chuyển sang màu nâu nhạt do tiếp xúc với không khí.
Tiếng cây đổ sầm vang vọng suốt những dãy núi bao quanh làng Kamusari trong một khoảng thời gian tưởng chừng như rất dài.
“Cừ đấy Yoki,” giọng Lão Già Saburo xúc động sâu sắc. “Trong đời ta chưa từng thấy cái cây nào được chặt gọn gàng sạch sẽ như vậy.”
Những người khác cũng lao đến, nhảy múa và reo ca, “Hoina hoina.” Đứng giữa nhóm người đang vây quanh, anh Yoki nhìn về phía chúng tôi với một nụ cười hãnh diện. Anh Seiichi và chú Iwao gật đầu đáp trả.
Thật xấu hổ khi phải thừa nhận rằng khóe mắt tôi bỗng rưng rưng sao đó. Tôi chỉ biết thốt lên trong đầu, Vãi thật! Hai chân tôi run lẩy bẩy.
Nếu anh Yoki được sinh ra ở thành phố và lớn lên tách biệt với núi rừng, ổng sẽ thành người như thế nào? Tôi tin chắc rằng dù có ở đâu, ổng cũng sẽ sống một cuộc đời can trường và hào sảng. Có điều ổng sẽ trở thành một kẻ chuyên đi chòng ghẹo phụ nữ và làm biếng mỗi khi sếp không có mặt. Việc anh Yoki của chúng tôi, với tài nghệ thiên bẩm, với bản năng và cái khiếu của một người thợ rừng hạng nhất, được sinh ra ở Kamusari cùng tình yêu rừng núi nồng nàn như vậy chỉ có thể là ý trời.
Anh Yoki hẳn phải được các vị thần của Kamusari yêu quý rất nhiều. Tôi chỉ nghĩ được có vậy sau khi chứng kiến ổng đốn hạ cây liễu sam nghìn tuổi với một phong thái và sức khỏe đạt đến mức siêu nhiên. Cả người ổng dường như đã hóa thân, tỏa ra hào quang ngời ngời.
⸙
Giờ đã quá xế trưa, cơn đói của tôi cũng đã lăn đi đâu mất tiêu. Chúng tôi chưa nghỉ chân chút nào suốt từ hai giờ sáng, song sự tôn nghiêm của lễ hội đã tiếp năng lượng cho cả đoàn. Không có ai than mệt hay buồn ngủ cả.
Cây liễu sam nghìn tuổi đổ đúng hướng với cái máng. Chúng tôi sẽ chỉ mất tí công để nâng nó vào vị trí. Việc đầu tiên sẽ là xén đi hết các cành, mỗi cái to cũng ngang một cây liễu sam thông thường. Cả bốn mươi người chúng tôi cùng nhau hợp sức cho đến khi ai nấy đều đầm đìa mồ hôi. Công việc được hoàn tất trong một tiếng đồng hồ - bằng chứng cho thấy sự cứng cỏi phi thường của đàn ông nơi đây.
Bị cắt trụi hết cành, cây liễu sam nghìn năm tuổi lúc này đã thành một khúc gỗ. Vỏ cây vẫn được để nguyên trạng. Khúc gỗ này to khủng khiếp đến mức càng nhìn lâu càng thấy quái đản, như thể tôi vừa mới lạc vào một thế giới của những thứ có kích thước ngoại cỡ.
“Có cho được xuống chân núi đi nữa thì làm được gì với cái cây gỗ to tướng như này nhỉ?” Tôi ngồi bên trên lẩm bẩm. Đỉnh khúc gỗ cao đến mức tôi phải dùng đến cái thang con rết để leo lên.
Anh Yoki cũng trèo lên, tay quắp theo cu cậu Noko đang tỏ vẻ bất đắc dĩ. “Khỏi lo,” chắc ổng vừa nghe thấy thắc mắc của tôi. “Cây được chặt trong ngày đại lễ mang lại nhiều may mắn nên là cả nước người ta đều muốn mua.”
Tôi nhìn ổng nghi ngờ. “Trước khi đến đây em chưa hề nghe đến tên làng mình hay lễ hội này. Cả nước là ở đâu?”
Noko nom sợ sệt ra chiều, anh Yoki bèn đặt cu cậu lên đùi. “Đừng có mà tỏ vẻ biết tuốt. Tin anh mày đi, người ta rất là mong muốn được sở hữu một cây gỗ lớn được chặt trong lễ hội Shinto. Họ đánh cả cây về. Như cây bách năm ngoái được một băng đảng ở Osaka đến lấy.”
“Yakuza? Thật ấy ạ?”
“Mê tín lắm. Sửa lại nhà cho đại ca, nên là chúng nó sẵn sàng tiêu không ít.”
“Thế anh nghĩ cái cây này bán được bao nhiêu?”
“Hỏi Seiichi ấy. Cái núi Kamusari này do nó đứng tên chủ sở hữu. Nhưng mà chắc chắn là sẽ đáng cả một gia tài. Đã có một ngôi đền ở Hokuriku đặt cọc trước rồi.” Anh Yoki xoa đầu ngón cái vào đầu ngón trỏ với một điệu cười ra vẻ hiểu biết.
Tôi tròn mắt nghĩ về sự tồn tại của một thế giới mà mình chưa từng biết đến. Nhà của ông bà già tôi ở Yokohama là nhà xây sẵn bằng gỗ ván ép.
Anh Seiichi gọi với lên. “Nào, trên kia! Không nói chuyện nữa, làm đi!”
“Rõ thưa sếp!” anh Yoki đáp lại. Đoạn ổng quay sang tôi càm ràm, “Má, cứ như ông thầy chủ nhiệm.”
Ổng đặt Noko lại xuống đất và phăm phăm trở lại với công việc, hành động trái ngược hẳn với lời nói. Cây liễu sam phải được cho xuống núi trước khi trời tối.
Cách mặt cắt ngang chừng ba mét rưỡi, anh Yoki đục hai cái lỗ và nhét vào hai cái cọc gỗ sồi chắc nịch to bằng cỡ chai nước ngọt hai lít. Chúng nhô lên phía trên khúc gỗ như đôi sừng của một con bò hoặc một con rồng.
Anh Yoki nắm lấy một cái cọc và lên mặt. “Medo đấy. Cả đời đi rừng không có vinh dự nào lớn hơn là được chuẩn bị medo nữa đâu.”
Theo quan sát của tôi thì chúng cũng chỉ là hai cái cọc thông thường thôi. Thế rồi anh Yoki móc ra một con dao và bắt đầu đẽo gọt nhoay nhoáy, thêm đường thêm rãnh. Cả hai đều được làm y hệt nhau.
Hoa văn trang trí kiểu gì ấy nhỉ? Nhìn một hồi, mặt tôi bỗng nóng ran. “Anh Yoki, đừng bảo đấy là…”
“Con cu!” Ổng ưỡn ngực tự hào. “Medo chính là biểu tượng của con cu.”
Hả? Sao lại phải mất công chặt một cái cây nghìn tuổi xuống để nhét mấy cái cọc hình con cu vào đấy cơ chứ? Tôi biết tại sao lúc anh Yoki được chọn làm medo ở lễ hội mùa hè chị Miki lại trông xấu hổ rồi.
Trong lúc bối rối tôi buột miệng nói bằng giọng Yokohama, “Nếu medo là cái đấy thì chỉ cần một thôi chứ!”
“Chú mày nói cũng có lý,” anh Yoki đồng tình. “Chắc ngày xưa người ta nghĩ là có hai cái thì lại càng vui.”
Thua.
Trong lúc anh Yoki hí hửng với tạo tác của mình, Lão Già Saburo và chú Iwao đã gọt bớt phần mặt cắt ngang để làm cho nó nhẵn và thành hình. Bạn biết mấy cái dùi gỗ dùng để đánh chuông chùa không, chúng thường hơi tròn và mòn ở phần đầu. Giống như vậy đó.
Chú Iwao giải thích: “Làm thế này là để lúc xuống núi gỗ không bị hư hỏng.”
“Chẳng may va vào đâu thì nó sẽ đỡ cho một tí,” Lão Già Saburo nói.
Sao lại có từ “va” ở đây? Tôi lại thấy có thêm điềm không ổn.
Các sợi dây thừng rơm được buộc chặt vào cái medo. Dây chạy dọc hết chiều dài thân cây liễu sam, thắt nút lại ở một vài đoạn bằng mấy cái neo gỗ. Nếu cây liễu sam nghìn năm tuổi là một con rồng thì medo là sừng và dây thừng chính là cương.
Dây để làm gì nhỉ? Sao chúng lại được buộc như buộc đai an toàn thế? Nỗi bất an của tôi tăng dần. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch.
Chú Jinsuke nãy đang xem đội tôi làm việc, giờ chú đứng trên gốc cây liễu sam nghìn năm tuổi và tuyên bố, “Sắp đến giờ rồi. Mọi người hãy cùng hợp lực và kéo nào!”
“Hoina!” tiếng trả lời đồng thanh vang lên.
Bốn mươi người chúng tôi, mỗi người mang một cây gậy lớn, tụ tập lại xung quanh khúc gỗ khổng lồ. Sử dụng cây gậy làm đòn bẩy, chúng tôi nâng nhẹ khúc gỗ lên và nhanh chóng luồn những đoạn gỗ mỏng xuống dưới (“mỏng” ở đây đương nhiên chỉ là so với cái cây nghìn tuổi thôi nhé). Sau đó, bằng dây thừng, chúng tôi lăn khúc gỗ về phía trước. Họ bảo kim tự tháp Ai Cập cũng được xây bằng kiểu này – bằng cách lăn những hòn đá khổng lồ trên mấy khúc gỗ. Tưởng tượng được rồi nhỉ?
Cuối cùng nó cũng đã vào vị trí, nằm cân bằng một cách chênh vênh đến mức tưởng như có thể trượt xuống theo máng trượt bất cứ thời khắc nào. Mấy sợi dây rơm buộc hai cái medo ở phía trước vào hàng cây bách ở hai bên. Trông như thể khúc liễu sam khổng lồ đang gồng lên, chỉ trực chờ lao xuống cây cầu trượt lớn, bao dây giữ cũng không xuể.
“Được rồi, tất cả lên đi!” anh Yoki hô ra lệnh.
Ổng đang đứng phía trước khúc gỗ, bám vào một cái medo. Không phải cảnh tượng đẹp đẽ gì cho cam. Nhưng nếu bạn không biết cái medo có hình con cu thì chắc bạn sẽ nghĩ là ổng đang dũng mãnh cưỡi trên lưng một con rồng bằng cách bám vào sừng nó cũng nên.
Mà sao ổng lại bảo tất cả lên đi? Mọi người cũng đều đang chạy tới để trèo lên khúc gỗ và giữ chặt tay vào một trong những sợi dây thừng chạy dọc quanh đó. Gương mặt họ đầy quả quyết không để bị tụt lại.
Tôi khá chắc là mặt mình đang tái mét. Đừng bảo là phải leo lên cái khúc gỗ sắp sửa cắm đầu phi xuống dốc này nhé! Phải bám vào đấy trong lúc nó lao qua cả cánh rừng rậm tận đến hết chân núi á? Thôi đừng chứ! THÔI!
Khúc gỗ không chỉ to khổng lồ mà còn tròn nữa – như bất kỳ khúc gỗ nào, thế nên rất là chòng chành. Từ đây xuống có biết bao nhiêu là chướng ngại vật, cỏ cây đá sỏi và những cái có trời mới biết. Chẳng có cách nào để lèo lái nó, làm sao chúng tôi có thể trở xuống dưới toàn mạng được đây?
Đội của tôi đã đứng sẵn ở đầu khúc gỗ, tất cả bọn họ đều đang bám chắc vào một cái medo. Lần lượt từng người gọi tôi.
“Chờ gì thế Yuuki?” chú Iwao hô lớn. “Lên đi!”
“Khẩn trương, trước khi mặt trời lặn,” Lão Già Saburo giục giã.
“Nhờ có anh, mày mới được sờ vào medo đấy.” Câu này là Yoki nói.
Anh Seiichi tiếp lời động viên. “Trải nghiệm này mang lại phước lành và may mắn nhiều lắm đó. Nhiều hơn cả nghi thức ở đền Naritasan nơi có các võ sĩ sumô ném đậu để người dân bắt chúng bằng miệng nữa đấy.” Nghi thức mà anh nói tôi chưa từng tham dự, nhưng đã thấy qua TV. Nó được tổ chức hàng năm trước ngày lập xuân trong lịch âm.
Đến tận đây rồi, chẳng nhẽ lại bắt mọi người chờ mình. Tôi bèn rón rén leo lên khúc gỗ và bám vào cái medo bên trái, đứng bên cạnh anh Seiichi và anh Yoki. Chú Iwao và Lão Già Saburo đang bám vào cái bên phải.
“Kiểu gì lễ hội này cũng có vài mạng đã tèo,” tôi cảm thán.
“Tám người, theo ghi chép từ thời cổ.” Lão Già Saburo đưa ra cái tin vụn vặt này điềm nhiên như không.
Tám cái chết đã được ghi nhận. Hay lắm. Tôi sẽ là người thứ chín cho coi. Tôi rất tự tin vào cái số con rệp của mình.
“Em đừng lo,” anh Seiichi bảo. “Dù đang mới tập sự, nhưng em đã được đăng ký là nhân viên của công ty gỗ Nakamura rồi, nên em sẽ được hưởng chi trả bảo hiểm như bình thường.”
Đó không hẳn là cái đang làm em bận tâm anh ạ, nhưng mà em cảm ơn.
“Chú mày run đấy à? Đúng là thỏ đế!” Anh Yoki cười oang oang.
Rồi. Biết rồi. Tôi biết anh không sợ rồi. Anh thì có tí tính người nào đâu. Tôi xỉ vả ổng trong đầu và quay sang chú Iwao tìm kiếm sự ủng hộ, vì theo cảm nhận của tôi chú là người có lý trí nhất trong đội.
“Chú có sợ không chú Iwao?”
“Không sợ tí gì luôn.” Chú cười toét. “Chú bị thần bắt rồi cơ mà. Thần Kamusari quý chú, thế thì làm sao ngài lại để chú gặp chuyện trong lễ hội của ngài chứ, có đúng không?” Chú tự tin phát rồ ạ.
“Nghe đây mọi người.” Anh Seiichi trang nghiêm thông báo tới toàn nhóm. “Tất cả đã sẵn sàng chưa?”
Bọn họ đồng thanh: “Sẵn sàng!”
Chưa! Em hổng có sẵn sàng!
“Nào, chúng ta đi!”
Cầm cây rìu, anh Seiichi cắt phăng mấy sợi dây đang buộc khúc gỗ vào đám cây bách ở hai bên. Đúng lúc này Noko ăng ẳng phi đến, bật nhảy từ gốc cây lên đến cạnh chân tôi. Trong khi đó, với sự chậm rãi của một con tàu lượn siêu tốc đã lên tới đỉnh, khúc gỗ liễu sam chầm chậm ngả về phía trước, mũi chúc xuống dưới. Chúng tôi mỗi người buộc một cái cưa máy đã được đậy nòng sau lưng, và trong một giây tôi cảm thấy cái của tôi vừa mới bay lên cao và lơ lửng trong không khí.
Aaaaaaa! Tôi la không thành tiếng khi khúc gỗ cổ đại bắt đầu trượt xuống sườn núi.
“Hoina!” Đám đàn ông hú hét và la ó, cố bám trối chết. Mấy sợi dây thừng kêu kẽo cà kẽo kẹt. Một tiếng rắc khô khốc vang lên, thông báo cái máng trượt đã bị đè bẹp bởi sức nặng khủng khiếp của khúc gỗ khổng lồ. Mảnh vụn và dăm gỗ đập sàn sạt vào kính bảo hộ của tôi. Những cành cây chìa ra trên đường tát túi bụi vào má, khiến tôi ré lên vì đau.
“Cẩn thận cắn vào lưỡi đấy!” anh Yoki nói.
Chúng tôi lao về phía trước. Cảm giác này giống như việc được ngồi trên một đầu máy hơi nước cũ rích - một con tàu dù mất lái vẫn tiếp tục chạy phăng phăng bất chấp bánh xe và đường ray đang rụng rời. Người kỹ sư vẫn đang bạt mạng cho than vào lò không ai khác ngoài anh Yoki. Trên con “tàu” ghê hồn hơn bất cứ con tàu lượn siêu tốc nào có thể tưởng tượng ra được này, ổng đứng lắc lắc lư lư, tay nắm cái medo, cười vang và hét lớn, “Lên, lên!” Sợ thật đấy. Anh Seiichi thì còn khó tin hơn: anh mặc nhiên đứng thẳng người ngay đầu khúc gỗ, vẻ mặt vẫn trầm tư như bao ngày.
Mấy cái ông này không phải người nữa rồi.
Lão Già Saburo hé miệng thở phì phì, bấu chặt vào medo. Tôi không chắc là lão sợ hay đang thích thú. Chú Iwao đang lẩm nhẩm gì đó. Tôi dỏng tai thì nghe ra vài từ kiểu như đang khấn.
Thay vì khấn để được sống sót thì chi bằng dẹp quách cái nghi lễ này đi, đừng trêu đùa với cái chết nữa!
Những tiếng la hét vọng lên từ nhóm người đằng sau chúng tôi:
“Á, lắc dữ quá!”
“Chết chắc rồi!”
“Mẹ ơi!”
Trong giọng họ pha lẫn sự hài hước và có tí phởn thì phải. Khi bị khích động quá một ngưỡng nào đó, dường như người ta sẽ không còn giữ được chừng mực nữa và thể hiện đủ mọi thể loại cảm xúc ra bên ngoài.
Bây giờ ngồi nhớ lại thì có thể phân tích một cách trí lý được đấy, nhưng mà á, trong lúc đang đứng trên cái khúc gỗ nghìn tuổi ấy lao vù vù xuống núi thì còn lâu mới nghĩ mạch lạc được. Tôi sợ có khi mình lại sắp tè ra quần. Tay tôi nhễ nhại mồ hôi, cố lắm mới bám được vào cái medo.
Lá vàng phủ kín mặt đất bị xới tung lên thành những cơn lốc bụi mịt mù. Chim chóc bay tán loạn. Qua những cành cây lá rụng hẹp như mấy khe đá, tôi thoáng thấy chúng đang vội vã thoát thân về phía trời xanh, cất tiếng gọi nhau hoảng hốt.
Cảnh vật vèo vèo trôi qua trong chớp mắt. Khúc liễu sam khổng lồ có hình dáng như một con rồng, song cách nó phi xuống thì chẳng khác nào một con lợn rừng cả. Sắc đẹp của khu rừng chỉ còn lại là những vệt mờ màu sắc hình khối hỗn độn, như thể có người đã trét nguyên cả xô sơn màu xanh, màu nâu, màu đỏ lên khắp mọi thứ xung quanh.
Dốc núi cheo leo hơn, chúng tôi lại càng lao nhanh nữa. Ống tay áo tôi bay phần phật trong gió.
Noko ẳng lên thất thiểu. Dưới chân tôi, cu cập đang cắm chặt móng vào vỏ cây, nằm bẹp xuống để bám trụ, nhưng không còn đủ sức nữa. Một cú xoay ngang nhẹ của khúc gỗ khiến cho nó bị hất lên không trung. Trong khóe mắt tôi thoáng thấy cái đuôi mềm của cu cậu bay qua từ từ.
“Noko!”
Ngay tức thì tôi với tay trái ra và bắt lấy thân sau của nó vừa kịp trước khi cu cậu bị thổi bay. Người tôi mất thăng bằng; tôi không thể chống đỡ sức nặng của mình chỉ với một tay. Tay phải tôi trượt khỏi cái medo.
Chết tôi rồi!
Vào khoảnh khắc đó, mọi thứ bỗng xảy ra rõ nét như một thước phim quay chậm.
Hai hàng người đang bám víu vào dây thừng há mồm nhìn tôi bắt đầu rơi xuống, tay vẫn ôm chặt Noko. Miệng bác Yamane đang phát ra âm Không! Đuôi Noko quặp lại vào giữa hai chân. Tay trái tôi luồn sâu vào bộ lông của cu cậu, siết chặt lấy người nó. Dù thế nào tôi cũng sẽ không buông ra, buông ra thì Noko sẽ toi đời, không thể để điều đó xảy ra được.
Đằng sau khúc gỗ đang lao về phía trước bỗng có hai người phụ nữ đang trôi mình trong không khí. Tôi không thấy được mặt họ. Tôi chỉ biết họ mặc kimono, một người màu đỏ và một người màu trắng. Họ ở đây để chờ tôi sao? Tôi sắp sửa đâm đầu xuống đất cùng với Noko và về chầu trời ư? Tôi tự hỏi với một cảm giác thờ ơ kỳ lạ.
Hai người phụ nữ khoan thai giơ tay lên và chỉ về sau lưng tôi.
Cũng chính lúc đó tôi nghe thấy tiếng anh Yoki gọi tên mình. Vẫn quắp chặt Noko, tôi ngoái lại. Anh Yoki đang dùng tay trái bám vào medo và lấy tay còn lại cầm cây rìu chìa cán về phía tôi. Anh Seiichi, một bên tay đang vòng quanh người anh Yoki để giữ ổng, đang ngước về phía tôi với một sự căng thẳng tột độ hiếm khi nào thấy.
“Bám vào!” anh Yoki hét lên.
Vừa kịp. Với tay phải ra, tôi vồ lấy cái cán gỗ đã mòn và trơn nhẵn. Tôi cảm thấy mình đang được một thế lực phi thường hút về phía cái medo, về phía nơi anh Yoki và anh Seiichi đang đứng, về phía sự sống và xa khỏi cái chết.
Thái dương anh Yoki nổi cục gân. “Nào nào nào!” ổng gào lên.
Dồn hết sức bình sinh vào tay phải, tôi gào lại. “Tới đây!”
Tôi lao đầu về phía trước và thấy mình đã lại đứng giữa anh Yoki và anh Seiichi. Ngay lập tức tôi tóm lấy cái medo.
Tưởng đâu đã một thời gian rất dài trôi qua, nhưng chắc hẳn tất cả chỉ xảy ra trong một cái chớp mắt thôi. Đằng sau tôi, mọi người đang la lên những tiếng vui mừng và sung sướng.
Sống rồi. Lúc nhận ra điều đó, tôi bỗng toát mồ hôi hột, rớt tòng tòng xuống từ mặt tôi và theo gió văng xuống hết mọi người đằng sau. Xin lỗi mọi người, cháu không cố ý.
“Đần ơi là đần!” Anh Yoki thở phì phò. “Lỡ chết thì sao!”
Nhưng tôi phải cứu Noko. Dù biết là liều mạng, nhưng tôi không mảy may hối hận chút nào. Nằm ép sát vào người tôi, tai cụp hết cỡ, Noko vừa run rẩy vừa ngước nhìn tôi với vẻ khẩn khoản xin lỗi. Tôi lấy làm mừng. Cả hai chúng tôi đều hãy còn sống. Và còn ấm.
Mà khoan. Ngực tôi đang thấy ấm lắm đây này. Ặc!
Tôi cởi cái tay đang ôm Noko ra và nhìn xuống. “Noko, mày đái vào người tao rồi!” Cái áo thụng trắng của tôi xuất hiện một vết ố vàng vàng.
“A.” Anh Yoki gật đầu. “Sướng quá nên đái bậy hả Noko?”
Tôi không nghĩ vậy. Có mà sợ quá nên mới thế.
“Dù sao đi nữa, bọn anh cũng mừng là em không sao.” Anh Seiichi nói và vỗ lên lưng tôi.
Tôi cẩn trọng ngoái lại đằng sau. Phía trên những hàng cây đang lướt nhanh về phía sau không thấy đâu bóng dáng của hai người phụ nữ đó nữa. Có thể chỉ là ảo giác, nhưng tôi vẫn thầm khấn một lời cảm tạ trong lòng. Cảm ơn hai vị đã cứu tôi.
“Cảm ơn vì đã cứu nó.” Anh Yoki nói đồng thời, như thể vừa đọc suy nghĩ của tôi. Tôi tròn mắt nhìn ổng, nhưng dĩ nhiên là ổng vừa cảm ơn tôi chứ không phải cảm ơn con gái của ngài Oyamazumi. Ổng vụng về vỗ vỗ lên đầu Noko.
Tôi cẩn thận đặt Noko xuống cạnh chân, sau khi nhịp thở và mạch đã ổn định hơn – cơ mà bởi vì cái khúc gỗ vẫn đang phi vèo vèo xuống núi nên ngực tôi vẫn đang dộng bình bịch. Để Noko khỏi bị cuốn bay đi một lần nữa, tôi kẹp chặt cu cậu giữa hai chân.
“Thoát khỏi nanh beo thì đến trèo vào miệng cọp đây này,” Lão Già Saburo nói.
“Sẵn sàng tinh thần đi nhé!” chú Iwao hô lên.
Tảng đá khổng lồ nằm ở cuối đoạn máng trượt đang càng ngày càng gần. Để xuống được con đường mòn mà chúng tôi đã leo sáng sớm nay, tất cả cần phải ngoặt sang phải ngay lập tức.
“Làm sao để khiến cho cái này đổi hướng thế ạ?” tôi hỏi lớn, nhưng không ai trả lời. Anh Yoki, anh Seiichi, chú Iwao, Lão Già Saburo đều gồng mình bám chặt vào cái medo, bộ mặt rất căng. Những người đằng sau, mới đây thôi còn thi thoảng reo lên Hoina hoina cho có khí thế, tất cả đều đã im lặng. Âm thanh duy nhất chỉ còn lại tiếng gió rú rít bên tai.
Sự căng thẳng truyền đi như một tia sét vạch dọc theo khúc gỗ nghìn tuổi.
Đừng bảo là… tôi nuốt vội. Đừng bảo là sắp đâm thẳng vào cái tảng đá đó nhé?
“Khôooong!” Tôi rống lên. “Chết cả lũ mất thôi! Cho em xuống!”
“Chuẩn bị này,” anh Seiichi nói.
“Bám chắc vào!” anh Yoki hét lên.
Theo bản năng, cả bọn đều gập người và cúi mọp đầu xuống. Chân tôi kẹp vào Noko chặt đến mức cu cậu ẳng lên vì đau, nhưng chẳng còn cách nào khác.
Chấn động mạnh đến mức muốn vỡ cả tim gan phổi phèo. Khúc gỗ đập vào tảng đá, phía bên trái gần như đã trèo cả lên trên, sau đó lại nảy ra. Nó bật lên theo phương thẳng đứng hệt như một con ngựa bất kham đang chồm lên trên hai chân sau, đạp móng vào không khí.
“Á á á!” Bị trọng lực tác động, tôi thấy chân mình văng ra khỏi khúc gỗ. Hai tay tôi níu lấy cái medo, chống đỡ cho cả cân nặng của cơ thể (cộng thêm Noko).
Khúc liễu sam bắt đầu xoay chầm chậm qua bên phải, vừa xoay vừa đánh bạt hết cây cối trên đường. Cú đập vào tảng đá đã giúp chúng tôi chuyển hướng.
Thân cây khổng lồ rơi xuống theo một đường cung rộng, ngúc ngoắc hướng sang con đường mòn. Tôi phải hết sức bình sinh bám trụ vào cái medo để kháng lại được sức mạnh khủng khiếp của lực ly tâm.
Chúng tôi rớt bịch xuống kèm theo một tiếng động long trời lở đất. Tôi nghiến chặt răng để khỏi cắn vào lưỡi, nước mũi bỗng dưng chảy thò lò. Kính mắt tôi ướt đầm mồ hôi hòa lẫn nước mắt. Giờ mà quán tính làm cho khúc gỗ lăn sang ngang hoặc toác ra là tất cả chúng tôi sẽ đi chầu ông bà cả nút. Nhẹ nhàng theo cái đường này mà trượt xuống đi mày ơi! Tôi vừa khom mình vừa van thầm trong lúc khúc gỗ nghìn năm tuổi nảy lên nảy xuống mấy phát trên con đường mòn.
Có thứ gì đó bay sượt qua đầu tôi. Giật mình, tôi ngước lên và dõi ánh mắt theo vật thể bay không xác định.
Đó là bác Yamane. Bác ta chắc hẳn vừa bị tuột tay khỏi sợi dây thừng. Người bác bay vút qua, quơ cào loạn xạ giữa không trung.
Theo bản năng tôi nhổm dậy, song nhảy lên cứu bác ấy là điều không tưởng. Cây gỗ liễu sam giờ đã nằm ổn định giữa con đường và đang chuẩn bị lao một lần cuối cùng xuống chân ngọn núi.
“Ông Yamane!”
“Sao rồi?”
Những người đằng sau chúng tôi la ó. Khúc gỗ không còn chòng chành nữa nên ai nấy đều quay lại để tìm kiếm bác Yamane bị bắn ra xa. Người bác bay theo một vòng cung rộng rồi rơi xuống ngọn của mấy cây liễu sam mọc hai bên đường. Để lại sau lưng những cành lá đang đung đưa cùng với bác Yamane khả năng cao đã bị cây xuyên vào người, khúc gỗ nghìn năm tuổi lại băng băng về phía trước.
“Làm gì đi ạ!” tôi quay sang anh Yoki và anh Seiichi đang đứng cạnh tôi sau cái medo hét lớn. “Bác Yamane…”
Anh Seiichi nhíu mày. “Anh cũng muốn chứ, nhưng làm gì bây giờ?”
Điều đó một phần cũng có lý. Chúng tôi đang lao đi không có cách nào dừng lại được, không có cách gì để quay lại chỗ bác Yamane cả. Nhưng mà nó cứ vô tình thế nào ấy.
Thấy tôi chuẩn bị cự cãi, anh Yoki bèn nói thủng thẳng, “Cứ bình tĩnh. Trông thế là lão chưa chết đâu. Có cành cây đỡ rồi.”
Tôi chỉ có thể hy vọng là ổng nói đúng.
Xuống con đường mòn, khúc gỗ nghìn tuổi lao đi còn nhanh hơn nữa. Những người sau lưng chúng tôi đang kêu gào thống thiết. Họ đang lo lắng cho bác Yamane hay lo cho sự an toàn của chúng họ trên cỗ xe đang lao hùng hục này, ai mà biết được?
Phía trước chúng tôi hiện ra một đốm sáng lờ mờ. Cây cối đã thưa hơn. Tiếng sáo và tiếng trống đằng xa đang ngày càng lớn. Đáp lại, toán đàn ông lại bắt đầu xướng lên: “Hoina hoina.”
Chúng tôi đã gần kề tới chân núi Kamusari.
Nhưng khoan. Xuống đấy an toàn là một chuyện. Làm sao để họ dừng cái thứ đang phi như tên bắn này lại đây? Ở lối vào núi Kamusari có cái miếu bé bằng đá và bãi đất trống, chấm hết. Quá nữa là thung lũng do con sông Kamusari tạo ra.
Vãi! Nếu cái thứ này mà không dừng lại được ở bãi đất trống là cả bọn sẽ lao đầu xuống vực hết!
Da gà tôi nổi hết cả lên.
“Hoina hoina.”
Đáp lại tiếng hò của đàn ông, phụ nữ bên dưới cũng đồng thanh cất lời, với giọng nhẹ nhàng và mời gọi, như thể đang cố làm cho khúc liễu sam đang nổi giận bừng bừng hạ hỏa.
“Hoina hoina.”
Giống như tôi vừa mới đi thẳng qua một tấm màn màu xanh. Khúc gỗ nghìn năm cuối cùng cũng đã xuống đến chân dốc và trượt vào khu đất trống. Ngôi miếu đá bị đè bẹp dí, mấy mảnh vỏ cây bay loạn xạ.
Con “rồng” ưỡn cao đầu, tôi nheo mắt trước ánh nắng sáng bừng xuất hiện đột ngột khi không còn bị cành cây che khuất. Thật là chói lóa. Mặt trời mùa đông có bao giờ rực rỡ như vậy đâu. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự u tối và sâu thẳm của cánh rừng.
Ngay cả khi đã xuống đến đất bằng, khúc liễu sam vẫn giữ nguyên đà lao đi. Nó cày qua đám đất sỏi, khiến cho mấy hòn đá nhỏ bắn tung tóe ra xung quanh.
Hầu như cả làng đều đã có mặt để chào đón sự xuất hiện của khúc gỗ nghìn năm. Phần lớn là phụ nữ, bao gồm cả chị Miki, bà Shige – người đang ngồi trên tấm chiếu cói, chị Yuuko, Naoki. Cũng có mấy ông già đã nghỉ nghề lên rừng ở đây. Tất thảy mọi người đồng loạt reo hò khi khúc gỗ lộ diện cùng với đám chúng tôi đang cưỡi phía trên, vừa cười vừa chạy thoát thân tránh nó phi đến. Họ tản ra, còn bà Shige không chạy được, nên chị Miki ra đứng trước mặt bà để chắn. Chị Yuuko và Naoki đứng cạnh, ngước về phía mấy anh em chúng tôi đang bám vào cái medo.
Cả khung cảnh ấy có lẽ được tôi thu nhận chỉ trong một tích tắc.
“Dừng lại!” tôi hét với cái khúc gỗ đang lao về phía trước. Tất cả những người khác, anh Yoki, anh Seiichi, Lão Già Saburo, chú Iwao, những người còn lại – cũng đều hét lớn.
Những cái phanh vô hình chắc hẳn đã nghe được mệnh lệnh của chúng tôi. Khúc gỗ nghìn năm dừng lại, chìa ra một phần tư phía trên mép vực sông Kamusari.
Sự im lặng trong thoáng chốc bị phá tan bởi những tiếng hô “Hoina!” sung sướng. Để cặp kính bảo hộ đeo tòn ten trên cổ, tôi đấm cả hai tay vào không khí, mồm hú một tiếng mừng rỡ không thành lời. Vài chiếc nón bảo hiểm được mọi người quăng lên cao.
Dân làng quanh bãi đất trống tụ tập lại, vỗ tay và nhảy cẫng lên. Noko lảo đảo bò xuống và lao thẳng vào vòng tay của chị Miki. Những người ở sau chúng tôi cũng bắt đầu trèo xuống khỏi khúc gỗ, bằng cách dùng thang con rết hoặc ngồi xuống trượt cho lẹ, rồi sau đó đứng chúc mừng nhau vì một buổi lễ đã thành công tốt đẹp.
Anh Yoki và tôi đập tay với nhau, chú Iwao thì chìa tay ra bắt. Lão Già Saburo vung vẩy cánh tay cho đỡ mỏi vai, miệng lẩm bẩm, “úi chà chà.” Anh Seiichi cởi mũ bảo hiểm và cúi đầu thật thấp về phía núi Kamusari.
Và như vậy, buổi đại lễ được tổ chức cứ bốn mươi tám năm mới có một lần cùng nghi thức mang một cây đại thụ từ trên đỉnh núi Kamusari về với làng đã kết thúc một cách an toàn.
⸙
Các bạn muốn hỏi về tình hình của bác Yamane ư? Bác ta vẫn sống nguyên. Không những còn sống, sau lúc trời tối bác còn tự mình đi xuống núi được luôn cơ! Mấy cành liễu sam đã đỡ cho cú ngã của bác giống như lời anh Yoki bảo, chỉ bị trầy da chút đỉnh thôi. Thấy bác không sao, chúng tôi ăn mừng bằng cách mở ngay một buổi tiệc rượu quanh khúc gỗ nghìn năm để chúc sức khỏe bác. Mà thật ra thì, buổi tiệc đã bắt đầu trước cả khi bác xuống đến nơi. Thực tế là đến lúc bác xuất hiện thì cả lũ chúng tôi đã uống sâu đến mức quên cả việc bác hãy còn mất tích. Nhỡ chẳng may bác vẫn còn mắc kẹt ở đâu trên núi, không di chuyển được từ lúc đó đến giờ thì sao? Nghĩ thấy mà ghê.
Nhưng thế mới là ngôi làng Kamusari vô tư bình thản. Bác ấy có chết thì họ chắc cũng sẽ đón nhận một cách hết sức bình thường: Chấp nhận thôi. Số ổng như vậy rồi. Đôi khi cái tính ung dung của họ gần như đạt đến mức vô tâm. Nhưng chắc tại vì ai cũng coi rằng đã lên với núi rừng thì nguy hiểm là điều tất yếu.
Ngay sau khi thở phì phò tiến vào bãi đất trống, bác Yamane đã nốc luôn ba chén rượu sake lạnh và cười lớn. “Hú hồn hú vía bà con ơi!” Mọi người liền vây đến hỏi han và chúc mừng: “Quá là hú vía!” “Lành lặn là tốt rồi!” vân vân. Thế là xong.
Tiệc tùng kéo dài mãi tới khuya.
Vầng trăng sáng vươn cao trên viền núi và chiếu ánh sáng êm dịu lên tấm vỏ rêu phong của khúc gỗ nghìn năm. Chúng tôi ngồi sưởi ấm bên đống lửa, đánh chén đồ ăn đựng trong những chiếc giỏ picnic và nhảy múa mỗi khi có ai đó trổ tài thổi sáo. Trời lạnh đến mức nhìn rõ đến từng hơi thở, nhưng bên dưới những chiếc đèn lồng giấy được căng lên, mọi khuôn mặt đều đang nở nụ cười.
Santa đang nằm gối đầu vào lòng chị Yuuko, đắp lên mình một chiếc áo khoác. Sang đến khuya, cu cậu đã thấm mệt. Noko cũng rúc đầu vào chỗ thằng nhỏ cho ấm, người cuộn tròn, mắt nhắm tịt.
Mấy bà mấy cô trong làng vẫn chưa thấy có dấu hiệu muốn giải tán. Trong lúc chúng tôi leo lên đỉnh Kamusari, đốn cây liễu sam và thách thức thần chết lao đầu xuống núi, họ gói ghém đồ ăn và mang đến bãi đất trống cùng với những chai rượu sa kê. Vừa chờ cây về, họ vừa chăng đèn lồng, nhóm lửa và uống rượu giữa tiếng trống và tiếng sáo mừng lễ hội. Họ uống ở đây từ tận trưa. Song kể cả đến lúc tối muộn vẫn chẳng thấy họ xi nhê gì mà vẫn cứ cười nói cụng ly ầm ầm.
Vỏ chai rỗng nằm lăn lóc trên mặt đất. Thậm chí có hẳn cả một thùng phi đựng rượu. Uống nhiều thế này thì không bình thường tí nào. Có khi dân làng này là yêu quái giả dạng thật chứ chẳng chơi. Nghi vấn này vừa mới kịp xuất hiện thì có tiếng anh Yoki gọi. Tôi quay lại, ở một góc của bãi đất trống, ngồi quây thành một vòng tròn trên mảnh chiếu cói là tất cả các thành viên trong đội của tôi trừ anh Seiichi. Bà Shige, chị Miki và Naoki cũng có mặt.
“Mau lại với bọn chị nào,” chị Miki vẫy tôi. Má chị đỏ hây hây do men rượu.
Chị Naoki dường như không mấy khó chịu trước sự có mặt của tôi. Người đâu mà xinh quá, là yêu quái cũng được, tôi không cần biết. Mặt khác, bà Shige thì chẳng khác nào yêu quái bánh bao mứt đậu đỏ nhăn nheo. Nghĩ đến đây tôi bật cười, nhưng phải cố giấu trong lúc sà xuống buổi liên hoan nho nhỏ.
“Lần đầu tham gia vào lễ hội mà đã khá đáo để,” chú Iwao nói rồi rót trà xanh vào cốc của tôi trước khi tôi kịp bảo mình đang uống nước cam. Chú đang say mèm rồi.
“Ngồi chờ cũng vui,” chị Miki cười. “Khúc gỗ lăn tới đâu là chim chóc bay lên tới đó. Nên mọi người đang ở đâu là dưới này biết hết.”
“Khi khúc gỗ xuống đến nơi, ta đã không thể kìm lòng được. Ta đã phải vái lạy nó bây ạ.” Bà Shige minh họa bằng cách chắp hai tay vào nhau. “Tất cả đều lành lặn trở về, vậy là mừng.”
“Bà không phải là người duy nhất thấy cảm kích đâu.” Lão Già Saburo không hiểu sao nói rõ to. “Đám đàn bà mà thấy thằng Yuuki giữ cái medo là kiểu gì cũng muốn cưới nó cho xem.” Vừa nói lão vừa tia sang phía Naoki.
À, ra là thế. Họ muốn làm cầu nối cho hai chúng tôi cũng vui, nhưng mà cách làm của họ không được tế nhị cho lắm. Cảm thấy ngài ngại, tôi bèn đưa mắt nhìn quanh bãi đất trống. Không thấy anh Seiichi đâu.
Chị Miki nói nhỏ vào tai tôi, “Em tìm điền chủ chứ gì, đang đưa Yuuko với Santa về nhà rồi.”
“Yuuki, bây đừng có mà bỏ lỡ cơ hội này,” bà Shige khích lệ tôi. Mỗi tội là bà lãng tai nên chẳng thèm hạ giọng gì cả.
Sao giờ? Tôi chịu chết. Cho dù họ có rào sẵn lối cho tôi, đâu có gì đảm bảo là Naoki đã thích. Chị ấy chắc chắn biết tất cả ngồi đây đang nghĩ gì, nhưng không thể hiện gì ra ngoài mặt cả - chỉ đưa chiếc cốc lên miệng và nhấp một ngụm, còn không thèm nhìn tôi lấy một lần.
Triển vọng thế này tăm tối quá. Không nói được gì, tôi bèn uống món nước pha chế trà xanh – nước cam của mình. Nó có vị thật ghê hồn.
Anh Yoki ngồi khoanh chân, sốt ruột rung đùi. “Thôi được rồi,” ảnh tuyên bố. “Yuuki, anh trao lại quyền medo cho chú mày.”
Ồ. Lão Già Saburo và chú Iwao thốt lên bất ngờ. Bà Shige cười khùng khục, còn chị Miki nhìn sang anh Yoki như thể muốn nói gì đó. Có mỗi tôi và chị Naoki, hai đứa mới về làng, là không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng tôi thấy có dự cảm chẳng lành.
“Ừm…” tôi hỏi thăm dò, “là quyền gì thế ạ?”
“Người đưa cây từ trên núi xuống trong buổi lễ là medo.” Anh Yoki ưỡn ngực nói lớn, “Medo thích ai thì có quyền được ngủ với người đó!”
Tôi chưa hề động vào một giọt rượu nào, vậy mà bỗng nhiên thấy chóng mặt, phải chống tay xuống chiếu cho vững. Thế này thì quá sức tưởng tượng của tôi.
“Thế anh định dùng quyền medo với ai?” Chị Miki hỏi anh Yoki mặt lạnh tanh.
“Thế cũng phải hỏi. Tất nhiên là với mình rồi.” Ảnh quàng tay lên vai chị. “Thế nên anh mới trao nó cho Yuuki. Với mình thì anh không cần hỏi, lúc nào mà chả…”
“Thôi ngay! Xấu hổ quá đi.”
“Có gì mà phải xấu hổ. Nào, đừng có ngại.”
Anh Yoki và chị Miki bắt đầu đẩy đưa như thể hai người bọn họ sắp dắt nhau vào bụi bất cứ lúc nào. Thật là cặp đôi điên khùng!
Thấy tôi ngồi mắc cỡ với cái quyền lợi khó tin vừa được trao, Lão Già Saburo mới giục. “Nói đi, Yuuki.”
Lão thì thế nào chả được. Tôi ngước về phía Naoki. Mặt chị ấy cũng đang đỏ. Khi ánh mắt chúng tôi giao nhau, chị ấy nhìn đi chỗ khác. Viền má của chị được tô bởi ánh đèn lồng, trắng sáng giữa đêm tối, đẹp hơn cả trong những giấc mơ của tôi.
“Naoki.”
“Không.”
“Tôi chưa nói gì mà.”
“Nói làm gì. Tôi biết thừa.”
Thật là, ít nhất cũng phải để tôi nói hết câu đã chứ. Tôi bèn đánh liều.
“Naoki, em thích chị lắm đấy. Đi chơi với em nhé!”
“Đi chơi?” cô ấy nói nhỏ. “Đi đâu?”
Ừ, đi đâu được nhỉ? Trong cái làng này lấy đâu ra chỗ nào để mà hẹn hò.
“Và-vào rừng được không?” tôi lắp bắp, vì biết như thế thì giống đi dã ngoại hơn là đi chơi.
Nhưng Naoki lại gật nhẹ đầu. “Cũng được, đi một lần cũng chẳng hại gì.”
Chú Iwao và Lão Già Saburo nãy giờ đang nín thở theo dõi. Nghe thấy vậy, cả hai liền vỗ tay và hoan hô.
“Để chị gói cơm trưa cho mà đi,” chị Miki bảo. Cơm trưa của chị thì lúc nào cũng thế: mấy miếng onigiri to phạc, không chút màu mè.
“Giờ mà hai đứa bây có đứa bế thì sẽ giúp cho làng này tránh được việc giảm dân số đấy.” Bà Shige, bà đang nghĩ quá là xa rồi.
“Sao chán thế,” anh Yoki phàn nàn. “Anh cho mày hẳn quyền medo cơ mà?”
“Em sẽ bảo lưu nó chứ.” Để chờ đến ngày chị Naoki phải lòng với tôi.
“Tùy cậu thôi, nhưng mà đừng có tưởng bở,” Naoki nói. “Chẳng có cơ hội nào để cậu dùng nó đâu, giữ hay không cũng thế thôi.”
Sự lạnh lùng của chị ấy đã từng khiến tôi thấy xốn xang. Giờ vẫn vậy. Thế thành ra là tôi có máu M à? Không, giờ tôi đã học được cách không bỏ cuộc. Trồng cây phải mất rất nhiều năm. Không thể nào làm được nghề lâm nếu không rèn được cái tính không nao núng trước mọi thời tiết, dù có là phong ba bão táp hay tuyết rơi ngập đầu.
Tôi nhìn bầu trời đêm với trái tim lâng lâng. Kết thúc lễ hội mùa thu với sắc đỏ rực lửa, núi Kamusari đã quay về với dáng vẻ im lìm ngày thường. Đỉnh núi phủ lên một lớp những vì sao lấp lánh, đứng quan sát ngôi làng và những người dân.
1 Bình luận