Mùi của hơi nước mỗi lúc một nồng khi mùa hè tìm đến.
Hoặc có lẽ đó là mùi lúa trên cánh đồng. Một mùi hương ngọt chua, ẩm ướt, hăng hăng, ngửi mãi không biết chán. Hồi còn sống ở thành phố tôi không hề biết về thứ mùi này. Đó là mùi của dòng nước trong vắt hội ngộ với đất xốp và cành lá non tơ.
Tôi ngồi bắt chéo chân trước hiên nhà, nhìn ra màn đêm. Cơn mưa phùn đã ngớt. Bên cạnh tôi, cái nhang muỗi chị Miki đốt đang bốc lên khói trắng. Gần như không có tí gió nào. Khi tai mắt tôi dần quen với bóng tối, hình thù của núi Kamusari hiện lên, đen tuyền. Tôi cảm nhận được sự tồn tại của những sinh vật bé nhỏ đang lúc nhúc dưới đám cỏ và trong vườn rau sau nhà. Châu chấu đang rũ cánh cho khô và lũ thỏ đang gặm nhấm lá non vẫn còn ướt những hạt nước mưa, tôi cho là vậy.
Cũng nhờ cây cối rậm rạp phủ quanh các dãy núi mà vượn, hươu, lợn rừng thường không thiếu thức ăn, trừ khi năm đó đặc biệt đói kém. Thế nên chúng cũng không dại mò đến làng để sục sạo, vì vậy chúng tôi hiếm khi nào thấy chúng.
Nhưng khi tôi làm việc trong rừng, muông thú cho biết sự hiện diện của chúng không chỉ một lần. Cành lá rơi lộp độp xuống nón bảo hộ của tôi. Ngước lên thắc mắc, tôi thấy tán cây đang lay động sau khi một sinh vật nào đó chợt vụt qua.
“Chú mày bị khỉ con trêu đùa đấy.” Anh Yoki cười. “Hồi trước chú mày cũng giở mấy trò khỉ còn gì? Cho đáng đời.”
Phân hươu nằm rải rác trên nền đất rừng, rồi tôi vẫn nghe mọi người kể chuyện nhìn thấy vượn mỗi khi lái xe ngang qua cung đường đèo. Song về cơ bản, con người và động vật sống tách biệt với nhau. Cũng nhờ núi rừng đủ trù phú. Thế thì làm sao lại có thỏ trong vườn rau sau nhà ấy hả? Mượn lời của bà Shige: “tất cả là tại thằng Yoki ngốc nghếch.”
Thỏ là một bọn rất dè dặt và mau mắn. Thi thoảng khi làm việc chúng tôi sẽ phát hiện ra dấu chân của chúng hoặc thoáng thấy một cái đuôi trắng xốp ẩn dưới cỏ, nhưng hiếm khi thấy được tận mặt. Có điều một vài năm về trước, nghe nói anh Yoki đã tung người xoạc chân và tóm được một con trong bụi rậm. (Một lần nữa tôi phải tự hỏi – tên này có phải người không thế? Ổng có phản xạ và bản năng săn mồi của một con mèo rừng.)
Anh Yoki xây một cái chuồng thỏ trong sân từ một cái thùng gỗ và lưới sắt. Ổng rất quý con thỏ và cho nó ăn bắp cải với lá củ cải, nhưng đối với một sinh vật đã quen sống tự do cả đời, đây quả là tai họa. Một buổi sáng nọ nó chớp thời cơ và chuồn đi mất.
“Nó nhớ mãi vị thức ăn ở đây,” bà Shige nói. “Từ đấy thỏ bắt đầu tràn vào làng này.”
Con thỏ của anh Yoki cứ thi thoảng lại đem cả đàn đến đánh chén vào buổi tối trong ruộng rau của cả chúng tôi lẫn nhà hàng xóm. Song dân làng này, lúc nào cũng ung dung, chẳng buồn làm gì cả. “Nếu lũ thỏ mà đẻ thêm là phải rào lại vườn bác ạ,” người này nói. Xong người kia sẽ đáp “Chắc phải thế,” nhưng đến đấy là hết.
Lão Già Saburo mới giũa cho anh Yoki một trận. “Bây không thể mang thú hoang về ở với người được! Thú có chỗ của thú, người có chỗ của người. Đừng quên khi đi lên núi chúng ta chỉ là khách, không thì đừng trách thần linh nổi giận.”
Sau chuyện đó, anh Yoki không còn hứng nuôi thú hoang làm cảnh. Bây giờ sở thích của ổng là gì? Tôi tự hỏi trong khi ngồi ngoài hiên. Ổng có vẻ khoái động vật với trẻ con, những sinh vật hay chạy nhảy lung tung loạn xạ, nhưng hiện tại bây giờ ổng chỉ có mỗi mình Noko. Trong làng không có trò tiêu khiển nào, nên chẳng lấy đâu ra cái gì để giết thời giờ ngoại trừ làm lụng trên núi mỗi ngày. Thật ngạc nhiên là một người có sinh lý tốt như anh Yoki lại có thể chịu đựng được. Mà khoan, có thể chính vì ổng không chịu được nên ổng mới đi tới cái quán rượu mua vui ở Nabari.
Cả tôi cũng thấy chán phèo. Tôi có quá nhiều thời gian rảnh vào mỗi tối. Trên ti vi có vài cái kênh bọ. Ngoài việc mài cưa thì từ bữa chiều cho tới lúc đi ngủ chẳng có gì để làm. Chán thí mồ! Tôi muốn hét lên cho tới khi nào nghe thấy tiếng vang thì thôi: CHÁN QUÁ-á-ớ-ớ!!
Mùa mưa trên rừng núi sầu ơi là sầu. Thời tiết trở nên nồm và ẩm đến khó tin. Sương mù lan xuống từ đủ hướng, tiết trời luôn có tí se se. Quần áo ướt phơi không khô. Chúng tôi phải đốt một ngọn lửa trong phòng sinh hoạt chung và treo đồ ở đó để hong, từ áo bảo hộ cho tới quần lót. Ngồi ăn dưới áo ngực của chị Miki ngượng kinh nên được. Còn “trang phục” của bà Shige thì… tôi thực sự không cần phải được thấy.
Ở làng Kamusari núi non vẫn thường che khuất ánh nắng phần nhiều thời gian trong ngày, nhưng vào mùa mưa bạn sẽ tưởng đâu còn không có mặt trời nữa. Nó cứ xám xịt và tối om om, khiến cho người ta chợt nghĩ hay là mình đang ở Siberia vào giữa mùa đông.
Tôi ngồi đó, nhìn bâng quơ ra hiên chờ cảnh vật thay đổi. Màn sương thù địch lửng lơ phía trên mặt sông Kamusari vào tối hôm đó nhưng không lẻn vào làng. Tầm nhìn thông thoáng. Những đám mây dày nặng hạt vẫn lấp đầy bầu trời, nhưng được trông thấy bóng đen của núi Kamusari lần đầu tiên sau một thời gian dài là một cảm giác tương đối thư thái.
Có gì đó ươn ướt khẽ chạm ngón chân trần của tôi. Noko vừa mới đặt chân trước lên hiên và dụi mũi nó vào chân tôi.
“Này, đừng có ngửi chân tao!”
Tôi thu cẳng lại và vỗ lên đầu nó. Noko nhảy lên bên cạnh. Nó trèo vào lòng và liếm má tôi. Đổi lại tôi vòng tay ôm quanh mình và gãi lưng cho nó, cu cậu vẫy đuôi lia lịa mạnh tới nỗi trông như sắp đứt rời.
Một chú chó dễ thương và thông minh. Chứ không như chủ của nó.
Tiếng động cơ xe tải vang đến từ phía cây cầu, rồi đèn pha soi sáng cái cây trong vườn. Noko nhảy xuống hiên và chạy ra cổng. Cái xe tải đỗ lại trên lối đi với hai tiếng còi tút tút. Anh Yoki bước xuống và đi sang phía ghế lái phụ, dưới chân là Noko đang lon ta lon ton. Ừ thì Noko quý anh Yoki nhất mà. Đột ngột vắng đi hơi ấm của cu cậu khiến cho tôi cảm thấy cô đơn và hụt hẫng.
Tôi thở dài. Lần cuối tôi được nói chuyện với con gái nhà người ta là khi nào? Tôi có nhớ là đã cắt tóc đi chùa đâu mà sao đời tôi lại giống như đang đi tu hành thế này. Không chỉ có mỗi cơn mưa triền miên làm cho tôi thấy sầu, tôi tự nhận thức được điều đó. Kể từ buổi tiệc ngắm hoa anh đào, trong đầu tôi không nghĩ về gì khác ngoài Naoki. Nhưng tôi sợ bị đem ra làm trò cười nên không nói với ai.
Tôi gạt đi nỗi khổ tâm và đứng dậy. Anh Yoki vừa mới cõng bà Shige từ ghế lái phụ lên lưng. Đến đây tôi mới nhớ: ổng bảo là sẽ đón bà về từ trung tâm dưỡng lão trên đường đi mua dụng cụ.
“Chào bà chào anh.”
“A, Yuuki. Thằng em đấy à. Đi ra đây một tí,” anh Yoki nói. Hai tay ổng đều không rảnh, nên bà Shige ngồi trên lưng ổng là người vẫy tôi lại.
“Để làm gì ạ?”
“Bên kia ruộng đang có đom đóm, lần đầu tiên trong năm nay.”
“Sao cơ?”
Anh Yoki quay lại phía cổng, cùng với bà Shige ngồi trên lưng. Tôi chạy vào trong nhà, băng qua phòng sinh hoạt chung, xỏ đôi dép cao su ở lối vào. Tôi gọi chị Miki, người vẫn đang dọn dẹp trong bếp.
“Chị Miki, có đom đóm kìa! Đi xem đi!”
“Đom đóm á?”
Sự sốt sắng của tôi khiến cho chị ngạc nhiên. Tôi chộp lấy tay chị, tiện tắt luôn vòi nước và kéo chị chạy ra trước cửa. Anh Yoki đang đứng chờ trên con đường trước nhà, cả Noko cũng đang chờ sẵn.
“A, cháu chào bà.” Chị Miki nói. “Hôm nay bà đi có vui không?”
“Ta tắm rửa thơm tho rồi.” Đó là thứ mà bà thấy khoái nhất trong những ngày được đi ra khỏi nhà. “Nhưng bây có biết ông già Murata ở quận Shimo không? Ổng không còn nhiều thời gian nữa đâu. Hôm nay cũng không thấy đến.”
“Mới mùa xuân cháu thấy ông ấy vẫn còn khỏe khoắn lắm.”
“Xế bóng rồi. Đời nó vẫn vậy. Nói cho bây nghe, cứ chuẩn bị sẵn để đi viếng đi là vừa.”
“Vâng.”
Lắng nghe cuộc trao đổi bình thản kế bên, khó mà biết được là họ vô tâm hay chẳng qua chỉ là thái độ điềm nhiên đón nhận điều khó tránh. Ở ngôi làng có nhiều người qua đời hơn chào đời này, có lẽ bạn sẽ không thể sống ổn thỏa nếu không có nghị lực và ý chí để kết hợp sự ung dung của Kamusari cùng với một ít Đời nó vẫn vậy.
“Ở đằng kia!” Anh Yoki nói và đi về phía ruộng lúa bên sông.
Con đường tối như hũ nút, chỉ được soi rọi bởi mấy bóng đèn cảnh báo màu cam và ánh sáng nhàn nhạt hắt lại từ mấy mái hiên dọc theo hai bên. Con đường thoải dần xuống, mùi nước ngày càng nồng, tiếng sông chỉ làm tăng thêm sự tĩnh mịch. Bóng tối dày đến mức tôi cảm thấy hơi hãi. Dường như những ngọn núi xung quanh đang đổ dồn xuống, và dòng sông vô hình đang rì rầm đó sẽ từ từ cuộn dâng, cuốn theo cả sương mù và mọi thứ, nhận chìm hết chúng tôi.
“Nhìn kìa!” Anh Yoki chỉ tay.
Tôi căng mắt lên và trông ra mấy chấm sáng lập lòe. Những đốm sáng tí hon màu vàng xanh đang vụt qua vụt lại phía trên ruộng lúa.
“Đẹp quá,” giọng chị Miki mê mẩn. “Nhìn mãi không biết chán.”
“Em thì chưa thấy chúng bao giờ,” tôi nói.
“Chưa bao giờ?” anh Yoki nghe hốt hoảng. “Không chỉ mới năm nay, ý chú mày là chưa bao giờ luôn?”
“Vâng.”
Đom đóm xuất hiện một cách tự nhiên như thế này không tồn tại ở nơi tôi sinh ra và lớn lên. Với tôi chúng là một điều bí ẩn. Tôi ghé sát mặt lại vào một con đang bay đến đậu ở một bông lúa gần đó. Khi ánh sáng nhàn nhạt phát ra, thân hình của chú côn trùng nhỏ màu đen thoáng xuất hiện. Nửa sau của nó đang tỏa sáng thật này. Ánh sáng sau đó tan vào bóng đêm rồi lại bừng lên một lần nữa. Đom đóm mang một màu sắc và cường độ mà tôi chưa từng thấy trước đây, khác biệt hẳn với ánh lửa, đèn điện, những vì sao hay mặt trăng mặt trời. Viền ngoài của nó hiện lên lờ mờ. Không rõ nhiệt độ sẽ như thế nào nếu tôi thử chạm vào. Trông nó vừa lạnh nhưng đồng thời cũng có thể gây bỏng. Khắp trên ruộng lúa, những ánh đom đóm như thế đang lửng lơ, chớp tắt rồi lại lơ lửng, thắp lên một vầng sáng giữa đêm đen.
Nỗi sợ của tôi đã biến mất.
“Mấy con này là đom đóm Heike,” anh Yoki bảo tôi. “Kể từ bây giờ sẽ còn trông thấy nhiều nữa. Đến mùa của yêu đương rồi đấy.”
Tôi liếc mắt nhìn sang. Ổng đang tủm tà tủm tỉm. Tên này bắt thóp tôi rồi. Ổng có thể ngửi thấy mùi ái tình từ cách hai cây số.
“Có điện thoại kêu!” Chị Miki nói. “Của nhà mình.” Chị chạy vội về. Tai thính đáo để.
Anh Yoki, bà Shige và tôi cũng kết thúc buổi ngắm đom đóm và quay trở lại.
“Này Yuuki. Không phải chú mày có gì muốn hỏi anh à?”
“Thật ra thì có. Em muốn biết sở thích của anh là gì.”
“Đừng có bày trò.”
“Không, em nói thật. Em thấy mưa suốt ngày thế này với cả sau giờ làm chẳng còn việc gì nữa. Vậy anh làm gì để giết thời gian?”
“Để anh nói cho mà nghe…” Ổng dè chừng khoảng cách với bóng chị Miki đang bước đi đằng trước, rồi hạ giọng. “Anh mày đi ‘tà tưa’ bên ngoài.”
“Đấy là sở thích của anh á hả?” Y như tôi nghĩ, nhưng vẫn cứ là kinh tởm. “Ý anh là chỗ quán rượu ‘trá hình’ ở Nabari?”
“Còn một quán khác ở Nagoya nữa, khi nào đi bán gỗ ở đó là anh lại tranh thủ.” Ổng tự mãn cười khẩy, sau đó bị bà Shige đang ngồi trên lưng cốc vào đầu một cái.
“Bị nghe thấy rồi kìa!”
Cách anh Yoki sử dụng thời gian rảnh của ổng chả có ích quái gì với tôi. Và tôi vẫn chưa thể nói lên điều đang thực sự chiếm lấy suy nghĩ của tôi: Naoki. Hỏi han cái anh này phí cả hơi.
“Nhưng mà này,” anh Yoki nói, “chú mày tiến bộ lắm đấy. Nghĩ mà xem – giờ chú mày đã có thời gian rảnh trong tay.”
Ổng nói đúng. Hồi mùa xuân sau khi làm việc xong tôi toàn lăn ra giường chứ chẳng tính đến chuyện làm gì khác. Bây giờ tôi đã có thêm chút sức khỏe và đã quen với cuộc sống ở làng.
Liệu một thằng thanh niên như tôi có thể và có nên quen với việc sống ở một nơi không có tạp chí để đọc cũng như không có quần áo để mua như thế này chăng? Tôi vẫn thường tự đặt câu hỏi, nhưng hóa ra điều đó lại chẳng thành vấn đề. Mấy thứ đó không có cũng không sao. Từ đầu chắc bạn cũng đã đoán được là tôi có rất ít tinh thần phản kháng rồi nhỉ, từ cái cách tôi tự để cho mình bị buộc phải đi tới đây. Có thể là vì nó quá là mất công, hoặc cũng có thể là vì tôi thích nghi tốt. Tôi nghĩ là nói kiểu gì cũng đúng.
Ối, lạc đề rồi. Dù sao thì tôi, anh Yoki và bà Shige trở về nhà trong làn khí đêm nồm ẩm.
Lúc chúng tôi bước vào thì chị Miki cũng vừa đặt ống nghe xuống.
“Ông lão Murata mới mất,” chị nói nhẹ.
*
Trừ khi trời mưa phải dữ lắm, còn không công việc trên rừng vẫn diễn ra bình thường. Trong suốt mùa mưa, đội chúng tôi vẫn đi lên núi làm việc. Từ cuối tháng sáu, chúng tôi chủ yếu trừ cỏ dại. Nhiệt độ tăng cao cộng với mưa nhiều khiến cho cỏ mọc tràn lan trên các sườn núi, đặc biệt là trên núi Tây, nơi chúng tôi vừa trồng cây non vào mùa xuân. Nếu không xử lý, cỏ sẽ mọc lấn át đến mức bóp nghẹt cây non và khiến chúng ngừng lớn. Thế nên cho tới khi cây đạt tới độ cao nhất định, chúng tôi sẽ trừ cỏ hai lần, một lần vào tháng sáu và một lần nữa vào tháng tám. Với các khu rừng có liễu sam to, chỉ làm vào tháng tám là đủ. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải khẩn trương. Dọn cỏ ít nhất một năm một lần nghĩa là phải xử lý được hết các ngọn núi, một công việc ngoài sức tưởng tượng. Lâm nghiệp thực sự tốn kém thời gian, đã vậy lại không đủ lợi nhuận nên ngành này càng ngày càng đi xuống. Nhưng nếu không chăm sóc, gỗ rừng sẽ bị giảm chất lượng. Nếu không yêu nghề thì không làm nổi.
“Trồng cây sẽ bảo vệ môi trường, dân thành thị họ vẫn nghĩ vậy,” chú Iwao nói. Sau khi mùa phấn hoa đã hết, chú trèo lên núi Tây một cách khoan khoái. Trời vẫn mưa lất phất, mặt đất thì nhão nhoét, song chú không bận tâm. “Họ bảo cây sản xuất ra ô-xy, nhưng cây cũng là sinh vật sống. Chúng cũng hít thở, nên đương nhiên là cũng sản sinh ra các-bon đi-ô-xít.”
“Chú nói cũng có lý.”
Tôi vẫn mường tượng rằng cây cối chỉ thu vào các-bon đi-ô-xít và thải ra ô-xy. Nhưng trong quá trình quang hợp, chúng cũng thực hiện cả quá trình hô hấp, thu vào ô-xy và thải ra các-bon đi-ô-xít.
“Không thể cứ hứng lên là trồng bạ ở đấy rồi quên phứt chúng đi được,” chú Iwao nói tiếp. “Phải tư duy theo chu kỳ. Không chăm sóc không bảo tồn, cứ để cho đến đâu thì đến – thế không phải là ‘tự nhiên’. Phải giúp cho chu kỳ tiếp nối, giữ cho núi rừng sinh trưởng, đấy mới là cách bảo vệ môi trường.” Chú bắt đầu gặt cỏ bằng một cái liềm cỡ lớn. “Thế nên Yuuki, đừng có mà nói mấy câu ấm ớ như là ‘ôi, đám cỏ tội nghiệp!’ đấy nhé.” Chú luyến giọng the thé để nhại tôi. Chú vẫn còn nhớ như in cái phản ứng của tôi hồi chúng tôi đi tỉa thưa cây rừng.
“Còn khuya chú nhé.” Cảm thấy tự ái, tôi bèn giơ cao cái liềm của mình. “Mà chú ơi, thế cái ông Murata gì gì ấy thì sao? Chúng ta không đi viếng đám ma à?”
“Đột ngột quá. Chú không nghĩ là lão lại xuống sức nhanh đến vậy.” Vai chú Iwao chùng xuống. “Hôm nay chú sẽ nghỉ sớm rồi đi viếng.”
“Mai tất cả chúng ta sẽ cùng đi dự đám ma,” anh Seiichi nói. “Yuuki, em có trang phục tang lễ chưa?”
Tôi không mang gì thêm ngoài quần áo bình thường. Mặc đồng phục thì không thích hợp cho lắm, bởi tôi đã học xong, và cũng không có thời gian để gọi điện về nhà đặt mua.
“Anh sẽ cho em mượn bộ vét của anh cùng với một tràng hạt,” anh Seiichi đề nghị.
Tôi chợt nhớ ra là phải cầm theo thứ mà người ta gọi là “tiền phúng điếu”. Nhưng mà là bao nhiêu? Tôi tự hỏi. Phải tự tìm cách xử lý những câu hỏi như vậy khiến tôi nhận ra rằng dưới con mắt của xã hội tôi giờ đã là một người trưởng thành.
Theo anh Seiichi và những người khác trong đội, cả làng có một quỹ chung dành cho việc cưới hỏi, ma chay và các dịp trọng đại khác, tất cả đều góp một phần, tùy theo quận mà họ sống. Tôi chưa từng gặp ông Murata quá cố, nhưng được biết ông sống ở quận Shimo dưới hạ du, nơi đang tất tả chuẩn bị cho việc tang lễ và truy điệu. Phụ nữ lo nấu nướng còn đàn ông thì cùng nhau dựng tạm một ban thờ, thu xếp quan tài và những việc khác. Bởi tôi sống ở quận Kamusari nên chỉ cần có mặt là đủ.
Một lớp sương mỏng trườn lên từ dưới thung lũng và trôi lảng bảng quanh chân chúng tôi.
Cả đội xếp thành một hàng và gặt cỏ từ chân dốc đi lên. Cây liềm có cái cán dài đến bắp tay tôi. Không cần phải cúi người nên cũng đỡ mất sức hơn nhưng khiến cho việc cầm nắm khá vất vả.
Anh Yoki vung liềm lia lịa. Trông cứ như tử thần. Ổng cứ thế phăm phăm cắt bỏ đám cỏ mọc dày, khéo léo không động vào những cây liễu sam non.
Chẳng mấy chốc tôi đã tụt lại đằng sau những người khác.
“Cứ từ từ.” Anh Seiichi ngoái lại nhìn tôi. “Đừng cắt phải chân mình là được.”
Anh vừa nói xong, lưỡi liềm của tôi đi quá đà và gặt lìa một cây liễu sam non quý giá. Chết cha. Tôi ngồi xổm xuống và cắm cái cây tí hon xuống đất. Không biết chỗ bị cắt sau đó có mọc ra được rễ không? Chắc là không rồi. Bịp được ai cơ chứ.
Cảm thấy có ai đó đang ở phía sau, tôi quay lại và ngước lên. Anh Yoki đang đứng dạng chân sẵn ở đó mặt mũi bặm trợn. Những lúc thế này, mắt ổng như mắt cú.
“Dốt ơi là dốt!” Tiếng la giận dữ của ổng vang khắp sườn núi. “Bị đần độn hay sao mà lại chặt bỏ miếng cơm của chính mình như thế hả?”
Tôi rụt cả người lại. “Em xin lỗi!” Song xin lỗi không khiến cho cây mọc lại được.
“Bình tĩnh đi,” Lão Già Saburo xuề xòa.
Chú Iwao đi từ trên dốc xuống. “Lần đầu mà. Tránh làm sao được.” Quay sang tôi, chú bảo, “Khi nào cắt cỏ gần cây non thì phải làm thế này: đầu tiên, cháu để lưỡi liềm hướng lên trên, bên cạnh rễ cây. Tì lên cán và đẩy vào trong đám cỏ.” Chú đặt tay chú lên tay tôi và làm mẫu. “Vào đến nơi, cháu hướng lưỡi liềm xuống ra phía ngoài rồi kéo về. Thấy chưa? Làm như vậy sẽ không cắt vào cây non, chỉ cắt mỗi cỏ thôi.”
“Vâng ạ.”
Sau khi đã học được cách, tôi lấy lại tinh thần và quay trở về với công việc. Chú Iwao đứng nán một lúc để quan sát và rồi vỗ lên vai tôi. “Làm đúng rồi đấy.” Sau đó chú quay về chỗ của mình. Anh Yoki thì vẫn tiếp tục lườm tôi như tử thần.
Rồi được rồi. Em không làm thế nữa là được chứ gì?
Với cơn mưa, sương mù và mồ hôi, quần áo làm việc của tôi bắt đầu trở nên ướt và nặng nề. Chỉ cần dừng tay nghỉ một giây là thân nhiệt sẽ thoát ra khỏi cơ thể và tôi sẽ thấy gai cả người. Đến giờ ăn trưa, chúng tôi nhóm một đống lửa. Cây cối xung quanh bọc dưới làn hơi nước mịn, trong lúc những ngọn núi phía xa được phủ lên một lớp mây trắng. Chúng tôi ngồi quan sát làn sương mỏng cứ trườn dần lên cao mãi.
“Cháu nghĩ là hôm nay tất cả mọi người đều nên về sớm.” Anh Seiichi dập lửa và thận trọng lấp đất vùi tàn tro đi.
Chúng tôi đã trừ hết cỏ cho đến lưng chừng núi, thậm chí là đã làm được kha khá ở nửa bên trên.
“Thần linh giáng thế kìa.” Giọng Lão Già Saburo cất lên căng thẳng.
Tôi ngừng vung liềm. Anh Yoki đang nhìn về phía núi Kamusari, nơi từ trên đỉnh, một cơn lũ mây trắng đang xà xuống bên dưới. À, không phải mây – là sương mù. Làn sương dày đang cuồn cuộn lao đi như một con sóng lớn, trong chớp mắt đã tiến gần đến ngôi làng.
Chúng tôi tất cả đều đến đứng cạnh anh Seiichi, không hé nửa lời. Anh Yoki gọi khẽ, “Noko!” Nó phi một mạch xuống núi. Có thể là do tôi tưởng tượng ra, nhưng đuôi nó vẫy hơi nhẹ hơn so với bình thường.
“Thần linh giáng thế là gì ạ?” Tôi hỏi nhỏ.
“Là khi sương mù lan xuống từ trên núi Kamusari,” anh Seiichi nói. “Khi đó mấy ngọn núi xung quanh cũng bắt đầu xuất hiện sương mù…”
Trước khi anh kịp nói hết câu, ở trên núi Tây nơi chúng tôi đứng, điều gì bỗng thay đổi. Cho đến khi ấy một lớp sương mỏng vẫn đang dâng lên từ phía thung lũng, nhưng trong chốc lát nó ngừng trôi và một làn sương trắng sữa từ phía đỉnh tràn xuống.
“A!” Tích tắc sau, tôi bị nhấn chìm trong màu trắng. Anh Seiichi và anh Yoki đứng ngay bên cạnh tôi, song tôi không còn có thể nhìn thấy hai người họ. Màn sương nuốt trọn mọi âm thanh. Không biết dưới chân tôi có còn là mặt đất không nữa. Tôi bắt đầu thấy hoảng.
“Yên lặng,” anh Seiichi thì thầm. “Không sao đâu. Đứng im đấy.”
Tôi bấu chặt lấy cán cây liềm, lưỡi nó ghì lên mặt đất. Không sao. Mình vẫn còn ở đây. Tôi điều chỉnh lại nhịp thở và bình tâm lại.
Đùng. Đùng. Một tiếng động trầm, đùng đục nghe như phát ra từ một cái trống lớn vọng đến từ núi Kamusari, kéo theo đó là tiếng chuông văng vẳng. Tôi tưởng tai mình nghe nhầm, nhưng không – một tiếng leng keeng ngân lên khẽ khàng từ phía đỉnh và lướt ngang qua tôi. Người tôi như hóa đá, không nhúc nhích nổi.
Âm thanh leng keeng đó biến mất dưới thung lũng, rồi sau một thời gian ngắn, màn sương mù - tưởng chừng như sẽ cứ lưu lại mãi mãi – chợt tan biến đi mất.
Chúng tôi đều thở ra cùng lúc. Như thể ai cũng bị hóa đá. Sau khi sương tan, tôi lại có thể thấy được mặt mọi người. Thế mà lúc sương dày tôi lại chẳng cảm nhận được sự hiện diện của họ, dù họ đứng gần hơn tôi tưởng.
“Vừa nãy là sao?” tôi ngơ ngác hỏi.
“Đã bảo rồi, là thần linh giáng thế.” Anh Yoki đã trở về với cách ăn nói thường ngày.
Chú Iwao nhún vai lên xuống để thả lỏng. “Không được nói năng gì trong họ giáng thế, ấy là khi thần linh sống trên tất cả các ngọn núi ở Kamusari đi vi hành trong sương.”
“Lâu lắm rồi mới lại thấy kỳ vĩ đến vậy,” giọng Lão Già Saburo nghe xúc động.
Không, ý cháu không phải vậy. Không phải thánh thần hay cái gì mơ hồ như thế, mà là cái âm thanh quái đản nghe như tiếng trống với tiếng chuông ấy. Có một cái gì đó rất thật vừa mới đi ngang qua ngay đây. Sự hiện diện lạnh lẽo, siêu hình và lặng lẽ mà tôi cảm thấy, liệu đó có phải là vị thần của ngọn núi này?
Không một ai nói năng gì về chuyện đó nữa.
“Đi xuống nhé mọi người?” anh Seiichi hỏi và tất cả đều đồng tình.
Họ bắt đầu bước xuống dốc mà chẳng mảy may bận tâm gì hết. Không biết liệu có ai nghe thấy âm thanh hay cảm nhận được sự hiện diện kỳ bí vừa rồi hay chăng. Sinh vật của núi rừng thuộc về núi rừng, lãnh địa của các vị thần. Con người đã là kẻ xâm phạm thì chớ có nên nhúng mũi vào những chuyện không phải của mình. Một lần nữa tôi lại được nhắc nhở về sự gan dạ của dân làng Kamusari, hay nói đúng hơn là sự ung dung của họ.
Đêm hôm đó, sương vẫn giăng hờ bên trên ngôi làng, còn trên ruộng lúa không thấy bóng con đom đóm nào bay qua.
*
Gần như cả làng đều có mặt tại đám ma ông Murata. Gia đình ông sống tại trung tâm quận Shimo. Lòng sông ở đây rộng hơn và có nhiều thửa ruộng hơn so với quận Kamusari. Con đường Ise cũ vắt ngang qua con sông. Người ta kể rằng vào thời Tokugawa, con đường này vẫn tấp nập tín đồ hành hương đến đền Ise. Bây giờ khó mà tưởng tượng nổi, song hai bên đường vẫn còn một vài khu nhà hai tầng trông như những quán trọ theo kiểu phong kiến.
Tư gia nhà Murata lùi vào sâu hơn đường một chút. Đó là một trang gia thông thường, với khoảng sân rộng phía trước, một gian nhà chính và một nhà kho. Người đến viếng đứng cả ra ngoài sân, trong khi phía trong, một sư thầy mặc áo cà sa đang niệm phật. Bộ đồ anh Seiichi cho tôi mượn vừa như in. Tôi thắp một vài nén hương rồi đứng trong góc sân cùng với anh Yoki. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông Murata, nhưng chứng kiến tang gia khóc thương, tôi cũng không khỏi cảm thấy xót xa.
Để phân tán tư tưởng, tôi bèn quan sát xung quanh. Tóc anh Yoki vẫn vàng chóe kể cả khi có đám ma. Ổng là người nổi nhất. Anh Seiichi và Lão Già Saburo đang ngồi nghiêm trang trong phòng trải chiếu. Di ảnh của ông Murata được bày trên ban thờ. Trông ông thẳng thắn và ương ngạnh đến phút cuối. Quanh ban thờ bày đủ lễ vật của dân trong làng, bao gồm cả một chiếc giỏ to chất đầy đồ hộp, hoa quả đủ loại, tất cả đều được bọc trong giấy bóng. Theo ý tôi thì đồ hộp không hẳn là thích hợp để làm đồ cúng trong thời buổi này, nhưng có lẽ đó là tập tục ở đây.
Có một thứ khiến cho tôi thắc mắc: một cành cây đang chìa ra từ trên ban thờ, phủ đầy lá trơn.
“Đấy là cành cây đại hồi,” anh Yoki nói. “Thường dùng ở đám ma. Hoặc khi đi viếng mộ. Ở chỗ chú mày họ không dùng à?”
Tôi không rõ. Tôi chưa từng thấy nó trước đây. Khi đi viếng mộ tổ tiên dịp lễ Bon tháng bảy, nhà chúng tôi không cầm theo cái cành cây đầy lá nào. Nhưng chúng tôi có mang hoa.
“Đại hồi có mùi thơm lâu. Quanh đây chúng được trồng trong nghĩa trang, mỗi khi có đám ma hoặc đám giỗ, người ta lại cắt lấy một cành.”
Tôi nghe từ tai này qua tai kia. Tôi vừa mới trông ra Naoki trong số những người đến viếng đang đứng bên ngoài. Cô ấy đang nói chuyện với chị Yuuko, mắt hơi hạ xuống.
“Ồ, Naoki cũng đến kìa. Phải rồi, hôm nay là thứ bảy.” Anh Yoki cười nhăn nhở, chờ xem phản ứng của tôi.
Ý ổng là gì? Hôm nay là thứ bảy nên cô ấy mới đến được đây? Hầu như ai ở Kamusari cũng làm nông hoặc lâm nghiệp. Họ thích nghỉ hôm nào thì nghỉ. Nếu Naoki không thể, vậy thì cô ấy hẳn phải làm ở ủy ban hoặc văn phòng nào đó. Tôi nhớ vào buổi tiệc ngắm hoa cô ấy có bảo gì về việc đi công tác.
Tôi quyết định hỏi: “Naoki nhà ở đâu thế ạ? Em chỉ biết đấy là người thân của anh Seiichi và chị Yuuko.”
“Ồ hố.” Ổng lại càng nhăn nhở hơn nữa. “Chú mày vẫn thắc mắc chuyện đó à?”
“Không hẳn.”
“Thôi nào, không phải giấu.” Ổng huých huých tôi bằng cùi trỏ. Mệt cái tên này thật đấy. “Naoki sống ở quận Naka. Trên đường đi đến đây có cái đền, nhớ chưa? Nhà ở gần đấy.”
Tôi có nhớ. Ngôi đền to và đẹp, là nhà của vị thần bảo hộ cho gia tộc đã đến định cư ở đây từ thời ngày xửa ngày xưa, tôi nghe kể vậy. Nằm kế đó là bưu điện và ủy ban, nên lần tới đến đó làm gì tôi có thể ngó thử xem nhà cô ấy ở đâu. Thế có biến tôi thành một thằng rình trộm không nhỉ?
“Đương nhiên là nó phải thân với Yuuko rồi,” anh Yoki nói tiếp. “Yuuko là chị gái ruột của nó.”
“HẢ?”
Bài khấn vừa mới được đọc xong, nên giọng tôi vang rõ khắp cả khu vườn. Mọi cặp mắt đều đổ dồn qua đây.
Chú Iwao đứng cạnh nhà kho nhắc nhở: “Suỵt!”
Phớt lờ sự chú ý hướng về phía chúng tôi, anh Yoki tỉnh bơ cho biết thêm, “Còn một điều nữa. Nó đang dạy ở trường tiểu học Kamusari.”
Ủa, vậy là hơn tuổi. Mà lại còn là giáo viên! Cái nghề tôi kỵ nhất. Nhưng được dìu dắt bởi một cô giáo trẻ đẹp như thế sẽ khác. Tự nhiên tôi có ý định vào học trường Kamusari. Có khi lúc ấy tôi lại chăm đèn sách.
Giờ khi đã biết Naoki là ai, những gì còn lại phải làm là ra đó nói chuyện. Tôi dợm bước, song bị anh Yoki túm gáy lại.
“Chú mày định đi đâu đấy? Đến lúc đưa ma rồi.”
“Em đi chào một cái thôi.”
“Chào ai cơ? Mà thôi. Đây, đội cái này vào.”
Tôi nhìn thứ ổng đưa. Đùa đấy à, tôi nghĩ. Đó là một cái băng đội đầu mỏng màu trắng có gắn miếng vải nhỏ hình tam giác.
“Cái này mấy con ma hay đeo!”
“Ừ.”
“Thế sao em lại phải đội?”
“Không chỉ có chú mày đâu. Đàn ông phải đội hết.”
Anh Yoki đeo lên cái của ổng, cho miếng vải tam giác ra trước trán và buộc lại phía sau. Tôi nhìn quanh. Nam giới, cả trong lẫn ngoài nhà, đều đeo trên đầu miếng vải dành cho ma.
“Sao kỳ vậy!” tôi phản đối. “Nếu ông Murata nằm trong quan tài đội thì em còn hiểu, đằng này sao mình phải đội?”
“Ai mà biết? Phong tục nó thế. Ngày xưa người ta còn đội cho đến khi chôn xong, nhưng bây giờ ai cũng hỏa thiêu nên mọi người chỉ đội cho đến khi quan tài được đưa ra khỏi nhà thôi. Nhanh mà đội vào đi.”
Những người đàn ông mặc vét đen đứng trang nghiêm đứng đối diện nhau với mảnh tam giác trắng trước trán. Cái cảnh tượng mới dị hợm làm sao. Chiếc quan tài lặng lẽ đi giữa hai hàng người và được cho vào một chiếc xe đen bóng loáng đỗ trước nhà. Còi xe hụ lên lời tiễn biệt cuối cùng.
Người đến viếng nếu không đi cùng tới nhà thiêu thì sẽ ai về nơi nấy. Trong lúc bước đi cùng với đoàn người, tôi bắt gặp ánh mắt chị Naoki. Bỗng dưng mắc cỡ, tôi vội giật cái khăn trắng trên đầu xuống. Kamusari quả là lắm phong tục quái gở. Cái này có hơi quá đà đối với tôi.
“Em về chưa?” anh Seiichi hỏi chị Yuuko. “Naoki, có muốn ghé nhà anh chị không?”
“Hay là thế. Em chưa chuẩn bị gì cho bữa chiều cả.”
“Vậy ở lại mà ăn với bọn chị,” chị Yuuko rủ rê.
Tim tôi đập nhanh hơn. Santa đang ở nhà anh Yoki với bà Shige. Anh Seiichi và chị Yuuko kiểu gì chẳng phải qua đón con về, biết đâu chị Naoki cũng sẽ đến chơi.
“Đừng có toe toe toét toét nữa ông tướng,” anh Yoki bảo.
“Anh vẫn còn đeo cái của đó kìa,” tôi chỉ ra.
“Thì làm sao.” Cuối cùng ổng cũng chịu bỏ cái thứ dị hợm đó xuống.
Đúng như mong đợi, chị Naoki đi cùng với cả bọn chúng tôi. Điều mà tôi không nghĩ đến là chị ấy lái xe gắn máy trong lúc vẫn mặc bộ kimono đen đi viếng. Mèn đét ơi. Ngồi sau thùng xe của anh Yoki, tôi chỉ biết mắt tròn mắt dẹt nhìn chị ấy vén ống váy dài lên và theo sát sau lưng chúng tôi. Nếu nhìn lâu quá có khi chị ấy lại nghĩ không hay, nên tôi bèn rời mắt khỏi cặp chân thon để nhìn lên bầu trời. Mây đã bắt đầu tách đám, để lộ ra những mảng màu xanh.
Anh Seiichi và chị Yuuko cảm ơn bà Shige đã trông con hộ rồi về luôn cùng với Santa, thằng bé vẫn đang vùng vằng ngái ngủ. Santa ơi là Santa, làm mất cơ hội của chú rồi. Tôi đứng thẫn thờ nhìn chị Naoki dắt xe và theo họ đi mất.
“Không dễ mà tán được nó đâu.” Anh Yoki đứng khoanh tay.
“Đừng trêu em nó.” Chị Miki vỗ lên vai tôi. “Yuuki, gu của em là những cô nàng cá tính như Naoki hả?”
Bà Shige cười khúc khích.
Cái làng khỉ gió này. Không giữ bí mật gì cả.
Tuy vậy vẫn chưa đến lúc đầu hàng. Đầu tiên là tôi phải tìm được cách nói chuyện với chị Naoki.
Sau bữa chiều, tôi đi dạo một vòng để tìm ra chiến thuật. Mắt tôi đảo về phía nhà anh Seiichi. Chắc chị ấy giờ đã về nhà rồi. Tôi không có đủ dũng khí để qua xem. Thế có chán không, tên tôi nghĩa là dũng khí kia mà.
Làm sao để tôi tiến gần hơn đến chị ấy mà không trông như một thằng bệnh hoạn được nhỉ? Tôi bước đi về phía ruộng lúa. Nước chảy róc rách dưới mương. Trên cao muôn vàn sao trời đang nhấp nháy. Hai tuần nữa là mùa mưa sẽ kết thúc. Khi đó trường tiểu học sẽ bắt đầu kỳ nghỉ hè. Sau đấy nữa là lễ hội mùa hè của cả làng, tôi nhớ vậy. Có khi nào rủ được chị Naoki đi cùng không. Chị ấy chưa chắc đã hứng thú cặp kè với người kém tuổi mình, nhưng tôi sẽ cố gắng lấy lòng chị ấy, từng chút từng chút một vậy.
Phía trên ruộng có nhiều đom đóm bay hơn hôm trước. Nếu lúc ấy có bảo rằng sao trên trời đã rơi xuống đây và biến thành lũ côn trùng lấp lánh này thì chắc tôi cũng tin. Đứng ngắm thứ ánh sáng lập lòe này, lòng tôi như có lửa đốt.
Con người ta có ngày sinh thì cũng phải có ngày giỗ. Cuộc đời ngắn ngủi, nào có thời gian để phí hoài. Tôi quyết định ghé qua nhà anh Seiichi. Dự định ngay lúc này của tôi là phải có được một cuộc nói chuyện đàng hoàng. Lên kế hoạch xong xuôi, tôi quay đầu và đi ngược lại. Từ đằng xa có tiếng một chiếc xe gắn máy cùng với ánh đèn pha đang đến gần. Tôi bèn nhảy ra giữa đường và vẫy tay.
Chiếc xe đỗ lại, chị Naoki ngó tôi dưới chiếc mũ bảo hiểm.
“Xin chào,” tôi nói. “Ừm, em là Hirano Yuuki.”
“Lúc ở buổi tiệc ngắm hoa cậu bảo rồi còn gì.”
Chị ấy trông như lại sắp sửa phóng đi mất. Biết mình phải nói gì đó, tôi cuống lên. Không thể nào mà từ từ được nữa. Đến lúc nhận ra sự dở hơi của câu mà mình định nói thì tôi đã phun ra mất rồi: “Đi chơi với em đi!”
“Xin lỗi, tôi có người khác rồi. Chào cậu!”
Ựa, chết không kịp ngáp.
Chiếc đèn chiếu hậu băng qua cầu và thu bé dần xuống con đường đèo tối.
Tôi thất thểu lê bước quay lại nhà anh Yoki.
“Uống trà không cháu?” bà Shige hỏi.
Tôi lầm bầm đáp một câu rồi quay về phòng và chui vào trong chăn. Ai là “người khác” ở đây vậy? Chị ấy đang hẹn hò với ai thật hay chỉ đang kiếm cớ để từ chối tôi thôi? Vội vàng quá. Tôi cần nhiều thời gian hơn nữa để chị ấy hiểu hơn về tôi. Bản thân tôi cũng chưa biết gì nhiều về chị ấy cơ mà. Tôi sẽ không bỏ cuộc. Phải lấy lại sự tự tin của một thằng “soái ca Yokohama” chứ - dù chưa có ai từng gọi tôi như vậy.
Bằng cách này hay cách khác tôi cũng tìm được cách tươi tỉnh trở lại để đối diện với bình minh. Tôi không có chút hứng thú nào để vác xác đi làm vào ngày hôm đó, nhưng thân phận học việc không thể cứ muốn lười lúc nào là được. Anh Yoki đang tranh cãi với chị Miki về việc nhuộm tóc ổng thành màu đen. Cứ như đứa con nít.
Tôi thay sang bộ đồ lao động rồi bước ra bên ngoài nhìn về phía ruộng lúa trong lúc đợi anh Yoki. Lũ đom đóm tối qua bây giờ đang ngủ ở đâu nhỉ? “Ồ!” Tôi khẽ reo lên thích thú và ngồi thụp xuống. Những bông lúa dài và mảnh vừa mới trổ, mọc thành từng cụm năm bông. Mới đầu trông chúng như đám cỏ, song bây giờ đã trở nên cao lớn.
Trong làn sương trắng, thần linh từ trên núi đã hạ phàm xuống dưới đây để nhẹ nhàng chạm vào lúa non, mang hơi ẩm làm mềm hoa lá, giúp cho đất trời tiếp tục tuần hoàn.
“Cửa hàng bách hóa”: đó là cái tên mà mọi người đều dùng để gọi cửa hàng Nakamuraya do bố mẹ chị Miki quản lý. Những chiếc kệ nằm trong gian phòng hẹp trên nền đất nung bán đủ thứ từ lương thực, nhu yếu phầm cho đến phân bón. Món đồ chơi ưa thích nhất của Santa là cái súng nước màu xanh mà cu cậu mua ở đó sau khi được bà Shige đưa cho một ít tiền tiêu vặt và bảo cu cậu có thể lựa bất cứ thứ gì mình muốn.
Trong làng không có nhiều người trẻ tuổi. Bọn học sinh cấp ba sống cùng với gia đình ở dưới thị trấn để chúng có thể theo học tại đó. Đứa trẻ duy nhất chưa đi học cấp ba tại quận Kamusari là Santa, tin nổi không. Cũng dễ hiểu khi tôi được chỉ định để chơi cùng với cu cậu. Suốt mùa hè tôi là cái bia tập bắn cho cái khẩu súng đó. Nước khô rất nhanh nên không có vấn đề gì, nhưng tâm trí tôi thì đang mải ở chỗ khác. Tôi thường ngước nhìn những đám mây trắng xốp xa xa trên những đỉnh núi và thở dài tương tư. Ngay tức thì tôi sẽ lĩnh trọn một tia nước vào giữa hai con mắt. Santa cười phá lên và lỉnh mất.
Ban ngày càng lúc càng nóng, như chỉ chờ mùa mưa kết thúc. Tiếng ve từ trên những ngọn núi xung quanh trút xuống ngôi làng. Trời trong đến nỗi nắng xiên thẳng xuống da tôi bỏng rát. Trên cơn gió ấm, mùi cỏ ẩm hăng hăng dâng khắp nhà. Lúa vươn cao, bắp ngô căng phồng trên bẹ lá, ngoài đồng dưa hấu mọc đầy. Hè đã vào độ chín.
Nhưng trong lâm nghiệp không có chuyện nghỉ hè. Kể cả dưới cái nóng hầm hập, cả đội vẫn tiếp tục làm việc. Người chúng tôi ướt đầm mồ hôi. Bộ quần áo chẳng giúp gì nhiều. Cái mũ bảo hiểm thì bí bách, chỉ muốn cởi quách nó ra. Trà trong bi đông không đủ để làm dịu đi cơn khát, nên lúc nào chúng tôi cũng chọn ăn trưa ở cạnh một dòng suối. Nước lấy từ suối lên được chúng tôi uống trực tiếp và đổ đầy bi đông để dành cho buổi chiều.
Dù đã cắt đến mỏi cả tay, bụi rậm vẫn mọc dày kín cả rừng. Công việc tỉa thưa và vận chuyển cái đống cỏ cây xuống dưới núi bây giờ đòi hỏi sức lực nhiều hơn gấp mấy lần so với trước.
Khi cắt cỏ dại vào mùa hè, bạn phải coi chừng lũ rận. Loại sống trong rừng lại càng không như loại sống dưới thảm. Chúng to hơn nhiều, có khi phải dài đến nửa phân nên nhìn bằng mắt thấy ngay. Có một lần khi tôi đang sắn tay áo lên làm việc, tôi trông thấy một con bò lên cánh tay. Nó có cái bụng tròn tròn và chắc chắn là đã nhìn thẳng vào mắt tôi. Tướng nó bự, dị hợm và trông khiếp đến nỗi tôi ré lên. “Be bé thôi cái thằng ngốc này!” Anh Yoki đạp bẹp nó giúp tôi. Kể từ đó, cho dù trời có nóng cỡ nào tôi cũng không sắn tay áo lên nữa.
Nhưng rận núi không dễ mà tha cho bạn. Chúng bò vào bất kỳ khe hở nào trên quần áo để mà cắn. Mà đã cắn thì sẽ ngứa phát điên. Tôi bị cắn bên phía trong đùi. Chúng biết rõ chỗ nào da thịt mềm nhất.
Nó xảy ra vào lúc tôi đang làm việc. Mới đầu tôi cảm thấy hơi buồn buồn. Tôi không đoái hoài gì đến nó, nhưng chẳng mấy chốc nó bắt đầu ngứa không chịu nổi. Những người khác đang làm việc cách đó khá xa và không ai đang nhìn, nên tôi bèn hạ cây liềm, tụt quần xuống và kiểm tra dưới bẹn. Y như rằng, có một con rận đang quắp vào bắp đùi. Hết cả hồn, tôi lấy ngón tay đập bẹp nó rồi quay trở lại làm việc, nhưng cơn ngứa càng ngày càng tăng lên dần. Ngứa khủng khiếp, muỗi đốt chả là cái đinh gì. Cái cảm giác thiếu điều đau đớn ấy khiến cho mọi dây thần kinh trong người tôi phải rú lên.
Sau khi đặt chân về đến nhà, tôi ngó xuống một lần nữa. Chỗ da tôi gãi đang đỏ tấy. Tôi ngồi bệt dưới chiếu, dạng chân ra và chúi người về đằng trước để nhìn cho kỹ. Tôi trông thấy hai cái gì nhọn nhọn bé tí như sừng con bọ hung. Gì thế vậy? Rồi tôi nhận ra đó hẳn phải là răng của con rận (rận có răng không nhỉ?). Kể cả đi đã bị đập bẹp dí, nó vẫn không chịu nhả hàm ra. Phát hoảng khi nghĩ rằng ý chí và cái răng của con rận sẽ găm lại mãi trên da thịt, tôi tru tréo.
Cánh cửa trượt mở ra cái sầm, anh Yoki cốc đầu tôi một cái. “Bé cái mồm thôi có được không? Lại cái gì nữa đây?”
Anh nhìn đi! Tôi ra dấu. Anh Yoki chống tay quỳ xuống và ghé mặt lại gần.
“Quỷ thần thiên địa ơi! Nó mà cắn lệch sang một tí nữa thì chú mày mới biết mùi đời.”
Cái cơn ngứa khủng ngứa khiếp này mà ở trên ‘của quý’ của tôi ấy hả? Nghĩ thôi đã thấy đau muốn xỉu.
Anh Yoki đi lấy nhíp và nhổ cái răng rận ra với sự khéo léo không thể ngờ đến, sau đó bôi một ít thuốc ngứa lên trên. Vì tôi vừa gãi lấy gãi để nên nó buốt gần chết. Cơn ngứa nhức nhối cả tháng trời.
Vấn đề là không làm cách nào để bảo vệ da dẻ khỏi mấy con rận. Vào mùa hè, cái nóng và độ ẩm khiến cho rừng núi ẩn chứa đầy nguy hiểm. Nhưng sáng sớm và chiều tối thì mát, dưới bóng râm cũng mát. Tôi hay chọn lấy một gốc cây trên sườn núi để ngồi ngắm bầu trời xanh và làng bản lọt thỏm giữa muôn trùng màu xanh cho đến khi bị tiếng kêu của lũ ve đêm thúc giục, tôi mới trở về nhà dưới sắc mây bảng lảng màu cam, từ tận đáy lòng cảm thấy Kamusari thật đẹp và thật mừng là tôi đã tới đây. Nhưng ngay cả ở dưới tán cây hay dưới sông bạn cũng phải coi chừng. Những nơi ẩm ướt âm u hay có đỉa – thứ còn ghê hơn cả rận. Chúng tìm đến hơi người và lặng lẽ bò về phía bạn. Một khe bé tẹo tèo teo trên quần áo là đủ. Không thể biết được từ khi nào đã có một con dính vào người, mút lấy mút để.
Đỉa núi nhỏ xíu, dài có mấy ly. Chúng có màu nâu nhạt, bò ngang mặt đất như mấy con sâu đo hoặc giun bùn. Vừa bé tí cộng thêm màu sắc không phân biệt được khiến cho bạn không thể biết được sự hiện diện của chúng cho đến khi chúng đã chui vào bên trong quần áo và bám rịt vào da bạn. Không hề đau. À thì, đôi khi sẽ thấy râm ran một chút – giống như khi vải cứng cạ vào da và khiến cho bạn hơi ngứa ngáy. Đấy là dấu hiệu duy nhất cho biết có gì đó là lạ.
Một hôm bắp chân tôi bỗng cảm thấy nhồn nhột, thế là khi đến giờ ăn trưa tôi mới sắn ống quần lên để xem bị làm sao. Thế rồi – ui, giờ nhớ lại vẫn khiếp. Lù lù dưới đầu gối là hai con đỉa, cộng thêm ba con nữa bên chân trái. Chúng hút máu tôi cả buổi sáng nên bây giờ phồng lên gấp mười kích cỡ ban đầu, dài đến năm phân và to đến phân rưỡi. Máu khiến chúng đen xì cả lại. Chúng bám vào thịt tôi như mọc ra từ đó, ngọ ngòa ngọ nguậy. Cảnh tượng hãi hùng đó khiến tôi phải thét lên.
Tôi cuống quít túm lấy một con và kéo mạnh. Giờ vẫn thấy kinh ngạc là tôi lại dám động vào cái thứ nhầy nhụa đó, song nhất quyết tôi phải tống cho bằng được nó đi. Nó dính chắc ở đó và không chịu nhúc nhích.
“Không phải thế,” chú Iwao nói. “Kéo kiểu đấy là người đi đầu ở lại mà xem.”
Đỉa một khi đã no sẽ rơi xuống đất và đẻ trứng. Thế nên khi thấy một con đang hút máu thì phải giết nó ngay. Nhưng hầu như không thể dẫm bẹp hay nghiền chết chúng. Người chúng dẻo và dai nhách. Cách duy nhất để trị chúng là dùng lửa.
Anh Yoki giơ bật lửa ra và thiêu sống mấy con đỉa. Không thể kháng cự, chúng nhả tôi ra và co quắp lại. Máu vẫn rỉ kể cả khi không còn mấy con đỉa bám ở đấy. Thì ra chúng còn bơm vào mạch máu của tôi một loại chất chống đông.
“Không phải lo,” Lão Già Saburo trấn an. “Ta chưa nghe thấy chuyện có người bị đỉa hút máu đến chết bao giờ.”
Có điều tôi chảy máu nhiều đến mức ống đồng từ đầu gối trở xuống đỏ lựng cả lên. Mấy vòng tròn đỏ tí hon nơi chúng bám vào vẫn lưu lại trên da và gây ngứa một thời gian.
Không phải riêng người mới chập chững vào nghề như tôi mới bị rận và đỉa tấn công. Ngay cả mấy tay lão làng cũng bị rận cắn và đỉa hút máu. Lũ sinh vật đó quả là ác mộng, cho dù có dùng cách gì để bảo vệ thì chúng vẫn cứ mò đến. Anh Seiichi và những người còn lại khác biệt ở chỗ họ không cảm thấy rụng rời mỗi lần như thế. “Tôi bị rận cắn chỗ này. Hơi ngứa,” họ sẽ nói thế, hoặc “Đỉa trèo lên này. Đưa tôi cái bật lửa” đơn giản như “cho tôi thêm bát cơm” ấy.
Tôi thì không thế. Tôi sẽ không thể nào quen được với sự kinh hãi của chúng.
Ông bà già tôi gọi lên để xem tôi có dự định gì khi tới lễ Obon vào giữa hè. Kể cả nếu có ngày nghỉ, tôi cũng không muốn về thăm nhà. Tôi không muốn rời khỏi làng dù chỉ một phút, tin được không. Tôi không muốn bỏ lỡ những hỉ nộ ái ố trong cuộc sống với sinh lực ngày một tràn trề đang diễn ra xung quanh – cho dù có phải đối diện nhiều hơn với rận và đỉa.
Khung cảnh ngày hè có sức mạnh to lớn như thế.
Vào mùa hè, ngôi làng bừng bừng nhựa sống, có rất nhiều việc để làm bên cạnh lâm nghiệp. Đầu tiên là phải chăm vườn. Khi thức dậy vào buổi sáng, anh Yoki, chị Miki và tôi đi ra ngoài hái rau. Từng ngày lại càng có thêm nhiều cà tím, dưa chuột và cà chua, số lượng không đếm xuể. Không thể để chúng lại trên giàn, nên quả nào chín là chúng tôi hái xuống ngay. Ngô chúng tôi hái bằng cách bẻ bắp ra từ bẹ.
Không chỉ dưa chuột mà cả cà tím cũng có gai nhọn trên cuống và trên ngọn. Tôi mới học cách hái nên suốt ngày kêu oai oái. Không giống như đồ siêu thị, ở Kamusari đến cả rau củ cũng mang vẻ hoang dại.
Những thứ chúng tôi hái để ăn sẽ được ngâm vào trong một cái chum đổ đầy nước giếng. Hàng xóm họ cũng đều có vườn rau cả, nên không phải chia sẻ gì. Mỗi nhà đều ngập tràn rau xanh. Ăn không hết, chị Miki sẽ lấy để muối, hoặc anh Yoki và tôi sẽ chất hết lên xe tải và bán nó dưới siêu thị của hợp tác xã. Rau của chúng tôi hơi dị dạng và méo mó, nhưng người dân trong thị xã rất thích bởi chúng tươi ngon và mọng nước, đạt được đúng sự cân bằng giữa vị ngọt, vị đắng và vị chua.
Ngô là sở trường của bà Shige. Sau khi xé lá (hay là vỏ nhỉ? không biết nữa) và bỏ râu, bà sẽ bỏ vào một cái nồi to để luộc, hoặc phết nước tương và nướng trên một cái bếp than hibachi cỡ nhỏ.
Suốt mùa hè tôi chén dưa chuột nhiều như bọ hung một sừng. Cộng thêm ba bắp ngô một ngày. Một nửa thời gian Santa cũng ở đó gặm ngô với chúng tôi. Số ngô còn thừa được chúng tôi phơi khô trên kèo mái trước lối vào. Bằng cách đó chúng tôi có ngô để ăn suốt cả mùa thu và mùa đông, sau khi đã hấp chúng cùng với gạo hoặc ngâm vào nước cho mềm.
Vườn tược tươm tất, chúng tôi lên núi làm việc. Hết việc trên núi, chúng tôi lại quay về tưới rau. Nhiều nhà hàng xóm đã trở nên quá già để coi sóc vườn của chính họ, nên chúng tôi giúp hái dưa chuột, cà tím và cà chua cho họ luôn, hái, hái và hái. Sau đó cuối cùng cũng đến bữa chiều. Mệt bở hơi tai. Trừ lúc tôi ở trên núi, khẩu súng nước của Santa lúc nào cũng chĩa về phía tôi nên luôn luôn phải cảnh giác.
Ăn bữa chiều xong chúng tôi sẽ ngồi cùng nhau dưới hiên nhà và ăn dưa hấu ủ lạnh tráng miệng. Anh Yoki, chị Miki, bà Shige và tôi chuyền tay nhau lọ muối bé. Chúng tôi nhìn trăng nhìn sao và nhổ hạt dưa xuống dưới đất. Tôi đồ rằng hạt dưa sau này sẽ bay lên trời và trở thành những ngôi sao. Cũng chẳng lạ lắm đâu. Bốn chúng tôi cho ra nhiều hạt dưa đến thế kia mà.
Đôi khi tôi ăn nhiều dưa hấu và ngô đến mức bị đau bụng. Dám cá là đến mùa hè ai cũng bị đau bụng cả. Nhưng rau củ và dưa hấu tươi ngon đến mức chẳng ai thấy làm sao.
Vấn đề là, công việc thì nhiều như vậy, thời gian còn lại thì để ăn rau quả và chơi với Santa rồi, thời gian đâu mà ngồi nghĩ ngợi. Ý tôi là nghĩ về cách để tôi tiến gần hơn đến chị Naoki. Tôi vẫn chưa biết thêm được gì hơn về tay địch thủ của tôi.
Lễ hội mùa hè sát đến đít rồi. Phải làm gì đây hả tôi ơi? Vừa nghĩ dứt câu thì Santa đã lẻn đến và bắn thẳng vào mông tôi bằng khẩu súng nước. Cái làng này chẳng cho người ta được ngồi yên để mà tơ tưởng đến chuyện tình cảm.
*
Một hôm đội chúng tôi có mặt ở trước nhà anh Seiichi, đánh bóng gỗ để sử dụng làm tokobashira – cột trụ trang trí chủ đạo nằm ở một bên của tokonoma, gian bày biện thường được thấy trong các ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản. Cột tokobashira là đặc điểm nổi bật nhất của một căn phòng, và thường trên bề mặt sẽ có một cái bướu trông lạ mắt hoặc vân gỗ uốn lượn.
“Làm sao mà gỗ thành ra được thế này?” tôi hỏi anh Yoki.
Ổng chỉ nói, “Bí quyết gia truyền.”
Sau này tôi biết được rằng nếu buộc đũa không dùng đến quanh thân, cây sẽ cho ra những đường vân rất đẹp trong lúc lớn. Có mẹo cả đấy, một số người sở hữu năng khiếu thiên bẩm trong việc này. Bướu cây hình thành tự nhiên khi thân gặp hư tổn, hay có một vật ngoại lai nào đó (chủ yếu là côn trùng) chui vào bên trong. Quan trọng nhất là phải đánh giá xem hình dạng của cái bướu có tăng thêm độ thẩm mỹ để làm tokobashira không, chứ nếu chỉ trông dị dạng thì lại chẳng ai muốn thu hoạch những cây như vậy cả.
Bây giờ nhiều người đã có đủ điều kiện để dành tâm huyết xây một ngôi nhà tinh xảo theo đúng ý của họ, thường đi kèm với một căn phòng truyền thống và có một gian tokonoma. Đơn đặt hàng cho tokobashira ngày càng tăng. Cái cột cũng không chỉ đơn giản là để trang trí, nó đóng vai trò quyết định để giúp cho gian tokonoma được vững chãi. Gỗ sử dụng cho mục đích này được phơi khô trên sườn núi có thể đến bốn năm. Nếu không được phơi khô đúng mức, gỗ sẽ thiếu đi độ bền và nứt gãy rất nhanh. Gỗ bị cong hoặc biến dạng cũng sẽ không bền.
Đôi khi người ta lấy nguyên một khúc gỗ làm cột, để lại cả vỏ, nhưng tốt nhất vẫn là gỗ xẻ loại bỏ phần lõi đi.
“Lõi là cái vòng cây trong cùng,” chú Iwao bảo tôi. “Người ta sẽ làm một cái cột không bao gồm lõi, chỉ lấy các vòng cây bên ngoài nó thôi.”
“Thế thì cái khúc gỗ đấy phải có đường kính to lắm chú nhỉ?”
“Đúng rồi. Như cây hồng này này.” Chú Iwao trỏ vào một khúc gỗ hồng to tướng đang nằm dưới đất. “Gỗ tự nhiên đấy. Kiểu gì cũng bán được giá cho mà xem.” Chú cười gật gù.
“Gỗ tự nhiên là gỗ không do mình trồng ấy ạ? Thế thì từ đâu mà có vậy? To quá đi mất.”
“Bí quyết gia truyền.”
Có nhiều bí quyết thật đấy.
“Bọn bây bép xép ít thôi và vào việc đi,” Lão Già Saburo nhắc. “Phải đánh bóng cho xong hết cái đống này và chất lên xe tải trước khi trời tối.”
Tôi hướng sự chú ý vào công việc cần làm. Trước cửa nhà anh Seiichi là một đống gỗ lớn được phơi khô rải rác trên sườn của mấy ngọn núi xung quanh Kamusari (ở đâu thì là bí quyết gia truyền). Có đủ loại, từ gỗ chè được để nguyên vỏ cho đến khúc gỗ hồng với đường kính lớn. Một số đã được lột vỏ sẵn. Công việc của chúng tôi từ mấy hôm nay là đánh bóng phần gỗ lộ ra bằng những bọc vải chứa cát mịn bên trong. Ma sát giúp gỗ trở nên trơn láng và bóng nhẵn theo từng cú vuốt tay.
Đẹp quá. Tôi nhìn mà ngưỡng mộ. Tôi chẳng được tích sự gì trong việc chặt cây hay mang chúng xuống núi. Tôi chỉ giỏi mỗi cái việc duy nhất là phát quang bụi rậm. Nhưng suy cho cùng thì cái việc nhổ cỏ đến cả mẹ tôi còn làm được ở nhà. Thế nên mặc dù tôi đã quen với núi đồi tốt hơn trước, về tổng thể năng suất của tôi vẫn chán đời.
Cái việc đánh bóng này thì khác. Mắt tôi trông thấy ngay kết quả. Lòng tôi cảm thấy ấm áp như thể mình vừa đạt được một thành tựu gì đó. Santa liên tục bắn súng nước về phía tôi, khiến cho lưng áo phông ướt sũng không chỉ vì mồ hôi, nhưng tôi không để tâm lắm. Phải tập trung!
Có lẽ tại vì có thêm tôi giúp sức nên quá ba giờ một chút là xong việc.
Anh Seiichi trèo lên ghế lái của chiếc xe tải chất đầy những khúc gỗ đã đánh bóng. “Tối mai tôi về,” anh nói, tay đặt trên vô lăng. “Yoki, chú trông chừng mọi việc trong lúc anh đi nhé.”
Chú Iwao reo hò, còn Lão Già Saburo thì hô lên, “Chúc may mắn!”
Chiếc xe tải cùng những cây cột tokobashira hảo hạng trong tương lai băng qua cầu và biến mất xuống dưới con đường đèo. Vào cuộc bán đấu giá ngày mai, anh Seiichi sẽ có cơ hội để trổ tài.
Những cây bách và liễu sam mà công ty gỗ Nakamura trồng được sử dụng chủ yếu để làm vật liệu xây dựng. Chúng là những phần nằm sau tường, dưới sàn và trên trần, nằm ẩn đi và không được nhìn thấy. Kể cả nếu đôi khi gỗ có được dùng để làm cột nhà, chúng vẫn không bì được so với cái danh “gỗ tuyển”. Gỗ tuyển là gỗ tự nhiên với vân thớ đẹp, màu sắc bắt mắt, láng mịn và bóng bẩy được dùng cho những vật liệu trong phòng mà mắt thường trông thấy. Nó phản ánh rất rõ cái gu, mắt thẩm mỹ cũng như cách nghĩ của chủ nhà. Không thể biết người mua sẽ kỹ tính tới độ nào. Gỗ tuyển chất lượng cao thường được mua với mức giá không tưởng.
Mức bán đấu giá cũng sẽ quyết định tới lương mà chúng tôi được nhận. Tôi cũng thầm gửi lời cầu nguyện nhỏ theo ánh đèn hậu đang xa dần: Cầu cho buôn may bán đắt.
Một tia nước bắn vào sau gáy tôi.
“Nhớ đấy Santa! Chú phải tóm mày mới được!” Nó chạy vòng quanh, nhưng tôi cuối cùng cũng bắt được và đè nó xuống. “Ba tối nay không về, kiểu gì cũng nhớ ba lắm này.”
“Không nhớ đâu!” Nó cười phá lên và vặn vẹo để thoát ra.
“Chắc chưa? Nghe nói tối nay có quái vật bò ra đấy. Có ba ở nhà thì ba còn đuổi, nhưng hôm nay chỉ có một mình thôi. Làm gì đây làm gì đây?”
“Ứ ừ. Có mẹ rồi.”
Cu cậu ra vẻ can đảm, song mặt mũi đã bắt đầu mếu máo. Ối, chắc tôi đùa hơi quá rồi.
Anh Yoki bỗng gọi, “Santa, đi ra bể bơi không?” Canh thời gian đúng lúc thật.
Santa ngay lập tức lại hớn hở. “Có!”
Bể bơi? Quanh đây có bể bơi khi nào thế? Tôi hồ nghi, nhưng anh Yoki vẫn kéo Santa và tôi ra tới cầu và xuống dưới bờ sông. “Bể bơi” ở đây là sông Kamusari ấy hả?
Anh Yoki lội xuống, chân vẫn đeo đôi giày jikatabi, mặc kệ cho quần ướt. Ổng đi thẳng về phía hạ nguồn. Cách cây cầu hơn trăm mét có cái vách cao khoảng năm mét. Một thác nước tí hon. Giữ Santa trên tay, anh Yoki nhìn qua mép xuống mặt nước bên dưới.
“Nhảy này. Nín thở nhé.”
“Đùa đấy à?” Giọng nói vang lên là của tôi, không phải của Santa. Trước khi kịp ngăn lại, ổng đã nhảy, bế theo Santa. Họ rơi cái tùm.
“Anh Yoki! Santa!” tôi lội sát đến mép nước nhất mà tôi dám, nghển cổ nhìn xuống. Tôi sợ mình có thể xảy chân và bị cuốn vào dòng nước đang xối xả. Bong bóng cuộn trào từ hồ nước bên dưới. Dường như một thời gian rất, rất dài đã trôi qua.
Cuối cùng, anh Yoki và Santa cũng nổi lên. Bộ tóc vàng của anh Yoki óng ánh dưới nắng và nước bắn ra từ thác. Santa vẫy tay từ trên vai anh Yoki. Tay còn lại của cu cậu giữ chặt khẩu súng nước.
“Nhảy đi Yuuki!” anh Yoki gọi. “Nhảy sát thác vào nhé. Mấy chỗ khác nông lắm đấy.”
Không thể để hai người đó lên mặt, tôi lấy can đảm và nhảy xuống.
Ngay lập tức tôi chìm vào nước lạnh đến đứng cả tim. Thác nước gầm rú bên tai tôi. Đế giày jikatabi của tôi chạm vào một phiến đá tròn dưới đáy sông. Đúng là nông choèn choẹt. Cái chỗ nhảy thật là vãi linh hồn. Không cẩn thận đập đầu vào đá là toi luôn.
Tôi đạp vào lòng sông và ngoi lên. Không cần phải bơi, con sông chẳng mấy mà đủ nông để có thể đứng thẳng. Tôi rùng mình khi ra khỏi mặt nước.
“Lờ-lờ-lạnh quá.”
“Tí là quen ấy mà.”
Anh Yoki đặt Santa xuống chỗ nước nông và bắt tay vào việc xếp đá để quây thành một vòng tròn kín. Ra là thế - một bể bơi tự nhiên ngoài trời. Sau một thời gian, nước bên trong sẽ ấm lên dưới nắng, tách biệt với dòng sông đang tràn qua.
“Chơi ở đây đi Santa.”
Cu cậu vui vẻ bước qua mấy viên đá và ngồi thụp xuống nước, tự chơi bằng cách đổ đầy khẩu súng nước và bò qua bò lại trông như con cá sấu.
“Ngồi yên một tí nhé Santa.” Tôi cúi lại gần và ngó vào trong bể. Khi nước đã lắng, bạn có thể thấy một đàn cá cơm trong suốt đang luồn qua mấy kẽ đá. Chúng bơi mê mẩn xung quanh hai bắp chân mềm của Santa.
“Úi! Trông kìa. Hay thế nhở. Bể cháu có cả cá này.”
“Úi! Úi!” Santa phá lên cười. Đối với nó việc nhìn thấy cá chả có gì là ghê gớm. Cu cậu không thể hiểu được nỗi thích thú của tôi và sau mỗi tiếng “úi” thì lại đập nước bắn tung tóe. Đàn cá cơm ngay lập tức tản ra, hoàn toàn biến mất như thể chúng vừa tan vào trong nước. Tôi chưng hửng, nhưng miễn Santa thấy vui là được.
Anh Yoki thì đang phì phò lăn mấy tảng đá. Tên này sở hữu sức mạnh của siêu nhân, và đây không phải lần đầu tiên tôi nghĩ vậy.
“Yuuki, ra đây phụ anh mày cái nào.”
Tôi giúp một tay, song toàn bộ lực vẫn đến từ ổng. Ổng xếp các tảng đá thành một vòng bán nguyệt dưới hồ bao quanh thác nước, lấp kín khe hở bằng mấy hòn đá cỡ nhỡ. Chẳng mấy chốc, nước từ thác nhỏ giọt lại hẳn. Con đập đã hoàn tất.
“Cái bể này là dành cho người lớn,” anh Yoki nói và bắt đầu bơi với nguyên xi quần áo trên người.
Tôi không thể chờ hơn được nữa. Mồ hôi mồ kê sau cả ngày làm việc, được bơi trong làn nước trong xanh mát lạnh hẳn phải khoái biết chừng nào. Hăm hở, tôi nhảy xuống bể từ trên một tảng đá. Dưới nước lạnh như đá – nhưng vô cùng sảng khoái. Dòng sông bị quây lại khiến cho lòng bể rộng và sâu hơn so với trước. Bây giờ chắc phải lặn ba mét mới đến đáy. Nước trong veo, mấy viên đá phía dưới được phủ lên một màu xanh dưới nắng. Một con cá đen xì to bằng cỡ ngón tay tôi bơi ngang qua trước mặt. Ở gần vách đá, dòng nước khuấy động, bắn ra những tia bọt trắng xóa. Như thể có đến hai cái thác nước, một trên cao và một ở dưới mặt nước.
Không nhịn thở được lâu hơn nữa, tôi bắt đắc dĩ trồi lên. Ngay tức thì hai hàm răng tôi va vào nhau và tiếng ve trút xuống ầm ĩ như một ngọn thác khác. Tôi bèn bơi ngửa để sưởi ấm da bụng dưới ánh mặt trời. Anh Yoki đang bơi như một con rùa lớn xác, cùng với Santa ngồi trên lưng. Cả hai môi đều thâm xì, tưởng đâu như vừa đi uống nước hoa quả có màu thực phẩm về. Dám cá là tôi cũng chẳng khác mấy.
Không giống bể bơi trong trường, ở đây nhiệt độ nước lạnh một cách kinh dị. Con đập không thể ngăn sông hoàn toàn, nhiệt độ cơ thể của chúng tôi cũng cứ thế mà trôi theo dòng nước. Nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục được chơi đùa dưới nước, không muốn đi ra. Cái bể xây bằng tay của anh Yoki mang một nét hấp dẫn đối với tôi mà bể bơi trong trường không bao giờ sánh được.
“Chào mấy đứa!” một giọng nói quen thuộc cất lên. “Trông vui đấy!” một giọng khác chêm vào.
Tôi ngước mắt và thấy chú Iwao cùng Lão Già Saburo đang đứng ở bên đường.
“Nhảy xuống đi!” Anh Yoki gọi với lên.
Chú Iwao lắc đầu. “Nhảy xuống đấy thì chú có mà gãy lưng.”
“Bỏ qua đi. Yoki, bắt lấy này.” Lão Già Saburo buộc dây thừng quanh một cái giỏ tre và hạ nó xuống mặt nước.
“Tới đây!” Anh Yoki lội nước cầm lấy giỏ. Nhoằng một cái Santa đã trèo từ lưng lên vai anh Yoki. Nó và tôi cùng nhau nhìn háo hức vào trong giỏ. Nhìn gần lại thấy nó có hình dáng khá kỳ, như một cái hũ để nằm ngang. Chúng tôi đồng thanh hỏi: “Cái gì thế ạ?”
“Không biết à?” Giọng ổng ngạc nhiên đến nỗi gò má lạnh của tôi nóng ran. Santa bảo, “Không biết.”
“Đây là một cái bẫy lươn. Thấy chỗ này hẹp vào không?” Ổng chỉ vào miệng hũ. “Lươn chui vào qua đấy rồi không thể chui ra được nữa.” Ổng lắc lắc cái giỏ khoái chí. “Lần này bắt được cả bầy.”
Tôi chợt nhận ra bên trong đang lúc nhúc những con lươn căng mịn và trơn láng. “Uầy! Kiếm ở đâu ra từng này thế anh?”
“Chịu chết,” giọng ổng nghe ưng ức. “Hai cái lão ấy biết được chỗ bí mật nào đó. Chắc chắn là ở một khúc của con sông này. Kiểu gì cũng có hôm anh đi theo và tìm cho ra.”
“Làm sao mà ăn hết được đống này.” Sau khi bị tra tấn bởi dưa hấu và ngô, dạ dày tôi lại sắp bị tra tấn bởi lươn tiếp à? Người ta bảo ăn lươn tăng cường sinh lý. Có ích gì với tôi đâu kia chứ.
“Không, không, không. Mấy hôm nữa là đến lễ hội mùa hè. Năm nào đội nhà mình cũng mở một quầy bán lươn nướng bếp than. Đây là nguyên liệu.”
Anh Yoki leo ra khỏi bể và đi đến chỗ nước nông cùng với Santa quắp trên vai. Ổng ngâm cái giỏ xuống và buộc dây thừng vào một cành cây trên bờ.
“Cứ để ở đây là chúng sẽ tươi nguyên cho đến tận hôm lễ hội.”
“Chúng nó ăn gì?” Mật độ lươn trong giỏ quá lớn khiến tôi phải hỏi.
“Đấy là vấn đề của chúng.”
“Thế thì chắc bị nhốt vào đấy không có lối thoát cũng là vấn đề của chúng nhỉ.”
“Thích thì chiều, anh giao chú mày với Santa nhiệm vụ cho chúng nó ăn,” ổng tuyên bố và trèo lên bờ, run lẩy bẩy. “Hừ hừ!”
Anh Yoki quyết hết. Đến lúc về, ổng chiếm phòng tắm ở nhà, tôi đành phải sang nhà anh Seiichi và vừa hứng chịu những đợt tấn công bằng súng nước vừa kỳ cọ người.
Sau khi ngâm mình trong nước nóng, tôi dắt tay Santa đi đến cửa hàng bách hóa để mua thức ăn cho lươn. Tất nhiên là họ không bán thứ gì như vậy. Nghe theo lời khuyên của mẹ chị Miki đang trông quầy, chúng tôi mua tạm thức ăn cho cá vàng.
Đêm hôm đó Santa tè ướt sạch cả đệm. Đến sáng, vỏ ga của cu cậu được phơi trên giá, bay phấp phới trong nắng. Không rõ là vì hôm qua chơi dưới sông hay vì bị tôi lấy quái vật ra dọa nữa.
Mỗi ngày, chú Iwao và Lão Già Saburo lại đi ra đâu để bắt lươn, mang về đầy một hũ bẫy. Chúng được chuyển vào một cái giỏ tre lớn, loại mà người ta dùng để đi hái rau, rồi để ngâm dưới sông. Nhìn chúng xếp cạnh nhau mới thật lạ lùng. Khi đến gần, bạn sẽ thấy mỗi chiếc giỏ đều đựng đến cả tá những con lươn béo tròn bụng xanh nhạt đang ngoe nguẩy.
Tôi lo sẽ có người đi qua chôm mất, nhưng chẳng ai ở Kamusari quan tâm đến chuyện chống trộm. Tính cách ung dung của họ khó có thể dời. Còn lũ lươn để đâu vẫn ở nguyên đấy.
Mỗi sáng, Santa và tôi lại đến thăm chúng và rải những hạt thức ăn cho cá vào trong giỏ.
“Bọn này có ăn thật không nhỉ?” tôi thắc mắc thành tiếng.
Santa nhún vai: “Cháu chịu”.
Mấy cây cột tokobashira bán được giá, nên tất cả nhân viên của công ty Gỗ Nakamura đều được trả một khoản tiền thưởng mùa hè kha khá.
Lâm nghiệp luôn có phần may rủi. Lúc bán được thì đắt như tôm tươi, lúc ế ẩm thì giảm giá đến mấy cũng không có người mua. Phải chờ được đúng thời điểm. Trong lúc chờ thì đương nhiên, rừng vẫn cần được chăm sóc.
Đây là một ngành được ăn cả, ngã về không, nên anh Yoki và những người còn lại đều sướng lâng lâng khi nhận được tiền thưởng. Năm nay được lĩnh muộn hơn so với mọi lần, nhưng không ai quan tâm. Thậm chí tôi cũng nhận được một cái phong bì, dù chỉ đang học việc. Phong bì màu nâu đựng ba mươi nghìn yên khiến cho tôi sung sướng ít nhiều. Đúng là các công ty ở thành phố có lẽ sẽ thưởng nhiều hơn, kể cả khi bạn có là nhân viên mới. Nhưng tôi đang được chu cấp sẵn cho đủ những thứ cần thiết rồi – đồ ăn chỗ ở công việc. Tính cả lại thì công ty gỗ Nakamura quả là vô cùng hào phóng.
Lòng vui phơi phới, tôi nhờ bà Shige đổi cho mấy đồng lẻ. Tôi nghĩ mình sẽ cần tiền mệnh giá bé khi đến dịp lễ hội. Tôi biết là bà cất những đồng xu năm trăm yên trong mấy cái hộp đựng thuốc chữa dạ dày và bà vừa mới dùng đến hộp thứ năm.
Song trước nhất, bà Shige kính cẩn đặt số tiền thưởng của tôi lên bàn thờ Phật lưới mắt cá, chắp tay lại và lẩm nhẩm một vài lời khấn. Bà thậm chí còn gõ lên một cái trống bằng gỗ. Sau đó tôi cõng bà lên vai để bà với ra đằng sau bài vị, nơi những hộp thuộc chữa dạ dày được cất.
“Bây cần bao nhiêu?” bà hỏi.
Tôi chỉ định mua đồ ăn nên lấy ra một tờ mười nghìn yên từ trong phong bì. Bà Shige, ngồi dưới chiếu, mở nắp hộp và lấy hết ra số xu năm trăm yên mà bà dành dụm được, rồi đếm từng đồng như đang chơi ô ăn quan.
“Của bây đây, mười tám đồng.”
Tôi nhận lấy và nói, “Sao lại thế ạ? Của cháu phải là hai mươi đồng chứ bà.”
“Ta lấy phí.”
Sao lại thế… Tôi tiu nghỉu nhìn mười tám đồng xu, và một lúc sau bà bắt đầu cười tủm. “Ta nói tếu thôi,” bà bảo.
Tếu? Tếu là cái gì? Rồi tôi chợt hiểu ra. “Bà đùa cháu chứ gì?”
Bà gật đầu và lẳng lặng lăn cho tôi thêm ba đồng nữa.
“Giờ thì lại thừa một đồng rồi ạ,” tôi nói.
“Giữ lấy đi. Ta biết bây đã vất vả trên núi nhiều rồi.”
Những đồng xu sáng lên màu bạc trong gian phòng thờ âm u kể cả khi ban ngày. Tôi nhận đồng bà cho thêm và thành kính nắm lấy nó bằng cả hai tay. “Cháu cảm ơn bà.”
Bà bỏm bẻm miệng xấu hổ và vờ không nghe thấy.
*
Tiếng sáo vang lên lanh lảnh trong không khí vào một ngày đẹp trời, hòa cùng với tiếng trống: lễ hội mùa hè đã bắt đầu.
Người từ khắp nơi đổ về, không chỉ ở Kamusari mà từ cả những ngôi làng xung quanh. Có một chút tắc đường suốt cả ngày do xe cộ chở người đến tham gia lễ hội. Con đường đèo chỉ rộng không hơn lối đi ven ruộng, nên cũng chẳng bất ngờ lắm.
Lễ hội được tổ chức tại đền Kamusari cổ, một ngôi đền khác so với ngôi đền nằm ở quận Naka. Quanh làng có muôn vàn đền đài miếu mạo lớn nhỏ. Đền Kamusari cổ nằm bên sườn núi Nam. Nó không được trang trí và nói thật trông khá là tồi tàn. Để đến đấy bạn phải leo lên một con dốc ngoằn ngoèo khoảng năm phút. Trừ những lúc đến phiên quét sân đền, còn chẳng ai ở quận tôi có bao giờ đi tới đó.
“Bởi vì họ sợ phạm đến thần linh,” Lão Già Saburo giải thích. “Ngôi đền là nhà thứ hai của vị thần sống trên núi Kamusari. Nếu người ta cứ đi ra đi vào và làm náo loạn sự bình yên thì sẽ khiến ngài nổi giận. Tốt nhất là nên tránh xa.”
“Đến thăm đền vào ngày lễ hội thì được ạ?” Sẽ có những quầy hàng nằm suốt chiều dài con đường quanh co dẫn lên đền. Người nơi khác không muốn leo tận lên đây để bán hàng, nên quầy nào cũng là của người dân làng Kamusari.
“Ngày hôm nay thì được phép,” Lão Già Saburo gật gù tỏ vẻ thông thái. “Hôm nay thần sẽ xuống núi, nhân dịp này ngài cũng sẽ biến những điều ước thành hiện thực.”
Thế thì tôi cũng phải ném vài đồng xu vào hòm lễ vật của đền và ước một điều mới được. Những tơ tưởng về chị Naoki lại trồi lên trong đầu tôi.
Lão Già Saburo và tôi đang ở trước nhà anh Seiichi. Mới quá trưa, vậy mà nhạc đã nổi lên, song chúng tôi vẫn đang dành hết thời gian để chuẩn bị cho quầy hàng. Tất cả mọi thứ đang được bày lên cái bàn lớn. Công tác sơ chế lươn để nướng đang không được trôi chảy cho lắm.
“Hây a!” Anh Yoki, đeo đôi găng tay dày, bắt một con lươn bóng láng ra khỏi bồn nước. Con lươn liền giãy đành đạch và tuồn ra khỏi nắm tay của ổng, bò ngoe nguẩy dưới nền sỏi. Thấy thế, Noko cũng thích chí và căng mình ra để đuổi theo con lươn. Nhiệm vụ của tôi là phải giữ nó lại.
Anh Yoki sau đó bắt lại được con lươn và để nó nằm thẳng trên bàn. Tôi thấy ổng có thể dùng một cái thớt, nhưng đó không phải là phong cách của ổng. Ngay khi con lươn được đặt lên bàn, anh Seiichi hô lên một tiếng đầy khí thế và vung một cái dùi to tướng xuống để găm nó lại. Tiếng hô thì hoành tráng đấy, nhưng một nửa số lần anh găm trượt và trúng mỗi cái bàn.
“Tên nào phân chia công việc đấy?” Lão Già Saburo gặng hỏi, tay cầm mấy cái xiên ngồi chờ thịt lươn đến sốt hết cả ruột. Cuối cùng lão vứt đống xiên qua một bên. “Làm thế này đến tối cũng chưa xong. Đi tìm thằng Iwao về đây.” Chú Iwao đã tới đền trước để dựng quầy.
“Không cần đâu.” Anh Seiichi quệt mồ hôi trán. “Cháu sắp tìm được cách rồi.”
Santa rụt rè với tay ra và vỗ vào con lươn, nó vẫn đang vùng vẫy để trốn thoát mặc dù bị ghim chặt xuống bàn. Tôi hiểu cảm giác của Santa. Cu cậu với tôi đã cho ăn và chăm sóc lũ lươn ấy mỗi ngày. Chúng là thú cưng của hai người bọn tôi.
Chị Yuuko và chị Miki ôm nhau cười, đứng từ xa nhìn chúng tôi chiến đấu. Vào ngày lễ này, phụ nữ không phải động tay động chân nấu nướng hay làm việc nhà. Đừng hỏi tôi vì sao. Trước giờ vẫn thế.
Tôi chỉ muốn nhanh chóng được đi đến lễ hội. Nó đã bắt đầu rồi, vậy mà tôi lại kẹt ở sân trước nhà anh Seiichi để thái lươn. Tôi thở dài thườn thượt. Cứ như thế này thì không biết đến khi nào tôi mới gặp được chị Naoki.
Tất nhiên, tôi chính là cái thằng bị anh Yoki mắng vì lỡ tay cắt phăng cái đầu lươn lúc ban đầu: “Không không, cái thằng ngố này! Được rồi, tránh ra kia. Từ bây giờ chú mày chỉ cần trông con Noko thôi!”
Món lươn nướng bếp than của chúng tôi bán hết veo trước khi trời tối. Giá rẻ mà: hai trăm yên một lát thịt lươn, ba trăm nếu ăn cùng với một bát cơm nhỏ (đặc sản Kamusari). Bị mùi hương quyến rũ, mọi người đến quây kín quanh quầy hàng mà chú Iwao đã dựng.
Lão Già Saburo xiên hết lát thịt này đến lát khác, còn anh Yoki và chú Iwao mỗi người tay cầm một cái quạt, ngồi nướng như điên. Tôi thì phết gia vị và bày sản phẩm lên đĩa giấy hoặc bát đựng cơm. Tôi bận đến nỗi thi thoảng bị loạn chưởng và thay vì múc cơm thì lại dùng muôi quệt quệt lên đống thịt lươn.
Anh Seiichi quản lý sổ sách. Trong số bọn tôi có mỗi anh là ung dung và bình tĩnh, nở nụ cười nhận đơn của khách và thu tiền bỏ vào trong một hộp kẹo trống.
“Có vẻ không được công bằng lắm,” tôi than thở, lấy ống tay yukata chùi đi từng giọt mồ hôi trên trán. “Cổ tay phải em mỏi nhừ rồi.”
“Làm sao?” Anh Yoki nhìn tôi với hai con mắt nheo tít lại như hai cái khe. Không phải do ổng cáu; khói và hơi nóng bốc thẳng lên mặt khiến ổng không mở mắt ra nổi. “Chú mày thấy thế thì kêu nó đổi chỗ cho.”
“Em chịu. Anh bảo anh ấy đổi chỗ cho anh đi.”
“Không bao giờ.” Anh Yoki kiên quyết lắc đầu. “Thằng Seiichi mà đứng bếp là lươn cháy thành than luôn.”
Nói thế nhưng tôi biết ổng sợ phải đối mặt với anh Seiichi. Trong công việc liên quan đến rừng, các thành viên trong đội đều thoải mái nêu quan điểm, đôi khi còn nói năng hăng say đến mức tưởng như đang cãi nhau. Dĩ nhiên tất cả đều nói giọng Kamusari, nên dù vậy tiếng họ vẫn cứ rề rà rề rà.
Nhưng trong những việc còn lại, hầu như họ đều làm theo lời anh Seiichi nói, ai cũng vậy. Một phần vì anh Seiichi là điền chủ, nhưng phần nhiều là bởi từ anh toát lên một loại mãnh lực hoặc uy quyền không thể gạt bỏ. Không bao giờ anh cau mày hay lên giọng, luôn luôn ôn hòa và đạo mạo. Nhưng nếu anh đã nói, “hãy làm theo cách này,” tất cả đều tuân thủ.
Anh rất khéo tận dụng khả năng thuyết phục của mình. Ví dụ, hôm nay không biết anh mồm mép kiểu gì để nhận lấy công việc dễ nhất và bây giờ đang ngồi cười tươi như một nhân viên bán hàng hào nhoáng bóng bẩy – trong khi đó yukata của chúng tôi thì đầm đìa mồ hôi. Rõ là không công bằng.
Nhân tiện, anh Yoki và tôi đang mặc hai bộ yukata giống nhau, mới toanh, dành riêng cho dịp này. Bà Shige may cho chúng tôi. Nó có mấy vạch sọc màu chàm, trông vô cùng tao nhã và đĩnh đạc. Không may cái vẻ tao nhã và đĩnh đạc ấy lại bị giảm bớt đi do tôi phải đeo một cái obi mềm mượn của Santa.
“Đây là loại obi của trẻ con!” Tôi phản đối, nhưng bà Shige tặc lưỡi.
“Không phải. Ngài Saigo Takamori cũng đeo cái này.” Bà kể cứ như đã từng gặp ông ấy từ cái hồi Minh Trị Canh Tân.
Rốt cuộc tôi phải bằng lòng đeo một cái obi xốp mịn như đuôi cá cảnh. Cái của anh Yoki có màu vàng kim như mấy ca sĩ enka hay đeo. Ổng kiếm đâu ra được vậy? Tôi thắc mắc.
Suy cho cùng thì anh Yoki cũng có vài đức tính. Thấy tôi bảo mình chưa được ăn lươn tự nhiên bao giờ, ổng dành lại miếng cuối cùng cho tôi. Trong lúc Lão Già Saburo và chú Iwao thu dọn và anh Seiichi đếm tiền, tôi cầm đĩa giấy ăn thịt lươn. Anh Yoki đứng chống nạnh và nhìn vẻ mặt tôi nhai một cách đầy kỳ vọng.
“Thế nào?”
“Ngon ạ.”
Mùi thịt ngon ngọt, nóng rẫy bốc lên cùng với món nước sốt đặc biệt của chú Iwao. Theo chỉ dẫn của chú, trong hai ngày cuối lũ lươn được cho vào một thau đựng nước giếng và bỏ đói. Có lẽ vì lý do đó nên thịt không có mùi tanh. Dường như chỉ có dòng nước trong lành của Kamusari chảy qua mạch máu chúng. Thịt không có vị bùn đất, mà là vị đậm đà của không khí núi rừng. Lớp da bên ngoài được nướng vừa chín, tỏa hương thơm nưng nức sực lên mũi tôi như lớp vỏ cây. Trước giờ tôi vẫn nghĩ lươn như là thú ăn chơi dành cho mấy ông già sinh lý không còn dồi dào, nhưng tôi đã nhầm. Nó ngon khủng khiếp. Mỗi miếng tôi nuốt vào đều khiến cho vị ngậy lan tỏa trong miệng, hòa quyện hoàn hảo với tiêu sansho được rắc lên phía trên. Ôi với cả, cái độ săn chắc tuyệt vời này nữa… có phải là vì đây là lươn sống ngoài tự nhiên chứ không phải được nuôi trong trại?
“Hết sảy, cơ mà…” Tôi ngừng nhai. “Hình như hơi dai?”
“Dai á?” Anh Yoki có vẻ nghi ngờ rằng cách chế biến của ổng đã có gì sai sót. “Đưa anh xem nào.” Ổng cầm chỗ lươn còn lại của tôi lên và tọng thẳng vào mồm.
“Ơ, của em chứ!” Tôi cuống cuồng với theo, nhưng phần lươn chưa ăn – phải hơn một nửa – đã chui tọt vào bụng ổng. Chết tiệt.
“Dai đâu mà dai. Răng chú mày yếu quá.”
So với con khủng long bạo chúa như anh thì răng ai mà chả yếu. Tôi ấm ức nhìn ổng khoái trá tiêu hóa chỗ lươn của tôi.
“Đấy là do khác biệt giữa hai vùng Kansai và Kanto.” Anh Seiichi tham gia vào câu chuyện sau khi đã tổng kết xong thu nhập của hôm nay. “Ở Kanto họ hấp thịt lươn trước khi nướng, còn Kansai thì không thế. Ở đây đem lên bếp nướng luôn. Có lẽ vì thế mà em mới thấy thịt không được mềm bằng đấy Yuuki.”
“Hấp á?” Giọng anh Yoki lên quãng tám. “Đùa đấy à. Thế có mà nhũn thĩn!”
Đến tôi cũng không biết lươn ở Kanto được hấp. Tôi nảy ra một ý. “Anh Seiichi, anh đã bao giờ có dịp được sống ở đâu ngoài làng chưa?”
Anh Seiichi nom có vẻ ngần ngại. “Anh nghĩ sự khác biệt trong cách chế biến đó là kiến thức phổ thông thôi…”
Chú Iwao và Lão Già Saburo cùng nhau gật gù.
“Yuuki không biết thì không sao,” chú Iwao bảo. “Nó còn trẻ. Nhưng cái tối thiểu đấy thì thằng Yoki phải tìm hiểu đi chứ. Mày quá là thiếu hiểu biết.”
“Trong đầu nó mọc toàn cây,” Lão Già Saburo thêm vào. “Ý ta là óc nó chỉ ngang với cái hạt liễu ấy.”
Anh Yoki cảm thán. “Thôi con xin cụ. Cụ thôi mấy kiểu ví von củ chuối ấy đi hộ con.”
Anh Seiichi đóng lại nắp hộp đựng tiền và quay sang tôi. “Thật ra là, anh đã từng sống ở Tokyo một thời gian. Đến đấy học đại học. Hồi đó thì chắc chắn là không có đủ tiền để ăn lươn.”
“Lúc về còn mang theo cả một cô vợ nữa, đúng không nhỉ?” Anh Yoki nhe nhởn ra vẻ hiểu biết.
“Gì cơ?” Tôi không hiểu gì hết trơn. “Chờ đã. Vợ anh là chị Yuuko.”
“Đúng rồi.”
“Còn Naoki là em gái, nhà ở gần ngôi đền dưới quận Naka.”
“Đúng.”
“Chị Yuuko sống ở quận Naka mà phải đến tận khi hai anh chị cùng nhau đi Tokyo học anh mới gặp chị ấy á?”
“Đâu đâu.” Lão Già Saburo xua tay. “Bây nhầm rồi. Cái nhà ở gần đền là của bà cái Yuuko với Naoki. Cả hai đứa cháu gái đều sinh ra và lớn lên ở Tokyo.”
“Bọn anh tình cờ gặp nhau khi cùng chung một câu lạc bộ,” anh Seiichi kể. “Anh nói chuyện và biết quê mẹ Yuuko là quận Naka ở Kamusari. Yuuko vẫn thường về đây nghỉ hè hồi còn bé, cho đến tận cấp hai.”
“Kể cũng tài, sao mà lại tìm được một em ở Tokyo có mối liên quan đến cái làng nhỏ bé dân thưa này,” anh Yoki nói. “Quả là may mắn.” Ổng lại nhăn nhở.
Anh Seiichi gạt đi nhận định ấy: “Đấy là duyên phận. Bọn anh mến nhau như một lẽ tất yếu. Ngày đó bà Yuuko đã qua đời và căn nhà ở Naka bị bỏ trống. Bọn anh đã sửa chữa nó, đến năm ngoái thì Naoki dọn về ở sau khi nhận được bằng giáo viên.”
“Naoki sống một mình ạ?”
“Ừ. Bọn anh có rủ con bé về ở cùng rồi.” Giọng anh lộ vẻ băn khoăn.
Naoki quả là có nhiều bất ngờ. Một cô gái trẻ trung như thế làm gì mà lại phải chuyển đến sống ở một ngôi làng không có gì ngoài núi với non, ở một nơi tối om om sau khi mặt trời lặn cơ chứ?
“Hồi cháu cưới vợ,” chú Iwao dùng tay đếm nhẩm. “Naoki hãy còn học cấp hai. Con bé vẫn thường về đây mỗi kỳ nghỉ dài ngày. Hẳn đã đem lòng yêu mến nơi này.”
Anh Yoki lại tủm tỉm bóng gió đến lần thứ ba. “Yêu nơi này hay là yêu… ai thì làm sao mà biết?”
Chờ đã… tôi chợt hiểu. Cứ cho đấy là giác quan thứ sáu của một thằng đang yêu đi. Tôi liếc trộm sang anh Seiichi, người đang cười không nói gì.
“Bán hết rồi à?” một giọng nói vui vẻ cất lên. Chị Yuuko xuất hiện từ trong đám đông và đi tới quầy chúng tôi. Đi cùng là chị Miki và Naoki, người đang dắt tay Santa. “Ôi, thế là năm nay cũng vẫn lỡ hẹn!”
“Nếu muốn thử món thịt lươn của chúng tôi, mấy quý cô nên đến sớm.”
Naoki đứng cách xa nhìn chị Yuuko với anh Seiichi trò chuyện với nhau vui vẻ.
Ôi, vậy là linh cảm của tôi đã đúng! Nhưng anh Seiichi phải hơn đến cả chục tuổi. Và dù sao anh cũng là chồng của chị gái chị ấy. Sao lại thế được. Cầu mong là tôi sai.
Hoặc có thể đây là cơ hội để tôi tiến tới. Thực sự gây ấn tượng với chị ấy: Hãy quên tình yêu ngang trái ấy đi. Có một người đàn ông tốt hơn đang ở trước mặt chị đây. Khối. Còn khướt tôi mới nói được ra câu đó. Không như anh Seiichi, tôi không sở hữu cả mấy dãy núi. Nhưng tôi làm việc rất chăm chỉ, dù mới chỉ là nhân viên học việc. Là thằng học việc thôi đâu có đủ. Nhưng tôi có tiền đồ tươi sáng lắm chứ bộ. Phải không nhỉ?
Trong lúc tôi còn đang mải nghiền ngẫm thì Santa lon ton chạy đến và giật cái đai obi của tôi. Ước gì cu cậu không làm thế, nó vốn đã dễ tuột sẵn rồi.
“Chú Yuu.”
“Sao đấy?”
“Mua cho cháu kẹo bông đi.”
Phản ứng đầu tiên của tôi là, Sao lại là chú? Nhưng rồi tôi nhìn xuống vẻ mặt mong chờ của thằng nhỏ. Thôi thì đành. Đằng nào nãy giờ tôi cũng bận túi bụi ở quầy đến mức chưa đi được tới đâu cả. Sao không nhân dịp này mà đi dạo một vòng?
Santa và tôi nắm tay nhau đi lên quãng đường dốc. Đến bây giờ đội tôi đã thu dọn xong xuôi và tản vào đám đông. Chị Yuuko hơi cúi đầu về phía tôi, ngỏ ý áy náy và cảm ơn. Không sao. Tôi đã quen trông Santa.
Chị Naoki đang được một lũ trẻ con tiểu học vây quanh, chắc là học sinh của mình, miệng cười tươi roi rói.
Những ngọn đèn bằng đá xếp dọc lối đi lên được thắp bằng nến. Các quầy hàng treo đèn sợi đốt tỏa ra hương thơm khó cưỡng, hòa cùng với tiếng mời chào nồng nhiệt của chủ tiệm. Có món bạch tuộc viên, bánh gạo, có trò bắn bia, vợt cá,… nhưng Santa đi một mạch tới quầy bán kẹo bông. Những cái gói màu hồng màu xanh đựng kẹo được bày bán trên kệ, được in cùng với nhân vật hoạt hình. Dưới lớp vỏ bọc trong suốt, một đám mây đường được quấn xung quanh chiếc đũa gỗ mà người bán hàng đang cầm. Tôi mê mẩn nhìn theo. Được xem người ta quấn kẹo bông lúc nào cũng như được xem ảo thuật.
“Cháu muốn cái nào?” Tôi trỏ lên kệ, nhưng Santa lắc đầu. Cu cậu không quan tâm đến mấy nhân vật trên bao bì, cu cậu muốn được ăn cái que vừa mới được làm nóng hổi.
“Mấy cái gói kia bên trong cũng giống hệt mà,” tôi bảo nó.
“Không, cháu muốn cái kia!” cu cậu nhất quyết chỉ tay.
Buồn cười nhỉ. Khi bằng tuổi nó, tôi phải đòi bằng được cái gói có hình siêu nhân trước mặt.
Người bán hàng làm cho Santa một đám mây kẹo bông to ngoại cỡ.
“Khói này, khói này!” Santa reo lên và hớn hở cắn một miếng to.
“Nó được làm từ đường.”
“Là khói!”
Cu cậu cho tôi cắn một miếng. Cái mùi hơi chay cháy cùng cảm giác giòn xốp, vừa kết dính lại vừa tan nhanh, phải thừa nhận là cũng hơi giống khói.
Tiếng sáo và tiếng trống trở nên rộn ràng bên cạnh tiếng lao xao của đám đông nô nức. Cơn gió hè thổi xuống từ trên núi. Tôi thấy lòng chộn rộn. Lễ hội mùa hè vào buổi tối luôn có một điều gì đặc biệt.
Hai chúng tôi rốt cuộc cũng trèo được lên tới đỉnh và đi qua cánh cổng torii cũ, nước sơn đỏ của nó đã tróc hết. Tại sân đền cũng đang chật kín người và tiệm hàng. Tiếng nhạc vang xuống từ một cái bục được dựng chính giữa. Mấy đốm lửa nằm rải rác đây đó thắp sáng nụ cười trên khuôn mặt mọi người.
Nhưng khu rừng trải dài từ ngoài sân đền vẫn tối và bất khả xâm phạm. Nhô cao bên trên bóng của núi Nam là đỉnh núi Kamusari. Những ngọn núi nằm im lìm, bí hiểm. Mặc cho cuộc đời của loài người bên dưới có đổi thay ra sao, chúng vẫn chẳng hề thay đổi.
“Vào bên trong đi chú.” Santa thò một tay vào trong bộ jinbei mùa hè màu xanh mà cu cậu đang mặc và lấy ra một cái ví nhựa bé tí. Cái móc ví quá chặt để cu cậu tự tay mở được. Khi tôi mở hộ, hai đồng xu năm yên rơi vào lòng bàn tay của nó.
“Mẹ đưa cho cháu đấy.”
Nó nhét một đồng vào tay tôi, nhưng sao tôi có thể lấy tiền của một đứa bé. “Không cần. Chú có tiền của chú.”
“Không! Ngài Oyamazumi thích những đồng xu năm yên bóng loáng cơ. Chú Yuu có đồng nào không?”
“Chú không.”
“Thế chú dùng của cháu đi.”
Lại là một truyền thống khác của làng. Tôi nhận lấy đồng xu và xếp hàng cùng với Santa trước ngôi đền khiêm tốn ở cuối dòng người đi lễ đang chờ tới lượt.
Mái đền được lợp bằng vỏ cây liễu sam. Trông nó vừa cũ vừa tồi tàn y như cái cổng torii bên ngoài. Thế nhưng lễ hội vẫn đông vui tấp nập, người ta vẫn đến đây chờ đợi để được bày tỏ thành kính đối với thần linh, nên có lẽ việc ban phước là có thật?
“Oyamazumi – đó có phải là tên của vị thần được thờ phụng ở đây không?”
“Thờ phụng là gì ạ?”
“Ờm… vị thần sống ở đây ấy. Thần đó có tên là Oyamazumi?”
“Vâng ạ.”
Tôi đã từng nghe thấy nó trước đây. Vào cái đêm Santa bị thần bắt, người dân đã thì thầm với nhau cái tên này.
“Thần đó là người như thế nào?”
“Rất đáng sợ.” Santa nói câu này rất khẽ. “Nhưng ngài luôn trông chừng chúng ta.”
Thần ở đâu cũng vậy. Họ chỉ làm mỗi một việc là trông chừng con người. Nhưng có lẽ đó cũng là một điều đáng để ta biết ơn.
Hàng người nhích dần về phía trước, chẳng bao lâu chúng tôi đã đứng trước hòm lễ vật.
“Chú Yuu, chú định ước gì thế? Ba cháu bảo bất kỳ điều ước nào được nói ra vào đêm lễ hội cũng sẽ thành hiện thực.”
Santa với tay giật mẩu dây chuông dài. Chuông đánh leng keng, và sau một thoáng suy tư, tôi chắp hai tay lại và nói ra ước nguyện của mình: Hãy giúp con trở thành một người đàn ông. Một người xứng đáng với Naoki. Khi tôi mở mắt ra, Santa cũng vừa mới ước xong.
“Cháu nhờ thần làm gì đấy?”
“Bí mật ạ.” Cu cậu đưa hai tay che miệng cười khúc khích.
“Gì cơ! Cháu hỏi chú được mà đến khi chú hỏi thì lại bí mật à?”
Chúng tôi dắt tay nhau đi ra để nhường chỗ cho những người tiếp theo trong hàng và rời khỏi ngôi đền. Bầu trời giờ đã tối hẳn và được lấp đầy bởi những vì sao bạc đang nhấp nháy. Sông Kamusari chảy ngang chân núi Nam, sáng lên màu trắng trong đêm, còn ở phía trên đầu là dải Ngân Hà đang trôi, như bóng dòng sông đang phản chiếu.
“Uầy,” tôi nói. “Nhìn dải Ngân Hà có đẹp không kìa? Cháu biết không, trước khi đến đây chú vẫn chưa thấy nó bao giờ.”
Nhưng Santa không có hứng với chuyện sao trăng. “Đi vớt cá đi chú,” cu cậu lại kéo cái dải obi của tôi. Có thôi ngay không thì bảo.
Thằng bé ngồi thụp xuống trước chậu cá vàng và nhìn một lượt, chọn lấy mục tiêu của mình.
“Cháu định vớt con nào?”
“Cái con màu đen ạ.”
“Cái con to tướng mắt lồi ra kia á? Bỏ đi. Mấy con đấy khó lắm.”
Một lần chơi mất một trăm yên. Đương nhiên là tôi trả cho cả lượt của Santa nữa. Tôi thử trước nhưng tạch. Thất bại toàn tập. Chưa bao giờ tôi giỏi trò vớt cá. Nếu anh Yoki mà ở đây chắc ổng phải múc liền một mạch hai chục con.
Santa nhắm đến phần thưởng lớn của mình, song cái vợt giấy trong tay cu cậu nhanh chóng bị rách.
“Được rồi Santa, để chú chơi lại phát nữa.”
“Hai chú cháu trông chán quá!” một giọng nói vui tươi cất lên, ngay sau lưng chúng tôi.
Cái vợt giấy thứ hai cũng rách luôn. Bố khỉ. Tôi quay lại, quả nhiên đó là Naoki.
“Để tôi thử xem sao. Cho cháu một lượt đi chú,” Naoki đưa cho chú chủ quầy đồng một trăm yên. Chị ấy ngồi xà xuống giữa Santa và tôi. Tôi nhích ra một chút để nhường chỗ, tim đập thình thich.
“Nhìn này, mẹo là lèo lái làm sao để con cá bơi vào một góc…” chị Naoki nhập tâm luôn rồi. Khuôn mặt nhìn nghiêng của Naoki trông xinh quá. Trong lúc tôi còn mải nhìn, nước bỗng bắn tung tóe, và một chú cá đỏ rơi vào trong cái gáo nhỏ mà chị ấy cầm bên tay kia.
“Dì Naoki giỏi quá!” Santa vỗ tay cái đét - và thế là cái vợt giấy bỗng rách toạc.
Santa ơi là Santa! Tôi thầm quở thằng bé. Đáng nhẽ tôi đã có thể ngồi ngắm chị Naoki cả buổi rồi không.
Đoạn Naoki cho chú cá vào trong một cái túi bóng kính và cười điệu cười khẽ khàng của chị ấy. “Phải làm như thế đó.”
“Chị Naoki cũng chỉ có một con thôi mà,” tôi trêu.
“Ý cậu là gì?”
“Không có ai về nhà tay trắng đúng không chú ơi?”
“Đúng thế. Ai cũng sẽ được một con cá.”
“Thế cháu thì sao? Cháu chơi hai lần.”
“Không cần biết. Mỗi người một con. Nhưng riêng Santa thì cho hai con.”
“Cháu cám ơn chú.”
Thế là ba người chúng tôi đều có cá mang về. Santa có hai con, Naoki có một (bằng cách đường đường chính chính), tôi cũng có một (như phần quà an ủi).
Chị ấy lại cười khe khẽ. “Santa còn bé mới chơi cá vàng, còn cậu thì lấy cá về nhà để làm gì?”
“Em định mang về để làm quà cho bà Shige.” Dù sao thì bà cũng đã cho tôi ít tiền tiêu vặt. Tôi giơ cái túi ra phía trước và nhìn lại thành quả của ngày hôm nay. Chú cá bé tí như cái kẹo, màu cam nhạt, xinh xinh. Nếu tôi bỏ vào một cái bể và đặt nó trong phòng bà, chắc bà sẽ thích.
“Ồ, vậy sao. Santa, đến giờ về nhà và đi ngủ rồi.”
“Cháu muốn chơi thêm với chú Yuu cơ.”
“Không được. Mẹ cháu đến rồi kìa.” Naoki chỉ vào góc sân đền, nơi anh Seiichi và chị Yuuko đang đứng vẫy.
“Về nhé Santa. Mai sau khi xong việc hai chú cháu mình lại đi chơi.”
Santa miễn cưỡng gật đầu. Nó chúc tôi ngủ ngon rồi chạy về hướng ba mẹ.
Tôi trộm liếc sang chị Naoki đang đứng cạnh. Hàng mi của chị ấy đung đưa trong ánh lửa bập bùng trong lúc dõi theo anh Seiichi khuất dần về phía xa. Cái túi cá treo trên đầu ngón tay tôi trở nên nặng trĩu.
“Còn bây giờ,” chị quay sang tôi sau khi anh Seiichi cùng vợ con đã đi xa khỏi tầm mắt. “Chị tôi nhờ tôi trả lại cho cậu số tiền mà cậu đã chi cho Santa. Bao nhiêu thế?”
“Không vấn đề gì. Không cần trả lại đâu.”
Tôi đang lắc đầu thì bụng tôi réo lên giữa chừng. Ôi sao mày lại chọn đúng lúc thế?
Vậy là Naoki mời tôi ăn một đĩa mỳ xào. Chúng tôi đứng ăn cạnh nhau trong một góc sân. Ngon thật đấy. Phải nói đây là đĩa mỳ xào ngon nhất mà tôi từng ăn.
Lễ hội thậm chí vẫn còn náo nhiệt thêm nữa. Trên bục ca nhạc, anh Yoki đang tham gia vào một cuộc thi uống rượu. Những người tham dự phải uống hết một cốc đầy rót từ thùng rượu cúng thần. Tham gia với ổng là năm người khác, bao gồm cả Lão Già Saburo. Đến cuối còn mỗi lão tỉ thí với ổng. Anh Yoki thắng khi đến cốc thứ mười bốn. Làm sao có ai nốc được ngần ấy rượu vào người mà không hề hấn gì chứ? Gan ruột ổng chắc phải bằng thép quá. Ổng đúng là siêu nhân chứ còn sao nữa.
“Thắng rồi!” Anh Yoki hú lên mừng rỡ. “Miki! Anh là medo này mình ơi!”
“Có thôi đi không? Xấu mặt quá đi mất.” Chị cốc cho ổng một cái vào đầu.
“Medo là cái gì?” Tôi hỏi Naoki.
Mặt chị ấy hơi ửng hồng. “Tôi không biết đâu. Cậu hỏi anh Yoki ấy.”
“Được thôi.”
Medo medo medo. Tôi lặp đi lặp lại cái từ đó trong đầu cho khỏi quên.
“Cậu có định tham gia không?”
“Tham gia cái gì?”
“Cái của thần Oyamazumi…” chị ấy bỏ lửng. “Thôi không có gì. Dù sao cậu cũng chỉ ở đây để học việc.”
Tôi cảm thấy bị tổn thương. Chị ấy không muốn nói về thần Oyamazumi với tôi. Chị ấy sẽ chẳng bao giờ coi tôi hơn người ngoài. Tôi muốn biết về chuyện của thần linh, nhưng hơn cả là muốn được chị ấy thừa nhận, được chị ấy gọi tôi bằng tên riêng.
“Tên em là Yuuki,” tôi nhắc. “Mà chị Naoki cũng đâu phải người ở đây.”
“Không,” chị thừa nhận. Mặt chị ấy nghiêm lại, rồi nhìn thẳng vào tôi. “Nhưng tôi khác cậu. Tôi đã quyết sẽ dành cả đời còn lại ở ngôi làng này.”
Tôi không thích cái giọng điệu ấy tí nào, và chị ấy vẫn cứ không nói ra tên của tôi, lại còn có cảm giác như chị ấy không thèm đếm xỉa đến công sức mà tôi đã bỏ ra trên núi nữa. Thật là tức khí.
“Vì sao? Vì ở đây có anh Seiichi chứ gì?”
Làm sao mà tôi có thể tả lại khuôn mặt chị ấy vào khoảnh khắc đó? Nếu có thể đi ngược về quá khứ, tôi phải sút cho tôi một cái vì đã nói ra cái câu ngu hết sức ấy.
Chị ấy trông bàng hoàng, rồi như chực khóc. Sự bẽ bàng, hổ thẹn và giận dữ hiện lên lồ lộ trên gương mặt chị ấy.
“Không phải việc của cậu!” chị ấy đanh giọng.
Những người xung quanh dáo dác quay lại nhìn tôi đứng như phỗng còn chị ấy thì đùng đùng bỏ đi.
Việc quái gì mà tôi lại phải nói ra cái câu độc địa ấy cơ chứ? Tôi là thằng trẻ con. Trẻ con gấp Santa mấy lần. Rõ ràng là tôi không phải là một thằng chưa từng tiếp xúc với con gái. Tôi đã từng có người yêu. Tôi biết cái cảm giác khi nói ra câu anh yêu em, khi được nghe người ấy nói em yêu anh. Tôi đã từng chia tay và từng bị người khác đá. Nhưng chưa bao giờ tôi làm cái gì ê mặt đến mức này. Khi ở cùng chị Naoki, tôi không thể nói năng nên hồn – không chỉ riêng giọng Kamusari, mà không ra câu chữ ấy.
Hai vai tôi chùng xuống nhìn chị ấy đi xa. Khi sắp sửa bắt đầu xuống núi, Naoki chợt dừng chân và xoay gót. Tôi ngơ ngác trông theo chị ấy quay ngược trở về thẳng tới trước mặt tôi.
“Đây.” Chị giơ cái túi bóng kính đựng cá ra, tôi tự động đón lấy. “Một con là chưa đủ phải không.” Rồi chị quay đi. “Không phải cho cậu. Cho bà Shige.”
Lần này, chị bỏ đi và không trở lại nữa.
Cầm hai túi cá, tôi thì thầm, “Em yêu chị.” Dĩ nhiên là chị ấy không nghe thấy tôi. Tôi nói đi nói lại câu đó với chính mình. Em yêu chị, em yêu chị, Naoki. Chỉ cần Naoki tha thứ cho em, em sẽ không bao giờ khiến chị buồn nữa.
Đó là cảm xúc trong lòng, nhưng trong đầu tôi còn đang mải nghĩ khác: Tao cần cô ấy. Tao cần Naoki. Không chỉ đơn giản ở mức Ở cô ấy có một điều gì đó nữa. Tình cảm và ham muốn bỗng chốc hòa làm một, cả con tim và con cu tôi đều đồng loạt lên tiếng. Em muốn chị. Em muốn chị, Naoki ơi. Ư ư.
Nước đựng trong hai túi cá khẽ kêu lõm bõm.
Tôi thấy thật bất lực. Suy cho cùng trong làng có còn cô nàng trẻ trung độc thân nào nữa đâu. Naoki đối với tôi thật tuyệt vời vì tôi chỉ biết có mỗi mình chị ấy.
Tôi đã định không về nhà vào mùa hè, nhưng sau hôm lễ hội, tôi xin anh Seiichi cho nghỉ vài hôm và được anh đồng ý.
Sau mấy tháng mới gặp lại, mẹ nấu cho tôi gà rán, thịt cốt lết và những món khoái khẩu khác. Hẳn mẹ tôi đã quyết định rằng trong vài ngày tới có thể quan tâm đến thằng con trai nhiều hơn thằng cháu nội một tí.
Cảm giác ngồi bên mâm cơm với bố mẹ thật yên bình. Thời gian sống ở Kamusari chắc đã giúp tôi thoát khỏi cái giai đoạn nổi loạn rồi. Trước giờ tôi vẫn thấy oải khi phải tiếp chuyện với ông bà già, nhưng trong mấy ngày nghỉ tôi có vô vàn thứ để nói. Tôi kể cho họ nghe về những người dân làng, về công việc, về mấy con đỉa. Kể mãi không hết. Mẹ tôi hết cười lại tỏ ra lo lắng, còn ông già, vốn luôn bị mẹ tôi át vía, chỉ bảo rằng trông tôi đã khỏe mạnh hơn.
Tôi đi đến khu mua sắm gần ga Yokohama để tìm một cục pin cho điện thoại của mình. Đoàn người ở đây khiến cho đầu tôi quay mòng mòng, còn lượng hàng hóa được bày bán trên kệ khiến cho tôi chóng hết cả mặt. Còn ở Nhật Bản không vậy? Tôi đã quên mất cuộc sống ở thành phố xa hoa đến mức độ nào.
Tôi đi qua dãy cửa hàng dưới ga tàu điện ngầm trong tâm trạng phấn khởi và bắt gặp một vài đứa bạn cũ từ hồi cấp ba. Người yêu cũ của tôi cũng ở đó. Cô ấy trang điểm, đánh son căng bóng, trông rất xinh. Naoki còn lâu mới mặc áo hai dây.
Khi đó là giờ ăn trưa nên cả bọn rủ nhau đi ăn nui. Ở làng không có những thứ đấy để mà ăn.
“Dạo này làm gì thế Yuuki? Lâm nghiệp á? Hay vậy!”
Bạn bè và người yêu cũ của tôi đều tốt tính. Chúng tôi kể cho nhau nghe về cuộc sống gần đây của mỗi người, nói chung là rất tuyệt vời. Khi phải chào tạm biệt, tôi thấy buồn vô cùng vì biết mình sẽ không gặp lại họ trong một khoảng thời gian dài nữa.
Song vui thế vui nữa cũng không đủ.
Sau hai ngày, tôi bỏ dở kỳ nghỉ của mình và quay lại Kamusari. Tôi không mua cục pin nào cả.
“Ớ sao đấy? Núi rừng gọi chú mày về hả?” anh Yoki cười lớn.
“Cái hồi ở Tokyo, ngày nào anh cũng thấy bứt rứt,” anh Seiichi nở nụ cười thường nhật của mình. “Vào những ngày đẹp trời anh có thể trông thấy dãy núi Tanzawa đằng xa và lại nhớ về núi đồi ở quê. Không biết vạt rừng này đang sinh trưởng ra sao, khi nào thì cây sẽ được đốn hạ.” Không biết anh hiểu tôi rõ tới đâu.
Có điều đối với tôi, thứ gọi tôi trở lại không phải là những ngọn núi. Mà là Naoki. Hoặc Naoki trong tôi cũng như là một ngọn núi vậy: đáng sợ và khó chinh phục, nhưng lúc nào cũng đẹp.
Bà Shige giữ lại hai con cá. Chúng bơi lội thích chí trong cái bể thủy tinh mỏng được anh Yoki mang xuống từ gác xép. Tạm thời chúng sẽ sống bằng đống đồ ăn cho lươn mà chúng tôi còn để lại.
Bà Shige có đặt tên cho chúng không thì tôi không biết. Trong đầu tôi đã dành sẵn một cái tên đặc biệt cho chú cá đỏ, nhưng miễn là tôi còn sống thì tôi sẽ không bao giờ cho ai biết vì nói ra thì ngượng chết.
1 Bình luận