Chờ Đợi Ánh Sáng
Masaharu Masaharu, Eirg, Lém, Sa Lát, Maika...
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

[Phụ truyện 1.5]

#Kenosenger: Sáng tác âm nhạc

0 Bình luận - Độ dài: 2,515 từ - Cập nhật:

Gửi đến toàn bộ thí sinh có mặt trong cổng thảo luận của khu vực một.[note38637]

Tôi mang họ Ishida, tên Kenosenger. Giới thiệu ngắn gọn thế thôi, vì mọi người cũng biết tôi là ai rồi mà.

Đi vào vấn đề chính nhé! Hôm nay tôi sẽ đại diện phía ban giám khảo chia sẻ đôi chút về chủ đề: "Làm sao để sáng tác một bài hát đầy cảm xúc?"

Có lẽ đến đây sẽ có vài người thắc mắc là: 

"Sao chỉ có đôi chút? Người gì mà keo kiệt vậy?"

Đọc tiếp đi nhé, đừng vội đi nói xấu tôi.

   

Thật ra tôi không muốn giấu nghề hay ki bo gì ở đây đâu, sáng tạo nghệ thuật luôn là vô hạn mà. Ai cũng có tư duy âm nhạc riêng, xu hướng phá cách riêng. Thứ tôi chia sẻ chỉ đơn giản là một chiếc bàn đạp, còn đi đến hướng nào đều tùy thuộc vào mỗi bản thể của các bạn.

Giống việc đọc hướng dẫn cách nấu một món ăn ngon, nhưng nếu chưa có kinh nghiệm gì mà bắt tay làm ngay và luôn thì… Dễ hiểu mà, đến chó nó cũng khịt mũi khinh bỉ. 

Hồi nhỏ nhân dịp sinh nhật cha, tôi có thử làm vài chiếc Macarons vị chocolate.[note38638] Rõ ràng tôi làm đúng quy trình lắm, nhưng chẳng hiểu sao lúc mở lò ra thì cảnh tượng y hệt phim kinh dị… Vỏ bánh giòn bị vỡ ra nhiều mảnh, nhân chocolate đặc sệt chảy tràn lan thành vũng lớn… Màu nâu sẫm tiến lên làm chủ không gian. Tuy bây giờ tôi nấu ăn sành sỏi rồi nhưng nghĩ lại vẫn thấy đáng sợ.

Thôi, đi hơi xa rồi. Tôi sẽ tạm dừng việc bẻ lái ở đây và trình bày trọng tâm chủ đề.

Chuẩn bị khai phá tâm hồn nghệ sĩ nào. Dù không hay đã là người có chuyên môn thì cũng hóng tiếp đi nhé, vì tôi không trình bày thuần về kiến thức khô khan mà chỉ nói ngắn gọn về vài tiêu điểm thú vị.

   

#1. Cần chuẩn bị những gì?

Muốn xây nhà thì phải làm móng, muốn trồng cây thì phải gieo hạt. 

Vì thế, điều hiển nhiên cần có chính là: kiến thức nhạc lý ít nhất ở mức cơ bản, khả năng trình bày một bản soạn nhạc hoàn chỉnh,... Ngoài ra còn có những yếu tố quan trọng khác trong việc xây dựng cảm xúc như: cảm hứng và một trái tim nhạy cảm sẵn sàng dung nạp tinh hoa âm nhạc - tinh hoa cuộc đời. Tôi sẽ nói rõ hơn về hai yếu tố này ở bài viết lần sau.

   

Năm nào tôi cũng nhận được mấy câu hỏi dạng: "Sao phải học nhạc lý khi chỉ cần sáng tạo giai điệu rồi ghi âm lại là xong?"

Ừm, nghe hợp lý phết đấy. Nhưng trường hợp này chỉ áp dụng khi tự viết tự nghe thôi. Theo tôi thấy, nếu có mười người làm theo cách đó thì đã có chín trường hợp vô ý đạo nhạc. Không ai trả lời được câu "cả đời bạn đã nghe bao nhiêu bản nhạc?", nhưng vô số bản nhạc đó trong thực tế vẫn lưu lại não bộ của chúng ta.

Khi có sự tùy hứng nổi lên, thông tin về các đoạn giai điệu rời rạc sẽ liên kết ngẫu nhiên rồi tạo nên một đoạn nhạc hoàn chỉnh. Vì là “rời rạc” nên chẳng ai cao siêu nhận ra mình đã sử dụng lại một phần dữ liệu của người khác. Bởi vậy mà có nhiều trường hợp bị bóc phốt nhưng vẫn khăng khăng bảo "đây là tôi tự viết"; mà họ không biết "viết" cũng có hai dạng: viết bằng chất liệu mới và viết bằng chất liệu cũ.

#2. Các yếu tố cấu thành nên cảm xúc trong âm nhạc

Chúng ta chủ yếu đều xác định được tính vui hay buồn từ giai điệu của một bài hát. Nhưng quay ngược lại vấn đề “làm sao để sáng tạo ra giai điệu vui (buồn)” thì khó có thể tìm ra câu trả lời toàn diện. Vì vậy, tôi nghĩ trước hết mình nên bàn về các yếu tố cấu thành nên cảm xúc, nhằm giúp mọi người sáng tạo ra những tác phẩm tâm huyết nhất. 

Đầu tiên tôi sẽ nói bao quát về nhịp độ. Nó thường được tính bằng BPM (nhịp mỗi phút), chỉ số BPM càng cao thì tốc độ chơi các phách sẽ càng tăng lên. Nhịp độ rất quan trọng trong việc hình thành nên cảm xúc và thể loại bài hát.

Vài ví dụ: điệu Waltz[note38639] chuộng từ “85” đến “95” BPM, nhạc Chill-out[note38640] thường được viết trong khoảng “90” đến “120” BPM; đối với các thể loại năng động thì chỉ số BPM cũng cao hơn, như Pop và Rock chủ yếu dao động từ “100” đến 160” BPM hoặc hơn. 

Hầu hết những đoạn giai điệu mang xu hướng trầm lắng sẽ có nhịp độ chậm hoặc rất chậm, và đối với xu hướng mãnh liệt thì ngược lại. Việc chọn nhịp độ bao nhiêu đều tùy thuộc vào mức độ tâm trạng của các bạn chứ tôi không có ý kiến gì nhiều đâu. Hình dung thế này, nếu đối tượng đang là bài hát về tiếng lòng than trách từ một cô gái mới thất tình; mà bạn lại là con người theo chủ nghĩa mạnh mẽ - không thích kêu than, thế thì làm sao? Thì chỉnh BPM nhảy vọt chứ sao nữa. Tôi đảm bảo, nó sẽ từ bản tâm sự trở thành bài tấu chửi rủa, dằn mặt hết hai mươi đời tổ tông nhà thằng người yêu cũ. Đùa thôi, nội dung thì vẫn tùy thuộc nhiều vào lời hát và cách hát, việc tăng nhịp độ đơn giản chỉ giúp bản nhạc có thêm tính mãnh liệt hơn.  

Thế nhé, bây giờ chuyển sang mục kế tiếp nào. 

   

Thứ hai, một trong những việc cần làm ngay và luôn khi bắt đầu viết nhạc chính là xác định nhịp, phần này khá đơn giản. Tôi sẽ đề cử ba nhịp thông dụng là: “4/4", “3/4" và “6/8”.

“4/4” (ký hiệu bằng C) là nhịp phổ biến nhất, các bạn có thể áp dụng nhịp này cho đa thể loại bài hát - dù là buồn đến đâm đầu xuống thung lũng hay vui đến úp mặt lên trần nhà. Thông thường thì các bản rock, pop, blues[note38641] rất hay sử dụng nhịp này. 

Đối với “3/4" thì sẽ thích hợp với phần lớn các bài hát có giai điệu nhịp nhàng, trầm bổng du dương. Điển hình là nhịp này được sử dụng rộng rãi trong các điệu khiêu vũ: Waltz, Polonaise, Minuet,...[note38642] Ta cũng có thể tìm được nó trong rất nhiều bản giao hưởng, và cả các thể loại khác.

Nói về “6/8”, đây là nhịp tôi yêu thích nhất - đặc biệt đối với điệu Slow - bởi vì bản thân tôi có thể tận dụng linh hoạt cảm xúc khi bám sát nó. Các bản nhạc được viết trong “6/8” phần lớn đều mang âm hưởng hoài niệm, uyển chuyển, nhịp nhàng. Nhịp này có thể được tìm thấy rộng rãi trong đa thể loại như: pop, rock, dân ca, trữ tình,...

Một bản nhạc thì không có cố định về nhịp, nếu có nhu cầu thì chúng ta vẫn sử dụng linh hoạt các nhịp được. Nhưng muốn chuyển nhịp cũng cần phải có nghệ thuật, bảo đảm được hai tiêu chí: liên kết và tương phản. Nếu không liên kết thì xem như ta đã chặt đôi bản nhạc của mình, và nếu không có tương phản thì việc chuyển nhịp xem như công cốc. Thay đổi mà không có điểm gì đặc biệt hơn thì thay đổi làm gì? Vì thế, khi muốn biến đổi nhịp thì bạn hãy sáng tạo làm nhấn mạnh hoặc đảo chiều những cung bậc cảm xúc, hoặc cung cấp nhiều chất xám hơn cho việc làm mới giai điệu. Vòng vo thế thôi, chứ bản nhạc viết theo một nhịp vẫn dễ dàng tạo sức nóng mà! (Nếu bạn viết hay, dĩ nhiên).

Đó là kết thúc sơ lược về nhịp, bây giờ đến với phần mấu chốt nhé. 

   

Cuối cùng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc định hình hoàn chỉnh cấu trúc một bản nhạc - hợp âm, ta cũng có thể đánh giá được năng lực của người viết thông qua cách họ sử dụng linh hoạt tiến trình hợp âm. Hơn nữa, việc tác phẩm có độc đáo hay không cũng phụ thuộc phần lớn vào sự luân chuyển nhịp nhàng - sáng tạo trong yếu tố này.

Nếu đào sâu về cách nhận biết và chọn hợp âm cho giai điệu thì bài chia sẻ này là không đủ, vì thế tôi sẽ chỉ nói về vấn đề chính - “hợp âm và vận hành cảm xúc”.

Thông thường (chỉ là “thông thường”, vì có vô số trường hợp ngoại lệ khác) người ta vẫn cho rằng các hợp âm trưởng (Major) sẽ thiên hướng năng động. Ngược lại, các hợp âm thứ (Minor) lại mang nặng về tâm trạng.  

Có thể tìm những bài nhạc chúc mừng, hay những bài nhạc thiếu nhi làm điển hình cho thông tin này - đa phần chúng đều được viết trong hợp âm trưởng, vui tươi, hồ hởi. Hoặc tìm những bản giao hưởng buồn - nơi có rất nhiều đoạn giai điệu viết trên nền hợp âm thứ. 

Đến giờ vẫn chưa có lời chứng minh xác thực hiệu ứng cảm xúc này là chính xác, các bạn có thể xem đây là một trong những bản năng cảm thụ âm nhạc của con người cũng được. Nhưng nếu bàn về khía cạnh tâm lý thì vẫn có vài lời giải thích được cho là hợp lý: ví dụ hợp âm C trưởng  được hợp thành từ ba nốt C - E - G, nhưng hợp âm C thứ thì lại hợp thành từ C - D# - G. Khác biệt ở hai nốt D# - E lệch nhau nửa cung. Nhưng nốt D# lại gần hơn với vị trí nốt chính C, cách biệt tần số do đó cũng được rút ngắn hơn so với nốt E và C. Chính xê dịch đã gây ra hiệu ứng tâm lý “bất hòa”, khiến người nghe mang theo cảm giác thiên hướng nặng nề hơn khi nghe các hợp âm thứ. 

Đã tìm hiểu về hiệu ứng tâm lý thì hãy biết luôn về Dominant seventh chord[note38643] nhé. Đây là một loại hợp âm với một nốt phụ thêm vào. Khác với hợp âm thứ mang theo cảm giác nặng nề thì âm át bảy lại kéo đến nhiều năng lượng tích cực hơn. Chính vì thế, nếu muốn bài hát có cảm xúc tăng tiến theo chiều dọc thì các bạn có thể tìm hiểu về Dominant seventh chord. 

Những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, trên thực tế ta vẫn cần phải vận hành - đan xen mọi loại hợp âm sao cho phù hợp, thật không nên viết một bản nhạc hầu hết chỉ sử dụng hợp âm trưởng hoặc ngược lại. Giống như làm bánh Madeleine[note38644], gọi là bánh bơ ngọt nhưng khi làm vẫn phải bỏ vào một phần muối và cà phê đấy thôi. Sở dĩ liên tưởng đến Madeleine là do tôi vừa dùng tráng miệng món đó ở nhà hàng Azure; không phải quảng cáo gì, nhưng các bạn nên ghé qua đây ít nhất một lần: đảm bảo ngon tuyệt mà giá cả cũng phải chăng. 

   

Đến đây là kết thúc về các yếu tố cấu thành nên cảm xúc trong âm nhạc. Hy vọng các bạn sẽ có thể viết ra những đoạn giai điệu bộc bạch nỗi lòng. 

Dung lượng có hạn, chúng ta tạm chia tay nhé, hẹn gặp mọi người ở bài chia sẻ thứ hai! 

   

----------------------------

   

[Bình luận của các thí sinh]

   

Soma đã bình luận: Mấy bồ, có ai liên tưởng đống Macarons vị chocolate kia thành bãi *** trâu không? Hãy nói là tôi không cô đơn đi! [cười thân thiện]

     Naiya đã trả lời: *** là gì? Tôi thì thấy nó giống như thứ dùng để nuôi lớn cây trồng đấy.

     Yohiko đã trả lời: @Naiya, thứ dùng để nuôi lớn cây là gì? Là nước sao? (Tôi thì thấy nó giống sản phẩm cuối của quá trình tiêu hoá.)

     Jocasta đã trả lời: Mấy người có biết mình đang đề cập đến cùng một thứ không vậy? [quan ngại]

   

Angela đã bình luận: Hên là giám khảo Kenosenger chỉ viết “sơ lược”, có nhồi thêm thì mấy bồ cũng chẳng quan tâm chủ đề chính. [cười thân thiện]

    

Aoi đã bình luận: Đổi tên tiêu đề cho hợp đề tài đang bàn luận nha giám khảo @Kenosenger. [thả tim]

   

[Kenosenger đã khóa bình luận cho bài viết này]

[Ayame đã mở bình luận cho bài viết này]

   

Ayame đã bình luận: @Kenosenger, làm gì mà không cho thí sinh người ta phát biểu ý kiến? 

    Kenosenger đã trả lời: Sao cái từ “ý kiến” giờ được mở rộng nghĩa ghê vậy? Nhân tiện chị nhấp thêm một trăm cái biểu tượng cười lăn lê bò lết đi. Em hiểu chị luôn thấy vui khi em bị đem ra tấu hài mà, không cần giả vờ nghiêm túc đâu.

    Ayame đã trả lời: Rồi nhà hàng "giá cả phải chăng" là gì nữa? Lỡ như mấy thí sinh đến gọi món mà không đủ tiền thì cậu bao nhé, khách V.I.P năm sao @Kenosenger?

    Kenosenger đã trả lời: Chị đừng lái qua chủ đề khác chứ? 

    Soma đã trả lời: Vậy anh có bao không giám khảo @Kenosenger? Em và mấy thí sinh khác thấy anh giới thiệu hay quá, lỡ tay đặt chỗ rồi. Bây giờ hủy chỗ thì mất cả hình tượng của tụi em. [Hình ảnh]

    Kenosenger đã trả lời: Bao thì bao, xem như là quà cho sự cố gắng của mọi người. 

    Naiya đã trả lời: @All, mau vào đặt chỗ đi bà con, nếu cần thì liên hệ tôi hoặc Soma đặt giúp nhé! 

    Ayame đã trả lời: Mọi người phải cảm ơn tôi trước nhé!

    Kenosenger đã trả lời: Mấy người ủ mưu hại tôi đấy à?

   

Haruka đã bình luận: Thế có bạn nào sáng tác thử chưa? Tôi thì chưa vì đang bận cười mệt quá. 

     Juliet đã trả lời: Anh thì bận cười, còn mọi người thì bận đi ăn nhà hàng năm sao rồi.

Ghi chú

[Lên trên]
(Nơi thảo luận riêng tư chỉ bao gồm thí sinh và các giám khảo)
(Nơi thảo luận riêng tư chỉ bao gồm thí sinh và các giám khảo)
[Lên trên]
Macaron là một loại bánh ngọt của Pháp; được làm từ lòng trắng trứng, đường bột, đường hạt, bột hạnh nhân, màu thực phẩm,... có nhiều hương vị khác nhau.
Macaron là một loại bánh ngọt của Pháp; được làm từ lòng trắng trứng, đường bột, đường hạt, bột hạnh nhân, màu thực phẩm,... có nhiều hương vị khác nhau.
[Lên trên]
Waltz là một loại nhạc khiêu vũ xuất phát từ châu Âu.
Waltz là một loại nhạc khiêu vũ xuất phát từ châu Âu.
[Lên trên]
Chill-out trong âm nhạc là một thể loại nhạc có nhịp độ chậm rãi, tạo cho người nghe cảm giác thư thái, dễ chịu.
Chill-out trong âm nhạc là một thể loại nhạc có nhịp độ chậm rãi, tạo cho người nghe cảm giác thư thái, dễ chịu.
[Lên trên]
Nhạc Blues có nguồn gốc từ những điệu dân ca của miền tây Phi Châu, được mang rộng rãi sang các vùng đất mới - đặc biệt là Hoa Kỳ.
Nhạc Blues có nguồn gốc từ những điệu dân ca của miền tây Phi Châu, được mang rộng rãi sang các vùng đất mới - đặc biệt là Hoa Kỳ.
[Lên trên]
Polonaise có nguồn gốc từ Ba Lan và Minuet có nguồn gốc từ Pháp.
Polonaise có nguồn gốc từ Ba Lan và Minuet có nguồn gốc từ Pháp.
[Lên trên]
Âm át bảy ưu thế
Âm át bảy ưu thế
[Lên trên]
Madeleine (bánh sò) là một món bánh truyền thống của Commercy và Liverdun - hai xã thuộc Lorraine, khu vực Đông Bắc nước Pháp.
Madeleine (bánh sò) là một món bánh truyền thống của Commercy và Liverdun - hai xã thuộc Lorraine, khu vực Đông Bắc nước Pháp.
Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận