Phụ chương: Những câu chuyện bên lề (Autospy Revolution)
Hội chứng châu Á
0 Bình luận - Độ dài: 2,074 từ - Cập nhật:
Tháng Bảy.
Thời điểm mà Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao trào của đợt nắng nóng cục bộ. Gần như năm nào cũng như vậy, bắt đầu từ thập niên 2010, những chiếc điều hòa luôn đạt công suất tối đa để phục vụ các gia đình. Âm thanh ù ù đặc trưng của hàng trăm cục nóng hợp lại, kèm theo những đợt mất điện kéo dài trong nhiều giờ đã sớm trở thành chuyện thường ngày ở thành phố đông đúc dân cư này.
Nguyễn Phạm Gia Phú, khi này mới có hai mươi tuổi, đang hớt ha hớt hải chạy lên tầng trong một khu tập thể được xây dựng từ thời bao cấp. Cùng với đó là một lưng mồ hôi, ướt đẫm đến mức có thể nhìn xuyên qua được lớp áo sơ mi anh đang mặc. Tay trái chàng trai cầm điện thoại, còn tay phải thì cầm một bao tài liệu bằng giấy.
Đôi chân dài của Phú tì chặt và leo lên những bậc thang bằng đá cũ kĩ, vài chỗ còn xanh ngắt một màu rêu. Nhiều năm chung sống với môi trường ẩm thấp, mục nát và đầy mùi ẩm mốc này đã tạo cho anh ta một điểm tựa về thể chất vững chắc. Thoắt cái, anh đã leo đến tầng cao nhất của khu tập thể, tầng năm.
Ở chung cư tập thể này, số nhà là thứ không hề tồn tại. Để có thể phân biệt được, mỗi gia đình thường đóng thêm một tấm bảng ghi tên chủ hộ, tạo nên sự độc đáo không thể lẫn đi đâu được. Chính vì bởi điều này nên người ta rất khó để có thể lần ra sai nhà, trừ phi say rượu hoặc đang trong trạng thái bất ổn. Nhưng đối với nhà của Phú thì khác…
Phú đứng trước cửa căn hộ của mình hồi lâu, nuốt nước bọt cái ực đầy sợ hãi. Không giống những nhà bên cạnh, nơi gia đình Phú sống không hề có một tấm bảng nào để hiển thị cả; thay vào đó, chỉ có dãy số 503 được vẽ lên bằng sơn xịt nhằm ám chỉ vị trí của căn hộ. Chàng trai trẻ cứ tần ngần mãi trước cánh cửa bằng gỗ lim đã tồn tại lâu hơn cả anh, trên bề mặt có chút nứt nẻ do thời gian. Rõ ràng, anh không hề mệt vì phải chạy nước rút từ lầu một lên lầu bốn, mà bởi chính thứ đằng sau vẻ yên ả đến lạ thường này.
“Mày đang làm cái quái gì đấy? Vào nhà ngay đi!”
Bỗng nhiên, từ ô cửa sổ được chăng lưới sắt, một giọng ồm ồm vang lên. Phú hoảng hồn, quay sang thì thấy một ông già tóc bạc phơ, đeo kính lão với dáng vẻ không mấy thân thiện cho lắm. Không ai khác, đó chính là thân phụ của Phú, người hiện tại đang là giáo sư ở một trường đại học thuộc hàng nhất nhì Thủ đô. Anh vội vàng đáp lại.
“Vâng thưa bố, con vào nhà ngay đây. Nãy con đứng ngoài này hít thở một chút thôi.”
Dứt lời, cậu chàng vặn nắm đấm cửa, cởi bỏ đôi giày da của mình rồi bước vào bên trong.
Hồi ức của những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt như ùa về trong tâm trí Phú. Một bộ bàn ghế cũ kỹ với ấm nước chè và phích giữ nhiệt, đảm nhiệm cả nhiệm vụ tiếp khách lẫn làm nơi ăn uống. Ngoài ra, một căn bếp cấu thành từ hai bếp điện và một máy hút mùi cũng được đặt ngay cạnh đó. Phía sâu bên trong, chiếc máy thu hình loại Trinitron thô kệch, lạc hậu so với xu thế hiện nay vẫn đang phát bản tin thời sự buổi trưa. Nếu so với thời điểm mà những vật dụng này ra đời thì ai cũng phải thừa nhận rằng, gia đình Phú là hạng khá giả, song đến bây giờ thì vị trí đó đã rơi tõm xuống đáy xã hội.
Những hơi thở khó nhọc cứ đẩy Phú lại chiếc bàn mà bố anh đang ngồi hút xì gà. Anh nhẹ nhàng đặt tập tài liệu lên, mở nó ra và cho ông bố thấy nội dung trong tờ giấy.
“Thì… như bố có thể thấy đấy, con được điểm khá cao trong chứng chỉ Anh ngữ quốc tế, tận tám chấm năm lận.”
“Ờ hớ, cứ để lên bàn đi.”
Ông cụ thân sinh ra Phú làm một hơi xì gà rồi cầm tờ giấy. Sau một hồi gật gù, ông rút ra kết luận về trình độ của con trai mình, khiến nụ cười trên môi nó vụt tắt.
“Hơi non. Mà tao nói mày nghe nhá, mày cứ thích đi học mấy cái trường đại học liên quan đến ngoại ngữ làm quái gì, sau này có thi đỗ nổi công chức trong nhà nước không? Có chăng từ xưa tao đã luyện cho não của mày biết tính toán, thì giờ có phải tốt hơn không?”
Nghe thấy thế, Phú điên lắm. Bởi lẽ, anh đã chọn đúng ngành, đúng năng lực của mình rồi, nhưng lại không hề được gia đình - hay chính ông bố ủng hộ. Xưa giờ, do ý thức được sự thiếu thốn cả về tình cảm lẫn vật chất, Phú đã gạt nỗi đau mất đi mẹ do tự sát mà chuyên tâm học hành. Song, chỉ vì không đáp ứng hai điều kiện mà anh phải tự cõng trên vai khoản học phí cao ngất ngưởng: học tiếng Nga và vào chuyên ngành Toán học thuộc một trường đại học chuyên về khoa học tự nhiên, mà bố anh chính là trưởng khoa.
Bản thân ông cụ thân sinh của Phú rất giỏi giang, nhưng lại sở hữu tính cách và lối suy nghĩ của một gã điền chủ phong kiến. Ông luôn muốn có hai đứa con để phân nhánh vào nhà nước làm, nhưng cuối cùng lại chỉ có Phú là è cổ ra cõng chúng trên lưng. Mặc cho thằng con độc nhất có giải thích bao nhiêu lần về cái lợi khi làm cho nước ngoài, bố của Phú vẫn một mực ép con phải đi theo con đường mình đã vạch sẵn.
Tuy nhiên, tính ra thì Phú cũng đâu phải một cái máy chỉ biết tuân lệnh. Anh hoàn toàn hiểu tài năng và tương lai của mình sẽ sụp đổ thế nào nếu cứ chạy theo vạch kẻ đó. Một con người trưởng thành và sống tự lập có tới bảy phần là trải đời và tự quyết định, ba phần còn lại là nhờ chỉ bảo. Thiếu điều Phú lại không có thiên phú về toán học, mà chỉ có năng khiếu về ngôn ngữ và văn thơ, nên việc ông bố tỏ ra gắt gỏng với anh là hoàn toàn dễ hiểu.
“Thiết nghĩ, tao nên đuổi phứt mày ra khỏi nhà đi cho rồi. Nuôi cho mập cái thây ra rồi cứ cãi nhem nhẻm.”
Quay trở về với thực tại phũ phàng, bố của Phú vẫn liên tục ca thán về thằng con mà ông cho là “vô tích sự” và “hư hỏng” này. Tất nhiên, thế giới này chả bao giờ có sự công bằng cả, chỉ có kẻ mạnh và kẻ yếu thôi. Và vì thế, Phú chẳng còn cách nào khác ngoài vùng lên đòi quyền cho bản thân.
“Ô hay, bố buồn cười thế nhỉ! Vốn dĩ con đã không có năng khiếu về toán học rồi mà bố vẫn cứ cố gắng ép con vào đấy, đến mức suýt đi nhảy cầu. Nếu thế thì phân luồng các ban bệ để làm gì, vứt vào sọt rác sao? Hơn nữa, bây giờ con hai mươi tuổi đầu rồi, có còn bé bỏng gì đâu mà phải làm khó đến vậy?”
Nhưng ngay lập tức, anh đã bị phụ thân dí thẳng điếu xì gà đang cháy lên trán, gây bỏng rát và phồng rộp. Chưa dừng lại tại đó, ông ấy còn bồi thêm vào má Phú một cú tát trời giáng và lời chửi rủa.
“Ranh con nứt mắt đã đi cãi bố cãi mẹ! Nói cho mà biết, người Pháp có câu: ‘Thằng nào chi tiền, thằng đấy làm chủ’, ấy vậy mà mày suốt ngày la hét như cha chết! Dù thế nào đi chăng nữa, mày vẫn là con của tao, nghe rõ chưa hả, đồ láo toét!”
Biết rằng mình không hề có vai vế gì trong cái gia đình này, Phú chỉ đành cúi đầu cun cút, nghe ông cụ thân sinh liên tiếp chửi. Anh chỉ muốn khóc cho số phận vì sinh vào nhầm cái gia đình tan nát và thiếu đi hạnh phúc này.
Và từng ngày như thế, rồi từng ngày như thế.
Phải tới hơn một tiếng sau thì Phú mới nghe xong “bài ca” do ca sĩ là ông bố biểu diễn. Mệt mỏi, chán nản và tuyệt vọng, Phú quay gót vào phòng. Thấy vậy, bố của anh liền gầm lên một câu nữa.
“Thôi được rồi, tao sẽ cho mày tiếp tục học theo cái đam mê, nhưng tới khi tốt nghiệp thì phải gia nhập quân ngũ. Chỉ có thế mới rèn được ý chí và con người thôi, chứ chơi với bọn Anglo-Saxon thì hỏng hết bánh kẹo. Nếu mày không chịu thì trong gia phả sẽ không bao giờ tồn tại cái tên Nguyễn Phạm Gia Phú. Còn giờ thì cút!”
Đó không phải là lời đe dọa đơn thuần. Bố của Phú là con trai trưởng, là người nối dõi cả tông đường gồm vài trăm họ hàng, đông như quân Nguyên. Khi nghĩ tới những áp lực lớn không thể tưởng tượng nếu mình bất tuân mệnh lệnh, Phú chỉ biết nắm chặt tay và chấp nhận một cách vô thức.
Trong căn phòng mà mình đã gắn bó kể từ mới lọt lòng, Phú khóa trái cửa lại rồi thất thần nhìn xung quanh. Một cái bàn máy tính dán chằng chịt những tờ giấy nhớ, trên tường đóng khung đầy những chứng chỉ ngoại ngữ và giấy khen qua mười hai năm học. Bên cạnh ấy là cái giá chứa hàng trăm đầu sách được viết bằng tiếng Anh, Nhật, Trung và Ả rập. Phú quăng mình lên chiếc giường đóng từ tre ở phía sau, tay cố gắng che hai hàng lệ đang rỏ từ đôi mắt đen tuyền.
“Tối nay lại phải đi làm chứ nhỉ, tháng nay học phí tăng lên rồi.”
Lời tự nhắc cất lên giữa tiếng nấc của chàng trai trẻ. Một bóng đêm hiện lên giữa mớ bòng bong trong tâm trí của Phú, chiếm lấy và gây tổn thương anh bằng những nhát dao tẩm thuốc độc.
“Ước gì mình không hề tồn tại trên đời này nhỉ?”
“Mất thật rồi, tôi đã đánh mất tất cả thật rồi!”
Hàng tá suy nghĩ huyễn hoặc nhảy lên với nhịp trăm lần một giây. Và rồi, những thứ ấy vỡ tan ra như bong bóng mưa.
“Giờ mới nhớ, mình thương mẹ thật đấy.”
Phú ầng ậng trong dòng nước mắt. Anh vẫn còn nhớ như in hình ảnh phụ mẫu của mình treo cổ ngay giữa phòng khách, trong đôi mắt của một đứa trẻ mới học lớp bốn. Đó thật sự là cú sốc đầu đời, ảnh hưởng mãi đến lòng tin của Phú vào người cha ruột. Liệu một đứa trẻ châu Á có xứng đáng để nhận lấy pha trầm cảm này?
Không được khóc, không được khóc nữa, Phú thầm nhủ. Anh ngồi dậy và nhìn ra phía cửa sổ. Bên ngoài, phố phường đã dần nhộn nhịp, các dòng xe cũng dần đổ xô từ những phần còn lại của Hà Nội. Phú vẫn trơ người ra ngồi nhìn cái cảnh tượng ấy, suy nghĩ về quãng đời còn lại của mình. Mặc ai nói chàng trai non nớt, yếu đuối và ủy mị tựa thiếu nữ, anh vẫn khóa trái tim sâu trong lồng ngực mình.
Rồi những giọt nước bất chợt bay vào phòng, tựa ngọc lệ trời trao. Hôm ấy, Hà Nội có cơn mưa mùa hạ.
0 Bình luận