The Third Booklet: Sha'abiyya
Chương 24: Rắc rối đầu tiên
0 Bình luận - Độ dài: 2,039 từ - Cập nhật:
Trong căn hộ chật hẹp của mình, tay ký giả Nguyễn Phạm Gia Phú nhìn chằm chằm vào chiếc vali trống rỗng.
“Hừm, mình nên mang theo thứ gì khi về nước nhỉ?”
Anh ta nhìn quanh một lượt căn nhà của mình. Một thành trì ấm cúng, nơi đã diễn ra bao kỷ niệm vui buồn, nay lại phải xa cách một thời gian. Thật là khó khăn, song cũng quá dễ để dứt khoát ra đi. Nhưng dù gì đi nữa, khi đem ra để so sánh thì Phú cũng chỉ đi có tầm tháng thôi, ngang với mấy chuyến đi chiến trường khói lửa rực trời ở Uông Vệ à. Vì thế nên cũng chẳng cần phải lưu luyến quá mức.
Trở về với thực tại, điều mà Phú nên, cũng như cần phải quan tâm nhất là hành lý. Nó không được quá cồng kềnh, nhưng cũng không được quá ít đồ. Nếu mang quá nhiều thứ, nó sẽ làm Phú dễ bị nghi ngờ hơn ở cửa kiểm tra an ninh. Nhà tình báo nào lại muốn mình bị lộ thân phận tại một chốn đông người đến vậy, đã thế còn công khai nữa chứ? Nhưng nếu mang thiếu đồ thì sẽ là một rắc rối lớn, vì có rất nhiều thiết bị đang cần được đem về cho Tổng cục Tình báo. Vậy thì phải làm sao? Tất nhiên là tìm ra giải pháp hợp lý nhất rồi.
Phú nhìn đồng hồ rồi thở dài.
“Bây giờ là mười một giờ đêm. Vậy là từ giờ đến hai giờ sáng, mình còn ít thời gian để chuẩn bị đồ đạc.”
Đúng, nếu không hoàn thành trong thời gian quy định, chàng trai của chúng ta sẽ phải bù lại bằng việc phóng xe như con thiêu thân trên đường. Mà dục tốc thì bất đạt, lỡ không may có tai nạn thì coi như xong, đi luôn chuyến về thăm mẫu quốc kèm theo vài tuần trong bệnh viện. Để hạn chế viễn cảnh đó xảy ra, chắc chắn Phú cần phải nhanh tay nhanh mắt.
Ba, hai, một, bắt đầu!
Chàng trai mở bung hai cánh tủ, chọn ra những bộ đồ theo tiêu chí “đẹp nhất, tiện nhì, lịch sự thứ ba”. Nhưng thực tế phải xoay ngược lại. Phú ưu tiên cho những bộ vest, vì đó là trang phục đi làm của anh. Dù có cheo veo giữa cột cờ thẳng đứng, đắm mình trong bom đạn hay kẹt cứng giữa một buổi tiệc, chiếc sơ mi trắng và áo khoác ngoài luôn bên cạnh Phú. Chưa kể lần trở về này sẽ có chỉ dụ xuống tổng cục làm việc, nên càng phải mặc chúng cho phải phép.
Ngoài ra. là một tay nhà báo luôn tung hoành ngang dọc, Phú rất tin tưởng vào những món phụ kiện như túi đeo chéo, bút bi hay chiếc đai đa dụng. Không chỉ là công cụ để đồ, chúng còn có tác dụng tô điểm cho cái danh và cái phận của chàng ta nữa. Bởi vậy nên chúng, cùng với những cái áo bốn túi được chọn.
Và cái đẹp mới là tiêu chí chót bảng. Gia Phú là một con người sống đơn giản, không màu mè mấy. Anh có thể mặc một chiếc áo phông ghi dòng chữ “tôi yêu Hải Mộ” trên nền cam rồi thơ thẩn trên nóc một tòa nhà không chút ngại ngần. Chẳng cần những bộ cánh kiêu sa, lộng lẫy như trên màn ảnh, ta vẫn có thể sống đời tươi đẹp như thường. Đương nhiên, với cái phong cách ăn mặc như vậy thì Phú chỉ cần lấy vài chiếc áo phông in họa tiết đơn giản là đã đáp ứng rồi.
Nhét xong đống đồ vào chiếc vali đầu tiên thì một tiếng cũng đã trôi qua. Phú thấy vậy thì bèn chuyển sang đống đồ nghề của mình, những thứ quan trọng hơn mớ vải vụn kia rất nhiều. Nhìn quanh một lượt, dễ thấy có nhiều món đồ độc lạ. Nào chiếc máy ảnh chụp đa góc ngụy trang trong lớp vỏ Kodak, kia chiếc bút có gắn cả micro lẫn ống kính, tất cả đều được lượm. Mở thêm chiếc hòm sắt dưới gầm giường thì còn có một máy làm giả tài liệu. Nó có to và nặng như một chiếc máy Enigma, nhưng lại có một khe để nhét giấy vào. Nhưng từ khi cơ quan cũng được trang bị máy nên Phú nghĩ không cần phải mang theo cho nặng. Anh chỉ đơn giản là gỡ chiếc ổ cứng rồi bọc chống sốc lại.
Tới chiếc máy tính xách tay thì Phú có vẻ hơi ngán ngẩm. Nó vốn dĩ là thiết bị chính, đảm nhiệm cả lưu trữ, làm việc và giải thuật toán . Phải nhớ rằng chỉ nó mới có quyền năng xóa dữ liệu trên tất cả các thiết bị của Phú. Nhưng cái dở ở đây là đôi lúc nó sẽ tự tiện xóa một vài dữ liệu, có thể là không quan trọng. Một điều thật điên rồ làm sao, Phú chán nản nhìn vào nó. Tại sao một thiết bị dành riêng cho điệp viên, mang trong mình khả năng kiểm soát, sao chép và bảo mật hàng đầu lại có thể xảy ra lỗi ngớ ngẩn đến vậy? Bộ những nhà nghiên cứu không nghĩ đến công lao vất vả của những nhà tình báo hay sao? Dù sao thì đây cũng là trang bị tiêu chuẩn của điệp viên, thành ra ai cũng phải biết cách khắc phục thôi. Để tránh bị an ninh sân bay nhắc nhở, Phú tháo pin của chiếc máy và đặt nó sang một bên. Đồng thời đó cũng là cách để tránh máy tự xóa bộ nhớ.
Chuyển sang chiếc máy tính dự phòng. Đó là một chiếc hộp bằng nhôm nguyên khối, to và dày bằng một cuốn từ điển. Công dụng của nó cũng khá đơn giản, làm thiết bị dự phòng trong trường hợp chiếc máy kia bị đánh cắp. Và giống với chiếc máy kia, nó cũng có vấn đề tương tự. Phải, pin của cỗ máy giải toán này nằm sâu bên trong máy. Khốn nạn làm sao khi tối nay Phú phải viết báo trên chiếc máy này, rồi quên mất rằng bản thân cần sao lưu cho máy chính. Ngộ nhỡ nó tự xóa trên đường bay thì sao, ai có thể cứu cho kịp.
Câu trả lời là chẳng có ai cả. Tự Phú sẽ phải cứu lấy chính mình. Đó là nguyên tắc.
Nhìn lên đồng hồ thấy chỉ còn một tiếng nữa, Phú biết mình không còn nhiều thời gian. Anh nhanh chóng lấy bộ tua vít đa năng ra và bắt đầu mày mò. Trước mắt chàng nhà báo lúc này là một chiếc hộp kim loại có bốn cái đế bị lật ngửa.
“Chết tiệt, miếng đệm cao su này gỡ kiểu gì ra bây giờ? A, phải rồi…”
Như có dòng điện chạy qua, Phú vội mở điện thoại. Anh lục tung từng tệp tin trong bộ nhớ điện thoại, hy vọng mình sẽ tìm thấy bản sơ đồ sửa chữa. Năm phút trôi qua, mọi thứ không như ý. Mười phút trôi qua, vẫn là như vậy. Mười lăm phút băng qua như chó chạy ngoài đồng, chẳng thấy gì sất. Phú bĩu môi, khuôn mặt tỏ vẻ rầu rĩ đến cùng cực. Tại sao lại không tìm thấy cái sơ đồ của nợ đó, anh gào thét trong nội tâm. Nhưng rồi anh nghĩ lại, phải cố tìm ra bằng được, không thì chỉ có nước viết lại bài.
Và ở phút thứ hai mươi, điều kỳ diệu đã đến. Một tập tin viết bằng tiếng Hán Âm Phủ với bìa minh họa “trông có vẻ” giống với chiếc máy của Phú hiện lên. Nghĩ rằng chẳng còn gì để mất, Phú bấm vào luôn. Đúng thật, đó chính là sơ đồ kỹ thuật của máy tính, phiên bản dành cho chuyên viên kỹ thuật!
Rồi đùng một cái, sự khốn nạn hiện lên trước mặt Phú. Vì là phiên bản chuyên biệt nên mọi chữ số đều bị mã hóa trong sơ đồ. Nhìn những dòng chữ lẫn lộn, tưởng chừng như vô nghĩa, Phú thộn mặt ra. Nhưng bằng mọi giá, anh buộc phải tháo cục pin trong máy ra.
Lấy chiếc bay gạt nhẹ bốn miếng cao su, Phú chầm chậm xoáy từng ốc vít và đặt nó vào một chiếc khay. Nhưng khi chuẩn bị cạy mở, mắt chàng trai đã nhìn vào điện thoại, và trong đó là hình ảnh của một cái gioăng. Mặc dù không biết mình đã làm đến bước bao nhiêu, cũng như đã đủ hay chưa, song trực giác vẫn mách bảo Phú chú ý đến nó. Một cách nhẹ nhàng, anh ta cấu nhẹ vào phần cao su ẩn trong rãnh, sau đó lấy cả hai tay kéo ra. Thế là đã xong phần mở đầu. Bảng mạch hiện ra trước mắt Phú như một kỳ quan. Những đường mạch hằn trên phần chất nền màu đen, đi theo hàng lối đã được định sẵn. Các tụ điện nối đuôi nhau cạnh đường mạch như xe hơi trên đường phố, nom rất ngộ nghĩnh. Nhưng đó chỉ là những vật cơ bản. Các bảng mạch rời - thứ kiến tạo nên sức mạnh tính toán được kết nối bằng dây cáp phủ khắp bề mặt mạch chính. Chúng có đầy đủ các hình dạng, từ ô vuông cho đến mũi tên, xếp theo một thứ tự mà nếu nhìn qua có thể gọi là kiệt tác.
Tuy nhiên, đó không phải điều Phú quan tâm lúc này. Anh chú tâm nhìn vào các dòng chữ trắng in trên bảng mạch. Bộ xử lý trung tâm nằm ở chính giữa, đậy lại bằng một cái nắp nhựa đen bóng, xinh xinh. Bộ nhớ thì cũng được tích hợp vào trong đó nên khỏi cần phải tìm, nhưng ổ cứng thì lại có thể tháo rời được. Để cho chắc ăn thì Phú quyết định để nó ở nguyên đấy, không đả động gì thêm.
Ở cuối chiếc máy là một cục đen thùi lùi, bọc trong lớp nhựa trắng. Lúc này thì Phú đã dám chắc đây là pin rồi. Tay anh chậm rãi sờ vào nó. Và đùng thêm cái nữa, một dòng điện chạy qua khiến anh giật bắn người. Cảm giác đau đến điếng hồn đi dọc qua xương sống Phú, làm anh chàng mất tới năm phút để định hồn lại.
“Thì ra đây là tính năng bảo vệ mà họ giới thiệu trước lúc mình đi.”
Gia Phú bật cười. Giờ vấn đề của anh là cách tháo cục pin quái quỷ này ra. Nhưng khổ nỗi, cứ mỗi lần chạm vào, dù là nhẹ nhất cũng đều bị giật. Hết cách, Phú đành phải đeo găng tay. Anh cười trừ.
“Nào, ta cùng tháo pin.”
Viên pin được nhấc lên một cách từ từ, chậm rãi. Mọi thứ đều diễn ra rất nhịp nhàng, cho đến khi…
“Thôi xong rồi.”
Một tiếng tạch rõ to phát lên từ trong máy. Phú hoảng hồn, lật cục pin thì thấy cảnh tượng kinh hoàng. Sợi cáp kết nối cục pin với bo mạch đã bị đứt. Mặc dù khi nghĩ lại thì đây cũng là điều tốt, vì pin đã rời khỏi máy rồi.
“Nhưng vấn đề là, làm sao mà mình biết được nó sẽ gây hại cái gì cho máy tính? Mình có phải kỹ sư đâu mà biết được?”
Đột nhiên, một ý nghĩ khác nhảy vào xâm chiếm trí óc Phú. Anh nhìn lên đồng hồ mà thở dốc.
“Mà khoan… Toang rồi, cũng chẳng còn nhiều thời gian nữa, mình phải đi thôi.”
Nhận thấy mình chỉ còn chưa đầy mười phút nữa, Phú vội vàng kiếm túi bóng to để nhét chiếc máy tính vào, sau đó nhanh chóng khóa vali thứ hai lại. Đêm hôm đó, Hải Mộ say giấc.
0 Bình luận