• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 01: Đại Kim bên bờ diệt vong

Chương 12: Giao tranh trong rừng

0 Bình luận - Độ dài: 2,701 từ - Cập nhật:

Trong khi đó, bọn Hoàn Thừa Lân, Ô Di Hà đã di chuyển qua các cánh rừng ở Liêu Dương và tiến vào vùng bình nguyên Pháp Khố xanh mướt. Trên bình nguyên Liêu Dương là con đường kết nối giữa hai thành trì lớn là Thẩm Dương và An Sơn, trước kia dân du mục qua lại chăn trâu thả bò vô cùng đông đúc. Kể từ lần đầu Triết Biệt dẫn quân đến Liêu Dương, tức tám năm về trước, bình nguyên này không còn một bóng người.

Lần trước khi tiến quân đến Liêu Dương, sau khi cưỡi vài trăm dặm, Triết Biệt đã giả đò thua chạy, trên đường lại cố tình bỏ rơi một số lượng lớn chiến lợi phẩm kéo dài hơn trăm dặm. Các binh lính Liêu Dương tưởng địch rút thật, dừng lại để cướp bóc, ca múa hát hò. Quân đội Triết Biệt cưỡi hơn trăm dặm, với thể lực kinh người mà chưa kẻ nào từng gặp qua, chỉ trong một ngày đã quay trở lại, vậy mà trong một trận vẫn lấy một địch năm, phá tan hàng chục vạn quân Kim. Quân Kim bỏ chạy không thành hàng ngũ, bị truy sát mà không dám đánh lại, kẻ nào bị bắt thì bị chặt đầu lập tức, máu chảy như suối. Hai dòng suối từ máu quân Kim chảy ra thành hai con rãnh, dù giờ đã khô cong mà người dân địa phương gọi vẫn gọi là sông máu. Từ đó thế lực nhà Kim ở Liêu Dương rơi vào thế yếu, đóng chặt cổng thành không dám ra mặt nữa. Nếu không vì chiến sự gấp gáp khiến Triết Biệt phải quay về đánh Nga La Tư, hắn đã san bằng Liêu Dương chỉ trong vài tháng trời. Kể cả khi quân Mông Cổ tạm lui, cũng không ai dám tới bình nguyên giao thương chứ chưa nói đến việc dựng lều ở lại, vì ai ai cũng kinh sợ tử khí của những xác chết nằm dưới chân.

Cũng vì Triết Biệt thu quân mà Hoàn Thừa Lân mới có cơ hội lên miền Bắc tầm sư học võ. Giờ Húc Đồ Cung lĩnh lệnh chiếm lại Liêu Dương, dẫu quân số được cấp chẳng kém gì Triết Biệt khi xưa, vậy mà hơn một năm trời vẫn chưa hạ hết nổi các thành.

Trong một tuần qua, đêm nào Thừa Lân cũng tập thuấn bộ với Ô Di Hà trong rừng lá kim. Chỉ sau vài ngày miệt mài tập luyện, Thừa Lân đã đạt được độ thành thục đáng kể. Chàng đã có thể khinh công lên cành cây thẳng dựng đứng mà không cần dùng tay bám víu. Tuy nhiên, do chưa có đủ nội công, chàng vẫn cần hai cánh tay để giữ trọng tâm, dẫn tới nhiều lúc cử động vướng víu, chưa thể tự do chuyển từ thân cây này sang thân cây kia, nhưng ít nhất giữa các cành cây gần nhau đã không còn nhiều trở ngại. Tới bọn Cổ Mạnh Ninh và Kiều Sinh Nhai cũng phải thốt lên rằng, “Chúng ta cũng thỉnh Ô Di huynh học khinh công, vậy mà cả năm trời cũng không được. Vậy mà thằng nhỏ này bảy ngày đã được như vậy!”

Bình nguyên Pháp Khố là rộng mênh mông, bốn bề đều là cỏ thấp lùn, không có chỗ tiện lợi cho việc trú ẩn. Bọn Ô Di Hà mấy ngày nay đã cố tránh xa vùng đồng bằng nhất có thể, nhưng vì hết nước uống nên phải liều mình một chuyến xuống sông Thái Tử lấy nước. Cũng may là có con ngựa của Hoàn Thừa Lân thồ đồ, bọn họ kiếm đủ đồ ăn nước uống cho vài tuần trời nữa. Đêm đến, trời trở lạnh, Ô Di Hà lệnh cho quân đào hốc, đốt lửa vào đó cũng phải lấy đá, lấy vải bạt che đi, không cho lửa khói lọt nhiều lên cao kẻo dễ bề bị phát hiện từ xa.

Cả bọn mới thúc Thừa Lân trổ tài kiếm thuật, khinh công. Thừa Lân rút Không Ngưng Kiếm ra, vừa múa vừa thi triển bộ pháp, mềm mại như bay bổng trên không trung, nhẹ bẫng tựa mây tựa tuyết. Mấy chục anh em mới vỗ tay, kẻ nào kẻ nấy hát ca, nhưng kể cả hát hò cũng phải liệu mà bé miệng lại.

Lời hát thuật lại như sau:

“Vương tử Kim triều dáng hiên ngang

Đường kiếm múa động bốn phương ngàn

Quân giặc trông thấy đâm cả sợ

Đất tổ ngàn năm mãi thịnh cường”

“Hoàn đệ đúng là đệ tử của Hạc kiếm pháp, đường kiếm mĩ miều vô cùng. Anh dù kém còn cũng xin được biểu diễn vài đường cho các anh em cùng chiêm ngưỡng,” Cổ Mạnh Ninh nói, rồi cũng rút kiếm vào múa phụ họa. Đường kiếm của Mạnh Ninh dứt khoát, những nhát đâm chém trực diện, gọn gàng, quả nhiên là những đường kiếm bài bản của phái Đắc Kỷ.

Ô Di Đạo cũng rút đao nhảy vào, “Hai anh em trổ tài mà lại không mời ta góp vui?” Đường đao của Ô Di Đạo quả quyết, mãnh liệt, so với Hoàn Thừa Lân quả nhiên có sự bổ trợ nhịp nhàng.

Ba người họ múa kiếm làm vui, quên cả thời giờ, trăng đã lên cao mà vẫn chưa dừng lại.

“Anh nghĩ quân Mông Cổ liệu có băng qua đây?” Kiều Sinh Nhai hỏi Ô Di Hà.

Hà đáp, “Chúng nếu có đi thì khả năng cao sẽ đi men sông Thái tử. Nơi này gần núi, chúng chẳng mò vào đây làm gì. Có mò thì ta cũng vào núi trốn được.”

Vừa dứt lời thì nghe tiếng vó ngựa từ xa. Cả bọn giật mình, thu dọn đồ đạc, bỏ cả đống lửa đang cháy bịn rịn mà chạy vội về phía rừng.

“Miệng anh đúng là gở thật đấy!” Ô Di Đạo mới rủa.

Họ vừa mới trốn được vào rừng thì toán quân kỵ của Mông Cổ kéo đến. Mấy tên đi đầu chỉ vào hốc lửa trại, rồi vài tên dong ngựa xung quanh quan sát, vài tên khác dáo dác đảo mắt về phía bình nguyên xa và khu rừng nơi quân Kim đang ẩn nấp. Ô Di Hà ló mặt nhìn ra, thấy chúng chỉ đâu đó vài chục người, kẻ thì mặc giáp nhẹ Mông Cổ, kẻ khác lại mặc giáp hạng nặng nước Kim. Chúng có vẻ chỉ là một toán quân tuần hành.

“Sao lại có kẻ mặc trang phục nước Kim trong đó?” Kiều Sinh Nhai thắc mắc.

Ô Di Đạo nhìn thấy tên đi đầu đội mũ giáp với chỏm lông đỏ lất phất, râu mọc dài quá ngực, mới phồng má trợn mắt, tay cuộn thành nắm đấm. “Ta nhận ra tên đó! Hắn chính là Trương Nhu.”

“Chẳng phải tướng nhà Kim sao?” Kiều Sinh Nhai hỏi.

Ô Di Hà đáp, mặt tối sầm lại vài sắc, “Không. Không còn là tướng nhà Kim nữa.”

Trương Nhu vốn trước là tướng trấn thủ thành Xích Phong, cách Liêu Dương hai trăm dặm về phía Tây. Lần cuối bọn Đạo, Hà nghe tin về hắn, hắn đã thua bỏ thành mà chạy lên núi Nguyên Bảo cố thủ. Từ đó trở đi không biết một tin gì về họ Trương nữa, té ra đã hàng giặc rồi.

Thực tình, tình trạng tướng sĩ Kim quốc đầu hàng quân Hung Nô mỗi lúc một phổ biến. Sau khi quân Mông Cổ tràn qua biên giới, một trận phá bốn mươi vạn quân Kim, quan dân đã mất lòng tin vào chính quyền. Chương Tông cứ vậy để Thành Cát Tư Hãn chiếm cứ hai châu Tây An và Bắc Kinh mà không thèm cứu trợ. Quân Mông Cổ sau đó đánh vào Hoa Bắc, cướp đoạt khắp nơi, Thừa tướng Đồ Đan Dật đích thân ra trận còn bị Triết Biệt một đao chém chết. Trong triều thì Hồ Sa Hổ giết Chương Tông, lập Tuyên Tông lên ngôi vua, xong chính Hồ Sa Hổ cũng bị bọn Ô Cổ Kinh lật đổ, Thủ Trung lên nắm quyền, vị trí kẻ đứng đầu triều cứ xoay như chong chóng, bảo sao quân tướng không kẻ oán thán, kẻ quy hàng?

Sự thực rành rành là vậy, nhưng bọn Ô Di Hà, Ô Di Đạo vẫn khư khư một lòng trung bất diệt. Thấy tướng Kim hàng giặc, bọn họ ai nấy đều sôi máu.

Ô Di Đạo lăm lăm đại đao, răng nghiến ken két. “Ta phải đích thân chém thằng giặc bán nước cầu vinh đó làm đôi mới hả dạ!”

Ô Di Hà nạt, “Chớ được manh động! Ta đông quân hơn chúng, nhưng đây chỉ là lũ hoa tiêu, chúng ắt sẽ về báo cáo với chủ tướng. Giờ ta lương thực đầy đủ rồi, phải kiên nhẫn đợi bọn chúng đi hết, rồi cứ theo đường rừng mà tới Dinh Khẩu kịp lúc.”

Đạo mới tỉnh ra, hạ đao, giấu mặt vào trong bụi rậm. Bọn họ quan sát thêm ít lâu, thì quả nhiên Trương Nhu phái hơn chục kỵ binh quay đầu phi nước đại. Bản thân Trương Nhu dẫn dăm quân kỵ đi xung quanh. Bọn chúng nheo mắt nhìn về phía khu rừng, chậm rãi tiến lại gần. Dù là không nhìn về phía lũ Ô Di Hà đang ẩn nấp, nhưng nhiều kẻ trong số họ đã bắt đầu tim đập chân run. Trương Nhu tiến vào gần khu rừng hơn, thương từ sau lưng đã rút ra sáng loáng, bọn Cổ Mạnh Ninh, Kiều Sinh Nhai tới thở còn không dám thở mạnh nữa.

Trương Nhu soi xét thêm một lúc lâu nữa, rồi cuối cùng quay ngựa trở về. Cả bọn trong bụi rậm thở phào nhẹ nhõm. Ô Di Đạo mới lùi lại, vươn vai đứng dậy, chẳng may vấp phải con ngựa đứng ngay phía sau, thế là nó hí lên một tiếng. Cả bọn kỵ binh Mông Cổ mới đồng loạt nhìn về phía Ô Di Đạo

“Chết cha!” Ô Di Đạo mới kêu lớn.

“Sao lại to tiếng vậy?” Kiều Sinh Nhai quát.

Đạo quát lại, “Thì đằng nào chả lộ rồi! Ta giữ im lặng nãy giờ rồi, giờ hãy cho ta giải tỏa chứ!”

“Có người!” Trương Nhu hô lớn, lập tức khoát tay cho bọn kỵ binh phi nước đại về phía bìa rừng. Chúng chỉ có hơn chục quân kỵ, nhưng sở dĩ họ Trương ra lệnh xông vào ngay lập tức là vì hắn rất tự tin vào võ công của bản thân. Hắn vốn là môn đồ nội môn của Cương Giản Bắc phái, cùng với Đắc Kỷ và Sùng Sương là ba đại võ phái Kim triều. Cương Giản là võ phái chính thức của triều đình, có nhiều môn tử nắm chức vụ cao trong triều đình nhất, nhưng cũng vì thế mà nội tình rất phức tạp. Bản thân Cương Giản phái chia làm bốn nhánh khác nhau, trong đó Trương Nhu là đệ tử Cương Giản Bắc phái, chú trọng thương pháp, dưới đất hay trên lưng ngựa đều dùng thương rất thuần thục.

Ô Di Hà ngay lập tức cho quân tản ra ba bên, nấp vào các bụi rậm, kiếm thương sẵn sàng. Những người này đã quen dàn trận mai phục tới cả trăm lần, vào vị trí chính xác vô cùng, chỉ trong vài giây đã xong xuôi. Quân Mông Cổ xông vào trong rừng, quân của Ô Di Hà mới nhất tề xông ra. Lũ kỵ binh đi theo Trương Nhu đều là kỵ binh hạng nặng nước Kim, mặc giáp nặng nề khó cử động, lấy kiếm chém xuống thì vướng phải thân gỗ, dây leo. Nhiều kẻ chưa giết được mạng nào đã bị xô xuống ngựa, chém vào mặt chết tươi.

Trong hàng ngũ quân Mông Cổ, ngoài Trương Nhu ra có hai kẻ đặc biệt dũng mãnh, một lúc cầm thương giết ba người. Kiều Sinh Nhai, Cổ Mạnh Ninh thấy vậy, lập tức hai bên một thương một rìu lao vào, phối hợp đánh nhau với tên kỵ binh năm hiệp. Nhưng Kiều Sinh Nhai cầm rìu sặt nặng nề, chiến đấu trong rừng không gian chật hẹp quả thực bất tiện, khiến thân thủ y chậm chạp. Tên kỵ binh bình tĩnh quay lại, một thương đâm thẳng vào vai Sinh Nhai. Nhai không kịp tránh, bị đả thương nằm lăn ra đất. Cổ Mạnh Ninh thúc thương vào cổ con ngựa của tên kỵ binh. Con ngựa đau đớn đá hai chân trước, hất hắn xuống ngựa. Mạnh Ninh cùng hai quân lính nữa đồng loạt xông vào. Tên kỵ binh dù đã nằm dưới đất vẫn xiên một thương trúng cổ người bên cạnh Mạnh Ninh. Người đó ọc máu chết ngay. Phải thêm hai người nữa nhảy vào chém tên kỵ binh lia lịa, hắn mới chịu chết.

Cổ Mạnh Ninh quay ra thì thấy Kiều Sinh Nhai đang ngồi trên mặt đất, tay ôm vai máu chảy đầm đìa. Tên kỵ binh còn lại đã nhìn thấy y, thúc ngựa xông tới. “Đứng dậy mau!” Cổ Mạnh Ninh vội vàng chạy tới ứng cứu. Tay kỵ binh kia trên lưng ngựa đang được đà dũng mãnh, lăm lăm kiếm trên tay, tưởng chừng cả đầu Mạnh Ninh và Sinh Nhai sắp lìa khỏi cổ.

Một thanh niên từ trên không trung lướt xuống, cử động nhẹ nhàng như mây gió, nhằm thẳng trước mặt tay kỵ binh mà đánh tới. Hắn cả kinh ngẩng mặt lên, thì trước mặt hắn hiện ra tới năm bảy thanh kiếm khác nhau, không biết đâu là hư đâu là thực. Hắn đã trúng phải Kinh Vân Ảnh của Hoàn Thừa Lân.

Tay kỵ binh chưa kịp nhìn ra, đã bị kiếm của Thừa Lân xuyên qua ngực, gục trên ngựa chết.

Thừa Lân vội đỡ Kiều Sinh Nhai dậy. Bọn Kiều, Ninh cảm kích đáp, “Không có Hoàn đệ thì bọn ta chết ở đây rồi!”

Lân vội đáp, “Hai huynh đừng khách khí. Cổ huynh còn sức, mau mau dìu Kiều huynh ra khỏi đây.”

Vừa lúc đó, một con ngựa vô chủ đứt cương xông thẳng tới nơi Thừa Lân đang đứng. Lân vội vàng lăn sang một bên thì một kỵ binh khác, giờ không còn trên lưng ngựa, nhằm thân hình đang di chuyển của Lân mà chém thẳng xuống. Hắn chém phải đất, nhưng chỉ nhanh chút nữa thôi là đã chạm tới da thịt Lân rồi. Lân nhìn quanh thì thấy ba thi thể, biết là đã mất quá nhiều mạng người, phải giải quyết trận giao tranh ngay bây giờ. Dù mới là trận thực chiến thứ hai của chàng, nhưng chàng tâm đã vững như đá, không hề nao núng.

Tên kỵ binh kia vốn là người Kim, dùng kiếm nước Kim, nói tiếng nước Kim. Hắn nhìn Thừa Lân một lượt, nở nụ cười khô khốc. “Ngươi không hàng Mông Cổ, sớm muộn rồi cũng sẽ chết thôi.”

Thừa Lân múa một đường kiếm, vào thế thứ năm của Hạc kiếm pháp. Tên kỵ binh kia đã để cho chàng có thời gian vào thế, vận công. Kết cục giao tranh đã định rồi. Chàng nói, “Đừng nhiều lời. Tới đi.”

Còn Trương Nhu một mình một ngựa đã giết được năm người, thấy xung quanh đã thưa thớt dần, mới nhận ra mình đã quá khinh địch. Hắn tính quay ngựa tìm đường thoát thân, thì từ dưới đất, phía sau lùm cây phóng ra một kẻ như độn thổ, ở phía trên cành cây cao nhảy xuống lại một người nữa, hai kẻ đồng thanh hô, “Cẩu tặc bán nước! Hãy đỡ lấy!”

Nhu xoay thương thành một đường tròn, một chiêu đỡ được đòn của cả kẻ trên cao lẫn kẻ dưới mặt đất. Hắn nhìn ra thì đó là Ô Di Hà và Ô Di Đạo.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận