• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 01: Đại Kim bên bờ diệt vong

Chương 15: Vào trong hang núi

0 Bình luận - Độ dài: 3,347 từ - Cập nhật:

Ô Di Hà lục lọi trong người Trương Nhu, kiếm được chút bạc vụn, ngoài ra không có gì đáng giá. Hắn đá cái đầu của Trương Nhu lăn lông lốc. Việc lấy đầu kẻ địch sau khi chiến thắng không phải chuyện ít gặp, thậm chí còn đặc biệt thường xuyên với các bộ tộc du mục như Nữ Chân và Hung Nô. Hà chỉ nhìn nó đôi ba giây rồi quay đi mà nói, “Cái đầu này không đáng để ta nhặt lên.”

Ô Di Hà và Hoàn Thừa Lân quay trở về, điểm lại lực lượng thì thấy bọn họ ngoài năm huynh đệ ra thì chỉ còn bốn người nữa sống sót. Cũng may mắn thay, ngoài Kiều Sinh Nhai ra thì không ai có vẻ như thương tích, chỉ có Ô Di Đạo khi nãy bị Trương Nhu phóng một chưởng trúng bụng giờ vẫn cảm thấy đau nhức.

Hoàn Thừa Lân mới đến bên Đạo, Nhai mà nói, “Em có nhặt được từ Trương Nhu viên Thặng Công Đan này, xin chia cho các anh để trị thương tích.”

“Em vừa nói Thặng Công Đan hả?” Kiều Sinh Nhai tròn xoe mắt.

“Phải.”

Ô Di Đạo xoa tay. “Thặng Công Đan có thể dùng để phát triển nội công, công dụng vô cùng tốt, đừng dùng nó để trị vài vết mèo cào thế này, phí lắm. Ta sống mấy chục năm trên đời chưa chết lần nào, em không phải lo cho ta.”

“Đúng, đúng thế.” Kiều Sinh Nhai vừa ôm vai nhăn nhó vừa gật đầu.

Hà mới nói, “Luyện môn của Trương Nhu là do em phát hiện ra, linh đan cũng là do em tự tay nhặt được, bọn anh nào ai dám tranh phần của em. Em không cần phải nhường bọn anh nữa. Hãy cứ giữ nó, khi nào chuẩn bị đột phá thì sử dụng đến.”

Các anh đều khuyên bảo như vậy, Thừa Lân không thể không nghe theo, bèn cất viên linh đan vào túi.

Giờ thì Ô Di Hà mới nói, “Trước khi mò vào rừng thì Trương Nhu đã cho người quay về báo với Bạt Tác rồi. Nếu Nhu không quay lại thì chúng càng sinh nghi. Vài canh giờ, cùng lắm một ngày nữa chúng sẽ tới.”

Cổ Mạnh Ninh đáp, “Các anh em nhiều người đã tử nạn, nhị ca và tứ đệ đều đang bị thương. Mười người chúng ta chống chưa chắc đã nổi, chứ chưa nói đến trăm quân.”

Hà đáp lại, “Gần đây ta biết có người có thể giúp. Chỉ là hắn ta muốn giúp hay không thôi.”

“Ai vậy?” Ninh hỏi.

“Quỳ Dạ Ngao.”

Cách đó mười lăm dặm là một căn động lớn ẩn mình phía sau dãy núi Vĩnh Hoành dài đằng đẵng, vốn là nơi trú ẩn của thiên hạ đại cao thủ Quỳ Dạ Ngao.

Quỳ Dạ Ngao trước theo học sư phụ Mộc Cung Giản của phái Đắc Kỷ. Cung Giản tuy võ công cao cường, cơ thể tráng kiện, nhưng tuyệt đối không qua lại với các đồng môn Đắc Kỷ, phần vì bình thường ông ta không khi nào không thôi sưu tầm bí tịch võ pháp của các môn phái khác. Võ pháp của chính tôn Trung Hoa có, của Mông Cổ có, Cao Ly có, Thiên thai tông Nhật Bản có, cả Đại Cồ Việt xa xôi cũng có luôn. Nhiều đại chưởng môn trong phái Đắc Kỷ cho là Cung Giản bất kính với võ học Kim quốc, còn Cung Giản đơn giản chỉ phản bác là võ học lúc nào cũng tiến hóa, giặc Mông rõ ràng có bài bản võ học tốt hơn người Kim, vậy nên tìm tòi sưu tầm là bắt buộc.

Chỉ có điều, học nhiều tinh túy võ học khác nhau, thế nào cũng có điểm xung đột, công khí vận lên lại theo những cách thức đối ngược, chẳng lẽ cứ tập vậy mà lại tránh được tẩu hỏa nhập ma? Mộc Cung Giản thừa biết điều đó, nên cứ có bí tích mới, lão… ném cho Quỳ Dạ Ngao tập trước. Ví dụ như những võ công Đại Cồ Việt, Nhật Bản, Dạ Ngao tập thấy tiến bộ thấy rõ, thì lão mới bắt đầu luyện cùng.

Có hồi Dạ Ngao nhận được quyển Ma Ha Chỉ Kinh của Thiếu Lâm, tối ngày luyện cách tiếp nnapj chân khí, rốt cuộc chân khí luyện được bài trừ chính nội công y có sẵn, lại đụng phải môn võ dùng chiêu quá mạnh mẽ, y cứng nhắc luyện tập thành ra gãy chân gãy tay thành ra bị liệt cả năm trời. Khi còn trẻ dại Ngao không nhận ra mình như quân xanh thí mạng cho sư phụ, nhưng mà lúc nhận ra thì cũng kinh qua chục bộ võ nghệ rồi, may mà tư chất tốt, nội lực phong phú nên cũng không thành phế nhân què cụt. Chẳng những không tàn phế, chỉ mới hai mươi tuổi mà Quỳ Dạ Ngao đã khai mở tầng nội công thứ tư, trứ danh khắp thiên hạ là thanh niên tài năng kiệt xuất.

Biết sư phụ chỉ sử dụng mình cho dã tâm cá nhân, Dạ Ngao mới giã từ sư phụ, rủ sư muội là Từ Túc Anh đi ngao du khắp nơi. Khi giặc Mông tiến đánh, Ngao mới lui vào động núi, sớm tối chỉ trồng rau, chăn dê, cùng Từ Túc Anh an phận sinh sống, không màng chuyện lớn. Trong mười năm đó, không ai biết thực lực của Dạ Ngao đã đạt tới cảnh giới nào. Tuy nhiên, Ô Di Hà có nghe phong phanh rằng giữa thời loạn thế, Dạ Ngao tiếp nhận những kẻ tha phương từ khắp nơi, những người mất nhà mất cửa do quân Hung Nô, số lượng người tá túc lại phải lên đến trăm đầu người, nhưng chuyện đó Ô Di Hà chỉ tin ba phần. Dù chuyện của Dạ Ngao bao nhiêu phần là thật thì nếu bọn họ leo được lên núi cao, vượt qua mấy con dốc hiểm trở, khả năng họ sẽ được an toàn. Kỵ binh khó mà đi được đường núi.

Khi leo được vài trượng, bọn họ gặp phải một con dốc thẳng dựng đứng, Kiều Sinh Nhai, Ô Di Đạo hai kẻ còn đang bị thương không thể leo được, mà nếu có leo thì cũng ít điểm bám tay, nếu chẳng may trượt tay thì chỉ còn là bãi thịt bầy nhầy. Bão tuyết dù đã ngớt đi nhưng màn đêm lại đang dần bao phủ, trăng không lên thì việc leo núi là vô cùng nguy hiểm.

Thừa Lân đi tới đây đã là về gần Liêu Dương, cảnh vật bắt đầu quen thuộc, nhìn thấy dốc đá này thì lập tức nhận ra hồi nhỏ đã cùng được cha dẫn tới đây săn thú rừng. Trong lòng cậu chợt bồi hồi nỗi nhớ gia đình, tưởng tượng ra cảnh quân Hung Nô san phẳng vườn tược, nhà cửa mà cha mẹ dày công vun đắp, lại không rõ cả gia đình sống chết ra sao, bất giác không kìm được giọt lệ chảy bên khóe mi. Cậu ngay lập tức gạt lệ, tự nhủ cần tập trung vào chuyện tồn vong quan trọng ngay trước mắt, rồi quay lại nói với mọi người, “Tất cả các anh hãy nghe em. Em biết có đường khác đi xuyên qua được dốc núi này.”

“Đường nào vậy?” Cổ Mạnh Ninh hỏi.

“Cứ men theo những gồ đá này đi sang phải, sẽ thấy một miệng hang.”

Ninh ngập ngừng một hồi rồi mới nói, "Hoàn hiền đệ, không phải ta nghi ngờ gì em, nhưng làm thế nào em biết được đường xuyên qua núi?"

Lân mới kể lại chuyện hồi nhỏ. Ninh mới bảo, "Đã lâu vậy rồi, em còn nhớ đường không?"

Ô Di Đạo mới xen vào, "Cổ huynh lúc nào cũng nghi ngờ thái quá. Nếu Hoàn đệ bảo nhớ thì là nhớ. Còn hơn ta mò kim đáy bể."

Ninh đáp, "Chẳng phải ngươi mới là kẻ nghi kị Hoàn đệ nhất khi mới gặp sao?"

Đạo vùng vằng đáp, "Chuyện hồi đó là hồi đó, bây giờ là bây giờ!"

Cả bọn đi theo Lân, quả nhiên tới một cái hang, nằm khuất sau vài bụi cây rậm rạp. Chỉ có một con đường duy nhất đi vào, không quá rộng rãi. Con ngựa của Thừa Lân may thay vẫn còn là ngựa nhỏ, nếu nó lớn hơn chỉ một chút có lẽ cũng không chui vừa.

Trong hang vừa ẩm vừa tối, đánh lửa để thắp đuốc cũng phải đánh lại nhiều lần mới lên. Đi được một đoạn thì đường rộng dần ra, đủ lớn cho con ngựa thồ hàng của Thừa Lân đi vào, miễn sao chàng dắt nó cẩn thận không sảy chân giẫm vào các kẽ hở. Chỉ có điều trong hang động vô cùng nhiều ngã rẽ, cứ đi một đoạn lại có vài đường tách ra, mà trong đó đại đa số là ngõ cụt.

Mỗi khi tới ngã rẽ là Thừa Lân dừng lại, ngẫm nghĩ đôi ba giây, rồi lấy tay chỉ hướng dứt khoát. Cả bọn thấy Thừa Lân quả quyết thì đều tin chàng biết đường, không nghi ngờ gì. Đường đi vẫn phải chật vật lên dốc, nhưng so với vách đá dựng đứng khi nãy thì dễ dàng hơn nhiều. Tổng cộng bọn họ đi hai canh giờ, qua chín ngã rẽ, mới nhìn thấy ánh sáng bên kia hang động.

Vừa bước ra ngoài thì đã nghe thấy tiếng dê kêu ‘be be’, thứ tiếng kêu tới từ dê nhà được thuần hóa chứ không phải giống sơn dương. Thừa Lân tiến thêm vài bước, vén tán lá cây rậm rạp trước mặt ra, thì thấy ánh sáng lập lòe từ một chiếc đèn lồng tự chế, nhốt ở phía trong là vài con đom đóm. Xách đèn lồng là một cậu bé tay cầm chiếc dây cột, dắt theo một con dê. Đi sau cậu bé này còn phải tới năm, sáu con dê nữa. Lân thấy trời không còn nổi phong ba nữa, có lẽ là cậu nhỏ này đang dắt đàn dê đi tìm cái ăn.

Nhìn thấy bọn Lân, Hà kiếm đao sáng loáng sau lưng, mặt mũi ai nấy đều lấm lem bùn tuyết, cậu bé không những không kinh sợ còn hất hàm hỏi, “Các ngươi người Kim hay Hung Nô?”

“Bọn ta người Kim,” Lân đáp.

Chợt ở phía xa, một tiếng gầm rất dữ tợn vang lên, như cả một đàn hổ cùng rống lên cùng một lúc. Cả bọn giật mình cả kinh, vội rút vũ khí ra, sẵn sàng phòng thủ.

Thằng nhỏ cười phá lên. “Các anh chớ sợ. Tiếng đó là từ con lộc thục ra đó. Nó nom như con ngựa này này,” nó chỉ vào con ngựa của Thừa Lân. “Cơ mà đầu nó trắng, vằn đen như hổ, mà đuôi lại đỏ; tiếng kêu rất dữ tợn nhưng tuyệt nhiên thập phần hiền hòa. Quân Mông Cổ không phải người ở đây, nghe tiếng kêu ắt cả sợ, không dám đến gần. Cơ mà thực tình lộc thục nó ăn cỏ, không đếm xỉa gì đến chúng ta đâu.” Rồi dứt lời một hồi, nhìn bọn Lân, Hà lên xuống mà nói. “Mấy anh này nom rách rưới quá. Hãy đợi ta ở đây,” Cậu bé nọ đáp lại vô cùng khẩu khí, rồi tay vẫn dắt con dê, chạy ngược lại mà hô lớn. “Lại có thêm người tới. Mau gọi ông chủ Quỳ đi!”

Thằng nhỏ chạy ra xa, khuất sau những tán bạch dương rậm rạp, rồi loáng một cái đã hớt hải quay lại. Chiếc đèn lồng đan từ gỗ mây của nó ngúng nguẩy khi nó đáp, “Các người còn không mau đi theo ta?”

Ô Di Đạo ôm cái bụng đau, xoa xoa mà nói, “Tiểu tử ngươi con nhà ai? Mấy tuổi đầu, vắt mũi còn chưa sạch mà sao xưng hô xấc xược thế?”

Cậu bé chỉ nói, “Ông anh này mặt mũi xanh lè, không giữ sức còn trị thương, không lại lăn ra đây thổ huyết giờ.”

Đạo cả giận, mắng, “Ngươi tin ta cho ngươi một đao đứt làm đôi không?” Những người còn lại có kẻ cười lên ha hả.

Phía trên cao, các cành cây rung động. Cứ đi vài bước thì cây cối xung quanh lại rung lên, khiến bọn Thừa Lân luôn phải nắm đốc kiếm đề phòng.

Cậu bé mới nói, “Đừng lo, trên này toàn động vật ăn cỏ thôi. Trên núi này có nhiều con đại ngu (vượn đuôi dài) rất lớn. Con nào tai trắng thì hiền lành, tai đen thì hung dữ. Chớ nên đến gần mấy con ngu tai đen, kẻo chúng nó sẽ nhai nát đầu các đại hiệp ra.”

“Tối thế này thì biết được tai con nào màu gì chứ?” Đạo lại nói.

“Thế thì tốt nhất đừng lại gần chúng nó,” cậu bé đáp. Con dê đi sau kêu lên ‘be be’.

Đi thêm một đoạn nữa thì bắt đầu thấy nhiều người hơn. Có mấy kẻ ngồi thành vòng tròn phía dưới một cây tùng thân bè, kẻ còn lành lặn, kẻ cụt tay, kẻ cụt chân, nhưng về cơ bản trông khí tức ổn định, không ai có vẻ như gặp nguy hiểm về tính mạng. Bọn họ chào lũ Lân, Hà bằng tiếng Kim, và Ô Di Hà chào lại. Từ xa xa, có hai người, một nam một nữ, tuổi đều còn trẻ không thể quá ba mươi, bưng trên tay rượu thịt thơm phức, đặt xuống cho nhóm người kia. Nhóm người kẻ nào kẻ nấy cũng thèm nhỏ dãi. Một người quay ra với nữ nhân mà nói, “Trên đời này mà cứ có rượu ông chủ Quỳ và thịt cô Từ nấu thì chẳng còn nơi nào là sướng hơn!”

Cả bọn cùng đồng thanh hưởng ứng.

Người được gọi là cô Từ nhìn thấy những người mới đến, mới nhanh chóng bảo với người đứng bên cạnh, “Anh Sở, giúp em chuẩn bị nước tắm rửa và phản cho mấy vị mới tới.”

Anh Sở gật đầu, gọn lẹ rời đi.

Thằng nhỏ mới chạy tới cô Từ, chỉ trỏ vào Ô Di Đạo mà nói, “Mấy người này hôi lắm cô cô ơi, nhất là ông kia vừa hôi tanh lại còn vừa xanh xao.” Rồi lại chỉ vào Kiều Sinh Nhai. “Vị anh hùng kia thì máu chảy hôi rình!”

Đạo mới quát lớn, “Thằng nhỏ này! Đợi ông hết đau bụng, ông sẽ…” Rồi bỗng dưng cơn đau nhói ập đến, không chịu được phải khuỵu xuống ôm bụng.

Cô Từ vội lại gần, nói với bọn Lân, Hà, “Em họ Từ, tên Túc Anh. Các vị ai còn khỏe mạnh hãy cứ lui vào trong sơn cốc trước mặt lưu trú, nghỉ ngơi. Còn hai vị này bị thương, xin hãy ở lại đây để tiểu nữ chẩn đoán qua.” Trong bóng tối mập mờ, vẫn có thể trông thấy nhan sắc tuyệt mĩ của Từ Túc Anh, với gò má cao, đôi mi cong vút như cánh chim, đôi mắt lấp lánh, đồng tử xám khói tựa hoàng long ngọc, vô cùng khí phái.

Ô Di Hà mới chắp tay cung kính. “Trước giờ đều nghe Từ cô nương có khả năng y thuật xuất chúng. Nếu có thể giúp đỡ huynh đệ chúng tôi thì chúng tôi ngàn vạn lần mang ơn.”

“Anh hùng đừng khách sáo vậy, đã là người Kim thì năm châu bốn bể đều là bằng hữu. Nhìn các vị có vẻ như đều là người theo nghiệp binh đao, giao tranh với Hung Nô đã vất vả nhiều rồi. Em mới là người phải tạ lễ.” Nói rồi, không hề chậm trễ dìu Ô Di Đạo ngồi xuống. “Vị anh hùng này nếu không phiền thì vén áo lên để em kiểm tra vết thương với?”

“Không vấn đề gì. Tay nữ nhân ta không bao giờ từ chối!” Ô Di Đạo khề khà. “Chỉ có thằng nhãi thì nên đứng cách xa ta mười trượng!”

Cậu bé lè lưỡi, kéo mắt trêu chọc Đạo.

Từ Túc Anh chạm lên bụng Đạo, vận công lên lòng bàn tay, khí tức của nàng hiện lên một màu trắng ngọc trai. Nàng miết quanh bụng Đạo một hồi, Đạo đã thấy cơn đau bụng thuyên giảm đi vài phần, lại cảm thấy cơ thể có chút thanh mát, khoan khoái.

“Vết thương này không đơn giản đâu, tuy không ảnh hưởng đến ngũ tạng nhưng có nguy cơ bị xuất huyết nội bộ,” Từ Túc Anh nói.

“Thế là không sao phải không?” Ô Di Đạo cười cợt. “Máu thì phải chảy ở trong người chứ còn gì, có chảy đi đâu cũng không thoát được.” Nói rồi lại đứng dậy toan đi vào trong tắm táp cùng các huynh đệ.

Từ Túc Anh khẽ kéo Đạo ngồi xuống. “Huyết mạch trong cơ thể anh hùng nguy cơ rối loạn, nếu không trọng thương cũng bị ách tắc, trở thành người tàn phế một thời gian. Ngay bây giờ em đã khai thông huyết mạch cho anh, nhưng sẽ cần phải chế thảo mộc thành thuốc, uống dưỡng thương vài ngày.”

Túc Anh lại trị vết thương cho Kiều Sinh Nhai. Vết thương của Nhai tuy bị đâm không hề nông, nhưng chưa mất quá nhiều máu, không tổn hại nội tạng. Túc Anh kê cho uống nước cỏ Huyết Chi để bồi bổ lại huyết lượng trong cơ thể.

Bọn ba người Cổ Mạnh Ninh, Hoàn Thừa Lân, Ô Di Hà đi theo anh Sở, thấy xung quanh người đứng ngồi đông đúc, quả nhiên là danh tiếng động núi này không phải là bịa đặt. Người đàn ông họ Sở là người kiệm lời, hành tung cẩn thận, tóc chít búi vô cùng thư sinh, ngoài việc giới thiệu tên mình là Sở Viên Hoán ra thì không nói gì nữa.

Cổ Mạnh Ninh mới hỏi, “Anh Sở trông hào hoa phong nhã, liệu trước đây đã làm văn quan trong triều?”

“Ta quả thực từng giữ chức Hàn lâm viện kiểm khảo một thời gian.”

Hàn lâm viện kiểm khảo là chức quan tòng thất phẩm, chuyên kiểm hạch các tư liệu, bí tích trong hàn lâm viện triều đình, phải là kẻ kiến thức sâu rộng mới có thể đảm đương. Nghe tới đó, cả ba người đi cùng kính phục đôi phần.

“Vậy sao anh Sở giờ lại lưu lạc ở đây?” Mạnh Ninh lại hỏi.

“Ta theo Chu Nhậm tướng quân làm tòng sự. Chu tướng quân bị địch chém, nên ta chạy về nương tựa ông chủ Quỳ.”

“Chỉ là tại hạ thấy đạo sinh một tay giúp đỡ Từ cô nương, nên tưởng hai người đã quen biết từ lâu.”

“Để một mình cô Từ và ông chủ Quỳ chăm nom hàng chục con người, ta thấy không phải.”

Vừa lúc đó thì họ tới miệng sơn cốc. So với hang động mà Thừa Lân dắt các huynh đi qua vừa nãy, sơn cốc này rộng rãi, thoải mái và có vẻ thoáng khí hơn nhiều.

Từ trong cốc bước ra một nam tử hán, người cao bảy thước, khuôn mặt vừa dễ nhìn vừa anh dũng,  mái tóc dài hoang dại được cột lại bởi một chiếc khăn quàng. Người này chỉ vừa mới xuất hiện, bọn Hà, Lân đã cảm thấy nội công của người đó vô cùng mạnh mẽ, với Thừa Lân thấy còn hơi chút ngột ngạt, như thể bị xiết cổ, ép lồng ngực đôi chút, dù cho người đó còn cách xa cả trượng.

Đó chính là Quỳ Dạ Ngao.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận