Hồi Một: Mèo mun rầu rĩ gặp nhà khoa học phiền toái cùng cô em gái e thẹn
Chương 3: Đoạn 1: Từ gầm bếp tới cũi mèo
1 Bình luận - Độ dài: 2,695 từ - Cập nhật:
Tháng tám cũng là lúc mà sức nóng lên đến đỉnh điểm.
Với việc mức nhiệt ngoài trời đã vượt mốc bốn mươi độ và nắng thì lúc nào cũng chờ chực để vả vào mặt bất kì kẻ xấu số nào dám đối đầu với nó, thì chẳng riêng gì loài người, cả loài mèo cũng phải vật lộn để sống sót được trong cái thời tiết này.
Cơ thể mèo không tiết mồ hôi giống con người, vậy nên chúng thực sự gặp khó khăn nếu cần điều chỉnh thân nhiệt mỗi khi trời trở nên nóng bức.
Và cá nhân tôi cho rằng loài mèo xứ nhiệt đới đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi quyết định giữ lại bộ lông trong quá trình tiến hóa.
Vì. Nó. Nóng. Khủng. Khiếp.
Thế nhưng việc phải đóng vai một con mèo cũng không đến nỗi quá tồi tệ, ít ra tôi có thể nằm lì một chỗ mà không phải lao ra khỏi nhà vì công việc như ai kia...
“M-Muộn rồi...”
Anh Thảo lúng túng đẩy từng chiếc khuyu áo qua lỗ khuyết. Cô vội vã chỉnh lại mái tóc trong lúc lật tung phòng khách lên tìm chìa khóa xe.
Xem chừng đêm qua có người đã quên mất đặt báo thức trước khi nhắm mắt.
Nói là vậy, nhưng tôi vẫn rất cảm kích, bởi dù đã muộn sát nút, Anh Thảo vẫn quyết định bỏ ra chút thời gian để chuẩn bị bữa sáng mặc dù tôi đã lắc đầu tỏ ý không cần.
Anh Thảo kiểm tra chiếc điện thoại di động của mình, rồi cô tự nhiên ngơ ra một thoáng. Đôi mắt dán chặt vào màn hình, nhưng có vẻ tâm trí Anh Thảo lại đang thả trôi chốn lạ lẫm nào đó.
“Meo.”
“Ơ...” - Anh Thảo sực tỉnh - “A... cảm ơn. Hóa ra ở đấy à...”
Cô nhanh chóng nhặt chiếc chìa khóa lên nhét vào túi rồi lại tất bật sửa soạn.
“Có lẽ... trưa nay tôi sẽ không về. Anh cứ tự túc bữa trưa nhé.”
Để lại lời nhắn xong, cô vội vàng đóng sầm cánh cửa gỗ.
Về phần mình, tôi đủng đỉnh mò vào bếp. Đã hơn một tuần kể từ lúc tôi đặt chân tới căn nhà này, hình như vậy. Cuộc sống của một chú mèo đã khiến tôi chẳng còn để ý đến ngày tháng.
Yên vị bên dưới bồn rửa bát, tôi quyết định đánh một giấc để quên đi cái nóng. Giờ nghĩ lại, đáng ra tôi không nên nhận lời đề nghị oái oăm hôm nọ... Cũng chẳng phải là kì thị tôn giáo hay có tinh thần bài xích mê tín dị đoan, chỉ là tôi không hợp với những nơi như vậy...
Mà, kệ thôi, đằng nào chuyện cũng qua rồi – tôi tự nhủ.
Những tia nắng len lỏi qua kẽ hở giữa hai tấm rèm cửa để lại một vệt sáng dài trên sàn bếp.
Im bặt tiếng chim, và cả mấy âm thanh vẫn hàng ngày phát ra từ tầng hầm căn nhà này hôm nay cũng chẳng thấy đâu. Thỉnh thoảng lại có vài cơn gió hiếm hoi thổi qua làm rung động những rặng cây tạo nên thứ âm thanh xào xạc êm tai. Nhưng rất nhanh sau đó mọi thứ lại quay trở về với trạng thái tĩnh lặng ban đầu của nó.
Cảm giác như thể trời nóng đến nỗi khiến mọi hoạt động đều trở nên ngưng trệ.
Thế cũng phải thôi, với cái thời tiết này, chỉ cần thở là đã đủ khổ rồi.
Mùi thơm của nước lau nhà tỏa lên từ sàn bếp, cộng thêm không khí bên dưới bồn rửa có phần mát mẻ hơn phía ngoài làm tôi bắt đầu cảm thấy buồn ngủ.
Nhưng đời chẳng như mơ...
Đang liu diu thì tôi liền bị giật mình bởi tiếng bước chân bình bịch đang ngày càng lớn dần. Và chủ nhân của thứ âm thanh bất lịch sự đó không phải ai khác...
“Hôm nay trời oi quá đi mất!”
Anh Đào mở chiếc tủ lạnh ở góc phòng rõ lâu làm hơi mát lan cả đến chỗ tôi nằm. Sau một hồi cô lấy ra một chai nước nhỏ rồi thản nhiên áp lên má.
“Aaaaaaaaa...”
Chỉ mong Anh Đào đi thật nhanh, tôi làm ngơ sự hiện diện của cô ấy bằng cách giả vờ ngủ.
Nhưng đôi khi con người ta không nhận ra rằng họ đang vô tình làm phiền người khác...
“Trời nóng nhỉ?” Anh Đào hỏi một câu vu vơ.
... còn trong trường hợp này chắc chắn là làm phiền một cách có chủ đích.
Đáp lại câu hỏi của Anh Đào là một sự im lặng đến khó xử.
“Ăn kẹo không?”
Tôi cố tình lặng thinh không cựa quậy. Sau một hồi cù nhầy Anh Đào cũng chẳng thấy nói gì nữa.
Rồi tôi nghe thấy tiếng lục cục của bát đĩa và âm thanh hai miếng gioăng tủ lạnh đập vào nhau. Thầm nhủ Anh Đào cuối cùng cũng bỏ cuộc, tôi thở phào đắc thắng.
Đột nhiên tôi cảm thấy có cái gì đó luồn qua người. Ngay lập tức cả cơ thể tôi bị nhấc bổng lên đầy thô lỗ.
“Meo?!”
“Biết ngay anh giả vờ mà.”
Anh Đào nhìn tôi chằm chặp qua cặp kính dày cộp. Cô mỉm cười đắc chí.
Đôi mắt Anh Đào có phần thâm quầng hơn lần đầu tôi gặp cô. Miệng thì kêu nóng nhưng cô vẫn mặt dày khoác chiếc áo blouse đã ngả sang một thứ màu xam xám. Cái áo sơ mi Anh Đào đang mặc ướt đẫm, dính bệt cả vào người. Cũng may nó là loại tối màu nếu không tôi sẽ phải đắc tội với chị em nhà này một lần nữa mất.
Anh Đào đưa tay quệt đi những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán.
“Tình hình là tôi đang rảnh. Sao chúng ta không đi dạo nhỉ?”
“Meo.”
Tôi xin được khước từ lời đề nghị hết sức chân thành của cô, dù thế có họa điên tôi mới bước ra ngoài vào giờ này.
Nhiều lúc tôi tự hỏi tới khi nào thì Anh Đào mới học được những quy tắc hành xử căn bản. Tôi thực sự mong rằng cô sẽ ngừng làm phiền tôi bởi cái tính khí dở dở ương ương của mình, nhưng có lẽ ngày ấy còn lâu mới đến.
“Đùa thôi. Thực ra thì tôi muốn bàn với anh chút việc.” Giọng Anh Đào tưng tửng.
Nói rồi cô đặt tôi lên mặt bàn ăn và kéo chiếc ghế lại gần. Tuy không thật sự hứng thú bắt chuyện với Anh Đào lắm nhưng tôi lại đang chẳng có việc gì làm nên cũng không nỡ từ chối.
“Vậy là lại sắp đến ngày ấy rồi...” Vừa nói Anh Đào vừa ngẩng lên nhìn chiếc lịch treo tường đã giở được hai phần ba.
Tôi phải ngơ ra vài giây mới sực hiểu cô đang đề cập tới cái gì. Dù sao tôi cũng mới nghe về chuyện này trong chưa đầy một tuần trở lại đây. Đáng ra tôi nên nhớ mới phải...
Chính xác thì, hôm nay, thứ Tư ngày 11 tháng Tám cũng chính là tròn ba năm ngày chiếc Boeing 777 chở ba mẹ của cô biến mất không dấu tích trên bầu trời Biển Đông. Nếu Anh Đào không nhắc đến có lẽ tôi sẽ quên béng luôn.
Điều này làm tôi phân vân, liệu mình có hơi thờ ơ không?
Tôi là loại người sẽ ú ớ khi nhận được những câu hỏi kiểu “Ngày Thương binh liệt sĩ là ngày nào?”. Tôi thường khó mà nhớ nổi những thông tin như vậy, bởi tôi cho rằng nó chẳng giúp ích gì cho bản thân. Và tôi tin không chỉ riêng mình mà bên ngoài kia còn có nhiều con người cũng giống thế...
Thế rồi Anh Đào tự nhiên lái qua một chủ đề chẳng ăn nhập với những gì cô nói trước đó.
“Anh đã bao giờ có dịp chiêm ngưỡng bức tranh “Landscape with the Fall of Icarus”, tạm dịch là “Phong cảnh khi Icarus rơi” của họa sĩ người Flemish, Pieter Bruegel?”
Mặc dù có chút ngạc nhiên, tôi vẫn chậm rãi lắc đầu.
Điển tích về Đôi cánh của Icarus thì hiếm ai không biết, nhưng một bức tranh dựa trên câu chuyện đó thì đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy. Dù sao hội họa cũng chưa bao giờ là đề tài ưa thích của tôi trong các cuộc đàm đạo.
“Anh đúng là một kẻ có vốn văn hóa nghèo nàn.” – Anh Đào chỉ thẳng tay vào mặt tôi ra ý chê trách – “Mà thế lại tốt, tôi càng có cơ hội lên lớp anh.”
“Meo.”
Thật trơ trẽn - đó là những gì tôi đang muốn thốt ra ngay bây giờ. Nhưng dưới lốt một con mèo, tôi lại chẳng thể làm gì hơn là lườm cô một cái sắc lẹm.
Lơ đi cái nhìn không mấy thiện cảm của tôi, Anh Đào thản nhiên chống một tay lên cằm, cô tiếp tục nói.
“Thực sự thì lần đầu nhìn thấy bức tranh, tôi đã không thể phát hiện ra Icarus. Đôi mắt tôi hoàn toàn bị thu hút bởi khung cảnh thành phố tít phía xa và người thợ cày ở trung tâm bức tranh. Mọi hoạt động trong bức họa làm người xem có một cảm giác yên bình đến nhàm chán. Và vì không nhìn thấy Icarus đâu, nên thậm chí tôi đã tưởng cái tên bức tranh chỉ là ẩn ý của tác giả, rằng thực chất chẳng có Icarus nào trong đó cả.
“Thế nhưng về sau mới có người chỉ cho tôi thấy Icarus. Hóa ra cậu ta xuất hiện ở một góc bức tranh với đôi chân đang vùng vẫy tuyệt vọng, xung quanh là những cọng lông bay lả tả như phụ họa cho cái kết đầy oan nghiệt của cậu. Dù dựa trên câu chuyện về Icarus, vậy mà sự hiện diện của cậu ta trong bức tranh lại mờ nhạt tới mức gần như vô hình.
“Nghe đến đây chắc anh phần nào hiểu ra câu chuyện rồi phải không?” - Giọng Anh Đào trở nên trầm trầm nhưng có phần vô cảm - “Vấn đề ở đây đã quá rõ ràng... Dù rằng Icarus sắp chết, nhưng thế giới xung quanh cậu vẫn bình thản tiếp tục với vòng quay vô tận của nó. Người cày tiếp tục cày, người câu tiếp tục câu, và cậu bé chăn cừu vẫn tiếp tục chăn cừu. Không một ai, hay một vật nào phát hiện ra Icarus. Icarus chết và Trái Đất vẫn quay. Điều đó khiến cái bi kịch của cậu càng trở nên bi kịch hơn.”
Dứt lời, Anh Đào dụi mắt đầy mệt mỏi. Cô ngừng một chút và gạt đi những giọt mồ hôi trên má. Rồi chẳng biết thế nào, cô nàng lại chuyển câu chuyện sang một hướng hoàn toàn khác.
“Chắc Anh Thảo đã kể cho anh nghe về tình hình của chúng tôi rồi phải không? Cả những gì tôi đang làm lúc này nữa?”
Tôi gật đầu. Dù những chuyện đó tôi đã được nghe từ ngày đầu tiên bước chân vào căn nhà này cách đây hơn một tuần, nhưng tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết. Chính câu chuyện ấy đã cho tôi một cái nhìn toàn cảnh về hai con người đang sống ở đây.
“Con bé đó là thế... Vậy chắc anh cũng biết chuyện họ đã ngưng tìm kiếm chiếc máy bay hồi tháng 3 năm nay rồi đúng không?”
Điều này tôi có từng nghe qua. Sau hàng loạt những chiến dịch mà không thu được kết quả gì, cuối cùng người ta quyết định dừng việc tìm kiếm chiếc máy bay xấu số. Cái ngày mà thông báo ngừng tìm kiếm được đưa ra, các mặt báo đồng loạt đưa tin về chuyện đó. Có một số người còn nói - chúng ta không thể hi vọng thêm được nữa.
“Cuối cùng là thế, Trái Đất vẫn tiếp tục quay, và con người thì tiếp tục sống. Cuối cùng thì tất cả sẽ bước tiếp, còn câu chuyện sẽ dần rơi vào quên lãng như một điểm nhấn nhỏ xíu trong lịch sử phát triển của loài người. Chẳng phải rất giống với bức tranh về Icarus sao?”
Tôi nghĩ mình có thể hiểu những gì Anh Đào đang cố truyền đạt. Vụ mất tích máy bay khi mới xảy ra đã trở thành chủ đề nóng nhất trên mọi diễn đàn tin tức và được các nhà đài khai thác triệt để. Nhưng rồi mọi thứ lắng đi, dần dần chẳng còn ai bàn tán về chuyện đó nữa. Suy cho cùng thì chẳng thể trách được gì, thậm chí đó còn là một điều hết sức hiển nhiên. Con người có thể dễ dàng ngạc nhiên, tức giận hay thích thú một điều gì đấy, và họ cũng chẳng mấy khó khăn để quên đi chính điều đã đem lại cho họ những cảm xúc nhất thời ấy.
“Dù vậy, tôi không muốn bỏ cuộc khi mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ. Anh biết đấy, chưa tìm thấy không có nghĩa là không thể tìm thấy.”
Anh Đào chợt thở dài một hơi, xem chừng vẫn định nói thêm cái gì đó.
Thế rồi sau một hồi lưỡng lự, Anh Đào không vòng vo nữa mà nhìn thẳng vào mắt tôi. Giọng cô nghiêm túc một cách lạ thường.
“Những gì tôi làm có thể sẽ trở thành vô nghĩa, nhưng tôi vẫn muốn làm. Và, tôi cần sự giúp đỡ của anh.” Cô gái mặc áo blouse trắng nhấn mạnh.
Trong khi đó tôi đang tròn mắt trước những gì Anh Đào nói.
Đúng hơn là, tôi không hiểu tại sao cô lại cần đến sự giúp đỡ của mình?
Và tôi thì có thể giúp gì cho cô?
Câu hỏi này, trong hình dạng con người tôi đã chẳng trả lời được, huống chi bây giờ đang đội lốt một con mèo thì càng không có cơ sở.
Những gì Anh Đào nói tiếp theo không những không giải thích cho thắc mắc trên của tôi, trái lại nó càng làm tôi cảm thấy băn khoăn hơn nữa.
“Thực ra thì, tôi cần anh du hành thời gian về quá khứ một chuyến.”
Tôi lặng người trước yêu cầu hết sức oái oăm ấy. Một mớ hỗn độn là từ chính xác nhất để diễn tả suy nghĩ của tôi lúc này.
Trong lúc tôi vẫn chưa hết bất ngờ thì Anh Đào chậm rãi rút từ túi áo một đôi găng cao su và từ từ đeo vào tay. Tôi tự hỏi không biết cô đang định làm gì. Xong xuôi, Anh Đào chợt giơ hai tay ra, rồi cô nhìn xoáy vào tôi mà nói.
“Nếu anh chấp nhận yêu cầu của tôi...”
Thoắt một cái, Anh Đào túm chặt lấy cổ tôi.
“... tôi sẽ trả lại cơ thể cho anh.”
“Meo?!”
Tôi bất ngờ tới nỗi chẳng kịp phản ứng.
Chỉ khi bị tóm gọn tôi mới sực tỉnh và nhận ra có mùi không ổn trong chuyện này, mà nói vậy chưa đủ. Phải là sực mùi rắc rối mới đúng. Tôi giãy giụa trong vô vọng, nhưng sức một con mèo thì chẳng thể làm gì nhiều.
Chẳng biết từ đâu Anh Đào kiếm được một cái lồng. Đặt lên bàn, cô chẳng nói chẳng rằng tống tôi vào đó và khóa lại. Cú ném thô bạo của Anh Đào làm cơ thể tôi đập mạnh vào cạnh sắt cứng ngắc một phát đau điếng.
Đuôi lộn lên đầu, mọi chuyện xảy ra chóng vánh tới nỗi tôi còn chẳng có thời gian mà hốt hoảng.
1 Bình luận