Đa số các tác phẩm mà các bạn đăng lên dạo gần đây đều có những cảnh đối kháng và rất nhiều bạn đã đặt câu hỏi làm thế nào để viết một đoạn combat cho hay. Well, bài hướng dẫn này có thể sẽ chưa làm các bạn viết hay nhưng ít nhất nó sẽ giúp các bạn viết đúng hơn, biết tiếp cận vấn đề hơn. Bài hướng dẫn này sẽ có hai ý chính. Thứ nhất là những lưu ý trước khi bắt tay vào viết, và thứ hai là một số kỹ thuật viết đối kháng.
LƯU Ý KHI VIẾT ĐỐI KHÁNG
Thứ đầu tiên cần phải để tâm là góc nhìn của truyện.
Tác phẩm của bạn đang viết dưới góc nhìn thứ nhất, thứ ba giới hạn, hay thứ ba toàn tri? Vì sao phải cân nhắc điều này? Chà, đơn giản như sau. Cứ tạm cho là bạn đang viết ở góc nhìn thứ nhất hoặc thứ ba giới hạn đi. Điều này có nghĩa là bạn đang nhập vai vào nhân vật, hoặc mô tả lại tình tiết truyện dựa trên những gì nhân vật đó thấy/suy nghĩ. Nếu vậy thì những gì khuất khỏi tầm mắt của nhân vật tuyệt đối sẽ không được xuất hiện một cách vô lý.
“Tôi lao đến cản lại nhát chém của hắn. Tiếng sắt thép va vào nhau chan chát đến điếc cả tai. Một tên tay sai rón rén bước ra đằng sau tôi. Hắn thận trọng tiến đến và đâm lút cán con dao có tẩm độc vào vai tôi.”
Đoạn trên bị sai lỗi góc nhìn. Nếu nhân vật “tôi” có thể nhìn thấy và miêu tả rõ ràng đòn đánh lén đó thì sao “tôi” không né đòn hoặc ngăn chặn gã tay sai đó ngay từ đầu?
Thứ hai, đoạn đối kháng này nhằm mục đích gì?
Xin tuyệt đối đừng chêm những đoạn đánh đấm vào chỉ để nhân vật khoe mẽ kỹ năng hay để cho truyện… hay hơn, kịch tính hơn. Nói hoài, nói mãi rồi. Tất cả tình tiết trong truyện đều phải có một mục đích nào đấy, và cảnh đối kháng thường dùng cho hai mục đích sau: (1) đẩy mạch truyện đi tới, (2) lột tả nhân vật.
Những cảnh đối kháng phải nhằm mục đích gây ra mâu thuẫn hoặc giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên. Chí ít nó phải tạo ra được một chi tiết nào đó có ảnh hưởng đến cốt truyện lúc sau, hoặc tạo ra một động lực nào đó cho nhân vật, khiến nhân vật nhận ra được ưu khuyết của bản thân, thay đổi nhận thức về người về ta.
Ngoài ra, những phân đoạn đối kháng này cũng là một cơ hội tốt để lột tả tính cách của nhân vật thông qua cách họ chiến đấu, cách họ suy nghĩ, cách họ suy nghĩ khi bị đẩy vào tình huống sống còn. Liệu họ có giữ được danh dự của mình hay chuyển qua mượn đến mưu hèn kế bẩn? Liệu họ có một tính cách khác mà chỉ khi đến bước đường cùng mới lộ ra? Liệu họ có sẵn sàng hy sinh bản thân cho người khác? Tất cả những chi tiết đó đều có thể bộc lộ và thay đổi qua những lần đối mặt với hiểm nguy.
Thứ ba, đoạn đối kháng cần phải có rủi ro.
Để trận đấu có ý nghĩa, người đọc cần biết nhân vật chính sẽ mất điều gì nếu bị thua. Người yêu sẽ bị giết? Quốc gia bị huỷ diệt? Tính mạng bị đe doạ? Một cuộc chiến sẽ trở nên vô nghĩa nếu thắng hay thua gì cũng chả quan trọng, chả có gì thay đổi. Nhân vật cần phải bị đặt vào tình huống mà kết quả hay hậu quả của trận đấu sẽ liên quan mật thiết đến họ, tạo cho họ một động lực mạnh mẽ để bước vào trận đấu. Điều này liên kết với lưu ý thứ hai đã nói ở trên, một đoạn đối kháng bắt buộc phải có tác động tới cốt truyện.
Thứ tư, có liên quan tới điều trên, đoạn đối kháng cần có điểm liên kết giữa nhân vật và độc giả
Như trên đã nói, nhân vật cần bị đặt vào tình thế hiểm nghèo. Nếu thua trận, họ sẽ bị tước đoạt một thứ gì đó rất quan trọng. Điều này đòi hỏi độc giả phải có sự kết nối với nhân vật. Họ phải lo sợ chung với nhân vật. Nếu nhân vật quá bá đạo, hay chả có gì để mất, thế thì độc giả cũng chả cần phải quan tâm đến trận chiến làm gì. Nguyên một đoạn văn chỉ đơn giản là “bùm, chát, tuyệt chiêu A, tuyệt kỹ B.” Lần đầu đọc còn thấy hứng thú, suốt một bộ truyện toàn như vậy không thì chán òm. Nên nhớ, viết tiểu thuyết không có hình ảnh hỗ trợ như phim. Tác giả phải dùng câu chữ để miêu tả toàn cảnh và chi tiết trận đấu cho người đọc. Nếu tác giả đã không giỏi miêu tả, mà trận đấu cũng chẳng có ý nghĩa gì, người đọc chắc chắn sẽ bỏ qua để xem tiếp những đoạn khác thú vị hơn.
Chính vì lẽ đó mà chúng ta nên hạn chế mở đầu bộ truyện bằng cảnh chiến tranh hay đánh nhau. Lúc đó, bạn đọc không hề có chút gắn kết nào với bất kỳ một phe phái nào trong cuộc chiến. Ai thắng ai thua đối với họ không khác biệt mấy. Cảnh đối kháng đó trở nên lạc lõng, dư thừa, và vô nghĩa.
Thứ năm, đừng đi quá sâu vào nội tâm nhân vật trong khi chiến đấu.
Bạn có thể đào sâu tâm lý trước và sau trận đấu, nhưng khi đang đánh nhau, đừng dấn quá sâu vào những gì nhân vật nghĩ. Có thể nói sơ qua về những chiến lược lướt qua trong đầu hay những nghi hoặc, những nỗi sợ khi chiến đấu, nhưng đừng dành cả đoạn văn để nhân vật độc thoại nội tâm.
Trong thực tế, mỗi trận đấu đều diễn ra tương đối nhanh nên nhịp truyện lúc này cũng phải tương ứng. Dành quá nhiều thời gian để mô tả nội tâm sẽ khiến truyện bị chùng lại. Cảm giác như cú đấm đang lao đến bị dừng lại slow motion và một ngàn năm sau mới tiếp tục tới đích.
Tuy nhiên cũng tránh viết theo kiểu blow by blow, tức là chỉ liệt kê các đòn đánh liên tiếp nhau vì đọc sẽ rất chán theo kiểu đọc một bảng tường thuật. Ví dụ như thế này:
“Cậu tung ra những quả cầu lửa nhưng không quả nào trúng đích, thậm chí còn để cho kẻ địch lợi dụng phản lực mà tấn công ngược lại. Cậu tung người né tránh nhưng hoả lực quá mạnh, đủ để hất tung cậu đập vào tường. Uy lực của đòn đánh và cú va đập quá mạnh khiến cậu bị trọng thương, máu tuôn ra lênh láng còn cánh tay thì gãy lặc lìa.”
Ờ thì có bạn nghĩ rằng viết thế này là đủ nhưng nhìn chung, đoạn văn trên giống như đọc báo cáo tường trình chứ chưa có gì hay ho. Thứ nó thiếu là mối liên kết giữa nhân vật và độc giả. Một lát nữa khi nói đến kỹ thuật viết, đoạn văn trên sẽ được đem ra chỉnh sửa lại để so sánh nhé.
Điểm cuối cùng cần phải lưu ý là tính logic/thực tế trong đoạn đối kháng.
Ở đây mình muốn nói đến plot armor. Thuật ngữ này ý chỉ nhân vật chính thường được bảo vệ, bao bọc đến mức không chết cũng không bị thương một cách phi lý chỉ vì họ là nhân vật chính.
Điều này thường xuyên xuất hiện ở những bộ main bá. Không những nhân vật chính luôn chiến thắng một cách thần kỳ (và hiển nhiên) khi đối mặt với những đối thủ đẳng cấp hơn mà tốc độ hồi phục của nhân vật chính cũng hết sức quỷ khốc thần sầu đầu lâu xanh mắt. Nói chung là vô lý đến mức nhảm nhí. Thậm chí, một nhân vật chưa qua huấn luyện lần nào nhiều khi cũng có thể thắng được một danh tướng đại tài!
Okay, sau khi đã quán triệt hết những điều trên thì chúng ta sẽ đi vào một số kỹ thuật viết nhá.
KỸ THUẬT VIẾT ĐỐI KHÁNG
Thứ nhất, dùng câu ngắn. Như trên đã nói, những cảnh đối kháng trong thực tế diễn ra rất nhanh nên nhịp truyện không được phép chậm lại. Tác giả nên dùng câu ngắn, gọn để đẩy nhanh tiết tấu truyện nhưng bên cạnh đó cũng cần chèn thêm những câu miêu tả tâm lý để tránh bị rơi vào tình trạng blow by blow, tức là liệt kê liên tục các đòn đánh dẫn đến nhàm chán.
Thứ hai, miêu tả cảm xúc và tâm lý chứ không thuật lại. Những câu này sẽ giúp độc giả dễ nhập tâm vào nhân vật và tạo ra cảm giác như chính mình đang tham gia vào trận chiến. Ví dụ như:
“Alvis nghiến răng, hấp tấp tung ra những hoả cầu để cản bước hắn, nhưng không quả nào đánh trúng đích. Nhìn thấy kẻ địch vừa cười vừa áp sát, cậu lồng lên, dùng toàn lực phóng ra một đòn chí tử. Quả cầu lửa khổng lồ hừng hực cháy, lao vun vút thẳng về phía gã pháp sư áo đen. Cậu nhếch mép cười. Không thể nào không trúng được. Để xem lần này ngươi còn tránh đi đâu. Nhưng không ngờ, tên nham hiểm ấy lại niệm cấm thuật, dùng chính hoả lực của cậu để phản công ngược lại. Tim Alvis đập thình thịch, từng cơ bắp căng cứng lên trước sức nóng hầm hập đang ập đến. Khốn kiếp! Không kịp rồi! “Kết giới!” Trong tích tắc, tấm khiên mỏng cậu vừa tạo ra vỡ tan nát. Xung lực khủng khiếp hất tung cậu vào bức tường đá gần đó.
Mình còn sống sao? Cậu pháp sư tập sự thở hổn hển, từng luồng hơi tuôn ra khỏi mũi đều khô khốc bỏng rát. Khắp nơi trên cơ thể cậu đều kêu gào đau dớn. Alvis gắng nhướng mắt nhìn qua một lượt cơ thể mình. Da trên tay trái đã tróc thành từng mảng, để lại những vết phỏng đỏ thẫm nát bươm. Cánh tay phải thì hoàn toàn không có lực vì cú va đập vào tường đá đã làm nó gãy đến lộ xương ra ngoài, máu lênh láng chảy ướt đẫm tà áo.
Tiếng bước chân của gã áo đen chậm rãi gõ trên sàn đá lâu đài. Hắn sắp đến rồi. Alvis nấc lên, cố đẩy bản thân mình ngồi dậy nhưng toàn thân đã mềm nhũn như một con hình nhân vải. Môi miệng cậu tanh ngòm vị của máu và đất đá vỡ vụn. Hoá ra đây là mùi vị của cái chết. Cậu đau đớn xoay đầu về phía tên ác nhân. Đằng sau hắn, xác của những người đồng đội ngổn ngang tứ phía…”
Đại khái vậy.
Thứ ba, tận dụng năm giác quan để làm cảnh đối kháng sinh động hơn.
Bên cạnh việc nhìn thấy các đòn đánh, tác giả cũng nên sáng tạo hơn với các góc nhìn. Không phải nhân vật góc nhìn chỉ nhìn chằm chằm vào đối thủ không, họ còn nhìn theo những quả cầu lửa, quan sát môi trường xung quanh, nhìn vào những người cổ vũ, những người bị bắt làm con tin,… Những gì họ nhìn thấy sẽ là một nguồn nguyên liệu rất dồi dào để miêu tả tâm lý nhân vật và thể hiện mức độ hoành tráng của trận đánh. Ví dụ như nhân vật né được một đòn tấn công, nhưng khi nhìn ra sau, đòn đánh ấy đã chẻ đôi một tảng đá to.
Thính giác cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tiếng xương gãy, tiếng núi lở, tiếng lửa cháy phừng phực, tiếng khóc than,… Tất cả đều có thể dùng để tạo hiệu ứng.
Mùi và vị thường đi chung với nhau. Thông thường nhất ta dùng mùi máu, mồ hôi, hoặc những “mùi” trừu tượng hơn như mùi nỗi sợ, mùi chết chóc, mùi tử thi,… Một số trường hợp còn có thể sử dụng một mùi đặc trưng nào đó để xây dựng tình tiết về một nhân vật giấu mặt.
Xúc giác thường thấy nhất là miêu tả sức nóng, cảm giác đau, tê liệt,… Đôi khi còn có thể dùng biện pháp đối lập song song để vừa miêu tả cảm giác ở hai bối cảnh trước và sau. Ví như hai vợ chồng trở mặt thành thù chẳng hạn. Những lần ôm ấp, cảm giác mềm mại của da dẻ giờ biến thành những cú đấm cú đá bầm dập,…
Kỹ thuật cuối cùng mình muốn chia sẻ là nên dùng những động từ đặc tả, hoặc nếu không thì kết hợp trạng từ trạng ngữ.
Đừng dùng những từ đơn thuần như “đấm, đá, chém,…” Hãy dùng những từ mạnh hơn như “thoi, thụi, xả, chặt, xiên, vung…” Về trạng từ, dùng thêm những cụm như “đột ngột, hấp tấp, bất ngờ,…” để làm cho câu chữ có tính gợi hình gợi tả hơn.
Bấy nhiêu đó kinh nghiệm xin chia sẻ cùng anh em.
64 Bình luận
p1: con chó bị giết, mất xe -> giết lính, giết thằng giết chó, giết cha thằng giết chó.
p2: giết luôn thằng chuẩn bị lên bàn tròn
p3: tuyên chiến luôn cả với lũ bàn tối kao...
p4: ...
cái này là phần của em: em nghĩ viết kombat để khoe cũng khôg có gì là xấu^^
mơn ad nha
Cái về rủi ro ấy, em thấy (chắc vậy) anh đang nói trong phạm trù combat trong fantasy
Nếu combat tay ngoài đời, em chỉ nghĩ đến rủi ro như là 'bị bắt', 'bị giết' thôi chứ không còn gì khác. Thì rủi ro vậy đủ chưa, hay do em còn yếu chưa nghĩ tới?
Nếu lý do dẫn đến cuộc ẩu tả là do chú muốn bảo vệ ai (cái gì) đó thì rủi ro sẽ khác với khi bác ngứa mồm rồi bị người ta đập, cũng như tình huống nữa.
Nếu tình huống combat tay trên võ đài đấm bốc thì làm gì có chuyện bị bắt hay bị giết.
Nếu em tạo được một rủi ro đủ lớn, đủ để người đọc lo lắng hồi hộp cho nhân vật thì trận combat đó sẽ có ý nghĩa và đáng theo dõi hơn nhiều.
Nên tạo một khu riêng để up mấy cái kính nghiệm thế này mới đúng