Ngôi Kể (POV) vs. Góc Nhìn (Perspective)
Members

Ngôi kể là gì mà góc nhìn là gì?

Hầu như tên nào hoạt động lâu trong Hako đều đã biết đến đường link thủ thuật của mụ Hime biên soạn, nhưng mấy bạn newbie thì chắc là không nên tôi vẫn chèn vào để các bạn tham khảo. Nói ngắn gọn thì ngôi kể là việc lựa chọn vị trí kể chuyện. Một câu chuyện có thể được chính người trong cuộc kể lại (người dẫn chuyện xưng tôi, cũng chính là ngôi thứ nhất) hoặc do một kẻ biết tuốt thuật lại (ngôi thứ ba toàn tri), hoặc do một người đứng ngoài thuyết minh hộ cho anh A chị B nào đó (ngôi thứ ba giới hạn).

Góc nhìn là một cặp mắt nào đó mà người dẫn chuyện đưa cho độc giả để họ thông qua đó nhìn thấu những tình tiết trong câu chuyện. Người đọc có thể trải nghiệm thông qua cặp mắt của “tôi”, hoặc của một kẻ biết tuốt nhìn từ trên cao thấy hết mọi việc mọi sự, hoặc của anh A nhìn chị B và ngược lại.

Tuy nhiên, trong một câu chuyện, có thể có rất nhiều “tôi” khác nhau. Lấy ví dụ như một cuộc tranh cãi đi. Nhân vật A bảo thằng B nó chạy xe tốc độ cao nên tông vào tôi. Nhân vật B lại nhảy vào bảo thằng A bắn từ trong hẻm nhỏ ra mà không chịu dòm, cũng chả chịu giảm tốc nên tôi mới tông vào. À đấy, cùng một câu chuyện, cùng một ngôi kể thứ nhất (xưng “tôi”) nhưng chúng ta đã có hai góc nhìn hoàn toàn khác biệt.

Hay lấy thêm một ví dụ này nữa nhé. Chả biết bây giờ trong chương trình dạy Ngữ Văn còn vụ này không nhưng ngày xưa tôi đi học thì thường xuất hiện dạng đề “kể lại truyện Tấm Cấm theo góc nhìn của nhân vật Cám.” Lại một lần nữa ta thấy rằng cùng một câu chuyện, và có lẽ cũng cùng một ngôi kể dạng toàn tri thông qua câu mở đầu huyền thoại “ngày xửa ngày xưa, có một…” nhưng góc nhìn đã thay đổi hoàn toàn. Thông qua sự thay đổi góc nhìn, một nhân vật vốn thường được xem là phản diện rất có thể sẽ trở thành chính diện và dễ cảm thông hơn. Ai đã xem Diên Hy Công Lược và Hậu Cung Như Ý Truyện hoàn toàn có thể hiểu điều này khi hai bộ phim khắc hoạ Lệnh phi dưới hai góc nhìn chính tà khác nhau.

Nói tới đây, ta thấy rằng góc nhìn có vẻ rất phong phú và linh hoạt, nhưng còn ngôi kể thì sao? Câu hỏi đó xin phép được trả lời dưới đây.
=======

Ngôi kể và góc nhìn, cái nào cố định, cái nào linh hoạt?

Luật bất thành văn, luật gối đầu giường, bất kỳ quy luật viết lách nào cũng sẽ nói với bạn rằng, “làm ơn, làm ơn, và làm ơn, hãy cố định một ngôi kể. Xin đừng thay đổi ngôi kể nha!”

Phải, ngôi kể là thứ nên thống nhất xuyên suốt trong bộ truyện. Nếu bạn đã chọn ngôi thứ nhất thì xin đừng nhảy sang ngôi thứ ba dù là toàn tri hay giới hạn. Điều này là vô cùng cấm kỵ đặc biệt với trường hợp đổi từ POV1 sang POV3. Lý do?

Chà, giờ hãy quay lại ví dụ nhân vật A và nhân vật B bị đụng xe nhé. Okay, bạn sẽ đóng vai nhân vật A. Bạn xưng “tôi”, bạn muốn những người xung quanh nghe, thấu hiểu, và đồng cảm cho bạn, về phe bạn, ủng hộ bạn. Vậy nếu đột nhiên có một thằng ất ơ nào đó ở ngoài cuộc nhảy vào thuật lại câu chuyện theo một cách khác, liệu những người xung quanh có còn thấy gắn với những gì bạn kể  không? Đó chính là cảm giác khi đọc một bộ truyện kết hợp giữa POV1 và POV3 đấy. Tác giả sẽ rất khó tạo được cầu nối giữa người đọc và nhân vật “tôi” khi độc giả cứ bị kéo vào rồi đẩy ra khỏi đầu của nhân vật. Chưa kể, nếu tác giả kết hợp giữa POV1 và POV3 toàn tri, nhiều lúc độc giả còn bị quăng tuốt lên trời hay búng sang một lục địa khác chỉ để ngó một thứ gì đó đang diễn ra mà chẳng liên quan gì đến nhân vật “tôi” trong suốt 3 chương tiếp theo.

Tóm lại, thay đổi ngôi kể:

Lợi: ừm, không rõ ràng

Hại: làm mất khả năng kết nối với nhân vật, làm rời rạc mạch truyện,…


Tuy nhiên, góc nhìn thì lại linh hoạt hơn, miễn là được triển khai trên cùng một ngôi kể. Chương 1, bạn để nhân vật A xưng “tôi” thì sang chương 2, nếu bạn muốn kể theo góc nhìn của nhân vật B thì nhân vật B vẫn phải xưng “tôi” để bảo đảm tính nhất quán cho truyện.

Có một số bạn sẽ đặt câu hỏi, vậy thì có khác gì với chuyện khiến cho lời kể của A thiếu độ tin cậy như khi thay đổi ngôi kể đâu?

Ơ khác chứ, khác rất nhiều đấy. Nếu bạn dùng ngôi thứ nhất cho A và ngôi thứ ba cho B, điều này sẽ tạo cảm giác bối rối cho độc giả. Vì thông thường, khi đọc ở ngôi thứ nhất, họ sẽ hoàn toàn tin tưởng nhân vật “tôi” nhưng bây giờ lại xuất hiện một góc nhìn khách quan khác. Vậy liệu “tôi” có còn đáng tin không? Độc giả bắt đầu muốn đi tìm sự thật và họ chẳng biết phải tin ai, kể cả “tôi”. Và cái cảm giác không thể tin nổi chính bản thân mình chẳng hề dễ chịu chút nào.

Nhưng khi bạn xưng “tôi” cho cả hai nhân vật, độc giả sẽ hiểu rằng cả hai nhân vật đó đều có thể đang nói thật hoặc nói dối. Họ chấp nhận rằng một câu chuyện có thể có nhiều góc độ và việc phân tích ai đúng ai sai, ai thiện ai ác trở nên hấp dẫn và thú vị hơn nhiều. Cái cảm giác bối rối ở trên bây giờ lại được chấp nhận một cách đàng hoàng tử tế mà còn được dùng như một biện pháp câu kéo người đọc. Bạn có thể thấy rõ điều này thông qua những tiểu thuyết trinh thám. Các tác giả sẽ chọn đi theo một ngôi kể một góc nhìn của “tôi” để tìm ra thủ phạm, hoặc một ngôi kể nhưng đa góc nhìn để gây nhiễu thông tin cho độc giả. Cứ thử dùng nhiều ngôi kể xem, cứ như Thượng Đế đang đánh đố nhân vật “tôi” tội nghiệp vậy á.

Tóm lại, thay đổi góc nhìn:

Lợi: tạo ra cảm giác khách quan hơn cho câu chuyện khi thấy được nhiều mặt của vấn đề, xoá bỏ lằn ranh thiện ác thông thường giúp câu chuyện không đi vào lối mòn khi đề cập những vấn đề đạo đức.

Hại: một số độc giả sẽ không quen kiểu triển khai này, đặc biệt nếu họ thích kiểu mạch truyện tuyến tính truyền thống: một nhân vật chính đại diện phe thiện chiến thắng phe ác; truyện sẽ bị dài ra và nhiều khi còn dềnh dàng nếu triển khai không tốt; dễ chọn nhầm góc nhìn khiến chương truyện trở nên dư thừa.

Okay, vậy những yếu tố trên lại tiếp tục đưa chúng ta đến câu hỏi cuối cùng: tôi lựa ngôi kể và góc nhìn dựa trên những yếu tố nào đây?

=======

Cách lựa chọn ngôi kể cho truyện

Phương pháp chung khi chọn ngôi kể đó là bạn phải hiểu cốt truyện của mình, hiểu ý đồ và thông điệp bạn muốn truyền đạt.

Nên chọn ngôi thứ nhất: khi truyện của bạn tương đối đơn giản về mặt nội dung (ví dụ như theo kiểu chính vs. tà); khi bạn muốn đánh mạnh về việc kết nối cảm xúc với độc giả; khi không có nhiều nhân vật gián tiếp ảnh hưởng đến mạch truyện mà không thông qua nhân vật chính; khi muốn che giấu cảm xúc, âm mưu, kế hoạch của những nhân vật khác đối với “tôi”; khi bạn muốn kể câu chuyện của “tôi” theo cách nghĩ, cách hiểu chủ quan của riêng “tôi (đây cũng là đặc điểm khác biệt cơ bản so với ngôi thứ ba giới hạn).

Nên chọn ngôi thứ ba toàn tri: khi truyện của bạn có nhiều những biến động quan trọng khuất khỏi tầm nhìn của các nhân vật chính; khi bạn muốn đào sâu tâm lý của tất cả nhân vật trong cùng một cảnh; khi bạn muốn chính người dẫn truyện bộc lộ ý nghĩ.

Nên chọn ngôi thứ ba giới hạn: khi bạn muốn tạo một sự kết nối giữa độc giả với nhân vật mà chỉ dừng lại ở mức thông cảm chứ không hẳn là nhập tâm; khi bạn chỉ muốn đi vào tâm lý của một nhân vật nào đó và tránh xa tâm lý của những nhân vật khác; khi bạn vẫn muốn kể chuyện và có một nhân vật chính nhưng chỉ tường thuật lại một cách khách quan những sự kiện xoay quanh nhân vật đó chứ không muốn câu chuyện đi theo hướng chủ quan một chiều của nhân vật đó; khi bạn không muốn độc giả biết chắc chắn rằng nhân vật góc nhìn đó có sống đến cuối cùng hay không.

=======

Cách lựa chọn góc nhìn cho truyện

Một câu chuyện bao giờ cũng có ít nhất một góc nhìn, nhưng như trên đã nói, bạn có thể triển khai thêm nhiều góc nhìn khác miễn là vẫn thống nhất về ngôi kể. Ngoài ra, bạn chỉ nên chuyển góc nhìn khi chuyển chương để tạo một dấu hiệu báo cho độc giả biết rằng đã đến lúc phải xả vai và sắm một  vai mới.

Trên thực tế, chưa có một lý thuyết hay luật lệ nào quy định số lượng của góc nhìn cả. Xin phép ví dụ một số quyển tôi từng đọc nhé:  What If It’s Us, Gone Girl, To Kill a Kingdom (2 góc nhìn, đều xưng “tôi”), The Girl on the Train (3 góc nhìn xưng “tôi”), Children of Blood and Bone (4 góc nhìn xưng “tôi”), và dĩ nhiên không thể không kể đến nguồn cảm hứng bất tật A Song of Ice and Fire.

Khi viết bộ A Song of Ice and Fire, George Martin dự kiến bộ truyện chỉ có 3 quyển nhưng sau đó thì đã phát sinh lên đến 7 quyển và vô số ngoại truyện. Vì vậy, trong quyển một: A Game of Thrones, ông chỉ triển khai 9 góc nhìn dùng ngôi thứ ba giới hạn, nhưng đến quyển gần nhất A Dance with Dragons, số góc nhìn đã là 18 và vẫn dùng ngôi thứ ba giới hạn (một số góc nhìn chỉ có một chương duy nhất) và trong hai quyển cuối dự kiến sẽ còn tăng lên nữa.

Với số góc nhìn này, người khen cũng có và người chê cũng có vì kỹ thuật viết này cũng như bao kỹ thuật viết khác đều có chỗ khuyết và chỗ ưu của nó. Nhưng cái có thể thấy ở đây là con số góc nhìn không phải là thứ bị giới hạn. Nếu cốt truyện cần và bạn có khả năng thì cứ mạnh dạn triển khai viết dưới nhân vật góc nhìn đó.

Tuy vậy, cần hiểu rõ lợi và hại của việc dùng đa góc nhìn để tránh đi những lỗi không đáng:

Lợi: Kể một câu chuyện đầy đủ hơn, khách quan hơn; xoá đi lằn ranh giữa thiện và ác dưới mỗi góc nhìn khác nhau; khắc hoạ thế giới trong truyện được phong phú hơn, thử thách khả năng hoá thân của tác giả vào những nhân vật khác nhau; thể hiện được sự muôn mặt của cuộc sống; vượt qua được những lằn ranh địa lý trong truyện,…

Hại: Khó tiếp cận với một số độc giả thích kiểu nhân vật đơn tuyến; làm truyện dài và cồng kềnh, thử thách sự kiên nhẫn của người đọc; khó chào hàng với nhà xuất bản; khó triển khai tốt nếu kỹ năng viết chưa vững; thậm chí chính tác giả nếu không lên kế hoạch kỹ càng cũng khó theo dõi mạch truyện,…

Vậy, bạn chỉ nên dùng đa góc nhìn khi và chỉ khi:

+ Bạn muốn viết một bộ truyện có nội dung đủ phức tạp, đặc biệt là khi nó không đi theo kiểu chánh vs. tà mà muốn thử thách quan điểm về đạo đức của người đọc.

+ Bạn muốn nhiều tuyến nhân vật ảnh hưởng đến mạch truyện chính nhưng lại không tương tác trực tiếp với những nhân vật trọng tâm.

+ Các tuyến nhân vật thường bị phân cách về mặt địa lý nhưng tình tiết và diễn biến lại diễn ra đồng thời.

+ Có khả năng bảo đảm những nhân vật góc nhìn có “giọng” riêng thông qua cách triển khai thoại, miêu tả nội tâm. Yếu tố này hoàn toàn không liên quan gì tới giọng văn của riêng tác giả và màu sắc không khí chung của truyện nhé.

+ Đủ khả năng xây dựng đa số những tuyến nhân vật đủ thu hút chứ không mờ nhạt. Chắc chắn mỗi độc giả sẽ có những nhân vật góc nhìn họ chỉ muốn tua nhanh do sở thích của mỗi người khác nhau, nhưng đa phần các nhân vật góc nhìn đều phải có sức hút riêng, hay nói nôm na là có fan riêng.

Cuối cùng, không nên sử dụng đa góc nhìn khi:

+ Cần một con mắt khác để tạm thời kể hay miêu tả một số cảnh, tình tiết khác. Thay vì vậy, bạn nên tìm cách xây dựng tình tiết thông qua tương tác của nhân vật góc nhìn vốn có hoặc tìm cách triển khai mới.

+ Dùng đa góc nhìn như một công cụ để “nhảy vào đầu” các nhân vật khác bất cứ khi nào bạn muốn. Sự bí ẩn của các nhân vật xung quanh nhân vật chính cũng là một yếu tố thú vị để thu hút độc giả.

+ Cốt truyện không đòi hỏi đa góc nhìn nhưng vẫn muốn làm thử cho biết. Tác giả nên có sự tính toán và lên kế hoạch cẩn thận vì góc nhìn và ngôi kể là một trong những yếu tố cơ bản đầu tiên cần phải nghĩ tới trước khi bắt tay vào viết.


Đôi lời chia sẻ đến quý đồng bào. Chúc mọi người vững tay và luôn tràn đầy sức sáng tạo.

Truyện sáng tác

15 Bình luận

TRANS
UP!
969040829563953202.png
Xem thêm
VadaylaPholotilo
Pholo…ui,mottinhhuongmuaphainoilacucgat
Ngoi
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
Những mem mới nên đọc loại bài của bác Đại Dương để tránh những lỗi sai cơ bản nhé!
Xem thêm
Phủi bụi cho bài đăng :"
Xem thêm
Sau cùng, thấy tên truyện của bác là biết có mùi PR ở đây:))
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Là sao? Lần nào tôi chả gắn bài hướng dẫn vào truyện của tôi cho dễ tìm. Với lại, truyện nó ngoi lên đến top 4 rồi thì đáng ra bây giờ tôi cũng chả cần phải PR này nọ nữa đâu nhưng thế mà tôi ngu lắm, cứ viết tips free không à...
Xem thêm
CHo hỏi tí. Mình dùng ngôi ba và có 2 POV chính là qua nam và nữ chính, 2 POV này sẽ chuyển liên tục dựa theo việc kiểm soát một vật thể. Nam chính sẽ là được gọi là "cậu" xưng "tôi" và gọi nữ chính là cô. Còn nữ chính được gọi là "cô" xứng tôi và gọi nam chính là "anh". Liệu điều này có được không? Mình muốn diễn tả liên tục những lí do, hành động và cảm xúc của hai nhân vật này khi đặt trong tình huống giống nhau với người kia và với tình huống. (hai nhận vật này có thể giao tiếp gần như mọi lúc mọi nơi nhưng một người hành động thì người kia sẽ bị giới hạn hành động lại và thường chỉ có thể quan sát. )
Xem thêm
Bác đọc bài chưa? Thứ bác hỏi nằm hết trong bài rồi đó.
Tui băn khoăn là nếu ai cũng vào hỏi riêng trường hợp của mình chứ chả thèm đọc cho hết bài hướng dẫn thì chủ post đăng lên vô ích quá?!!!!
Xem thêm
@levuongking: Mình đọc rồi nhưng mình vẫn không chắc chắn và muốn tham khảo hẳn ý kiến của dân chuyên thôi bạn ? nói thẳng ra mình vẫn chưa hiểu hoàn toàn hiểu hết được dù đã đọc lại vài lần lên mình lựa chọn hỏi thằng người viết.
Xem thêm
Xem thêm 2 trả lời
Cảm ơn anh vì bài chia sẻ :3
Xem thêm
Ông @Nyn: ơi, đọc cái này này
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
@Mr. Nobody: Inspired by sớ trảm của các boss~ :-ss
Xem thêm
Xem thêm 1 trả lời