#2 - Về "Mệnh đề quan hệ".

 Xin chào, lại là tôi, Tôi Report Truyện Của Bạn đây. Nhớ không, cái tên giả vờ tử tế được mấy ngày thì lại đi report truyện ngay ấy?

 Trong các bản dịch tiếng Anh thì mệnh đề quan hệ xuất hiện rất nhiều, nếu không muốn nói là câu nào cũng gặp. Một số dịch giả không chuyên thường rất lúng túng khi xử lí những kiểu câu như thế này, làm cho câu văn trở nên “Tây” hơn là thuần Việt. Thậm chí có vài người dịch ra những câu mà tôi có thể nhanh chóng nhận ra người đó dịch từ Eng hay Raw, và đoán được cả câu gốc.

Những khó khăn trong cách dịch các cấu trúc có chứa đại từ quan hệ tiếng Anh sang tiếng Việt nảy sinh có lẽ là do tiếng Việt của chúng ta không có lớp từ này và vì thế mà người Việt học tiếng Anh khó có thể hình dung ra một hiện tượng ngữ pháp không tồn tại trong tiếng mẹ đẻ. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta không có cách nào để biến chuyển những câu văn đó theo hướng thuần Việt. Hi vọng bài viết này sẽ khai thông bế tắc và gợi ý cho các bạn một số cách để xử lí các câu mệnh đề quan hệ sao cho mượt mà hơn.

 Và như thường lệ, bài viết này hoàn toàn dựa theo ý kiến cá nhân của tôi. Các bạn có thể thoải mái chỉ trích phương pháp mà tôi nêu ra dưới đây. Nhưng như vầy sẽ tốn thời gian lắm, vì dù gì tôi cũng chỉ là một con clone rác thôi.

 

Phần 1 – Tổng quát về mệnh đề quan hệ.

 Trước khi đi qua các hướng xử lí, tôi sẽ nêu ra một vài điểm nổi bật của mệnh đề quan hệ. Nói tóm gọn, thuật ngữ “mệnh đề quan hệ” (relative clauses) dùng để chỉ những mệnh đề bắt đầu bằng các đại từ quan hệ (gồm who, whom, whose, which và that) hoặc trạng từ quan hệ (when, where và why), dùng để giải thích rõ hơn về danh từ đứng trước nó. Ví dụ:

  • Yesterday, I read a terrible translation, which made me planned on reporting. = Hôm qua tôi đọc được một bản dịch tệ kinh khủng, làm tôi phải lên kế hoạch report.
  • Did you see the hat that I bought yesterday? = Anh có thấy cái nón em mới mua hôm qua không?

 Bình thường là thế, nhưng các bạn vẫn sẽ gặp những mệnh đề quan hệ đã bị lược bớt các đại từ quan hệ hoặc lược bớt danh từ đứng trước mệnh đề quan hệ. Ta sẽ gọi chúng là mệnh đề quan hệ giản lược. Cụ thể:

  • I couldn’t get married to the girl whom I loved so kindly. = Tôi đã không thể cưới được người con gái mà tôi yêu tha thiết. Ở đây, nếu giữ lại đại từ “whom”, thì ta sẽ có hai từ “the girl” (chỉ người con gái và nhân vật “tôi” yêu tha thiết) và “whom” (cũng chỉ người con gái…) đứng sát nhau. Tuy về mặt ngữ pháp thì không sai, nhưng như thế sẽ gây nên sự lặp lại. Vậy nên người ta sẽ bỏ đại từ quan hệ.
  • I remember the day when Mr C. got banned like it was yesterday. = Tôi vẫn còn nhớ như in cái hôm anh C. bị ban. Tương tự như trên, “the day” và “when” đều chỉ thời điểm mà anh C. bị ban. Khá dư thừa. Vậy nên chúng ta sẽ bỏ một trong hai đi, ở đây ta bỏ danh từ đứng trước mệnh đề quan hệ (tức “the day”).

 Đó là về mặt hình thức, còn về nội dung thì ta có thể chia làm ba loại. Xét các ví dụ:

  • My victim who got reported not so long ago was so pissed that he decided to left Hako and translating manga instead. = Cái tên nạn nhân bị tôi report cách đây không lâu cay đến nỗi quyết rời Hako và chuyển sang mảng manga rồi. (1)
  • One of my victim, who got reported not so long ago, was so pissed that he decided to left Hako and translating manga instead. = Một trong những nạn nhân bị tôi report cách đây không lâu cay đến nỗi quyết rời Hako và chuyển sang mảng manga rồi. (2)
  • One of my victim was so pissed that he decided to left Hako and translating manga, which is not surprising to me. = Một trong những nạn nhân của tôi cay tới nỗi bỏ Hako để sang dịch manga, chuyện này đối với tôi cũng chẳng mấy bất ngờ. (3)

 Ở ví dụ (1), ta có thể thấy mệnh đề “who got reported not so long ago” đóng vai trò quan trọng trong câu. Vì nhân vật “tôi” có nhiều “nạn nhân” quá, nên anh ta cần phải chỉ ra nạn nhân nào để những người đọc tò mò (là các bạn) có thể khoanh vùng và tờ mờ đoán ra đó là ai. Những mệnh đề quan hệ như thế thì được gọi là mệnh đề quan hệ xác định.

 Ở ví dụ (2), mệnh đề “who got reported not so long ago” kẹp giữa hai dấu phẩy có thể được lược bỏ mà chẳng ảnh hưởng đến nghĩa của câu. Những mệnh đề quan hệ như thế thì được gọi là mệnh đề quan hệ không xác định.

 Ở ví dụ (3), mệnh đề “which is not surprising to me” đứng cuối câu có tác dụng nêu lên những thông tin bên lề, bổ sung cho câu đứng trước. Những mệnh đề quan hệ như thế thì được gọi là mệnh đề quan hệ nối tiếp.

 

Phần 2 – Đề xuất một số cách giải quyết

I – Dịch thành một cụm chủ vị: Các cấu trúc có chứa đại từ quan hệ trong tiếng Anh có thể dịch thành các cụm chủ vị trong tiếng Việt khi:

 1 – Danh từ ở mệnh đề chính là đối tượng của động từ vị ngữ trong mệnh đề phụ.

  • I couldn’t get married to the girl I loved so kindly. = Tôi đã không thể cưới được người con gái mà tôi yêu tha thiết. Danh từ ở mệnh đề chính (the girl/người con gái) là đối tượng của động từ vị ngữ (love/yêu) trong mệnh đề phụ. “Tôi yêu tha thiết” là một cụm chủ vị.
  • Did you see the ridiculous tantrums that he threw yesterday? = Bạn có được chứng kiến cái màn ăn vạ lố lăng mà hắn ta bày ra hôm qua chưa? Danh từ ở mệnh đề chính (ridiculous tantrums/màn ăn vạ lố lăng) là đối tượng của động từ vị ngữ (threw/bày ra).

 Ở trong cả hai ví dụ trên, từ liên kết là “mà”.

 2 – Danh từ ở mệnh đề chính diễn đạt thời gian, không gian của sự kiện trong mệnh đề phụ.

 Xét 3 ví dụ sau:

  • I usually have some coffee at my favourite shop at 6:30, when there are less customer. = Tôi thường uống cà phê ở quán tủ của mình vào khoảng 6 giờ rưỡi, khi ấy thì sẽ ít khách hơn. Thời gian ở đây là 6 giờ rưỡi, nằm trong mệnh đề chính, còn sự kiện “quán ít khách” nằm trong mệnh đề phụ diễn ra vào khoảng thời gian được nhắc đến ở mệnh đề chính (tức 6 giờ rưỡi). (4)
  • We visited the house in which Shakespear lived during his childhood = Chúng tôi đã đến thăm ngôi nhà Shakespear đã từng sống thời niên thiếu. Địa điểm ở mệnh đề chính là “ngôi nhà”, biểu thị không gian của sự kiện “Shakespear đã từng sống thời niên thiếu” được nhắc đến ở mệnh đề phụ. (5)
  • I would never forget the day I met you. = Anh sẽ không bao giờ quên được ngày anh gặp em. Thời gian ở mệnh đề chính: “ngày”, sự kiện diễn ra trong mệnh đề phụ: “anh gặp em”. (6)

 Ở ví dụ 4, ta có thể sử dụng từ “khi ấy” để dịch từ “when”, nghe sẽ thuần Việt và tự nhiên hơn nhiều so với “Tôi thường uống cà phê ở quán tủ của mình vào khoảng 6 giờ rưỡi, thời điểm mà quán ít khách hơn.”

 Ở ví dụ 5, từ liên kết mà tôi đã dùng là từ “mà”. Nhưng sang ví dụ 6 thì tôi lại bỏ từ “mà” đi (thay vì Anh sẽ không bao giờ quên được cái ngày mà anh gặp em). Đó là vì giới từ “mà” ở ví dụ số 6 có thể lược bỏ vì nó chẳng ảnh hưởng đến ngữ nghĩa của câu, nên bỏ đi người đọc đỡ mệt mỏi. Còn ở ví dụ số 5, từ “mà” được sử dụng để nhấn mạnh: “Shakespear có thể có nhiều nhà, nhưng bọn tôi tới thăm cái nhà ổng sống thời niên thiếu ấy.”

 Kết luận lại, chúng ta luôn nên bỏ giới từ để câu cú bớt lê thê, nhưng hãy tự hỏi: 1) Sau khi lược bỏ thì câu cú có bị tối nghĩa không? 2) Thông tin được nhắc tới có phải là thông tin được tác giả cố tình đánh giá, giải thích cặn kẽ hay nhấn mạnh không?

 3 – Danh từ trong mệnh đề chính chỉ nguyên nhân của sự việc trong mệnh đề phụ

  • Toi Report Truyen Cua Ban is the reason why that poor translator has to leave Hako and all of his projects behind. = Tôi Report Truyện Của Bạn là lí do tại sao mà dịch giả tội nghiệp đó phải từ bỏ chốn CLN và tất cả những PJ của mình.
  • Many people want to know the reason why I did all of this. = Có rất nhiều người muốn biết (lí do) vì sao tôi lại làm mấy chuyện này.

Ta sẽ dùng từ liên kết trong trường hợp này là “vì sao”, “tại sao” hoặc “do đâu”, (đôi khi có thể lược bỏ đi cụm “lý do” hay “nguyên nhân”).

 II – Dịch nối từ

 Ta có thể dịch nối mệnh đề quan hệ với mệnh đề chính để trở thành một câu hoàn chỉnh trong các trường hợp sau đây:

1 – Danh từ trong mệnh đề chính là chủ thể của hành động được nhắc đến trong mệnh đề phụ

  • They have built a house which can withstand the worst kind of earthquake. = Người ta đã dựng được một căn nhà có thể chịu được những cơn động đất tồi tệ nhất. Chủ thể mệnh đề chính: a house/căn nhà, hành động được nhắc tới trong mệnh đề phụ: withstand the worst kind of earthquake/chịu được những cơn động đất tồi tệ nhất.
  • They have edited their chapter so that it could outplay Diffchecker. = Bọn họ đã sửa chương sao cho có thể qua mặt cả Diffchecker. Chủ thể mệnh đề chính: chương, hành động được nhắc tới trong mệnh đề phụ: qua mặt cả Diffchecker.

2 – Danh từ trong mệnh đề chính là đối tượng của hành động được nhắc đến trong mệnh đề phụ.

  • Ronaldo’s second goal, which was scored in the final minutes, won Manchester United the Champions League. = Bàn thắng thứ hai của Ronaldo được ghi vào những phút cuối của trận đấu đã đưa Manchester United đến chiến cúp Champions League. Danh từ trong mệnh đề chính: Ronaldo’s second goal/Bàn thắng thứ hai của Ronaldo, là đối tượng của hành động “score/ghi” trong mệnh đề phụ.
  • The previous example, which was purely fantasy, must have been a wonderful dream of a Manchester United fan = Cái ví dụ sặc mùi viễn tưởng vừa rồi hẳn là giấc mơ của một tên fan Quỷ Đỏ nào đó rồi.

 III – Dịch tách thành hai câu đơn độc lập.

 Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi để dịch các mệnh đề quan hệ không xác định, liên kết lỏng lẻo với mệnh đề chính.

 Có hai dạng tách, một là tách thành hai mệnh đề chủ vị độc lập trong một câu phức, hai là tách ra thành hai câu độc lập. Ta cùng đi qua hai ví dụ:

  • I’ll finish my deadline on the 30th of Feburary, which is not a legitimate date. = Tôi sẽ hoàn thành hạn chót của mình vào ngày 30 tháng 2, đó là một ngày không tồn tại.
  • My cousin, who just got a university scholarship in Australia, is hoping to find some useful tips here in Hako. = Đứa em họ của tôi vừa được học bổng đại học tại Úc. Và em ấy hi vọng sẽ nhận được nhiều lời khuyên bổ ích ở chốn Cổng Light Novel này.

 

Phần 3 – Một số “bài tập” tập luyện

 Như bài trước, tôi sẽ để một số câu cho các bạn thực hành ngay tại chỗ. Đừng chỉ làm theo răm rắp những gì tôi nói ở trên, nhưng cũng đừng đi xa quá so với nghĩa ban đầu của câu.

① Acupunture, which originated in China, has become a world-renowned form of medical treatment.

<Spice> Trị bệnh bằng cách châm cứu, vốn khởi khuồn từ Trung Quốc, nay đã trở nên phổ biến trên toàn cầu.

<A1ka> Thuật châm cứu vốn bắt nguồn từ Trung Quốc nay đã trở thành một phương pháp điều trị y học được cả thế giới biết tới.

 

② Silas adopted a young child, Eppie, the daughter of an impoverished woman who had died suddenly.

<Bitz> Silas đã nhận nuôi cô bé Eppie, con của một người phụ nữ khốn khó vừa đột ngột qua đời.

 

③ The chemical formula of deoxyribonucleic acid (DNA) is now well established. The molecule is a very long chain, the backbone of which consists of a regular alternation of sugar and phosphate groups.

 

④ Silas might be seen in the sunny mid-day, or in the late afternoon when the shadows were lengthening under the hedgerows, strolling out with uncovered head to carry Eppie beyond the Stone-pits to where the flowers grew, till they reached some favorite bank where he could sit down, while Eppie toddled to pluck the flowers, and make remarks to the winged things that murmured happily above the bright petals.

(George Eliot, Silas Marner, 1861)

<Bitz> Vào những buổi trưa nắng chói chang, hay lúc chiều tà khi bóng ngả dài trên những hàng rào, có thể bắt gặp cảnh Silas tản bộ nhàn nhã với mái đầu trần cõng bé Eppie vượt qua hố đá tới nơi hoa nở, mãi tới khi cả hai đến được bờ sông vừa ý để Silas ngồi nghỉ, còn Eppie thì chập chững hái hoa và bộc bạch những suy nghĩ ngây ngô về các sinh vật có cánh thầm thì thích chí trên những cánh hoa rực rỡ.

Bài viết trước

#1 - Về "Nó".

75 Bình luận

TRANS
Bình luận đã bị xóa bởi Tôi Report Truyện Của Bạn
TRANS
Đào vì có nhiều bộ đang được hồi sinh
Xem thêm
Một bài viết rất hữu ích và chi tiết. Hy vọng sẽ có những bài viết tương tự cho kinh nghiệm dịch tiếng Nhật.
Xem thêm
TRANS
đào
Xem thêm
Nếu không có gì thì đừng đào bạn ạ. Nhường chỗ cho các BOX cần được quan tâm nhiều hơn.
Xem thêm
Bình luận đã bị xóa bởi Tôi Report Truyện Của Bạn
3. Công thức hóa học của axit deoxyribonucleic (DNA) đã được phổ cập rộng rãi. Một phân tử DNA là một xâu nối, phần khung của nó gồm có đường và các nhóm phốt phát lặp lại liên tục.
Xem thêm
TRANS
Chữ A đại diện cho axít, tức bác ghi tên axít đi trước như chương trình của bộ giáo dục thì cái ghi tắt bác phải ghi là ADN kiểu tiếng Pháp, chứ không ghi axít đi trước mà lại ghi tắt là DNA kiểu tiếng Anh thế kia được.
Xem thêm
@No.4 T: À, t hiểu rồi, cảm ơn bác nhé.
Xem thêm
Sửa lại câu 3, không biết như này đã hợp lý chưa.
(3): Công thức hóa học của DNA đã được công nhận rộng rãi. Phân tử DNA là một chuỗi dài, với bộ khung được cấu tạo từ sự lặp lại luân phiên của các nhóm photphat và đường.
Xem thêm
Mình thấy câu này có thể dịch y nguyên si ra mừ: Công thức hóa học của DNA nay đã được công nhận/biết đến rộng rãi. Phân tử DNA là một chuỗi dài, với xương sống/thành phần chính tạo thành từ sự xen kẽ một cách đều đặn của các nhóm photphat và đường.
Xem thêm
add: có thêm cả cấu tạo chính nữa 8^8
Xem thêm
Xem thêm 1 trả lời
Trình tiếng anh + tiếng việt vẫn còn non, nếu có ai có góp ý thì mình xin rửa tay lắng nghe.

Câu 4
Vào những buổi trưa nắng hay khi bóng râm ngả dài dưới các bờ giậu, có thể bắt gặp Silas đang tản bộ với một cái đầu trần, cõng Eppie vượt qua những mỏ đá để tới nơi hoa mọc, tới khi mà họ đến một bờ sông ưng ý nào đó, nơi ông có thể ngồi xuống, trong khi Eppie chập chững hái những đóa hoa và bày tỏ những suy nghĩ về những thứ có cánh đang thầm thì hạnh phúc trên những cánh hoa tươi thắm (bees).
Xem thêm
sad, đã muộn =(
Xem thêm
1. Kỹ thuật châm cứu bắt nguồn từ Trung Quốc đã được cả thể giới biết đến rộng rãi.

2. Eppie là cô con gái của một bà mẹ nghèo khó mới qua đời đột ngột gần đây đã được Silas nhận nuôi.

Tuy đã đọc xong lâu rồi nhưng đến giờ vẫn chưa có ai trả lời đúng nên mình thử sức chút :v Cảm ơn đã đọc ~.~
Xem thêm
- Câu 1: Thiếu "medical treatment".
- Câu 2: Suy nghĩ đơn giản tí đi.
Xem thêm
@Tôi Report Truyện Của Bạn: Đã xem đáp án mà bác đã cập nhật, cảm ơn nhiều ~.~ Câu 3 mình sẽ suy ngẫm tiếp
Xem thêm
TRANS
Bình luận đã bị xóa bởi Tôi Report Truyện Của Bạn
Theo Vina thì
1. Thuật châm cứu của TQ có chỗ đứng trong nền y học thế giới
2. Silas nhận nuôi Eppie do má nó chết bất đắc kì tử trong cảnh đói nghèo
3. Công thức của DNA trở thành kiến thức phổ thông. Nó khá là dài với các phân tử đường và gốc photphat xếp xen kẽ nhau làm gốc
4. dài quá Vina hiểu chứ dịch lại thì chịu =))
Xem thêm
Bủ bủ tui thấy câu 2 cái bất đắc kì tử đó dù đc TRTCB ủng hộ nhưng nó lại khiến cho câu bị thêm thắt, do a sudden death là một cái chết đột ngột ko có nhắc đến việc là nguyên nhân tự nhiên hay không, còn chết bất đắc kỳ tử nghĩa là một cái chết đột ngột do nguyên nhân không phải là tự nhiên tác động =)
Xem thêm
@A1ka: ơ bất đắc kỳ tử là có nguyên nhân à ? đó giờ Vina cứ tưởng chết đột ngột thôi
Xem thêm
Xem thêm 4 trả lời
Cần lắm một bài về I see và Well, À-Á
Xem thêm
Tại mấy bộ ln tui đọc anh toàn spam mấy cái đó thui, nếu ko bỏ đi một vài well thì cả bản dịch sẽ bị filled up with À thì, thì, tôi thấy, tôi hiểu (rồi)
Xem thêm
1/ Thuật châm cứu đến từ Trung Quốc là một phương pháp trị liệu trứ danh.
2/ Silas nhận nuôi cô bé Eppie sau khi người mẹ ốm yếu của em đột ngột qua đời.
3/ Công thức hóa học của axit đêôxiribônuclêic (ADN) rất bền vững. Phân tử là một chuỗi xoắn kép rất dài, với mạch đơn gồm có đường và các nhóm phốt phát liên tục sắp xếp xen kẽ lẫn nhau.
Xem thêm

Đây là ý kiến cá nhân của mình, có thể sai nên mong thông cảm:

1 - Bạn dịch bị thiếu nghĩa đó, nếu dịch thô cả câu thì nghĩa nó thế này: Thuật châm cứu vốn xuất phát từ TQ, nay đã trở thành một phương pháp điều trị y học được cả thế giới biết tới.
2 - Nghĩa của từ impoverished là very poor, nên ko dịch thành ốm yếu đc.
3 - Nghĩa của từ backbone là the most important part of something, providing support for everything else nên không dịch thành mạch đơn đc, mình thì sẽ chuyển thành xương sống hoặc là phần quan trọng nhất.
Xem thêm
@A1ka: câu 1 đúng là thiếu nghĩa thật, bữa đánh máy thiếu mà lúc nhận ra thì quá giờ sửa rồi. Đúng ra là như thế này: Thuật châm cứu đến từ Trung Quốc hiện là một phương pháp trị liệu trứ danh.
Câu 2 từ impoverished mình thấy google nói hoặc là bần cùng (nghèo nàn) hoặc là suy yếu (suy nhược), cũng chẳng biết ngữ cảnh ra sao (có thể vừa nghèo vừa ốm) nên chọn ốm yếu. Còn có từ nào hay hơn không nhỉ?
Câu 3 thì phải xem lại định nghĩa ADN đã, mình học là:
+ ADN là 1 chuỗi xoắn kép gồm 2 mạch pôlinuclêôtit chạy song song và ngược chiều nhau xoắn đều quanh 1 trục theo chiều từ trái sang phải.
+ Liên kết trong 1 mạch đơn: các nuclêôtit liên kết với nhau bằng liên kết hóa trị giữa axit phôtphoric của nulêôtit này với đường ở C5 của nuclêôtit kế tiếp tạo thành chuỗi pôlinuclêôtit.
Chuỗi xoắn kép gồm 2 mạch, mà backbone ghi là gồm có đường với các nhóm phốt phát cho nên mình thay backbone là mạch đơn luôn.
Xem thêm
Xem thêm 2 trả lời
(1): Phương pháp trị liệu châm cứu từ Trung Quốc được cả thế giới biết đến.
(2): Silas đã nhận nuôi cô bé Eppie, con của một người phụ nữ khốn khó vừa đột ngột qua đời.
(3): Công thức hóa học của DNA đã được công nhận rộng rãi. Phân tử DNA là một chuỗi dài, cấu tạo từ sự lặp lại luân phiên của các nhóm photphat và đường.
(4): Vào những buổi trưa nắng chói chang, hay lúc chiều tà khi bóng ngả dài trên những hàng rào, có thể bắt gặp cảnh Silas tản bộ nhàn nhã với mái đầu trần cõng bé Eppie vượt qua hố đá tới nơi hoa nở, mãi tới khi cả hai đến được bờ sông vừa ý để Silas ngồi nghỉ, còn Eppie thì chập chững hái hoa và bộc bạch những suy nghĩ ngây ngô về các sinh vật có cánh thầm thì thích chí trên những cánh hoa rực rỡ.
Mong nhận được phản hồi từ mọi người.
Xem thêm
- Câu 3: chưa chuyển được nghĩa của từ "backbone".
- Câu 4: Duyệt.
Xem thêm
@Tôi Report Truyện Của Bạn: Cảm ơn nhiều. Mong sẽ có thêm nhiều bài viết có nội dung liên quan và bổ ích trong tương lai.
Xem thêm
Mình thử lại ạ.
1. Việc trị bệnh bằng cách châm cứu, vốn khởi khuồn từ Trung Quốc, nay đã trở nên phổ biến trên toàn cầu.
Xem thêm
Tuy không giống với câu mẫu lắm, nhưng cũng tạm ổn. Bỏ từ "việc" đi là được.
Xem thêm