CON LỪA CỦA BỐ TÔI: MỘT PHÚNG DỤ VỀ THIÊN CHÚA VÀ “HÀNH TRÌNH VĨ ĐẠI” CỦA NHÂN THẾ
Members

“Con lừa của bố tôi” có lẽ là một tác phẩm khá đặc biệt đối với mình trên Hako. Nó chứa đầy đủ những yếu tố của một câu chuyện mà mình luôn tìm kiếm: kỳ quặc, ma mị, độc đáo - dẫu hình thức thể hiện lại rất chân phương, và đồng thời cũng mang đầy cảm hứng. Chính vì vậy nên lâu lâu, mỗi khi bị mất hứng thú với viết lách thì mình sẽ đọc lại nó và sau mỗi lần đọc, câu chuyện đều dẫn dắt mình đến những suy nghĩ khác nhau.

Có thể nói rằng, về mặt nghệ thuật, đây là tác phẩm khiến mình hào hứng được bóc tách nhất cho đến thời điểm hiện tại trong box. Mình cũng đã mong được nói về nó khá lâu rồi nhưng đến giờ mới thật sự bắt tay vào làm đây.

Đầu tiên, ngay từ tiêu đề đã có thể thấy hai chủ thể được nhắc đến: con lừa và người cha. Cả hai chủ thể này đều mang màu sắc Thiên Chúa giáo. Con lừa là loài vật xuất hiện trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Trong Cựu Ước nó được xem là loài vật có khả năng nhìn thấy những điều mà đến cả các nhà tiên tri cũng không nhìn thấy, nó thấu thị được nhiều thứ mà đôi mắt phàm nhân không thể nhận ra được. Còn trong Tân Ước, nó xuất hiện như là vật cưỡi của Jesus, tượng trưng cho sự nhu mì và hoà bình.

Hình tượng con lừa thì đã xuất hiện quá nhiều trong văn học và văn hoá thế giới. Trong câu chuyện về người quý tộc tài ba Don Quixote, học trò của chàng là Sancho Panza đã cưỡi một con lừa, tất nhiên đối lập với con ngựa gầy gò hom hem của chàng hiệp sĩ thì con lừa của Sancho càng có vẻ kém cỏi hơn, biểu hiện cho sự ngốc nghếch, chậm chạp, đần độn và hơn hết, nếu ngựa đại diện cho sự bùng nổ của lý tưởng, tượng trưng cho chiến tranh thì lừa lại là hình tượng khá nhu nhược, tượng trưng cho sự hoà giải. Chính vì vậy mà trong “Con lừa của bố tôi”, nhân vật chính ban đầu đã nhầm con lừa là con ngựa, và xuyên suốt tác phẩm có đôi lần cậu bé đã lấy hình tượng ngựa ra để so sánh với con lừa của mình. Điều đó chứng tỏ rằng trong một gia đình, sự nhu mì và hoà thuận chính là yếu tố cốt lõi, cậu bé đi từ những nhận thức náo động của thời chiến (ngựa) đến chấp nhận một sự ôn hoà của thời bình (lừa). Và hành trình đi từ ngựa đến lừa ấy cũng chính là hành trình trưởng thành, dẫu nghe khá phi lý vì từ ngựa đến lừa có vẻ giống một sự “thoái hoá” hơn là “tiến bộ”, song đó lại là bản chất của trưởng thành: Con người trưởng thành sẽ trầm lắng, khiêm cung và ẩn nhẫn hơn so với lúc còn trẻ.

Tiếp theo là hình tượng “người Cha”, đây cũng là hình tượng kinh điển của Thiên Chúa giáo, ba ngôi của Chúa trùng với ba thành viên trong gia đình nhân vật chính, nhưng câu chuyện dường như không mang màu sắc tôn giáo nặng nề mà ngược lại nó phát triển theo một hướng khác, đó là “hành trình vĩ đại” mà mình sẽ nói sau. Riêng hình tượng người Cha này, theo mình, trong “Con lừa của bố tôi” lại mang hình thái thế tục hơn, nghĩa là một người cha trần thế với những suy nghĩ rất trần thế: Ông hy vọng đứa con trai của mình đến một ngày có thể tự đến trường. Dưới ánh sáng của tư tưởng giáo dục và khai minh, người cha đảm nhận trọng trách lớn lao là tạo mọi điều kiện cho đứa con được hưởng sự giáo dục, vì ông tin rằng chỉ có học tập mới có thể đổi thay cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói bất tận bủa vây gia đình ông (mà hình ảnh ngôi nhà không có điện là ẩn dụ). Ở đây, dẫu tư duy vẫn còn quanh quẩn với miếng ăn nhưng tư tưởng của câu chuyện đã gần như có sự vượt thoát: Hành trình tìm kiếm ánh sáng cho thế hệ sau mà thế hệ trước đã không có được. Điều này được lặp đi lặp lại liên tục trong truyện với hình ảnh người cha dắt con, dắt lừa, cõng con đi học và hai cha con trượt ngã trong bùn. Mà ở đây tất cả những ước vọng ấy đều được đặt lên người con, với hình ảnh cậu bé cưỡi lừa, tương đồng với hình ảnh của Jesus trong Kinh Thánh.

Hình ảnh bốn ngọn đồi mà nhân vật chính phải đi qua để đến trường tượng trưng cho bốn nhân đức trụ: khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo và tiết độ. Nó càng khiến cho không gian sống của nhân vật chính bị tách biệt với thế giới bên ngoài, ngôi làng của cậu như một chốn lưu đày đầy bí ẩn, song có lẽ phải nói qua một chút về ẩn dụ ngôi làng và sự cô độc như một ốc đảo bị kiềm toả giữa lòng văn minh này. Có thể thấy ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh trong “Con lừa của bố tôi” qua hình ảnh ngôi làng bị tách biệt và được miêu tả đầy mù mờ, thiếu sự xác định về mặt địa lý (và tất nhiên không chỉ có ngôi làng mà còn vài chỉ dấu khác như cây đa có ma hay đoạn đường dài bất tận để đến trường hay cơn vòi rồng đã thổi bay ngôi trường).

Có hai ngôi làng nổi tiếng trong văn học mà mình muốn nhắc đến ở đây, đó là làng Comala trong Pedro Paramo và làng Macondo trong Trăm năm cô đơn (hay có thể tính luôn cả “ngôi làng đi cả đời cũng không thể đến được” của Kafka tuy nhiên xin dành nó cho một dịp khác). Chúng đều là những ngôi làng bí ẩn, tách biệt và mang trong mình sự náo động kinh khủng của lịch sử và nhân thế, xây dựng nên những tự sự đầy huyền bí của những hồn ma, thần thoại, huyền ảo và u ám. Cũng sử dụng hình tượng ngôi làng, “Con lừa của bố tôi” đồng thời cũng tạo dựng một đời sống bí ẩn, tách biệt giữa bốn bề núi non mà người đọc chỉ biết được rằng có lẽ những con người ở đấy thật sự rất yêu thương nhau, giúp nhau xây dựng nhà cửa và nếu có cần trả ơn thì họ cũng sẽ giúp đỡ lại một cách tương tự. Sự liên kết với bên ngoài có lẽ đến từ một thị trấn nào đó mà người bà thường hay nhờ chú L nếu có đi đến đó thì mua giúp kim chỉ và vải vóc - ở đây ta lại thấy biểu tượng của sự vá víu về mặt tinh thần nhưng xin không bàn đến trong bài viết này, trong hệ số La Mã, L là số 50, cũng lại là một con số đầy ẩn ý nữa trong Thiên Chúa giáo, thường chỉ sự sung mãn, nên đây là người được khắc hoạ là có rất nhiều ngựa. Và trong ngôi làng ấy, một đời sống tù túng, chật hẹp diễn ra dưới đôi mắt trẻ thơ của nhân vật chính, ngôi làng chính là kiếp sống của một con người, đầy cô độc và nếu muốn phá bỏ sự cô độc ấy chỉ có cách vượt qua muôn vàn thử thách để tìm kiếm một điều gì đó ở ngoài kia. Liên hệ với hành trình đi tìm kiếm những nơi khác bên ngoài ngôi làng Macondo trong Trăm năm cô đơn có lẽ sẽ dễ hiểu hơn, nhưng khác với hành trình đi mãi mà chỉ thấy biển và cô độc vẫn hoàn cô độc ấy, “Con lừa của bố tôi” lại đi tìm một điều khác, đó là “tri thức” và sự tiến bộ, có lẽ về mặt này thì “Con lừa của bố tôi” đưa ra một vấn đề không quá nặng tính triết học như Trăm năm cô đơn mà nó gần với nhân sinh, trần tục hơn mà theo góc nhìn nào đó thì như thế cũng tương đối hợp lý so với mệnh đề “con lừa” - loài vật bình dị, công dụng chính là để thồ hàng - đã được đưa ra ngay từ đầu.

Hình ảnh tiếp theo mà mình muốn nói đến là cây đa có ma trong truyện, cái cây được miêu tả là rất rộng lớn và ảnh hưởng bởi motif “Cây sinh thành thế giới” hay cổ mẫu Cây trong vô thức tập thể của nhân loại: “Cảm giác nó như là một cái cây được tạo thành từ hàng ngàn cái cây khác”. Không khó để tìm thấy motif “cây thế giới” trong những tác phẩm văn học trên toàn thế giới, cây tượng trưng cho sự sống và sự sinh sôi, sự tạo thành của vạn vật (mời các bạn tìm hiểu về Yggdrasil trong thần thoại Bắc Âu để có thêm chi tiết). Tuy chỉ được nhắc qua lời kể của nhân vật chính nhưng ta có thể hình dung được sự to lớn, bí ẩn và quan trọng của cái cây ấy đối với không gian bởi vì có lẽ nó là thứ cao tuổi nhất, là gốc rễ, nguồn cội cho sự sinh thành ngôi làng và có khi là “cây sự sống” cho cả không gian tưởng tượng trong tác phẩm - ta thấy chi tiết có cá bơi bên dưới gốc cây, thể hiện rằng cây đa có khả năng sản sinh và nuôi dưỡng sự sống.

Khi đã điểm sơ qua một số hình ảnh ẩn dụ được sử dụng trong truyện, tiếp theo bài viết sẽ nói về vế thứ hai trong tiêu đề. Đó là “Hành trình vĩ đại”.

Có một điều đặc biệt là trong những tác phẩm vĩ đại của nhân loại, tất nhiên mình không phải đang nói đến những Chiến tranh và hoà bình, Những người khốn khổ hay Tấn trò đời thôi đâu, dù chúng quả là những tác phẩm vĩ đại, nhưng các tác phẩm mình muốn nói đến còn vĩ đại hơn thế, những tác phẩm cổ xưa mà chúng chi phối toàn bộ nền văn minh và văn hoá nhân loại như IliadOdyssey của phương Tây hay MahabharataRamayana của Ấn Độ hay gần hơn với chúng ta là Tây Du Ký của Trung Quốc, những tác phẩm này có điểm chung chính là chúng kể về những cuộc hành trình. Và đặc biệt là khi nhìn ở một góc độ bao quát và toàn diện hơn, ta có thể thấy những tác phẩm văn học vĩ đại của nhân loại đều là những cuộc hành trình, mà trong đó nhân vật chính/nhân vật anh hùng đi tìm kiếm một thứ gì đó, một chân lý và trên hành trình tìm kiếm thứ ấy, nhân vật cũng đồng thời tìm được chính mình, tìm được cách hoà hợp với vũ trụ.

Thế nên ngay lập tức, hành trình đi học trên con lừa của nhân vật chính có tác động lớn đối với mình bởi vì đúng là nó cũng kể về một hành trình, nhưng tất nhiên cái hành trình ấy không phải bám sát theo nguyên nghĩa của từ này mà nó mang một diện mạo khác: Hành trình đi học. Nhưng lớn hơn, đó là hành trình của thế hệ, một hành trình đi từ cái tăm tối (không có điện) đến ánh sáng văn minh (hình ảnh đập thuỷ điện sắp được xây dựng ở gần cuối truyện), hành trình chuyển giao thế hệ (từ cha đến con, từ con lừa đến những đứa con của nó), hành trình tìm kiếm chân lý (con đường đến trường vô cùng gian nan trên lưng lừa của cha và con gắn với hành trình của Chúa). Để cuối cùng ngôi trường bị một vòi rồng cuốn sạch, ẩn dụ cho tri thức đích thực là đi từ hữu hình đến vô hình, từ tồn tại đến biến mất, từ có ý nghĩa đến vô thường, từ “có” đến “không”.

Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được hành trình ấy có kết quả như thế nào, liệu vị Chúa ấy có gánh thập tự giá trên lưng để cứu rỗi nhân loại thành công, hay liệu ở một mặt nghĩa đơn giản và chân phương hơn, liệu hoàn cảnh của các nhân vật sẽ có sự tươi sáng hơn ở tương lai hay không. Dù sao thì, đến cuối cùng cậu bé cũng đã chuyển ra thị trấn học, đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn và có thể xem là một dấu hiệu tích cực ở cuối truyện. Nhưng dẫu có nhiều thứ ở tương lai không thể tỏ tường, ít nhất ta cũng đã biết rằng cái hành trình đầy dụ ngôn ấy, dưới ánh sáng nhân văn và mang đậm tính triết luận ấy đã diễn ra và nó sẽ còn tiếp tục. Con lừa tên Khoai Lang đã sinh ra những đứa con y hệt nó, thế hệ sau rồi sẽ còn tiếp nối, thay vì bị bán hay giết thịt, nó đã thoát khỏi số phận súc vật của chính mình để tiến đến một thứ gì đó lớn lao hơn, nằm bên ngoài nó.

Vâng, đến đây có lẽ mọi người đã bắt đầu cảm thấy kỳ quặc và nghi ngờ, hình như có vấn đề gì đó không ổn trong bài viết này.

Đúng rồi, tất cả ở trên đều là mình đùa hết đó. Cảm ơn mọi người đã đọc hết bài viết vô nghĩa và nhảm nhí này =))))) Chúc mọi người gặp được nhiều may mắn và thành công trong cuộc sống <3

Truyện sáng tác

17 Bình luận

AUTHOR
Đầu tiên thì mình xin gửi lời cảm ơn đến Mr. Langsat dù bài viết này được viết ra với bất cứ mục đích nào.
Mẩu truyện nhỏ của mình dĩ nhiên là không có nhiều ẩn dụ đến thế. Nhưng mình đồng ý với phần hành trình đi tìm tri thức của bạn. Mẩu truyện được mình bịa ra dựa trên những trải nghiệm hồi nhỏ của mình. Thực sự có một ngôi làng biệt lập với thế giới như vậy, và mình từng sống ở đó. Có gốc đa cổ thụ to lớn và được đồn đại là có ma. Có những con đường biến thành đầm lầy khi mưa xuống. Có những người cha sẵn sàng cõng con mình trên vai để đến trường. Khác với mẩu truyện do mình bịa thì ngôi trường nằm bên dưới gốc cây đa chứ không phải trên đỉnh đồi. Và mình cũng chưa từng có cơ hội để trải nghiệm ngôi trường làng ấy.
Ngôi trường đã bị bỏ hoang trước khi mình đủ tuổi đi học. Lí do là do làng quá ít người cộng với địa lí xa xôi nên những giáo viên từ thị trấn không còn đến dạy học nữa.
Thay vào đó ai muốn đi học thì sự lựa chọn khả dĩ nhất là ngôi trường cách làng hơn 20km. Thời đó, nghe từ "thời đó" chắc hẳn bạn nghĩ năm 198x 199x hay thế kỉ XI trước CN. Nhưng không, đó là năm 200x (gần với 2010), thời đó di chuyển 20km thôi cũng rất khó khăn (dùng từ khóa "đường sình lầy" để biết thêm chi tiết). Khi đến tuổi đi học thì không thể tránh khỏi việc phải rời khỏi ngôi làng và bước chân vào hành trình gian nan đó. Tất nhiên không phải đi 20km từ nhà đến trường rồi trở về; mà từ nhà đến trường và thuê trọ gần đó để tiện cho việc học. Hình ảnh con lừa là ẩn dụ cho chiếc xe máy giúp mình và những đứa nhóc khi đó dễ dàng hơn trong việc tiếp cận giáo dục. Sau cùng thì mình thấy mình vẫn còn may mắn chán. Ngay cả hiện tại năm 2023 rồi nhưng ngoài kia vẫn còn rất nhiều đứa trẻ giống như mình năm nào thậm chí còn khổ cực hơn, đánh cược với số phận với mong ước được tiếp cận tri thức.
Và đúng rồi. Hồi xưa mình thích học lắm nhưng giờ thì bớt rồi.
Xem thêm
Đang rất cảm động luôn á bạn, tự nhiên lại có câu cuối chi dạ ơ kìa
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
Chào tác giả, trước khi bắt đầu, mình xin lỗi nếu chuyện này có vô tình gây phiền phức cho bạn, nhưng mình thề, bọn mình đến đây trong thiện chí.
Mình và một người bạn khác luôn đùa với mọi người rằng, "Con lừa của bố tôi" là một tác phẩm nhất định phải đọc trên Hako.
Nói thế không phải vì nó hay, vì nó xuất sắc, mà là vì ừ, như đã nói, đó chỉ mà một câu joke vô thưởng vô phạt với mình và cậu bạn kia thôi.
Nguồn gốc của câu joke này thật ra cũng chẳng phải cái gì cao siêu. Một hôm mình chán đời và mò ngẫu nhiên một cái gì đấy để đọc. Và đập vào mắt mình là mẩu truyện ngắn này, cái tên thật sự khơi dậy được sự tò mò và hứng thú của mình, vì nó rất đỗi "kì lạ", cũng một phần vì nó là truyện ngắn 1shot ko tốn nhiều tg đọc nên mình không ngần ngại nhảy vào luôn.
Xem thêm
Xem thêm 5 trả lời
Tác giả: Tôi thích thì viết.
Giáo viên dạy văn:
Xem thêm
ko thể tin dc
Xem thêm
AUTHOR
Là một kẻ nghiện thuốc hướng thần, em cảm nhận rõ hơi thở của đớ trong bài viết này...
Xem thêm
Số đá cần để viết ra bài này chắc phải tính bằng đơn vị tấn chứ không phải kí nữa :))
Xem thêm
Tác giả và cả người review hẳn đã sử dụng thuốc thần màu lam của thầy thuốc Hải Sơn Bắc để viết ra những dòng này
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
Ô mai ca... Không thể ngờ được nó có tầng ý nghĩa này luôn!
Khâm phục, khâm phục.
Xem thêm
AUTHOR
thật luôn? =))
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Đọc đê ạ =)))))) Người ta viết bằng cả tấm lòng còn cái này viết bằng cả tính mạng đó =))))
Xem thêm
ADMIN
TRANS
CVTER
@Langsat: Nghe có vẻ vui đấy.
Xem thêm