• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Cuộc sống thong dong ở Kamusari

Có một gã tên là Yoki

7 Bình luận - Độ dài: 14,065 từ - Cập nhật:

Dân làng Kamusari phải nói là hết sức vô tư, đặc biệt là những người sống sâu trong núi. Họ rất hay nói naa-naa, thoạt nghe thì có vẻ tiêu cực nhưng lại có nghĩa là “từ từ,” “bình tĩnh”. Thậm chí dùng để chào nhau cũng được. Hai người đi qua nhau trên đường có thể nói với nhau những lời như sau:

“Naa-naa nà.” (Hôm nay trời đẹp bác nhỉ?)

“Đúng thật nà.”

“Bác nhà ở trên núi nà?” (Chồng bác lên rừng làm rồi à?)

“Nay ổng biểu ở cách có mấy khắc thôi, nên ổng naa-naa đến sau bữa trưa. Ổng cứ ngáng nên không thể nào mà tảo nhà được, thế mới quạu nà.” (Ông ấy bảo hôm nay sẽ lên một ngọn núi ở gần đó làm, thế nên thong thả đến sau buổi trưa cũng được. Có ông ấy chắn ngang thành ra không dọn dẹp được, mệt thế chứ lại.)

Mới đầu, tôi thường không biết suy ra họ đang nói cái gì. Kamusari nằm ở tỉnh Mie, gần biên giới với tỉnh Nara, và tiếng địa phương ở đây gần giống với phương ngữ lê thê của miền tây Nhật Bản. Người trong làng còn thường thêm vào cuối câu một âm “nà” nhẹ, càng làm tăng thêm cảm giác thong dong.

“Bây không còn đau dạ nữa rồi nà?”

“Dạ.”

“Chắc ăn nhiều quá nà.”

“Chắc thế nà.”

Dễ chịu là vậy, cũng có lúc họ nổi nóng. Tôi từng nghe Naoki nạt một đứa trẻ con rằng: “Cô đã bảo lớp một không được ra sông chơi trừ khi có người lớn trông! Lần tới còn như thế là cô sẽ mắng cho chừa luôn biết chưa! Coi chừng hà bá đến lấy mất shirikodama của con biết chưa!” (tương truyền hà bá luôn thèm muốn shirikodama – viên ngọc chứa linh hồn nằm trong hậu môn của con người.) Naoki là ai, tôi sẽ kể sau.

Dù sao thì đem hà bá ra dọa trẻ con ở thời buổi này á hả? Thật đấy? Còn vụ shirikodama nữa? Trong đít tôi chắc chắn không có ngọc nghiếc gì cả. Nhưng đứa trẻ thì mếu máo, “Không! Hà bá sợ lắm! Con xin lỗi, con hứa sẽ không làm thế nữa!” Hồn nhiên thế không biết. Dân làng này cứ như thể bước ra từ một câu chuyện dân gian.

Chẳng mấy chốc đã sắp tròn một năm tôi rời quê nhà Yokohama để tới đây sống. Tôi quyết định sẽ viết ra hết tất cả mọi việc đã xảy ra trong vòng mười hai tháng qua. Cuộc sống ở đây với tôi khá là không bình thường. Con người ở đây có điểm rất buồn cười. Họ trông hiền lành chất phác đến thế, song rồi lại lẳng lặng nói hoặc làm những việc hết sức phá hoại.

Không biết liệu tôi có thể bám trụ ở đây không. Chưa rõ nữa, nhưng dù sao thì tôi vẫn sẽ viết ra hết mọi thứ. Cái máy tính bám bụi trong nhà Yoki cắm điện vào vẫn sáng, nên cũng đỡ, nhưng nó không kết nối internet. Ổng còn dùng một cái điện thoại quay số màu đen – cái đầu tiên mà tôi thấy – và trong nhà ổng không có ổ nối dây nào cả. Tôi tự hỏi ổng mua một cái máy tính làm gì thế không biết? Chắc là tò mò. Tôi dám cá là sau khi mua về, ổng đọc hướng dẫn sử dụng thấy khó quá nên vứt đấy.

Yoki là ai, tôi sẽ đề cập sau.

Tôi chưa từng viết gì dài cả, nhưng ghi lại thành chữ có lẽ sẽ giúp tôi naa-naa hơn - theo kiểu của Kamusari, và ổn định lại tâm trạng của mình. Công việc không có nhiều vào mùa đông, vậy nên tôi có rất nhiều thời giờ để viết.

Tôi nghĩ có hai lý do để người làng Kamusari sống vô tư đến vậy. Một là phần lớn họ đều làm trong ngành lâm nghiệp, nơi bạn phải tính toán theo chu kỳ dài đến cả trăm năm; hai là vào ban đêm không có chỗ nào để tụ tập, thành ra sau khi trời tối ai nấy cũng đều ngả lưng hết. Chạy nhảy không làm cây lớn được. Nghỉ ngơi thật nhiều, ăn thật đẫy, mai tính tiếp”: đó dường như là triết lý phổ biến tại đây.

Gần đây, tôi cũng đã bắt đầu vô thức thêm “nà” vào cuối câu. Nhưng tôi vẫn không quen với phương ngữ địa phương đủ đến mức tái hiện được nó trên giấy. Bạn cứ tưởng tượng tất cả mọi người lúc nào cũng đều đang nói giọng Kamusari đi. Mà tôi cũng chẳng có tí xíu ý định nào để ai thấy cái này. Lại còn giả vờ là cái này có người đọc rồi nói những câu như: “trong lúc đọc phải nhớ nhé, mọi người đang nói giọng Kamusari đấy”. Cũng hay chứ nhỉ?

Hoặc là không.

Dù sao đi nữa, tôi sẽ vừa nhớ vừa viết ra đây những gì đã xảy ra trong năm nay. Hãy ngồi lại và nghỉ ngơi, cho dù bạn là ai – hê hê.

Từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng sau khi học xong cấp ba tôi sẽ trở thành một “freeter” – nhân viên tạm thời. Điểm số của tôi không được cao, tôi chẳng thích học, nên cả phụ huynh lẫn giáo viên đều không thèm khuyên tôi “thử thi đại học” làm gì. Tôi cũng không có cái ý định vào một công ty nào đó để xin việc: mới mười tám mà đã tính đến chuyện an cư lạc nghiệp ấy hả.

Tôi làm việc bán thời gian ở một cửa hàng tiện lợi cho đến sát ngày tốt nghiệp. Về cơ bản là để giết thì giờ. Tôi biết không thể cứ mãi thế, không có công việc đàng hoàng thì không có tương lai, mọi người xung quanh cũng bảo tôi vậy. Nhưng “tương lai” hai mươi, ba mươi năm sau này không thực sự làm tôi hứng thú. Tôi cố không nghĩ về nó. Không có điều gì cụ thể mà tôi muốn thực hiện, và chắc là sẽ chẳng bao giờ có. Đời tôi chỉ đến thế thôi. Sau khi tốt nghiệp, tôi nghĩ không có gì sẽ thay đổi, mọi thứ vẫn sẽ chảy trôi như trước.

Nhưng bế giảng xong, Kumayan (tôi gọi thầy Kumagai như thế) bảo với tôi rằng, “Hirano này, thầy kiếm cho em được một công việc rồi.”

Ai biểu ổng làm việc đấy thế? Mồm tôi há ra. “Gì? Thầy đùa à?”

Mỗi tội không phải đùa.

Kumayan đưa tôi về nhà và.. nhìn mà coi, mẹ đã dọn sẵn đồ đạc vào phòng tôi. Mấy thứ kiểu như máy tập thể dục mua trên mạng về đắp chiếu chẳng hạn.

“Mẹ gửi trước quần áo và những thứ cần thiết khác đến làng Kamusari rồi. Họ bảo gì thì phải nghe. Cố mà làm cho tốt. Đây, bố mày gửi cho cái này.”

Làng Kamusari? Là ở đâu? Tôi loạng choạng.

Mẹ đưa tôi một phong bì màu trắng của ông già (vẫn đang đi làm chưa về). Nó ghi là “tiền đi xa”. Bên trong có ba mươi nghìn yên. Ba mươi nghìn yên bèo bọt thì làm được cái gì?

“Còn lâu ấy!” Tôi la lên. “Thế này khác gì bạo chúa! Ở đâu ra cái trò này vậy?”

Mẹ mở một quyển sổ trong tay ra và bắt đầu đọc to. “Chỉ trăng là không ngủ. Từ ở bên ô cửa. Nó soi tỏ lòng tôi.”

Á đù, cái đấy là Tuyển tập thơ của tôi! Tôi nhào về phía mẹ trong câm nín. Đệch, tôi đã giấu kỹ trong ngăn kéo bàn cơ mà. “Trả lại đây!”

“Không. Trừ khi mày muốn mẹ cọp-pi ra và gửi cho bạn mày, còn đâu thì ngoan ngoãn mà đi đến Kamusari.”

Thật là một cách để đối xử với đứa con đang trong độ tuổi nhạy cảm này. Đúng là một mụ phù thủy độc ác, máu lạnh. Đến giờ nghĩ tôi vẫn thấy cáu tiết. Nhưng cả đời tôi chẳng bao giờ dám làm gì quyết đoán, mặc dù tên tôi có nghĩa là “dũng khí”.

“Úi chà chà,” Kumayan chêm vào. “Chỉ trăng không ngủ hở?” Ổng cười khẩy. “Đừng lo, thầy sẽ không kể gì đâu.”

Ước gì cả cái nhân loại này bay sạch khỏi trái đất cho rồi.

Dù sao đi chăng nữa, thế là tôi đã vào bẫy của mẹ và không còn cách nào khác phải đi. Lương của ông già gần đây vừa bị cắt giảm, thế nên mẹ chỉ chực tống tôi đi sống tự lập. Anh trai tôi và vợ sống cách góc phố vừa mới sinh em bé, cũng là một phần lý do khác. Mẹ tôi quá bận bịu với đứa cháu đích tôn, còn tôi bị ra rìa. Ông già tôi thì trường kỳ nằm dưới sự cai quản của vợ rồi. Cứ cẩn thận không thì ổng cũng sẽ là người tiếp theo cuốn gói.

Kumayan chở tôi đến ga Shin Yokohama và đưa tôi lên một chuyến tàu cao tốc. Ổng ấn vào tay tôi một mẩu giấy có hướng dẫn cách để đến Kamusari.

“Sau một năm em mới được về. Tự chăm sóc mình nhé Hirano. Cố lên.”

Sau này tôi tìm hiểu được rằng họ đã đăng ký tôi vào một chương trình được chính phủ tài trợ có tên là Việc Làm Xanh mà không cho tôi biết. Ý tưởng của chương trình là hỗ trợ việc làm đối với những người trở về quê nhà hoặc vừa mới lần đầu chuyển đến các vùng thưa dân. Những người vừa mới tốt nghiệp cấp ba như tôi là ngoại lệ. Nội việc họ thậm chí còn xem xét tuyển cả tôi vào cũng cho thấy ngành lâm nghiệp đang thiếu nhân công đến thế nào. Trong năm đào tạo đầu tiên, mỗi hiệp hội hoặc công ty lâm nghiệp tham gia đều được nhận một khoản trợ cấp ba triệu yên cho mỗi học viên. Dĩ nhiên, số tiền đó bao gồm cả chi phí cho học viên và người đào tạo cho họ, cộng thêm nguyên vật liệu và dụng cụ, nên cũng chỉ bé bằng hạt gạo. Nhưng ở những vùng núi có ít người trẻ tuổi, người dân ở đó luôn sẵn lòng chỉ dẫn về lâm nghiệp, họ vui mừng vì cuối cùng cũng có người tìm đến với mong muốn tiếp nối công việc. Bỏ trốn là bất khả thi. Đứng trước ba triệu yên tiền trợ cấp và niềm vui cùng sự tận tình của người dân địa phương, không một người tử tế nào có thể thốt ra mấy tiếng, “tôi bỏ việc.”

Tôi xuống tàu cao tốc ở Nagoya và đổi sang tuyến Kintetsu, đi đến tận Matsusaka, rồi lắc la lắc lư trên một tuyến đường tàu tôi chưa từng nghe qua, đi càng lúc càng sâu lên vùng núi. Vẫn không hay biết gì về điều đang chờ đợi phía trước và vẫn còn nhức nhối về việc bị bạc bẽo tống cổ ra khỏi nhà, trong lòng tôi cảm thấy không an tâm, tủi thân và cô đơn, nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ bụng, Thôi kệ xác. Để xem đến đâu thì đến. Chuyến đi này cũng giống một cuộc hành trình, một chuyến dã ngoại.

Trên đường tôi nhắn với một đứa bạn: Tự dưng ông Kumayan gửi tao đến một chỗ nào đấy gọi là Kamusari mày ạ.

Tôi nhanh chóng nhận được lời hồi đáp: Thật luôn? Vãi. Hay thế.

Sau một thoáng thì tín hiệu mất. Không có sóng. Tôi không tin vào mắt mình. Còn ở Nhật Bản không vậy? Tôi đầu hàng và nhìn ra ngoài cửa sổ.

Chuyến tàu địa phương chỉ có một toa. Hay nó là một cái xe buýt chạy trên đường ray thế? Trên nóc toa không có gì để lấy năng lượng và cũng không thấy có đường dây điện nào. Không có cả người soát vé luôn. Nhân viên lái tàu thu vé khi hành khách đi xuống. Vốn dĩ cũng chỉ có bốn người chúng tôi, và chẳng mấy chốc chỉ còn lại tôi và một bà lão đang ăn quýt. Đến cách một trạm trước trạm dừng của tôi, bà chập chững bước xuống.

Tuyến tàu hay buýt hay cái quỷ gì đó của nơi này chạy dọc theo một dòng suối núi. Càng lên thượng nguồn, nước trông càng trong. Tôi chưa thấy nước ở đâu mà trong vậy. Sườn núi mỗi lúc một gần hơn, cho đến khi bạn không thể biết đó là núi nữa. Giống như tôi đang đi xuyên qua một khu rừng. Mặt đất phủ một lớp tuyết mỏng, mọc đầy những cây liễu sam. (Thật ra có một vài cây bách, nhưng vào lúc đó tôi chẳng biết cây nào với cây nào.)

Trời ấm lên thì người dân ở đây viêm mũi dị ứng phải biết. Vừa nghĩ đến đây thì xe tới bến cuối. Tôi bước xuống trạm ga nhỏ, không người trông coi, không khí ở đây thật lạnh và ẩm ướt. Không thấy nhà cửa gì cả. Hình bóng của những ngọn núi xung quanh nhanh chóng chìm vào bóng tối.

Trong lúc tôi đứng bên ngoài nhà ga cũ kỹ, đắn đo không biết làm gì tiếp, thì có một chiếc xe bán tải màu trắng phi vút tới, vượt qua mấy chiếc xe khác và đỗ xịch trước mặt tôi. Một gã to lớn bước ra khỏi ghế lái và tiến lại. Hắn khiến cho tôi hơi quợn. Với mái tóc ngắn nhuộm vàng hoe, trông không thể nào nhầm lẫn với một tay găng-tơ.

“HIrano Yuuki?”

“Vâng.”

“Có điện thoại đấy không?”

“Đây ạ.” Tôi đưa nó ra từ túi quần và hắn chộp ngay lấy. “Ê, đợi đã!”

Tôi cố giành lại, nhưng hắn nhanh tay hơn. Hắn lấy cục pin ra và lẳng nó qua rặng cây. Tôi nghe tiếng nó rơi tủm xuống dưới sông.

“Anh làm thế để làm gì?”

“Bình tĩnh đi. Ở đây không cần điện thoại. Không có sóng đâu.”

Thế là phạm pháp đấy. Tôi bàng hoàng, xong rồi cái gã lạ mặt đang cười nhăn nhở này khiến tôi nổi da gà, thế nên tôi quay đầu bước trở lại nhà ga.

Đủ rồi đấy. Đi về. Nhưng không có chuyến tàu nào đi Matsusaka nữa. Chuyến cuối đã khởi hành lúc 7 giờ 25. Đùa đấy à.

Tôi quay trở ra. Hắn vẫn đứng đó.

“Lên đi.” Hắn vứt cho tôi cái điện thoại đã nhẹ tênh. “Nhanh nào. Có hành lý gì không?”

Tất cả những gì tôi có là một cái ba lô đựng bộ quần áo. Hắn vứt nó lên sàn thùng xe và hất cằm ra hiệu cho tôi. Tay này không hơn ba mươi tuổi được. Hắn trông khỏe mạnh và cơ bắp, phản xạ cũng nhanh nữa. Hắn đủ điên để chào hỏi người ta bằng cách lấy pin điện thoại của họ và ném nó đi, nên tôi quyết định không kháng cự. Trong hoàn cảnh nào đi nữa tôi cũng không thể giở trò gì cho đến sáng. Ngủ ở một nhà ga bỏ hoang tít trên núi để bị chó hoang cấu xé ư? Thôi xin kiếu. Tôi ngồi vào bên ghế phụ.

“Anh đây là Iida Yoki.” Hắn nói mỗi thế.

Anh ta lái chiếc xe bán tải vào tiếp sâu trong núi, phóng lên một con đường hẹp, ngoằn ngoèo cỡ khoảng một giờ đồng hồ. Tai tôi ù đi. Chúng tôi hẳn phải leo lên tương đối cao. Tay Yoki này là một tay lái bạt mạng; đến mỗi đoạn đường cong, tôi lại lắc sang trái hoặc lắc sang phải. Tôi thấy hơi say xe.

Ba lô và tôi bị gửi xuống một tòa nhà trông giống một hội trường. Yoki lái xe đi, và một chú già hơn đang chờ tôi soạn ra món hầm cho bữa chiều.

“Heo rừng đấy.” Chú cười tít.

Tôi đang ăn thịt lợn rừng hầm thứ thiệt này.

Sau khi trải đệm futon cho tôi trong một căn phòng nhỏ như kiểu phòng cho người gác đêm, chú đi mất, bỏ tôi lại một mình trong tòa nhà. Tất cả những gì tôi nghe được là tiếng thầm thì của dòng sông và tiếng xào xạc của lá. Cái sự im lặng này khiến tôi hơi hãi. Tôi tì trán lên kính cửa sổ và nhìn ra bên ngoài, song chỉ có một màu đen. Không cảnh trí, không gì cả. Gần đến tháng tư rồi, nhưng cái lạnh vẫn thấm vào tận xương.

Bên ngoài hành lang có một cái điện thoại màu hồng, tôi bèn gọi về nhà.

“A, Yuuki! Con đến đấy an toàn chứ?” Đằng sau tiếng mẹ tôi nghe thấy tiếng trẻ con cười. Anh trai và chị dâu chắc đang ghé qua.

“Vâng. Con vừa ăn thịt lợn rừng hầm xong.”

“Hay quá, mẹ chưa ăn bao giờ. Có ngon không?”

“Vâng. Cũng chả biết nữa, cơ mà, đây là chỗ nào? Con phải làm gì ở đây?” Con muốn về nhà. Sĩ diện ngăn không cho tôi thốt ra những lời đó.

“Làm gì á? Làm việc chứ còn làm gì.”

“Việc gì cơ?”

“Tài tình lắm mới kiếm được bất kỳ công việc nào cho mày đấy con ạ, thế nên phải chú tâm và nỗ lực hết sức đấy. Phải thử mới biết có hợp với mình hay không.”

“Việc như thế nào mới được cơ chứ? Mẹ nói rõ xem nào!”

“Ồ, hình như có nước tắm rồi!” Mẹ tôi lấy cái lý do củ chuối đó để cúp máy.

Hay thật. Mẹ con thế đấy. Tống tôi đến đây mà không thèm tìm hiểu xem tôi phải làm cái trò gì. Tôi chui vào trong chăn, để lò hơi bật, trong lòng bồn chồn và thấp thỏm đến mức khóc được. Mà có khi là đã rơm rớm nước mắt rồi.

Đến sáng, tôi biết được mình đang ở trong văn phòng hợp tác xã của chủ rừng. Vậy là sao? Tôi sẽ làm việc ở đây á hả? Tôi có cả tỷ câu hỏi. Song hóa ra, đó là mở đầu của ba tuần đào tạo cơ bản. Chú Heo Rừng Hầm giảng dạy cho tôi về những đề tài như “Những nguy hiểm rình rập trên vùng núi” và “Những thuật ngữ trong lâm nghiệp.” Tôi học được cách dùng cưa máy. Rồi bị quát liên tục: “Dùng hết sức vào! Giữ cái tay cao lên!” Và thế là cuối cùng, tôi phải chấp nhận sự thật: tôi được gửi tới đây để làm lâm nghiệp.

Lâm nghiệp á? Không đời nào. Không bao giờ có cái mùa xuân ấy đâu! Đấy là tôi nghĩ thế, nhưng vào lúc ban ngày có tàu chạy, ông chú ấy dính lấy tôi như hình với bóng. Cho dù vậy, đã có ba lần tôi chớp thời cơ để tẩu, nhưng cả ba lần chú đều bắt được và lôi cổ tôi quay về hợp tác xã. Bắp tay chú ấy bự chà bá luôn. Té ra chú ấy nổi tiếng có tài dùng tay không vật nhau với lợn rừng.

Thành thử tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài ngồi im mà nghe đào tạo. Nhưng tôi vẫn luôn cảnh giác và chực chờ tìm cơ hội khác để chuồn.

“Cháu sẽ học được rất nhiều khi làm việc cho ngài Nakamura cho mà xem,” chú bảo tôi. “Hãy cố gắng.”

Ngài Nakamura? Là ai thế? Tôi tự hỏi. Chú chẳng nói gì nữa.

Khi ba tuần đào tạo cơ bản kết thúc, Iida Yoki quay lại đón tôi bằng cái xe bán tải của anh ta. Tôi trèo lên và tiếp tục bị đèo đi xa hơn nữa lên thượng nguồn. Chú Heo Rừng Hầm đứng ở ngưỡng cửa vẫy tay cho đến khi tôi không thấy chú nữa. Tôi thấy mình như con bê tội nghiệp trong bài “Donna Donna.”

Tất cả những buổi tập dùng cưa máy ấy để lại cho tôi cái lưng mỏi nhừ và hai bàn tay phồng rộp. Toàn bộ cơ bắp đều nhức nhối, và tôi phải đi vòng kiềng. Việc đào tạo đã làm cho tôi chắc chắn một điều: tôi không hợp làm người của miền sơn cước. Nhưng mấy tiếng Cho em về không được tôi thốt ra. Dường như không có cách nào để thoát cả.

Yoki nắm chắc lấy vô lăng, lầm lì và kín miệng.

Làng Kamusari được chia làm ba quận. Hợp tác xã của hội nông dân nằm ở quận giữa, quận Naka. Yoki đang đưa tôi đến quận Kamusari, phần hẻo lánh nhất của ngôi làng, lái xe tới đó khoảng ba mươi phút. Quận Kamusari nằm sâu trong núi tới mức gần như không có chỗ nào bằng phẳng. Tầm một trăm người sống rải rác trong vài tá ngôi nhà dọc theo sông Kamusari. Mỗi gia đình đều tự trồng rau sau vườn, và có một khoảnh đất bằng cạnh sông được họ trồng lúa ăn chung. Hầu hết cư dân đều đã ngoài sáu mươi. Một cửa hàng duy nhất bán nhu yếu phẩm. Không có trường học hay bưu điện. Để mua tem hoặc gửi thư đi, bạn phải nhờ người đưa thư khi họ đến. Để vận chuyển hàng về nhà, bạn sẽ phải đi đến tận quận Naka. Nơi gần nhất để đi shopping là một thị trấn tên Hisai ở cách vài ngọn núi.

Nói cách khác, một bức tranh mô tả nỗi bất tiện.

Yoki lái qua một cây cầu hẹp và đỗ lại trước nhà của một ai đó. “Đi chào điền chủ nào.”

Điền chủ? Trong lúc tôi còn đang tiêu hóa cái từ lưu truyền từ đời nào, Yoki đã bắt đầu bước lên con dốc thoải, không ngó lại một cái. Tôi vội vã đi theo. Cơn gió mùa đông thổi xuống từ trên núi. Tuyết vương trên những vết nứt dọc theo lối đi. Chúng tôi không gặp một ai khác trên đường. Tôi cũng chẳng hi vọng gặp được ai ở cái chốn khỉ ho cò gáy này - hơn nữa còn đang là giờ ăn trưa.

Nhà của điền chủ nằm trên một mô đất cao hơi tách biệt với con sông, lưng tựa vào một quả núi thấp. Đó là một trang gia truyền thống, xưa cũ và vững chắc trông như thể nó được cắm xuống đất theo nghĩa đen. Khoảng sân trước rộng rãi rải đầy những viên sỏi trắng đều tăm tắp. Trong một góc là một cái bàn ván gỗ và mấy băng ghế. Cái bàn to khủng bố, đủ chỗ cho một đám người ngồi ăn thịt nướng ngoài trời. Bên cửa tôi thấy có hai tấm bảng tên ngoại cỡ. Một đề “Nakamura”, cái còn lại ghi, “Công ty gỗ Nakamura.”

Vậy ra ngài Nakamura là điền chủ. Và thì ra là tôi sẽ làm việc ở đây. Điền chủ trông như thế nào nhỉ? Lòng đầy hiếu kỳ, tôi đi sát phía sau gã Yoki. Không thèm bấm chuông, anh ta mở cửa, từ bên trong nhà tối lờ mờ có một đứa trẻ con khoảng năm tuổi chạy ra. Mắt to và tròn, da trắng, má hồng.

“Chú Yoki!” nó reo lên thích thú, hai tay giang rộng.

“Santa đấy à.” Yoki bế nó lên. “Ba có ở đây không?”

“Có!”

Sau này tôi mới biết, “Santa” được viết bởi hai chữ mang nghĩa “thái sơn”; không dính dáng gì đến tuần lộc hay yêu tinh.

Yoki bế đứa trẻ đi vào trong nhà, đi qua một hành lang tối tới một gian bếp lớn với nền đất nung. Tôi tò mò nhìn quanh, chưa thấy căn bếp truyền thống như thế này trước đây. Dầm gỗ lộ thiên đen xì bồ hóng. Một phần mái được đóng ván để lấy chỗ chứa đồ, có chiếc thang gỗ dẫn lên.

Từ bờ vai của Yoki, Santa ngắm trộm tôi đầy thích thú trong lúc tôi ngó quanh. Khi ánh mắt chúng tôi nhìn nhau, thằng bé xấu hổ úp mặt xuống vai Yoki. Sau một thoáng nó lại bẽn lẽn ngẩng đầu lên nhìn tôi.  Lần này nó mỉm cười. Thằng quỷ đáng yêu thế cơ chứ.

Có lẽ để ngăn cái lạnh, cánh cửa ngăn phần còn lại của ngôi nhà bị đóng chặt. Nó mang một màu đen óng. Yoki đẩy cửa mở bằng một tay và thò đầu vào bên trong.

“Anh Seiichi. Cậu nhân viên mới đến này.”

“Tốt. Vào đi.” Giọng nói cất ra trẻ trung đến bất ngờ.

Bị Yoki thúc, tôi cởi giày và đi vào. Tôi cởi cả giày của Santa nữa, trong lúc Yoki giữ nó. Santa cười khúc khích như bị cù, ngay khi được đặt xuống thằng bé chạy thẳng đến chỗ ba nó.

“Từ từ thôi, Santa.”

Santa nhảy vào lòng một người đàn ông tầm tuổi ba mươi lăm đang ngồi khoanh chân dưới chiếu. Người này mặc bên trong một chiếc kimono màu nâu đậm cùng với một chiếc kimono lót bông mặc ngoài kẻ sọc khoác trên vai. Khuôn mặt anh ta dài và thuôn, còn đôi mắt thì sắc lẹm, không như mắt Santa.

“Xin chào, Hirano Yuuki,” anh ta nói. “Chào mừng em nhập bọn. Anh là Nakamura Seiichi, còn đây là con trai anh, Santa. Cứ gọi anh là Seiichi.”

Ai cũng đều cho rằng tôi sẽ ở lại và làm việc cho công ty gỗ Nakamura. Đến nước này, cơ hội để tôi tự quay về ga tàu cũng gần như bằng không. Tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài đặt mông xuống cái gối mà anh Seiichi đã chỉ.

Yoki tự mình ngồi bắt chéo chân bên cạnh tôi. Kế đó cánh cửa mở ra và một giọng nói vọng vào, “Nhà mình có khách à?” Tôi quay lại và trông thấy một người phụ nữ xinh đẹp đứng bên cạnh cánh cửa mở đang nhìn tôi. Đôi mắt to, tròn và nước da trắng mịn kia giống hệt Santa.

“Đây là Yuuko, vợ anh,” anh Seiichi nói. “Yuuko, đây là Hirano Yuuki, em này kể từ giờ sẽ làm cùng chúng ta.”

“Rất vui được gặp em.” Chị Yuuko mỉm cười với tôi.

Tim tôi đập nhanh hơn. Phụ nữ với dung mạo như thế này thật hiếm thấy ở Yokohama, thậm chí cả ở trên TV. Bỗng dưng tôi muốn biết mình sẽ tá túc ở đâu. Ngôi nhà này trông khá là rộng rãi, không chừng nhà Nakamura sẽ cho tôi ở lại chăng. Chỉ cần có thế, tôi đã sẵn sàng hào phóng tha thứ về chuyện mọi người tự ý quyết định công việc của tôi.

Chị Yuuko nấu một ấm chè để chúng tôi uống. Chị mời cả thạch đậu đỏ nữa, Santa và Yoki ngốn hết veo phần của cả hai.

“Em vừa mới xem mấy bụi chè đằng sau,” chị Yuuko nói. “Tuyết làm hư mấy búp rồi.”

“Ừ, năm nay tuyết rơi nhiều thế không biết. Trên núi thì sao Yoki?”

“Đoạn giữa Núi Tây hư hại tương đối lớn. Ở đó còn khá nhiều cây non.”

“Được rồi,” Anh Seiichi nói. “Mai chúng ta sẽ dọn tuyết.”

Tất cả đồng loạt gật đầu, kể cả Santa, nhưng tôi thì ngơ ngác. Dọn tuyết á? Tôi thấy tuyết có dày lắm đâu.

Anh Seiichi bắt đầu giải thích về điều kiện làm việc của tôi. Tiền lương được nhận hàng tháng. Bảo hiểm xã hội đầy đủ. Một ngày làm việc bình thường sẽ bắt đầu từ tám giờ sáng và kết thúc lúc năm giờ chiều, nhưng tùy thuộc vào ngọn núi mà chúng tôi phải làm, giờ tập trung có thể sẽ được đẩy lên sớm để còn di chuyển.

Cái câu Thực ra em chẳng thích lâm nghiệp tí nào càng lúc càng khó nói.

Tạm thời tôi sẽ ở cùng với Yoki. Khoan, không phải ở đây sao? Chán thế nhỉ. Chị Yuuko và Santa tiễn Yoki với tôi về, đứng vẫy tay ở cửa trong lúc cả hai quay lại cái xe bán tải.

“Thanh niên là tay mơ đúng không?” Yoki hỏi.

“Ở hợp tác xã em học được cách dùng cưa rồi,” tôi tự hào nói.

“Hề. Cưa hả.”

Cưa thì làm sao? Tôi lặng lẽ sóng bước theo.

Yoki sống ở ngôi nhà mà anh ta đỗ trước cửa, ngôi nhà nằm giữa ba căn cạnh bờ sông. Cũng là một trang gia truyền thống khác, không to bằng nhà Nakamura, nhưng đủ to; ở Yokohama người ta sẽ gọi nó là biệt phủ.

Trong sân trước có một cái nhà mái đỏ cho chó, án ngữ bởi một con chó lông xù màu trắng, đuôi đang đập lia lịa xuống đất khi chúng tôi đi tới. Một cái biển được đóng đinh trên cửa ghi “Noko”. Nghe giống tên chó cái, nhưng ‘bằng chứng’ trước mặt tôi thì rõ là… đực. Tôi thắc mắc đứng ngó. Noko nhắm tít mắt như đang cười khi được Yoki xoa đầu.

“Coi chừng,” Yoki cảnh báo khi anh ta mở cửa trước. Liền lúc đó, một cái bát bay từ trong ra sượt qua má tôi trước khi vỡ tan tành xuống sân.

“Đi đâu giờ này mới về!”

Một người phụ nữ mảnh mai, thanh nhã đang đứng ở lối vào, đợi chúng tôi. Khuôn mặt chị, khác với chị Yuuko, đẹp lạ và đầy cuốn hút. Chốn đồng không mông quạnh này thật có lắm mỹ nhân. Tôi ngoái lại để xem cái bát vỡ ra sao. Một ông lão đang tình cờ đi qua liếc từ vẻ mặt của chúng tôi đến sang mấy miếng sứ bể rồi cười. Ông không can dự gì mà đi thẳng vào trong ngôi nhà bên đường.

Chả lẽ hục hặc thế này là chuyện thường ngày? Cả tên Yoki trông cũng vẫn điềm nhiên. “Đây là vợ anh, Miki,” ổng bảo tôi. Quay sang chị, ổng thanh minh. “Mình không nhớ anh bảo là có cuộc họp à? Sau đấy anh còn phải đi tuần trên núi.”

“Cái cuộc họp đó là ba ngày trước rồi. Anh muốn tôi tin là anh đi tuần hết mấy ngày đó ư? Kể cả vào ban đêm?”

“Chứ còn gì nữa. À, ban đêm anh ở lại văn phòng hợp tác xã.”

Xạo quần. Ở bao giờ mà ở. Nhưng tôi làm thinh.

“Đồ rìu cùn!” Chị Miki la lớn. “Tôi chịu hết nổi rồi!”

“Bình tĩnh, bình tĩnh.” Ổng giơ tay cầu hòa. “Giới thiệu lại nhé. Đây là Hirano Yuuki, cậu tập sự mới. Thanh niên này sẽ ở cùng nhà mình.”

Sự chú ý của chị ấy đổ sang tôi, nên tôi bất đắc dĩ phải bước lên trước. “Mong chị chiếu cố.”

Chị Miki đùng đùng bước vào trong không nói một lời.

Anh Yoki và chị Miki sống cùng với bà của ổng, bà Shige, bà tròn và nhăn nheo như một cái bánh bao mứt đậu đỏ quắt queo. Bà ngồi yên vị trên cái gối nệm của bà, chẳng màng gì mấy tiếng ỏm củ tỏi nãy giờ. Bạn có nhầm bà với một cái xác ướp cũng không lạ.

“Mặc kệ chúng nó,” bà Shige nói. “Lúc nào chúng nó cũng thế.”

Bà đi lại khó khăn nên không thể lo chuyện bếp núc được. Tôi ở đó với bà trong lúc anh Yoki sửa soạn bữa chiều.

“Chị Miki gọi ảnh là cái rìu cùn,” tôi hỏi. “Sao lại gọi nhau buồn cười thế bà?”

Bà Shige cười sún răng, “Yoki là cách gọi khác của ‘rìu’. Ta đặt tên cho nó đấy.”

Thế thì có khi tên chú chó kia là gọi tắt của nokogiri: ‘cưa’. Dĩ nhiên rồi.

Anh Yoki, bà Shige và tôi dùng bữa chiều ở ngay đó, trong phòng sinh hoạt chung. Bữa ăn chỉ có cơm nóng, củ cải muối và súp mi sô trộn tảo wakame. Chị Miki đã về phòng khác và không chịu ra.

“Chị ấy có vẻ giận…”, tôi dợm lời.

“Chưa,” anh Yoki đáp. “Nếu giận thật thì đã về nhà ba mẹ rồi.”

Ổng ăn hết ba bát cơm. Bà Shige thậm chí cũng hai bát. Tôi thấy rất phục việc họ có thể ăn nhiều cơm tới vậy chỉ với mỗi súp mi sô và củ cải muối đi kèm.

Trong khi đó, tôi thì lại đang sầu não nặng. Tôi sẽ vừa phải sống cùng với một cặp vợ chồng luôn hằm hè với nhau cộng thêm một bà lão đã kề miệng lỗ, vừa phải làm lâm nghiệp? Điên à. Nếu chạy được thì tôi đã chạy ngay, nhưng nhà ga ở xa quá. Báo hại cái tay Yoki này mà tôi không dùng được điện thoại, và tôi cũng chỉ có vỏn vẹn hơn ba mươi nghìn yên tiền mặt. Tôi đã rơi vào cái hoàn cảnh gì thế này? Xót xa cho cái số con rệp của mình, tôi chỉ có thể nuốt trôi có một bát cơm.

Hai lần một tuần – tôi được biết – sẽ có một chiếc xe bảy chỗ đến đón bà Shige và đưa bà tới một trung tâm dưỡng lão ở Hisai cả ngày. Còn bây giờ bà bảo bà sẽ đi ngủ luôn do đã tắm rửa xong xuôi: “Ta kỳ cọ sạch sẽ rồi.”

Anh Yoki đỡ tay và dẫn bà tới một căn phòng gần nhà vệ sinh. Bà nói chúc ngủ ngon và biến vào bên trong.

Bồn tắm ở đây theo kiểu xưa, làm bằng gang và đặt trên nền bê tông – một cái vạc chỉ đủ chỗ để ngồi co gối trong nước cao ngang ngực. Nước được đun bằng lửa đặt dưới đáy. Anh Yoki chỉ cách sử dụng để tôi chui vào sau khi đã lót một tấm ván gỗ dưới đáy cho khỏi phỏng chân. Cái bồn này khiến tôi hết vía; sợ bỏng, tôi phải giữ để không chạm vào thành bồn. Chẳng có chỗ nào để mà duỗi chân. Tôi ngồi ngâm trong nước nóng một lúc, đầu gối chạm lên ngực. Có thể là do được đun bằng củi, không phải bằng khí ga hay điện nên nước có cảm giác thật mềm.

Anh Yoki chui vào sau tôi.

Phòng của tôi là một căn phòng rộng sáu chiếu cạnh phòng sinh hoạt chung. Tôi trải futon của mình ra và chui vào trong chăn, kế đến tôi nghe thấy tiếng từ phòng kế bên, căn phòng có bàn thờ Shinto. Anh Yoki đang dụ chị Miki đi tắm: “Anh đun nước nóng cho được không mình yêu?” Ổng đang cố hết sức để dỗ ngọt chị ấy.

Trước khi nghe được chị trả lời như thế nào, tôi đã thiếp đi mất.

Công việc trên núi thường được thực hiện bởi các đội từ bốn đến năm thành viên. Công ty gỗ Nakamura có hai mươi nhân công, đến từ khắp mọi nơi trong làng. Phần lớn họ khai thác gỗ ở những khoảng đất rừng xung quanh. Thêm vào đó, họ cũng góp phần coi sóc cho những ngọn núi thuộc sở hữu của nhà Nakamura trong suốt cả năm.

Anh Yoki và tôi ở chung một đội, đội này chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc cây rừng. Tôi sẽ được trải nghiệm đủ loại công việc trong lâm nghiệp, từ trồng, quản lý cho đến khai thác cây gỗ. Bên cạnh anh Seiichi, đội chúng tôi còn có chú Iwao Tanabe, khoảng năm chục tuổi, và một cụ ông bảy mươi tư tuổi tráng kiện tên là “Lão Già Saburo.” Cả chú Iwao và Lão Già Saburo đều sống ở quận Kamusari. Họ đều là dân lão làng đã theo công việc này cả đời.

Ngày đầu tiên, anh Yoki dựng tôi dậy trong lúc bên ngoài vẫn còn tối, tôi chui ra khỏi chăn trong lúc ao ước mình có thể chui ngay trở vào.

Trên chiếc bàn tròn và thấp trong phòng sinh hoạt chung có hai vật hình tam giác to và sáng bóng. Hóa ra đó là hai miếng onigiri cỡ bự, được bọc trong giấy bạc, làm mỗi cái chắc cũng phải tốn cỡ ba cốc gạo.

“Miki lại tươi tỉnh rồi.” Giọng anh Yoki nghe phấn khởi – mặc dù tôi thì vẫn cho rằng chẳng xứng được gọi là bữa trưa. Nhưng mà có còn hơn không, nghĩ vậy nên tôi hoan hỉ gói ghém miếng onigiri to đùng của mình cùng một bi đông đựng trà và trèo lên cái xe bán tải. Anh Yoki bế Noko lên thùng xe.

Chiếc xe lăn bánh trong khoảng mười phút. Chẳng mấy chốc mặt đường không còn được rải nhựa, nhà cửa cũng không thấy nữa. Một bên đường là triền dốc đứng dẫn xuống thượng nguồn. Con đường nhanh chóng càng ngày càng hẹp và cuối cùng đi đến lối cụt. Ở một khoảng đất trống đã có ba chiếc xe bán tải khác đỗ sẵn.

Từ đó chúng tôi phải trèo bằng chân. Noko – tràn trề năng lượng, vọt lên triền núi qua mấy bụi cây thấp. Yoki sải bước lên dốc ngang với tốc độ khi đi trên đường bằng, nhịp thở vẫn y nguyên. Ổng đựng bữa trưa cơm nắm trong một cái bọc furoshiki khoác sau lưng; bi đông vác trên vai; và một bên tay cầm cây rìu. Rìu á! Tôi tròn mắt. Thời buổi này mà vẫn còn rìu!

Xách cái máy cưa, tôi vất vả đuổi theo.

Anh Yoki đeo một cái túi dụng cụ dẹt ở ngang hông, tương tự như loại tạo mẫu tóc hay dùng. Trông nó hơi bị hay ho, song đương nhiên là ổng đeo chỉ để phục vụ cho công việc. Tôi trông ra đủ loại vật dụng bí ẩn thò ra từ trong túi, bao gồm một cái giũa kim loại và phần đuôi của một cái ống cao su ngắn.

Khu rừng tối om do liễu sam mọc dày.

“Khu vực này chăm chả ra đâu với đâu,” anh Yoki nhận xét. Cung cách của ổng cộc cằn, song có vẻ thực lòng muốn chỉ dạy cho tôi. “Rừng được chăm sóc cẩn thận sáng hơn nhiều, đa số cây thân cũng sẽ dày hơn.”

Tôi đã hết cả hơi, đáp không nổi. Trèo rồi mới thấy khác hoàn toàn so với trông từ đằng xa. Đường lên đỉnh toàn dốc cao, tôi phải liên tục tìm chỗ đặt chân, không tài nào ngước lên được. Đôi khi có cảm giác đang trèo lên vách đá. Ai trồng được cây ở đây hẳn gan phải to lắm. Người làm lâm nghiệp không chỉ có trồng cây, họ còn phải chăm cây, sau khi chúng trưởng thành họ phải đốn cây và vận chuyển xuống núi – trong trường hợp này là một cái núi dốc đến mức khó lắm mới đứng thẳng được. Tin nổi không.

Tôi không đến mức sợ độ cao, nhưng chỗ đặt chân thì không có mà dốc thì cao đến mức tôi bắt đầu run. Tôi không muốn cha Yoki nghĩ là tôi sợ, nên vẫn cắn răng đi sát theo ổng. Chúng tôi đi cắt qua một vài sống núi. Tuyết tích tụ thành lớp dày dưới thung lũng. Trong lúc chúng tôi đi, thi thoảng một lụm tuyết lại rơi xuống từ mấy ngọn cây. Lần nào tôi cũng nhảy dựng lên và thụp xuống né.

Sau cùng chúng tôi cũng đến được khu vực làm việc của ngày hôm đó. Anh Seiichi, chú Iwao và Lão Già Saburo đang đợi chúng tôi.

“Xin chào,” chú Iwao nói.

Lão Già Saburo cười nhe răng về phía anh Yoki. “Hôm qua tao thấy bây với Miki chí cha chí chóe với nhau. Hai đứa bây đã hôn hít làm lành chưa?”

Tôi chợt nhận ra: đây là ông già đã đi vào bên trong ngôi nhà đối diện trong lúc anh Yoki và chị Miki đang cãi lộn hôm qua. Trông thấy cảnh ấy mà ông lại thấy khoái chí. Thân thiết thế đấy. Sao lại không cố mà can họ? Biết đâu bữa chiều đã thịnh soạn hơn chút đỉnh. Mặt khác, chị Miki khi đó đang giận bốc hỏa. Có khi ông đủ khôn ngoan để tránh xa. Sau này tôi dần biết, Lão Già Saburo có một khả năng thiên bẩm trong việc phát hiện những nguy hiểm trên núi. Đúng là gừng càng già càng cay.

“Bọn cháu đêm qua thủ thỉ với nhau xong rồi,” anh Yoki nói mặt tỉnh queo. “Xuôi rồi.”

Thủ thỉ trong đêm à? Ơ kìa. Sao tôi lại ngủ sớm thế cơ chứ. Tôi có cảm giác như đã bỏ lỡ cái gì đó hay ho lắm vậy.

“Được rồi,” anh Seiichi đội nón bảo hộ vào và tuyên bố. “Vào việc thôi. Từ đây xuống đến thung lũng, từng hàng một. Bắt đầu!”

Ngay sau hiệu lệnh đó, chúng tôi tản ra. Họ làm việc theo cặp: chú Iwao và Lão Già Saburo, anh Yoki và anh Seiichi. Tôi được phân vào nhóm của anh Yoki và anh Seiichi. Noko chạy tới chạy lui như để cổ vũ chúng tôi.

Những cây liễu sam đang oằn xuống dưới sức nặng của tuyết, ngả hẳn về phía thung lũng. Một số cây bị cong đến mức ngọn của chúng gần như chạm vào sườn dốc.

“Nếu để cây thế này, chúng sẽ bị biến dạng và không thể bán lấy gỗ được,” anh Seiichi giải thích. “Giờ ta phải dọn tuyết đi và buộc mỗi cây vào một cái bụi để thân cây có thể mọc thẳng. Bắt đầu làm từ đỉnh núi rồi đi từ từ xuống theo từng hàng một. Đấy là cách hiệu quả nhất.”

Mấy cây đó còn non mà đã mọc tới ba mét rồi. Làm thế nào để mà dọn tuyết, chỉnh chúng đứng thẳng rồi buộc để chúng mọc tiếp như thế cơ?

Anh Seiichi cho tôi xem một cái dây thừng bện bằng rơm. “Đầu tiên chúng ta sẽ buộc cái này vào một cái cành, ở ngay chạc ấy.”

Anh Yoki buộc một đầu dây quanh một cành cây mọc ra từ phần giữa của một cây non mảnh dẻ. Thế rồi anh Seiichi ngồi xổm xuống và kéo căng đầu còn lại. Phần chóp của cái cây nhô lên.

“Đến đây em phải trông chừng,” anh Seiichi nói, vẫn ngồi xổm giữ căng đầu dây. “Em đừng kéo xa quá để cây không thẳng đứng mà lại nghiêng ngược lại về hướng núi. Buộc góc đó sang năm tuyết rơi thân cây sẽ gãy hoặc không kéo lên được nữa, khi đó tổn hại đến cây còn tệ hơn.”

Anh ấy buộc đầu dây quanh gốc của một bụi cây. Tôi đứng nhìn cây liễu sam bật lên thẳng đứng.

“Dây rơm này sẽ phân hủy và lỏng ra theo thời gian, nên cứ để thế thôi. Nếu dùng dây từ sợi hóa học, em sẽ phải quay lại tháo hết trước khi mùa đông tới. Cây không uốn được dưới sức nặng của tuyết cũng sẽ gãy.”

Tôi cảm thấy bối rối khi bị giục làm thử. Anh Yoki thì đang tiếp tục buộc hết dây này đến dây khác quanh những cây liễu sam từ trên xuống. Tôi không thể ngồi không ở đây. Dưới sự chỉ dẫn của Seiichi, tôi kéo dây bằng hết sức lực của mình. Nó nặng phải đến cả tấn. Cây nào cũng khẳng khiu, ấy vậy mà anh Seiichi đã kéo lên dễ dàng, mặc dù anh trông không khỏe bằng anh Yoki. Tôi còn chẳng thể làm cái cây của tôi nhúc nhích.

“Khuỵu gối xuống. Hình dung lưng em đang tì vào sườn núi, rồi dùng cả người mà kéo.”

Sau một tiếng rên quái đản, cuối cùng tôi cũng khiến cho chóp cây nhô lên.

“Đúng rồi. Thêm chút nữa.” Anh Seiichi chỉ đạo trong lúc đạp nhẹ lên đám đất quanh cái cây mà anh ấy vừa mới kéo lên. “Tốt. Em làm được rồi đấy.”

Cẩn thận giữ cho dây căng, tôi chậm rãi đổi tư thế và bắt đầu buộc dây vào gốc của một bụi cây. Trong lúc tôi mải mê với việc đó, cơ tay tôi thả lỏng ra một chút. Ngay tức thì cái cây bật ngược lại, còn tôi thì mất thăng bằng và ngã bổ nhào xuống dưới núi. Trong cơn hoảng loạn, tôi đồ rằng mình sắp chết. Noko hú lên từ đằng xa. Đến chân dốc người tôi tông vào một cái cây và rốt cục cũng dừng lại. Cú va chạm khiến cho tuyết rơi như thác xuống đầu tôi. Mặt đất ướt nhẹp, quần áo bảo hộ của tôi lấm lem hết cả.

“Em có sao không đấy?” anh Seiichi chạy đến.

Trong lúc tôi loay hoay đứng dậy, tay xoa xoa cái mông thì bố Yoki lại cười bò ra. Hai người còn lại cũng vội vã tới đây để xem có chuyện gì.

“Nghe vui thế chứ lị.” Lão Già Saburo chứng kiến cảnh tượng này với giọng điệu ghen tỵ.

Mắt mũi cay xè vì tủi nhục và đau đớn, tôi chỉ còn biết là tôi đã cực kỳ muốn về nhà.

Sang xuân, tuyết trở nên ẩm ướt và nặng nề.

Vào ban đêm, chui mình trong chăn, tôi có thể nghe thấy tiếng cây trên núi kẽo kẹt dưới sức nặng của lớp tuyết đọng lại. Tách. Tách. Âm thanh đanh gọn, xé lòng, vang vọng trong không khí, không thể nào mà chịu nổi. Tôi cảm thấy mình cần phải bật dậy phi ngay đến để giải cứu những cây non đó. Tôi khó mà kiềm lòng được. Cùng lúc đó một nỗi buồn dấy lên trong tôi. Biết bao nhiêu cây được trồng trên núi, còn tôi thì làm quá chậm chạp, không đời nào tôi có thể cứu được hết cây non khỏi bị đè bẹp dưới tuyết.

Trên đường đi ngang qua phòng để vào toa lét, thấy tôi trằn trọc, anh Yoki mới bảo. “Bình tĩnh đi. Nghĩ ngợi mà làm gì. Ngủ đi còn lấy sức.”

Ổng nói chí phải.

Làm lâm nghiệp nghĩa là bạn phải chấp nhận sẽ có một vài cây bị gãy do sức nặng của tuyết. Không phải tất cả đều sẽ đạt đến độ tuổi trưởng thành theo kế hoạch. Song dù có gãy chúng vẫn là một sinh vật, giống như những người đang nỗ lực hết sức để giải thoát cho chúng khỏi gánh nặng của tuyết thật nhanh và thật khéo. Lúc này, sau một năm sống ở Kamusari, tôi mới bắt đầu thấu hiểu được việc đó, và nhiệm vụ của người làm lâm nghiệp là phải đứng bên cạnh chúng theo từng năm tháng.

Có điều ban đầu thái độ của tôi khác hẳn. Ừ thì tôi cũng buồn khi nghe tiếng cây gãy, nhưng không phải buồn kiểu “Lại có cây gãy rồi! Phải làm gì bây giờ?” Mà giống kiểu ”Lại phải làm gãy lưng rồi! Ối giời ơi!” thì đúng hơn.

Thất bại ê chề ở ngay lần thử ban đầu của ngày thứ nhất khiến tôi thụt lùi hẳn. Sau cú lăn lông lốc đó, cộng thêm tiếng cười nổ cổ của lão Yoki, tôi mất hết cả ý trí. Nếu chẳng may lại bị và lần này va đầu vào đá, tôi biết là mình sẽ ngỏm. Nỗi hãi hùng với dốc núi hiểm trở khiến tôi không thể kéo dây thẳng người. Nói thật là tôi chẳng có khả năng đảm đương bất cứ công việc gì. Nó khiến tôi dằn vặt. Vì cái khỉ gì mà tôi lại đồng ý để cho mình bị tống đến cái chốn của nợ này chỉ để chuốc lấy sự bẽ mặt cơ chứ? Tôi đã chán lắm rồi. Cáu tiết nữa. Song trên tất cả là nỗi hổ thẹn. Cảm giác khó chịu hay bực bội chẳng qua chỉ là cách để tôi lờ đi sự vô dụng của mình.

Trong rừng, mất tập trung là toi mạng như chơi. Để luôn cảnh giác, chúng tôi nghỉ giải lao sau mỗi hai tiếng và ngồi lại sau giờ cơm trưa. Một hôm chúng tôi bày bữa ra một khoảng trống nơi họ dự định sẽ trồng cây non sau khi tuyết đã tan hết. Trên trời phủ đầy mây xám.

“Tuyết trái mùa thế là hết rồi đấy,” chú Iwao nói. “Chờ mà xem. Hết cuốc đất rồi đến trồng cây, mấy bữa nữa có ối việc để làm.”

“Phải.” Lão Già Saburo gật gù. “Dọn tuyết không phải là tất cả đâu Yuuki. Bây chẳng có gì phải lo cả.”

Tôi lặng lẽ cúi xuống. Trình độ của tôi không khá lên là bao, kết quả là tốc độ làm việc của nhóm vẫn như rùa bò. Không có ai đổ lỗi cho tôi, nhưng điều này chỉ khiến mọi thứ tệ hơn. Giá mà tìm ra được cách chuồn… đầu óc tôi chỉ nghĩ đến chuyện đó. Nhưng tôi không có phương tiện di chuyển nào cả, anh Yoki thì vẫn cảnh giác giấu kín chìa khóa xe bán tải trong nhà. Mà đằng nào tôi cũng có bằng lái đâu. Chạy bộ ra khỏi Kamusari thì gần như không tưởng. Tôi có thể đi nhờ xe ra ga tàu, có điều làng xóm ai cũng biết mặt tôi rồi. Tôi như cá nằm trong rọ.

Đương lúc cắn miếng onigiri to đùng của mình, từ đâu đó trong rừng bỗng vang lên tiếng tách của cây gãy. Tôi thở dài.

Lão Già Saburo hích nhẹ anh Yoki. “Làm gì đi. Thấy không? Bây cứ rắn với nó, nó sờn chí rồi.”

“Cháu đâu có rắn,” Yoki ngồi giữ Noko và gãi gãi sau tai nó. Cái đuôi trắng xốp của Noko vẫy vẫy đập vào tay tôi.

Anh Seiichi không nói năng gì, nhưng rõ ràng là anh cũng quyết định sẽ không để mọi thứ tiếp tục thế này nữa. Một ngày đẹp trời sau khi tuyết ngừng rơi và gió đã ấm lên, anh tuyên bố, “Hôm nay Yuuki không phải lên núi nữa. Thay vào đó, anh muốn nó tỉa mấy cây rừng nhà.”

Vào những buổi sáng khi chúng tôi leo lên mấy ngọn núi gần làng, cả đội đầu tiên sẽ tụ tập ở nhà của anh Seiichi để điểm qua kế hoạch. Chúng tôi ngồi ở cái bàn to trong sân trước uống chè. Trời lạnh, thế nên anh Seiichi đốt lửa bằng gỗ vụn trong một cái thùng dầu, và chúng tôi cùng nhau tụ tập xung quanh để sưởi ấm và duỗi chân duỗi tay. Thật lạ kỳ khi nghỉ ngơi trước cả khi bắt đầu công việc của ngày mới, nhưng đó cũng chỉ là một ví dụ khác về tinh thần ung dung của Kamusari trong cuộc sống hàng ngày.

“Cả bọn này nữa à?” anh Yoki đang bóc một quả quýt. Từ giọng điệu và nét mặt tôi cũng đoán được là ổng cũng mệt khi phải đi với tôi, rằng tôi là một gánh nặng.

“Không, chú ở lại với nó đi Yoki, chỉ cho nó biết phải làm gì. Lão Già Saburo, chú Iwao và anh sẽ làm ở sườn phía nam của núi Kusu, chuẩn bị đất để trồng cây.”

Lão Già Saburo và chú Iwao lập tức đứng dậy, kiểu, Rõ thưa sếp. Chúng tôi đi. Mũi Noko phồng lên hăm hở. Anh Yoki bất mãn ra mặt, song mệnh lệnh của anh Seiichi là tối cao.

“Đừng đổ cho em nếu mấy cây liễu sam của anh bị cạo trọc nhá.” Anh Yoki để lại lời tuyên bố đó và bước về phía nhà kho cạnh gian nhà chính. Noko nhảy cẫng lên chạy theo, nhưng bị ổng nói cho một câu gì đó và tiu nghỉu lon ton quay lại.

Anh Seiichi và những người còn lại bước lên xe tải của họ, chuẩn bị để di chuyển tới núi Kusu. Trong lúc anh Seiichi đang làm ấm máy xe, Noko tiến lại và vẫy đuôi, tôi mới bèn bế nó và đặt lên thùng xe sau lưng. Thế rồi anh Seiichi thò đầu ra cửa kính xe và nói.

“Yuuki, khi đã quen với cây cối rồi thì nỗi sợ của em cũng sẽ hết. Hôm nay có dây an toàn với chỗ đặt chân, không cần phải lo đâu.”

Dĩ nhiên là tôi lo chết đi được.

Nhà Nakamura được bao vòng bởi một rặng cây liễu sam quý gọi là “rừng nhà”, trồng ở đó để ngăn gió thổi từ trên núi xuống. Biết bao nhiêu thế hệ nhà Nakamura đã sống ở trong căn nhà đó tôi không biết nữa, song nó vẫn tốt mặc dù đã cũ. Cây trong rừng nhà cũng rậm rạp ngang với những khu rừng của các đền thờ Shinto.

Anh Yoki lấy ra mấy thứ dụng cụ cho công việc này: một cái thắt lưng to bản, một cuộn dây thừng chắc chắn với móc kim loại ở hai đầu và vài lưỡi dao gọi là cái “trèo cột”. Hai cái trèo cột được thít chặt cùng với quần bảo hộ và ủng của chúng tôi, cố định bằng một cặp dây đai để giữ chúng trong lòng bàn chân. Bằng cách ấn lưỡi dao vào thân cây, bạn sẽ trèo được những cây không có cành.

Nhưng trông khó kinh được ấy. Tôi cố phản đối. “Chọt cái này vào thì thân cây hư mất.”

“Rừng nhà không bán lấy gỗ nên là mấy cái sẹo trên thân không sao cả.”

“Lúc trèo lên thì chỉ có hai cái dao này để giữ thôi á? Em chả thấy nó an toàn chỗ nào.”

“Còn dây giữ buộc ở quanh hông nữa cơ mà, sợ gì. Nhanh lên!”

Tôi tiến đến đứng ở dưới một cây liễu sam nằm ở phía đông của đám cây. Nó cao lừng lững phía trên ngôi nhà hai tầng.

Tôi buộc thắt lưng theo hướng dẫn. Anh Yoki ngoắc cái móc kim loại ở dây thừng vào thắt lưng của tôi. Sợi dây buộc một vòng tròn quanh cây, trói tôi vào như kiểu tôi đang ôm lấy thân. Một sợi dây khác buộc vào thắt lưng của tôi với một cái cưa máy ở đầu còn lại. Bằng cách đó tay tôi được rảnh trong lúc trèo và khi đã đến đủ độ cao, tôi có thể kéo cái cưa lên và dùng nó để cắt cành. Tất cả chống đỡ cho trọng lượng của tôi là sợi dây buộc quanh cây ngang thắt lưng, trong lúc tôi trụ lại trên hai cái lưỡi dao đâm hờ vào thân cây. Thế rồi, với cái dáng làm xiếc cách mặt đất 6 mét như thế, tôi phải cầm cái cưa máy để mà làm.

Có mà khướt. Có khướt mà tôi làm được.

Nhưng anh Yoki thì đã bám vào cái cây liễu sam kế bên và vọt lên cao bằng mỗi sợi dây thừng, chả cần ‘trèo cột’ gì sất. Ổng là khỉ chắc? Cái rìu ổng hay dùng đang được gắn vô thắt lưng, không có cưa kiếc gì.

“Sao đấy? Lên đi chứ.” Bám giữa cái cây chẳng khác gì con ve, ổng gọi với xuống trong lúc tôi loay hoay đứng đó.

Tôi chẳng biết làm gì để bám vào mà leo lên. Tôi lần khần vòng tay quanh thân và cố đâm lưỡi dao dưới chân trái vào vỏ cây. Hai cái ‘trèo cột’ cộng thêm cưa máy nặng thấy mồ, khiến tôi chẳng trèo được tí nào. Mãi tôi mới lên khỏi mặt đất được một tí. Tôi cảm thấy như một đô vật su mô vừa vào nghề đã phải đấu tập với nhà vô địch hạng yokozuna: không đủ tuổi.

Điều xảy ra tiếp theo là: lưỡi dao trượt ra và tôi chuồi xuống mặt đất, cằm cạ vào vỏ cây.

“Làm cái trò gì thế không biết?” Anh Yoki thở dài và tuột cái rẹt xuống đất. Ổng nới dây thừng, tiến lại và đứng sau lưng tôi. “Lên lại đi, anh đẩy mông chú mày lên.”

Không thể nói không, tôi chỉ còn cách rủa thầm sự nhát chết của mình.

“Dùng hông như cái điểm tựa ấy, ưỡn về sau một tí. Cẩn thận cái chân kìa, chân kìa! Đá cho lưỡi dao sâu vào hơn đi.”

Dưới tràng khuyên bảo xối xả của ổng, tôi tìm đủ mọi cách để di chuyển. Một phần vì được ổng ủn mông, bằng cách nào đó tôi tìm được cách leo lên một đoạn cao quá đầu. Vẫn còn một chặng dài trước khi lên đến được nơi có cành lá.

“Giờ chú mày leo được rồi đấy. Người chú mày không nặng lắm đâu. Cứ thế mà trèo. Từ từ thôi.”

Tôi đưa tay và chân lên một cách thận trọng, nhích từng tí từng tí. Tôi bắt đầu có cảm giác mình đã tìm được cách, đã hiểu được ý của ổng: bằng cách dùng hông như một điểm tựa, tôi không cần dùng đến tay quá nhiều. Dần dà tôi cũng tìm được góc để đâm dao vào mà không cần nhìn xuống dưới chân nữa.

“Làm tốt đấy.”

Anh Yoki đã trèo lên ngang tôi ở cây kế bên. Mắt ổng dưới nón bảo hộ trông khá thân thiện. Lần đầu tiên được khen khiến tôi thấy khoái chí, còn đủ tự tin để bỏ một tay ra khỏi cây gãi má.

“Tiếp tục đi. Leo cao nữa lên, với cả đừng nhìn xuống dưới.”

Nói thế làm tôi muốn nhìn xuống. Tôi vừa định quay đầu, anh Yoki ngay lập tức với một nắm lá và ném về phía tôi.

“Đã bảo là đừng có nhìn!”

Đống lá đập vào má tôi và rơi xuống. Tôi dõi theo chúng qua khóe mắt và trông thấy mình đã leo cao cỡ nào. Hai hòn tôi teo cả lại. Cho em xuống! Cho em về! Tôi bấu chặt lấy cái cây và cảm giác như sắp khóc. Chỉ vì không muốn lão Yoki cười vào mặt nữa tôi mới nghiến chặt răng và trèo cao hơn, cố giữ cho mắt ngước thẳng. Tôi còn không dám nhìn ngắm cảnh vật xung quanh.

Phải cắt cành nào bây giờ? Nếu chặt nhiều quá thì không chắn được gió, chặt quá ít thì ngôi nhà lại không đón được ánh mặt trời.

Anh Yoki nhắc tôi phải tắt máy cưa thường xuyên. Nếu chẳng may ngã mà cưa vẫn bật thì chỉ có mà đứt đôi người.

Theo chỉ dẫn của anh, tôi tỉa mấy cành trên đỉnh. Mất cả buổi sáng để tôi tỉa tót xong cái cây liễu sam ấy. Anh Yoki không bao giờ rời mắt khỏi tôi, nhưng vẫn trèo hết cây này đến cây kia, làm với tốc độ gấp năm lần của tôi.

Đến lúc dừng để ăn trưa, chân tôi run bần bật. Hòng để anh Yoki không để ý, tôi gồng lên và bước qua sân đến chỗ cái bàn, ngồi xuống ăn miếng onigiri to đùng. Bên cạnh món cá hồi và mận dầm thường lệ, hôm nay không hiểu sao còn có cả khoai lang tẩm bột rán nữa.

“Chu choa! Hôm nay Miki chắc chắn là tươi roi rói rồi.” Anh Yoki trông hớn ha hớn hở.

Cơm nắm của chị Miki cứ như quả cầu pha lê vậy, tôi nghĩ.

Mặt trời càng lúc càng ấm. Không khí pha với đủ loại hương thơm trộn lẫn: vị ngọt của nước sông trong vắt, mùi xanh mơn mởn của cỏ đâm lên khỏi mặt đất, mùi khét của ai đó đang đốt củi khô. Mùi thịt rữa thoang thoảng của những sinh vật chết sâu trong núi vào mùa đông. Mọi vật đều đang cựa mình, chuẩn bị đón mùa xuân đến.

Tiếng vo ve của cưa máy vọng lại từ phía núi bỗng đột ngột lắng xuống. Anh Seiichi và những người khác chắc hẳn cũng đã dừng để nghỉ trưa.

Chị Yuuko mang cho chúng tôi hai bát súp miso đầy rau và thịt lợn. “Còn nhiều lắm, ăn nhiều vào nhé,” chị bảo.

“Santa đâu rồi?” anh Yoki hỏi.

“Đang chơi sau nhà.”

“À.” Ổng trông có vẻ thất vọng.

Ấm bụng ấm lòng nhờ bát súp, chúng tôi bắt tay vào công việc ban chiều. Mới đầu tôi còn quá căng thẳng – chân run, hông cứng đờ, nhấc cưa mãi không nhấc được – nhưng rồi dần dần cũng khá hơn. Mẹo ở đây là dùng lực tối thiểu và vận dụng nguyên lý đòn bẩy để chống đỡ cho cơ thể của tôi. Ép sát người vào cây và lựa góc tốt nhất để dùng cưa cắt cành.

“Đừng nghĩ là quen rồi mà chủ quan đấy nhé.” Thi thoảng anh Yoki lại lớn tiếng khuyên, nhưng phần lớn thời gian ổng để tôi tự do. Ổng hóa ra lại tốt bụng ghê. Chúng tôi làm hết hàng cây phía sau – dĩ nhiên là công của anh Yoki tám chín phần – rồi chuyển sang hàng cây phía tây.

Tôi mở máy cưa và tỉa bớt cành trong khi anh Yoki đứng bên dưới dùng cào gom lại cành và lá rụng. Tôi thả một cành nhỏ nhắm vào đầu ổng, rơi trúng cái bịch lên nón bảo hiểm.

Đến lần thứ ba, ổng giơ nắm đấm và gào lên: “Có thôi ngay không thì bảo!”

Thế rồi tình cờ tôi nhận ra mình có thể nhìn vào tận bên trong tư gia nhà Nakamura. Cạnh cửa sổ của một căn phòng rộng sáu chiếu có một chiếc bàn trang điểm, màu hổ phách, với chân như chân mèo. Trông nó cũ rích. Một người phụ nữ trẻ đang ngồi đó, mắt nhìn vào gương. Tôi ngắm cô ấy hé môi và tô một lớp son màu hồng nhạt. Mắt chúng tôi bỗng thấy nhau trong gương. Cô ấy có hai gò má trắng muốt. Đẹp quá trời. Đôi mắt đen phản chiếu hình bóng của tôi ánh lên vẻ tinh nghịch, còn cặp môi nhoẻn thành một nụ cười. Cô ấy trông như một con mèo kỳ quái.

Như người mất hồn, tôi đặt lưỡi cưa lên chạc của một cái cành nặng trĩu không cần phải tỉa. Nó rơi xuống, lá bay khắp nơi, đập cái boong vào đầu của anh Yoki.

“Chú mày chết với anh!” Ổng hét rống, vứt cái cào sang bên và ôm lấy cái cây. Cứ như thế, ổng lao lên chẳng cần dây rợ gì.

“Ấy khoan, anh Yoki. Em không cố ý, em thề.”

Ổng mặc xác. Ổng leo lên cạnh chân tôi lẹ đến phát sợ và bắt đầu dùng nón bảo hiểm húc vào đít tôi. Ngặt nỗi chân tôi đang gắn lưỡi dao, không thì tôi đã phảng kháng bằng cách đạp vào vai ổng một phát. Tôi chỉ có thể la lối và trườn lên cao hơn.

“Có ai ở kia kìa,” tôi cố gắng giải thích.

“Nói nhăng cuội gì thế?” Ổng dừng húc đít tôi và nhìn về phía tôi chỉ. “Làm gì có ai.”

Căn phòng trống không. Một tấm vải trắng treo trên cái gương.

“Vừa có cô nào ở đấy mà.”

“Cô nào cơ? Trẻ không? Xinh không?”

“Ờm.. có.”

“À,” ổng tủm tỉm. “Biết chú mày thấy gì rồi. Ma đấy.”

“Giữa ban ngày á? Mới đầu năm cơ mà? Em tưởng ma chỉ xuất hiện vào giữa hè?”

“Ở Kamusari họ thích ra lúc nào thì ra.” Trông ổng khá tự mãn. “Anh Seiichi có quá khứ không được minh bạch cho lắm. Ảnh làm tan vỡ trái tim của một thiếu nữ, và giờ cô gái đó đang trù ám nhà ảnh.”

“Anh cứ đùa.” Tôi cười trừ, nhưng mặt căng hết cả lên. Tôi sợ nhất là ma với quỷ. Có lần bạn gái cũ hồi cấp ba rủ tôi đi xem phim kinh dị, tôi đành phải lấy cớ để chuồn.

Chúng tôi tỉa được hết cả khu rừng nhà trong ngày hôm đó. Vào buổi tối, anh Seiichi và hai người kia quay lại. Giống hệt buổi sáng, cả bọn ngồi quanh cái thùng dầu và đốt lửa sưởi. Những cây liễu sam mới tỉa tinh tươm vươn cao lên bầu trời.

“Làm tốt đấy, Yuuki,” anh Seiichi nói.

Thì ra anh phân công cho tôi công việc này để tôi có thêm tự tin. Lão Già Saburo và chú Iwao cũng hùa vào khen tôi.

“Lần đầu làm mà thế là quá xuất sắc,” Lão Già Saburo bảo.

“Cả Yoki nữa,” chú Iwao nói, “xong hết trong một ngày là giỏi. Không dễ đâu.”

Tôi bắt đầu nghĩ rằng hay là thôi thì ở lại Kamusari thêm một chút nữa xem thế nào. Nhớ lại cảnh anh Yoki lặng lẽ buộc lại hết những cành cây rơi rụng, tôi cũng quý ổng hơn một tí.

Cửa trước bỗng mở ra, chúng tôi nghe được tiếng của Santa. “Ơ, đã phải bái bai rồi ạ?”

“Rồi hôm nào lại qua. Nhớ ngoan và nghe lời mẹ nhé.”

Người bước ra là cô gái ngồi trước bàn trang điểm khi ấy.

“Đấy mà là ma á?” tôi thì thầm với anh Yoki.

Ổng trông tỉnh queo. Cha nội này toàn chỉ đùa vớ đùa vẩn thôi.

“Có cần đi nhờ xe không Naoki?” anh Seiichi gọi.

Cô gái có cái tên như nam nhi ấy nhẹ nhàng từ chối. “Không ạ. Em đến đây bằng xe gắn máy.”

Cô ấy dắt một con xế độp Kawasaki hàng khủng ra khỏi nhà kho, ngang qua sân sỏi ra đến đường. Cô ấy là ai và có mối quan hệ như thế nào với nhà Nakamura? Tôi muốn hỏi chết đi được, nhưng họ chẳng có vẻ gì là muốn giải thích. Ở làng quê nhỏ ai cũng quen ai như thế này, không người nào nghĩ đến chuyện phải đi giới thiệu.

“Con bé Naoki cần phải nghỉ ngơi một tí,” Lão Già Saburo nhận xét, và mọi người đều ậm ừ đồng ý. Họ chỉ nói mỗi thế.

“Đã đi rồi à?” Chị Yuuko cầm ra một cái đĩa bọc giấy ni lông và thở dài. “Đang định đưa cho nó cái này.”

Làm sao mà Naoki cầm được cái đĩa trong lúc lái xe máy cơ chứ? Rồi tôi chợt nảy ra: đây là cơ hội để tôi đi khỏi Kamusari. Ừ thì cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành được công việc trong ngày. Mọi người trong đội đều đã có lời động viên, cảm giác cũng sướng thật đấy. Nhưng mà, nghề lâm không hợp với tôi. Tôi chỉ ở đây vì đã sa vào cái bẫy mà mẹ tôi và thầy Kumayan bày ra. Ở lại Kamusari thêm chút nữa xem thế nào á? Thật đấy? Tôi nghĩ cái quái gì vậy? Tí thì toi. Suýt chút nữa thì tôi đã để cho lòng tốt làm cho xuôi lòng.

“Để em mang cho.” Tôi chộp lấy cái đĩa và chạy ra đường.

“Ê!” anh Yoki gọi với theo, nhưng tôi không ngoái lại.

Naoki đang ngồi trên yên khởi động để làm nóng máy. Tiếng xe rít vang khắp dãy núi.

“Chị Yuuko gửi cậu cái này.”

Naoki nhìn cái đĩa mà tôi giơ ra. “Tôi không cần.” Cô ấy đội lên cái mũ bảo hiểm trùm đầu đang kẹp dưới nách. Sắp đi đến nơi rồi. Tôi luống cuống.

“Thôi được rồi, thế để tôi cầm cho. Bù lại cậu phải cho tôi đi nhờ ra ga tàu.”

“Hả?”

“Tôi có tí việc ở Matsusaka. Chả là tôi vừa được trả lương nên muốn gửi ít quà về cho người ở nhà ấy mà. Tôi nói với anh Seiichi rồi.” Để đề phòng, tôi luôn mang theo bên mình 30 nghìn yên của ông già cho. Thế là đủ để tôi đi đường. “Thấy không, đây này.” Tôi giơ cái phong bì ra khỏi túi.

“Nó ghi là tiền đi xa cơ mà.”

Bỏ xừ. Quên béng đi mất. “Thật á? Sao lại thế nhỉ?” Tôi cố cười trừ.

Naoki nheo mắt nhìn tôi, rồi bảo, “Sao cũng được. Cậu có mũ không đấy?”

“Có.”

Tôi đội cái nón bảo hộ lên đầu và trèo lên xe sau lưng Nao. Tranh thủ vòng tay ôm cái có được không nhỉ?

“Đi nhé”. Rừmmm. Cô ấy vặn ga. “Đừng có mà khóc nhè.”

Chúng tôi bắn đi như một mũi tiễn, và tôi tí thì văng khỏi xe. Tôi để cho cái đĩa trong tay bay tự do và bán sống bán chết cố bám vào người Naoki. Thon thả và mềm mại thật đấy – cái ấn tượng này tồn tại trong có một tích tắc. Đây là một con quỷ tốc độ.

“AAaaáééee!” Nỗi kinh hãi khiến cho nước mắt nước mũi của tôi bắn hết cả ra, song đều bị gió gạt phăng đi hết. Con đường trên núi hẹp phát sợ. Lỡ có xe đến thì sao? Cô ấy bóp còi inh ỏi khi vọt qua khúc cua, cái xe nghiêng đến độ đầu gối của tôi coi như đã sà xuống đất.

“Cho tôi xuống!” tôi rú lên.

Tệ hơn là, cái xe tải của cha Yoki đang ở ngay sau lưng. Ổng cầm vô lăng có một tay và đang thò đầu ra cửa sổ mà la lớn. Mặt ổng hằm hằm như quỷ. Toi rồi.

Naoki tăng tốc, nhưng cha Yoki vẫn dí sát đuôi. Cái xe tải của ổng mang động cơ nào thế? Cuộc rượt đuổi trên con đường đèo vẫn tiếp diễn. Ngất cái là bỏ mạng luôn, tôi tự nhủ. Chết khiếp, tôi cố giữ mình tỉnh táo. Cho dù vậy, cứ chừng mười lăm giây tôi lại thấy tối tăm cả mặt mũi trong chốc lát.

Xe gắn máy và xe tải cùng nhau đỗ xịch lại ở sân ga gần như cùng lúc. Một bà già đang đợi tàu hết hồn nhảy dựng lên. Tôi trèo xuống xe và xoay người về hướng nhà ga. Đầu gối tôi bủn rủn đến mức không đứng nổi. Tôi đành quỳ xuống trên tứ chi và bắt đầu bò, song bị cha Yoki đạp một chân lên cổ.

“Anh phải công nhận là Naoki lái lụa ra phết đấy.”

“Hôm nay em còn phải đèo thêm nên có hơi khoai tí.” Cô ấy bật cười. “Hôm nào lại đua nhé.”

Câu nói cuối cùng đó được nhắm về phía anh Yoki, và cả tôi nữa. Thế rồi cô ấy nổ ga phóng đi, vút lên con đường đèo.

“Chú mày hay thích bày trò thế nhỉ?” Anh Yoki dựng tôi đứng dậy và ủn tôi vào trong xe. Chuyến tàu đã lăn bánh khỏi ga. Còn nước mắt thì lăn trên khóe mắt tôi. Nước mắt buồn bã vì không tẩu thoát được hay nước mắt vui mừng vì hãy còn sống, tôi cũng chẳng biết nữa.

“Quê đâu đấy?” Anh Yoki hỏi trên đường quay trở về.

“Yokohama ạ.”

“Chưa đến bao giờ. Đẹp không?”

Chứ còn gì nữa. Có nơi để tới và việc để làm, không như ở đây. Tôi dợm nói ra nhưng đừng được. Yokohama cũng là cái chốn không một ai quan tâm việc không còn tôi ở đó. Tôi có gửi bưu thiếp cho lũ bạn, nói rằng tôi không dùng được di động và đã bảo chúng nó địa chỉ của nhà anh Yoki. Không một đứa nào trả lời, cũng chẳng có đứa nào gọi vào cái điện thoại cố định màu đen của ổng. Chắc hẳn chúng nó đều đang bận bịu với cuộc sống mới. Còn ông bà già tôi thì đang cuống quýt bên đứa cháu nội, làm gì có thời gian cho thằng con.

Tôi chợt nhận ra hoàn cảnh hiện tại của mình thật tủi thân và đáng thương ra sao.

“Công nhận là Kamusari không bằng Yokohama,” anh Yoki bảo, “nhưng nó cũng đẹp chứ. Chú mày còn chưa biết tí tẹo gì về ngôi làng lẫn núi rừng ở đây kia mà.”

“Làm sao mà em biết được? Còn chưa ở đây được một tháng.”

“Thế thì phải ở lại lâu hơn tí. Chú mày mà chuồn đi bây giờ, anh sẽ đi khoe về chú mày cho đến hết đời thì thôi. Về một thanh niên tên là HIrano Yuuki đến từ Yokohama, người thì tong teo trắng hếu như cây nấm kim châm, chả làm nên trò trống gì. Trăm năm nữa, tên tuổi chú mày sẽ là cách để người ta gọi mấy đứa nhát cáy. Chú mày sẽ trở thành một huyền thoại.”

“Làm huyền thoại ở cái làng lìu tìu này ư? Thì làm sao nào?” Tôi cười phá lên trước cái ý tưởng hết sức chối tỷ ấy. Cũng nhờ tràng cười mà tinh thần tôi cũng khuây khỏa hơn chút.

“Nghe này, cứ bình tĩnh thôi.” Anh Yoki hạ giọng. “Lâm nghiệp không phải ai vèo cái cũng làm được ngay. Phải là thiên tài như anh đây mới được.”

Rặng núi tối nhô lên trên bầu trời hoàng hôn.

Khi chúng tôi về đến nhà của Yoki, đèn đóm bên trong tối om.

“Miki, ở nhà không đấy? Ê!” Anh Yoki cất tiếng gọi trong lúc tháo giày và đi vào bên trong. Theo sau là tôi.

Giọng bà Shige vang lên trong bóng tối. “Yoki, vào ngồi đây ta bảo.”

Tôi nheo hết mắt lại và trông thấy lờ mờ cái bóng còng lưng của bà bên dưới bàn thờ Shinto trong nhà. Trông bà như con ma trong hình dạng cái bánh bao mứt đậu đỏ.

“Bà ở đây hả bà!” Anh Yoki kéo cái dây bật đèn huỳnh quang. “Sao bà lại ngồi trong tối thế?”

“Bây biết là ta không với tới nơi để bật đèn lên rồi.” Mắt bà chớp chớp do ánh sáng đột ngột. “Vợ bây vừa bỏ nhà đi.”

“Lại nữa à!” Anh Yoki ngửa đầu lên trần.

Bà Shige vỗ mạnh lên chiếu, khiến anh Yoki ngoan ngoãn quỳ xuống trước cái bàn bệt. Không hiểu sao tôi cũng thấy mình phải làm theo.

“Vợ cháu bị sao thế?” ổng hỏi. “Sáng nay còn đương bình thường cơ mà.”

Tôi nhớ về miếng khoai kẹp trong phần cơm onigiri.

“Khi bây không về nhà hai đêm liền, bây bảo bây đi tuần trên núi, nhưng bây xạo.” Giọng bà Shige nghiêm nghị. “Thực chất bây đi lăng nhăng ở Nabari.”

“Thật á?”

Anh Yoki ra vẻ ngây thơ, và chỉ cần có thế, bà Shige búng cho ổng một cái vào trán rõ mạnh và đau. Bà nhanh như chớp. Trước khi tôi biết có chuyện gì xảy ra, anh Yoki đã cúi gập người, tay xoa xoa cái trán trong đau đớn. Hình ảnh bà Shige bật dậy ra đòn như rắn hổ mang lưu lại như in vào trong trí nhớ của tôi. Có thể bà chỉ giả vờ là không còn hoạt bát thế thôi. Tôi nhìn bà ngờ vực, song bà đã lại trở về với vẻ ngoài bánh bao mứt đậu đỏ thường ngày.

“Yookiii, tối nay lại qua em chơi? Anh nhơớ?” Bà Shige nhại lại giọng phỉnh phờ mía lùi của một cô ả nào đó. “Có đứa phục vụ ở quán rượu đèn mờ bên đó gọi đến đây, Miki là người nhấc máy. Cái đứa đấy biết rõ Miki là vợ bây. Vậy mới quá quắt. Bây cũng chẳng tử tế gì, nếu chọn cái nơi như thế để tiêu khiển.”

Anh Yoki cúi đầu lắng nghe, tỏ vẻ hối lỗi, trong lúc bà Shige sạc cho ổng một trận nhớ đời.

“Không mang được Miki về thì đừng hòng vác mặt qua ngưỡng cửa của ta.”

“Vâng, thưa bà.” Anh Yoki rầu rĩ đứng dậy.

Đáng lắm, tôi nghĩ thầm. Sau pha chạy trốn không thành, bụng tôi đói meo. Trong lúc ổng đi, tôi tính mình với bà Shige sẽ ăn cơm trước.

Ổng quay sang tôi. “Đừng có ngồi đấy. Chú mày cũng đi nữa.”

“Sao lại có cả em?”

“Có mình anh mày đi thì Miki không chịu về đâu. Chú mày phải giúp anh làm hòa chứ.”

“Thôi cho em xin. Chị ấy là vợ anh cơ mà.”

“Thế ai vừa đi chở chú mày về?”

“Ai kêu anh đi đâu? Anh đuổi theo em đấy chứ.”

“Thằng ngốc này. Đừng đóng băng anh thế.” (Đây là cách nói của người Kamusari mang ý “Đừng lạnh nhạt thế.”) Ổng vỗ lên gáy tôi. “Anh với chú mày bạn bè với nhau. Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu.”

Bị lôi đi vì cái lý do củ chuối ấy, tôi bước xuống con đường đêm cùng với anh Yoki, mắt liếc ngang sang ruộng lúa vừa khô vừa nâu, trông hết sức cô liêu, trong lúc đi dần xuống tới con sông. Nhà ba mẹ chị Miki ở ngay bên kia cầu. Họ mở cửa hiệu duy nhất của Kamusari. Bên kia cửa kính, trong căn phòng nền đất bày la liệt dụng cụ làm nông, thuốc trừ sâu, thực phẩm, bia rượu và thuốc lá. Họ bán đủ thứ trên đời.

“Có ai ở nhà không?” Anh Yoki gọi to, liền đó cánh cửa bằng gỗ giấy ngăn giữa cửa hàng với nhà riêng trượt hé ra một khe. Con mắt của một người đàn ông trung niên, chắc là ba của chị Miki, ngó ra.

“Miki của cháu có đây không?” Anh Yoki nói ngọt nhẹ.

Giọng ổng thân tình lắm. Lớn lên gần nhà, chắc hẳn hai anh chị phải là thanh mai trúc mã với nhau. Hiển nhiên anh với bố vợ sẽ có mối quan hệ rất tốt vì đã biết nhau nhiều năm thế cơ mà.

Tôi không thể nào nhầm to hơn được nữa.

“Miki nào của mi?” Ba chị Miki gầm gừ và đóng sầm cửa lại.

“Thôi nào ba. Để con gặp đi.”

“Không. Còn lâu tao mới cho con gái tao cặp với thứ phóng đãng bẩn thỉu như mi. Nó sẽ làm đơn ly dị.”

“Đừng nói thế.” Anh Yoki nghe có vẻ thống thiết. “Xin ba đấy.”

“Đã bảo không là không. Mi cũng đừng hòng nhận thư nữa.”

Bác này làm ở bưu điện đây, tôi đứng cạnh nghĩ.

Cuộc chiến trao qua trao lại giữa hai bên cánh cửa giấy. Khung gỗ cứ kẽo cà kẽo kẹt khi một người gắng sức mở cửa, người kia thì gắng sức giữ nó đóng chặt.

Cuối cùng anh Yoki lấy cái gì đó ra khỏi túi, giữ nó trong tay và đấm thẳng qua giấy cửa. “Giờ thì ba thấy sao?”

Hành vi phá hoại đột ngột ấy khiến tôi cứng người. Bên kia cánh cửa, ba chị Miki không nói gì, như thể cũng đang sững sờ. Nhưng sau một thoáng, cánh cửa trượt qua một bên.

“Được rồi, tao tha cho lần này.” Bác hất cằm ra dấu cho chúng tôi đi vào.

Trong lúc cởi giày, anh Yoki thì thầm, “Anh vừa dúi cho ổng cái vé giảm giá chỗ quán rượu đèn mờ.”

Mèn ơi. Lớn đầu rồi mà cư xử vậy đó hả hai con người này.

Trong phòng khách, chị Miki đang cùng mẹ ăn bữa chiều.

“Yoki đấy à,” mẹ chị chào. “Lần này đến sớm thế.”

“Tại bà sẽ không để con yên cho đến khi con tới đây xin lỗi.” Quay sang chị Miki, ổng quăng người quỳ rạp xuống đất trước mặt chị. “Anh biết lỗi rồi! Về nhà với anh đi!”

Tôi có linh cảm rất mạnh rằng đây không phải là lần đầu ổng làm vậy. Chị Miki không nói gì, miệng vẫn nhai cơm.

“Yuuki, chú mày cũng xin lỗi đi,” ổng hạ giọng giục tôi.

“Sao em phải làm?”

“Đây là cậu thanh niên mới à?” Mẹ chị Miki tò mò.

“Trông trẻ trung xanh tốt đấy,” ba chị Miki nhận xét.

Sau khi đã trở thành trọng tâm của sự chú ý, tôi đành ưỡn vai và ngồi thẳng xuống bên cạnh anh Yoki, vẫn đang quỳ mọp dưới đất.  “Chị Miki…” tôi lưỡng lự nói. “Anh Yoki đúng là đã biết lỗi rồi.”

Chỉ có sự im lặng. Mùi hương thơm ngon của cá rán và sa lát khoai tây bay ngập căn phòng. Bụng tôi réo lên.

“Hứa với chị, kể từ giờ em sẽ giám sát ổng và bắt ổng làm xong phải đi về nhà luôn. Thế nên chị về với anh ấy đi!” Tôi chẳng còn miếng tự trọng nào. Tiếp đó, lần đầu tiên trong đời, tôi cũng quỳ rạp xuống đất trước mặt vợ của người ta. Đúng là bụng đói đầu gối phải bò có khác.

Chị Miki nuốt trôi cơm và đặt đũa xuống. Tôi có thể cảm nhận đôi mắt to và sáng của chị tập trung lên đỉnh đầu chúng tôi. “Thật không Yoki?” Giọng chị rưng rưng. “Có thật là anh sẽ không gian dối với cô nào nữa không? Bởi vì lần tới sẽ không phải là ly dị đâu. Tôi sẽ chết cho anh xem!”

Giật mình, tôi ngước lên. Với hai tay nắm chặt đặt trên đùi, chị ấy không có vẻ gì là nói đùa.

“Anh hứa.” Anh Yoki nhỏ nhẹ đặt tay lên tay chị.

“Đừng nói dối em.”

“Anh không nói dối. Và dù sao thì cũng chẳng có cô nào có nghĩa lý gì với anh cả. Miki là người duy nhất có thể làm anh điên đảo mà thôi. Luôn luôn chỉ có mình em.”

“Yoki!” Chị vòng tay ôm cổ ổng và òa khóc.

Được cả anh lẫn chị.

Hai bác rõ là đã chán cái cảnh này, vẫn ngồi ăn như thường.

Chúng tôi rời cửa hàng nhà Nakamuraya (hóa ra là có họ hàng gì đó với anh Seiichi) và quay trở về. Sao trời dày đến mức khó mà nhìn ra chòm nào với chòm nào. Ánh sáng lung linh khiến tôi chóng cả mặt. Việc tôi chạy trốn với quỳ lạy chẳng có là gì trong vũ trụ bao la rộng lớn.

Anh Yoki đi trước chúng tôi, chân bước nhẹ tênh, thong dong đi vào trong nhà. Chị Miki đi cạnh tôi, nói nhỏ, “Chắc em nghĩ là chị dở người lắm nhỉ?”

Bảo là đúng thế thì không được, nên tôi không nói gì.

“Kể từ lúc còn bé chị đã yêu anh Yoki rồi. Từ yêu rồi đến cưới. Ở bên ảnh là người chị cứ mềm nhũ cả ra.”

Không biết chị thấy gì ở ổng? Ừ thì ổng rất giỏi trong công việc, nhưng mà lại liều lĩnh và vô trách nhiệm. Song mặt khác, tôi cũng thấy được sống cả đời ở bên một người đã lớn lên cùng với mình, tại nơi mà cả hai chung sống từ bé, quả thật rất là ngọt ngào.

Naa-naa, chị ạ.” Tôi bảo.

“Em nói phải.” Chị cười.

Phương ngữ Kamusari đầu tiên mà tôi nói ra hòa quyện nhẹ nhàng vào làn khí đầu xuân.

Bình luận (7)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

7 Bình luận

Dù có nhiều chi tiết khác,nhưng bộ này có phim rùi đúng không?đọc một đoạn thấy nhiều tình tiết giống lắm.nhưng phim thì kết mở lên không rõ truyện liệu có tiếp hơn không?đợi dịch qua phim rùi đọc.
Xem thêm
GMC
TRANS
Thấy bác vẫn mạnh giỏi cặm cụi dịch truyện mình mừng quá. Chắc cũng phải quay lại thôi chứ kém miếng khó chịu.
Xem thêm
Hay đấy
Xem thêm
xem phim xong tôi đọc truyện thấy khác lắm
Xem thêm
Thx trans :))
Xem thêm
temmm :))
chúc trans thành công với bộ này
Xem thêm