• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 1: Nơi em gọi về

Chương 01: Lời thề danh dự

1 Bình luận - Độ dài: 6,739 từ - Cập nhật:

Chương 1: Lời thề danh dự

Mùa hè chỉ đến một lần mỗi năm.

Trong một cuộc đời bình thường, ta chỉ trải qua số mùa hè bằng với số năm ta đã sống. Vì vậy chẳng có ai sống qua hàng trăm mùa hè cả. Lấy tiêu chuẩn tuổi thọ trung bình của Nhật Bản, chúng ta sẽ trải qua khoảng tám mươi mùa hè trước khi lìa bỏ cõi đời.

Tôi không chắc tám mươi là quá nhiều hay quá ít. Cuộc đời có thể cảm giác như nó dài dằng dẵng khi không có chuyện gì xảy ra, nhưng lại quá ngắn nếu có nhiều chuyện diễn ra trong cuộc đời - đó là một câu nói của Atsushi Nakajima[note10157]. Tám mươi mùa hè sẽ là quá nhiều đối với những người không thể tận hưởng mùa hè; và quá ít đối với những người yêu thích nó. Phải, có lẽ là như vậy.

Tôi thậm chí còn chưa trải qua tới hai mươi mùa hè. Và không mùa hè nào trong số chúng giống những cái khác. Tất cả chúng đều là những mùa hè của chúng, rực rỡ theo một cách riêng. Tôi khó có thể nói cái nào tốt hơn hay tệ hơn cái nào. Nói vậy chẳng khác gì nói rằng một hình dạng nào đó của một đám mây thì không tốt bằng những hình dạng khác.

Trải những mùa hè của tôi ra như những hòn sỏi, bạn có thể thấy hai trong số chúng có màu sắc dị thường. Mùa hè năm 1994 và mùa hè năm 1988. Cái đầu tiên là mùa hè nóng nhất cuộc đời tôi, cái còn lại là mùa hè lạnh nhất. Một cái có màu xanh thăm thẳm như pha lẫn giữa màu xanh của biển và màu xanh của bầu trời, và cái còn lại có màu vàng thẫm như màu của một buổi hoàng hôn nhạt nhòa.

*

Giờ, tôi sẽ kể câu chuyện về mùa hè nóng nhất trong cuộc đời mình.

*

Nhưng, mọi thứ đều có thứ tự, vì vậy có lẽ tôi cần phải giải thích hoàn cảnh dẫn tới mùa hè năm ấy, đúng không?

Tua lại một chút từ mùa hè năm 1994, quay về ngày 20 tháng Ba năm đó. Đó là ngày trường sơ trung Nam Minagisa tổ chức buổi lễ tốt nghiệp.

Đó là nơi mọi chuyện bắt đầu.

*

Tôi rửa mặt bằng nước lạnh và kiểm tra vết thương của mình trong gương. Tôi có một vết rách đang rỉ máu ở trên mắt khoảng một centimet. Còn lại, không có gì quá nổi bật. Có một vết thâm lớn ở bên phải gương mặt tôi, nhưng không giống như vết rách kia, nó không phải mới xuất hiện. Nó đã luôn ở đấy; nó đã được sinh ra cùng với tôi.

Lần cuối cùng tôi nhìn vào gương là khoảng một tháng trước, và có vẻ như vết bớt thậm chí trông còn sẫm màu hơn trước. Đương nhiên, tôi chỉ cảm giác như vậy. vì tôi vẫn luôn cố gắng không nhìn vào bản thân mình trong gương, sự xuất hiện của vết bớt luôn làm tôi choáng váng mỗi khi tôi nhìn thấy mặt mình. Nhưng thực sự thì, có lẽ nó vẫn như vậy thôi.

Tôi tiếp tục nhìn vào trong gương thêm một lúc. Vết bớt trên mặt tôi có màu xanh lam thẫm đáng sợ; trông nó như một mảng da chết. Hoặc nó giống như ai đó bôi tro lên mặt tôi, hoặc giống như bị mốc, hoặc, nếu bạn nhìn đủ gần, trông nó giống như vảy cá.

Đến chính tôi còn nghĩ, “Quả là một vết bớt kinh khủng.”

Tôi quệt ngang tay áo để lau khô mặt, cầm lấy bằng tốt nghiệp từ trên giá và rời khỏi nhà vệ sinh. Sau khi rời khỏi một nơi nồng nặc mùi amoniac, bầu không khí bên ngoài có cảm giác như một mùi hương ngọt nhè nhẹ. Bên trong nhà ga có rất nhiều học sinh như tôi, trong tay cầm những chiếc hộp đựng bằng tốt nghiệp, ngồi trên những băng ghế và chuyện trò với nhau.

Khi tôi mở cửa bước vào bên trong, một hơi ấm như của lò sưởi ùa về phía tôi. Tôi định ngồi chờ ở đây cho tới khi tàu đến, nhưng chỗ này, vốn đã rất đông, giờ còn đang tràn ngập những học sinh đang vui vẻ trong buổi tối sau buổi lễ tốt nghiệp - ồn ào và khó chịu kinh khủng. Đắn đo lựa chọn giữa hơi ấm và sự yên tĩnh, cuối cùng tôi quyết định chạy ra sân ga luôn.

Vào giữa tháng Ba, buổi tối vẫn còn lạnh. Tôi đóng cúc áo khoác của mình, nhưng không tìm thấy cái khuy thứ hai đâu. Tôi không nhớ mình có tặng lại nó cho bạn nữ nào làm kỉ niệm. Có lẽ nó đã bung ra trong trận ẩu đả.

Tôi đã quên luôn cả lý do của vụ ẩu đả ấy. Nghĩ lại đã làm tôi thấy phát mệt rồi.

Sau buổi lễ, tôi đang ăn mừng cùng với mấy đứa bạn. Nhưng bọn nó cũng là một lũ máu nóng, vì vậy khi thêm rượu vào công thức, tình hình càng trở nên tệ hơn. Lẽ ra nó chỉ là một cuộc nói chuyện lặt vặt, nhưng bằng cách nào đó nó đã trở thành một cuộc cãi vã, và cuối cùng trở thành một trận chiến bốn-đánh-ba. Nhóm bốn người là mấy gã đi tìm việc, và nhóm ba người là học sinh trung học. Chuyện đại khái là như vậy.

Những vụ đánh nhau là chuyện bình thường đối với tôi. Không, nghĩ lại thì - tôi sẽ không nói vậy; mỗi khi sang mùa, tôi lại vướng vào một vụ ẩu đả to, cứ như mèo đến mùa giao phối. Có lẽ đó là một cách để chúng tôi đương đầu với cảm giác cô độc ở thị trấn quê mùa này, với nỗi lo lắng mông lung về tương lai, vân vân.

Đây có lẽ sẽ là trận “đánh vì danh dự” cuối cùng của tôi. Sau khi mọi thứ kết thúc, đó là những gì tôi đã nghĩ, lúc đó tôi cảm thấy một cảm giác nghiêm trang. Trận ẩu đả kết thúc theo kiểu không xứng đáng để gọi là kết thúc, cũng có thể coi là một trận hòa. Khi chúng tôi bỏ đi, bọn chúng vẫn chửi bới chúng tôi. Một tên bị đánh khá thậm tệ thì gào lên về cách hắn sẽ trả thù. Một cái kết phù hợp cho chúng tôi, thật lòng mà nói là như vậy. Và như thế cuộc đời cấp hai của tôi khép lại.

Khi con tàu tới bến và tôi đã ngồi lên ghế, tôi thấy hai cô gái khoảng đôi mươi đang đứng bên cạnh một cánh cửa cách chỗ tôi một chút, chỉ trỏ về phía tôi. Người cao gầy hơn đeo kính không tròng, còn cô béo lùn thì đang đeo khẩu trang.

Cả hai đang thì thầm đúng kiểu để nói về những thứ thị phi. Hẳn là họ đang nói về vết bớt của tôi, đương nhiên rồi. Lần nào chả thế. Nó nổi bật như vậy đó.

Tôi đã gót chân vào ghế và ném cho họ một cái lườm với hàm ý ‘thích gây sự không?’ và họ luống cuống nhìn đi chỗ khác. Những người xung quanh tôi nhìn như muốn nói gì đó, nhưng rốt cục không ai bảo gì tôi cả.

Tôi nhắm mắt lại và nghĩ ngợi. Haiz. Tôi sắp là học sinh cao trung vào tháng sau - tôi còn muốn tiếp tục cách hành xử ngu xuẩn này bao lâu nữa? Nó là một sự lãng phí thời gian, sức lực, và lòng tin mỗi khi phản ứng một cách thù địch với những thứ làm tôi khó chịu. Tôi nên học cách bỏ qua mọi chuyện thì hơn.

Việc học hành cày cuốc của tôi đã được đền đáp, vì vài ngày trước, tôi được nhận vào cao trung Minagisa số 1. Đó là một trường luyện thi danh giá của tỉnh, và tôi có ý định làm lại từ đầu ở nơi này. Rất ít học sinh từ so trung Nam Minagisa vào được đây. Nói cách khác, sẽ không có ai biết tôi thời cấp hai ở đó cả. Một cơ hội lý tưởng để làm lại cuộc đời.

Suốt ba năm sơ trung, tính nóng nảy khiến tôi vướng vào nhiều vụ đánh nhau. Bất kể tôi thắng hay thua, cuối cùng nó luôn là một ý tồi tệ, theo cách này hay cách khác; tôi đã phát ngán với nó rồi. Bắt đầu từ cấp ba, tôi muốn mặc kệ những chuyện lặt vặt, và sống một cuộc sống khép kín, thầm lặng.

Nguyện vọng vào cao trung Minagisa số 1 của tôi thực ra bắt nguồn từ suy nghĩ những người có học vấn thì ít khi xung đột hơn. Không phải lúc nào trình độ cũng quyết định phẩm chất của một người, nhưng những người có nhiều thứ để mất thì thường tránh xa rắc rối.

Tôi nghe đồn rằng trường Minagisa giống một trường luyện thi hơn là một trường cấp ba bình thường, tức là việc học hành luôn luôn đuổi sát nút bất kể ngày đêm, vì thế bạn sẽ không có thời gian cho câu lạc bộ hay chơi bời, và bạn sẽ không có một tuổi trẻ tươi đẹp. Nhưng tôi chẳng quan tâm mấy chuyện đó. Ngay từ đầu, tôi đã không nghĩ mình có thể có một tuổi thanh xuân bình thường. Ý nghĩ về việc tạo mối quan hệ với bạn cùng lớp hay kiếm một cô người yêu xinh đẹp thật xa xôi đối với tôi.

Bởi vì, chừng nào tôi còn cái vết bớt kinh khủng này, người khác sẽ không thể thực sự chấp nhận tôi.

Bạn biết không, mấy cô gái vừa chỉ trỏ tôi thật may mắn. Những người có vấn đề với phần dưới của khuôn mặt có thể đeo khẩu trang. Những người không tự tin với phần trên của khuôn mặt có thể đeo kính. Còn những người không tự tin với nửa bên phải khuôn mặt thì chẳng có cách gì hết. Không công bằng chút nào, phải không?

Con tàu dừng lại với một tiếng két chói tai. Tôi bước xuống sân ga và cảm nhận mùi hương nhè nhẹ của mùa xuân.

Một người trực ga tóc điểm bạc khoảng bốn mươi đang đứng ở quầy sát vé, nhìn tôi một cách thô lỗ khi ông ta lấy vé của tôi. Ông ta có vẻ là một nhân viên mới, và lúc nào cũng như vậy khi tôi đi qua. Tôi đứng lại, định bụng sẽ cho ông ta biết tay, nhưng tôi nhận ra còn một hàng người đang xếp hàng sau lưng; tôi đổi ý và rời khỏi ga.

Tôi lang thang quanh khu phố mua sắm ở bên ngoài ga. Quanh đó không một bóng người, chỉ có tiếng bước chân của tôi vọng lại. Phần lớn các cửa tiệm đều đã đóng cửa, và không phải chỉ bời vì giờ là buổi tối. Một khu mua sắm khác được xây ở ngoại ô thành phố hai năm trước đã hút sạch khách hàng, biến khu phố một thời là trung tâm thành một dãy những cánh cửa đóng kín. Cửa hàng đồ thể thao, quán cafe, đồ điện, hàng thịt, tiệm ảnh, đồ khô, ngân hàng, tiệm làm đẹp… tôi đưa mắt nhìn những biển hiệu đã bạc màu khi bước qua con phố; tưởng tượng những thứ đã từng ở phía bên kia cánh cửa cuốn. Ở trung tâm khu phố là một bức tượng nàng tiên cá, đôi mắt nhìn mòn mỏi về quê hương của mình.

Và đúng lúc đó, nó xảy ra, ngay khi tôi đi qua tiệm thuốc lá ở giữa cửa hàng phụ kiện và cửa hàng kẹo.

Một cái bốt điện thoại công cộng trước cửa hàng bắt đầu reo. Như thể nó đã đợi tôi bao nhiêu năm nay, nó reo lên vào đúng thời điểm định mệnh này.

Tôi dừng lại và nhìn vào màn hình LED của chiếc điện thoại đang tỏa sáng yếu ớt trong bóng đêm. Buồng điện thoại cũng đã cũ, không có cửa, không có đèn ở trong.

Mặc dù khá ít gặp, tôi biết các bốt điện thoại công cộng cũng có thể nhận cuộc gọi đến. Tôi còn nhớ hồi tiểu học, một đứa bạn gọi 110 từ bốt điện thoại để trêu chọc, và hoảng hốt khi thấy có cuộc gọi lại ngay lập tức. Điều đó làm tôi tò mò và tôi phát hiện ra các bốt điện thoại cũng có số điện thoại của riêng chúng.

Tiếng chuông không ngừng lại. Nó cứ tiếp tục reo với một quyết tâm mạnh mẽ, ngang bướng, thét lên rằng “tôi biết cậu ở đó, biết chưa!”

Đồng hồ trên tiệm cắt tóc chỉ 9:38.

Bình thường, tôi có lẽ đã mặc kệ nó và đi tiếp. Nhưng có gì đó trong cách tiếng chuông ấy vang vọng làm tôi cảm giác rằng “cuộc gọi này là dành cho mình chứ không dành cho ai khác.” Tôi nhìn quanh, và hiển nhiên, chỉ có một mình tôi ở gần đó.

Tôi ngập ngừng nhấc máy lên.

“Tôi có một đề nghị,” người ở đầu dây bên kia nói thẳng mà không có một lời dạo đầu nào.

Đó là một giọng nữ. Khoảng hai mươi đến ba mươi tuổi. Cô ta nói một cách bình tĩnh, có cảm giác như cô ấy cẩn thận với từng tiếng mà mình nói ra. Đó không phải là một tiếng trả lời tự động; tôi có thể chắc chắn là thực sự có một người ở đầu dây bên kia từ tiếng thở của cô ấy. Tôi nghe thấy tiếng gió rít lên ở sau cô ấy; có lẽ cô ấy gọi tôi ở ngoài trời.

Có thể cô ấy tìm thấy số điện thoại này một cách tình cờ và đang vui vẻ trêu đùa người đi đường, tôi nghĩ. Có khả năng là cô ta đang đứng đâu đó nhìn nghe máy, sung sướng khi thấy phản ứng của họ trước những phát ngôn gây sốc của cô.

Tôi không trả lời, đợi chờ hành động tiếp theo. Và rồi cô ta nói như thể đang thì thầm một bí mật.

“Cậu vẫn mang trong lòng một tình yêu cậu không thể từ bỏ, có phải không?”

Tha cho tôi đi, tôi thở dài. Cô muốn tôi diễn theo cái kịch bản này? Tôi dập máy hơi mạnh và bước tiếp. Chiếc điện thoại lại reo lên sau lưng tôi, nhưng tôi không thèm nhìn lại.

*

Ba cậu học sinh cấp ba ngồi xổm giữa đường, uống bia từ trong can. Không phải chuyện lạ ở Minagisa này. Nghe có vẻ hay khi bạn gọi nó là một thị trấn đồng quê yên tĩnh, nhưng với một nơi chỉ có toàn quán rượu và nhà hàng, và không có chỗ nào để giải trí, tụi thanh niên sẽ chết vì chán. Những đứa thèm khát những thú tiêu khiển nhanh chóng tìm tới bia và thuốc lá. Dù tốt dù xấu, thị trấn này có nhiều cách để giúp những thanh niên chưa đủ tuổi tiếp cận với những món xa xỉ này.

Đi vòng sẽ rất mất công, nên tôi thử chen qua giữa bọn họ. Một trong số đó đứng lên để khiến chân tôi va vào lưng họ. Cái thằng đó phản ứng thái quá và tóm lấy vai tôi. Tôi không muốn rắc rối, vì đã đánh nhau một trận to vào buổi sáng. Nhưng khi hắn chế giễu vết bớt trên mặt tôi, tôi nhận ra mình lại đang đánh nhau.

Không may là, gã tôi đấm có vẻ có kinh nghiệm đánh cận chiến, và ngay sau đó tôi đã ngã sõng xoài trên mặt đất. Bọn chúng nhìn xuống tôi và tuôn ra một tràng lời dơ bẩn, nhưng đầu óc tôi quá choáng váng, làm tôi không nghe rõ, như thể tôi đang ở dưới nước vậy.

Khi tôi cảm thấy có thể cố đứng dậy, bọn chúng đã bỏ đi, để lại những lon bia rỗng. Tôi đặt tay lên gối và cố đứng dậy, nhưng trán tôi đau nhói như thể có một cái tua vít cắm vào đó, và tôi phát ra một tiếng rên rỉ.

Nằm ngửa xuống, tôi nhìn lên những ngôi sao trên bầu trời một chút. Chà, thực ra tôi không thể thấy những ngôi sao, nhưng đôi khi tôi thấy mặt trăng mỗi khi nó ló ra khỏi những đám mây. Tôi kiểm tra túi sau và phát hiện ra tôi đã mất ví, đúng như dự đoán; nhưng mấy điếu thuốc lá ở túi sau vẫn an toàn. Tôi lấy một điếu thuốc cong queo từ cái hộp bẹp rúm và châm lửa.

Đột nhiên, tôi nghĩ tới Yui Hajikano.

Trong ba năm, từ lớp bốn tới lớp sáu, tôi học chung lớp với cô ấy. Hồi đó, mỗi khi tôi đánh nhau và bị thương như thế này, cô ấy luôn lo lắng như thể chính mình là người bị đánh. Cô ấy lùn hơn tôi khoảng hai mươi phân, nhưng cô ấy hay kiễng chân lên để xoa đầu tôi và khuyên nhủ tôi. “Đừng đánh nhau nữa!”

Rồi cô ấy giơ ngón út ra và đề nghị tôi hứa với cô ấy - đó là cách của Hajikano. Khi tôi miễn cưỡng giơ ngón út của mình ra, cô ấy cười mãn nguyện. Tôi chưa bao giờ giữ lời hứa của mình, và lại bị thương vài hôm sau, nhưng cô ấy vẫn kiên trì thuyết phục tôi.

Nhìn lại, có cảm giác chỉ có Hajikano là người nhìn nhận tôi một cách nghiêm túc.

Cô là một cô gái xinh đẹp. Cả tôi và Hajikano đều thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng vì hai lý do trái ngược nhau. Tôi là vì sự xấu xí, còn cô ấy là nhờ vẻ đẹp.

Ở một cái trường cấp một hẻo lánh với một lũ trẻ bất mãn, sự hoàn hảo và tài năng của Yui Hajikano, nhìn theo một cách nào đó, khá là tàn nhẫn. Nhiều đứa con gái không muốn đứng cạnh cô ấy khi chụp ảnh, và nhiều thằng con trai thích cô ấy đơn phương; trái tim của bọn chúng lần lượt tan vỡ trong thầm lặng.

Hajikano đơn giản chỉ cần ở đâu đó là đủ để khiến người ta từ bỏ nhiều thứ. Những đứa trẻ cùng lớp với cô ấy học được một cách trực tiếp rằng có những cách biệt không thể nào khỏa lấp, dù có cố gắng tới mức nào. Những thứ khó chịu mà phần lớn mọi người phải lên cấp hai mới dần nhận ra khi lao đầu vào học hành, câu lạc bộ, yêu đương, thì chúng tôi lập tức học được chỉ với sự hiện diện của cô ấy. Nó là một sự thật tàn nhẫn khi học được điều ấy ngay từ tiểu học - mặc dù tôi còn biết tới chúng sớm hơn thế nhờ vết bớt của mình.

Mọi người thường cảm thấy khó hiểu vì sao một cô gái xuất chúng như Hajikano lại có thể cư xử thoải mái với một thằng như tôi. Theo ý kiến của họ, tôi và Hajikano là hai thái cực đối lập nhau. Nhưng nếu bạn hỏi tôi hay Hajikano, chúng tôi giống nhau bởi chúng tôi đều không được đối xử như người bình thường, dù là bởi những lý do trái ngược nhau. Sự phân biệt đối xử ấy là sợi dây đã kết nối chúng tôi.

Tôi không còn nhớ những gì chúng tôi đã nói với nhau mỗi khi gặp nhau. Tôi có cảm giác như chúng không có gì quan trọng. Hoặc, có lẽ phần lớn thời gian chúng tôi đã không dành để nói chuyện, mà đơn giản chỉ là ngồi cạnh nhau. Sự im lặng mà tôi đã trải qua cùng với Hajikano ấm áp một cách bất ngờ, thay vì một sự im lặng khó xử; nó giống như chúng tôi đang lặng lẽ khẳng định tình bạn dành cho nhau. Khi cô ấy đưa mắt nhìn về phía xa, tôi lặng lẽ nhìn cô ấy từ phía sau.

Chỉ có một cuộc nói chuyện mà tôi nhớ như in.

“Tớ nghĩ rằng vết bớt của cậu thật tuyệt vời, Fukamachi.”

Đó là lời đáp của Hajikano về một điều gì đó tôi tự xỉa xói vết bớt của chính mình. Phải, nó vuột khỏi miệng tôi - cái gì đó đại loại như “tớ thật ấn tượng khi cậu lại ở bên thể loại như tớ,” tôi nghĩ vậy.

“Tuyệt vời á?”, tôi hỏi. “Cậu châm biếm tớ à. Nhìn nó đi. Nó tởm tới mức có thể làm người khác sững sờ.”

Hajikano ghé sát gương mặt của cô ấy vào mặt tôi và nhìn vết bớt của tôi chăm chú từ rất gần. Với gương mặt nghiêm túc một cách ngớ ngẩn, cô ấy nhìn liên tục vào đó vài chục giây.

Và rồi đột nhiên, cô ấy nhẹ nhàng đặt môi lên đó. Không hề ngập ngừng chút nào.

“Sững sờ chưa?” Cô ấy cười tinh nghịch.

Chính xác luôn. Sững sờ muốn chết.

Tôi không biết phải trả lời nó như thế nào. Thậm chí sau đó Hajikano còn đổi chủ đề như thể chưa có gì từng xảy ra, không cho tôi cơ hội tìm hiểu ý định thực sự của hành động ấy. Có lẽ, thực sự nó chẳng có ý nghĩa gì sâu xa cả. Trong trường hợp nào thì sự kiện ấy cũng không làm thay đổi mối quan hệ của chúng tôi chút nào. Chúng tôi vẫn tiếp tục là bạn tốt.

Tôi không nghĩ cô ấy thích tôi bởi con người của tôi. Hajikano chỉ đơn giản là quá tốt bụng tới mức cô không biết phải làm gì với nó. Dành lòng tốt ấy cho người khác quá nhiều khiến họ quá sung sướng và cảm ơn cô thái quá, nên cô ấy cần phải lựa chọn những người sẽ không phản ứng quá khịch.

Hajikano không biết rằng từng hành động của cô làm trái tim tôi thổn thức như thế nào.

Khi chúng tôi tốt nghiệp tiểu học, tôi vào một trường cấp hai công lập ở Minagisa, như hầu hết bạn bè trong lớp - trường Nam Minagisa. Ngôi trường ấy là kiểu trường có xe máy trong các hành lang, giáo viên bị xô ngã khỏi ban công, và phòng tập thể dục bị vẽ graffiti đầy lên tường. Một người với lý lẽ thông thường sẽ phát điên chỉ trong hai tuần; tôi không có mấy lý lẽ, nên tôi vẫn sống tốt.

Hajikano vào một trường nữ sinh tư thục xa xôi. Cấp hai Mitsuba - một ngôi trường rât cao cấp. Tôi không biết cuộc sống của cô ấy ở đó ra sao. Tôi không nghe được câu chuyện nào, và cũng không quan tâm. Cô ấy và tôi thuộc về hai thế giới khác nhau.

Tôi chưa từng gặp lại Hajikano từ đó tới nay.

Tôi hiểu rồi, tôi tự gật đầu với chính mình. Cứ cho là tôi có một mối tình tôi không thể từ bỏ, đúng như lời người phụ nữ ở bốt điện thoại đã nói.

Chắc hẳn ý cô ta là Hajikano.

*

Hút hết điếu thuốc, tôi cũng ngừng những hồi tưởng sến súa lại và đứng dậy. Người tôi đau nhừ. Họng tôi cũng hơi rát. Có lẽ tôi bị cảm.

Một ngày tồi tệ, tôi nghĩ.

Nhưng cái ngày xui xẻo này của tôi vẫn chưa kết thúc.

Trên đường về, khi tôi đi ngang qua một cái nhà nghỉ đang bị phá dỡ, và vì lúc đó là ban đêm nên hiển nhiên là không có công nhân nào ở đó - một tai nạn xảy ra.

Có một tấm quây tạm thời xung quanh tòa nhà làm bằng những tấm phẳng cao khoảng hai mét. Ở đằng sau phát ra những tiếng lạch cạch không bình thường. Tôi thấy khá đáng ngờ, nhưng vẫn tiếp tục đi. Bất thình lình, có tiếng động mạnh của cái gì đó sụp xuống ở bên trong, và ngay sau đó, một trong số những tấm quây đổ xuống đè lên người tôi.

Những ngày tồi tệ thì tồi tệ tới tận cùng.

Vì sao tôi không bị đè bẹp hẳn, ai đã gọi 119 cho tôi, chuyện gì xảy ra sau khi xe cấp cứu tới… tôi hoàn toàn không nhớ chút nào. Khi tôi tỉnh dậy, tôi đang ở trong bệnh viện, hai chân bó bột. Vài giây sau, tôi cảm thấy cơn đau khắp người làm tôi muốn la lên. Mắt tôi mờ đi và cả người tôi vã mồ hôi lạnh.

Bên ngoài, lũ chim đang tươi tỉnh hót chào buổi sáng.

Và cứ như vậy, trước khi vào cấp ba, tôi phải chịu một chấn thương mất mười bốn tuần để hồi phục hoàn toàn. Tôi có những vết rạn phức hợp ở cả hai chân. Ngay khi tỉnh lại, tôi được đưa lên bàn mổ, cả hai chân được đóng đinh cố định. Tôi được xem ảnh chụp X-quang sau đó; chúng là những vết nứt khá ấn tượng, xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa. Nó không phải là chấn thương gì ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi, không có di chứng dài hạn nào rõ ràng; nhưng nó khiến tôi vào học cấp ba trễ hơn.

Ôi dào, tôi nghĩ. Cũng không phải chuyện lạ đối với tôi khi bị nhập viện vì bị thương. Sớm nhất thì tôi có thể nhập học vào tháng Sáu, và khi đó thì mọi người trong lớp đã gần như đều có nhóm bạn bè của mình rồi. Nhưng tôi cũng không thực sự nghĩ nhiều tới việc kết bạn ở cấp ba, nên đó cũng không phải vấn đề gì to tát. Vả lại, nếu bạn nghĩ kĩ thì, có khi ở trong bệnh viện lại dễ tập trung học hơn ngồi trong lớp.

Và sự thật đúng là như vậy, tôi chăm học một cách khủng khiếp trong ba tháng nằm viện ấy. Vừa nghe những bài hát yêu thích trong chiếc máy Walkman, tôi đọc đi đọc lại những cuốn sách giáo khoa, và nghỉ khi thấy mệt - tôi duy trì một lối sống đơn giản và thành thật. Căn phòng màu trắng tựa như một buổi triển lãm nghệ thuật theo chủ nghĩa tối giản, và chẳng có gì đáng nhìn ngoại trừ nhìn ra ngoài cửa sổ, nên toán và tiếng Anh có vẻ hấp dẫn hơn những lựa chọn khác.

Vì là một người thích học theo nhịp độ của chính mình, tôi thấy đây là một tình huống lý tưởng. Thế này hiệu quả hơn nhiều so với việc chống chọi với cơn buồn ngủ và cuống cuồng chép chữ và công thức từ trên bảng.

Vào cuối tháng Năm, một người đàn ông gần bảy mươi tên là Hashiba chuyển vào phòng tôi vì gãy tay trái. Bác ấy có vẻ thích việc tôi lặng lẽ học bài, và mỗi khi chúng tôi gặp nhau, bác ấy bảo “cứ hỏi bác chỗ nào cháu không hiểu” với một nụ cười nhăn nheo. Có nhiều phần tôi không rõ về ngữ pháp tiếng Anh, nên tôi hỏi bác ấy vài lần, và bác luôn trả lời một cách dễ hiểu, tới mức kể cả những giảng viên bình thường cũng không thể sánh được. Khi tôi hỏi về lý do, bác ấy nói mình trước kia là giáo viên. Bác ấy có một chồng sách ngoại văn dày cộm bên cạnh giường.

Một buổi chiều mưa, bác Hashiba hỏi tôi một cách thân mật:

“Vết bớt ấy có ý nghĩa như thế nào với cháu?”

Đó là lần đầu tiên tôi được hỏi câu hỏi như vậy, nên tôi phải nghĩ một lúc trước khi trả lời.

“Nó là nguồn gốc của mọi điều xấu,” tôi trả lời. “Nếu cháu không có vết bớt này, cháu nghĩ khoảng tám mươi phần trăm những vấn đề hiện nay của cháu sẽ được giải quyết. Nó khiến người khác phân biệt đối xử với cháu và cảm thấy ghê tởm cháu. nhưng vấn đề nhức nhối hơn là, nó làm cháu cảm thấy không ưa nổi chính mình. Người ta không thể cố hết sức vì một người mà họ thậm chí còn không thích. Không thích chính mình cũng có nghĩa là không thể cố vì chính bản thân mình.

“Hmm,” bác Hashiba gật gù.

“Mặt khác, bằng cách đổ lỗi cho vết bớt này, cháu có cảm giác cháu có thể tránh nhìn vào những thứ cháu không muốn nhìn. Có thể cháu đang tự lừa dối mình, đổ lỗi cho nó vì những vấn đề mà thực ra cháu có thể tự giải quyết bằng sức mình… Nhưng, nhìn theo cách nào thì nó cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cháu.”

Bác Hashiba gật đầu chầm chậm. “Bác hiểu. Còn gì nữa không?”

“Thế thôi ạ. Chẳng có gì hay ho về nó. Cháu không nghĩ sự tự ti có thể giúp người ta trưởng thành. Thường thì nó là khởi điểm của một tính cách lệch lạc. Có một só người có thể nhảy vọt tới thành công, nhưng kể cả khi đó, họ vẫn bị sự tự ti hành hạ.”

“Những gì cháu nói nghe có vẻ hợp lý,” bác Hashiba nói. “Nhưng khi nhìn cháu, bác không thể không nghĩ như thế này: Một vài khuyết điểm lại có thể giúp những chủ nhân cẩn trọng của chúng trưởng thành. Dĩ nhiên, ở đây chỉ nói đến những người không thể lờ đi khuyết điểm của mình.”

“Bác có chắc mình không nhầm sự cẩn trọng và tự ti không?”

“Không nhầm tẹo nào.” Nụ cười hiện ra trên gương mặt nhăn nheo của bác Hashiba.

Khi tôi ra viện, bác ấy tặng tôi một cuốn sách. Bản gốc của cuốn Ham on Rye của Charles Bukowski[note10158] . Sau đó, mỗi ngày tôi bắt đầu đọc năm trang, trong tay lăm lăm cuốn từ điển.

Cuối cùng, tôi vào cấp ba vào đầu tháng Bảy. Lúc đó, mọi người đã kết thúc kì thi cuối kì, và thoát khỏi áp lực học hành; trái tim họ rạo rực đợi chờ kì nghỉ hè sắp tới.

Những ngày hè thời cấp ba. Không ít người gọi chúng là những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời. Nhưng sự rực rỡ của mùa hè là một thứ được tích lũy từ mùa xuân. Bị đẩy vào một thế giới lấp đầy bởi mùi thuốc khử trùng và những bức tường trắng, tôi thấy lạc lõng như thể đang dự tiệc sinh nhất của một người lạ.

Liệu tôi có thể trụ được ở trên thế giới này?

Ngày chủ nhật sau khi ra viện, tôi chạy ra bờ biển. Tôi đi ngủ lúc 10 giờ tối, nhưng cảm thấy thao thức lạ thường, nên tôi lấy chiếc gậy chống và đi ra ngoài bằng cửa sau. Tôi cũng lo lắng như mọi người về việc bắt đầu đi học vào ngày hôm sau.

Tôi dừng lại ở một cửa hàng bên đường và mua thuốc lá từ một máy bán hàng tự động. Ra tới bãi biển, tôi ngồi trên đê chắn sóng và nhìn về phía đại dương được chiếu sáng yếu ớt bởi vầng trăng khuyết trong khoảng một tiếng đồng hồ. Đã lâu tôi không ra bãi biển, nhưng tôi không phát hiện ra điều gì mới mẻ. Có chăng thì mùi hương của thủy triều đậm hơn bình thường một chút, có lẽ vậy.

Trên đường quay lại, bước qua những khu nhà tĩnh mịch, tôi nghe thấy tiếng chuông điện thoại ở xa.

Lúc đầu tôi nghĩ nó phát ra từ một ngôi nhà nào đó. Nhưng tôi càng bước, nó càng rõ hơn.

Tôi dừng lại cạnh một cái bốt điện thoại ở phía trước bến xe buýt. Đó là nơi tiếng chuông phát ra.

Chuyện này đã xảy ra một lần rồi. Lần đó tôi không để tâm lắm vì nghĩ đó là một trò đùa.

Nhưng kể từ ngày tôi nghe cú điện thoại đó, mỗi ngày trôi qua, lời người phụ nữ ấy nói càng hằn sâu vào tâm trí tôi.

Cậu vẫn mang trong lòng một tình yêu cậu không thể từ bỏ, có phải không?

Liệu đó có phải là một trò đùa?

Nếu không, cô ta định nói điều gì?

...Nghĩ lại thì, có cảm giác như tôi vẫn đang đợi cô ấy gọi lại tôi kể từ hôm đó.

Tôi nhấc máy, và nghe thấy một giọng nữ quen thuộc.

“Có vẻ cậu đã hiểu rằng tôi không phải đang đùa.”

Tôi trả lời, trễ ba tháng. “Tôi chịu thua rồi. Đúng là có một thứ tôi không thể từ bỏ.”

“Vâng, đúng là như vậy.” Người phụ nữ nói một cách thỏa mãn. “Cô Yui Hajikano. Cậu vẫn chưa thể để cô ấy đi”

Tôi không quá ngạc nhiên khi nghe cô ta nhắc tới Hajikano. Cô ta có thể biết được tôi ở đâu và làm cho một cái bốt điện thoại ở gần đó đổ chuông. Không lạ lắm nếu cô ta biết nốt cả mối tình đơn phương của tôi.

“Vậy, cô có đề nghị gì?”

“Ah…” Người phụ nữ có vẻ ấn tượng. “Cậu thật giỏi khi nhớ được câu chuyện ba tháng trước.”

“Chỉ là nó cứ bám lấy tâm trí tôi thôi.”

“Được rồi, cho qua đi. Còn về đề nghị tôi muốn dành cho cậu… Cậu muốn đánh cược với tôi không?”

“Một vụ cá cược?”

“Cậu Fukamachi.” Người phụ nữ gọi tên tôi một cách tự nhiên. “Một mùa hè, năm cậu mười hai tuổi, cậu đã yêu Hajikano. Đã quen với việc bị phân biệt đối xử bởi vết bớt của mình, việc Hajikano không để tâm tới vết bớt trên mặt cậu và cư xử với cậu một cách bình đẳng khiến cô ấy trở thành một nữ thần trong lòng cậu. Hẳn là cậu đã nhiều lần ước có được cô ấy làm người yêu của mình.”

Cô ta dừng lại một giây.

“... Nhưng đó là một mơ ước quá xa vời với cậu. ‘Mình không có tư cách để yêu cô ấy’, cậu nghĩ, và vì vậy cậu chôn giấu những cảm xúc dành cho cô ấy.”

Tôi không phủ nhận. “Và?” tôi hỏi dồn.

“Cậu nghĩ cậu không xứng đáng được thích cô ấy… Nhưng đồng thời cậu cũng nghĩ rằng: ‘giá mà không có vết bớt này trên mặt, mối quan hệ của chúng ta có thể đã khác.”

“Đúng, tôi đã nghĩ vậy.” Tôi thừa nhận. Đúng như dự đoán, cô ta nhìn thấu tôi, kể cả những suy nghĩ của tôi về vết bớt của mình. “Nhưng ai mà chả vậy. ‘Giá mà mình cao hơn một chút.’ ‘Giá mà mắt mình to hơn một chút.’ ‘Giá mà mình có hàm răng đẹp hơn’... đâu có gì lạ về việc có những ý nghĩ ấy.”

“Vậy thì, hãy thử xóa bỏ vết bớt đó đi.” người phụ nữ chen ngang. “nếu cậu giành được trái tim của Hajikano, cậu sẽ chiến thắng. Còn nếu cậu không thay đổi được tình cảm của Hajikano, tôi thắng.”

Tôi day day trán và nhắm mắt lại.

Người phụ nữ này có ý định gi?

“Vết bớt này sẽ không đi đâu hết.” tôi khó chịu lầm bầm. “Tôi đã thử đủ cách chữa trị. Chẳng có cách nào hiệu quả hết. Nó là một vết bớt đặc biệt. Vì vậy tôi dám cá là chuyện đó sẽ không xảy ra đâu. Vả lại, tôi đã không gặp Hajikano ba năm rồi, từ ngày chúng tôi tốt nghiệp tiểu học và đã ai đi đường nấy. Tôi còn không muốn biết giờ cô ấy sống ra sao.”

“Vậy, giả sử rằng, vết bớt của cậu biến mất, và cậu đột nhiên được gặp lại cô ấy, cậu có dám chấp nhận thử thách này không?”

“Có chứ. Nếu điều đó xảy ra thì hẳn đó là một phép màu.”

Người phụ nữ khịt mũi nhè nhẹ. “À, còn về giới hạn thời gian thì… Để xem nào. Tôi cho cậu năm mươi ngày. Vài tiếng nữa sẽ chuyển sang ngày 13 tháng Bảy, như vậy ván cược của chúng ta sẽ bắt đầu từ thời điểm đó, và cậu có thời gian tới ngày 31 tháng Tám. Cậu hãy chiếm lấy trái tim của Hajikano trước đó nhé.”

Cuộc gọi đột ngột kết thúc. Tôi đứng bất động trước cái điện thoại một lúc lâu.

Tưởng tượng ra một cơ may, tôi nhìn vào gương bên của một chiếc xe đỗ dưới cột đèn gần đó, nhưng vết bớt vẫn ở đó như mọi khi. Không có dấu hiệu nó trở nên nhạt bớt hay bé lại.

Vậy cuối cùng nó vẫn chỉ là một trò đùa ác ý. Một ai đó, với những thông tin cặn kẽ về bản thân tôi đã đùa nghịch với tình cảm của tôi với một quyết tâm quái đản và bằng một cách thức cầu kì. Khó mà nuốt trôi ngay lập tức, nhưng tôi không nghĩ ra cách giải thích nào khác. Có đầy người cảm thấy ghê tởm tôi, và trong cái thành phố thiếu vắng niềm vui tới mức “buồn tẻ” là chưa đủ để miêu tả nó, những người trẻ tuổi sẽ bỏ công sức, rời xa những lối mòn, chỉ để đánh đổi lấy một vài khoảnh khắc rạo rực. Bất cứ kẻ vô công rỗi việc nào cũng có thể làm vậy. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu ai đó ghi lại toàn bộ những số điện thoại của các bốt điện thoại trong thành phố này chỉ để trêu tôi.

Tôi thở dài và đặt tay lên gối. Tự dưng tôi cảm thấy mệt mỏi; có lẽ ở trong viện lâu ngày làm thể lực của tôi giảm sút.

Một điều chắc chắn: tôi cũng tự cảm thấy bất ngờ bởi sự chối bỏ bản thân của chính mình. Tôi bắt đầu cảm thấy căm tức chính mình vì đã thực sự thử và nhìn vào gương.

Mày còn chưa muốn bỏ cuộc à?

Tôi về nhà, tắm nước nóng rồi chui vào giường. Chiếc đồng hồ cạnh giường chỉ 3 giờ sáng. Giờ tôi chắc chắn ngày mai mình sẽ vừa học vừa gật gù trong ngày đầu tiên tới lớp.

Tôi nhắm mắt và chờ đợi ý thức của mình chìm dần vào giấc ngủ bất cứ lúc nào. Vào những lúc như thế này, tiếng tích tắc của kim giây đồng hồ nghe như một tiếng ồn đơn điệu; nhịp thở của tôi trở nên gấp gáp hơn, cố gắng bắt kịp với nó. Tôi thử nằm nghiêng sang một tư thế khác, nhưng nó cũng không có tác dụng gì. Kể cả khi đã mở cửa, căn phòng vẫn oi bức một cách kì quái, và họng tôi bỏng rát.

Khi tôi cuối cùng cũng ngủ được, bầu trời đã chuyển sang màu trắng, và bầy chim cùng lũ ve sầu đã cất tiếng kêu chào buổi sáng.

Vài phút ngắn ngủi để ngủ. Nhưng chỉ trong một thoáng chốc ý thức của tôi biến mất, một sự thay đổi lớn trong cuộc đời tôi đã xảy ra.

Phép màu luôn xảy ra những khi không ai nhìn thấy.

Ghi chú

[Lên trên]
Atsushi Nakajima(1909-1942): nhà văn người Nhật
Atsushi Nakajima(1909-1942): nhà văn người Nhật
[Lên trên]
Ham on Rye: Tác phẩm bán tự truyện của Charles Bukowski, một tác phẩm tiêu biểu dành cho tuổi mới lớn
Ham on Rye: Tác phẩm bán tự truyện của Charles Bukowski, một tác phẩm tiêu biểu dành cho tuổi mới lớn
Bình luận (1)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

1 Bình luận

Đọc từ đầu cứ tưởng main là nữ .. đến đoạn " mình nhớ là không tặng cúc áo cho bạn nữ nào làm kỷ niệm " , não mới nhảy số : " Ơ , nhân vật chính là nam hay nữ ý nhờ ?" =)) =)) =))
Xem thêm