Có lẽ điều này không có thật, nhưng đáng ra bà tôi vốn đến từ Mặt trăng.
Năm cũ đang dần kết thúc.
Đêm nay là kỳ trăng tròn thứ mười một. Cứ mỗi tháng qua đi, năm cũ sẽ theo đó mà chết dần trong khi thời gian chuẩn bị đón chào năm mới, một năm không hứa hẹn điều chi cả.
Có lẽ cơ hội loài người còn tồn tại để được trông thấy năm mới còn ít hơn của loài sứa biển mờ đục.
Giờ đây, đối với loài người, ngày và tháng chỉ là những quan niệm đã bị đánh mất từ lâu. Cái chết trở thành một phần của cuộc sống. Từ những gì tôi nghe được, con người thuở xưa từng có cái nhìn lạc quan hơn. Quyển lịch không chỉ là một thứ cứng nhắc dùng để xác định quãng thời gian đã mất đi, mà còn là biểu tượng cho sự tuần hoàn, về những thứ rồi sẽ quay trở lại hay đại loại như thế.
Nói một cách đơn giản thì đó là về việc tái sử dụng dữ liệu, nhưng người ta bị cuốn theo vấn đề tái chế quá xa. Người ta bảo rằng từng có thời loài người chỉ toàn những kẻ tham lam và phì nộn, nhưng với chúng tôi, họ chỉ là những kẻ cực kỳ bủn xỉn.
Tính theo lịch Gregory, hiện nay là năm thứ 3000 sau Công nguyên.
Thời đại loài người như ngày xưa đã chấm dứt từ rất lâu. Chẳng còn ai tin rằng Mặt trời sẽ tiếp tục mọc, nhưng mặt tốt của vấn đề sẽ là không còn chiến tranh nữa. Tuy nhiên, nền văn minh mà con người dày công xây dựng suốt mấy ngàn năm giờ đây đã tan biến. Cá nhân tôi từng thẳng thừng từ chối hàng loạt lời cầu hôn để rồi hôm nay, cũng như hôm qua và hôm kia, tôi chủ yếu dành thời gian ngắm nhìn bờ biển từ một mô đất cao trên đảo.
Nước trên trời, trời trong nước. Bầu trời trên mặt trăng chỉ là một bờ biển vụn vỡ.
Khi ngắm nhìn mặt biển mờ ảo, tôi vô tình ngân nga lời ca mà bà ngoại đã dạy.
Chính xác hơn, bài hát đó vốn dĩ được bà cố sở của tôi sáng tác, và tuy tôi thuộc lời nhưng lại không tài nào hiểu được nghĩa của nó. Tôi không thích nói xấu tổ tiên mình, nhưng tôi có cảm giác rằng bà tôi có hơi quá nữ tính. Giống như những lúc bạn hoàn toàn cảm nhận được thế giới sắp tàn lụi, nhưng bà cố sở của bạn hệt như đang sống trong thế giới khép kín của bản thân.
Mẹ, bà ngoại và mẹ của bà ngoại tôi đều tương tự, và tất nhiên họ đều đẹp đến ngỡ ngàng. Thật không may thay, tôi chỉ là một con vịt xấu xí. Tôi không được đẹp như mẹ, và còn tệ hơn nữa khi tôi không được thừa hưởng nét nữ tính từ bà. Thứ duy nhất khiến người ta liên tục cầu hôn tôi là hòn đảo này.
“Ô? Phải chăng hoàng tử của Arishma đang trở về nhà?”
Tôi cảm nhận được làn gió khi ngước mắt nhìn trời, vừa lúc chiếc phản lực màu đen bay ngang qua.
Brrrr, âm thanh mãnh liệt phát ra từ động cơ.
Một trong những tàn tích sau cùng của nhân loại đã áng mất ánh trăng khi bay lướt đi. Mà có lẽ đó chỉ là tàn ảnh. Khung thép của chiếc máy bay sáng lóa lên khi nó rẽ hướng sang phương trời phía Đông.
Thế là tổng cộng được mười sáu mống.
Và lần này, một kỷ lục mới đã được lập nên. Tôi đã buộc anh ta phải làm một việc vô lý hơn thông thường rất nhiều, và anh chàng này liền cụp đuôi chạy dài trước cả khi hết ngày. Thật chẳng thể nghĩ ra rằng đến cả hòn đảo cũng không tha thứ cho tôi, nhưng hôm nay tôi cũng chẳng làm gì khác hơn được. Anh ta sai ở chỗ đã đến đúng vào hôm trăng tròn. Anh ta nên biết rằng mọi việc đều cần có thời gian và địa điểm riêng biệt. Tôi biết lượng ô-xy đang giảm dần, nhưng nếu anh muốn bàn về chuyện yêu đương thì ít nhất phải hiểu được bấy nhiêu đó trước đã.
Hòn đảo tôi đang sống chỉ là một khu tập thể nhỏ bé với dân số chưa đầy năm mươi người. Thành phố được đặt tại vùng đất nằm xa tít tắp ở phía bên kia bờ biển. Nơi đây không có lấy một bến tàu, và dưới biển là rặng san hô độc nhất của hòn đảo hình lưỡi liềm này. Với người dân đảo, san hô là thứ họ trông thấy hàng ngày, còn đối với dân thành thị thì chúng còn đáng quý hơn cả ngọc ngà.
Vào thời bà ngoại tôi, hòn đảo này đã được xem là miền đất thiêng. Người ta hoàn toàn không thể tới đây bằng đường biển, vì thế chỉ những ai có đặc quyền sở hữu phương tiện đường không mới có thể bay đến. Lý do tôi được dân thành thị gọi là “công chúa” cũng bởi tính đặc thù của hòn đảo. Người ta bảo nơi đây là ngôi sao hy vọng cho sự phục hồi nhân loại. Đối với dân địa phương chúng tôi thì hòn đảo hoàn toàn bình thường. Chúng tôi sẽ chẳng nhướng lấy một cọng lông mày dù ngày tận thế xuất hiện.
“Tệ quá nhỉ? Dù có thể bay lượn trong bầu trời, anh sẽ không bao giờ tìm được con cá nào trên Mặt trăng đâu.”
Cứ mỗi khi có người đến cầu hôn, tôi lại giao cho anh ta một nhiệm vụ bất khả thi.
Và lần này là phải bắt cho bằng được con cá trên Mặt trăng.
Lên mặt trăng chỉ đơn giản là hành trình một đi không trở lại. Mặc dù hiện nay vẫn còn vài phương pháp để đi đến Mặt trăng, nhưng lại không có ai biết cách để quay về từ nơi ấy cả. Đó là một vùng đất chết mà chúng ta chỉ có thể giương mắt lên nhìn khi vẫn còn sống.
Yêu cầu anh chàng lên đó và quá quắt hơn là phải bắt về một con cá, thứ vốn dĩ không hề tồn tại trên Mặt trăng! Hiển nhiên chỉ bấy nhiêu đã đủ để giải thích cho cơn giận dữ của vị hoàng tử từ Arishma.
Nhưng tôi sẵn sàng thề độc rằng lúc nói ra những điều đó, tôi hoàn toàn nghiêm túc.
Nếu có thể làm được một điều không thể, tôi sẽ ở bên anh ta suốt quãng đời còn lại.
Bởi vì đó chính là cách duy nhất để tôi xác định được tình yêu. Đã có quá nhiều thứ biến mất khỏi hành tinh này, nhưng thứ quan trọng nhất trong số đó có lẽ là tình yêu thương giữa người với người.
Mặt trăng đã trở thành vùng đất chết từ lâu.
Mà, đối với loài người, nơi đó vốn là một vùng đất chết, vì thế nên nói Mặt trăng được trả về nguyên trạng thì hợp lý hơn.
Để giải quyết tình trạng gia tăng dân số, dự án đưa người lên định cư trên Mặt trăng đã được đề cử. Mặt trăng trở thành tiêu điểm, và kéo theo những đợt di dân là sự ra đời của các thành phố, quốc gia mới.
Nhưng rồi thảm họa xảy ra. Sự đảo cực tạo nên cơn đại hồng thủy, sau đó là những thiên tai không thể dự đoán trước tiếp tục xảy đến với loài người khiến cho tình hình nguy kịch hơn, đánh dấu cho sự tiêu vong đang gần kề.
Biết nói thế nào nhỉ?
Loài người dường như mất hết nhiệt huyết.
Sự hăng hái phát triển, lòng phấn khởi tìm tòi và cả niềm đam mê duy trì nòi giống.
Và đây không giống cách mà bà mẹ la đứa con vì chỉ biết ru rú trong phòng suốt ngày, mà là như khi toàn thể nhân loại cùng tuyên bố rằng: “Mọi thứ trở nên thật không thể chịu đựng nổi!” Phe thuận chỉ đang đẩy nền văn minh của loài người sang cho các phe phái khác.
Nền văn minh là thứ không cần thiết để sống tại Trái đất.
Nhưng đó lại là điều bắt buộc phải có trên Mặt trăng.
Chính vì thế, người dân tại Trái đất bèn nói:
“Công cuộc phát triển loài người nay sẽ được đặt lên vai các bạn. Thật sự thì chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi.”
Và cứ thế, họ phó mặc mọi thứ cho những người trên Mặt trăng.
Sau đó, khoảng thời gian năm mươi năm đã đủ để khiến Trái đất và Mặt trăng trở nên độc lập hoàn toàn. Con người ở cả hai nơi đều cảm thấy đôi bên không còn gì để thương lượng nữa và tuyệt giao hẳn. Chúng tôi có thể tự giải quyết được những vấn đề còn lại tại Trái đất, còn cư dân tại Mặt trăng có thể đảm bảo được điều kiện sống trong môi trường của họ.
Vài thập kỷ sau, ánh sáng từ Mặt trăng biến mất.
Cùng lúc đó, dân số tại Trái đất suy giảm trầm trọng.
Cuối cùng, không còn ai thiết đến việc duy trì nòi giống nữa. Đơn độc, loài người sẽ tuyệt chủng trong vòng năm mươi năm tới. Lý do duy nhất giúp loài người vẫn còn ngắc ngoải là nhờ trong cộng đồng, cứ một trong mười người vẫn giữ vững niềm tin tiếp tục cố gắng.
Có những người tuy đã ôm đồm quá nhiều việc nhưng vẫn rất tận tình và cần cù giúp đỡ người khác. Chính họ đã đồng lòng tạo nên một nơi dùng để tụ tập như ngày xưa – một khu vườn tràng ngập sức sống được gọi là “thành phố”. Tôi chưa từng đến đó nên chỉ biết được bấy nhiêu.
Họ tự xưng là Hội đồng Phục sinh Nhân loại. Một động thái nhằm hồi phục những điều nguyên thủy của sự sống, dùng tình yêu làm nhân tố chủ đạo.
Tôi thật sự không thể hiểu được việc này. Không phải vì tôi cho rằng điều họ đang làm là xấu xa hay đại loại, nhưng là vì khái niệm con người yêu thương nhau là thứ mà tôi không thể cảm nhận được. Liệu làm thế có cảm thấy thoải mái không? Tôi chỉ mường tượng được rằng khái niệm này sẽ dẫn đến sự thất bại. Tôi cho rằng một hệ thống bài bản hỗ trợ loài người sẽ tốt hơn. Bạn vừa có thể dễ dãi và ích kỷ, vừa có động lực rõ ràng. Một người còn không thể nhìn thấu được tâm can của người khác nên tôi cho rằng việc cố lĩnh hội những thứ như vậy không thực tế là bao.
Như thế này này. Lý do tôi cứ bắt các anh chàng đến cầu hôn thực hiện những điều vô lý là vì tôi không thể xác định được tình yêu của chính bản thân, nên tôi cần họ để đánh giá điều ấy. Nếu anh có thể mang đến một thứ có giá trị hơn cả bản thân tôi và vẫn chấp nhận đánh đổi chúng để có được tôi, thì tôi sẽ cho rằng hành động đó chứng tỏ anh cần tôi.
Tôi mến họ, và tôi cũng mến loài người, nhưng tôi không thể hiểu được thế nào là yêu. Dù vậy, tôi vẫn hạnh phúc chán. Chỉ cần Mặt trời, không khí và nước vẫn còn tồn tại thì chúng tôi vẫn tiếp tục sống. Tôi cho rằng chính những điều này là nguyên nhân đặt loài người vào dấu chấm hết. Tôi có luôn bị cảm thấy day dứt đấy chứ.
Những ngôi sao lấp lánh, những cơn sóng vỗ bờ. Rặng san hô hát vang bài ca tình yêu.
Như những con sứa, chúng tôi sống ngày qua ngày, trôi nổi, phù du.
Tôi vừa đi chân sáo vừa hát trong nền trời tối đen.
“Chà! Liên tưởng cuộc sống với một con sứa à? Thật mạnh mẽ làm sao.”
Một giọng nói phá tan chốn tĩnh mịch của tôi.
Giọng nam, còn người thì khuất sau lớp sương mỏng khiến tôi không thể nhìn thấy được.
“Xin lỗi, đây có phải là cô …?”
Nghe gọi tên, tôi quay lại và nhìn thấy một thứ kỳ quặc đang trôi lềnh bềnh trước mặt.
Nó trông giống như loại phương tiện làm bằng thiếc to như một chiếc túi đựng cơm trưa và có hình dạng như thúng chứa sashimi.
Lơ lửng cùng vật thể kỳ lạ ấy là một người có vẻ như cũng được làm bằng thiếc. Vẻ ngoài của anh ta sáng loáng và nhẵn nhụi. Ở vị trí gương mặt của anh có hai cái lỗ, nhưng do ánh sáng từ mặt trăng hắt vào nên tôi không thể thấy rõ phần bên trong được.
Dù gì thì anh ta đã gọi thẳng tên nên tôi đành đáp lễ.
“Chào buổi tối. Có lẽ tôi nên nói “Rất hân hạnh được gặp anh”, nhỉ?”
“Người cảm thấy vinh dự nên là tôi. Xin hãy nhận danh thiếp của tôi.”
Người-thiếc rút ra một mẩu giấy nhỏ. Tôi không biết thứ này dùng để làm gì, nhưng anh ta đã lịch sự đưa ra lời yêu cầu thế này thì tôi cũng nên nhận lấy.
“Anh đến từ ngoài đảo chăng?”
“Vâng, tôi đến để gặp cô. Nếu cô không phiền, liệu tôi có thể trò chuyện cùng cô một chút không?”
Tôi trố mắt vì ngạc nhiên. Tôi không thể ngăn bản thân thôi trừng mắt nhìn anh ta vì sửng sốt. Lại thêm ứng cử viên đấy ư? Quý hóa làm sao. Từng có rất nhiều người đến để cầu hôn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được diện kiến một anh chàng tí hon đến mức có thể ngồi vừa vào lòng bàn tay.
“À, tôi chỉ là người giao hàng mà thôi, Tôi đến hòn đảo này phần vì công việc, phần vì tò mò.”
Có lẽ là do bộ cánh bằng thiếc ấy mà giọng anh ta nghe cứ nhừa nhựa.
Một chiếc thuyền nhỏ đang trôi lững lờ trong không trung cùng một vị khách trong bộ trang phục trước nay tôi chưa từng thấy.
Không thể kiềm hãm được sự tò mò, tôi chợt nhận ra rằng tôi bận quan sát anh ta nhiều hơn là chăm chú lắng nghe cuộc đối thoại.
Người thiếc dường như không để tâm. Anh bắt đầu kể cho tôi nghe những điều hiện nay, về các thế hệ, về khí hậu và về những điều linh tinh khác. Đây dường như chỉ là tán gẫu. Không phải nói gì, tôi chỉ cần lơ đãng ngồi nghe. Cuộc chuyện trò cứ thế kéo dài mãi.
Rồi cũng đến lúc anh ta hết chuyện để nói. Trông anh ta hơi bối rối. Xấu hổ bởi sự ích kỷ của chính mình, tôi bèn đưa ra đề tài mới:
“Anh nói rằng anh đến đây phần vì tò mò?”
“Đúng, và tôi cũng là thương nhân. Một nguyên nhân khác khiến tôi đến đây là vì cô. Tôi muốn trao đổi một thứ với cô, cô nghĩ sao?”
Anh ta nói anh ta đến là vì nơi đây có món hàng cần thiết. Lần này lại đến lượt tôi khó xử. Vị khách hiếm hoi đến thăm hòn đảo này sẽ chẳng bao giờ tìm được thứ anh ta muốn.
“Tôi nghĩ anh nên thử vận may ở nơi khác. Tôi không có thứ gì quan trọng cả.”
“Ngược lại là đằng khác, các thương nhân luôn tìm kiếm thứ người khác không có. Tôi không sở hữu nhiều thứ tại đây, và người đối diện tôi cũng thế. Cô có biết câu chuyện nào không? Những câu chuyện chưa ai được nghe, chưa từng được công bố?”
Lại một lần nữa, tôi buộc phải chú mục vào người-thiếc mà không cần lý do.
Có lẽ là vì yêu cầu của anh ta quá trẻ con mặc dù anh có sự điềm tĩnh của một người trưởng thành. Những lời của anh thấm sâu vào tận tim tôi. Thông thường tôi sẽ xem thường những lời thỉnh cầu thế này, nhưng nay tôi muốn giúp anh ta.
“Tôi có một thứ – một bài hát, hẳn là thứ anh muốn. Đó là một câu chuyện do bà tôi kể lại, được không?”
“Giao kèo bằng miệng à? Như thế rất giá trị, nhưng tôi không thể nghe rõ được toàn bộ những gì cô nói, nên nếu cô không phiền, tôi có thể nhờ cô viết lại chúng không?”
Người thiếc khó có thể nghe rõ lời tôi. Tôi hơi bất ngờ vì chúng tôi lại trò chuyện được lâu đến thế, nhưng nếu nghĩ kỹ thì thực ra chúng tôi đâu có nói với nhau nhiều.
“Tôi không thể. Tôi không biết đọc hay biết viết.”
“À, tôi đã lường trước được việc này. Tôi sẽ rời đi vào kỳ trăng tròn sắp tới nên tôi định nhờ cô viết thành một quyển sách. Thay vì để lời tôi nói nghe quá tự phụ, tôi sẽ gánh lấy việc dạy cô.”
Rồi anh ta tự đấm ngực như thể muốn biểu lộ: “để đấy cho tôi!” Điều đó chẳng giúp tôi có thêm tự tin tẹo nào. Sự thất học nay đã quay trở lại mà nguyền rủa tôi. Dù nhân loại đã chấm dứt nhưng sao cuộc sống của tôi vẫn còn lắm nhiêu khê thế?
Chúng tôi sẽ tạm gác vấn đề đó sang một bên.
“Mà ban nãy anh có nói loài sứa rất mạnh mẽ. Tại sao vậy?”
Đó là câu đầu tiên tôi hỏi anh ta.
“Chuyện xảy ra cách đây khá lâu, nhưng một loài trong họ sứa đã giải quyết được vấn đề cơ bản của sinh học, về việc lão hóa bởi các tế bào chết. Đó là một trong những dạng sống hiếm hoi đạt được sự bất tử. Thực sự thì loài sứa không như cô nghĩ đâu, chúng có sức sống rất mãnh liệt đấy.”
Anh ta trả lời mà không hề ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi, nhưng bằng những kiến thức phức tạp mà tôi không tài nào hiểu nổi.
4 Bình luận
ngon
ngon