Nữ Hoàng muốn viết truyện
Pod Comic Phước Hoàg (Zhouc)
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Nữ Hoàng muốn viết truyện

Chương 2: "Mọi người? Đâu rồi?"

1 Bình luận - Độ dài: 3,466 từ - Cập nhật:

Cách đây khoảng chừng ba tháng trước, Kiều Anh đột nhiên lên cơn sốt miên man, chỉ cần nhắm mắt là nghe thấy những âm thanh ù ù như đem chiếc tù và thổi thẳng vào tai vậy. Sau đó, mọi thứ càng trở nên kì dị hơn khi trong giấc mơ xuất hiện sinh vật khổng lồ có hình dạng giống một con sâu với miệng lúc nào cũng mở toang chiếm hết cả phần đầu, để lộ ra hàng trăm chiếc răng xếp theo vòng tròn rồi chồng chồng lớp lớp lên nhau, trông không khác gì cái hố đen đen ngòm mà bên trong toàn những chông và gai.

Khi cơn sốt dừng lại, đó là lúc Kiều Anh trở thành một con người hoàn toàn khác. Cô nhớ ra kiếp trước của mình là Nguyễn Thị Thuyết Nhung - Nữ Hoàng đầu tiên của Nam Quốc. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Kiều Anh giống hệt nhân vật lịch sử ấy. 

Cô của hiện tại là sự hòa quyện bất đắc dĩ giữa con người cũ có lối sống khép kín, ngại giao tiếp, và con người của nữ hoàng xưa kia vốn nổi tiếng thông minh cùng khả năng ngoại giao tài tình. Cái kiểu người mà cô tạm gọi là “nửa phong kiến, nửa thuộc địa”. Quá trình nạp những kiến thức về ma pháp cổ, về thời đại Nam Quốc còn nằm trong tay người phương bắc, và nhân cách mới cũng gây ra mâu thuẫn trong tâm lý, quá tải ký ức, đồng thời dẫn đến cơn sốt quỷ quái kéo dài tận mấy tuần trời. Kiều Anh luôn cảm thấy khó chịu mỗi lần nghĩ về quá trình thu nhận ký ức cũ, cái khuôn mặt vừa đa tư đa lự, vừa nhăn nhó của cô trong lúc di chuyển đến giảng đường đủ nói lên tất cả.

"Tin tốt là mình được trao cơ hội sống tiếp, không, không vội mừng được! Dù sao mình chưa nhớ hết mọi chuyện mà. Hôm qua gặp lại Văn Trung xong từ đó đến giờ cứ bồn chồn kiều gì ấy nhỉ? Không hiểu nổi..."

Kiều Anh đứng trước cửa phòng học 103 của tòa nhà C, thản nhiên nhìn từ trên xuống dưới như công an đang truy tìm manh mối trong một vụ án quan trọng nào đó. Khi này mới có vài sinh viên, đứa nào đứa nấy cứ như đi biểu diễn thời trang, toàn những giày xịn, áo khoác thương hiệu nổi tiếng. Theo bản năng, Kiều Anh nhìn vào bộ quần áo đang bận trên người, vâng, hàng rẻ tiền.

“Vào đây để học chứ có phải để khoe khoang đếch đâu!” Cô tự nhủ thế thôi chứ cũng hơi cay đấy.

Kiếp trước đường đường là nữ hoàng, gương mặt được các tạp chí thời trang tranh nhau giành quyền ký kết mẫu ảnh độc quyền, đại diện cho nét đẹp của phụ nữ Nam Quốc, thậm chí có hẳn hội hâm mộ gọi ngài với biệt danh là “Má Nhung”. Nghèo nhưng thích trau chuốt ngoại hình dữ lắm.

Giờ thì cô là "người trung bình" ở mọi khía cạnh, từ sức mạnh, ngoại hình đến kinh tế. Nhìn xem cái thân hình gầy gò thổi phát là bay, hai mắt thâm quầng, thiếu sức sống do mất ngủ thường xuyên, may là đắp chút kem nền nên nhìn đỡ hơn chút xíu. Suốt ba tháng qua, phần con người Nhung dù sao cũng đã chăm sóc cơ thể Kiều Anh này tương đối cẩn thận rồi nên ngoại hình bây giờ không đến nỗi gây sợ cho người khác. Vì vậy: "Yên tâm em nhé, không sợ bị bắt nạt đâu, vả lại ở trường đại học người ta văn minh hơn hồi phổ thông nhiều, nghe đồn thế! Ừm thì mỗi khuôn mặt điên điên giống mấy khứa tội phạm của em, chị không lấp nổi..."

Kiều Anh thở dài thườn thượt, ngẫm một lúc xong chọn ngồi ở đầu bàn để tập trung vào nghe giảng, đỡ phải suy nghĩ lung tung. 

Hai mươi phút sau, độ bảy giờ ba mươi sáng, các ma pháp sư tương lai đã có mặt đầy đủ để bước vào tiết học đầu ngày. Nữ sinh viên ngồi bên trái Kiều Anh tên là Thương, có lối nói chuyện rất cuốn hút và mang dáng vẻ của một thanh niên sáng dạ. Anh chàng còn lại ngồi bên phải Kiều Anh, tên Phát, hoà đồng, tỏa khí chất của một thằng trai hư chính hiệu; tự tin, đẹp trai, ngoại hình tổng thể ưa nhìn, đặc biệt hay bông đùa với mọi đứa con gái, kể cả Kiều Anh, nghĩ kì thật.

Tiết học trôi qua được nửa thời gian, dù không ai niệm phép gây mê nhưng các bạn ngủ rất ngon, có người còn ngáp muốn sái cả quai hàm. Kiều Anh mặc kệ bầu không khí buồn tẻ mà ghi chép cẩn thận mọi ý chính của bài giảng vào trong vở.

Lại nói về kiếp trước, năm Tuyết Nhung mười chín tuổi, đương là lính quèn trong phiến quân chống chính phủ đương thời và tiêu diệt quái vật ma pháp từ Khe Nứt Không Gian, hay ma vật. Khi ấy chuyện đi học xa xỉ vì ai cũng lo chạy loạn, lo kiếm từng miếng ăn một. Động lực thúc đẩy cô tham gia phiến quân nằm ở khát vọng cháy bỏng về một đất nước ổn định, hòa bình, nơi trẻ em được quyền đi học, sống như một con người thực thụ. Cô ước được đi học, kết bạn, tán gẫu về mấy cuốn manga, tiểu thuyết. Đơn giản thế thôi.

Nhung là trẻ mồ côi trong thời chiến, hiểu rõ cái cảm giác đói, toàn thân rệu rã như bị đánh đòn nó đáng sợ đến nhường nào, chỉ có cái mũi để hít vào thở ra và cái miệng để rên vì cơn đói xót ruột. Dù kinh khủng là thế, Nhung vẫn xem sách, truyện là báu vật, thà đói ăn chứ không đói chữ.

Trong trại mồ côi có vài cuốn truyện cổ tích. Đêm đến, Nhung hay thường trốn ra phòng khách đọc lén, lần nào cũng bị đánh cho bầm tím cả người. Sáng hôm sau thì bị ép nhai cơm thiu, đồ ăn hôi thối. Vậy đấy! Mà Nhung vẫn giữ được thái độ lạc quan đến ông trời cũng không giải thích nổi. Dần dần cô bé đây bắt đầu cầm bút viết lên những dòng chữ đầu tiên, những dòng chữ được hành thành từ tâm trí bay bổng, trẻ thơ nó mang một cái chất ma thuật độc nhất vô nhị mà chỉ có người cùng đam mê mới thấu hiểu. Càng viết, Nhung càng cảm nhận rõ tận tường dòng chảy ma pháp bên trong con người. Ngược lại, khi nằm trong môi trường phủ đầy ma pháp, Nhung trở nên tập trung hơn vào viết lách hơn, giống như họa sĩ vẽ tranh mà không ngửi thấy mùi mực là không chịu được vậy.

Nói cách khác, Kiều Anh chọn Đại Học Ma Pháp bởi lẽ cô muốn đắm mình vào trong môi trường ma pháp, tăng cường độ tập trung vào viết lách chứ không theo đuổi chuyên môn. Còn chưa kể học ở đây dễ gặp mặt Văn Trung hơn nơi khác.

Thương vỗ vai kéo Kiều Anh thoát khỏi dòng suy nghĩ.

“Nè bạn, à thôi! Cứ xưng mày tao luôn cho quen nhé!”

“Ừ được. Sao?”

“Tý nữa ra căng tin trường làm cốc cà phê với tao, rủ luôn bạn Phát gì luôn.”

“Mới ngày đầu mà…” Kiều Anh cười ghẹo rồi quay đầu sang thì thầm với Phát:

“Ra cà phê không? Giờ nghỉ tiết sau.”

“Kê! Chín rưỡi mới bắt đầu môn tiếp theo nhỉ?” Phát gật đầu đồng ý, nhưng ánh mắt của cậu chẳng khác gì một thằng trai lơ khiến Kiều Anh phải nghĩ:

"À, gu của chị em mình phải là mấy anh bad boy..."

***

Đại học Ma Pháp rộng lớn lên đến hàng trăm héc-ta và độ phủ xanh đạt bảy mươi phần trăm. Nó giống một khu rừng rậm thực sự nhưng quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Đi vào thi thoảng mới bắt gặp tòa nhà có cấu trúc hình chữ U điển hình bọc quanh khuôn viên là những thảm hoa rực rỡ được chăm sóc và xén tỉa công phu. Có tất thảy chín tòa nhà được xây dựng đều trên khoảng đất của trường, trung bình khoảng cách giữa các tòa nhà cũng ngót nghét vài ba trăm mét, muốn di chuyển nhanh thì phải sử dụng Cổng Dịch Chuyển Ma Pháp. Vì thế mà đường đi bên ngoài khuôn viên các tòa nhà hầu như lúc nào cũng vắng tanh. May lắm lắm nhìn thấy cặp đôi uyên ương nào đó đang tản bộ, trao cho nhau những lời ngon ngọt rồi để lại vị đắng nghét sau cùng.

Tiết một kết thúc, đám bạn đến căng tin, gọi đồ ăn thức uống rồi ra ngồi trên ban công trên tầng hai, được khung cảnh khá đẹp hướng ra khuôn viên của tòa nhà C. Còn muốn quan sát toàn bộ trường học thì chỉ có nước triển khai ma pháp bay mà nhìn từ trên xuống cho rõ.

Thương thác thoái do tiết học đầu chán, cần phải ra ngoài hít thở, làm tí cà phê cho tỉnh ngủ. Chỉ có như thế thì việc quái gì phải rủ thêm đồng bọn ra làm gì cho rách việc, nói thẳng ra là nàng ta định tia anh chàng Phát, mà sợ gặp nhau vậy hơi đột ngột nên kiếm cớ.  

“Ừ.” Kiều Anh mỉa mai ngọt ngào.

Thủ sẵn cuốn sổ tay nhỏ và cây bút máy mực tím, cô nguệch ngoạc dăm ba dòng rồi đưa cho cô bạn ngồi cạnh đọc. Tai của Thương bỗng ửng lên như hồng chín tới mùa, lấy vai huých vào Kiều Anh, gằn gằn giọng mà chỉ đủ cho hai người nghe thấy:

“Gì vậy má!”

“Gớm, tôi đi guốc trong bụng chị.”

Phát ngồi đối diện thấy thú vị liền hí hửng hỏi:

“Gì, gì đấy! Cho xem với!”

“Đéo.” Kiều Anh bĩu môi, sau cùng, xùy xùy mấy cái đuổi Phát như đuổi tà.

“Khiếp!”

Vừa lúc đèn gọi đồ nhấp nháy, Kiều Anh nhanh tay vớ lấy cái đèn, đứng phắt dậy nói: “Tôi xuống lấy đồ nhé", rồi khẩn trương xuống tầng một. 

Cô thanh toán xong xuôi, còn chưa kịp bê món lên tầng thì bỗng từ đâu phát ra tiếng “rầm” rất to, một vụ nổ ma pháp ngay trước căng tin và nó suýt nữa thổi bay ly cà phê trên khay. Trong lớp bụi mù mịt thấp thoáng thấy bóng dáng của hai người đang vây quanh một cậu sinh viên người béo mũm mĩm. Họ đang chĩa đũa phép, mắng chửi cậu thậm tệ. Vừa lúc Phát hớt hải chạy đến hỏi xem chuyện gì xảy ra, Kiều Anh không giải thích, chỉ đưa khay đồ uống cho Phát cầm rồi bước đến phân bua với đám người trước căng tin. Hai phút sau, một vụ nổ nữa xảy đến. 

Kết quả là cô cũng đám ấy đánh cho bầm dập.

***

“Trời! Sao lại để bị đánh thế?” Thương xuýt xoa, phủi bụi trên người Kiều Anh.

“Khích bọn nó xong bị đánh thôi. Ít ra cứu được thanh niên này.”

Cậu sinh viên ấy cúi nhẹ đầu:

“Em xin lỗi chị nhiều!”   

“Chuyện như nào ông kể tôi nghe.” Phát vừa nói vừa hút ống hút sột soạt.

“Em tên Quỳnh, sinh viên năm nhất, mọi người…”

“Bằng tuổi nhau rồi, thoải mái bạn ê.” Phát lại hút sột sột thêm phát nữa.

“Ờ vậy, tôi xưng hô như vầy nhá! Thực sự xin lỗi bạn nữ kia rất nhiều.”

Kiều Anh nhắm nghiền mắt, đắc chí nói:

“Nhung… ấy nhầm! Tôi tên Kiều Anh. Gặp mấy cái chuyện bất công này chân tay tôi hay ngứa ngáy lắm.”

“Con gái con đứa dữ dằn.” Phát khanh khách cười: “Mà cũng dễ thương.”

Cả bọn tự nhiên im lặng nhìn Phát, riêng Thương lại huých mạnh vào vai cô bạn ngồi cạnh, tỏ ra vùng vằng.

Kiều Anh nhíu mày chất vấn:

“Mẹ cái thằng này. Xưa bồ bịch các thứ nhiều lắm nhờ?”   

Phát đáp lại bằng giọng cợt nhả:

“Nhiều quá nhớ sao nổi.”

Quỳnh nhích cái mắt kính dày cộm tỏ ra tri thức, tay còn lại cầm chiếc ghế nhích từng tí từng tí một đến sát gần bàn. Cái thân hình quá cỡ của cậu làm cho cảnh này vừa buồn cười, vừa khổ, khổ cho chiếc ghế…

“Hai ông bà lúc nãy là thành viên câu lạc bộ kịch của trường. Họ đưa ra bài xét duyệt tham gia là đóng vai một nhân vật bất kì trong truyện tranh hoặc các tác phẩm kinh điển của Nam Quốc. Tôi thì muốn gây ấn tượng cho anh chị nên không nói gì, lao vào nhập tâm thành Chí Phèo luôn.”

Kiều Anh quay sang Quỳnh “hử” một tiếng đầy ngây ngô.

“Ừ vấn đề ở chỗ đấy. Tôi diễn đoạn ông Chí Phèo chửi đời mà không báo trước. Họ tưởng tôi đến gây sự.”

“Buồn cười? Họ phải biết là ông đang diễn chứ?

“Nhưng mà tôi muốn vai diễn nó đời nhất có thể. Nên là tới nắm cổ áo các thành viên câu lạc bộ, xốc họ lên rời chửi thề các thứ đồ. Rồi lỡ tay làm rách cái áo của ông anh chủ câu lạc bộ.”

Kiều Anh như chết lặng, mặt thuỗn ra ngơ ngác. Thảo nào lúc nãy nói chuyện, cô chửi có vài câu thôi mà hai người đó ra tay đánh cho cô lên bờ xuống ruộng. Cô ấp úng:

“Thế là hiểu lầm?” 

“Xin lỗi bạn nhiều, xin lỗi bạn nhiều.”                                                                                           

“Thồi, đừng kể nữa bạn ạ. Nhục vãi.”

“Lỗi tôi, lỗi tôi.”

“Quần áo tôi giờ như mớ giẻ lau ấy, đền đi.”

Phát nghe xong chỉ biết ngặt nghẽo trêu Kiều Anh. Hết cơn, cậu chống cằm lên tay hỏi:

“Mai có rảnh không? Đi ăn đi”

“Mai đi phỏng vấn Câu Lạc Bộ Văn Vẻ rồi.”

Nói chuyện được lúc, Kiều Anh tự nhiên cảm thấy như được sưởi ấm lòng. Tiếc là sự ấm áp ấy nhỏ bé quá, vì trái tim lạnh giá của cô bé Kiều Anh vẫn còn đang run rẩy. Kiều Anh không biết diễn tả như nào, cô lặng lẽ nhìn sang những bàn ăn khác, mỗi người một thiết bị điện tử, không ứ hự một lời, ngay cả tư thế ngồi của họ cũng thấy rõ cái sự rập khuôn. Là sao nhỉ? Sao họ lại giống Kiều Anh nguyên bản đến vậy? Thắc mắc của con người Nhung trong cô dâng trào như mặt nước vào ngày thủy triều. Suốt quãng thời gian vừa qua, cô hiếm khi bắt chuyện được với nhà hàng xóm, không phải vì cô không muốn hòa đồng. Đó là vì cô hầu như không gặp mặt họ bao giờ. Cứ mỗi sáng sớm tinh mơ là họ rời nhà với những bộ đồng phục tẻ nhạt và tác phong nghiêm trang quá mức. Thế là vào một ngày, Kiều Anh quyết tâm căn lúc họ vừa rời nhà, toan chào hỏi vài câu. Nhưng đáp lại sự nhiệt tình chỉ là cái gật đầu lấy lệ. Nhiều khi Kiều Anh vắt óc suy nghĩ, tự hỏi bản thân đã từng gây lỗi lầm nào với người ta?

Thông thường mua đồ dùng, lương thực trên mạng khá dễ, bấm cái là có thiết bị bay giao hàng đến tận nơi. Nên là thời điểm Kiều Anh nhận giấy báo trúng tuyển đại học, cô tự thưởng bản thân một chuyến thăm thú ngoài thành phố tương lai, đi sắm này sắm nọ, để rồi đem về sự thất vọng tràn trề. Cô không chê khung cảnh của thành phố, cô chê dòng người qua lại, ra vào công ty như những con robot nhạt nhẽo.  Đương nhiên cô không dám mơ tưởng đến cảnh các cô các bác ngồi tụ lại tán phét với nhau, hay có chú nào đó rít hơi thuốc lào thật hăng say ở xã hội văn minh sau một nghìn năm. Nhưng chí ít phải còn chút gì cái tính vui vẻ, cởi mở làm nên người Nam Quốc chứ?

Ngoại trừ lũ học sinh tinh nghịch hay đám sinh viên chưa trải sự đời ra, những thành phần còn lại trong mắt Kiều Anh đều như đám rối được lập trình làm việc đến chết. Không hẳn, sinh viên cũng có người này người kia, dạng hòa đồng như Phát và Thương là dạng người hiếm có khó tìm, trong khi đa phần các sinh viên có dấu hiệu sắp trở thành cỗ máy trưởng thành...

Cách đây vài ngày, Kiều Anh dở chứng lên mạng xã hội, vô tình lướt qua bài báo nói về nền điện ảnh của Nam Quốc trên bờ vực sụp đổ, chưa hết, truyện tranh, tiểu thuyết cũng thuộc diện cảnh cáo. Ban đầu cô cho rằng đó chỉ là tin vịt, ấy vậy nếu chịu suy xét chậm lại, đúng là nền nghệ thuật của đất nước đang có nguy cơ chết đi thật. Đó là lý do chính Kiều Anh vội vàng đăng kí Câu Lạc Bộ Văn Vẻ để điều tra kĩ càng. 

Phải chăng con người bây giờ chỉ tập trung làm việc mà quên đi tận hưởng nghệ thuật? Nó làm máu yêu nghệ thuật của cô sục sôi hơn bao giờ hết, và vì thế cô muốn gia nhập câu lạc bộ đó càng sớm càng tốt.  

“Thì phỏng vấn xong rồi đi.” Phát càu nhàu.

“Lười lắm.”

“Đi xíu xong về, có làm gì đâu mà sợ.”

“Thương đi không kìa mày?” Kiều Anh chuyển sang cô bạn bên cạnh, mà hỏi thừa. Tất nhiên:

“Mày đi thì tao cũng đi.”

Vậy cũng không ảnh hưởng đến chuyện gia nhập câu lạc bộ cho lắm, dù sao bấy lâu nay Kiều Anh cũng muốn giao tiếp "người thật" mà, cơ hội vậy bỏ quá thì hơi phí. Cô nhún vai:

"Được rồi, đi thì đi."

Phát vui vẻ hỏi nốt người còn lại:

“Ông Quỳnh cũng đi chứ?”

Quỳnh ngơ ngác, cứng họng một hồi mới cất giọng:

"Được... được á."

"Chốt kèo! Cho tôi xin số điện thoại nhé! Bé Anh trước đi."

Kiều Anh bặm môi, hít hà, đoạn nhìn thẳng vào cặp mắt phấn khởi của Phát. Bất thình lình, một cơn đau đầu dữ dội xẹt ngang khiến Kiều Anh ngã đập người xuống sàn. Cô muốn gào thét đau đớn nhưng không thể! Có thứ gì đó chặn ứ ngang cổ họng. Bao nhiêu sinh viên trong căng tin đứng vây quanh cô bằng ánh nhìn vô cảm, còn Thương và Quỳnh thì rối rít gọi bác sĩ đến. Nhưng Phát... Cậu vẫn đang cười? 

Kiều Anh vật ra sàn, mí mắt nặng trĩu như đeo tạ.

Cái chớp mắt thứ nhất, mọi thứ trở nên mờ đi như mặt kính phủ sương.

Cái chớp mắt thứ hai, cô nhìn thấy vệt sáng màu tím kỳ dị xuất hiện trên bầu trời.

Cái chớp mắt thứ ba, đầu của sinh vật bí ẩn thò ra từ vệt sáng. Ôi cái miệng lít nhít nhưng cái răng đang phả ra luồng khí đỏ lòm phủ kín bầu trời.

Cái chớp mắt thứ tư, tiếng la hét thất thanh như bị hỏa thiêu trong chốn địa ngục réo liên hồi. Những sinh viên nằm ngổn ngang trên sàn, cặp mắt vẫn còn mở ra trừng trừng, rưng rưng dòng lệ đầy nỗi oan ức.

Cái chớp mắt thứ năm, cô thấy mình đang được hiệu trưởng Văn Trung cõng trên vai, cảm nhận rõ tiếng thình thịch như trống trận khai chiến. Có bao giờ người đàn ông này biết sợ?

Cái chớp mắt thứ sáu, một cái cọc gai sắc nhọn xuyên thủng nguyên một lỗ lớn trên người Văn Trung. Ông gục đầu trên chiếc gai, hai tay buông thõng, không còn bất cứ dấu hiệu của sự sống nữa.

Cái chớp mắt thứ bảy, cô ngồi một mình trên khoảng đất trở thành bình địa. Mùi máu tanh tưởi, hôi thối nồng nặc hòa vào bầu không khí lạnh tanh.

“Mọi người? Đâu rồi?”

Bình luận (1)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

1 Bình luận

Hình như đoạn này thiếu chữ "Kết quả là cô cũng (bị) đám ấy đánh cho bầm dập."
Xem thêm