Không Có Từ Trắc Học Tại...
Mèo Cay Am0urir; Cá Cơm; Zuki; Zen Ava
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Xin chào 306. Tạm biệt 306.

75 Sơn 21 - Debate thì ít đi xõa thì nhiều

0 Bình luận - Độ dài: 2,147 từ - Cập nhật:

#291

Câu lạc bộ Debate thường tổ chức sinh hoạt chính vào chiều thứ tư. Gặp nhóm riêng thì tuỳ cơ ứng biến. Tính cả một chủ nhiệm và hai phó chủ nhiệm thì thành viên chủ chốt gồm khoảng chục người.

Số lượng nam nữ khá cân bằng. Tuy nhiên sau buổi sinh hoạt đầu tiên, mọi người giới thiệu một lượt xong tôi phải ngay lập tức tóm lấy lão Thắng.

“Anh bảo câu lạc bộ nhiều nữ thì em công nhận.” Tôi cay đắng trách cứ “Nhưng mà toàn các chị đấy chứ? Làm gì có bạn nữ nào bằng tuổi em?”

“Thì anh bảo chú là có nhiều “bạn nữ” mà.” Ổng vô trách nhiệm nhún vai “Bạn anh.”

Người đâu dơ thực sự.

#292

Những buổi đầu các thành viên mới được học về luật Debate cơ bản và cách lập luận ý luận điểm. Chủ đề sẽ được thông báo qua tin nhắn từ tối hôm trước để mọi người có thể chuẩn bị. 

Nói bài bản là vậy, nhưng với người mới bọn tôi thì những cuộc Debate được tổ chức để lấy tinh thần là chính nên không quá khắt khe với luật lệ.

Khác với chủ đề quá đơn cực như “Giáo dục giới tính là cần thiết” thì những chủ đề trong các buổi sinh hoạt đa chiều hơn. Tôi đồ rằng đó là sự cố tình.

Dù sao một trong những buổi tranh luận tôi nhớ nhất là về chủ đề “Nên hợp pháp hoá mại dâm” mà với tôi ở phe đồng ý.

Chủ đề thú vị, tranh luận sôi nổi. Cứ tưởng sẽ là một buổi sinh hoạt thân thiện hoà đồng, ai ngờ sức nóng càng ngày càng tăng. Mặt ai cũng hầm hầm, hơi thở gấp gáp, nhiệt huyết lan cả qua làm tôi cũng hồi hộp theo.

Chưa kể tôi là người cuối cùng lên nói. Cả phòng gần ba chục người đổ dồn mắt về phía mình.

Khác với hôm ở lớp học, đa phần các bạn học chỉ nghe với trạng thái quan tâm nửa vời thì mọi người đều nghiêm túc đánh giá lập luận của tôi.

Run vờ lờ.

Vuốt ngực thở sâu một cái, tôi bắt đầu nói. Từ lúc đó cảm giác tôi không còn là tôi. Lên nói như một thằng chưa bao giờ được nói. 

“Nếu như bạn nói mỗi lần người ta đi khách mỗi ngày chỉ bốn trăm tới năm trăm ngàn. Vậy bốn trăm nhân bảy ngày là hai triệu tám. Nhân với bốn tuần rồi nhân với mười hai tháng, làm việc trong mấy năm liền, ôi trời phải hàng tỷ đủ tậu một con nhà rồi. Còn nếu như các bạn bảo như vậy không hợp với thuần phong mỹ tục nước ta. Tôi nói này, đàn ông cũng là con người, họ cũng có nhu cầu sinh lý của họ. Chúng ta cần phân định rạch ròi. Không nên đánh đồng thoả mãn nhu cầu sinh lý với người khác và sự không chung thuỷ. Đó là một loại hình dịch vụ không liên quan gì đến tình cảm gia đình. Tiền trao cháo múc, nền kinh tế hàng đổi hàng không liên quan tới giá trị nhân sinh…”

Thao thao bất tuyệt.

Tôi thề là chín mươi phần trăm những gì tôi phát ngôn đều hết sức ngu ngốc. Thật may là tôi cũng quá ngu ngốc để nhận ra nó ngu ngốc ngay lập tức.

Ấy vậy mà sau đó mọi người đều vỗ tay cười ha hả. Lần đầu tiên tôi đứng trước và tác động tích cực một lượng người đông như vậy.

“Nhiệt tình bảo vệ như này, Sơn là dân trong nghề đúng không?”

“Sơn ma cô!”

“Oi.”

Tôi không chắc về sự cồn cào trong lòng mình ngay lúc đó. Nó khác lạ và tôi chưa bao giờ thấy trước đây, nhưng sớm muộn tôi cũng nhận ra đó là niềm vui.

Anh chủ nhiệm nhận xét tôi là một đứa có logic và nói chuyện hài hước. Buổi tranh biện kết thúc và cả hội lôi ma sói ra chơi.

Tôi dần thấy thích thú với câu lạc bộ Debate.

#293

Có chuyện vui thì cũng có chuyện buồn.

Tất nhiên khi nhắc tới chuyện buồn, tôi không đề cập việc cá nhân mà là tới sự vụ của câu lạc bộ. Khi ở trong một hội nhóm nào đó, tình trạng chung sẽ ảnh hưởng lên từng cá nhân. Và khi nhắc đến chuyện buồn, tôi không đề cập tới khía cạnh buồn mà nên gọi nó là khó khăn thì đúng hơn.

Quen biết phó chủ nhiệm, tôi có thể tự tin nhận định Debate là câu lạc bộ nghèo nhất trường. Nhà trường không mấy mặn mà với Debate. Phần bởi đây không phải câu lạc bộ truyền thống như mấy bên khoa học, ca hát hay kịch nghệ. Phần khác là vì không đóng góp được gì cho trường (những cuộc thi mang tính văn hoá, thành tích hay những tiết mục biểu diễn đẹp đẽ…).

Cũng phải thôi, tại tài nghệ sáng giá nhất của mấy đứa là to mồm mà.

Hệ quả là ngân quỹ câu lạc bộ đã ít lại còn không được cấp phòng sinh hoạt cố định.

Thành thử mỗi lần sinh hoạt bọn tôi lại phải đau đầu chọn địa điểm. Không phải do quá ít mà là do quá nhiều. Chúng tôi phải sinh hoạt ở mọi nơi có thể, trong trường, công viên, quán KFC, nhà ai đó… 

“Nhà Sơn ma cô thì sao?”

Sớm muộn cũng đến phiên tôi được đề cập. Nhưng tôi chưa kịp trả lời thì anh Thắng đã xua tay.

“Từ đầu đã xác định là sẽ chỉ đến nhà thành viên chính thức để sinh hoạt nên thôi.”

Thật may là ổng nói đỡ cho. Tôi vốn cũng ngại mời mọi người tới nhà vì vài lý do cá nhân. Dù bất chấp thì tôi vẫn đồng ý thôi. Kiểu tỷ lệ miễn cưỡng so với tự nguyện vào cỡ sáu mươi bốn mươi vậy.

Vốn dĩ sau đó định chạy đi mua nước mời anh Thắng thay lời cảm ơn, mà ngẩng lên bỗng thấy ổng nháy mắt xong nói với tôi bằng giọng hết sức thân tình.

“Có em nào ngon nhường anh test trước là được.”

#294

Đầu giờ sáng chạy ra căng tin mua bánh mỳ, tôi vô tình chạm mặt một thành viên câu lạc bộ Debate.

“Chiều nay sinh hoạt ở đâu nhỉ?”

“Hình như là quán KFC.”

“Tuần rồi chỉ toàn thấy chơi ma sói thì phải?”

“Nghe nói là để đổi không khí.”

“Ok.”

Dứt lời hai bên chào nhau. Rồi lại ai đi đường người nấy.

Hoạt động câu lạc bộ giúp tôi làm quen biết rộng hơn mình nghĩ. Chưa kể mọi người thuộc niên khoá và lớp học khác nhau nên thời gian biểu khá đa dạng. Cảm tưởng tôi cứ đi vòng quanh sân trường một chút là sẽ gặp người trong câu lạc bộ.

Thông thường các cuộc chạm mặt sẽ khởi đầu và kết thúc bằng cái gật đầu hay vài lời hỏi thăm đơn giản, đôi khi là trao đổi thêm chút đỉnh, nhưng không bao giờ nhiều hơn thế. Ban đầu tôi cũng quan niệm ai làm việc người nấy nên coi đó là chuyện bình thường.

“Hôm nay ông có đi sinh hoạt không?” Lại là cậu bạn tôi chạm mặt ở căng tin, nhưng là tuần sau đó.

“Tôi có. Ông thì sao?”

“Tôi đang tính.” Cậu ta trầm ngâm đáp.

Xong cả hai chào tạm biệt nhau.

Chiều hôm đó tôi không thấy cậu ta xuất hiện ở câu lạc bộ. Và cả những ngày sau đó nữa.

Không ai đề cập hay bày tỏ thái độ gì về chuyện đó nên tôi cũng mặc nhiên để nó khỏi suy nghĩ.

Thế nhưng thời gian trôi qua và số người thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt câu lạc bộ càng ngày càng giảm. 

“Anh nghĩ đó là điều tất yếu sẽ xảy ra.” là những gì anh Thắng nói khi tôi đề cập tới việc trên.

“Đây là câu lạc bộ tranh biện. Hiển nhiên nhiều người vào đây vì muốn học được kiến thức tranh biện, nhưng sự thực là nhiều người cũng vào vì muốn làm quen được nhiều bạn, muốn được vui.”

“Ra là tận hưởng thanh xuân.” Tôi nói.

“Chính là tận hưởng thanh xuân.” Anh Thắng đáp “Bởi vậy ban chủ nhiệm câu lạc bộ phải cố gắng dung hoà nó. Vừa tạo liên kết vui vẻ nhưng cũng phải cung cấp kiến thức tranh biện.”

Ra đó là lý do có những lúc tôi thấy câu lạc bộ chỉ toàn chơi và có lúc lại nghiêm túc suốt ngày chỉ Debate.

Trông hoàn toàn bình thản, anh Thắng lại tiếp tục giải thích như thể thứ đang được bàn không liên quan gì tới mình.

“Việc rơi rụng cũng dễ hiểu. Có thể vì bạn ấy trầm nên khi mới vào không thể làm quen được ai hay là không quen được với hội của mấy đứa sôi nổi, hay chơi. Hoặc có thể bạn ấy không học được gì nhiều về tranh biện hoặc không còn hứng thú với Debate nữa.”

Ra vậy, tôi hiểu rồi. Nhưng tôi vẫn thắc mắc thêm một điều nữa.

“Nhưng khi mấy bạn như vậy rời đi rồi thì sẽ còn những người thực sự gắn bó với câu lạc bộ. Lúc đó chắc là sẽ ổn định nhỉ?” 

“Mọi chuyện sẽ còn đi xuống.” Anh Thắng nhìn tôi lắc đầu, nói bằng giọng chắc nịch “Chắc chắn nó sẽ đi xuống.”

#295

Và nó đi xuống thật.

Nó đi xuống bằng sự kiện anh chủ nhiệm thông báo từ chức diễn ra hai tháng sau khi năm học mới bắt đầu.

Bản thân việc này diễn ra rất tự nhiên. Anh cũng lớp mười hai rồi và cần tập trung cho kỳ thi đại học. Việc thay đổi ban chủ nhiệm theo đúng quy trình và năm nào cũng diễn ra. Lớp mười hai rời đi và thành viên mới gia nhập. Không có gì bất ngờ về nó. 

Cho tới khi cả các anh chị lớp mười một cũng đồng loạt thông báo nghỉ hoạt động.

Tôi lại đi hỏi anh Thắng về hiện tượng này. Đôi khi tôi tự hỏi mình hứng thú với câu lạc bộ hay là những việc diễn ra trong nó hơn. Có lẽ tôi cũng sở hữu máu ngồi lê đôi mách chăng?

“Chú thấy anh chủ nhiệm có ngầu không?”

Câu hỏi kỳ lạ. Tôi trả lời có. Nhà giàu, học lực tốt, kiến thức tranh biện chắc chắn, thông thái, tự tin, vốn sống dồi dào nhưng lại rất hoà đồng, ăn nói khéo léo, anh chủ nhiệm là tuýp soái ca mà ai ai cũng muốn làm bạn. 

Giờ nghĩ lại người đâu hoàn hảo hết phần thiên hạ.

Nói cách khác nhiều người cũng do bị hào quang của anh ấy thu hút nên mới vào câu lạc bộ. 

“Đúng vậy.” Anh Thắng gật đầu nói tiếp “Anh chủ nhiệm vốn dĩ chính là hạt nhân của câu lạc bộ, chất keo gắn kết rất nhiều thành viên. Khi ổng nghỉ, nhiều người mới nhận ra là bản thân không có nhiều liên kết lắm với các thành viên còn lại. Chỉ thân với mỗi anh chủ nhiệm nên tự dưng thấy mình thành người thừa. Hơn nữa ổng vốn là người truyền kiến thức chính cho các thành viên mới. Giờ nghỉ rồi, tất nhiên có người sẽ cảm thấy không còn kiến thức hay để học.”

Thế giới này thật phức tạp. Cho dù là một câu lạc bộ nhỏ tại một trường cấp ba không nhỏ lắm thì cũng có bao thứ để nói.

Với tôi những lời anh Thắng nói đều lắng nghe, nhưng dù đa phần là tiêu cực, tôi không thực sự cảm thấy gì ngoài nghĩ rằng đó là câu chuyện hay.

Tôi tò mò và thích nghe kể chuyện. Vậy thôi.

Hơn nữa tôi chưa phải thành viên chính thức, nội tình câu lạc bộ vốn không đến lượt tôi động vào. Thế mà anh Thắng vẫn nhiệt tình giảng giải, tôi âu cũng có chút cảm kích.

Thời điểm đó nếu anh Thắng hỏi tôi muốn gia nhập câu lạc bộ hay chưa, khả năng cao tôi sẽ gật đầu. Chí ít tôi cảm thấy ở chung một phòng với con người này không tệ. Một người đáng để tôi dành thời gian ra.

Chuyện chắc chắn sẽ là vậy.

Thế rồi tôi gặp Anh Ly.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận