Không Có Từ Trắc Học Tại...
Mèo Cay Am0urir; Cá Cơm; Zuki; Zen Ava
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Xin chào 306. Tạm biệt 306.

74 Sơn 20 - Khi tranh luận không được giận dữ

2 Bình luận - Độ dài: 2,512 từ - Cập nhật:

#288

Nói về anh Thắng chủ nhiệm, lần đầu tiên tôi gặp ổng chắc là ngày đi học thứ hai sau buổi khai giảng đầu năm lớp mười. Tôi nghĩ thế, tại trước đó cũng có đến trường để tham gia một số hoạt động tham quan rồi nhưng không có ấn tượng về con người này.

Lúc đó tuy là giờ ra chơi và lớp tôi vẫn khá mới mẻ với nhau nên thay vì chạy ra căng tin hay tản mát khắp trường thì gần như cả bọn đều ở lại lớp để làm quen. Phải rồi, những buổi đầu thơ ngây. Tôi dám chắc là tám mươi phần trăm mấy đứa tán chuyện nhau đầu tiên sau ba năm đều không phải bạn bè thân thiết gì. Tại vì tôi cũng… Mà thôi, quay lại với câu chuyện đang kể.

Túm lại chuông hết tiết vang lên chưa được lâu thì bỗng cả một bầu đoàn thê tử xông vào lớp, dẫn đầu là một ông gầy như que tăm và cao như cái xào. Nhìn từ xa dễ khiến người ta tưởng là nghiện, nhìn gần thì chắc chắn là nghiện.

Xin giới thiệu, đó chính là anh Thắng.

“Anh xin tự giới thiệu. Anh tên là Thắng.”

Mặc cho vẻ ngoài ất ơ, ổng giới thiệu khá gãy gọn thuần thục. Cử chỉ tay đưa đi đưa về khá bài bản và tự tin. Chỉ có điều…

“Anh là phó chủ nhiệm câu lạc bộ Debate trường mình. Hôm nay đến để giới thiệu với mọi người về câu lạc bộ.”

Phải, câu lạc bộ Văn học thường thức không phải câu lạc bộ đầu tiên và duy nhất của anh Thắng. Trái lại, câu lạc bộ Debate trường Cựu Bảo An đã từng tham gia vào cuộc thi tranh luận sóng truyền hình. Danh tiếng là có nên bảo đây mới là địa phận chính của anh Thắng mới đúng.

À phải, ở thời điểm này thì phòng 306 vẫn còn bỏ trống. Tôi nhắc vậy.

“Vậy chắc mọi người cũng nắm được cơ bản về Debate rồi nhỉ?”

Tôi mải đọc truyện nên từ phần này về trước không nghe gì. Chỉ biết có câu lạc bộ tới quảng bá với chiêu mộ thành viên thôi.

“Chỉ có lý thuyết suông thì chắc hơi khó hiểu.” Anh Thắng vỗ tay “Hay lớp mình thực hành Debate luôn nhỉ?”

Bên dưới im ắng như tờ. Nhưng vì tất cả vẫn hướng mắt lên bục giảng lắng nghe nên tôi nghĩ mọi người ngại gây sự chú ý chứ không hẳn là không có hứng thú.

Sau đó theo chỉ dẫn lớp tôi được chia làm hai pha trái và phải theo vị trí ngồi.

“Vậy chủ đề của chúng ta sẽ là: Giáo dục giới tính là cần thiết.”

Ôi tuyệt, còn gì tuyệt vời hơn bắt đầu buổi sáng thứ hai bằng một chủ đề nhạy cảm như giáo dục giới tính cơ chứ?

“Đội bên phải sẽ có nhiệm vụ bảo vệ ý kiến này. Còn đội bên trái có nhiệm vụ phản bác nhé.”

Chết tiệt. Tôi ở đội bên trái.

#289

Bạn có nghĩ giáo dục giới tính là cần thiết không?

Ở các nước phương Tây văn minh đều coi giáo dục giới tính là điều đúng đắn cho trẻ vị thành niên. Người lớn mà tôi biết cũng nghĩ nó cần thiết, tốt cho thế hệ trẻ. Ở chiều ngược lại không ai chỉ trích giáo dục giới tính như một thứ hành vi đáng bài trừ. Đôi khi ta vẫn nghe rao giảng trên báo đài về vấn đề này từ những giáo sư, tiến sĩ hay nhà giáo dục đầu ngành với giọng điệu tích cực. Ngay cả tôi cũng phần nào mường tượng được lợi ích mà nó đem lại cho cá nhân nói riêng và xã hội nói chung.

Cho nên dù chưa thực sự suy nghĩ kĩ càng, tôi cũng có thể tự hiểu giáo dục giới tính là cần thiết. Nó là vấn đề không cần bàn cãi. Khó mà bàn cãi khi mà số đông đều đã công nhận. 

Ý tôi là, tới thời điểm này, chẳng phải đó đã là sự thật hiển nhiên hay sao?

Giờ bắt tôi ở bên bảo vệ cho nhận định giáo dục giới tính là không cần thiết, nghĩ thế nào cũng thấy khó lòng đưa ra một ý kiến hợp lý, nếu không muốn nói là phản xã hội.

Anh Thắng chỉ vào đồng hồ trên tay, nói.

“Mọi người dành ra một phút suy nghĩ rồi chúng ta bắt đầu nhé.”

Tôi ngó qua bên, mấy đứa xung quanh tôi đều bĩu môi với lắc đầu, tóm lại là làm vẻ mặt buông xuôi. 

Chẳng hiểu sao thấy cảnh đấy tôi tự dưng thấy có chút hứng thú thể hiện.

Dù sao thử cũng không mất gì. Tôi bèn nhắm mắt lại suy nghĩ.

Vốn dĩ từ đầu tại sao người ta lại phải giáo dục giới tính…

“Hết một phút rồi.” 

Tuy gầy nhỏng, nhưng phổi anh Thắng thì dung tích có vẻ lớn hơn vẻ ngoài của nó. Giọng anh vang khắp phòng học.

“Giờ thì ai có ý kiến nào để bảo vệ cho nhận định của bên mình rồi thì giơ tay lên phát biểu cho mọi người cùng nghe nhé. Có bạn sẽ ghi lại nhận định các em lên bảng.”

Không nằm ngoài dự đoán, phe bảo vệ tràn lên như vũ bão. Hết người này tới người khác giơ tay. Phần bảng bên bảo vệ cứ kín dần trong khi phía bên kia thì trống trơn. 

“Phòng ngừa bạo lực giới.”

“Tránh mang thai ngoài ý muốn.”

“Cải thiện kiến thức xã hội, cảm xúc.”

“Tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tính dục.”

Và nhiều hơn thế nữa.

Phe phản đối im re. Nếu thắng thua được phân định bằng số gạch đầu dòng thì phe tôi thua đứt đuôi con nòng nọc rồi còn gì.

“Không nhẽ các bạn bên phe phản đối không nghĩ ra được gì ư? Mạnh dạn lên nào các bạn ơi.”

Tôi có nghĩ ra vài ý. Mà nghe nó khá là ngu tại vì thiếu cơ sở lập luận và dữ kiện. 

“Ngay cả khi ý kiến có tệ đến đâu. Miễn là mọi người nghĩ ra thì đều có thể phát biểu. Chúng ta đâu có mất gì đâu.”

Tôi ngẩng lên thấy anh Thắng đang nhe răng cười. Ánh mặt hai bên chạm nhau một khắc. 

Vậy đấy, tôi quyết định giơ tay.

“Đây rồi. Mời bạn nam ngồi cuối!”

Cả lớp quay xuống nhìn. Những ánh mắt thích thú. Những ánh mắt hoài nghi. Những ánh mắt tò mò. Tôi bỗng thấy hơi khớp, mà lỡ phóng lao rồi.

“Em nghĩ giáo dục giới tính là không cần thiết là vì… ờm… Các cụ ta bao đời nay có biết giáo dục giới tính là gì đâu mà vẫn giờ chúng ta vẫn đứng đây đấy thôi. Thế giới vẫn hoạt động bình thường từ trước khi con người biết tới giáo dục giới tính là gì.”

Cả lớp tôi im lặng. Làm tôi tưởng mình vừa nói gì úng não lắm. 

“Một ý kiến rất hay!”

Anh Thắng reo lên. Và giờ thì lớp tôi mới rì rầm. Đứa ngồi cạnh huých hông tôi trầm trồ. Thế rồi bên phe tôi bắt đầu xuất hiện vài cánh tay khác. Đều là những phát biểu nghe khá lủng củng và yếu, nhưng thoạt nghe thì không hề vô lý.

Cuộc tranh luận trở nên sôi nổi hơn cũng nhờ đó. Mọi thứ kéo dài tới ngay trước khi chuông báo vào tiết vào lên. Nhìn lại kết quả, tất nhiên phe phản đối thua về cả số lượng lẫn chất lượng ý kiến. Nhưng chí ít bọn tôi không bỏ cuộc và tham gia tới cuối nên cảm giác những gì vừa trải qua không hề nhàm chán.

Nó vui. Trên phương diện nào đó, tôi nghĩ nó vui.

Anh Thắng và mọi người ở câu lạc bộ Debate phát kẹo cho lớp tôi, nhắc lại vài lời mời tham gia câu lạc bộ cuối rồi rời đi.

Sau đó thì lớp tôi được làm quen với vài thầy cô mới, có vài hoạt động giới thiệu. Và rồi là chuông tan trường.

Ngày đi học thứ hai của tôi tựa chung là gói gọn trong từng đó thứ.

Đó là nếu như lúc tôi xách cặp ra về, vừa ra cửa lớp thì bị ông anh nghiện, à nhầm, nhìn như nghiện ban sáng vỗ vai gọi lại.

“Rảnh không? Trà chanh không?”

“Em không rảnh lắm.” Tôi cẩn trọng đáp.

“Anh mời.”

“Nhưng cũng không bận.” Tôi cẩn trọng đáp.

#290

Gần trường Cựu Bảo An có một con dốc. Dưới chân con dốc có một quán trà nhỏ. Quán trà nhỏ có tên Cá Heo Xanh. Trong quán Cá Heo Xanh có tôi và anh Thắng đang ngồi uống trà ở cái bàn vuông sát cửa sổ. Ngoài ra còn có một nhóm học sinh lớp sáu đang ngồi ăn khoai chiên ở bên cạnh.

“Túm lại là anh muốn mời chú vào câu lạc bộ Debate.” Anh Thắng không vòng vo, ném bóng thẳng luôn.

Tôi vuốt mấy giọt nước bám trên thành cốc trà chanh. 

Theo như giải thích, có vẻ anh Thắng nhìn thấy tiềm năng trở thành Debater giỏi ở tôi. Tự tin nhanh nhạy gì gì đó, nói chung toàn mấy lời khen ngợi. Tôi nhận.

Cơ mà về lời mời gia nhập của ảnh thì…

“Em khá ngại tham gia câu lạc bộ.” Tôi nhún vai đáp.

Tôi thường nghe nói hoạt động câu lạc bộ ngốn kha khá thời gian và tâm sức. Trường Cựu Bảo An vốn là trường top nên học hành không phải nhẹ nhàng như chơi. Chưa kể tôi còn khá lười. Nhân tiện lười là lý do phụ thôi.

“Hay là chú không thích Debate?” 

“Em cũng chưa biết Debate cụ thể là như nào nên khó lòng mà nói là thích hay không thích được.” 

Hớp một ngụm trà, anh Thắng chợt đổi chủ đề.

“Sơn phải không nhỉ? Trong ba năm cấp ba tiếp theo, Sơn có mục tiêu hay dự định gì chưa?”

Tôi ngẫm nghĩ chút rồi đáp.

“Chắc là em học hành điểm số ở mức ổn xong rồi thi đỗ đại học trường ngon thôi.” 

Tôi nghĩ đây là câu trả lời tiêu chuẩn cho bất cứ đứa học sinh cấp ba nào. Chứ không thì đi học làm gì?

“Không có tận hưởng thanh xuân hay gì à?” Giọng thần bí, anh Thắng hỏi.

“Tận hưởng tuổi trẻ? Em nghĩ là cũng có.”

Nhưng nó khá trừu tượng phải không? Cái thứ gọi là thanh xuân mà ai ai cũng thần tượng như kiểu đó là điều tuyệt nhất trong cuộc đời một cá nhân.

“Thế chú định tận hưởng tuổi trẻ chỉ thông qua học hành à?”

Ra vậy, tôi hiểu lão tiền bối đối diện mình đang định làm gì rồi. Không hổ danh phó chủ nhiệm câu lạc bộ có tiếng của trường, rất gian manh.

Tôi khẽ cười thầm, tự cảm thấy con người này khá là thú vị. Vả lại có lẽ tôi cũng có chút hứng thú với chủ đề đang nói nên có thể thoải mái trình bày những gì mình đang nghĩ.

“Em nghĩ cái thứ được gọi là thanh xuân vốn đặc biệt vậy là bởi nó gắn liền với những cảm xúc mãnh liệt đầu tiên trong cuộc đời một người. Cảm giác thành công hay thất bại, cố gắng hết sức làm gì đó hay vô cùng phiền não về một vấn đề, hay yêu và được yêu cuồng nhiệt. Nó mới mẻ, nó mãnh liệt và trên hết là nó khó có thể lặp lại lần nào nữa.”

Nghe tôi nói, đôi mắt anh Thắng sáng lên.

“Cũng đúng. Ý Sơn là sao?” Anh giục.

Quả là thật khó từ chối khi có một khán giả chăm chú và thích thú với lời mình nói ra tới vậy.

“Thì nếu được em cũng muốn yêu thử cho biết.”

“Haha từng này tuổi đầu chưa có bạn gái.”

Tôi đứng dậy.

“Chị chủ quán ơi tính tiền cho bọn em với ạ.” 

“Ấy bình tĩnh, gì căng. Có gì mình giảng hòa.” Anh Thắng kéo tay tôi ngồi xuống, đoạn lịch thiệp lấy giấy lau chỗ nước dính trên bàn phía tôi, tha thiết hỏi “Vậy coi như tận hưởng thanh xuân của chú là bằng kiếm được cô bạn gái đi phải không?”

“Và điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được qua việc học.” Tôi trề môi đáp “Ví dụ giờ anh học rất giỏi, rất ok. Xong rồi có một bạn nữ xinh đẹp, đáng yêu gặp rắc rối với bài tập chẳng hạn, thế là anh ra giúp đỡ người ta học tập chẳng hạn. Vừa tài giỏi vừa tốt bụng, kiểu gì bạn nữ cũng có cảm tình. Những buổi học nhóm càng ngày càng trở nên thân mật. Ban đầu chỉ là vì ngồi gần nhau nên lỡ động tay nhau. Xong rồi từ lầm lỡ trở thành cố tình. Mà người ta bảo cầm được tay là day được…”

Chị chủ quán ho hắng nhẹ từ phía quầy.  

“Đại loại vậy.” Tôi chỉnh lại cổ áo như một quý ông.

Anh Thắng lắc đầu nhìn tôi, trên môi không giấu nổi nụ cười.

“Quả nhiên anh thấy chú rất là thú vị Sơn ạ. Dù cũng phải nói câu lạc bộ Debate bọn anh đâu thiếu các bạn nữ cho chú tán đâu.”

“Thật?”

“Thật.”

“Thế thì anh làm em phải cân nhắc rồi đấy.” Tôi gãi cằm “Nhưng mà em vẫn chưa biết mình có thích Debate hay không. Nếu chỉ vì muốn có bạn gái mà gia nhập câu lạc bộ thì chẳng phải câu lạc bộ ca hát hay nhảy múa sẽ tốt hơn à?”

Điều đó không làm anh Thắng e ngại. Trái lại anh hào hứng đáp như thể đã chuẩn bị sẵn câu trả lời.

“Ồ vậy bây giờ thế này thì sao? Anh sẽ để chú hoạt động như một thành viên không chính thức của câu lạc bộ trong một thời gian, khoảng hai tháng. Đến hay đi là tùy ý chú, chú không có trách nhiệm phải làm gì cả nhưng vẫn có thể tham gia các hoạt động như một thành viên chính thức. Xong rồi sau đó biết rằng mình có thích hay không thích Debate rồi thì quyết định gia nhập cũng chưa muộn.”

Xe cộ vẫn chạy ngoài đường. Gợi ý của anh Thằng, tôi đã nghe và hiểu. Ý kiến không tồi. Thử cũng không mất gì. Tôi ngẫm nghĩ một đoạn rồi gật đầu.

“Tốt, lùa gà thành công.”

“...”

Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

có một đoạn lẫn lộn "cá voi xanh" và "cá heo xanh"
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
TRANS
Hehe cảm ơn crow
Xem thêm