• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Oneshot

Gió

0 Bình luận - Độ dài: 14,857 từ - Cập nhật:

“Chuyện gì đã xảy ra với kẻ đi tôn thờ gió?” Tiếng người tổng biên tập vang lên ở phía đầu dây bên kia, giọng nói đầy hào hứng. “Đó là tiêu đề tôi muốn cô đặt cho bài viết này.”

Rồi anh ta cúp máy.

“Kẻ đi tôn thờ gió?” Người lái xe ngạc nhiên. “Đó là một biệt danh à?”

“Phải.” Tôi cất điện thoại vào túi xách, mắt lại hướng nhìn qua ô cửa xe mờ đục. “Đúng hơn là một bút danh của người viết truyện.”

“Họ bảo cô tới tận đây để tìm người này sao?” Ông ta hít sâu điếu thuốc rồi vứt xuống lòng đường, hai tay siết chặt vô lăng để chuẩn bị tinh thần cho quãng đường đèo trước mặt. “Không thể tin được ở cái vùng khỉ ho cò gáy này lại có người làm nên chuyện.”

Tôi mỉm cười, không đáp, tay chống cằm nhìn khung cảnh núi rừng trùng trùng điệp điệp dần xuất hiện sau những rặng cây. 

***

“Kẻ đi tôn thờ gió” trong tâm thức của tôi, giống một vị cư sĩ ẩn mình trên núi cao, ngày qua ngày tức cảnh thiên nhiên mà mặc sức phóng bút. Có thể đó là một chàng trai trẻ tuổi, giàu cảm hứng sáng tác, nhưng cũng có thể là một ông lão già nua. Có một điều tôi biết chắc rằng, đây chắc chắn không phải người dân bản xứ, không phải những con người lam lũ ở ruộng nương mà tôi đã trông thấy dọc hai bên đường.

“Kẻ đi tôn thờ gió” không phải một trong số họ, cũng như không phải một trong số chúng tôi. Người này chỉ đơn giản là… 

Khác biệt.

...

Xe chúng tôi dừng lại ở một bản nhỏ. Khung cảnh làng xóm tiêu điều hiện ra trong sương sớm. Một vài ngôi nhà lụp xụp nằm lặng lẽ giữa góc trời gió lộng. Những cọng tranh lợp mái khẽ phất phơ. Mùi khói bếp len lỏi qua giữa chúng, và cả những sợi tóc đang tung bay miết vào hai bên gò má tôi. Chúng đang muốn trốn thoát khỏi tôi, trốn thoát khỏi chiếc xe hay bất cứ thứ gì vốn đã thuộc về nền văn minh tân tiến - giống như một phần ý nghĩ của tôi lúc này.

Những đứa trẻ với đôi mắt to tròn dõi theo tôi kể từ khi bước xuống xe. Chúng hoặc ôm cột ngoài hiên, hoặc ngồi ở bậc thang phía trước nhà, với vẻ ngoài rách rưới, bẩn thỉu, da dẻ nhợt nhạt và mặt lúc nào cũng lấm lem nước mũi, nước dãi và đất cát. Chúng ở đó và chờ đợi. Tôi mường tượng ra cảnh những ánh mắt ngây dại dõi theo chiếc xe khi còn là một chấm nhỏ bé tí tẹo trên con đường tít tắp xa, cho tới khi nó thành một cái hộp to lớn, sang trọng và bóng bẩy nằm giữa những cái đơn điệu, cái buồn tẻ, cái nghèo đói của nơi này.

Chúng đã chờ một thứ tình thương nào đấy, tình thương tới từ một miền đất xa lạ nơi chúng biết nó luôn đầy ắp và tràn ngập. Nhưng giờ thì, lòng kiên nhẫn bên trong những đứa trẻ này ngày càng mủn dần đi khi chúng phát hiện trong túi chỉ là những đồ nghề phục vụ cho việc quay phim, thay vì là quần áo, thức ăn, thuốc men, sách vở hay bất kỳ một món quà nào khác.

“Đây có lẽ là một trong những bản nghèo nhất ở vùng này.” Người lái xe châm điếu thuốc thứ hai sau khi bước xuống. “Khá thích hợp để cô làm phóng sự đấy.”

“Vâng.” Tôi kiểm tra thật kỹ đồ của mình trước khi đi tiếp.

“Lịch trình của chúng ta thế nào nhỉ?” Người lái xe quay ra nhìn tôi. 

“Ừm…” Tôi ngập ngừng. “Ta sẽ ở lại đây một đêm. Xin ở trọ lại nhà của một người trong bản, cho họ một ít tiền. Nếu may mắn, “Kẻ đi tôn thờ gió” sẽ mời chúng ta ở lại nhà. Đó cũng là điều tôi mong muốn, bởi, phóng sự là phải khắc họa được đời sống chủ thể một cách gần gũi nhất.”

“Người này không có tên sao?” Ông nhăn mặt. “Cái bút danh bắt đầu làm tôi thấy ớn rồi.”

“Không.” Tôi đáp. “Chúng tôi hầu như không có một chút thông tin cá nhân nào cả.”

“Vậy làm sao cô biết mà tới đây?”

“Vì truyện của anh ta…” Tôi ngước mắt lên. “Anh ta liên tục nhắc tới miền đất này, miêu tả cảnh quan của nó kỹ lưỡng. Đây là nơi mà anh nói rằng đã “hằng mong ước”, là nơi linh hồn anh gửi gắm vào nó. Quả thực lần đầu đến đây, trí tưởng tượng trong tôi mới vỡ lẽ ra hình hài thực của từng sự vật một. Đó là con đường, là ngôi nhà, là rừng cây và những đứa trẻ, những hình ảnh đã khiến người đọc mê mẩn qua từng trang truyện. Nhưng thực tế thì...”

Người lái xe dường như nhận ra một nét gì đó khang khác trên gương mặt tôi, ông thoáng nhìn trong khi hút thuốc rồi lại quay đi.

...

“Vậy, nhà anh ta ở đâu?”

Chúng tôi bước đi trên con đường làng nhỏ. Người lớn ở đây đều đã đi làm hết. Giữa một vùng không gian vắng lặng tràn ngập làn sương mờ ảo, tôi và người lái xe giống như hai nhà thám hiểm đang du hành vào vùng đất nơi chỉ còn là những tàn tích cổ xưa. 

“Nơi cao nhất.” Tôi nói. “Nơi có tầm nhìn bao trọn cảnh vật của vùng trũng dưới kia. Tôi nghĩ đó là một ngôi nhà gỗ khang trang, hoặc chí ít cũng phải nhà sàn...”

“Ở đây không có chỗ nào như thế đâu.” Người lái xe lắc đầu, những ngón tay thô ráp siết chặt quai túi khi leo lên con dốc. “Nằm cao nhất chỉ có trường học thôi.”

Tự dưng tôi thấy một điểm sáng xuất hiện khi nghe hai chữ “trường học”. Và bắt đầu theo sau chúng tôi là đám trẻ nhỏ. Đi được một quãng men theo sườn núi, khi làn sương dần tan mất và mặt trời ló rạng, cuối cùng chúng tôi cũng tới được ngôi trường làng.

“Cô có chắc là anh ta ở đây không?” Người lái xe lại hỏi.

“Tôi…”

Ánh mắt tôi nhìn vào một đám trẻ đứng xếp hàng trước một khoảng sân rộng được bao xung quanh bởi những khóm cây dại. Có một con đường đi tiếp nữa, nhưng có lẽ tôi đã tìm được đúng nơi rồi.

“Những đứa trẻ…” Miệng tôi khẽ nói. “Đó là những thiên thần nhỏ xinh đẹp, những sinh linh mang trong mình tâm hồn thanh khiết nhất. Ấy vậy mà cái hồn nhiên, cái khờ dại lại khiến ta dễ dàng rẻ rúng với những bản thể này. Ẩn chứa bên trong những đôi mắt nhỏ nhắn kia là cả một tâm hồn dễ bề rung động, sự phản ánh một thế giới rất khác, giống như cảm quan Adam và Eva lần đầu tiên được đặt vào vườn Địa Đàng vậy.”

“Cô nói gì cơ?” Người lái xe ngạc nhiên. 

“À.. không có gì…” Tôi nói, mặt hơi cúi xuống. “Đó là trích dẫn trong truyện của anh ta.”

“Anh ta?” Người lái xe cười. “Có lẽ cô có chút nhầm lẫn về người mà mình sẽ tìm đấy.” Ông chỉ tay về phía trước.

Tôi ngạc nhiên ngước lên. Đập vào mắt tôi là cả một hàng dài những gương mặt của đám học sinh đang nhìn mình chăm chăm. Và ở phía trước chúng, một người đàn ông ăn mặc nghiêm chỉnh cũng đang trông lại chúng tôi, ánh mắt nheo lại phía sau cặp kính lão. Đó là một thầy giáo đã có tuổi, tóc bạc phơ, người gầy gò. Đôi bàn tay ông cầm một cuốn tập mỏng khẽ buông thõng.

“Chào thầy, thật vinh dự cho tôi…”

“Ngồi xuống đi. Thứ lỗi cho tôi vì đã không chuẩn bị nước trà.”

“Không sao đâu ạ.”

Tôi bước vào lớp học. Một gian nhà rộng rãi, nền đất ẩm thấp, mùi gỗ mốc bốc lên. Những tiếng kêu cọt kẹt không chỉ do gió thổi bên ngoài, mà còn cả do mối mọt đang khoét dần khoét mòn từng khung cửa, chiếc cột. Bốn bức tường chỉ là bốn tấm bạt được giăng ra, phủ bên trong vách đất.

Cuốn sổ nhỏ người thầy khẽ đặt xuống bàn. Tôi để ý thấy đó là danh sách tên những học sinh ở đây, được ông kẻ ô và trình bày tỷ mỷ, mà nếu nhìn qua thì ai cũng nghĩ nó được in ra chứ không phải viết tay.

“Xin phép thầy…” Tôi nói. “Cho tôi hỏi, thầy có phải người đã viết truyện cho báo này không?” Tôi rút trong túi ra một tờ báo nhàu rồi mở nó ra trước bàn. “Bút danh này, nó là của thầy chứ?” Ngón tay tôi khẽ rê tới mục truyện ngắn.

“Phải.” Người đối diện đáp bằng giọng ôn tồn.

Khó có thể diễn tả được sự sung sướng trong tôi lúc này. Tim tôi đập nhanh hơn, và tôi tự dưng thấy hồi hộp không biết phải nói gì nữa, cứ như được gặp lại một người thân lâu ngày xa cách vậy. Tôi cứ dán mắt xuống dưới mà không dám nhìn lên, có một điều gì đó thôi thúc tôi mỉm cười. Những con chữ phía trước mặt tôi như đang nhảy múa khi tìm được chủ nhân của chúng. Và đầu ngón tay tôi khẽ vỗ vỗ nhẹ xuống mặt bàn trong vô thức như thể bắt chúng phải lặng yên.

“Tôi... là phóng viên của tòa soạn báo này.” Tôi ngập ngừng. “Cho phép tôi được làm phóng sự về thầy được không ạ?”

“Vâng.”

Tôi ngước lên, trông thấy đôi mắt ông hướng ra phía khoảng sân, nơi đám trẻ đang chơi đùa với người lái xe. 

Tôi quan sát gương mặt người thầy, bên dưới mái tóc bạc là vầng trán rộng với những nếp hằn sâu, lông mày thẳng và bọng mắt to cùng vết chân chim nơi khóe mắt, tất cả chúng đã làm hoàn thiện nên một đôi mắt đầy ưu tư. Sức nặng của cặp kính đã ấn lõm hay bên sống mũi chỗ nó tỳ vào, mà chốc chốc ông lại bỏ kính ra, bóp nhẹ cho nó đỡ hằn vết. Ông không để râu, hàm răng còn chắc và giọng nói vẫn còn khá trong trẻo. Tôi cảm nhận được một sức sống tươi trẻ vẫn đang tồn tại bên trong con người này, nhất là khi những câu chuyện mà ông viết đã khiến tôi lầm tưởng đây là một người còn đang độ thanh xuân.

“Phải nói rằng, không chỉ có tôi mà những người ở tòa soạn rất ấn tượng với các truyện ngắn của thầy, có rất nhiều thư của độc giả muốn chúng tôi thực hiện một buổi nói chuyện với “Kẻ đi tôn thờ gió”. Thực sự lúc đầu chúng tôi không thể tìm được thông tin của tác giả, thầy biết đấy, tất cả những gì chúng tôi biết đó là nickname email, hay chính là bút danh này. Hôm nay, thật vinh dự không chỉ cho tôi, mà còn với hàng triệu những người yêu văn học khác như đang nín lặng quanh đây để lắng nghe những chia sẻ tới từ thầy…”

Bỗng nhiên người thầy giáo quay ra và nhìn thẳng vào mắt tôi.

“Nói tôi nghe, cô đã đọc bao nhiêu truyện của tôi rồi?”

“Tất cả.” Tôi đáp.

“Và cô thấy thế nào về tác giả?”

Tôi có phần bối rối trước câu hỏi của ông. Thực sự những kiến thức trong nghề không đủ để tôi dễ dàng tìm hiểu về một người đã thấm nhuần văn học thuần túy. “Kẻ đi tôn thờ gió” luôn thấu hiểu suy nghĩ của bất cứ ai, và đọc vị được từng diễn biến nhỏ nhất không chỉ trong lời nói mà còn trong cả ngôn ngữ không lời.

“Khác biệt.” Tôi đáp.

“Một ông già với ngôi trường nhỏ và ở xung quanh là đám trẻ vắt mũi chưa sạch, đó có phải sự khác biệt mà cô trông thấy không?” 

“Còn hơn thế. Thầy đã viết nên thứ văn chương mà được đánh giá là “dòng chảy kiết xuất từ tâm hồn”, trong khi những người viết khác chỉ đang cố gắng sắp đặt câu chữ sao cho chạy, cài cắm hình ảnh ẩn dụ mang tính chất đánh đố, khuấy động những loại xúc cảm đơn điệu để tạo lập những câu chuyện chỉ có một màu.”

“Ít nhất họ đã tự viết nên câu chuyện của chính mình còn gì.” Người thầy nghiêng đầu. “Cô thấy đấy, xuất phát điểm của tôi chỉ là một thầy giáo dạy văn. Cái đam mê của tôi cũng như bao người khác, làm sao có thể coi tôi khác biệt với những người khác khi viết đây?”

“Tôi cũng tò mò hoàn cảnh của thầy. Không quan trọng việc thầy tự thấy mình là một người bình thường ra sao, nhưng trước những tác phẩm thầy viết, tôi tin chắc rằng câu chuyện của thầy rất đáng để nghe.”

“Câu chuyện của tôi ư?”

“Đúng vậy.” Tôi nói. “Thầy đã không gửi bài khoảng vài tháng nay. Một số người nghĩ rằng thầy đã dừng viết, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn có niềm tin rằng thầy vẫn còn điều gì đó chưa kể hết.”

“Chẳng giấu gì cô.” Ông mỉm cười. “Trước đây tôi vốn không phải người vùng này. Số phận đã đưa đẩy tôi tới đây, như con thuyền lênh đênh trên sóng nước mà tìm được bến đỗ của cuộc đời. Cô biết không, tôi bỏ lại tất cả mọi thứ phía sau lưng, nhưng không bỏ lại số phận mình. Phải, con người tôi là vậy, chỉ khác là, suốt bao nhiêu năm nay bản thể trong tôi được đặt vào một hoàn cảnh khác. Và tôi có cảm giác cái hoàn cảnh này vốn đã dành cho tôi, không phải một cơ chế thích nghi, mà là sự sắp đặt của tạo hóa. Ấy vậy mà, từ khi sinh ra tôi đã không bao giờ nghĩ rằng mình lại dành cuộc đời mình tại đây, bởi vì tôi không lường trước được sự thay đổi. Trước đây, tôi rất khác…”

Một vài đứa trẻ chạy vào trong. Chúng đứng cạnh người thầy, nhìn tôi bằng cặp mắt ngây dại. Có đứa ngồi lên ghế, tay sờ lần nếp gấp trên gấp áo ông, có đứa lại gối đầu lên đùi mà ngáp. Tôi cảm tưởng như đây là một người cha già bên đàn con của mình, và cái trường học này là một mái ấm mà ở đó, những đứa trẻ gần gũi với thầy giáo mình như ruột thịt. Quả thực, ông đã thuộc về nơi này như những gì mình nói.

Người thầy khẽ bảo chúng lại ra chơi với các bạn bên ngoài sân, đôi mắt không rời những đôi chân thoăn thoắt. Rồi, ông lại nhìn thẳng vào mắt tôi lần nữa. Đôi bàn tay run run khẽ đặt chiếc bút xuống, lớp da nhăn nheo ở cổ khẽ cuộn lên rồi lại hạ xuống khi ông nuốt nước bọt. Hình như ông có điều gì đó kìm nén, đang phân vân không biết nên nói ra hay không. Nhưng bên trong đôi mắt ông, một đôi mắt nhọc nhằn nhưng vẫn toát lên một niềm hân hoan nào đấy muốn được chia sẻ và tìm kiếm sự đồng cảm từ người ngồi phía đối diện. 

Đôi bàn tay ông khép lại, những ngón tay đan vào nhau. Rồi chúng bật mở ra, vỗ nhẹ xuống bàn một cách dứt khoát và nằm yên lặng. Đó là lúc tôi biết rằng chủ nhân của chúng đã đưa ra quyết định trong thâm tâm mình.

“Câu chuyện dưới đây tôi chưa hề kể cho bất cứ ai. Đó chỉ đơn giản là chuyện mang tính cá nhân, và tôi cũng đã cố gắng loại bỏ yếu tố cá nhân trên những trang giấy mình đã viết. Có thể cũng vì vậy mà độc giả tò mò về con người tôi hay chăng? Tôi cũng không biết nữa, nhưng điều mà tôi biết chắc rằng sẽ có ngày một ai đó tìm đến tôi, một vinh dự nhỏ bé của người đi cống hiến cho văn học nghệ thuật, nên tôi rất sẵn lòng được chia sẻ, phải, câu chuyện cuộc đời tôi, những bề nổi và cả những phần chìm. Không có lý do gì để tôi không thành thực, vì đúng hơn là tôi đang kể cho chính mình nghe, không chỉ một mà đã từng rất nhiều lần thông qua cái bóng in trên vách. Chỉ khác là, lần này có thêm một người nữa mà thôi. Ôi, có lẽ tôi cần phải kể.” Ông nhìn ra cửa, những đầu ngón tay giờ đây hơi run, và cả giọng thầy cũng vậy. “Gió lại nổi lên rồi, ngọn gió bắt tôi làm thế, bởi vì tôi là…” Giọng ông nghẹn lại, quay ra nhìn tôi bằng đôi mắt rưng rưng.

“Kẻ đi tôn thờ gió.” Tôi nắm lấy đôi tay gầy guộc của ông, thứ đang co siết lại mà vô tình làm nhàu những tờ giấy trên mặt bàn. Chúng sắp bùng nổ theo một cách nào đó, thật may chủ nhân của chúng đã trấn tĩnh lại được bằng một hơi thở sâu, nhè nhẹ và từ từ. Mất một lúc, ông ngả người ra ghế, mắt nhắm lại. Sự căng thẳng đã không còn nữa mà giờ đây, đường nét trên gương mặt ông đã trở nên mềm mại và dễ chịu hơn nhiều.

“Thứ lỗi cho tôi.” Ông cất tiếng nói, hai mắt vẫn nhắm nghiền như đang cầu nguyện. “Tôi đã chuẩn bị để đối diện với bản thân mình của ngày hôm nay, nhưng trải nghiệm vẫn là trải nghiệm, đó là điều tôi đúc kết được sau những năm tháng tuổi trẻ. Tôi không thể ghét bỏ những cảm xúc này, không có quyền chối bỏ nó, vì đó là con người thật của tôi. Ngay trước mắt cô đây, nếu con người này có khóc, có cười, có nín lặng hay ngã khuỵu, bất kỳ một trạng thái xúc cảm nào vượt ra ngoài ranh giới của bản thể trong tôi ngay lúc này, xin cô hãy cứ để mặc. Hãy trải nghiệm những câu chuyện, hãy xem như cô đang đọc một thứ gì đó ngay trước mắt, đừng quan tâm tới bức màn phía sau những con chữ, trang sách, đừng quan tâm tới người viết nên chúng. Đừng hiểu nhầm, tôi sẽ kể, chỉ là một câu chuyện khác. Vâng, tôi sẽ kể…”

Câu nói của ông lặp đi lặp lại như tiếng vang vọng bên trong tiềm thức. Nó nhỏ dần, nhỏ dần, cho tới khi bao trùm giữa cái ao không khí lợn gợn chỉ toàn là tiếng gió cuộn lùng bùng trên bức vách. Đôi mắt ông lúc này nhìn đăm đăm về phía sau lưng tôi, nơi chỉ có bức tường trống trải, trong khi người bất động như một pho tượng. Khoảng vài phút không thấy người thầy nói nữa, tôi đã định cất tiếng thì lập tức ông ngồi ngay ngắn lại và bắt đầu câu chuyện của mình:

“Đó là thời kỳ những biến chuyển trong xã hội diễn ra mạnh mẽ. Tôi còn trẻ, ra trường với tấm bằng đại học, mang trong mình những kiến thức sư phạm có vẻ hữu dụng và quan trọng hơn cả là nhiệt huyết tuổi trẻ cháy bỏng trong tôi. Niềm đam mê với văn học kinh điển đã dẫn lối sứ mệnh của tôi đến với việc giảng dạy môn văn ở trường trung học. Tôi đã mường tượng ra cảnh bản thân mình sẽ truyền tải những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất mà biết bao thế hệ đã gửi gắm cho hậu thế thông qua những trang sách, thứ mà tôi đã dày công nghiên cứu, suy nghĩ sâu sắc và hiểu tường tận tới từng câu từng từ một. Tôi đã ngạo mạn tới mức tự ngầm phong cho mình cái danh hiệu nhà nghiên cứu ngôn ngữ, rồi thì nhà phê bình văn học, bởi hồi đại học tôi là một người có số có má trong các câu lạc bộ dành cho những người yêu văn chương của trường. Tôi tích cực tham gia vào các diễn đàn, đóng góp và chia sẻ các quan điểm, suy nghĩ của mình, viết các bài đánh giá. Cho nên, khi bước chân vào giảng dạy, tôi tin rằng mình sẽ làm được một điều gì đó lớn lao có sức ảnh hưởng tới các thế hệ học sinh. 

Nhưng tôi đã nhầm.

“Các em đã chuẩn bị bài chưa.”

Lớp học yên ắng như tờ. Những học sinh ngồi dưới chỉ nhìn nhau. Đó là những đứa mà buổi hôm trước đã rất sôi nổi, đã khiến tôi cảm thấy chúng cũng say mê, cũng thích thú mà trò chuyện về các tác phẩm văn học giống tôi. Tôi có thể nhận ra được sự hào hứng, sự quý mến mà chúng dành cho tôi kể từ khi tôi bắt đầu bài giảng đầu tiên của mình. Tôi lúc đó còn rất trẻ, và những đôi mắt của tâm hồn thanh khiết hướng về tôi khiến tôi có phần hồi hộp khi bài giảng đã đến mức cao trào, nhưng tôi cho rằng nó chỉ là biểu hiện của tình yêu với môn văn thôi. Cứ thế, tôi tin chắc rằng đám học sinh sẽ về nhà, bắt đầu làm theo những yêu cầu mình giao với tinh thần như vậy, nhưng không.

“Có ai đã…”

Cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi cứ đứng đó, ngay giữa bục giảng. Trong thâm tâm tôi gần như sụp đổ vì biết mình bị lừa dối. Nếu nhìn vào lúc này thì sẽ thấy đây là một việc hết sức bình thường của bất kỳ một tiết học nào, một thế hệ nào, một việc chẳng có gì to tát, ai cũng chấp nhận nó kể cả những người có thâm niên trong ngành, những người khó tính. Nhưng tôi khi ấy thì lại khác, khi mà vừa mới chập chững bước vào nghề. Tôi vẫn nhớ như in cái sự im lặng bao trùm giữa lớp, một sức nặng đè nén gần ba mươi con người mà cảm tưởng như đôi chân tôi không nhấc lên nổi để ngồi xuống ghế, cái không khí bỗng chốc ngột ngạt và bí bách mà tôi vô tình gây ra có lẽ đã làm hỏng nhịp vận hành trơn tru của tiết học. Nhưng thực sự có phải “vô tình” hay không, tôi cũng không lý giải nổi, nhưng một điều tôi biết được đó là thực sự niềm ham thích văn học ở những học sinh này không lớn như tôi nghĩ.

Sau cùng, khi tiếng đồng hồ đều đặn trên nền tiếng quạt trần vù vù nhấn vào tai đanh tới nỗi không còn chịu được nữa, khi mà hình ảnh của tôi, một người thầy giáo trẻ măng đứng ngây ra đã dần trở nên kỳ cục trong mắt những học sinh “già dặn”, tôi mới bước tiếp và ngồi xuống. Tiết học ấy vẫn diễn ra, nhưng nó không còn được như buổi đầu tiên nữa, và mãi mãi sau này không một tiết học nào khác được như vậy. Đó là một trong những bước biến chuyển đầu tiên diễn ra bên trong con người tôi.

Dần dần, tôi đã quen với guồng quay của môi trường giáo dục. Sự bình đẳng giữa các môn học kéo tôi khỏi vũng lầy của sự ngạo mạn, không còn đòi hỏi rằng các học sinh cũng phải có tâm thế ham thích văn chương và theo đuổi bằng sự tâm huyết khi học môn của mình, nhưng vì thế đã khiến tôi dần trở nên ù lì so với trước đây. Nhà trường giao cho tôi nhiều việc hơn trước, dạy các lớp bồi dưỡng cũng như làm những công việc không liên quan lắm tới chuyên môn của mình, như là hỗ trợ các chương trình văn hóa, văn nghệ để thi đua. Một ngày của tôi kéo dài dường như ít hơn 24 tiếng, và tôi cũng ngủ ít đi. Mỗi khi lên lớp, suy nghĩ của tôi bị phân tán hẳn, không chỉ vì thái độ học của người ngồi dưới, mà còn cả vì những suy tính của người cấp trên mình. Tôi cảm tưởng mình như một cái bánh răng trong chiếc đồng hồ quả quýt, luôn luôn phải làm tròn bổn phận của mình, mà chỉ cần vượt ra khỏi giới hạn một chút thôi thì những chi tiết, những bộ phận khác không chỉ khựng lại, mà còn đồng loạt giáng một cái phản lực mạnh trở lại cái bánh răng này, chính là tôi, khiến nó tự phát sinh ra những vết rạn nứt ở phía nội tại.

Bởi vậy tôi phải thích nghi, bài giảng của mình không còn chuẩn bị kỹ lưỡng như trước đây, và càng ngày tôi lại càng làm việc theo phản xạ. Việc phải lặp đi lặp lại những quy trình dựa trên kiến thức sư phạm, chương trình dạy và học lúc nào cũng chỉ có một màu, tôi dần xa rời những cái gì nằm ngoài phạm vi, hay đúng hơn, là những thứ đã từng khiến tôi say mê và ấp ủ. Ấy là cái tình yêu với văn học kinh điển, thứ mà tôi cứ ngỡ rằng một ngày nào đó mình sẽ đứng trước quần chúng, ít ra là một trăm người, hay chí ít cũng phải gần ba mươi con người trong một gian phòng nhỏ, để mà cho họ biết trên đời này đã từng có một Huygô, một Tônxtôi, một ƠHenry hay một Lỗ Tấn. Nhưng không, cảm quan về thế giới của tôi lúc này  lại bị gói gọn trong những trang sách chật hẹp mà mỗi kỳ mỗi năm phải đọc đi đọc lại cho người khác. Ít nhất đó cũng là văn học, nhưng mà thuộc về phạm vi nhỏ hơn, và tôi vẫn có thể khai thác những kiến thức trong chúng bằng tư duy của mình.

Như đã nói, tôi bị ù lì dần. Tôi không tìm được người cùng chung tiếng nói với mình, chẳng có một môi trường năng động như các câu lạc bộ hồi đại học nữa. Những tiếng nói trong đầu tôi không tìm được đường thoát ra, chúng cứ quanh quẩn, cộng hưởng lẫn nhau, tới mức khiến tôi mất ngủ. Đôi lúc, tôi tự nói chuyện một mình, giảng giải, bình văn cho cái bóng in lên vách tường, coi nó là người khán giả duy nhất. Nhiều khi đứng trên lớp, tôi không còn biết mình đang nói cái gì nữa. Dòng chảy văn chương trong tôi cuồn cuộn và dâng trào càng khiến tôi cảm thấy bế tắc hơn. Dần dần tôi trở nên khó tính, cáu gắt với tất cả mọi thứ, kể cả với những lỗi lặt vặt của đám học sinh. Tôi già nhanh hơn so với tuổi, thay đổi chóng mặt từ một thầy giáo trẻ năng động, xuề xòa sang một người chai sạn cảm xúc, lúc nào cũng xét nét học trò. Ngày qua ngày tôi cảm giác mình chỉ tồn tại chứ không thực sự sống, nếu có sống thì cũng chỉ như một phạm nhân bị giam giữ trong nhà tù của cuộc đời thôi.

Cho đến một ngày, ngày bình thường như bao ngày khác, nhưng lại là ngày khởi nguồn của tất cả. Tôi bước vào lớp, mắt liếc qua một dãy những cái đầu nhấp nhô ngồi dưới đang nhốn nháo. Tôi chỉ thở dài rồi lết từng bước tới cái ghế gỗ sau bàn giáo viên, thứ chẳng bao giờ cho cảm giác dễ chịu khi ngồi xuống cả. Hôm ấy là cuối năm học, thi cử xong xuôi hết rồi, cái tuần cuối cùng là tuần người ta đi học đi dạy cho có lệ. Tiết học văn mà cứ như tiết trông lớp, tôi ngồi đó, mắt nhìn ra ô cửa sổ bên ngoài. Tai tôi cứ ù dần, ù dần vì âm thanh hỗn tạp xung quanh, tiếng quạt trần, tiếng đồng hồ, tiếng người cười nói liến thoắng, tiếng chân rầm rập, tiếng bàn ghế loạch xoạch. Nhưng xen lẫn cái bản giao hưởng của sự hỗn độn ấy là một âm thanh trong trẻo cất lên, ngay sát bên tai, một luồng hưng cảm dễ chịu, một cơn gió thoảng giữa ngày hè oi ả, một hơi thở của linh hồn thanh khiết đã khiến tôi phải chú ý.

“Thầy xem qua truyện này của em được không ạ.” Một giọng nữ vang lên.

Tôi giật mình quay ra, trông thấy một cô học sinh người nhỏ nhắn, tóc tai gọn gàng, tay ôm một cuốn vở nhỏ trước ngực. Cô bé này ngồi ở phía cuối lớp, điều duy nhất tôi biết được trong cả năm mình đi dạy đó là ít giao tiếp với các bạn khác, trong khi lại trả lời rất tốt những câu hỏi của tôi xung quanh bài giảng. Tôi không nhớ chính xác tên truyện đó là gì, chỉ biết đó là truyện ngắn về cuộc phiêu lưu của một chú mèo hoang. 

“Em đã viết nó sao?” Tôi ngạc nhiên, mắt lướt qua những hàng chữ nắn nót.

“Vâng.”

Đó là một tác phẩm có phần ngây ngô. Cô bé không biết xây dựng một cốt truyện hoàn chỉnh, không biết triển khai từng phần của một câu chuyện. Tất cả chỉ đơn giản là hành trình của một chú mèo đi từ điểm A đến điểm B, từ tiệm bánh mỳ đến một gia đình giàu có. Trên đường đi chú gặp những người bạn thế nào, giống như truyện cổ tích vậy. Có điều cách xây dựng nhân vật, tức là những người bạn chú mèo gặp được cô bé làm rất tốt, rất sống động - và cái bối cảnh tái hiện phản ánh rất chân thực cuộc sống thường nhật, dù chỉ dưới góc nhìn của một con mèo. Cơ bản là có triển vọng, theo tôi nghĩ, ít nhất là so với lũ học sinh quậy phá xung quanh vốn chẳng viết được cái gì cho ra hồn.

Lẽ ra theo bản năng tôi đã thẳng thắn chỉ ra tất cả những lỗi sai, những lỗi cần phải cải thiện cho câu chuyện nhưng không. Gương mặt của cô bé có vẻ hào hứng và kỳ vọng lắm, cũng như việc lần đầu tiên có một người mang tới cho tôi tác phẩm nghiệp dư như thế này, tôi thoáng có chút bối rối. Cũng một phần tại lúc đó vừa hết giờ, chuông báo tiết cuối đã vang lên.

“Để... thầy mang nó về, buổi sau thầy sẽ chấm cho em…”

Than ôi, lúc ấy tôi không biết mình đang nói gì nữa. Có lẽ ở trong guồng quay của hệ thống giáo dục quá lâu, nên cách dùng từ của tôi cũng bị ảnh hưởng. “Buổi sau thầy sẽ chấm...” Trên đường về nhà tôi cứ tự cười mình. “Chấm gì chứ.” Tôi nghĩ bụng. Đúng thật, đây không phải một bài kiểm tra, một thứ mưu cầu điểm số và thành tích - thứ đã xoay tôi chóng mặt suốt thời gian qua. Một truyện ngắn nghiệp dư còn chứa đựng nhiều hơn thế, và trên hết, cô nữ sinh này đã đặt niềm tin vào tôi, cũng chỉ là bản năng thôi vì tôi là giáo viên dạy văn của lớp, người có vốn kiến thức sâu rộng. Nhưng câu hỏi đặt ra ngay lúc ấy, một câu hỏi như là chìa khóa để mở cho tôi một chân trời mới rộng mở hơn.

Tại sao mình lại không viết nhỉ?

Tôi cảm thấy như có gì đó lóe sáng lên. Bỗng nhiên những luồng suy nghĩ tràn ngập bên trong tôi, thứ trước đây vốn dĩ đã biến mất từ rất lâu. Tôi sống và làm việc trong đắm mình trong thế giới tràn ngập những kiến thức văn học mà chưa từng vận dụng nó vào lĩnh vực sơ khai nhất, nguyên bản nhất, là viết lách. Dường như đó là lý do khiến tôi cảm thấy bế tắc. Nhìn quyển vở viết truyện nằm trên bàn, tôi tìm lại được cảm giác của một đứa trẻ ham thích cực độ với điều mới lạ. mà một mẩu giấy nhỏ hay trang tạp chí rách cũng ngấu nghiến đọc trong sung sướng. Cô học trò tìm đến tôi có lẽ với mong muốn có được một người chỉ dạy trong khi viết, nhưng thực ra chính tôi mới là người cần được dẫn dắt. Lần đầu tiên tôi được chạm tới một tác phẩm nơi mà tư duy và sáng tạo trong tác giả mới chỉ quyện lại với nhau một cách thoáng qua, nơi ý tưởng còn đang nhen nhóm, nơi quá trình hiện thực hóa vẫn còn đang ở mức tập tọe. Nhưng đối với tôi, nó lại có giá trị tham khảo hơn bao giờ hết, vì có thể chính tôi cũng sẽ khởi đầu một cách gian nan như vậy, có khi còn hơn.

Tôi ngồi xuống bàn với chồng giấy trắng. Tôi cũng muốn viết một cái gì đó, nhưng không thể. Mọi kiến thức văn học mà tôi đã từng vận dụng trước đây đều chỉ xoay quanh việc bình và xét tác phẩm của người khác, điều mà từ trước tới nay tôi vẫn vỗ ngực mà coi đó là cái sự say mê cao cả bên trong mình. Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, vì cái nghề, cái công việc của tôi lại giống như một cây tầm gửi dựa vào cái sẵn có mà làm tròn bổn phận, thay vì vươn lên như một mầm cây bé nhỏ hấp thu nắng gió và đất để mà tạo thành nguồn dưỡng chất cho riêng mình. Tôi cảm thấy mình như được tái sinh, nhận thấy những điều lớn lao sắp tới mình sẽ phải làm, nhưng…

Hàng giờ trôi qua, tôi vẫn không viết được chữ nào.

Cảm giác trống rỗng tràn ngập tâm trí tôi. Tôi tự thấy mình như một người mò mẫm trong đêm tối. Nhìn lại cuốn vở viết truyện, một điều gì đó mách bảo tôi rằng mình phải dựa vào nó như một bài văn mẫu dành cho riêng tôi. Và tôi đặt nó xuống trước mặt, khẽ khàng mở ra và đọc lại. Từ những dòng chữ đầu tiên, tôi cố gắng đặt góc nhìn của mình vào cô bé, tự hỏi tại sao lại viết như vậy, tại sao lại dùng từ ngữ như thế này? Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản lại khiến tôi thấy bối rối hơn bao giờ hết. Chẳng có một quy tắc, một công thức nào ở đây cả, và tôi đọc nó bằng suy nghĩ đơn giản của đứa trẻ con. Hết một trang truyện đầu tiên, tôi nghiền ngẫm không phải bằng việc cố lý giải cốt nghĩa của từng từ từng câu một, mà cố gắng dùng trí tưởng tượng của mình để trải nghiệm câu chuyện đó. Và tôi nhận ra nó thật tuyệt vời. Một tác phẩm có cốt truyện hết sức đơn giản và được xử lý gọn ghẽ, không có chi tiết thừa, các tuyến nhân vật được xếp lớp và đặt đúng vào vị trí vốn có. Khơi nguồn của điều này đến từ đâu, tại sao cô bé lại thiết lập vai trò của các nhân vật như vậy, tại sao con mèo lại đi từ A đến B mà không phải B về A? Và trên tất cả, tại sao cô bé lại viết truyện ngắn này?

Quá nhiều câu hỏi dấy lên trong tôi, sau tất cả, tôi nghĩ mình phải tìm gặp tác giả. Cô bé đó ắt hẳn có động lực để viết, chưa biết chừng còn viết thêm nhiều truyện khác. Thời gian của tôi không còn nhiều, giờ đang là cuối năm học. Sẽ có một kỳ nghỉ hè dài và tôi không muốn phải dành phần lớn thời gian của mình vào những việc vô ích, khi mà bản thân vẫn bế tắc trong việc viết lách.

Buổi học tiếp theo. Cô học sinh ngồi dưới nhìn chăm chăm vào tôi từ phía cửa lớp, nổi bật hẳn giữa một đám người nghịch ngợm và nhốn nháo. Tôi biết cô đang chờ đợi lời nhận xét của tôi, phải, cái mà tôi đã quên khuấy mất. Ít nhất việc đọc đi đọc lại tác phẩm cũng khiến tôi rút ra một cái gì đó để mà trả lời.

“Thầy thấy truyện có hay không ạ?”

Tự dưng khi ngồi vào vị trí trên bục giảng, tôi lại trở lại là con người khó ưa trước đây - một kẻ chuyên đi phán xét. Lẽ ra tôi đã thành thật mà nhận định về câu chuyện, nhưng không, cái vẻ tự tin thái quá cùng biểu cảm hồ hởi trên gương mặt cô lại khiến tôi ngây người ra. Và tôi lại bối rối.

“Điều gì đã khiến em viết nó vậy?” 

Tôi bắt đầu bằng một câu hỏi để né tránh việc phải nói ra sự thật mất lòng, tôi biết mình có thể nhìn ra các mặt xấu xí ngay cả ở những tác phẩm kinh điển. Truyện ngắn của cô chỉ là hạt cát giữa đại dương, tôi hoàn toàn có thể nhấn chìm nó. Tuy nhiên khi đứng đối diện với một tác giả thật sự, một điều gì đó mách bảo tôi rằng mình không nên buông những lời lẽ độc hại.

“Có một cuộc thi viết truyện được tổ chức trên báo, thầy biết không, lâu lắm rồi mới có một cuộc thi như vậy…” Cô học sinh kể bằng giọng phấn khích, hai mắt long lanh. “Hạn gửi bài đến cuối tháng này, truyện hay nhất sẽ được đăng tải lên, và tác giả có cơ hội được cộng tác với tòa soạn đấy thầy ạ.”

Tai tôi lại ù dần đi khi dõi theo cô bé nói liến thoắng bằng chất giọng lanh lảnh. Hình như góc nhìn của tôi đã không mấy thay đổi khi chuyển từ tác phẩm sang tác giả. Tự dưng có một điều gì đó thay đổi trong tôi khi dõi theo biểu cảm trên gương mặt của cô học sinh này. Tôi không nhớ chúng tôi đã trò chuyện thêm gì nữa, chỉ biết rằng cô tiết lộ mình đang viết một tác phẩm thứ hai, và buổi tới sẽ đem cho tôi đọc. Tôi dần bị cảm xúc lấn lướt nên chỉ biết gật đầu, ậm ừ mà chẳng biết phải nói gì thêm. 

Từ thời điểm ấy, hình ảnh về một cô nữ sinh nhỏ nhắn tay ôm cuốn vở viết truyện trước ngực cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Cái sự khác biệt này đã làm tôi phải chú ý tới một cá thể trong sống gần ba mươi con người mà trước giờ tôi cứ thấy họ bình bình như nhau. Truyện thì tôi không muốn viết nữa, bởi lúc này tôi tự cảm thấy mình có nghĩa vụ cao cả hơn, đó là hỗ trợ cho sở thích của cô bé. Nhưng mùa hè sắp đến, và tôi bắt đầu thấy lo. Tự dưng tôi sợ rằng sẽ không đồng hành cùng cô được nữa, một nỗi sợ thuộc về phần bản năng, chỉ thoáng qua thôi nhưng cũng khiến tôi phải trằn trọc vài đêm. Tôi không muốn sự kết nối bị đứt quãng giữa chừng, muốn có thêm nhiều tiết học khác mà khi ấy cô lại chạy lên, lại đưa cho tôi đọc một cái gì đó, và chúng tôi sẽ cùng trò chuyện với nhau. Nhưng trên tất cả, tôi lại muốn được quan sát. Tôi muốn thấy một đôi mắt tràn đầy hứng khởi khi tự chia sẻ về tác phẩm của mình, bởi vì, tôi tìm thấy bản thân mình những năm tháng đại học trước đây, có khi còn xa xăm hơn thế. Có một sự rung cảm nào đấy bắt đầu xuất hiện mỗi khi trông thấy gương mặt ngóng đợi mình khi tôi lên lớp. Và chuỗi ngày ngắn ngủi cuối cùng của năm học, tự nhiên tôi cũng ngóng trông được tới dạy văn cho lớp đó. Tất cả chỉ để được trò chuyện, được ngắm nhìn, vì có lẽ tôi cần được giao tiếp với một tâm hồn đồng điệu, chỉ đơn giản vậy thôi.

Có một thông báo được dán ở phòng chờ giáo viên, đó là kế hoạch cho năm học tới. Tôi gần như nhảy cẫng lên vì sung sướng khi biết nhà trường tổ chức chương trình học hè, vì năm sau khóa tôi dạy sẽ thi đại học. Bình thường tôi đã tiu nghỉu, than ngắn thở dài giống như một con người ù lì trước đây, nếu như không có cô học sinh đó. Quả thực tôi đã trẻ ra rồi, không phải bên ngoài mà ngay tại bên trong, một linh hồn lại tìm được cái nguồn sống nào đó. Nhưng lần này nó tiếp cận được với bản thể khác hữu hình hơn. Một con người, chưa bao giờ tôi lại chú ý tới một con người đến vậy. Tôi định chia sẻ niềm vui này với các học sinh, nhưng nghĩ lại thì thấy kỳ cục, bởi ai cũng chán ngán khi biết sẽ phải học hè, duy chỉ có mình tôi là mừng thầm trong lòng thôi. 

...

“Nó… rất hay.”

Tôi như bị cuốn theo từng dòng chữ trên cuốn vở viết. Cái nắng hè oi ả, và tiếng ve nghe inh cả tai cũng không khiến tôi cảm thấy bức bối là mấy. Phải, tôi chìm đắm trong những câu chuyện được viết nên bởi một tâm hồn thuần khiết, thu mình lại trong cái thế giới bé nhỏ ấy. Đôi mắt cô bé như thôi miên tôi, bắt tôi phải buông ra những lời đẹp đẽ để tán dương câu chuyện của mình. Hay là truyện hay thật? Tôi cũng không rõ nữa. Nhưng điều tôi chắc chắn một điều rằng mình muốn đọc nhiều hơn, nhất là khi có cô học sinh này đứng bên cạnh mình. Cảm giác nhìn gương mặt cô hồ hởi, xen lẫn với một chút tò mò, một chút hồi hộp và phấn chấn nữa - một tác phẩm nghệ thuật sống mà chính nó mới là thứ khiến tôi bị cuốn hút hơn. 

“Hay như thế nào ạ?” Cô cười tít mắt.

“Nó…”

Cổ họng tôi nghẹn lại, một cảm giác thắt lại ở ngực, và hơi thở tôi như bị đứt quãng. Tự dưng tôi sững sờ trong giây lát, và bắt đầu cảm thấy e sợ khi nhìn thẳng vào đôi mắt đang trông lại mình. Mặt tôi hơi cúi xuống, mồ hôi lấm tấm trên trán. Tôi rùng mình, kinh hãi với một chùm những cảm xúc ào ạt, trong khoảnh khắc lao vút lên không trung rồi rơi nhẹ nhàng xuống như chiếc lá mỏng manh, khiến tôi, một con người trưởng thành, tưởng như vững vàng hơn bao giờ hết mà lại phải bấu tay vào thành ghế để trấn tĩnh lại.

“Nó... tuyệt đẹp.” Miệng tôi lẩm bẩm.

Đúng hơn là một thứ “đau đớn tuyệt đẹp”, nhưng tôi không đủ dũng cảm để tự thốt lên những điều xảy ra bên trong mình. Phải, tôi không còn sĩ khí của người thầy giáo nữa, tôi trở nên rụt rè như một đứa trẻ con. Đôi mắt tôi giờ đây hướng về phía sau cô, nhìn thấy khoảng sân rộng chan hòa ánh nắng với bóng cây xen phủ và trộn lẫn. Khung cảnh giờ đây trở nên sống động, và vẫn cứ cái cơn mê đắm lạ kỳ, tôi không hề rời mắt khỏi nó. Cái đẹp như một thực thể đã thao túng tâm hồn tôi, khiến dòng cảm xúc cuồn cuộn bên trong tôi tự khắc chi phối cho tất cả các luồng thông tin mà giác quan đã thu nhận được. Nhưng, một điều gì đó thôi thúc tôi lại quan sát trở lại cái gương mặt đang chờ đợi mình, tôi thèm khát cái cảm xúc man dại mà lần đầu tiên mình được trải nghiệm nó chỉ ít phút vừa xong. Và rồi tôi nhìn lên, trông thấy gương mặt của cô học trò nhỏ nhắn đang ngạc nhiên khi tôi dần trở nên kỳ cục. Có lẽ tôi cần phải nói gì đó, tôi cố nuốt nước bọt, cố nhấn cái nghẹn ở cổ xuống, và hít thở sâu để đầu óc được thông thoáng. Mắt tôi nhìn đăm đăm, trong khi miệng khẽ nói:

“Giống như một cơn gió vậy, cơn gió giữa mùa hè, nhẹ nhàng và êm ái, cho người đọc cảm giác lâng lâng bay bổng.” 

Tiết học đã kết thúc, tôi cứ đứng ở ngoài hành lang mà trông theo cô bé bước đi một mình ra cổng trưởng. Không ai chơi cùng cô cả, và tôi không thấy cô vui tươi như lúc nãy. Cô trở nên giống biết bao con người khác, những con người bình lặng chỉ biết làm tròn bổn phận của mình. Cơn gió lại lặng đi, những tán lá cây không còn lay động nữa, và đất trời phủ một cái gam màu u ám tẻ nhạt. Tất cả những diễn biến cảm xúc thoáng qua thực sự điên rồ và tôi không ngờ rằng mình vừa được trải qua chúng. Tôi thử lật lại mọi kiến thức trong đầu, cố gắng đối chiếu giây phút thăng hoa vừa xong với những kinh nghiệm của một con người đã tồn tại gần ba mươi năm trên thế gian này để lý giải xem nguồn cơn của nó đến từ đâu.

Và tôi chợt run sợ.

Gió lại nổi lên, đẩy trôi những đám mây đen kịt nổi khối trên nền trời sâu thẳm. Gió cuộn như giông lốc, thổi ào ạt như bùng nổ rồi bỗng chốc lại nín lặng, im bặt - như tiếng cười đùa đầy khiêu khích của một đứa trẻ con. Không ai biết nó đến từ đâu, không ai đoán trước được nó sẽ làm gì tiếp theo, nhưng một điều chắc chắn rằng nó mang hơi thở của cuộc sống này. Một thứ vô hình lại tạo ra sự sống động, một sự dao động có sức lan tỏa và phủ khắp vạn vật. Nếu có một thứ giống như gió thì tôi chắc chắn đó chỉ có thể là tình yêu. Tình yêu ư? Tôi chưa từ suy nghĩ sâu sắc về nó đến thế. Từ trước tới nay tôi chỉ coi nó là một phần trong công thức xây dựng lên các tác phẩm kinh điển, nơi mà các nhà văn thường bấm vào đấy làm điểm tựa làm khơi gợi nỗi niềm và cảm xúc trong độc giả. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại đối diện với nó một cách trần trụi thế này. Con người tôi trở nên nhỏ bé và tầm thường khi đứng trước một thứ cao quý và thuần khiết. Sau tất cả, nó đã đánh gục tôi mà không gặp phải bất cứ chút phản kháng nào.

Đêm hôm ấy tôi không ngủ được. Tôi nghĩ về tất cả mọi thứ, nghĩ về cái lý do bản thân mình tồn tại trên thế gian này. Tôi thấy số phận giống như một câu chuyện, mà nếu ta cứ cố gắng phân tích nó bằng tư duy thì suy cho cùng ta chẳng đi đến đâu cả. Tôi biết về chủ nghĩa hư vô, nó cho thấy rằng tất cả những gì gọi là đạo đức, là lẽ phải, là ý nghĩa diễn giải cho sự tồn tại của con người trong vũ trụ này đều chỉ là ảo tưởng mà thôi. Trước đây tôi đã theo đuổi cái cách sống này, như một cơ chế thích nghi khi là phần tử nhỏ bé của xã hội, để rồi cuối cùng chỉ thấy bế tắc. Câu chuyện cuộc đời tôi mãi mãi chẳng có giá trị gì nếu như mình không được trải nghiệm nó bằng sự rung động của tâm hồn. Tôi nghĩ về tình yêu, nó cho tôi cảm giác mà trước đây mình chưa từng có được, và biết đâu còn nhiều cảm xúc khác nữa mà bản thân chưa hề được chạm tới. Đó giống như nấc thang lên tới thiên đường, đặt chân tới một miền cực lạc nào đấy mà trên tất cả mọi thứ, nó cho tôi sự bình yên, thanh thản và tự do trong suy nghĩ. Nhưng cái giá phải đánh đổi sẽ là quá lớn, bởi vậy tôi mới sợ.

...

“Thầy có thích ăn chè không?”

“Có.” Tôi đáp. “Sao vậy?”

“Cái mẩu truyện ngắn mà thầy đọc buổi hôm trước ấy…” Cô bé nói bằng chất giọng vô tư. “Nó đã được đăng lên. Em gửi tới với mục đích dự thi, nhưng chẳng hiểu sao họ cho vào một phần khác của tờ báo, mục“Gác nhỏ tâm hồn, những câu chuyện của tuổi thanh xuân…” gì đó. Kệ, đây, thầy nhìn này…” Cô xòe ra bốn tờ tiền mới tinh với đôi mắt long lanh. “Nhuận bút đấy thầy ạ! Nhất định hôm nay phải ăn mừng câu chuyện của chúng ta mới được!” 

“Câu chuyện của chúng ta ư?”

Tôi giật mình khi cô lập tức kéo tay tôi bước về phía căng tin của trường một cách đầy dứt khoát. Những tán lá cây rung rinh phía trên đầu, ánh nắng xuyên qua chúng long lanh như những viên kim cương sáng chói đính trên kẽ lá. Tôi liếc nhìn bầu trời xanh thẫm phía sau chúng trong khi lững thững bước. Gió đang nổi lên, ào ạt, vô định. Và khi tôi nhìn cô bé, dù chỉ là từ phía sau, tôi lặng người đi. Tôi như bị cuốn theo cơn gió này với không một chút kháng cự, vì giờ đây tâm hồn tôi mong manh như một cánh hoa nhỏ. Tiếng lá kêu xào xạc trên nền đất khi chúng tôi bước qua, và như thể luồng dao động đã thổi hồn vào những chiếc lá vàng vô tri này, chúng đồng loạt vùng dậy, nhảy múa và quấn quít lấy chúng tôi. Chưa bao giờ tôi lại để ý đến những thứ nhỏ bé tuyệt đẹp ấy, và có lẽ còn nhiều thứ nữa đang chờ tôi khám phá. 

Sau tất cả, những điều mà tôi hiểu được mình cần phải làm là cứ để gió cuốn đi.

“Thầy biết không?” Cô bé nói, cốc chè chỉ còn lại phân nửa. “Có lẽ năm tới em sẽ không viết được nữa.”

Tự nhiên tôi cảm thấy hụt hẫng khôn tả. Đôi mắt cô nhìn bâng khuâng lắm, và giọng chùng hẳn xuống, giống như một con chim nhỏ ủ rũ, khác xa vẻ ngoài thường thấy của chính nó những khi bay vút lên tận mây xanh. Những ngón tay cô khẽ đảo qua đảo lại chiếc thìa xung quanh miệng cốc, trong khi tay còn lại chống lên mặt. Cô không thể giấu được cảm xúc của mình qua lời nói, một chất giọng nhẹ nhàng man mác buồn. Và rồi mắt cô bé nhìn lên. Cô muốn tôi nói gì đó, không phải như mọi khi chỉ đơn thuần là đợi chờ một lời nhận xét có tính khách quan. Ánh mắt cô tìm kiếm sự quan tâm tới từ người mà cô cho rằng là đủ tin tưởng. Đây là cách một mối quan hệ được hình thành, khi mà cả hai phải cho đi và nhận lại. Cô bé muốn tôi phải tò mò, với làn môi mỏng hơi rung động khi mím lại, và gò má ửng hồng. Tôi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình qua đôi mắt, một con người đã sẵn sàng để lắng nghe.

“Sao vậy? Em đang viết rất tốt mà.” Tôi hỏi.

“Vâng nhưng…” Cô ngập ngừng. “Năm tới em sẽ thi đại học. Hôm qua giữa bố và mẹ em đã xảy ra cãi vã. Họ tranh luận với nhau để quyết định xem em sẽ đi theo ngành kinh tế hay y khoa, trong khi năng lực của em, niềm ham thích của em dường như không đáp ứng được điều đó…”

Cô bé ngừng lại, mặt cúi xuống tiếp tục ăn, thỏ thẻ như một chú thỏ con. 

“Em nói với bố mẹ về việc mình viết truyện chưa?” 

“Em đã rất muốn nói. Nhưng mỗi khi ngồi vào bàn ăn, mẹ em lại cằn nhằn về việc học và nói về cái ngành mà mẹ dành cho em, cứ như mẹ đã mặc định sẵn trong đầu đó sự lựa chọn của em vậy. Em không thể nói được, ngay cả với những người bạn hay họ hàng, gia đình em rất khép kín. Em chỉ không muốn làm mẹ buồn.”

“Không, thầy nghĩ em nên nói. Nhất định phải nói.” 

Cô lại cúi xuống, lúc này không ăn nữa. Đôi mắt cô được tóc mái phủ lên, ánh xanh dưới nắng chiều. Tôi chợt nhận ra cảm xúc cô đã thay đổi một cách chóng mặt, chỉ bằng một hai câu nói. Tôi không biết phải nói gì hơn, khi đôi môi cô bặm lại. Và khi cô bé quệt mu tay để lau nước mắt, cũng là lúc tôi lặng người đi.

Đột nhiên hình ảnh cô bé những lúc vui vẻ, hào hứng lại hiện lên trong tâm trí tôi. Người ngồi đối diện tôi đây như thể một bản thể khác mang vẻ ngoài giống cô, một người chị em song sinh mang thần sắc đối nghịch. Cái phần tươi sáng nhất trong trái tim tôi giờ đây kết đặc lại như một khối xù xì thứ khiến ngực tôi đau nhói. Đó không chỉ là cảm giác tiếc nuối đơn thuần của một người lắng nghe, mà giờ đây một phần linh hồn tôi cũng bị thương tổn. Tôi không thể tin vào những điều mình đang chứng kiến, không nghĩ một con người hồn nhiên, năng động và vô tư như cô mà có một ngày lại phải tuyệt vọng, rầu rĩ như thế này. 

Nỗi buồn của cô bé cũng là nỗi buồn của tôi, và tôi không thể chấp nhận được điều đó.

“Nín đi.” Tôi nói. “Mẹ em sẽ hiểu thôi. Hãy cho mẹ em thấy em giỏi trong lĩnh vực mình theo đuổi như thế nào.”

“Em đã cố, nhưng…” Giọng cô nghẹn lại. “Em cảm thấy mình thật nhỏ bé. Cái bóng của mẹ em quá lớn. Thầy biết không? Từ khi sinh ra mọi điều quyết định quan trọng cho cuộc đời em đều được định đoạt thông qua những cuộc cãi vã của bố mẹ. Em không thể xen vào, lại càng không thể nói lên suy nghĩ của mình.”

Rồi cô lấy tay lau hết nước mắt cho thật khô. Bằng tất cả sự can đảm bên trong, cô ngước nhìn lên. Đôi mắt đỏ hoe khiến ngực tôi thắt lại một lần nữa, nhưng bên trong nó có chứa đựng hy vọng. Những cơn gió khiến tóc mái cô khẽ lay lay. Trái tim tôi rạo rực lên khi nhìn thẳng vào gương mặt ấy, và tôi gần như đoán ra điều mà cô sắp nói. 

“Liệu... thầy có thể thay em nói với mẹ được không? Em biết thầy rất bận rộn chuyện trường lớp, nhưng sắp tới có buổi họp phụ huynh đầu năm. Em chỉ không muốn phải chịu áp lực nữa, dù đây là chuyện gia đình em. Thầy biết không, lúc mới viết truyện, em chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ cho người ở xung quanh đọc cả. Nhưng khi trông thấy thầy, một điều gì đó mách bảo em rằng thầy phải là người đầu tiên được đọc. Đôi lúc, em nghĩ rằng mình đang làm phiền thầy, và ngay cả buổi hôm nay cốt lõi chỉ là việc em nhờ vả, mong thầy không nghĩ xấu về em. Đây…” Cô rút trong cặp ra một nắm tiền, đa phần tiền lẻ và còn cả những tờ tiền to xen lẫn. “Tất cả những tiền tiết kiệm em có từ trước tới giờ. Chúng là nguyện vọng của em, nếu thầy không chấp nhận, em cũng xin cảm ơn thầy đã giúp đỡ em suốt thời gian qua…”

Một cảm giác nóng bừng xuất hiện trong tôi khi lắng nghe từng từ, từng câu, rõ mồn một. Không chỉ là sự đồng cảm mà giờ đây, một phần trong con người tôi như bừng tỉnh, như muốn trỗi dậy. Cái bản năng che chở của một người đàn ông, của một sinh vật hoang dại trong tôi tưởng chừng như không hề tồn tại mà giờ đây, đứng trước một sinh linh bé nhỏ với ánh mắt cầu xin, mặc nhiên tôi cho rằng mình phải có trách nhiệm. Đối với tôi, cô bé này là nguồn sống duy nhất, và một cái cây tầm gửi như tôi không thể để nó chết dần chết mòn được. Những câu chuyện, những tiết học đáng nhớ, nó vẫn sẽ tiếp diễn bởi vì đó là một món quà kỳ diệu, còn tôi như một đứa trẻ bị tước đoạt mất nó. Có lẽ tôi phải hành động, vì cái thứ xúc cảm thần tiên đã chế ngự tôi hoàn toàn mất rồi. Trong tích tắc tôi đã quyết định rất nhanh.

“Thầy sẽ nói. Cất số tiền ấy đi, hãy để dành mà mua giấy với bút. Thầy sẽ nói mà, đừng khóc nữa.” Tôi đứng dậy, đeo chiếc cặp lên vai khi chuông báo giờ vào lớp vừa mới điểm.

Vừa nói xong, gương mặt cô bé dần trở nên rạng rỡ. Vẫn với đôi mắt biết cười, từ làm tôi thẫn thờ trong giây lát, tôi hiểu được rằng niềm hạnh phúc này là điều mình mong muốn. Và có lẽ còn hơn thế, như tôi đã nói, những cảm xúc man dại mới lạ là điều tôi sắp được trải nghiệm. Ngay từ phía bên kia, nhanh như chớp, cơn gió miên man thổi đến, vút qua cạnh bàn, đem niềm hưng cảm dạt dào ập tới. Cô ôm chầm lấy tôi, khiến tôi phải hơi cúi người xuống, bắt tôi phải cảm nhận trái tim cô đang đập rộn ràng trong lồng ngực. Lần đầu tiên tôi được ở gần cô ấy đến thế. Và tôi nhận ra rằng chẳng hề có khoảng cách nào, chẳng có địa vị hay cấp bậc nào có thể tạo ra giới hạn cả. Nếu không, thì làm sao tôi có thể ngửi thấy mùi tóc cô ngay lúc này đây? Một mùi hương nhẹ nhàng lan tỏa khắp hai vai, trong thoáng chốc trí óc tôi đã vẽ ra cảnh một thảo nguyên tươi mát, nơi tôi nằm rạp xuống đám cỏ, miết nhẹ những sợi vẩn vơ và đắm mình trong cái thứ mùi kết tinh từ sự cộng hưởng của cảm xúc. Chân tay tôi như tê dại đi, chiếc cặp xách tuột khỏi vai mà rơi xuống đất.

***

Hôm nay là ngày họp phụ huynh, cái ngày mà tôi phải đối diện với những gương mặt lạnh nhạt, cau có và đôi khi là hách dịch. Mỗi một phụ huynh ngồi đúng vào vị trí ghế tương ứng với con em mình mà từ phía bục giảng, trông như một buổi họp lớp của những học sinh đã bước sang cái dốc bên kia cuộc đời. Tôi bước vào lớp cùng thầy hiệu phó, đây là buổi họp đầu tiên vì năm nay tôi được làm chủ nhiệm, thật may là tôi không đơn độc. Dù vậy, trách nhiệm nói vẫn là của tôi. Đứng đối diện với gần ba mươi con người đủ các thành phần, thứ hạng, tôi lại nhớ đến niềm đam mê trong mình đó là được diễn thuyết trước quần chúng về cái hay của văn chương, nhưng nội dung của buổi hôm nay không cho phép điều đó. Cùng là đứng nói, nhưng chỉ cần chủ đề không phải đam mê thì không phải ngẫu nhiên mà cảm giác hồi hộp ngay tức khắc ập đến và phủ lấy tôi như một bầu trời giông tố sắp trút xuống dưới đầu.

Kể cả khi tôi đủ dũng cảm để đối diện với cơn bão ấy, thì bên trong nó vẫn có một tia sét thứ sẽ làm tôi chết đứ đự mà chưa kịp kêu lên một tiếng, ấy là người phụ nữ ngồi ở phía cuối lớp, tôi đoán là mẹ của cô bé - một gương mặt không mấy thiện cảm với đôi mắt sắc bén như lưỡi dao nhìn bâng quơ ra phía cửa như chờ đợi điều gì đó một cách miễn cưỡng. Bà trang điểm rất đậm với đôi môi đỏ chói, túi xách lúc nào cũng kẹp bên mạng sườn và chiếc áo chống nắng phủ phục trước bàn như một tên người hầu thành kính. Gia đình cô bé rất khá giả, tôi đoán là như vậy, những con người đi lên đỉnh xã hội bằng sự khôn ngoan và hiểu biết. Bất chợt tôi thấy hơi có chút sợ, nhất là khi trông thấy cô bé đang thấp thoáng ở phía sân trường cũng đang chờ đợi.

Buổi họp kết thúc. Tôi bước tới trước cửa ra vào, đứng song song với cái đoàn người mệt mỏi và rệu rã bước đi chầm chậm. Người phụ nữ ấy ở phía cuối đoàn, bà ấy nhường những người khác, tôi có cảm giác bà đã có sự chuẩn bị cho buổi nói chuyện này, cũng giống như tôi đã thức suốt đêm hôm qua mà tự độc thoại với cái bóng in trên vách. Tôi tính toán như thể một người suy luận cái thế cờ được bày ra, những lý luận mà một người nhà giáo vẫn thường hay suy nghĩ. Tôi cứ ngỡ bà ấy sẽ lắng nghe tôi từ đầu tới cuối, bởi vì tôi xứng đáng được tôn trọng ở vị trí của mình, nhưng không.

Bà ấy thoáng nhìn tôi một lượt, không hề mở miệng cất tiếng lấy nửa lời để mở đầu cuộc nói chuyện, thay vào đó, bà ngó ra phía sau tôi.

“Xem ra đây là người đã khích lệ con.” Bà nói.

Tôi ngoảnh ra, thấy cô bé đã đứng đó từ bao giờ. Gương mặt cô lúc này thẫn thờ, đôi mắt có phần trống rỗng, đôi mắt đã hơi sưng lên vì khóc nhiều. Tôi nhận ra có điều gì đó không ổn ở đây. Dường như câu chuyện không hề đơn giản.

“Nói gì đi chứ, hay phải đợi tôi cạy răng anh ra mới chịu được? Mang tư cách của một người giáo viên, tôi không nghĩ rằng anh lại dám làm những điều vượt ra ngoài chuyên môn của mình, can thiệp tới bước đường sự nghiệp của học sinh khác. Anh là một người trẻ, chưa có kinh nghiệm nhiều trong công việc, tôi hoàn toàn có thể chấp nhận sự thiếu hiểu biết trong việc ứng xử xã hội. Tôi cũng không đòi hỏi anh phải xin lỗi hay gì cả. Tốt nhất đừng nên can dự vào việc gia đình của chúng tôi nữa, đừng nghĩ rằng ai cũng như anh, cũng ham thích những thứ viển vông chẳng hề có ích gì cho cuộc sống này.”

Người phụ nữ nói một cách hấp tấp, cái lối nói dông dài bộc lộ sự nôn nóng trong cách hành xử hơn là một người có nhiều lý lẽ chính đáng, nhưng lại tạo ra một cái gì đó ác nghiệt, một mối nguy hiểm tiềm tàng chực bùng nổ. Bà ta nói mỗi lúc một nhanh hơn mà không hề cho tôi cái cơ hội được chen ngang. Lời mở đầu buổi trò chuyện như thể một lời phán quyết rút ra từ buổi tranh luận của gia đình cô bé, và tôi chỉ như một người đến để lắng nghe kết quả cuối cùng - một đặc ân dành cho người ngoài cuộc. Không, tôi đã nhận lời của cô bé, tôi phải thực hiện nó.

“Thưa cô.” Tôi nói. “Tôi không có ý gì cả. Nghĩa vụ của một người thầy dạy văn đó là dẫn dắt học sinh của mình đạt được ước mơ, khai phóng tinh thần suy nghĩ độc lập, phát huy sự tự do trong tư duy và nhận thức. Viết lách là sở thích của con cô, là điều em nhà đã mong muốn được bố mẹ và những người khác hiểu…”

“Đó là anh nghĩ thế.” Bà mẹ chen ngang. “Tôi là mẹ cháu, chẳng lẽ tôi lại chẳng hiểu cháu hơn anh sao? Cái lĩnh vực bản thân đang theo đuổi đã khiến anh nhìn nhận mọi thứ trên lăng kính phi thực tiễn. Tôi đã định hướng cho cháu từ nhỏ, từ cái lúc anh mới chỉ là một cậu sinh viên ở giảng đường đại học. Qua thời gian, có thể có yếu tố bên ngoài khiến suy nghĩ bị lệch lạc đi, mà nguồn gốc của điều này tôi nghi ngờ rằng xuất phát từ những tiết học của anh. Tôi đã bỏ ngoài tai những lời đồn đoán xoay quanh mối quan hệ giữa anh và con gái tôi những tháng gần đây, cho tới khi buổi tối hôm qua khi kiểm tra gầm bàn của nó. Và anh biết gì không, tôi thấy một vài trang truyện nó viết. Lẽ ra tôi đã chẳng bận tâm nhiều nếu như không thấy tên anh trên đó.”

“Tên tôi?” Tôi ngạc nhiên trước những lời lưu loát của người phía đối diện.

“Phải.” Bà mẹ gật đầu, đôi mắt không nhìn thẳng vào tôi, mà nhìn vào cô bé, người đang đứng yên lặng phía sau lưng tôi. Ngoảnh lại một lần nữa, tôi thấy cô hơi cúi xuống, nước mắt lại lăn dài.

“Nó viết về anh, bằng cái thứ từ ngữ sến súa và nhơ nhớp, quánh đặc lại như một vũng lầy mà người chưa đủ chín chắn dễ bị sa ngã vào trong. Càng đọc càng khiến tôi buồn nôn. Và anh biết tôi nghĩ gì không? Tôi mường tượng ra cái cảnh con bé bị một gã đàn ông lôi kéo và dụ dỗ, thổi vào đầu nó cái thứ văn chương mộng tưởng hão huyền khiến đầu óc nó trở nên mụ mị. Ồ không… tôi đã bảo lỗi không phải do anh mà nhỉ. Anh chỉ là con rối của chương trình giáo dục, anh đơn độc trong cái vỏ của chính mình, cô đơn đã khiến anh tự phát sinh cơn thèm khát tình yêu mà giăng ra cái bẫy như con nhện độc chăng tơ, ấy cái sinh tồn của một con người đi theo nghệ thuật, cũng tương đương với cái danh “xướng ca vô loài” mà trong suy nghĩ của tôi tất thảy đều những người mang danh này là gánh nặng cho xã hội. Ít nhất anh có mang tư cách của một nhà giáo, anh còn có công việc mang lại lợi ích cho người khác. Nhưng anh đã không làm tròn bổn phận của mình. Anh đã hại nó, hại cả gia đình tôi, mà một khi động đến gia đình tôi thì chỗ anh đứng cũng không yên ổn đâu.”

Mặt tôi nóng bừng lên khi nghe đột ngột nghe cái yêu sách được đưa ra. Thái độ ngang nhiên của bà bắt tôi phải cúi đầu, phải hạ mình xuống bất kể lý lẽ có đúng hay không, để tất thảy tội lỗi mặc nhiên trút xuống đầu tôi. Mà thực ra chẳng hề có tội lỗi gì ở đây cả, điều tôi làm là hoàn toàn đúng đắn, và tôi tin vào chính bản thân mình. Cái sự độc đoán và bảo thủ được kết tụ trong một ánh nhìn đầy khiêu khích và hách dịch đang uy hiếp tôi, nhưng ở phía sau lưng tôi, tiếng động sụt sùi của một tâm hồn đối nghịch là càng khiến tôi mạnh mẽ hơn.

Lần thứ ba nhìn lại, tôi thấy cô bé đã ngồi thu mình lại, áp lưng vào tường hành lang. Đôi mắt cô nhìn vào khoảng sân rộng thông qua khe hở chật hẹp giữa hai con tiện lan can, như một chú chim nhìn qua chấn song của chiếc lồng nhỏ mà khao khát được bay ra bên ngoài thế giới.

Tôi phải chiến đấu, bằng bất cứ giá nào. Chiến đấu vì gió, cơn gió của đời tôi, một linh hồn đang đứng trên bờ vực. Hình bóng người con gái đó trong trí óc tôi phải luôn được luôn được hồn nhiên, luôn được kiêu hãnh, và trên tất cả, luôn được hạnh phúc. Tôi cảm giác rằng tôi sinh ra trên thế gian này, tồn tại gần ba mươi năm chỉ để cho khoảnh khắc này, khoảnh khắc mà tôi thực sự sống, ấy là khi được hết mình vì người khác. Người tôi run lên, tôi không dám ngoảnh lại nữa - có lẽ tôi sẽ đứng đây, mà đấu tranh cho đến khi nào cơn gió quay trở lại. Phải, tôi sẽ chiến đấu, cho tới hơi thở cuối cùng.

“Cô là mẹ của cháu, vậy mà cô cho rằng mọi quyền quyết định của bản thân đối với con đều sẽ là tốt nhất ư? Cô chẳng thể nào đọc được suy nghĩ của người khác cả. Nếu một ngày nào đó cô phát hiện ra rằng những quyết định của mình là sai lầm, liêu cô có hối hận không? Con gái cô đang bước vào giai đoạn hình thành nhận thức và có sự thay đổi trong hành vi, cháu cần phải được quan tâm nhiều hơn, và quan tâm ở đây không có nghĩa là áp đặt một cách nghiễm nhiên tâm tư và nguyện vọng của bản thân mình. Cô chối bỏ trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho tôi, một người đang quan tâm đúng cách và đúng mực. Có bao giờ cô thực sự nói chuyện với cháu chưa? Những bữa cơm gia đình liệu cô đã bao giờ lắng nghe những lời chia sẻ của con gái cô chưa? Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản ấy lại khiến con gái cô phải khổ tâm rất nhiều. Nếu tôi là một người mẹ, có lẽ tôi sẽ thật xấu hổ khi nhận ra rằng suốt bao năm nay mình chưa thực sự thấu hiểu con cái, dù đã luôn sát sao và nhiệt thành. 

Nhưng khoan hãy nói về chuyện đó, tôi chỉ muốn nhắc tới cá nhân mình trong chuyện này, khi mà hình ảnh của bản thân đang dần bị xấu xí đi. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ nụ cười hào hứng của con gái cô khi lần đầu tiên cho tôi xem truyện - tôi hiểu được rằng đó là một niềm hạnh phúc thuần khiết, thứ mà tiền bạc không thể mua được. Ở vị trí của tôi ngay lúc ấy cô sẽ làm gì? Xé toạc cuốn truyện đó để phá hủy cái niềm hạnh phúc đơn thuần ấy sao? Chỉ cần đọc, lắng nghe và quan sát, dù trong một thời gian ngắn ngủi nhưng tôi dám khẳng định rằng tôi hiểu cô bé còn hơn cả cô. Và nếu cô thấy tôi đang đi quá xa, cô muốn giáng một cái tát vào mặt tôi, muốn hủy hoại cuộc sống của tôi bằng cái niềm tin mù quáng có được từ sự suy diễn, tôi cũng chẳng hề run sợ. Đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm thế. Và với khả năng của mình, tôi hoàn toàn có thể phanh phui bất cứ điều gì mờ ám gây tổn hại tới vị trí của cá nhân tôi, tới báo chí, luật pháp và tôi đủ khả năng để viết, để biện hộ, để tranh luận dưới góc độ của một nhà trí thức. Cây ngay không sợ chết đứng, tôi chẳng làm gì nên tội cả. Điều tôi làm chỉ muốn tốt cho con gái cô, cô muốn hiểu thế nào cũng được, nhưng hãy nhớ rằng, một ngày nào đó cô sẽ phải ân hận, phải day dứt, phải dằn vặt khi biết mình đã thiếu trách nhiệm với con cái đến mức nào.”

Không gian bất chợt lặng yên. Trong khoảnh khắc, tôi nghe thấy tiếng lá bàng xào xạc khi chúng trượt dài dưới sân trường. Gió lại nổi lên, nhưng lần này thì khác, bởi đi kèm với đó là  những áng mây vần vũ trên nền trời âm u. Cơn giông sắp kéo đến. Tôi cảm tưởng như sắp có một tia sét sẽ giáng xuống đầu mình ngay lúc này, hay một gáo nước lạnh. Tay tôi hơn run lên, một cái run phản xạ mà tôi không muốn người khác biết mình đang bị kích động, khi mà adrenaline trong máu tăng đột biến. Nhưng quả thực tôi không hề sợ hãi. Tôi đã không còn là bản thân mình của ngày trước nữa, tôi dám đương đầu với bất cứ thế lực nào. đương đầu với chính nỗi sợ của bản thân mình. 

Nhưng bà mẹ chỉ lắc đầu, cái lắc đầu của sự khinh miệt và dửng dưng. Không, dường như bà ấy lắc đầu với cô bé. Tôi chợt thấy lo lắng, chạy khắp toàn thân là một cảm giác tê liệt như điện giật. Ngoảnh lại, cô bé đã đứng dậy, mắt nhìn chăm chăm vào tôi, nét mặt có điều gì đó tiếc nuối. Và sượt qua tôi, bước đi rất nhanh như một cơn lốc, người phụ nữ tới nắm tay con gái tiến về phía sảnh cuối hành lang để trở về nhà.

Ánh mắt cô bé thấp thoáng sau hai dải tóc vẫn hướng về tôi, trong khi lững thững bước. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó, khi mà gương mặt nhỏ nhắn xa dần, xa dần. Ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi như một tia chớp: “Chuyện gì đang diễn ra thế này?” Tôi đã chờ đợi để đón nhận thêm nhiều lời lẽ cay độc hơn nữa, chờ đợi cuộc cãi vã lên tới mức khốc liệt, chờ đợi phút cao trào khi số phận một con người được định đoạt, và trên tất cả, tôi đã chờ đợi được trông thấy cơn gió của tôi vui tươi quay trở lại, để mà bầu trời còn trong xanh, để mùi cỏ hãy còn thơm ngào ngạt. Tôi chỉ đứng đó, bối cảnh trong đầu vẫn tiếp diễn, song thực chất chỉ còn mình tôi đứng lặng lẽ ở hành lang một mình.”

***

Người thầy ngừng lại mắt vẫn nhìn theo cơn gió bên ngoài. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Những đứa trẻ đứng bên ngoài bấu lấy khung cửa, chiếc cột mà trông vào với đôi mắt tò mò. Chúng tự hỏi tại sao buổi học hôm nay lại không diễn ra? Tại sao thầy lại nói chuyện với khách lâu đến thế? Và hơn tất cả, tại sao hai người lại đang xúc động mạnh một khác thường. Phải, tay tôi đã ngừng viết từ lúc nào không hay, bởi, những giọt nước mắt đã nhỏ giọt xuống, thấm đẫm cả cuốn sổ ghi chép. Tôi cứ cúi mặt xuống mà không dám nhìn lên, giấu đôi mắt mình sau làn tóc mái.

“Em chính là cô bé đó, đúng không?”

Tôi lặng người, không đáp. Tay tôi khẽ đưa lên quệt nước mắt. Người đối diện tôi chất giọng vẫn điềm tĩnh như khi kể, vẫn ở cái vị trí cách nhau một chiếc bàn, giống như cái buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều đã in sâu vào ký ức tôi. Quá khứ và thực tại giao nhau như một dòng ảo ảnh, và tôi không thể ngờ được rằng đến ngày hôm nay, người thầy trước mặt tôi đây chính là người mà nhiều năm về trước đã dẫn dắt tôi bước những bước đầu tiên của sự nghiệp.

“Tôi đã nhận ra đôi mắt em ngay từ khi bước vào lớp. Đôi mắt vẫn thật đẹp như ngày nào. Nhưng hình bóng người phản chiếu qua nó chỉ còn là một ông lão già nua. Tôi không còn trẻ nữa, sự nghiệp của tôi hầu như chẳng còn gì. Nhưng điều duy nhất tôi có ở ngay đây…” Những ngón tay gầy guộc của người thầy khẽ chạm vào lồng ngực mình mà bấu chặt. “Tình yêu trong tôi vẫn còn đó, vẫn âm ỉ cháy mãi như ngọn lửa. Suốt bao nhiêu năm nay nó chưa bao giờ vụt tắt, tôi không hề gìn giữ nó, mà đúng hơn là nó đã gìn giữ tôi. Sống ở cái miền này, nó thắp sáng phần đời còn lại của tôi, cho tôi thêm nhiều hy vọng để sống tiếp. Tôi để ý thấy tiêu đề bài viết của em là :”Chuyện gì đã xảy ra với kẻ đi tôn thờ gió?”. Và câu trả lời của tôi đã rõ ràng thông qua câu chuyện của mình. Giờ đây xin hãy cho tôi được gửi tới em một câu hỏi, về cái điều mà tôi đã day dứt biết bao nhiêu năm qua, đã trải qua đủ những cung bậc cảm xúc khi đối diện với nó. Ấy là:

“Chuyện gì đã xảy ra với cơn gió?”

Ngọn gió của đời tôi, cái hương thơm dịu mát mà thanh khiết đã cứu rỗi tâm hồn khi còn đang cằn cỗi và khô khốc như một thân cây gỗ mục. Cái tiết học của đầu năm mới, sau buổi nói chuyện đầy căng thẳng với mẹ em, tôi đã không thấy sự xuất hiện của em ở lớp học nữa. Linh tính mách bảo tôi rằng có điều gì đó không ổn…

“Bạn ấy đã chuyển trường rồi thầy ạ.” Một học sinh cất tiếng.

Tôi vẫn tiếp tục buổi giảng, nhưng lòng trĩu nặng đầy bâng khuâng. Cảm tưởng như một người nào đó biến mất khỏi cuộc đời mình một cách chóng vánh, tôi cứ giảng mà không nhận ra giọng mình đang run. Đôi chân không thể đứng yên bất động, nó muốn chạy đi, chạy tới bất cứ đâu, bất cứ chân trời nào có thể tìm thấy em ở đó. Bài giảng bất chợt ngừng lại, tôi ngồi thụp xuống ghế, choáng váng trước những điều đang diễn ra trước mắt như một vở kịch được sắp đặt sẵn. Còn tôi, đúng như lời người phụ nữ nói, chỉ là một con rối đang bị cảm xúc chế ngự. Tôi nhìn lớp học, nhìn chỗ trống ở phía cuối lớp, tâm trí tôi cố gắng khỏa lấp bằng hình ảnh tưởng tượng. Nhưng sau tất cả, sự thật phũ phàng đã khiến tôi sụp đổ hoàn toàn.

Tôi nhìn thấy tương lai u tối của mình. Nhìn thấy con người ù lì mà tôi sắp phải trở lại nguyên dạng. Tôi đã nhớ em nhiều lắm. Thật buồn khi khoảng cách về địa vị, về sự nghiệp, về tuổi tác đã chia tách chúng ta, và còn buồn hơn nữa khi sau tất cả những thứ ấy tôi vẫn yêu em rất nhiều. Một phần linh hồn tươi sáng trong tôi vẫn muốn sống tiếp, nó muốn được lắng nghe, được thấu hiểu, và còn hơn thế nữa, nó muốn được trải lòng. Niềm cảm hứng viết trong tôi lại vực dậy, ấy là nhờ có em. Tôi đã muốn ngồi xuống để viết thứ gì đó, một bức thư, một bài thơ, một truyện ngắn, hay một cuốn tiểu thuyết. Nhưng những thứ xung quanh, chuyện cơm áo gạo tiền, công việc dồn dập, chúng như một thực thể níu giữ bàn tay tôi mà không cho ngòi bút được chuyển động. Tôi bị những luồng suy nghĩ khác phân tán, và tôi sợ rằng một ngày nào đó tôi sẽ đánh mất mình, tự biến thành một cỗ máy, một cái bánh răng chỉ biết làm tròn bổn phận.

Và thế là tôi chạy trốn, mang theo cái tình yêu nhỏ bé và ngọn lửa đam mê bên trong mình tới miền đất này, gìn giữ nó cẩn thận như một người che ánh nến mà bước đi vội vã giữa đêm giông. Tôi không thể để những thứ thuần khiết bên trong trái tim mình bị vấy bẩn và pha tạp. Tôi sẽ không yêu bất cứ ai nữa, và tôi không bao giờ cho phép mình làm điều đó. Cái thế giới nhỏ bé của tôi cần phải được bảo toàn. Mới đầu, tôi đã nghĩ mình dại dột, đã tự giam mình vào một cái nhà tù ở nơi hoang vu hẻo lánh. Nhưng em có nhận ra không, trên đời này chẳng nhà tù nào có những đứa trẻ cả. Cái trường học này, cái mái ấm này chính là nơi tôi gửi gắm linh hồn mình vào trong. Tôi sống ẩn cư như một vị đạo sĩ. Tôi được tự do phóng khoáng làm những điều mình thích. Bất cứ ai nhìn vào hoàn cảnh của tôi, một thầy giáo vùng cao không gia đình, không người thân thích, họ sẽ thấy tôi khổ. Họ không bao giờ hiểu được, cũng giống như cách họ ghê tởm cái mối tình dang dở giữa tôi và em, bởi vì họ không phải là tôi, chưa từng trải qua những phút thăng trầm của cảm xúc. 

Họ chưa bao giờ yêu hết lòng vì một ai đó, nên họ không hiểu được. Và suốt cả cuộc đời họ sẽ mãi mãi bất hạnh vì điều này. Than ôi, những người ấy quả thực đáng thương!

Vì thế tôi tiếp tục viết. Tôi viết trong vai trò một con chiên ngộ ra đạo lý của thánh kinh, như một nhà tu hành đã thành chín quả. Cái tôn giáo của tôi chỉ đơn giản đề cao tình yêu thương con người, chấm hết. Tôi truyền bá cái chân lý tưởng chừng như đơn giản đó tới tất cả mọi người thông qua trang sách. Tôi chẳng cần danh tiếng hay tiền bạc khi đặt bút, nên tôi chẳng hề có chút áp lực hay gượng ép gì cả. Và cái thứ văn chương như "dòng chảy kiết xuất từ tâm hồn” cũng từ đó mà hình thành.” 

Người thầy vẫn ngồi đó. Tôi đứng dậy. Chiếc bút lăn trên mặt bàn mà rơi xuống đất. Những ký ức lại trỗi dậy, mờ mịt và xa xăm, nhưng chúng đang níu tôi lại, bắt tôi phải ngồi xuống, khiến tôi như muốn ở lại đây mãi mãi. Phải, buổi chiều hôm ấy, rung động như những gợn sóng. Tôi đã nhìn thấy sự kết nối tới một con người thực sự. Trước mắt tôi lúc này chỉ còn là một thầy giáo trẻ trung, người đã lắng nghe tôi tận tình, đã đứng về phía tôi trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Chẳng phải tôi đã hằng mong ước được gặp lại thầy, dù chỉ một lần hay sao?

“Em đã đi theo tiếng gọi của trái tim mình.” Tôi nói. “Lần đầu tiên trong cuộc đời, em đã cứng rắn và quyết liệt, như cái cách thầy đối đầu với mẹ em hôm đó. Và em đã thắng, dù gia đình từ chối em. Trải qua một quãng thời gian dài tự đi làm để trang trải cho việc học sau khi nộp hồ sơ vào một trường thuộc khối xã hội, cuối cùng em cũng đã tốt nghiệp. Việc đầu tiên em làm là trở lại cái ngôi trường cấp ba cũ, cái nơi luôn khiến suy nghĩ trong em bừng sáng mỗi khi nghĩ về, nơi lần đầu tiên em có những rung động. Nhưng em không thấy thầy ở đó. Và sau khi nghe chuyện, em đã rất buồn. Em đã khóc rất nhiều, và…”

Cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi vẫn đứng ra đó, không nói thêm được lời nào nữa. Dù cúi xuống nhưng trong trường nhìn của mình, tôi thấy đôi mắt thầy hướng về phía mình, mỉm cười trong khi hai hàng nước mắt ánh lên lóng lánh khi ánh nắng phản chiếu qua cặp kính nằm yên lặng trên bàn.

“Không sao. Giờ thì chúng ta ở đây. Thật hạnh phúc cho tôi khi được thấy em trưởng thành và chín chắn, đạt được ước mơ của mình. Chỉ cần thế là đủ, thật vui khi cơn gió của tôi được mặc sức bay bổng, lướt qua vạn vật, không còn bị điều gì kìm hãm nữa.”

...

Tôi bước xuống sườn núi cùng người lái xe với những túi đồ trên lưng. Những đợt gió thổi lồng lộng dạt dào hai bên dải tóc. Cảm tưởng như tâm hồn tôi được thư thái và bay bổng, nước mắt cũng dần khô. Nhưng không, tôi không thể cứ thế mà bay đi. Một điều gì đó mách bảo tôi ngoảnh lại phía sau.

Trời đang xẩm tối. Ánh hoàng hôn phủ một màu vàng nhạt khắp những tán cây, ngọn cỏ. Những đàn chim bay hướng về mái trường đang thắp ánh đèn sáng trưng. Ở đó, giữa những tán lá rừng, tôi thấy thầy đứng đó trông theo chúng tôi. Bất chợt, trong mắt tôi hiện ra nào là sân trường, là lớp học, là những hình ảnh đọng lại trong ký ức mà tôi chẳng hề muốn quên đi. Con người tôi của ngày trước đã từng có lúc muốn thời gian ngừng lại, và tôi đã luyến tiếc rất nhiều vì không níu giữ được quá khứ. Giờ đây, tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm khi biết còn một thứ vượt qua cả thời gian, ấy là tình yêu bên trong hai trái tim vẫn còn thổn thức. 

Cơn gió đã ngoảnh lại, và nó hiểu được bản chất thật sự của hạnh phúc là gì.

...

***

Rất nhiều người bàn tán về bài phóng sự trên tờ báo. Người thì cho rằng đó là một tác phẩm khác của “Kẻ đi tôn thờ gió”, vốn được thêu dệt từ trí tưởng tượng của người kể chuyện, một số khác lại nghĩ câu chuyện là có thật. Tiếng vang của bài viết lan rộng, rất nhiều những tờ báo khác cũng bắt đầu tổ chức những cuộc thi viết truyện ngắn, thu hút được đông đảo nhiều tác giả nghiệp dư tham gia. Họ chú ý nhiều tới tôi, đưa ra nhiều điều kiện để lấy thêm thông tin từ tôi về tác giả, nhưng vô ích vì tôi đã không còn làm việc cho tòa soạn nữa.

Về phần mình, tôi cũng bắt đầu viết. Và mỗi khi trông thấy gió nổi lên, hình ảnh về đôi mắt ấm áp phía sau cặp kính lại hiện về, giọng nói điềm đạm và nhẹ nhàng lại vang lên, dù mịt mờ nhưng cũng đủ để dòng cảm xúc nhiệm màu lan tỏa khắp trái tim mình.

Sẽ luôn có thứ mãi mãi, dù là rất xa xăm.

(Hết)

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận