Tất nhiên, tác phẩm này nổi lên mục sáng tác rất nhiều lần rồi, nhưng tôi vẫn chưa có thời gian đọc. Lí do thì… cũng nhiều lắm, vẫn còn nợ rất nhiều thứ (như bài chê truyện nào đó), chuyện học hành và đặc biệt là cắm đầu sửa những chương tiếp theo của Mưa máu.
Nhưng rồi cuối cùng, dưới tác dụng của một ma lực bí ẩn nào đó, con bướm đêm cũng đã đậu lên bông hoa dại mang tên “Sói tuyết và thánh đường”.
Tôi cũng không biết nên diễn tả vị của nó như thế nào, vì có thể mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Nếu lướt qua nó trên chóp đầu lưỡi, có thể bạn chỉ cảm thấy bông hoa này vừa lạnh vừa vô vị, nhưng nếu kiên trì đến cuối, bạn sẽ cảm thấy bông hoa này vẫn lạnh, nhưng không vô vị nữa.
Nào, hãy cùng tôi từ từ khai phá hương vị của bông hoa này thôi.
***
Bị kẹt lại trong một cơn bão tuyết trên một ngọn núi hoang vu của vùng biên đất nước, Mallorie chẳng có việc gì khác để làm ngoài nằm co người nhớ lại từng mảng ký ức rời rạc của mình.
Hay đó là khúc hùng ca của con người nhỏ bé khi đã hoà vào với thiên nhiên hoang sơ quá đỗi khoáng đạt và tự do trước mắt. Và ký ức con người là những tiếng gõ chầm chậm luồn lách điểm vào trong thứ nhạc điệu đầy gợi cảm ấy.
Hay đó là một cơn say độ cao tuý luý khiến con người tìm về những ảo mộng siêu thực để giải phẫu chính kiếp sống của mình. Để rồi hoang hoải nằm lại trong một giấc du miên trường kỳ, và khi tỉnh giấc chỉ thấy một đàn sói tuyết đang đi về phía thánh đường lấp lánh phía xa.
***
Chà, cảm giác đầu tiên của tôi về cái tóm tắt này là nó gần như nói ra hết toàn bộ nội dung truyện, vì thực sự “Sói tuyết và thánh đường” cũng có thể coi như một truyện ngắn. Thêm nữa, cái tóm tắt mang cho tôi một cảm giác deja vu với những tác phẩm của Nguyễn Tuân - những tập tùy bút đầy so sánh và những từ ngữ mới lạ, giàu đẹp.
Và, đúng là tác phẩm mang một chút nét của Nguyễn Tuân thật, khi xuyên suốt tác phẩm là những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, hoán dụ đan xen nhau tạo thành một bức tranh - có thể các gam màu đi theo một trật tự hoặc hỗn loạn, tùy mỗi người cảm nhận. Việc của tác giả ấy là đem bức tranh ấy hòa tan vào thiên nhiên trong truyện - một khung cảnh trắng xóa của tuyết và băng. Tuy không có lấy một lời thoại, nhưng không vì thế mà sự tương tác trong truyện bị mờ nhạt - chính những hình ảnh, ký ức và thủ pháp so sánh của tác giả đã đem lại hiệu quả lớn trong việc truyền tải nó đến độc giả nói riêng và đến tôi nói chung. Mà việc sử dụng hình ảnh đó lại làm cho các tình tiết trong truyện trôi đi chầm chậm như một con sông băng, đưa người đọc từ từ trôi theo cơn lúy túy của nhân vật Mallorie. Thực tại, mơ hồ, thực tại, mơ hồ, thực tại… cứ thế tiếp diễn. Tôi (nói một cách hơi chủ quan một chút) đã thực sự say(!) theo nhân vật khi đong đưa các giác quan của mình vào trong suy nghĩ của Mallorie. Đó là thứ đầu tiên khiến mình ấn tượng, và cũng bao gồm cả một điểm trừ nhỏ là việc sử dụng liên tục các hình ảnh ấy đôi lúc khiến mình choáng - giống như đang ở giữa một cơn say và vẫn muốn giữ ở cái độ say đó, nhưng không ngờ nó lại tăng lên khiến đầu óc mình khó bắt kịp - khá khó khăn để cảm nhận được sự dồn dập vượt qua giới hạn này.
Về tình tiết trong truyện, tôi xin phép không nói nhiều và để phần đó cho độc giả tự cảm nhận. Tôi (lại một cách chủ quan) chỉ có thể nói rằng, tình tiết trong truyện hợp với “gu” tình tiết của tôi, khi đã đọc qua và cảm nhận được sự tương đồng với một truyện ngắn của Trương Duyệt Nhiên - khi yếu tổ kể được giản lược kha khá và dùng miêu tả để dẫn dắt câu chuyện. Để rồi khi kết thúc, nó để lại một dư vị thật ngon, nhưng lại có cảm giác chưa thỏa mãn.
Rồi, tới phần khách quan: nhìn chung, “Sói tuyết và thánh đường” là một bộ truyện đáng đọc và có dung lượng vừa đủ để bạn nhâm nhi một ly thức uống nóng trong một đêm lạnh, một đêm mưa. Hoặc chỉ là cuộn mình trong chăn và nghĩ ngợi lung tung giữa tiết trời lạnh giá (tất nhiên sẽ không lạnh như trong truyện được), và có thể bạn cũng sẽ nhìn thấy một đàn sói tuyết đang đi về phía thánh đường lấp lánh phía xa đấy…
Con bướm hài lòng với bông hoa dại này và cho nó 8 điểm trên thang 10. Hi vọng từ thảm cỏ này sẽ mọc lên nhiều bông hoa mới hơn, có vị độc đáo hơn.
18 Bình luận
Flop but nice