Toàn truyện
2. Hãy đọc đủ mọi điều khoản trước khi ký hợp đồng
0 Bình luận - Độ dài: 2,591 từ - Cập nhật:
Căn cứ Đáy biển Quốc tế (International Undersea Station) IUS được thành lập với những lý do đơn giản.
Lý do đầu tiên là vì con người không thể mặc kệ tình trạng ô nhiễm của biển nữa. Những dự án phát triển, bảo vệ hệ sinh thái đại dương để ngư dân tiếp tục đánh bắt, hay sự tuyệt chủng của các loài sinh vật biển vốn chẳng phải vấn đề gì đáng để các nhà tư bản để tâm, nhưng hiện tại phần lớn các loài sinh vật biển đều đã trở thành những chủng loài cần được bảo vệ. Nói cách khác, bây giờ đến cả loài cá cơm cũng trở thành sinh vật biển cần được bảo vệ nên con người không thể đánh bắt, sản xuất, lưu thông hay bảo quản chúng nữa.
Chỉ tính riêng Hàn Quốc, một đất nước có ba mặt tiếp giáp với biển và được bao quanh bởi bùn biển, hơn nữa từng được mệnh danh là vùng đất vàng của sinh vật biển, nhưng cả nước vốn có 14 nghìn loài sinh vật biển thì hiện đã có bốn nghìn loài tuyệt chủng, chỉ còn lại khoảng 10 nghìn loài. Vì bao vấn đề như san lấp và khai thác ven biển, đánh bắt cạn và ô nhiễm vùng biển, ô nhiễm nước, nhiễm chất phóng xạ mà hệ sinh thái biển coi như đi tong, ô nhiễm trên mức này sẽ gây ảnh hưởng đến vấn đề sinh tồn của toàn nhân loại nên các nước tiên tiến đành phải dùng bộ não vô đạo đức của mình để tìm cách hợp sức.
Lý do thứ hai, loài người cần có một nơi sinh sống mới. Phải đến khi rơi vào tình cảnh không thể đánh bắt hải sản thêm nữa, con người mới nhận ra việc đầu tư vào thám hiểm vũ trụ chẳng qua chỉ như dã tràng se cát, vừa tốn tiền lại còn tạo thêm xác người và rác thải. Sau khi để ba phi hành gia cuối cùng về nước, các nước cuối cùng cũng chính thức từ bỏ thám hiểm vũ trụ. Họ cũng từ bỏ luôn ý định vừa viển vông vừa thấp kém là địa khai hóa sao Hỏa và chỉ để một vài người sống sót trên hành tinh mới. Thay vào đó, họ vắt kiệt tiền từ người dân và tập trung xây dựng căn cứ dưới đáy biển.
Các công ty khoan dầu hoặc phát triển tài nguyên biển lao vào đầu tư cho IUS. Bọn họ không giỏi bảo tồn môi trường sống cho con người nhưng lại rất giỏi khai thác và phát triển, tám nước phát triển lại gây ra một vụ ô nhiễm biển mới toanh và xây dựng thành công căn cứ đáy biển ngay giữa Thái Bình Dương. Hình như ngay cả việc lựa chọn địa điểm xây căn cứ cũng gây sóng gió một thời gian, nhưng lúc đó tôi còn đang học tiểu học nên không nhớ rõ lắm.
Họ vốn định xây ở Đại Tây Dương, nhưng do phải chọn một địa điểm không hay xảy ra động đất, phù hợp để khai khoáng các loại đất hiếm, dầu mỏ và khí gas tự nhiên, cũng như chiêu trò và những màn tranh đấu ngầm của từng nước mà tôi không thể nào biết đến nên căn cứ số 1 đã được xây dựng ở Thái Bình Dương. Hiện họ đang có kế hoạch xây căn cứ thứ 2 và dồn tiền vào Đại Tây Dương.
Lý do thứ ba là để khai khoáng. Họ có thể lấy bất cứ lý do nào, nhưng lý do chính vẫn là đây. Biển cả cũng giống như một vùng đất chưa được khai thác. Bên trong ẩn giấu vô số thủy sản và tài nguyên khoáng sản mà con người chưa thể đụng tới. Từ dầu mỏ, khí gas tự nhiên, đá quý hiếm, hạch mangan hay nước biển sâu chưa bị ô nhiễm. Đến cả những thông tin mới được khám phá về biển sâu và những loài cá dưới biển sâu hóa ra lại ăn được. Loài người hoàn toàn chưa từ bỏ ý định tiêu pha hết tài nguyên của trái đất.
Tôi hiện đang làm việc cho căn cứ đáy biển nên bây giờ nói thể này có thể hơi buồn cười, nhưng thực ra tôi thấy việc xây dựng căn cứ quá mâu thuẫn. Mới ngày nào còn vứt hết rác thải ra biển, thế mà bây giờ không sống được trên mặt đất nữa nên lấy lý do “phải quay về với vòng tay của mẹ biển cả” rồi còn định xây nhà dưới đáy biển. Cười chết tôi. Mọi tài nguyên và sinh mạng trên trái đất sắp sửa cạn kiệt đến nơi. Hiện tượng băng tan, thủng tầng ozone, phá hủy hoàn toàn hệ thống nhiệt độ của trái đất do đánh bắt động vật quá đà và rác thải hạt nhân đến mức nhiệt độ bây giờ dao động giữa -40 độ và +45 độ, lỗi là do ai mà bây giờ lại không chịu nổi nữa và thi nhau lẩn trốn dưới đáy biển đây?
Những người từng đối mặt với công cuộc thám hiểm vũ trụ cho rằng đón nhận nạn diệt vong chính là nghĩa vụ của chúng ta trên tư cách một trong những loài sinh vật sống trên trái đất. Tôi không đồng ý với ý kiến đó, nhưng đôi khi tôi lại thấy tiếc nuối vì con người đã rơi xuống cái đáy sinh tồn như thế này.
Thật không may là tôi sinh ra sau năm 2000. Bản thân tôi mong rằng mình được sinh ra sớm hơn một chút. Tôi muốn thử sống trong một thời đại mà con người có thể tùy ý sử dụng tài nguyên, giả mù trước các vấn đề môi trường và không cần phải bôi kem chống nắng để sống sót. Cuộc sống của những người sinh ra vào thế kỷ 21 hầu như đều trôi qua trong nỗi hoài nghi và trầm uất, nhưng vì bản năng sinh tồn của chúng tôi còn mạnh mẽ hơn năm xưa nên sau khi tiêu tốn gần 600 nghìn tỉ đô la để đầu tư tiền của và nhân công xuống dưới đáy biển, cuối cùng căn cứ đáy biển ở Bắc Thái Bình Dương cũng được hoàn thành.
Căn cứ Đáy biển Bắc Thái Bình Dương (NPIUS) được chia ra làm 4 tầng lớn. Đầu tiên là tầng 0, hay còn gọi là “đảo nhân tạo” được tạo ra ở thềm lục địa, [Căn cứ số 1] nằm ngay dưới nó, [Căn cứ số 2] được xây dựng tại vùng khơi mặt (-200m), [Căn cứ số 3] nằm ở vùng khơi trung (-1000m), và [Căn cứ số 4] ở vùng khơi sâu (-3000m). Tầng 5 ở vùng biển khơi tăm tối (3000~6000) vẫn đang được xây nên tạm thời chỉ có 4 tầng.
Nơi ở của tôi nằm ở dưới cùng, tức là [Căn cứ số 4] ở vùng khơi sâu (-3000m) đã được hoàn thành. Họ vừa xây một phòng khám răng mới dưới tầng này và chọn tôi làm bác sĩ đảm nhiệm.
Trên bàn Priya có rất nhiều mô hình san hô, sau khi xác nhận hộ chiếu của tôi thì cô ấy bắt đầu lấy giấy tờ ra.
“Có tổng cộng 8 nước tiếp giáp với Bắc Thái Bình Dương là Hàn Quốc (tôi nhún vai), Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc tham gia.”
“...Còn Philippine thì sao? Tôi tưởng Philippine cũng tiếp giáp với Bắc Thái Bình Dương? Tôi hơi mù mờ về địa lý, nhưng hình như có cả Mexico nữa. Mà khoan, còn có cả Đài Loan và Hồng Kông mà nhỉ. Đâu phải nước nào tiếp giáp cũng tham gia.”
“Bởi vì đó không phải là yếu tố quan trọng nhất để tham gia dự án này. Quan trọng là các nước này có thể đầu tư ít nhất một nghìn tỷ để đưa vào ngân sách phát triển căn cứ mỗi năm.”
“Phí tham gia đắt quá.”
…Nước mình lắm tiền đến vậy sao? Một nghìn tỷ nhiều đến mức nào nhỉ? Nói mới nhớ, hình như tôi đã từng đọc qua một bài báo vặn hỏi chính phủ tại sao lại đổ nhiều tiền để xây căn cứ đáy biển hơn là thám hiểm vũ trụ khiến việc thám hiểm không người lẫn có người đều bị trì hoãn, từ đó trình độ nghiên cứu vũ trụ của Hàn Quốc lạc hậu hơn so với các nước tiên tiến khác. Priya mỉa mai nói.
“Cả tám nước quyết định cùng dồn tiền vào, khai khoáng được cái gì thì chia đều cho nhau. Họ ở dưới này vẫn còn thích đấu đá lắm. Mà cả tôi lẫn anh Moo Hyun đều không cần quan tâm đến chuyện đó.”
Cô ấy nói mình người Ấn Độ nên có thể đứng ngoài chứng kiến người của các nước khác tranh giành khoáng sản ở Bắc Thái Bình Dương, sau đó lấy tài liệu ra một cách tự hào.
“Đây là giấy tờ gì vậy?”
“Hầu như đều là thủ tục gia nhập và các điều khoản về bảo hiểm việc làm thôi.”
“Bảo hiểm việc làm của tôi… sẽ do NEP chịu trách nhiệm? Tại sao?”
Tôi chưa nghe thấy đơn vị này bao giờ. Chỉ cần cho tôi biết cái tên này viết tắt từ từ gì trong tiếng Anh là được.
“Đơn vị này được đặt tên dựa trên tên Latin của thần Poseidon, Neptūnus. Vào lúc xây dựng căn cứ, có một công ty xây dựng của Nhật quỵt tiền lương của nhân viên bên họ tận hai tháng. Người Nhật Bản được công ty thuê thì không nói năng gì, nhưng những người Trung Quốc được thuê cùng họ thì lại làm loạn lên. Rồi họ còn đe dọa nếu không trả tiền thì đừng hòng xây tiếp, sau đó còn dùng tàu ngầm người lái để phá hỏng thang máy của căn cứ số 2. Công ty xây dựng của Nga cũng trả lương chậm nên nhân viên định dùng bom cho nổ thang máy trung ương. Công ty của Hàn không có chính sách trả tiền thưởng nguy hiểm, lương cơ bản cũng thấp nên nhân viên đình công tận 3 tháng. Bên Mỹ cho thầu lại nên trong đội ngũ nhân viên có khá nhiều người Malaysia, Philippine và Myanmar, nhưng có mấy sự cố chết người lận. Thế mà bên công ty không chịu bồi thường. Sau đó một trong những thân nhân của nhân viên người Indonesia tung di thư khắp công trường và dọa sẽ tự sát nên họ kéo sập toàn bộ khu thủy cung dưới biển. Còn chưa xây được căn cứ mà có nhiều sự cố quá. Khi nào anh mà mời tôi một cốc cà phê thì tôi sẽ còn kể thêm nhiều sự việc còn kinh khủng hơn. Tóm lại là sau khi mất bao nhiêu mạng người chỉ vì vài đồng tiền lẻ mà căn cứ bội tiền của họ mãi vẫn chưa được hoàn thành, họ mới ‘quyết tâm’ phải giải quyết cho nhân viên bằng mọi giá.”
“...Thế nên họ mới lập ra NEP đây mà.”
“Chỉ có bọn dở hơi mới cống hiến sức lao động của mình bằng ý chí hay nghị lực mà không nhận lại thứ gì thôi. Nhất định phải có mức thù lao xứng đáng. Tất cả những người sống tại căn cứ đều được gia nhập, chỉ cần anh Moo Hyun ký vào đơn gia nhập và bản hợp đồng ở đây thì dù ngày mai anh có mất mạng cũng vẫn sẽ nhận được khoản bồi thường hai trăm triệu trở lên, dù công ty có phá sản hay đất nước có sụp đổ thì anh vẫn sẽ được trả lương vào mỗi tháng nhờ vào lượng ngân sách sẵn có–”
Tôi ngay lập tức ký tên vào giấy tờ. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao họ lại đặt tên theo Poseidon. Họ là đơn vị quản lý những người sinh sống dưới biển. Chỉ cần trả tiền lương đều đặn mỗi tháng thì sếp có là Poseidon hay cá mập tôi vẫn sẽ cống hiến hết mình.
Priya khẽ nở nụ cười vì hành động của tôi. Đằng sau đó cũng có hợp đồng lương, nhưng đống giấy tờ chi tiết này dày hơn 40 trang. Tôi đọc kỹ những phần liên quan đến lương và nghỉ phép nhất. Toàn bộ các dịch vụ y tế tại bệnh viện trên đảo nhân tạo đều miễn phí. À. Họ nói bệnh viện được liên kết toàn bộ với căn cứ đáy biển. Ngoài ra còn có bản hợp đồng thỏa thuận bảo mật liên quan đến thông tin cá nhân.
Máy phiên dịch của tôi là đời cũ nên không dịch được văn bản. Toàn bộ nội dung được viết bằng tiếng Anh. Tôi bắt đầu chậm rãi đọc từng tí một, còn Priya vừa nghịch điện thoại vừa bảo tôi muốn đọc bao lâu cũng được. Tôi thầm cảm ơn sự vô tâm của cô ấy. Có lẽ cũng có nhiều người giống tôi. Tôi thầm rủa trình độ tiếng Anh của mình và lại tiếp tục đọc bản hợp đồng. Sau khi đã ký hết phần của cả cuộc đời, tôi đưa giấy tờ cho Priya.
“Nội dung chi tiết hơn đây. Anh đọc đi.”
Cô ấy đưa cho tôi một quyển sách mỏng. Tôi giật mình vì đây không phải loại giấy điện tử. Giở qua mấy trang, lại toàn tiếng Anh. Điên đầu mất thôi. Không phải tôi không đọc nổi, mà phải dành nhiều thời gian nghiên cứu mới được. Rất nhiều, rất nhiều thời gian.
“Dạo này người ta hay dùng chữ ký điện tử mà?”
Priya nghe vậy mới cười.
“Thời buổi này vẫn còn vài người không có máy tính, và muốn lưu trữ bằng văn bản giấy cơ.”
Thì ra là vậy. Có tám nước tham gia dự án này. Priya cho tôi xem chữ ký của bên công ty và scan tờ giấy thành dữ liệu, sau đó gửi một bản vào mail cho tôi. Điện thoại tôi ngay lập tức báo tin. Có vẻ như mail đã về thành công.
“Cảm ơn cô. Cô vất vả rồi.”
“Anh cũng vậy. Chào mừng anh trở thành một thành viên của căn cứ.”
Cô ấy vừa nói vừa thở dài và dựa mình vào ghế. Vậy là đã giải quyết xong công việc gấp nhất của ngày hôm nay. Priya lục lọi ngăn tủ và lấy ra một chiếc máy tính bảng to bằng hai bàn tay, có màu xanh dương. Trên bàn cô ấy cũng có máy tính bảng giống hệt thế nhưng lại được dán đầy những miếng sticker xinh xắn hình cá heo.
Sau khi tôi cất sách và máy tính bảng mà Priya đưa cho vào trong túi, cô ấy tiếp tục đưa tôi cẩm nang dành cho người mới đến căn cứ đáy biển. Cũng là sách giấy. Tôi giở ra lại thấy toàn tiếng Anh nhưng chỉ thản nhiên gật đầu và cho vào túi. Khi nào có lương thì mua máy biên-phiên dịch đời mới nhất vậy. Cứ thế này chắc điên mất.
0 Bình luận