Khi ở Deep Blue, thỉnh thoảng tôi sẽ nghe thấy tiếng “ùng”. Đây là âm thanh phát ra từ độ sâu 3km dưới mực nước biển. Sinh vật biển không biết nói, nhưng bên trong căn cứ đáy biển vẫn liên tục phát ra thứ âm thanh này. Vì những trận rung và tiếng ồn thường xuyên phát ra từ bên trong mà tôi hít thở thôi cũng cảm thấy áp lực tinh thần. Và cả cảm giác áp bức như đang bị nhốt trong lồng kín. Nơi này còn ngột ngạt hơn tôi nghĩ.
Tôi chỉ có thể đi lại bên trong căn cứ, cảm giác căng thẳng mỗi khi nghĩ đến việc dòng nước ngoài kia có thể giết chết mình ngay lập tức luôn đè nặng lên một phần nào đó trong não bộ. Sống ở căn cứ dưới đáy biển cũng tương tự như sống trên tàu vũ trụ. Bởi chỉ cần bước ra ngoài thôi thì ta có thể sẽ chết ngạt, chết vì lạnh hoặc vì cơ thể nổ tung.
Ở độ sâu 3000m dưới biển, áp suất không khí là 301atm. Tức là theo lý thuyết thì người sống dưới này sẽ phải chịu áp lực lớn hơn gấp 300 lần sống ở trên đất liền. Cảm giác cứ như đang đeo cùm nặng 300kg trên người vậy. Căn cứ tự động thay đổi áp suất và không khí để tạo ra một môi trường phù hợp cho con người, nhưng từ khi đến đây tôi vẫn luôn có cảm giác như đang ngồi trên máy bay.
Cứ như tôi đang bị nhốt trong bốn bức tường sắt kiên cố và bị ép phải sống trong môi trường nhân tạo chỉ duy trì ở mức sống thấp nhất vậy. Máy bay rung lắc chỉ vì một chút nhiễu động nhỏ, còn căn cứ dưới đáy biển cũng thỉnh thoảng rung lắc chỉ vì một dòng nước nhỏ như rong biển bị gắn trong một bể cá lớn. Mỗi lần như thế, một người không hay chóng mặt như tôi cũng phải cảm thấy váng đầu. Cứ như thể tôi trở thành một con cá bị nhốt trong thủy cung khổng lồ vậy.
“Anh xem phim gì thế?”
Giọng nói đó khiến tôi lại tập trung vào bệnh nhân trước mắt. Người Hàn Quốc ở căn cứ tính cả tôi thì có tổng cộng khoảng 10 người, và một trong số đó là cô Yoo Geum Yi, một nhà sinh vật biển. Cô ấy đã học xong bằng cử nhân trên đất liền và hiện đang xuống dưới này để nghiên cứu và hoàn thành chương trình thạc sĩ kiêm tiến sĩ, và căn bệnh sâu răng của cô ấy đã chuyển biến xấu từ lúc nào. Đúng là bánh ngọt ở đây ngon thật. Tôi kiểm tra răng và lợi cho cô ấy rồi trả lời.
“Fast and Furious.”
“Hay không?”
“Xem mấy cái xe cháy nổ lúc nào chẳng hay.”
Thấy hai tay Yoo Geum Yi đan chặt vì căng thẳng, tôi an ủi cô ấy là mình sẽ chỉ lấy cao răng nhanh thôi. Điều trị răng ở dưới căn cứ đáy biển hoàn toàn miễn phí. Thế nên nếu có vấn đề gì về răng lợi thì ai cũng có thể đến phòng khám mà không cần lo lắng về tiền bạc. Sống ở dưới biển mà còn được hưởng phúc lợi lý tưởng nhất trong số các phúc lợi trên bờ, nhưng điều đó không có lợi cho vị bác sĩ duy nhất là tôi cho lắm.
“Cô nghiên cứu về cái gì vậy?”
“Tôi còn chẳng biết nên viết luận văn về chủ đề gì đây này.”
Tôi thấy cô Yoo Geum Yi đây là người niềm nở nhất trong căn cứ. Khác với kiểu người hướng nội như tôi, cô ấy nhớ tên hầu hết tất cả mọi người trong căn cứ số 4. Cô ấy là bệnh nhân đầu tiên của phòng khám nên tôi còn chưa kịp giới thiệu đơn giản thì cô ấy đã cướp lời, nhờ vậy mà tôi cũng có thể nói về sở thích xem phim hành động của mình.
Không ngờ trong khu trung ương của căn cứ số 4 có một rạp chiếu phim. Hơn nữa chúng tôi còn có thể xem hầu hết các bộ phim dài ngắn mới chiếu trên đất liền qua chiếc máy tính bảng được phát sẵn nên tôi mới có thể xem phim cho dễ ngủ. Được xem mấy bộ phim mới cũng thích, nhưng tôi vẫn thấy tò mò và thích thú về căn cứ này nhất.
“Có chuyện gì vui không?”
“Khu này nhỏ lắm. Chẳng có chuyện gì đáng kể đâu.”
“Chắc tại vì cô đang phải viết luận văn đấy”, tôi định nói câu đó nhưng lại cố nén lại trong họng. Căn cứ số 4 có ít nhất hơn 400 người sống ở Trung tâm Nghiên cứu, nó có thể nhỏ bé với cô ấy chứ không hề nhỏ với một người mới đến đây chưa đến ba ngày như tôi. Căn cứ số 4 rộng đến nỗi tôi chưa có dịp qua các khu khác trừ Baekho và khu Trung ương.
“Chắc là tại tôi mới đến nên vẫn thấy chỗ này có nhiều điều kỳ thú.”
“Anh hứng thú với cái gì nhất?”
Trước hết là việc họ xây được một không gian khổng lồ như thế này ngay trong lòng biển, hay những nhân viên căn cứ đến từ 8 quốc gia thường làm việc theo ca, mỗi ngày có bốn ca dài tám tiếng, ngay cả những điều khoản giới hạn ở trong này cũng đáng chú ý nữa. Tên đảo nghe cũng hay.
“Tôi thích nhất là tên của đảo nhân tạo trên tầng 0, đảo Daehan.”
“À, tại người đặt tên là người Hàn Quốc đấy mà.”
Yoo Geum Yi bắt đầu giải thích với vẻ tự hào. Cô ấy nói người ta đã bàn bạc rất lâu để quyết định xem nên đặt tên của đảo nhân tạo nằm trên căn cứ đáy biển là gì. Mỗi nước đều đòi phải đặt tên theo ý mình. Đây là khu vực chung quốc tế giống như mặt trăng hay Bắc Cực nên ngay cả việc đặt tên cũng là vấn đề lớn gây nên tranh chấp quyền sở hữu. Có những cái tên đặc biệt được đề cử là Leviathan, Nautilus, Great Old One, Neverland, Atlantis, Vùng Đất hứa hay Cá Mập Greenland. Cuối cùng tất cả những người sống tại căn cứ hồi đó tiến hành biểu quyết.
“Ở nhóm Kỹ sư Ga có nhóm trưởng Shin Hae Ryang là một người khá đặc biệt, chính anh ta là người đặt tên đấy.”
“Hồi đó ở căn cứ nhiều người Hàn lắm hả?”
Yoo Geum Yi bật cười.
“Kỹ sư người Hàn nằm hết trong nhóm Ga, cả hồi đó lẫn bây giờ đều chưa có đến 10 người. Nghe nói vừa biết tin cái là nhóm trưởng Shin đã cướp hết phiếu của nhóm Kỹ sư và Khai khoáng rồi.”
“Ồ, người này giỏi giang thật.”
Yoo Geum Yi có vẻ rất vui khi cuối cùng cũng gặp được cạ nói chuyện bằng tiếng Hàn. Nhóm Kỹ sư Ga có nhiều người Hàn nhất, nhưng tổng cộng chỉ có 7 người. Kang Soo Jung mà tôi gặp từ ngày đầu cũng là kỹ sư trong nhóm đó. Tôi nghe Yoo Geum Yi kể về một tiến sĩ tên Kim Ga Young trong đội nghiên cứu và gật đầu.
Quốc gia có số người sống tại căn cứ đông nhất là Mỹ, Trung và Úc, theo tôi biết thì còn có thêm vài người Hàn Quốc làm việc tại đảo Daehan (đảo nhân tạo), nhưng họ chỉ làm việc ở bệnh viện thôi. Yoo Geum Yi hỏi tôi đã đi xem bờ biển nhân tạo trên đảo chưa.
“Có bờ biển nhân tạo à?”
Hình như Priya Kumari cũng bảo tôi nên đi xem thử. Còn giới thiệu vài nơi khác nữa.
“Họ xây đẹp lắm. Bao nhiêu người đến đó để tắm nắng lận. Tôi cũng hay lên đó chơi.”
“Thì ra là vậy.”
Tôi gật đầu. Tuy mới đến đây được hai ngày nhưng tôi đã chán phải nhìn ra ngoài cửa sổ của căn cứ lắm rồi. Chỉ thấy nước đen ngòm. Mỗi lần nhìn ra ngoài, tôi lại tự hỏi không biết mình đang ở dưới đáy biển hay trên vũ trụ. Nhưng cứ thấy khung cảnh tối đen không có một ngôi sao thì tôi lại nhận ra mình đang ở độ sâu vài km dưới mực nước biển.
Căn cứ số 2 và số 3 có cửa sổ khá lớn, nhưng căn cứ số 4 lại chỉ có lèo tèo vài cái. Theo như họ giải thích thì lắp cửa sổ chịu được áp suất nước không phải là việc dễ dàng gì. Hồi trước họ còn lắp cả đống ánh sáng mặt trời nhân tạo nhưng lại bỏ hết. Ai sợ không gian kín mà ở dưới này chắc sẽ hóa điên chỉ trong ba ngày mất.
Người hướng nội như tôi còn thấy bức bối thì những người hoạt bát như Yoo Geum Yi chắc hẳn sẽ nhớ ánh mặt trời đến phát điên. Yoo Geum Yi huyên thuyên một hồi rồi đưa bác sĩ nha khoa vài thanh socola trong túi mình, nghe lời nhắc nhở phải chăm chỉ dùng chỉ nha khoa từ tai này xong lại trôi ra tai kia, sau đó quay về khu nghiên cứu.
Ở dưới đáy biển lâu lâu rất dễ bị trầm cảm. Lòng biển sâu tối đen như mực, cũng chẳng có ai để nói chuyện cùng trừ cá ra. Trung tâm cấp cứu nằm ở trên đảo nhân tạo còn Trung tâm điều trị tâm lý được xây ở dưới biển đều có lý do của nó cả. Trong ba yếu tố “ăn-mặc-ở”, điều duy nhất có thể thỏa mãn tâm lý con người trong tình trạng trầm cảm kéo dài là thức ăn. Các món ăn ngọt và đồ ăn vặt như socola hay bánh kẹo được phân bố ở khắp nơi trong căn cứ với cái giá gần như miễn phí. Như vậy sẽ khiến những người bị trầm cảm có xu hướng xả stress bằng mỹ vị nhân gian thay vì tự sát hay tấn công người xung quanh.
Có một lý do khiến các chuyên gia tâm lý liên tục yêu cầu bổ sung nước có gas, socola, kem và bánh kẹo với số lượng lớn. Vị ngọt khiến con người hạnh phúc. Trước đó họ có thể điều trị trầm cảm bằng đường, và bây giờ còn có thêm cả phòng khám nha khoa. Bởi vì một người có đánh răng thường xuyên đến mức nào cũng không thể bằng người không ăn đồ ngọt bao giờ. Elliott nhắc đi nhắc lại là tôi phải thỉnh thoảng đi tắm nắng và thường xuyên tập thể dục, nhiều lần như một chiếc máy ghi âm hỏng. Và vì Elliott thường xuyên yêu cầu đồ dùng riêng trên danh nghĩa điều trị tâm lý nên cũng tốt bụng hỏi xem tôi có cần thêm thứ gì không.
Tôi suýt nữa bật ra câu “Có thể cấm mọi người ăn kẹo và socola được không?”. Nhưng tôi không có ý định từ bỏ công việc này, mà con người càng cấm thì lại càng muốn làm hơn. Tôi nói mình cần một con gấu bông nhỏ bằng nửa thân trên của người lớn.
“Nhất định phải là gấu bông à?”
“Hồi trước là gấu, nhưng có búp bê cũng được. Chỉ cần có thể ôm vào lòng là được.”
Cô ấy đưa con cá mập bông và cá voi bông ở một góc phòng khám của mình cho tôi. Elliott bảo hồi đến bảo tàng hải dương, cô ấy thấy hai con búp bê đáng yêu này ở cửa hàng lưu niệm nên nổi hứng mua luôn, nhưng đặt ở phòng khám cũng chỉ để làm cảnh mà còn bụi bẩn nên cho tôi luôn. Hai con búp bê to khoảng 60cm và sờ rất thích. Con cá mập có thân màu xanh dương và hàm răng lởm chởm, hai mắt có màu xanh nhạt. Con cá voi thì lại có thân màu cam rõ rệt, chẳng hiểu vì bị đột biến hay ô nhiễm.
Tôi thích con cá voi màu cam hơn, bởi chúng không tồn tại trong đời thực. Thấy tôi sờ soạng con cá voi bông đủ kiểu để xem nó có đủ lớn để cho người lớn ôm hay không, Elliot khẽ nở nụ cười. Chắc cô ấy thấy đàn ông trưởng thành ôm búp bê trông buồn cười lắm. Làm trò ngu mà cũng có thể khiến sự mệt mỏi của nhà tư vấn tâm lý Elliott vơi bớt bằng một nụ cười, nghĩ vậy làm tôi cũng vui lây.
“Nó có tên không?”
Elliott đang nhập thông tin vào máy tính bảng lơ đãng nói.
“Anh đặt tên đi.”
“Hay đặt ngắn gọn là Biển (Marine) nhé?”
“Không phải Orange à?”
“Công nhận là hợp với màu của nó thật.”
Tôi không giỏi đặt tên lắm nên phải ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng mới nhìn màu cam trên thân cá và nói.
“Hoàng Hôn (Red Sky) thì sao? Chuyển sang tiếng Hàn là Noeul đấy.”
Nghe cách phát âm từ trong máy phiên dịch, Elliott cũng nhìn con cá voi màu cam và lại nhìn xuống máy tính của mình.
“Nol. Nghe hay đấy.”
Tôi định nhắc nhở về cách phát âm của cô ấy nhưng thôi.
“Khi nào nhớ ánh nắng mặt trời tôi sẽ sang mượn.”
Sau khi nhận lấy lời tạm biệt và nụ cười yếu ớt của đối phương, tôi đứng dậy khỏi ghế vì nghe thấy tiếng thông báo đến giờ hẹn bệnh nhân. Trước khi ra khỏi cửa, tôi ngó đầu vào.
“Bác sĩ, vậy là xong rồi phải không?”
Cả buổi tôi chỉ ngồi tám chuyện với Elliott nên còn chẳng biết đã được tư vấn tâm lý hay chưa.
“Anh có tâm lý lành mạnh nhất cả căn cứ đấy. Khi nào tôi sẽ báo riêng lịch khám định kỳ sau 3 tháng cho anh.”
Những chuyên gia tư vấn tâm lý mà tôi gặp hầu như lúc nào cũng trông thất thểu như vậy. Họ chán con người lắm rồi. Nghe giọng nói mệt mỏi của Elliot, tôi quay đi và từ từ đóng cánh cửa nặng nề lại.
0 Bình luận