Nguyệt Thần
Toshiki Inoue
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Nguyệt Thần

Chương 12

0 Bình luận - Độ dài: 3,024 từ - Cập nhật:

Hầu như chẳng còn gì để kể về hòn đảo nơi tôi sinh ra nữa. Chỉ có một điều duy nhất là cuộc gặp gỡ với mẹ, nhưng đó không phải là chuyện gì to tát. Chẳng có gì đáng nói cả. Tôi cũng không thực sự có hứng kể lắm. Tuy nhiên, để kết thúc câu chuyện bắt đầu từ người mẹ đã sinh ra tôi trong cái hố xí, có lẽ tôi cũng không nên lảng tránh nó nữa.

Dù sao thì trong suốt những năm sinh sống trên đảo, cái ngày mà con cá voi dạt vào bờ, ngày Tatsu chết và ngày tôi được mặt trăng hồi sinh, không có ngày nào bàng hoàng hơn những ngày đó. Tôi không thấy bất mãn gì cho lắm. Nhưng dù cảm thấy thế nào đi nữa, những ngày như vậy cũng vượt quá sức chịu đựng của tôi rồi.

Tôi không nói với ai rằng mình đã chôn xác Tatsu dưới núi nhân tạo. Chẳng bao lâu sau, dân làng đã quên mất Tatsu. Hắn đã chết trên một cánh đồng nào đó rồi chăng, họ kháo nhau vậy và mặc kệ gã. Cũng giống như Bà Cót Két thôi, tất cả bọn họ đều như vậy. Họ nhanh chóng quên đi những mối phiền phức.

Cuộc sống đã trở lại bình thường như trước kia. Khi trông thấy tôi đã lớn lên bao nhiêu chỉ sau một đêm, đám đàn em và phụ nữ đồn thổi rằng chắc chắn là nhờ cá voi. Vậy là thịt cá voi đã khiến tôi to lớn. Rồi những tin đồn đó nhanh chóng biến mất.

Trong khoảng năm, tám, mười năm kể từ ngày con cá voi đó xuất hiện cho đến lúc tôi rời đảo, có nhiều phụ nữ đã đến đây để trốn tránh quá khứ đen tối của mình, và cũng có phụ nữ bị bán cho người khác. Mặc dù vậy, số lượng đàn bà không tăng cũng không giảm. Lý do rất rõ ràng: vì trên đảo không còn bác sĩ kể từ khi Bà Cót Két mất tích.  

Chẳng rõ Bà Cót Két là một bác sĩ giỏi đến mức nào, nhưng có rất nhiều người được cứu sống nhờ bà ta, nên chắc hẳn bà ta phải có kỹ năng rồi.

Như đã kể trước đây, dường như tôi có khả năng chữa trị ở một mức nào đó nên tôi được yêu cầu thế chỗ Bà Cót Két. Tuy vậy, sức mạnh của tôi bị hạn chế nên đương nhiên là không thể chữa khỏi những bệnh nặng. Cùng lắm thì tôi có thể xoa dịu cơn đau mà thôi.

Thông thường một người bị bệnh như vậy đáng lẽ phải được đưa vào bệnh viện trên đất liền, nhưng Gã Ma Cô không cho phép điều đó. Có lẽ gã sợ rằng họ sẽ bỏ chạy. Thậm chí còn có kẻ sẽ báo cáo với chính quyền. Gã Ma Cô muốn giữ hòn đảo cho riêng mình mà không dây dưa gì đến đất liền.

Khi đi mua nhu yếu phẩm hoặc trả khách trên đất liền, Gã Ma Cô luôn ra khơi trên một chiếc thuyền có đàn em đi theo. Hắn quyết không để việc đó cho người khác. Chưa có lần nào tôi đi cùng với Gã Ma Cô. Dù được rủ đi nhiều lần nhưng tôi chẳng có hứng thú với đất liền và rất ghét ra khơi. Một phần là do tôi đã bị ném xuống biển khi còn bé và buộc phải bơi trong nhiều ngày, cũng như sau này cơ bắp của tôi đã phát triển giống như chì và không thể bơi nổi. Tôi ghét biển cả, và có cảm giác như biển cũng ghét tôi. Nhưng tôi không bận tâm chút nào. Mặt trăng hơn biển mà. Không thể đòi hỏi cả hai được.

Tất cả người dân trên đảo, kể cả lũ đàn em, gái điếm và các bà già, đều thờ ơ với cái chết. Ngay cả khi có người thân thiết qua đời, họ cũng sẽ vứt xác người đó xuống biển từ trên bến cảng. Sau đó họ sẽ lãng quên mọi chuyện. Ngay cả khi thời điểm đó đến với họ, thì họ vẫn sẽ bình thản chấp nhận cái chết. Ấy có lẽ là cảm giác tuyệt vọng mà mọi người trên đảo đều cảm nhận được, nhưng là với một thái độ tích cực.

Tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày hơn bất cứ ai, ăn thịt dê và cá, ngắm trăng trong khi đi dạo vào ban đêm. Từ lúc Tatsu chết, tôi chẳng có ai để trò chuyện nữa. Khi tôi bước vào giai đoạn dậy thì, bọn đàn em trở nên sợ hãi tôi, không một ai dám đến gần vì tôi càng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn theo nghĩa đen. Mặt khác, có nhiều phụ nữ đến gặp tôi nhưng tôi không thèm đoái hoài đến họ. Tôi không muốn sử dụng năng lượng của mình cho đàn bà. Nếu tích trữ nó trong dạ dày thì có thể sẽ giúp nuôi dưỡng cơ bắp.

Có thể nói rằng các bà già và Gã Ma Cô rất tốt với tôi. Không phải là tôi đặc biệt cảm kích lòng tốt của họ đâu. Những bà già đối xử tốt với tất cả đàn em như là một cách để giết thời gian vậy. Còn đối với Gã Ma Cô thì tôi không có tương tác đặc biệt nào. Chỉ là mỗi khi đi ngang qua nhau trong làng, gã sẽ vỗ bốp bốp vào lưng tôi. Như mọi khi, Gã Ma Cô vui vẻ tạo ra những vết bầm tím trên người tôi. Hay đấy có lẽ là cảm giác yêu thương tột cùng chăng.

Sự cô lập không hề tệ chút nào, ngược lại ở một mình thì vui hơn. Tôi sẽ không phải nghĩ ngợi gì, không cần thêm điều gì nữa, chỉ cần chờ đợi sự phát triển thể chất của mình hoàn thiện một cách thành công.

Một ngày nọ, có một khách hàng đã đến đây, một người gầy gò và đeo kính. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một khách hàng mặc vest. Không ai có thể nhận ra rằng chuyến thăm của người đàn ông này sẽ khiến Gã Ma Cô phải rời đảo.

Người đàn ông qua đêm như một vị khách và rời đi vào sáng sớm hôm sau, nhưng vài ngày sau ông ta lại quay lại cùng với một số người khác. Trong số những người mặc vest, một vài người có cổ áo đứng đang dắt những chiếc gậy đen ở hông.

Người đàn ông lớn tuổi nhất với bộ râu thưa thớt dưới mũi ra lệnh cho bọn đàn em đứng trước mặt đưa Gã Ma Cô đến.

Gã Ma Cô nhìn họ và dường như cảm nhận được gì đó. Trên khuôn mặt gã nở một nụ cười mà tôi chưa từng thấy trước đây. Đó là nụ cười mà các bà già thường dành cho Gã Ma Cô. Sau khi thì thầm nói chuyện một lúc, Gã Ma Cô dẫn họ đến gian nhà chính. Đám đàn em đi theo sau thì thào: “Họ là người của chính quyền đấy.”

Tin đồn ngay lập tức lan truyền ra khắp làng, tất cả gái điếm và bà già đều tụ tập ở lối vào gian nhà chính.

Tôi không rõ đám đàn bà đang mong đợi điều gì nữa. Chẳng biết là họ thấy vui hay buồn trước chuyến thăm của bên chính quyền. Vài giờ sau, khi nhóm người kia xuất hiện, dân làng liền dọn đường ra giống như sóng rút vậy.

“Thời thế đã đổi thay rồi.” Người đàn ông có râu tuyên bố trước toàn thể mọi người. “Hòn đảo này cũng phải thay đổi.” Nói xong, họ quay trở về trên chiếc thuyền đánh cá của đất liền đã chờ sẵn từ lâu.

Ngày hôm sau, Gã Ma Cô biến mất.

Ông sẽ đến nói chuyện với bọn chúng.

Đó là câu mà một tên đàn em đã nghe được.

Hòn đảo của ông đã bị cướp mất rồi. Bọn mày đừng lo, nhất định ông sẽ quay lại.

Đó là những gì Gã Ma Cô đã nói.

Tuy vậy, dù có đợi bao nhiêu ngày đi nữa thì Gã Ma Cô vẫn không trở lại.

Căn phòng hiếm khi cho ai vào của hắn được sắp xếp gọn gàng. Con dao dài giống như thanh kiếm Nhật được đặt trên tấm chiếu tatami. Dù có lục tung lên thì cũng không tìm ra nổi số tiền mà Gã Ma Cô đã tích cóp trong nhiều năm qua.

Như thường lệ, dân làng nhanh chóng lãng quên Gã Ma Cô. Mặc dù đã đến được đất liền nhưng chắc hẳn lão đã chết ở đâu đó trên một cánh đồng rồi. Chủ nhân không thể sống nổi nếu không ở trên hòn đảo này, tin đồn là vậy.

Một trong những tên đàn em cố gắng tiếp quản thay Gã Ma Cô, nhưng hắn vấp phải sự phản đối của đám phụ nữ, và cuối cùng thì những bà già lại cùng nhau nắm quyền cai trị ngôi làng. Vì thế gái điếm cũng hài lòng. Dù đôi lúc có tranh cãi nhưng họ đều thông cảm và tôn trọng những bà lão từng làm gái điếm trước đây, họ cũng là những người mà gái điếm có thể nương tựa vào.

Sau đó, bên chính quyền đã đến hòn đảo nhiều lần. Dần dần, ngôi làng thay đổi nhờ chỉ dẫn của họ.

Mọi người được thông báo rằng bất kỳ ai muốn quay về đất liền thì đều có thể đi, ngay cả những cô gái đã bị bán đến đây. Việc kiểm tra sức khỏe sẽ được thực hiện bởi các y sĩ có trình độ, người nào cảm thấy không khỏe sẽ được đưa đến bệnh viện trên đất liền. Mọi ngóc ngách của ngôi làng đều được khử trùng, và từng người dân trong làng đều được xịt thứ bột trắng lên đầu bằng một chiếc máy phun giống như máy bơm.

Nhà thổ mang hình dáng của một quán ăn nhỏ. Trước mái hiên khu nhà tập thể gái điếm là dãy đèn lồng đỏ được xếp hàng ghi tên các quán hàng mà các cô gái đã nghĩ ra. Tuy nhiên, việc tiếp khách không hề thay đổi.

Dẫu có thế thì ngôi làng vẫn dần trở nên vắng vẻ. Thật đau lòng khi có rất nhiều phụ nữ đã rời khỏi đảo. Có cô thì một mình biến mất, hoặc theo nhóm, hay cùng với đàn em hoặc khách hàng.

Các bà lão cũng chỉ còn lại ít người. Vào thời điểm đó, họ có thể được nhập viện trên đất liền nếu bị bệnh, nhưng nhiều bà già đã chọn được chết trên đảo.

Khi vầng trăng tròn lơ lửng trên đầu và tôi cao hơn bất kỳ tên đàn em nào, có ba bà già còn ở lại đã gọi tôi.

Mày mau đến đất liền đi, tôi được bảo vậy. Mẹ mày muốn gặp mày lắm đấy.

“Mẹ cháu đã chết rồi.” Tôi trả lời. “Cháu không có mẹ.”

Giờ nghĩ lại thì thấy thật xấu hổ, nhưng tôi đã thực sự tin vào điều đó.

Kể từ khi việc Masuyo giả làm mẹ tôi bị bại lộ, tôi luôn cẩn thận quan sát đám phụ nữ mỗi khi có cơ hội. Nhưng lại không tìm thấy nổi dấu hiệu đặc biệt nào trong số hàng chục, hàng trăm người phụ nữ đó. Có nhiều phụ nữ đối xử tốt với tôi, nhưng nhờ Masuyo, tôi biết rõ lòng tốt đó không phải là bằng chứng cho thấy họ là mẹ tôi.

Câu trả lời thuyết phục nhất có thể đưa ra là mẹ đã chết.

Mẹ tôi chắc hẳn là một trong vô số thi thể đã bị ném xuống biển từ bến tàu.

Hay có lẽ mẹ biết rằng tôi không thể bơi và đang lẩn trốn dưới đáy biển chăng? Tôi đã dìm mẹ xuống biển và quên đi người mẹ này rồi.

Mẹ mày vẫn còn sống. Những bà già nói vậy.

Họ cũng phân trần giải thích rằng họ không hề biết người phụ nữ đó là mẹ tôi.

Mẹ đã đổ bệnh cách đây không lâu và được đưa đến đất liền, nhưng vài ngày trước, một cô gái lạ nằm cùng phòng bệnh với mẹ đã đến và kể lại tình hình cho các bà lão.

Tôi muốn gặp con trai tôi.

Nếu nói là con trai thì rõ ràng đó là tôi. Bởi vì tôi là đứa trẻ duy nhất được sinh ra trên hòn đảo này mà.

Các bà lão đã sắp xếp sẵn mọi chuyện.

Tôi ra khơi trên một chiếc thuyền máy.

Tôi đã đến đất liền.

Tôi cùng với một tên đàn em đi dạo phố.

Trời đang còn sáng. Trăng vẫn chưa ló dạng.

Ôi, thật là náo nhiệt quá đi. Tên đàn em nói. Hắn là kẻ đã cố gắng kế nhiệm Gã Ma Cô nhưng thất bại. Trên đường đi, chợt hắn nói: Đợi tao chút, rồi biến mất trong đám đông.

Hắn nhanh chóng quay lại với thuốc lá và sô cô la. Tôi ăn một ít sô cô la. Còn gã đàn em đi bộ trong khi hút điếu thuốc.

“Thật không thể tin nổi con ả đó lại chính là mẹ mày.”

Hắn nói vậy trong khi thở ra khói.

“Mày không cần phải quay lại nữa đâu.”

Tên đàn em luôn đi trước tôi. Gã tiếp tục nói mà không ngoảnh lại.

“Khi nào mẹ mày khỏi bệnh thì hai mẹ con sống cùng nhau ở đây luôn cũng được, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Không có tương lai cho mày trên đảo đâu.”

Chúng tôi đã đến bệnh viện. Nơi này được xây dựng giống như khu nhà tập thể gái điếm, ngoại trừ việc nó cao hai tầng.

Khi bước qua cổng và băng qua một khu vườn, chúng tôi đi qua một vòm hoa.

“Đó là hoa hồng đấy.” Gã đàn em cho biết khi tôi nhìn lên những bông hoa rực lửa.

Chúng tôi bước vào bệnh viện và đi dọc hành lang. Có một số cánh cửa ở cả hai bên. Gã đàn em dừng lại trước một cánh cửa. Hắn ngồi xổm xuống và hút một điếu thuốc, rồi chỉ ra phía cửa với que diêm trong tay, hắn bảo tôi đi vào đi còn hắn sẽ đợi ở ngoài.

Tôi mở cửa ra và đóng cửa lại.

Phía sau cửa sổ đằng trước, những bông hồng đang nở rộ như đang chăm chú nhìn tôi.

Ba trong số bốn chiếc giường không ai nằm và không có đệm, chỉ để lộ ra bộ khung giường bằng kim loại.

Tôi đến gần cửa sổ và nhìn thấy người phụ nữ đó.

Lông mày của người phụ nữ nhíu lại và đôi mắt nhắm chặt. Cô ta không ngủ, nhưng dường như đang phải chịu đựng cơn đau.

Cô ta hoàn toàn là một người xa lạ đối với tôi. Cho dù có lục tung trí nhớ của mình bao nhiêu đi chăng nữa, tôi cũng không thể nhận ra cô ta. Chắc là nhầm phòng rồi.

Đang định rời đi thì tay tôi bị giữ lại. Khi quay lại, tôi thấy người phụ nữ đang nhìn chằm chằm vào tôi.

Giết mẹ đi con, người phụ nữ nói.

Tôi không nhận ra khuôn mặt của người phụ nữ dù cô ta đã mở mắt. Trên phần ngực hở của người phụ nữ có một vết thương đỏ thẫm ẩm ướt sau cuộc phẫu thuật.

Người phụ nữ kéo tôi lại gần và thì thầm điều gì đó vào tai tôi, lặp đi lặp lại câu đó lần nữa.

Ngày 3 tháng 4 năm 1945.

Người phụ nữ nói điều đó ba lần, cuối cùng tôi cũng hiểu ý cô ấy. Người phụ nữ nói rằng đó là ngày tôi được sinh ra. Cô khẳng định mình chính là mẹ ruột của tôi khi nói vậy.

Tôi nhớ ra điều gì đó và áp tai vào bộ ngực gầy gò của người phụ nữ. Tôi đã kể chưa nhỉ? Rằng tôi chưa bao giờ hát một bài hát nào kể từ khi ra đời.

Đó là bởi vì tôi đã biết mình bị điếc về âm điệu mà không cần phải cất giọng hát lên. Chính là do nhịp tim không đều của mẹ mà tôi từng phải nghe khi còn ở trong bụng nước ối.

Tiếng nhịp tim của người phụ nữ lọt vào tai tôi. Nhịp điệu điên cuồng đó khiến màng nhĩ tôi rung lên.

Giết mẹ đi con ơi! Trong mắt người phụ nữ hiện lên một lời cầu xin.

Tôi đặt tay lên cổ người phụ nữ. Cô ta nhắm mắt lại và chào đón tôi với cảm giác thoải mái.

Tôi không còn sức lực trong tay mình. Tôi hít một hơi thật sâu và giãn toàn bộ cơ trên cơ thể. Nhưng sức mạnh dâng trào lại mất dần mà không thể truyền đến đôi tay. Dẫu có cố gắng thế nào cũng vô ích.

Trước khi biết điều đó, tôi đã khóc.

Người phụ nữ mở mắt ra lần nữa và nhìn tôi.

Đúng là một đứa vô tích sự. Cô ta nói vậy khi gạt tay tôi ra rồi quay đầu đi.

Những bông hoa hồng đang tỏa sáng ngoài cửa sổ. Có lẽ là do ánh nắng chăng. Sau một thời gian, màu sắc của hoa hồng càng trở nên rực rỡ hơn.

Đầu óc tôi vốn luôn kém về số học, nhưng tôi lại nhớ rất rõ những con số này.

Ngày 3 tháng 4 năm 1945.

Đó là sinh nhật của tôi.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận