Có cuộc gọi đến vào sáng sớm.
Thông báo rằng mẹ đã qua đời.
Ngày hôm qua, trong vòng tay của mẹ, tôi vẫn còn thủ thỉ, “Con yêu mẹ nhiều lắm”
Mẹ xoa đầu và hôn lên tóc tôi, bà chậm rãi gật đầu, “Ừ, ừ, mẹ hiểu hết mà.”
Ngày 2 tháng tám, vào một ngày hè nắng nóng với những đám mây ti tích trải dài trên bầu trời, người mẹ kính yêu của tôi từ trần. Giấc mộng về một người mẹ luôn luôn nở nụ cười trên môi bỗng chốc kết thúc theo cách chóng vánh nhất, giữa tiếng còi báo hiệu inh ỏi của ve sầu, đầu óc tôi đảo lộn.
Dưới mặt trời nóng như đổ lửa, cái bóng cô độc đạp xe của tôi đổ dài trên đường bê tông. Trước khi kịp nhận ra, bánh xe của tôi đã dừng lại tại bãi đậu xe của bệnh viện. Vỗ nhẹ chiếc áo phông ướt đẫm và gạt nước mắt còn vương trên mí, tôi sải bước vào bệnh viện và đến trước quầy lễ tân.
Thật lòng mình, tôi cũng không nhớ rõ sự kiện diễn ra sau đó, tất cả trôi đi mờ nhạt và nhanh như một đoạn phim ngắn ngủi, tôi chẳng còn nhớ được vẻ mặt của cô lễ tân khi nhìn thấy tôi. Có lẽ cô ấy nhìn tôi chằm chằm, mà phải chăng là cô bối rối vì điệu bộ bình thản kèm theo thờ ơ của tôi.
Sau đó, tôi được dẫn đến nhà xác, nơi tôi gặp mẹ lần cuối.
Khi đi ngang qua phòng 108, tôi tránh nhìn vào nhưng cũng không tài nào nhịn được mà đánh mắt qua. Cái giường mẹ tôi từng nằm trở nên trống trải; cái chăn, cái gối mẹ dùng bị dẹp đi đâu mất, mọi dấu tích về bà như bốc hơi khỏi căn phòng. Bà không còn trên đời nữa, tôi tự nhắc nhở mình.
Dùng từ “gặp” có lẽ không hợp lý lắm. Không thấy thi thể đâu cả. Thay vào đó là chiếc bình thủy tinh tròn lớn được đặt gọn trên giường. Muối ngập miệng bình.
Đó là bình tôi sử dụng để cắm hoa sau khi lượm được nó ở đâu đó trong căn hộ. Bà hẳn đã định sử dụng nó như bình chứa cho bản thân ngay từ đầu, nhưng không hề oán trách hay mắng mỏ tôi vì tùy tiện sử dụng mà không hỏi ý bà. Đến cuối cùng, bà vẫn là người mẹ dấu yêu của tôi.
Mẹ qua đời trong giấc ngủ, bác sĩ nói vậy, và rồi biến thành muối trong đêm. Ông cũng giải thích rằng quá trình ‘Phân rã Clorua’ diễn ra nhanh chóng hơn sau khi bệnh nhân qua đời.
Chỉ đến lúc đó tôi mới đau lòng. Cho đến giây phút tưởng chừng không thể đảo ngược thời gian nữa, tôi vẫn hy vọng đây là một trò đùa ác ý. Khi nhà ảo thuật bước ra và vén lên bức màn đỏ, mẹ sẽ đứng ở chỗ ấy với một nụ cười tinh nghịch.
Hệt như giấc mơ đẹp đẽ của trẻ con.
Tôi ôm cái bình lạnh ngắt vô hồn vào lòng, và rồi khóc rất lâu.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy nhẹ nhõm thay, vì mẹ đã được giải thoát khỏi đau đớn.
Khi bệnh phát triển mạnh hơn, các mô, tiếp đến là nội tạng đều biến thành muối gây ra cơn đau dữ dội. Tôi thấy mẹ nghiến răng đau đớn khi bà di chuyển cơ thể dù chỉ một chút. Đôi khi, bà khóc lóc thảm thiết, tiếng hét của bà như rạch vào thâm tâm tôi một đường sâu hoắm, là âm thanh kinh khủng nhất tôi từng nghe. Nhìn người mẹ hiền hậu của mình phải chịu đựng nỗi thống khổ ngần ấy dần dần gặm nhấm tim tôi. Vào những ngày cuối đời, bác sĩ phải kê thuốc làm tê liệt cơn đau và tiêm thuốc an thần cho bà.
Bác sĩ nói mẹ tôi sống đến bây giờ đã là phép màu, tôi hiểu chứ, bởi vì bà chẳng nỡ bỏ tôi lại thế gian đầy rẫy gian lao này. Bà quyết chống chọi để ở bên tôi lâu nhất có thể. Có lúc tôi tự nguyền rủa mình mới là người nên chết đi, mẹ đã sống cả đời hy sinh cho chồng con, cuối cùng phải chết trong bệnh tật triền miên.
Tôi mong muốn linh hồn bà sẽ tìm thấy sự bình yên dưới suối vàng. Một nơi tĩnh lặng, đầy nắng vàng, không có khổ đau, nơi những chú mèo sẽ tụ tập lại và đánh một giấc thật ngon lành. Tôi cũng muốn có thêm một cái ghế dài êm ái, những vườn cam trĩu trái, những cuốn sách để bà ấy đọc, một làn gió dễ chịu, nếu có người bầu bạn với bà thì sẽ càng tốt hơn.
Tôi muốn bà được khen ngợi vì đã sống một đời thanh cao tốt đẹp.
*
Mẹ không còn người thân thích nào, nên bố đã đến và tổ chức một tang lễ giản dị tại gia. Một nhà sư đến đọc kinh trước bàn thờ nhỏ được dựng lên dưới sự vụng về của bố, đơn giản có trái cây và bát hương. Tôi quỳ và chắp tay trước bàn thờ mẹ, tôi len lén liếc nhìn ông, ông đang khóc. Nước mắt chảy dài từ con mắt duy nhất bên trái của ông. Tôi không chắc nên giải thích cảm xúc trong mình như thế nào.
Ông là người gây nên cho mẹ nhiều kỷ niệm tệ hại nhất, vậy nên ông ta lấy cái quyền gì để khóc trước mặt mẹ.
Nhưng tôi không phủ nhận những giọt nước mắt ấy là thật, dù muốn thừa nhận hay không, ông thật sự yêu vợ mình, tôi thấy vậy. Tôi nhớ đến lời mẹ dặn dò hãy bao dung với ông một chút, rằng ông cũng có nỗi khổ riêng. Trước khi tôi kịp suy nghĩ về việc tha thứ, lý trí tôi đã che đậy điều đó trước.
Tại sao tôi mới phải là người thay đổi? Cho dù ông ta cố gắng đóng vai người tốt đến đâu. Tôi ghét ông, chỉ như vậy thôi.
Sau buổi lễ, tôi ngồi trên chiếc Mercedes đen do bố cầm lái hướng đến thành phố Iwaki.
Tôi đang ở một mình với Cái bóng. Mọi cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đều nhạt nhoà và vụn vặt, qua ngày mai là tôi sẽ quên sạch.
“Con biết tại sao người phương Tây lại cao không?” Ông cất tiếng sau khi ý thức của tôi trôi theo cảnh vật vụt qua cửa xe. “Bởi vì họ có đôi mắt sâu.”
“Hả? Là sao ạ?” Tôi thắc mắc.
Ông cười khẩy, bắt đầu giải thích, “Mắt của họ lõm sâu vào hộp sọ hơn so với người Châu Á, nó là một trở ngại cho việc nhìn lên. Đổi lại, họ dễ bị tấn công từ trên cao hơn. Càng cao, càng to lớn thì khó bị tấn công và dễ dàng đả thương đối thủ. Cuối cùng, thông qua chu kỳ chọn lọc tự nhiên, những người da trắng cao sẽ sống sót, tiếp tục sinh sản và đẻ ra các thế hệ khác mang gien cao lớn như họ.”
“À… Hiểu rồi.” Tôi thì thầm, tôi vẫn chưa đủ tuổi để học sâu về sinh học, nhưng thêm ít kiến thức ở tuổi này cũng có ích.
Thấy tôi dễ dàng bị dụ khiến ông hứng chí và cười toe toét, “Haha, đương nhiên là bịa rồi con trai à.”
Tôi tức giận, ông ta xem tôi là trò đùa sao. Nhưng bĩu môi hờn dỗi bây giờ thì càng trông giống mấy đứa miệng còn hôi sữa hơn và càng dễ để ông trêu chọc. Tôi nhíu mày, khó chịu trong im lặng.
Không lâu sau, mặt biển xanh biếc đã hiện ra trước mắt.
Chúng tôi ra khỏi xe, không khí thậm chí còn dễ chịu hơn ở Koriyama. Cái nắng mùa hè hơi dịu nhẹ, biển lấp lánh trong ánh sáng như được rắc kim sa. Chúng tôi cùng đi bộ đến một bến tàu vắng vẻ và lấy muối của mẹ ra.
“Nếu nó là tro thì sẽ rắc rối đấy” Bố nói, “Nhưng là muối thì không sao hết.”
Di nguyện trước khi chết của mẹ là được rải xuống biển.
Bố và tôi nhẹ nhàng bốc muối từ hũ, tôi làm khéo hết sức có thể vì không muốn mẹ đau, trong khi ông làm thật nhanh lẹ và gãy gọn. Chúng tôi để muối từ từ rớt xuống. Một luồng gió bốc lên, thổi qua và muối sáng lóa như ngọc.
Khi muối đã vơi hết, tôi rải hoa xuống. Từng cánh hoa một rơi xuống, nhẹ nhàng như lính dù. Biển hoa phía dưới rực rỡ như những bông sen nhiều màu nở rộ từ mặt nước. Cuối cùng, cơn sóng dìu dắt chúng đi xa, đi xa dần. Tôi ước gì nó đến được với mẹ, mẹ sẽ vớt chúng lên và cảm nhận tình cảm tôi gửi gắm trong đó, bà sẽ hạnh phúc biết bao.
Bố và tôi đứng đó một lúc. Rốt cuộc thì, tôi nghĩ, chúng tôi cũng đã có một khoảnh khắc thực sự giống một cặp cha con bình thường như mọi người.
Nhưng hoàng hôn đổ xuống và bố trở về làm Cái bóng. Cái bóng khó nắm bắt, mở rộng rồi lại co, không đáng tin cậy…
“Con muốn sống với mẹ không?”
Trái tim tôi rung lên như cách mặt biển dao động.
Thay vì trả lời ông, tôi hỏi ngược, “Sao lại ly hôn với mẹ?”
“Còn nhớ mắt phải của bố không? Mẹ con cũng như vậy.”
Tôi nén cơn giận và nuốt nước bọt. “Ý bố là gì?”
“Bố đã nói rồi, đó là một gánh nặng. Không ai tin vào lời đó cả, nhưng phải đến một lúc nào đó, khi chính mắt phải của mình trở thành một trở ngại. Bố đã tự tay nhổ nó khi đạt đến đỉnh điểm, tuy nhiên, lãng phí cơ thể mà cha mẹ ban cho là một điều không tốt, vì vậy bố đã ăn và để nó hoà làm một cùng máu thịt mình.”
Tôi thậm chí không muốn tưởng tượng cảnh ấy. Máu me và tàn bạo vượt trên cả thực tại.
“Khi mất đi mắt phải, kỳ lạ làm sao, tài năng viết lách của bố ngày càng thăng hạng. Bố bắt đầu hiểu được những gì trước kia bản thân chưa hiểu, nhìn thấy những gì bản thân chưa từng thấy. Đó là câu chuyện trở thành tiểu thuyết gia của bố.”
Tôi dành ra chút thời gian suy nghĩ một lúc rồi nói, “Chuyện đó thì ảnh hưởng gì đến quyết định ly hôn đâu?”
Bố tôi chần chừ một lúc và đáp lời, “Bố yêu mẹ con… Nhưng một ngày nó, cô ấy đã kìm bố lại để bố không thể viết nữa. Viết lách là lẽ sống to lớn nhất của bố, vậy nên việc rời bỏ nhau là một quyết định nên có.”
Tôi choáng váng, sự kiên nhẫn của tôi bị rút cạn. Từ nơi sâu nhất trong trái tim trống rỗng của tôi, cơn giận dữ trào lên như một đợt núi lửa phun trào, bất ngờ và không có điểm dừng, làm sôi sục mọi thứ trên đường nó đi qua.
“Ông điên à!?” Tôi mất kiểm soát lời nói của mình, trở nên hỗn hào, giọng tôi run rẩy.
“Bố xin lỗi, thật lòng xin lỗi mẹ con.” Ông thì thầm, không để tâm đến sự nhăn nhó và thô lỗ của tôi.
“Đừng có nói như thể mọi chuyện đã kết thúc rồi. Ông không biết mẹ phải chịu đựng bao nhiêu đâu! Xin lỗi là xong sao!?”
“Đương nhiên bố hiểu bố không xứng với sự tha thứ của hai mẹ con. Nhưng bố cũng có cách phấn đấu riêng của mình.”
“Tôi không cần nghe! Ông… chết quách đi cho rồi!”
Vẻ mặt ông có vẻ khốn khổ, nhưng tôi còn quá nóng giận để kịp để ý. Tôi cướp lấy bình đựng muối và đi về phía Koriyama. Màn đêm phủ khắp thành phố, con đường trở nên sầm uất, nhưng ở một góc nào đó, tôi vừa đi vừa khóc lóc một mình.
Tôi cảm nhận chiếc bình nhẹ hơn lần trước tôi ôm nó, khoảng trống trong chiếc bình phát triển thành một cơn đau nhói trong lồng ngực tôi. Khi cơ thể đã mệt nhừ, tôi ngã xuống một chiếc ghế dài ở trạm xe buýt lạ lẫm.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy trong dáng ngủ co ro, vẫn khư khư giữ lấy chiếc bình, tiếp tục hướng về nhà trong ánh nắng và tiếng chim sẻ hót ríu rít. Ban đầu, tôi rơi nước mắt vì tủi thân, trên đường đi, tôi tiếp tục khóc vì đói và khát.
Thật kỳ diệu là tôi đã về tới căn hộ trong đêm thứ hai. Đồng nghĩa với việc tôi đã đi bộ hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Tôi đổ ập xuống lối ra vào vì mừng rỡ và bừng tỉnh giữa đêm khi được hàng xóm nhắc nhở vào nhà mà ngủ.
*
Mùa hè năm đó đã khắc tạc trong lòng tôi một ấn tượng khó phai, như một mùa đông lạnh lẽo thấu xương dù thời tiết cao đến phi lý.
Tôi sống trong sự tiếc thương cái chết của mẹ suốt quãng thời gian đó. Ngoài khóc, cả ngày tôi chẳng còn sức để làm gì hơn. Công việc nhà, vệ sinh cá nhân, đi học, những việc tôi từng làm theo thói quen giờ lại bị trì trệ đến đáng thương. Tôi biết mình cần phải đi hái hoa, đi dọn dẹp, nấu ăn, tôi đấu tranh tư tưởng rất nhiều nhưng đến ngón tay cũng không cử động được nữa.
Tôi cuộn mình trong chăn, run lẩy bẩy không ngừng, không có giọt mồ hôi nào rơi xuống dù đang sốt. Thỉnh thoảng, tôi lại bật khóc vì sự thảm hại của mình. Tôi không chắc mình đang buồn, bất lực, hay tuyệt vọng. Tâm trí tôi rối bời, co rúm lại trước mọi tiếng động dẫu là nhỏ nhất.
Tôi không ăn gì, uống gì. Cuộc sống rơi vào buông thả và bê tha. Tôi đã ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, lúc thức lúc ngủ khoảng năm ngày. Nếu đến ngày thứ sáu, tôi có thể đã chết và biến thành muối trắng như mẹ đã từng, hoặc là qua đời vì chết đói và thiếu nước.
Nhưng rồi chuông cửa reo.
Tôi nằm im. Như một con sóc chờ cơn bão qua đi. Tôi hy vọng vị khách không mời mà đến kia sẽ đi mất, bất kể là ai.
Hay là mẹ đến đón tôi đi cùng nhỉ? Tôi trốn dưới chăn, mí mắt mệt mỏi nhắm lại.
Nhưng tiếng chuông vẫn kêu, tiếng chuông dài và khó nghe.
“Yakumo-kun, tớ biết tỏng là cậu ở trong đó!”
Là Yuzuki, tôi đột ngột thấy tỉnh táo lạ thường. Giọng nói của cô ấy như một xô nước lạnh dội lên đầu tôi, lập tức, mọi thứ ùa về như một liều adrenaline.
Tôi chậm chạp bò ra khỏi giường. Chân tôi loạng choạng bước đi. Tứ chi trở nên mềm nhũn như đất sét, cảm giác như tôi sắp đi chân lạnh toát luôn vậy. Tôi cố gắng nói, nhưng chỉ có tiếng gió rít yếu ớt thoát ra khỏi cổ họng, như có ai đó cứa vào thanh quản, tôi đau đớn ôm cổ ho khan từng cơn.
Tôi nỗ lực hết sức lết xác đến cửa ra vào và mở khoá cửa.
Ngay lập tức, cánh cửa đóng suốt gần một tuần mở ra đem theo một âm thanh khá lớn. Tôi nheo mắt nhìn ánh nắng chói chang và bắt đầu làm quen với nó lần nữa, hình như rực rỡ hơn tôi nhớ. Yuzuki thở phắt ra khi nhìn thấy tôi.
“Yakumo-kun… cậu còn sống không?!” Có lẽ nó là một kiểu đùa của cô, nhưng tôi quên mất cách phản ứng lại với mấy câu này rồi.
Yuzuki rời đi, cánh cửa vẫn mở tang hoang, và khi cô quay lại, trên tay là hai túi mua sắm đầy ắp. Cô đặt chiếc bánh pudding xuống một cách lo lắng.
Tôi không có cảm giác thèm ăn, cơn đói không còn có tác động đến tôi từ lâu, nhưng chỉ khi ép mình ăn, tôi mới cảm thấy tình trạng khá hơn một chút. Có vẻ như tôi cần đường để khoẻ lại.
Yuzuki mặc tạp dề đứng trong bếp, tôi có thể nghe thấy tiếng dao va chạm vào nhau theo nhịp điệu.
Cùng với âm thanh đó, thời gian bắt đầu chuyển động.
Cô ấy nấu cháo. Màu xanh lá cây của honewort [note67931] và mận nghiền [note67932] rất ngon mắt khiến cơn thèm ăn của tôi lại bùng phát ngay lắp tự.
Khi ăn xong, tôi nhìn thấy một giọt nước mắt chưa khô còn đọng lại dưới đáy bình đất nung.
0 Bình luận