Phần 1: Ý niệm của tôi
Số 2 - Văn học liệu có công thức riêng?
3 Bình luận - Độ dài: 16,831 từ - Cập nhật:
Một khoảng trời xanh ngắt, được tô điểm thêm màu trắng của những gợn mây. Chúng lững lờ trôi, thong dong qua lại như những chiếc thuyền buồm ra khơi vào ngày lặng gió với trời là biển nước còn cánh buồm thì được dệt nên từ hàng vạn tia nắng hạ lung linh, chói lóa và rạng rỡ. Nắng hạ là sức sống của vạn vật bởi vì nó đem lại màu sắc đẹp đẽ nhất cho bất kỳ thứ gì. Nhờ nắng, cây hoa dâm bụt có nhụy vàng hoe mọc trước cổng trường mới nên sắc đỏ rực như thế, cặp hoa mười giờ treo bên hiên mới sặc sỡ đến vậy, hay những thân xà cừ với tán mọc xum xuê xa tít tận đằng kia trở nên xanh biêng biếc hơn bao giờ hết,…
Gió nổi lên, tiếng lá gõ xào xạc, bầu trời như có hai cơn sóng xô vào nhau. Âm thanh vang xa dần, mênh mông khắp mặt sân trường rộng lớn. Con người cũng tươi tắn hơn dưới ánh sáng: những mái tóc đen óng ánh, nước da dẻ hồng hào; chiếc áo trắng muốt càng thêm sáng sủa, cặp sách khoác qua vai có những cái khóa kéo lấp lánh ánh kim,… Học sinh bước vào trường học, người nổ máy xe, kẻ đạp pê-đan, mặt ai cũng lấm tấm chút mồ hôi. Có chị này thì nghiêm chỉnh, chỉnh tề, có anh kia thì nhếch nhác tay áo xắn, quần gấp gấu. Mùa hè, mùa hạ, mùa thi cử đã tới. Dù là người nào trong số họ đi chăng nữa cũng sẽ phải chọn cho mình một số phận mà thôi.
- Tự nhiên cảm thấy có lỗi vì đã chụp trộm vở quá! – Tôi cất điện thoại lại vào trong cặp sau khi đã xóa nhẵn những bức ảnh mà hồi sáng hôm qua đã lỡ chụp nhưng không kịp dùng tới.
Bây giờ đã quá trưa, khoảng mười hai giờ rưỡi. Nắng hè lúc này nóng như đổ lửa, vì thế nên chiếc mũ lưỡi trai yêu thích của tôi càng được dịp để chứng tỏ nó có giá trị cỡ nào. Mặt đường bốc lên hơi nóng, hầm hập như phát ra từ một chiếc máy sưởi chạy hết công suất. Đến ngoài cổng, xuất hiện một biển báo dừng xe lại trước khi vào trường, đằng sau đó còn có thêm hai, ba anh chị nào đó đứng kiểm soát. Theo quy luật tự nhiên, một kẻ ngoan ngoãn sẽ không bao giờ bất tuân chuyện này để rồi tự chuốc lấy hậu quả. Nhanh chóng, tôi rời khỏi yên và dắt chiếc xe đạp từ từ lướt qua dòng người cũng đang tiến dần tiến vào trong.
- Cậu kia! Mặc quần áo như thế đến trường mà xem được à? Có từng nghe nội quy chưa thế? Không được mặc quần bò tới trường. Đã thế đây, cậu còn vác theo đôi dép tông huyền thoại hiên ngang đi vào như chẳng có gì xảy ra nữa chứ. Nhanh, đọc tên và lớp lên!
- Con bé kia! Vừa nãy mới len lén đội mũ bảo hiểm vào từ góc khuất đó đúng không? Chị để ý rồi, không thoát được đâu em nhé. Đọc tên với lớp lên!
Hôm nào đi qua đây cũng vậy, dù sáng hay chiều, tôi đều nghe sang sảng thấy toàn tiếng chỉ điểm người này, người nọ. Nó chẳng hiếm chút nào mà nhiều nhan nhản như cơm bữa, nhất là vào cuối tuần khi sự thắt chặt của quy định bị nới lỏng ra. Tôi gọi đây là: khoảng khắc khi những gã ngu ngốc đối mặt với những kẻ phũ phàng. Ngay sau đó, một lời phán xét vừa đơn giản nhưng cũng đầy đáng sợ sẽ được đưa ra, ghi thẳng tên vào sổ trực tuần để báo cho giáo viên chủ nhiệm cũng như lấy cơ sở xét hạnh kiểm vào cuối tháng.
Nhìn kìa, những đôi mắt khác biệt: cặp mắt nghiêm khắc của chị làm nhiệm vụ, cặp mắt hả hê của anh viết sổ, tròng mắt dửng dưng, vô trách nhiệm của tên mặc sai đồng phục và đôi mắt lo âu, sợ sệt của cô gái vì lỡ quên không đội mũ bảo hiểm. Ta thấy được gì qua bốn cặp mắt ấy? – Cảm xúc. Nhờ đó, ta biết được người sở hữu chúng là những kẻ như thế nào? – Đoán vu vơ cũng dễ dàng hiểu được. Tuy nhiên, nó mới chỉ cho mình chứng kiến bề nổi của một tảng băng khổng lồ mà nằm tận sâu dưới lòng biển kia vẫn còn ẩn giấu vô số bí mật khác chưa bị tiết lộ.
Tôi sẽ giải thích như sau. Khi đứng trước một tình huống xác định nào đó, mỗi con người thường sẽ đưa ra những suy nghĩ riêng biệt nằm ở tầng sâu nhất của cảm xúc, nhưng sau đó, nhiều tầng suy nghĩ khác lần lượt được thiết lập nên nhằm loại bỏ bớt những thừa thãi và xấu xí của nó. Từng tầng, từng tầng một như một tấm sàng lọc hiệu quả, quét sạch hết các vẩn đục nằm ở nơi đáy lòng mình. Từ đấy, cho ra kết quả cuối cùng của quá trình là biểu cảm, lời nói và hành động… Vì vậy, người càng có nhiều tầng suy nghĩ thì càng khó để đọc nguội được cảm xúc thầm kín của họ.
Giả sử, bị bố mẹ la mắng, bạn cực kỳ tức giận ở ngoài mặt nhưng vẫn kiềm chế được cái lưỡi nóng nảy của mình – một tầng suy nghĩ đã ngăn bạn chuyển hóa cơn tức giận thành lời nói. Thứ hai, bạn nói dối một cách đầy trơ trẽn, song, mặt mũi vẫn trơ trơ như chẳng có gì – nhiều tầng suy nghĩ được kích hoạt làm thay đổi cả biểu cảm ngượng ngùng, lời nói run rẩy và hành động hoảng loạn của bạn.
Người ta thường sẽ chỉ bộc lộ những cảm xúc mạnh mẽ nhất, chôn cất sâu nhất trong lòng cho người mà mình thân thiết nhất, bởi vì họ tin tưởng rằng kẻ đó sẽ không bao giờ "phản bội" mình. Tất cả chúng, âu cũng chỉ là vì lợi ích của chính mình, nếu không hãy cứ giữ nó thật chắc chắn và hãy xóa sạch đi vào một lúc nào đó như một món dữ liệu thừa thãi bị rò rỉ từ một phần mềm độc hại.
Quay trở lại với thực tại, câu hỏi tiếp tục đặt ra là: Thứ gì đã giúp hình thành những tầng suy nghĩ, kìm hãm con người lại như vậy? Học được khả năng che giấu cảm xúc của bản thân chính xác là một con dao hai lưỡi. Khi nhìn vào chị làm nhiệm vụ, tôi hay bất cứ ai cũng có thể đánh giá được rằng, đó là một người nghiêm minh, cần mẫn và có trách nhiệm – không thể nhìn thấy bất cứ phần tính cách thừa nào lộ ra ngoài của con người này. Rõ ràng, nếu nói về việc che đậy những phần cốt xấu của bản thân thì quả đây là một lợi thế, nhưng cũng chính là khuyết điểm vì chẳng bộc lộ được chút phẩm chất tốt đẹp nào.
- Tức là khả năng sàng lọc suy nghĩ của mỗi người dựa vào cách mà họ nhìn nhận tình huống là khác nhau. Nếu như vậy, các tầng suy nghĩ sinh ra có liên kết chặt chẽ với nhận thức…
- Đằng ấy! Đến trường rồi, dắt xe vào đi. Anh thấy chú em đứng như trời trồng từ nãy đến giờ, rồi mắt cứ tia về phía này như một tên dị hợm. Có vấn đề gì với mấy anh chị đang làm việc sao? – Anh trai viết sổ trong chiếc áo Đoàn viên màu xanh vừa nãy đang chĩa đôi mắt không mấy gì làm thiện ý nhìn về hướng tôi và lời nói hối thúc kia lôi bản thân ra khỏi dòng suy nghĩ. Chẳng trách được vì chang chang dưới nắng gắt hẳn không phải thời điểm phù hợp cho người ta trầm ngâm nghĩ ngợi.
- Cho em xin lỗi! Không có gì đâu, em đi ngay đây. – Tôi đáp lại rành rọt, bằng một cái nhìn chân thành để tránh bị nghi ngờ, xong rồi lại kéo theo chiếc xe qua cổng.
Khu để xe nằm ở bên trong, cách đây một đoạn đường hẹp. Một đoạn đường có hàng rào chắn với những bồn cây cỏ, hoa lá xuyên suốt theo dọc lối đi. Tôi dựng xe vào một góc khuất ở gần cuối mái hiên, nơi hiện giờ đang khá thưa thớt. Thực ra, một phần khác vì tôi đã tự đánh dấu nó luôn làm địa điểm đặt xe của mình ở trong đầu rồi. Nếu mà cứ lung tung, mỗi ngày dựng một chỗ thì đôi khi hay bị thất lạc mất lắm, nhất là những hôm thứ năm, thứ sáu cao điểm, xe đông nghìn nghịt. Những con xe máy, xe điện nhung nhúc như lũ kiến vỡ tổ sau trận mưa lớn. Nhìn từ ngoài vào, vị trí này trông thì có vẻ bất tiện do cách tương đối xa lối ra vậy thôi, nhưng tin tôi đi, bạn sẽ không muốn chen chúc giữa dòng người ngược xuôi chỉ để tranh giành một suất thoát khỏi nhà xe sớm đâu. Nói đơn giản là sống ung dung và từ tốn, chẳng cần vội vã là cách tuyệt vời nhất.
Khóa xe cẩn thận xong, tôi lật đật bước ra, quay trở lại con đường cũ. Từ lúc nào, đứng chặn nơi cổng lại có thêm một hoạt động mới khác nữa. Cẩn thận đằng xa, tôi phát hiện ra một người quen của mình, một cô nàng trong bộ đồng phục Đoàn viên, có dáng người mảnh khảnh với mái tóc ngắn uốn nhẹ để lộ rõ sự trẻ trung và sành điệu, đang cầm trên tay một sấp giấy dày, phát cho bất cứ ai đi qua bằng thứ giọng rôm rả như của những người bán rong lành nghề. Với sự tò mò sẵn có, tôi bước tới gần hơn để quan sát sự kiện gì đang diễn ra, cũng như nói thêm đôi lời:
- Ô, Miu đó hả? Trông em làm việc hăng say thật đấy. – Người mở lời đầu tiên là tôi ngay khi con bé vẫn còn đang mải mê với công việc. Và như thể bất ngờ lắm khi bị gọi tên, nó giật mình, quay ngoắt lại cùng một đôi mắt căm hờn tột độ như biết tỏng ai vừa nhắc tới mình. Nhanh như chớp, con bé chồm tới chỗ tôi, miệng làu bàu liên tục mấy lời trách cứ:
- Minh, đây là ở trường đấy! Đừng có gọi người ta bằng cái tên cúng cơm đó nữa. Ở nhà thì đã chẳng nói làm gì rồi thì ít nhất, chỗ đông người cũng phải nể nang nhau một chút chứ. Muốn làm người ta bẽ mặt giữa thanh thiên bạch nhật, cùng bao nhiêu bạn bè, anh chị hay sao! Với cả, đừng có xưng hô "anh anh em em" hộ cái. Ở trường, chúng ta cùng tuổi, cùng khối, cùng vai vế, không có trên dưới gì hết. Lo mà sửa lại giùm, tên người ta là Loan! Loan! Nghe rõ chưa? Nhắc thử lại xem nào.
- Loan… đừng làm người khác sợ chứ. Hét to như thế có được lợi lộc gì đâu, nói nho nhỏ thôi là đủ hiểu rồi mà. Mọi người chú ý tới cũng phiền lắm đó. – Trước sự tức giận phừng phừng phía đối diện, tôi quyết định lùi một bước để tránh khỏi vị trí nguy hiểm, miệng cũng cố thốt ra vài lời chữa cháy cho bản thân.
- Ồ! Thế là còn biết điều đấy. Không tẹo nữa về nhà, người ta dần cho nhừ tử thì đừng kêu la gì hết. Đây này, cầm lấy rồi về lớp đi. Người ta còn bận trăm công nghìn việc khác, không có thời gian tám nhảm với đằng ấy đâu.-Con bé đưa ra cho tôi một tờ phiếu mới tinh dường như mới được in hồi trưa nay, kèm theo một ánh nhìn hối thúc, có cả sự nạt nộ ở trong đó nữa.
Xin giới thiệu, đây là con em họ đồng trang lứa của tôi, một con người lắm tài mà cũng nhiều tật, hiện đang là thành viên trong tổ chức Đoàn viên thanh niên ưu tú của nhà trường. Dù tính nết hai đứa có hơi lệch pha nhau chút xíu nhưng ở nhà vẫn cho là tương đối thân. Độ thân thiết ấy có thể được nhận thấy qua cách mà nó bày tỏ thái độ, lời nói trước mặt tôi. Như đã nói từ trước, khi cảm xúc thoát ra ngoài càng rõ ràng thì càng phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa người với người (hoặc thật sự là nó đang muốn đuổi tôi đi thật nhanh cho khuất mắt). Tuy nhiên, mỗi khi trên trường lớp, chúng tôi lại tách xa ra hết mức có thể và coi nhau như người dưng nước lã. Vài lần hiếm hoi, cả hai cũng lời qua tiếng lại đôi điều nhưng kết cục hầu hết đều chẳng tốt lành mấy.
Tôi đỡ lấy tờ phiếu sáng loáng từ tay Loan. Con bé lườm nguýt lại một cái như muốn thốt lên rằng: “Lề mề quá đấy, tên kia!”, xong rồi kêu anh nó mau đi đi. Chân chưa kịp bước đi, đôi mắt tôi đã nhanh chóng như một thói quen, chăm chú liếc xuống trang bìa của thứ mình vừa nhận được. Nhìn thoáng qua, có thể hiểu được sơ sơ nội dung chứa đựng bên trong: “Một tờ phiếu tổng hợp các sự kiện sẽ diễn ra trong tháng năm sắp tới à?”. Hết hướng vào tờ phiếu, tôi lại hướng về khuôn mặt đang cáu kỉnh của Loan như muốn đặt thêm câu hỏi.
- Đúng rồi đấy! Tháng Năm trước nghỉ hè là cuối cấp của các anh chị nên bận rộn lắm. Trước hết là hoạt động kỷ niệm ngày tốt nghiệp và chia tay thầy cô cho khối 12. Rồi đến bế giảng, văn nghệ, trang phục, hát hò,… Chưa nói tới, còn câu lạc bộ này câu lạc bộ kia! Thế nên, phải thông báo trước cho các học sinh khác chuẩn bị mới kịp. Lúc nữa, loa phát thanh nhà trường cũng sẽ truyền tin sớm thôi… – Con bé giải thích nhưng bỗng dưng dừng lại một nhịp, nó nhìn chằm chằm vào mặt tôi, hơi thất vọng. – Cơ mà, người ta đoán là đằng ấy cũng không cần phải quan tâm quá nhiều đến mặt này làm gì. Dù sao, đằng ấy cũng có định tham gia hay đóng góp gì đâu.
- Cũng phải… – Tôi quay lại tấm bìa với đủ tông màu nổi bật dưới ánh nắng. – Anh đây có lẽ chỉ im ỉm trong góc lớp, chờ thời cơ giúp được gì thì giúp thôi. Nhưng cũng đừng trù ẻo kiểu đấy chứ, anh cũng nhiệt liệt hưởng ứng theo phong trào lắm đấy, giống như biết bao học sinh khác. Mà, không phải, trước khi tới được với những ngày lễ tưng bừng ấy, mình còn phải trải qua một kỳ thì rất gian nan sao? Môn thi đầu tiên là Văn học đấy: nghe thôi là muốn run cả người rồi…
- Lại xưng hô "anh anh em em" nữa rồi! – Loan lại đằng hắng giọng, tỏ ra bực dọc trước sự sơ suất của tôi nhưng sau đó, cũng tạm thời bỏ qua mà đáp lời. – Người ta thì chẳng có việc gì phải sợ mấy thứ văn viết nhãi nhép ấy cả. Mọi thứ đều đã chuẩn bị kỹ càng, chỉ còn chờ thời khắc tới và bung lụa thôi. Cũng tại đằng ấy không chịu chăm chỉ học hành cho đến nơi đến chốn nên mới ra nông nỗi ấy. Thực ra, môn văn cũng dễ mà. Học kỳ trước, người ta viết nham nhở mà cũng được tận 8,25 điểm đấy nha! – Con bé trông thêm phần đắc ý khi thốt ra điểm số của mình và coi khinh nỗi khổ mà thằng anh nó đang phải gánh chịu.
- Loan giỏi ghê! Môn nào điểm cũng cao. Còn với tớ, trên điểm trung bình thôi cũng là một thành quả vô tiền khoáng hậu rồi. – Không một chút khó chịu, tôi liền đồng tình với thái độ đó của con bé và trầm trồ với kết quả mà có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ tới. Nhân tiện, điểm số môn Văn cuối kỳ I của tôi cũng tương đối đáng mừng so với mong đợi: 5,5 điểm. Nói rằng tôi không cảm thấy hổ thẹn với Loan cũng phải, vì ngay từ thời cấp Hai, bản thân mình đã thể hiện những mặt hạn chế ở môn học này. Lên trung học phổ thông, sự yếu kém về mảng Văn học trước kia càng bộc lộ sâu sắc nhiều hơn nữa, khi mà mức độ khó của nó còn tăng lên theo cấp số nhân với đủ thứ yêu cầu như là: tốc độ viết, cảm thụ, nhận xét, kiến thức tiếng việt,...
Những văn bản dài thườn thượt trong sách giáo khoa, cùng đống nội dung vừa khô khan, vừa khó nhằn, đủ để đóng thành một quyển sách dày cộp; những bài đọc – hiểu, đoạn trích mà chỉ lướt mắt qua thôi cũng đủ khiến chúng ta chùn bước trước hàng loạt câu hỏi phức tạp và hóc búa; những câu tập làm văn: nghị luận xã hội, phân tích văn học điên rồ mà bất cứ kẻ cầm bút non tay nào cũng phải đặt ra câu hỏi là bằng cách nào để lấp kín từng nấy trang giấy chỉ trong thời lượng hai tiết học ngắn ngủi? Một khối đá khổng lồ đè nặng trên đầu biết bao con người kỵ văn, như lửa khắc nước, nhưng lại chẳng thể có một lời giải thích thỏa đáng. Sự căng thẳng, lo lắng đỉnh điểm khi bước vào phòng thi, nỗi mông lung kinh hoàng lúc cầm được tờ đề trên tay và cảm giác lạc lõng khó kể xiết trước tình cảnh tay cầm bút nhưng đầu không nghĩ ra gì. Một học sinh giỏi ban Xã hội như Loan này hẳn là chưa từng một lần mắc phải rắc rối ấy nên sẽ không thấu hiểu nổi.
Sau nhiều năm chinh chiến trong môn Văn như một tay lính khôn ngoan trên mặt trận, tôi rút được ra không ít kinh nghiệm, biết "lúc nào nên lùi, lúc nào nên tiến". Để tránh những xúc cảm tiêu cực đó, giữa Văn học và một gã không lấy gì làm bạn bè như tôi, cách tốt nhất là hãy vạch ra một con đường rạch ròi nhất, bước đi trên đó bằng tấm lòng lạc quan nhất và đừng đặt ra tâm lý sáo rỗng: “Mình cần phải làm hết sức có thể!”. Bởi vì, khác Toán học – bạn có thể kiếm từng điểm thưởng như việc bắn những mũi tên chính xác vào các bia mục tiêu nằm rải rác đằng xa hay ở gần, Văn học lại giống với một trò chơi săn tìm kho báu giữa chốn sương mù giăng kín. Thật khó đoán làm sao, nhất là với nhiều con người lép vế, không có được đôi mắt tinh tường.
- Thôi, không cần phải nịnh nọt nhé! Người ta tự biết trình độ của mình ở đâu để mà tiếp tục cố gắng, còn đằng ấy cũng nghiêm túc học hành cho đàng hoàng đi, kẻo bị đặt vào "vùng nguy hiểm" là năm sau học cùng mấy em khối dưới đấy. – Loan nhắc nhở với thái độ cứng rắn đã luôn hiện rõ trên nét mặt con bé từ lúc đầu. Nó tiếp tục giảng giải cho tôi như một bậc bề trên sở hữu nhiều quyền uy (Đúng là ở trường, con bé có vị trí đứng cao hơn tôi thật nên cũng đành chấp nhận vậy).
- Đâu đến mức đó. À mà, cũng sắp tới giờ vào học rồi. Nếu không mang cặp sách lên thì sẽ bị coi như đến trễ mất. Vậy tạm biệt nhé! Anh đi trước đây, chúc em thi cuối kỳ đạt kết quả cao. Sau đó, hai ta sẽ cùng nhau so điểm ở nhà.
- Ừ! Đằng ấy cũng thế, thi tốt nha! Và còn nữa, đừng có xưng hô "anh anh em em" dùm người ta cái. Nói mấy lần rồi.
Cuối cùng, câu kết của tôi vẫn lỡ miệng làm phật ý con em họ mình tuy rằng không phải cố ý. May thay, Loan cũng chẳng cậu nệ gì thêm từ một chút cỏn con ấy, con bé hẳn cũng chán nhìn vào bản mặt khó ưa của tôi lắm rồi nên mới tha cho như vậy. Bên cạnh đó, nó cũng không quên gửi lời động viên đến thằng anh ngố tàu này sẽ có được một kỳ thi tốt lành. Mong sao được vậy, để đến khi nhìn điểm số áp đảo của người kia, tôi có thể cười không chút gượng gạo mà tự tin nói câu: “Anh đây đã làm hết sức trong khả năng của mình rồi.”
Nói đoạn cũng nhớ ra, chiều nay, tôi phải học phụ đạo hai tiết ở trường. Và thử đoán xem, môn học trúng thưởng của buổi chiều nóng nực này là gì? – Văn học! Chính nó chứ không phải môn nào khác. Ít ra, tôi vẫn được an ủi phần nào vì sau khoảng thời gian nhọc nhằn ấy, mình sẽ rảnh rang biết bao nhiêu và dự định thêm những kế hoạch đáng để chờ đợi: lướt mạng giải khuây, đọc sách như một kẻ trí thức, ngồi vào bàn làm hết bài tập để đến tối được nằm ườn trên chiếc giường êm ái,… Nghe thôi mà bản thân cảm thấy háo hức đến nhường nào!
Tôi bước vào lớp, lui xuống cuối dãy bàn học đầu tiên, đặt chiếc cặp sách lên trên ghế gỗ, rồi ngồi xuống một cách ngay ngắn. Liên có vẻ đã đến từ lâu thông qua ba lô màu nâu có hình chú gấu của cô nàng ở bên cạnh và áo chống nắng được gấp gọn gàng dưới ngăn bàn. Còn khoảng trên dưới mười phút nữa, trống vào giờ mới đánh, cậu ta chắc cùng đám bạn đi đâu đó rồi, tôi cũng không nên thắc mắc quá nhiều. Thời gian ít ỏi không còn đủ để làm bất kỳ việc có ý nghĩa nào nữa nên đành giết nốt chút thì giờ rỗi rãi cuối cùng, tôi hướng mắt ngắm nghía khung cảnh trong lớp, trong khi trong lòng chẳng lấy gì làm hào hứng. Kim đồng hồ càng quay, giờ Văn mệt mỏi đến càng gần mà dù nó ngừng lại đi chăng nữa thì sự chán chường cũng chẳng nguôi ngoai là bao.
Vì nằm trong ban Tự nhiên, lớp học cũng không mấy tập trung như khi chuẩn bị vào giờ Toán hay Vật lý. Thay vào đó, bọn con trai ngỗ nghịch trong lớp đang túm tụm lại bên những chiếc điện thoại thông minh và tiếng của một tựa game MOBA thoát ra mà từ vị trí này có thể nghe văng vẳng bên tai. Có lẽ, chỉ có tiếng trống báo hiệu mới kịp đánh thức các tên thanh niên có chất giọng ồm ồm kia khỏi sự lôi cuốn ghê gớm của màn hình trò chơi. Ở đằng khác, lũ con gái cũng không chịu kém cạnh với vài ba tóp nữ sinh chưa khỏi ngớt rôm rả. Họ đang giữ loại tờ phiếu giống như tôi được phát hồi nãy và dường như bàn tán về sự kiện sắp diễn ra vào tháng Năm sắp tới hoặc có thể là chuyện khác nữa. Cũng không thiếu những kẻ trầm lặng như tôi, chỉ ngồi lặng lẽ một chỗ làm chuyện của riêng mình.
Bên ngoài bất ngờ có tiếng loa phóng thanh: “Sau đây loa phát tin của nhà trường xin thông báo! Xin nhắc lại, loa phát tin của nhà trường chuẩn bị thông báo! Để chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ II cũng như lễ bế giảng và nhiều hoạt động khác sẽ diễn ra trong tháng Năm, tất cả các câu lạc bộ trong trường sẽ đi vào trạng thái ngừng sinh hoạt từ thứ hai tuần sau – ngày 25/4 cho đến hết ngày 15/5. Cũng trong khoảng thời gian đó, trưởng các câu lạc bộ riêng lẻ sẽ phải nộp báo cáo hoàn chỉnh về thành tích đóng góp trong năm vừa qua…” – Bỏ lửng giữa chừng, tôi không còn nghe nữa. Những thứ như câu lạc bộ thể thao, văn hóa hay là tự thành lập hầu như vô nghĩa đối với tôi, một kẻ mà sau mỗi buổi học chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đi về nhà.
Chúng ta đang sống trong xã hội, nơi tôn sùng bản tính hướng ngoại nhiều hơn bất kỳ thời đại nào như một mầm non khỏe mạnh nhất cần một nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất. Còn những kẻ thiếu năng nổ, hoạt bát lại là thứ cặn sỏi chẳng đóng góp được gì vào nền phát triển thịnh vượng đó. Sự ưu tiên, ưu ái chỉ được dành cho ai nào hăng hái và cởi mở, đó chỉ có thể là kiểu người hoặc là quá ngu ngốc để che đậy vô vàn cảm xúc nóng hổi sôi sục trong thâm tâm, hoặc là quá tài giỏi khi tự hóa trang mình thành một con người hoàn toàn khác trước bao nhiêu cặp mắt ngoài kia.
Tôi vẫn sẽ tự băn khoăn về nguồn gốc kỳ quặc rằng: Những tầng suy nghĩ từ đâu mà ra? – Phải chăng là từ lý trí? À, và cả cảm xúc nữa. Nó mách bảo một tên đang yêu say đắm ai đó với lời tỏ tình mắc nghẹn ở cổ họng rằng đừng có nói điều tồi tệ ấy bởi vì đằng nào mày cũng sẽ thất bại. Nó cưỡng ép một gã công sở thấp kém hãy tránh xa những vại bia, rượu kia ra và dành số đồng lương ít ỏi vào việc có ích hơn đi. Các tầng suy nghĩ làm cho lòng ta nhu nhược mà cũng khiến ta thêm phần bản lĩnh. Những ý kiến đánh giá đó được phân định rạch ròi giữa tốt và xấu, chúng dần hình thành một cách tự nhiên đến nỗi chẳng ai thèm để ý tới.
Vậy cơ sở để nêu lên các ý kiến ấy từ đâu mà ra? – Từ xã hội mà ra. Tập tính bầy đàn của loài người đã xuất hiện từ thuở hồng hoang khi chúng ta còn chung là loài vượn cổ. Điều đó nói lên sự yếu đuối, kém cỏi trong từng cá thể người riêng lẻ. Đến nay, có thể hình thức đã thay đổi nhưng về bản chất cũng chẳng khác biệt là bao, vẫn một căn nguyên duy nhất: “Phải dựa vào nhau mà sống nếu không thì chết!”. Đơn giản, thuận theo cái chung là đúng, nghịch theo cái chung là sai. Bánh răng xã hội sẽ tiếp tục quay để đè bẹp thứ nào dám cản trở sự thăng tiến của nó như một cỗ máy tàn bạo không có công tắc dừng lại. Trong số ấy, những kẻ rụt rè ít giao tiếp, không đóng góp gì cho cộng đồng là những mục tiêu béo bở nhất, bị dẫm xuống tầng lớp khổ sở nhất. Dường như, chỉ có nước đi là thay đổi bản thân hoặc dựa vào vận may thì mới cứu nổi họ mà thôi!
Ngay cả trường học cũng là một xã hội thu nhỏ, nơi mà các câu lạc bộ toàn dành hết vị trí cho những con người năng động và đầy nhiệt huyết. Thử hỏi xem: “Có câu lạc bộ nào mà ngày qua ngày chỉ ngồi yên một chỗ đọc sách, các thành viên không ai nói với ai câu gì không?” – Không! Đó còn chẳng được gọi là một câu lạc bộ nữa. Vì vậy, muốn có một chân ghế vững chắc quả thật không dễ dàng. Thay vào đó, sự cạnh tranh khốc liệt sẽ lu mờ kẻ yếu thế và nâng tầm kẻ mạnh như hai đầu của một máy xi lanh thủy lực, bên này hạ xuống, bên kia lại nhấc lên.
- Nếu mà cứ phải cố gắng chen chúc và cố gắng hết sức thì chẳng hợp với mình chút nào! Sống ung dung và từ tốn như một chú rùa chẳng phải tốt hơn sao? – Xong rồi, tôi lại ngẫm về tương lai sau này, về một nghề nghiệp có thể làm vừa lòng bản thân. Thế giới như một đống tơ vò khổng lồ, mà trong đó, mỗi sợi chỉ mỏng manh lại là cuộc đời của một con người phải vật lộn với đủ thứ ở phía xa hay ở ngay trước mặt…
- Tùng! Tùng! Tùng! – Vài hồi trống dõng dạc vang lên. Tiếng loa thông báo đã dứt từ lúc nào tôi cũng chẳng hay biết.
Ngó sang, Liên đã yên vị trên chiếc ghế quen thuộc của cậu đằng phía đối diện. Vài lọn tóc vẫn còn rớm chút mồ hôi nơi trán nhưng qua ánh nắng bên hiên cửa sổ, khuôn mặt cô nàng vẫn thật sáng ngời và tươi tỉnh. Cậu ta tháo chiếc dây buộc tóc màu chàm thường thấy xuống, sửa sang lại mái đầu có phần hơi ngờ nghệch, rồi chỉnh chu buộc lại nó bằng bàn tay điêu luyện của mình. Như một cảm quan, đôi mắt sắc lẹm ấy cũng quay sang bặm trợn với tôi:
- Nhìn đắm đuối quá nhể? Thích xem tôi buộc tóc hay gì?
- À không, tớ nào dám thô lỗ thế được. Chỉ đang thử suy đoán cậu vừa dạo chơi ở nơi nào mà nét mặt rạng ngời hơn mọi khi thôi. Trông một cái là biết vừa có chuyện vui rồi.
- Mặt mày như thế mà cũng tinh tường quá ha! Đúng vậy đó, phải gọi nó là một tin đáng tự hào luôn mới đúng. Lúc nãy, tôi có qua chỗ đội tuyển Vật lý của trường, cô tổng phụ trách ở đó mới báo rằng, Trần Ngọc Liên đã được vào đội tuyển học sinh giỏi toàn quận ôn luyện đi thi cấp Thành phố. Mắt tôi đã sáng rực vì mừng rỡ ngay cái khoảnh khắc ấy! Cậu có biết tôi đã phải mong mỏi, ngóng trông ngày này bao lâu rồi không? Cuối cùng… cuối cùng, mùa hè sắp tới sẽ trở thành thời cơ vươn tầm tên tuổi của ta đây! Sao hả, thấy ghen tị chứ? – Liên cười một tràng sảng khoái đến nỗi, chiếc bàn đang phải rung lên bần bật vì sự phấn khích tột độ của cậu ta. Tiếp một hồi lâu sau, tiếng khúc kha khúc khích vẫn loáng thoáng trong bầu không khí giữa hai chúng tôi như tiếng róc rách âm ỉ của một dòng suối mát lành mà ít khi nào được nghe ngóng nó rõ như vậy. Chỉ khi giáo viên đặt chiếc giày cao gót lên bục giảng và âm thanh nghiêm trang của bọn học sinh thốt ra thì cô nữ sinh mới chịu nhịn lại ít nhiều. Nhưng với cánh tay đung đưa cùng cơ thể đang nhún nhảy không ngừng kia, tôi đã nghĩ niềm vui của Liên còn lâu mới chấm dứt.
Thật mừng! Hôm nay, mình không cần thấp thỏm lo âu nữa rồi.
Tuy nhiên… tôi đã lầm. Mới quay đi quay lại, sắc mặt của cậu bạn bàn bên đã thay đổi một trăm tám mươi độ, ánh mắt đanh lại như phóng ra một cây đinh găm sâu thẳng vào bức tường, còn cơ thể thì cứng đờ như tượng đá:
- Nào cả lớp! Dù có hơi đột ngột, nhưng cô thông báo luôn bây giờ nhé! Vào tiết sau, lớp học sẽ có một bài kiểm tra lấy điểm mười lăm phút, nội dung bao quát tất cả các văn bản đã học trong học kỳ II này. Vì vậy, hãy tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa hai tiết để chuẩn bị giấy bút đầy đủ, đừng để đến lúc bắt đầu chiếu đề rồi mới cuống cuồng chạy khắp đi xin lung tung, làm mất trật tự và tốn thời gian của nhiều bạn khác. Cũng chỉ tới đó thôi. Giờ, chúng ta vào tiết: "Tổng kết Tiếng Việt – Tiết I". Chú ý chép bài đầy đủ! – Chất giọng cao vút của cô giáo vang xa đến mọi ngóc ngách trong gian phòng học có tới bốn mấy người.
Tôi quan sát từng cử chỉ của Liên. Cậu ngồi phịch xuống, khuôn mặt tối sầm như thể mưa bão lại sắp sửa ập đến. Hai tay nắm chắc vào gấu chiếc áo đồng phục trắng tươm để cố giữ mình bình tĩnh trước tình huống ngặt nghèo này. Cô nàng quay sang, nhắm đôi mắt ươn ra đã được một lúc về phía tôi, người chẳng có lỗi gì trong chuyện này:
- Vừa nãy, cô giáo nói cái gì ấy nhỉ? – Giọng run run.
- Kiểm tra… Văn. – Lời đáp lại của tôi cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ, nhưng vẫn còn giữ được bình tĩnh.
Nghe xong chỉ từng nấy, mặt mày Liên trước kia đã sa sẩm nay còn trở nên nhăn nhó hơn nữa. Sự thật đôi khi thật khó có thể chấp nhận, song, tôi cũng chẳng thể nói gì hơn để an ủi hay làm phải lòng cô bạn yêu những con số và ghét "tiếng mẹ đẻ" này. Một bài kiểm tra viết chẳng khác nào một cuộc tra tấn kinh hoàng về mặt tinh thần đối với bọn tôi. Ngay cả trong lớp, sau thông báo đột ngột đó, âm thanh xì xào của biết bao gương mặt ngoài kia đã náo động đến mức người đứng bục cũng phải gõ tấm thước lên bảng và nhắc nhở tới vài lần. Hiện giờ, không ít học sinh đang dần lo lắng cho số phận của mình mà căng thẳng vô cùng, cứ mãi vò đầu bứt tai để nghĩ ra một kế sách.
Liên chẳng còn mảy may để tâm gì đến tôi nữa, thân xác cậu ở đây nhưng hồn đã bị tha đi đâu mất. Một chút niềm phấn chấn cũng chẳng thấy… Cô nàng có lẽ đã từ tít trên năm tầng khí quyển rơi bụp một cú xuống sâu quá bốn lớp vỏ Trái đất và vẫn chưa kịp quay trở lại. Chẳng còn cách nào khác, tôi bèn phải “đào” cô nữ sinh thất thần này lên vậy:
- Này, tớ tưởng cậu học văn cũng có tệ đến mức ấy đâu! Sao không tự tin lên? Nếu cậu còn lo sốt vó như thế thì thử hỏi, một thằng não phẳng không tì vết như tớ đây phải cảm thấy ra sao mới đúng? Với cả, dạo này, cậu đang cố gắng không biết mệt mỏi để cải thiện học lực ở các môn xã hội mà, đó chính là điều tiên quyết nhất thúc đẩy bản thân quyết tâm và tiến về phía trước vào lúc này. Hãy coi bài kiểm tra này như một thước đo để đánh giá sự nỗ lực của chính mình, như thế có tốt hơn không?
- Cậu mà cũng đòi động viên cơ đấy… – Cuối cùng, cậu ta, một lần nữa ngước lên, trông có vẻ khá tiếp thu lời khuyên vừa rồi. – Hai dà! Cũng phải… tôi đâu đến nỗi thua thiệt gì với môn học này, vậy mà chẳng hiểu sao cứ mỗi khi đến giờ kiểm tra Văn, lồng ngực cứ siết chặt lại vì một thoáng mơ hồ nào đó, còn chân tay thì như bị rút cạn máu từ huyết mạch. Chắc, tôi một vài ngày tới, phải kiểm điểm lại bản thân để tìm ra lý do cho chuyện ấy. Thật khó chịu làm sao! Nhưng, nghe cậu nói xong hết một lượt, tôi đã phần nào bớt bâng quơ hơn, thay vào đó, cậu làm tôi tức điên lên luôn ấy! – Liên bắt đầu cầm lấy cây bút để ghi chép bài với một sự hờn dỗi vô cớ ở trong con mắt. Phải chăng, cô nàng cảm thấy biết ơn nhưng không dám nói ra? À không, nghĩ lại rồi… cậu ta cho rằng tôi đang châm biếm cậu ta thì đúng hơn.
Tuy nhiên, tôi đây, một con người cũng từng mang những cảm giác u tối ấy về môn Văn, có lẽ cũng thấu hiểu được phần nào được bên trong con người đối diện kia. Ai cũng có điểm yếu của riêng mình và tôi cảm thấy ngưỡng mộ cô gái này vì đã không ngừng nỗ lực để trở nên toàn diện hơn.
- Không có gì! Cậu tốt lên là mừng rồi. À mà, ước gì tớ có được cái tâm thế giống như cậu thì hay biết mấy. – Tôi khom lưng xuống, tì một bên má xuống mặt bàn, nhìn về phía Liên với con mắt dần trở nên uể oải.
Có lẽ, mình nên tiết kiệm năng lượng hết mức có thể để dốc toàn lực chinh chiến vào tiết sau sẽ hợp lý nhất.
- Cậu không định viết bài đi à? Tiết sau kiểm tra rồi đấy. – Đến lượt Liên nhìn tôi. Tuy nhiên, cậu ta chẳng có vẻ gì là đang quan tâm, mà thay vào đó, lại như đang cố trả thù cái kẻ vừa mới chứng kiến thấy con người suy sụp đáng xấu hổ của mình.
- Không đời nào một tiết ôn tập có thể cứu lấy số phận bi thảm của tớ. Vì vậy, tớ đây quyết định sẽ để những nơ-ron não trong đầu nghỉ ngơi, rồi cho nó hoạt động hết công suất vào mười lăm phút quan trọng sắp tới. Chiến lược ấy nghe có vẻ vừa vô lý, lại còn lười nhác, đúng không? Nhưng mà, nếu cậu không phải thuộc kiểu học sinh hiểu sâu, biết kỹ về kiến thức văn bản trong sách giáo khoa thì đây là một sự lựa chọn vô cùng hiệu quả đấy. – Giữ nguyên tư thế cũ, tôi đáp lời một cách lưu loát trong khi cả cơ thể đang đè lên trên tấm vở học mới bỏ ra chưa được bao lâu, còn cổ tay buông thõng xuống phía ngoài đầu bàn.
- Ồ! Cậu hay quá nhỉ? Cứ ở đó mà tự thủ dâm tinh thần với đống lý thuyết nhảm nhí mà mình tự đặt ra đi nhé, chứ chẳng ai mà tin nổi, cái tên đần nhà cậu có thể tiến bộ lên được với bộ dạng ẻo lả như đống keo dính đó. Thật hết nói nổi! – Dứt lời, Liên lại chuyển sự chú ý của mình lên chiếc bảng đen phía xa xa mà tập trung vào bài giảng say sưa của cô giáo. Cậu trông vẫn còn chút hậm hực nhưng đã kịp nuốt trôi nó nhờ vào một điều thần kỳ không rõ.
Mà này, Liên, liệu cậu có biết không? Rằng, người ta thường có định kiến: “Văn học là ánh sáng sưởi ấm và dẫn lối tâm hồn. Chỉ có người giàu tình cảm mới có thể viết ra những áng thơ hay, những bài văn đẹp”. Nhưng sâu trong thâm tâm, tôi muốn thừa nhận một điều có lẽ là sự thật, văn học thực chất không chứa chan nhiều tình cảm như chúng ta hay nghĩ về nó. Những cảm xúc đọng lại mỗi khi từng dòng chữ, từng vần thơ lướt qua hóa ra chỉ là những suy diễn chủ quan của mình, thứ dần dần được hình thành trong một hoàn cảnh biệt lập giống như một đóa hoa sẽ nảy sinh khi có hạt giống gieo xuống đất.
Và dường như, chính tác giả – người được cho là hiểu rõ nhất tác phẩm của mình – cũng chẳng thế nắm hết được những tầng ý nghĩa nằm sâu dưới khu vườn mà tay mình vun đắp nên. Hơn thế nữa, tôi hoàn toàn có thể hướng tới kết luận này, vì bởi hành động viết ra, ghi ra,… của văn học ngay từ đầu đã không thiên quá nhiều về cảm xúc rồi. Bạn đã từng phải ngồi trong phòng thi và đắn đo chuyện nên chọn lựa từ ngữ nào, cách diễn đạt nào sao cho phù hợp chưa? Đó hẳn là do những tầng suy nghĩ giăng kín trong đầu đang thắt chặt đáy lòng ta, để rồi, kết quả sau cùng nhận được là một bản sàng lọc không hơn không kém.
Văn học là lời hay ý đẹp, là truyền đạt những điều tích cực đến mọi người và đặc biệt vẫn phải lấy quy tắc xã hội làm nền tảng như một ngôi nhà vững chãi phải có được cái móng thật chắc chắn. Do đó, ngay từ đầu, những bài văn hay, những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa đã không được đánh giá từ một góc nhìn chủ quan duy nhất mà bắt buộc cần thông qua một hệ thống chọn lọc phức tạp mới cho ra được những giáo án giảng dạy. Có thể hiểu rằng, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng một vỏ bọc đích thực xung quanh những câu từ mà không phải chính tay mình viết ra với lòng tha thiết tự hào của loài người văn minh, tiến bộ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: “Những thứ được gọi là cổ súy, suy đồi, rỗng tuếch, bậy bạ,… và văn học chính thống đều có chung một nguồn gốc, xuất xứ. Ấy vậy mà, con người ta lại "nhẫn tâm" phân biệt đối xử giữa chúng vì một cái rất chi là mang tính loài người: quy chuẩn đạo đức.” Và cũng như đã nói từ trước, bất cứ thứ gì gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội sẽ từ từ bị loại bỏ.
- Ừm, vậy thì… văn học liệu có công thức riêng không nhỉ?
Nếu bạn không chuẩn bị trước thì gần như là không thể rồi. Bởi dẫu sao thì, văn học vẫn giữ một mối liên kết bền chặt với những mạch suy tư nằm sâu thẳm nhất trong lòng ta, chảy cuộn trào không theo bất cứ quy luật nào. Một mê cung hình nhánh cây không có lấy một lối mòn cụ thể nào. Mà đương nhiên, ai đủ khả năng để ngay từ đầu sắp xếp nổi một thứ giống vậy hệt như một cỗ máy lập trình hoàn hảo chứ?
Tuy nhiên, đặt ra một vấn đề đáng lưu tâm mà lại kết thúc vấn đề ấy bằng một câu trả lời nhạt nhẽo và hụt hẫng như này thì quả thật là đáng thất vọng. Song, tôi cũng chỉ còn biết đưa ra một lời khuyên thật lòng tới với “hội tất cả những con người yếu Văn” rằng: “Đôi khi, giữ cho đầu óc của mình nằm ổn định trên chiếc cán cân cân bằng còn khó hơn gấp bội so với việc lập ra một công thức chi tiết cho những bài văn dài dòng và phức tạp.”
- Ê, Liên… cậu còn thuộc bài “Bình Ngô đại cáo” hồi đầu học kỳ này không?
Liên giật mình quay sang nhìn tôi. Cậu ta đang chăm chú suy nghĩ mấy câu hỏi Tiếng Việt trên bảng thì bị gặng hỏi nên trông nét mặt có vẻ giữ đôi phần khó chịu.
- Tất nhiên là có rồi. Đừng coi thường, tôi ôn tập rất kỹ trước khi thi giữa học kỳ II đó! Mấy hôm trước cũng vừa mới dở sách ra xem lại. À mà, nói thế cũng tức là cậu đang lo lắng vì vẫn không làm sao nhớ nổi được sáu trang văn biền ngẫu, đúng không? Kém quá đấy! – Càng nói, cảm giác bực dọc trước kia của cô nàng càng nhanh biến mất, thay vào đó là một sự lanh lợi và đắc ý đáng kinh ngạc.
- Cũng phải… nó quá dài so với sức lực hiện tại của tớ. – Tôi chỉ còn cách thở dài trước thái độ kỳ lạ của cô bạn cùng bàn, rồi định nói tiếp. – Thực ra trên máy chiếu vừa mới để lộ đề…
Nhưng chưa kịp dứt câu thì nó lại đến:
- Vậy à? Ra là cậu đang có ý định đoán đề của bài kiểm tra tiết sau chứ gì? Nghe có vẻ hay đấy! Tôi cũng khá hứng thú với trò đó, hay là chúng ta thử cá cược một trận đi: ai đoán đúng có thể sai người kia làm một việc mà mình muốn, chịu không? Hay vì cậu sợ quá nên không dám hả? – Với vẻ hiếu thắng lộ rõ mồn một như phơi hẳn ra cho người ta xem, Liên sấn cổ lại gần hơn chút nữa cùng một đề nghị khiến bản thân tôi lại thêm phần quan ngại. Không biết mình nên lựa lời thế nào cho vừa lòng nhau đây? Cô nàng này, xem từ góc độ nào, cũng chẳng có ý định chấp nhận một lời từ chối đâu.
- Thực sự thì… Thôi được rồi, tớ đồng ý tham gia... – Tôi buột miệng, khi mà bỗng dưng hoa mắt và nhìn thấy mập mờ hình bóng của một con quỷ hung hãn đang nấp ngay sau lưng người con gái kia như chỉ trực chờ nhảy chồm ra nếu làm trái ý nó. – Nhưng tớ muốn đặt luật, được chứ? – Bởi vì đã quyết định rồi nên đây coi như là cách duy nhất "hợp pháp" của tôi để chống lại sự áp bức, bất công này.
- Hả? Tại… tại sao lại thế được? Chẳng lẽ, cậu định xoay sang nhắm vào tôi vì cái quyền lợi được bắt ép tôi làm gì tùy thích hả?
- Tất nhiên là không! Từ nãy đến giờ, cậu đã chiếm gần như thế chủ động rồi nên tớ nghĩ mình cũng cần có một chút gì đó để cân bằng lại. Đâu thể nào ưu tiên một mình mình trong một trò chơi có cá cược hẳn hoi kiểu này được, không phải sao? – Tôi dứt khoát hơn để tỏ rõ sự không hài lòng của mình. Chiếc khiên đỡ đòn đã được nâng lên để chờ đợi một đòn đáp trả tàn bạo…
- Không được! Nếu nhỡ cậu thêm thắt để tạo lợi thế cho mình thì sao. – Liên cũng ngẫm nghĩ nhưng câu trả lời vẫn chứa đầy nỗi do dự. Cậu hẳn đang lo lắng về những may rủi có thể xảy ra nếu cho bàn tay tôi chen vào. Một điều thật khó tin làm sao! Tôi đã cho rằng câu ta phải chuẩn bị kỹ tâm lý tới nhường nào khi dám đưa ra một trò chơi với yêu cầu khó xử như này, nhưng có lẽ, nó chỉ là hệ quả của một sự cao hứng quá đà. Tuy nhiên, việc ấy cũng sẽ chẳng hề hấn gì với tấm thân này, bởi vì đây sẽ là một cú “Sập cửa vào mặt” (Door in the face) hoàn hảo của tôi.
- Thế thì tớ chẳng có lý do gì để tham gia một trò chơi kiểu này, cái chỉ thấy đem đến phiền toái chứ chẳng được tí tích sự gì. – Vậy là kết thúc, mình đã lách qua khe cửa hẹp và thoát khỏi kiếp nạn này! Nói đến đoạn này, tôi chắc mẩm mình đã thành công mĩ mãn. Tuy nhiên:
- Được rồi! Tôi cho cậu ra luật lệ đấy, nhưng nếu có bất cứ điều gì bất công thì tôi sẽ ngay lập tức loại bỏ nó đi. Cho nên, biết thân biết phận thì làm cho đàng hoàng vào, đừng để tôi cáu lên, không y như rằng, mặt cậu sẽ có thêm một phát tát trước khi đến giờ kiểm tra! – Định mệnh dường như muốn chơi đùa với trái tim nhỏ bé của tôi hay sao, khi mà một thứ trời đánh nào đó đã khiến Liên đổi ý ngay vào phút chót. Cảm giác như một vận động viên điền kinh với bàn tay đã chạm vào chiếc ruy băng nơi vạch đích nhưng đôi chân bỗng nhiên lại ngã khụy xuống trong bất lực.
Thiết nghĩ, điềm bất hạnh tới như một vòng lặp vĩnh cửu của số phận. Vào lúc này, trông ra xa, chỉ thấy tồn tại đâu đây toàn mịt mù hình ảnh của con đường tràn ngập sương khói. Giờ thì, khi mà chiếc khiên chắn cuối cùng cũng vỡ nát, tôi đành lòng phải phó mặc mọi thứ lại cho niềm tin và sự may mắn vậy. Bởi vì, từ trước đến nay, bản thân đã chẳng có hứng thú và càng không có bất kỳ kinh nghiệm nào với mấy vụ đỏ đen. Thật khó để tưởng tượng ra kiểu tương lai nghiệt ngã gì đang chờ đợi chính mình ở phía trước. Mong sao tôi đây có thể giữ được một tinh thần thép để vượt qua nổi kiếp nạn khốn khổ này!
- Ngơ mặt ra ít thôi! Không nhanh lên là tôi đổi ý thêm lần nữa đấy.
- Ừ, được rồi. Xin lỗi, tại tớ đang ngẫm lại xem còn sai sót nào không. Nói đơn giản là vầy, do bài kiểm tra sắp tới sẽ có hai đề riêng nên chúng ta sẽ viết bộ dự đoán của mình vào trong giấy, nhất thiết cần phải ghi cụ thể lựa chọn cho mỗi mã đề một và hai. Xong rồi, cả hai sẽ đưa cho nhau giữ đáp án của người kia. Đó là điều đầu tiên. Thứ hai, tớ đã đưa ra các kết quả có thể xảy ra của trận cá cược như sau:
"Nếu cả hai không có bất kỳ dự đoán chính xác nào, không ai được nhận bất kỳ quyền lợi gì.
Nếu một người đoán đúng một mã đề và người kia không đoán đúng mã đề nào, người đoán đúng sẽ được sai khiến người kia một lần.
Nếu một người đoán đúng hai mã đề và người kia không đoán đúng mã đề nào, người đoán đúng sẽ được sai khiến người kia hai lần.
Nếu hai người cùng đoán đúng một mã đề giống nhau, không ai được nhận được bất kỳ quyền lợi gì.
Nếu hai người, mỗi người đoán đúng một mã đề khác nhau, cả hai được sai khiến người kia một lần.
Nếu một người đoán đúng hai mã đề và người còn lại đoán đúng một mã đề, người đoán đúng nhiều hơn sẽ được sai khiến người kia một lần.
Nếu cả hai cùng đoán đúng hai mã đề, không có gì xảy ra cả."
- Cậu hiểu hết luật rồi chứ? – Tôi thao thao bất tuyệt được một lúc thì quay ra hỏi. – Đừng chú tâm hơn mức bình thường như thế. Nó nghe có vẻ dài dòng thật đấy nhưng theo tớ, đại ý lại khá đơn giản. Và cũng để khẳng định thêm lần nữa, tớ không có ý định chơi xỏ cậu hay gì đâu, chỉ để chắc chắn rằng nếu một trong hai ta lén nhìn đáp án của người khác thì quy chụp lại, khả năng để kích hoạt thứ quyền lợi đáng lo kia sẽ thấp đến mức tối thiểu.
- Cậu hơi bị kỹ tính quá rồi đấy! Nếu không phải tôi mà là một ai đó khác thì còn lâu họ mới chịu ngồi yên để nghe cho rõ cái đống quy tắc đau đầu và hại não mà cậu huyên thuyên ra. Việc gì phải làm phức tạp lên thế, chúng ta chỉ chơi vui với nhau thôi mà?-Có lẽ vẫn chưa bị thuyết phục, Liên hằn học nhắm đôi mắt như hai viên đạn về phía tôi. Cậu tưởng chừng sẽ cự tuyệt chuyện này…
- Thế mà tớ lại vô cùng quan ngại về cái gọi là "sai khiến người kia làm một việc mà mình muốn" đấy. Nó như một cái bẫy thòng lọng sẽ tóm chân của bất cứ kẻ sơ ý nào vô tình dẫm phải. Chúng ta đang tham gia một ván đấu dựa dẫm hoàn toàn vào vận may đấy! Thật khó để ai đó như tớ có thể tin cho được nó chỉ mang tính chất vui vẻ.
Sau một hồi lời qua tiếng lại thì chúng tôi đưa đến đồng thuận cuối cùng là vẫn sẽ tiếp tục trò cá cược mà cô bạn nghĩ ra cùng bộ luật rối rắm do tay tôi biên soạn. Liên đã thốt ra câu: “Đành vậy… tôi thà thế còn hơn là bỏ dở giữa chừng. Không thì cậu sẽ bêu rếu tôi như một con ngốc nhu nhược mất!” cùng với hai hàm răng nghiến chặt vào nhau. Trong khi đó, tôi lại thở dài với đôi môi méo xệch, rồi lẳng lặng: “Mệt quá đi…” vì đến cuối, cũng chẳng thể làm sao thoát khỏi được guồng quay của số phận. Và cũng chẳng phải mình tôi đang ở trạng thái như vậy, chính người nghĩ ra trò chơi điên rồ này, cậu ta giờ dường như còn ở tình cảnh khó xử hơn.
Trống đánh ba hồi dõng dạc rồi tới thêm những nhịp dồn dập. Tiết Văn đầu tiên chiều nay sao lại kết thúc chóng vánh một cách lạ lùng! Thời gian đáng lẽ phải lờ lững như một bóng ma mập mờ giữa không trung, nay bỗng dưng lao vun vút tựa hình một chiếc xe máy từ trên dốc cao phóng xuống. Hiếm khi nào tôi cảm thấy một tiết Văn nhạt nhòa đủ để làm đầu óc thảnh thơi giống thế này. Nhưng tại một khía cạnh khác, con người tôi vẫn chẳng thể thoải mái nổi.
“Xoạt!” – Tiếng xé giấy. Liên cũng tương tự, rút ra một tập giấy ghi chú nhỏ màu vàng:
- Dùng cái này đi! – Cậu đưa cho tôi một tờ.
- Nhưng tớ xé giấy rồi.
- Chậc! Cứ dùng đi, đừng làm hao phí lòng tốt của tôi. – Tặc lưỡi tỏ ý không chấp thuận, cô nàng dúi luôn nó vào tay tôi, chẳng để lộ một chút chần chừ.
Coi như lúc nữa dùng tờ này để làm bài kiểm tra vậy. Nghĩ rồi, tôi kẹp nó lại vào trong quyển vở. Một thoáng im lặng lướt qua. Ngó sang, Liên đã cầm cây bút lên và bắt đầu viết vào tờ ghi chú từ bao giờ. Cả người cậu ta chồm dậy, đầu và hai tay thu lại như một con vật đang cố che giấu đi bí mật lớn nhất của nó. Chẳng còn cách nào khác, tôi cũng đành ngậm ngùi làm theo: ép tấm ghi chú mình được cho xuống bàn và bắt chước theo điệu bộ ấy.
Với bản chất của Liên, một con người trong sạch và không bao giờ có ý định gian lận, cô nàng ắt sẽ không liếc trộm dù chỉ lấy nửa cái đến tay cầm bút của tôi. Tuy nhiên, đó mới lại là rắc rối thực sự đối với một kẻ đang vô tình nắm giữ lợi thế khổng lồ trong tay như tôi (biết trước đáp án) nhưng cực kỳ muốn vứt bỏ nó đi ngay lập tức. Mục tiêu duy nhất của bản thân đến lúc này đơn giản, chỉ là thoát khỏi cái trò chơi ma quỷ này cùng một kết quả hòa giống như một kẻ tuyệt vọng bị mắc kẹt trong ngôi nhà đang cháy dữ dội chỉ mong sao giữ lấy mạng sống chứ đâu còn quan tâm đến tài sản làm chi nữa. Nghĩa là, nếu tôi thắng, khả năng cao, chuỗi ngày học sinh yên bình sắp tới của tôi sẽ bị đánh bật bởi một cơn giông bão khủng khiếp, hoặc nếu thua… đương nhiên, chẳng ai muốn chuyện ấy xảy ra, đến lúc đó, số phận này hoàn toàn phải phụ thuộc vào lòng nhân từ của con người tàn nhẫn kia. Dù vào trường hợp nào cũng đều dẫn tới một kết cục bi thảm!
Nhưng phải làm sao mới là lựa chọn sáng suốt? Tôi nên đoán sai hết cả hai mã đề hay đoán đúng một trong hai đây? Tay ngừng lại đã được hồi lâu, tờ ghi chú chưa hề ghi một chữ gì, vậy mà đầu óc tôi giờ đây cứ không ngừng nhức nhối với hàng tá ý nghĩ. Bất chợt trong giây lát, tôi lén rút chiếc máy tính bên trong chiếc cặp yêu quý ra, bấm lấy bấm để.
Dù rằng, môn xác suất – thống kê phải tới tận năm sau mới được giới thiệu, nhưng với trình độ hiện tại, tôi phần nào vẫn nắm được một vài kiến thức căn bản của nó. Dùng để tham khảo vào lúc này không phải là ý tồi. Có tổng cộng tám văn bản chính được học vào kỳ II. Dựa vào nó, trên lý thuyết ta có thể lập không gian mẫu và tính được xác suất của các tình huống sẽ xảy ra xấp xỉ: 76,78% - Liên sẽ đoán sai cả hai mã đề, 10,71% đúng một trong tổng số hai mã đề và chỉ có khoảng 1,78% để đúng hết toàn bộ. Như vậy, ta nhanh chóng nhận ra phương án chính xác cần khoanh trong “bài trắc nghiệm” này là gì…
- Mà khoan… – Tôi giật mình. – Lẽ nào, đây không đơn thuần chỉ là sự ngẫu nhiên của các con số. – Khoảnh khắc ấy, hai luồng tư tưởng trong đầu tôi bỗng giao nhau như hai thanh kiếm va chạm vang lên một tiếng chát chúa. Miệng tôi thở hắt và một lần nữa để ý đến cô bạn bàn bên. Cậu ta chắc không nghe nổi mấy lời độc thoại to nhỏ vừa rồi đâu nhỉ? Liên dường như chưa hề thay đổi dáng ngồi từ nãy đến giờ, vẫn sừng sững một bức tường thành kiên cố bảo vệ lấy tờ ghi chú quan trọng đặt trong lồng ngực mình, mắt quắc lên đầy đe dọa:
- Nhìn gì? Miệng lưỡi thì bày đặt đề phòng người khác không liếc trộm đáp án này nọ, vậy mà chính cậu lại là người đi vi phạm. Không phải quá trơ trẽn hay sao hả? Xéo ra góc bàn bên kia ngồi đi, đừng lại gần tôi cho đến khi cậu hoàn thành xong tờ ghi chú.
- Ấy chết! Tớ sao mà dám giỡn mặt như thế được. Đừng hiểu lầm chứ… Thực sự, tớ vẫn chưa quên cú tát trời giáng cậu tặng mới sáng ngày hôm qua đâu. Với một con người theo chủ nghĩa ái kỷ như tớ đây, còn lâu mới có chuyện đi giật lông đuôi con quái vật đang ngủ yên bên trong người khác thêm lần nữa. Hãy cứ yên tâm về điều đó.
- Hả? Cậu mới bảo ai là quái vật lông lá cơ? – Một lực như búa bổ đập mạnh xuống bàn, trong đó chứa đầy sự bất mãn, thật khó tin khi nó lại được thực hiện bởi bàn tay thanh mảnh của một cô nữ sinh với chiếc gọng kính bạc tri thức. Liên sừng sổ đưa khuôn mặt nổi quạu có cái trán nhăn nheo sát gần về phía tôi với chiếc mũi giờ đây như muốn sịt ra lửa để thiêu sống một kẻ đầy tớ nhỏ bé.
- Ra là vậy à…
- Cậu lẩm bẩm cái gì thế, tên đần này? Lơ tôi? Chán sống rồi hả? – Cổ áo tôi bị nắm lấy tự bao giờ còn chẳng rõ. Đến lúc này, tôi mới tường tận để mắt tới mối nguy hiểm đã kề sát bên cạnh. Một mùi chết chóc phát ra, đôi môi mỏng tưởng rằng chiều nay còn đang rạng rỡ nở một nụ cười khoan khoái, giờ đã mọc thêm hai chiếc răng nanh trước cửa miệng.
- Không, không. Tớ đâu có ý đó. Xin lỗi mà… Tha cho… – Chưa dứt lời, một nắm đấm thép đã thụi ngay vào giữa ngực tôi, dường như đủ để khiến bất cứ ai cũng phải tắc thở. Bạo lực. Cái cánh tay mảnh khảnh ấy, cậu ta dồn toàn lực vào nó và chẳng lộ ra một chút do dự nào. Tôi ho khù khụ trong khi thu cả cơ thể vào. – Cậu… mạnh quá đấy…
- Cho chừa! Ai kêu cậu tỏ cái thái độ khó ưa ấy ra làm gì. – Phủi tay với vẻ hả hê, con quỷ dữ đó từ từ thu mình lại, nhỏ dần rồi tan vào không khí. Ở trên ghế, Liên quay trở lại cùng dáng vẻ và điệu bộ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cậu ta vắt chéo hai chân lại, đung đưa chiếc giày nhỏ trong tư thế thoải mái, còn cổ thì quay ngoắt sang hướng khác. – Đúng là nói cái miệng hại cái thân cấm có sai!
Tôi cũng chẳng đáp lại gì hơn ngoài một tiếng nuốt nước bọt. Đôi khi, chúng ta nên nhẫn nhịn trước một kẻ thù quá áp đảo và cũng vì một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đợi. Bình thường, Liên đã thuộc kiểu con gái hòa đồng và tràn trề năng lượng rồi nên cô nàng hay cố biểu lộ cảm xúc quá mức cần thiết để truyền tải tới người khác (Tôi sẽ thầm nhủ rằng như vậy). Sau cùng, bản thân vẫn thấy thật may mắn làm sao khi mà mình mới chỉ mới ăn một cú xung chấn vào ngực chứ mặt mày chưa bị xây xát gì. Loài người đúng là con sâu gặm nhấm cảm xúc mà…
Bên cạnh đó, cũng phải thú nhận, tôi thật sự đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi đề ra một bộ luật mà tại ngay lúc này lại quay sang vả vào mặt chủ nhân của nó. Ước gì tôi có thể mở miệng ra và thẳng thừng nói với Liên rằng: “Tớ thương cậu lắm nên mới làm như vậy đấy. Bằng không, lúc nữa, cậu còn chẳng có cơ hội cầu xin tớ nương tay với tấm thân kia đâu”. Nếu tôi muốn một trận hòa có tỷ lệ xảy ra cao hơn, đơn giản, chỉ cần tăng số lượng tình huống dẫn tới việc chúng tôi cùng nhau tay trắng kết thúc trò chơi. Vì vậy, điều số 4 đã được thêm vào, giúp tăng tỷ lệ hòa cuộc từ khoảng 59% lên thành 61,3%. Song, tất cả đều đã trở thành vô nghĩa hết thảy, kể từ khi thứ linh cảm kỳ lạ đó xoẹt qua và dư chấn mà nó để lại càng khiến lòng tôi băn khoăn: “Thôi thì… đến lúc quyết định rồi.”
Cây bút trên tay tôi đè xuống mặt giấy mỏng manh như có một áp lực vô hình ép nó phài làm như vậy. Từ lúc đặt tay viết đến khi một tiếng tách nhỏ vang lên và đầu bút bi thu lại, không gian xung quanh câm lặng tới độ tưởng chừng như thời gian đã chợt ngưng đọng trong chốc lát. Mới chỉ có vài giây ngắn ngủi trôi qua… Ánh sáng ngoài cửa sổ hắt vào trên những con chữ ngay ngắn, màu sắc của tờ ghi chú bóng bẩy hơn bao giờ hết. Tôi giật nó ra khỏi mặt bàn một cách từ tốn, nhìn ngắm kỹ càng những gì mình viết thêm lần cuối rồi mới chìa tay cho Liên:
- Cậu chọn đáp án nhanh thật, ngồi chờ chắc cũng sốt ruột lắm nhỉ? Xong rồi. Đây, đưa tờ ghi chú kia của cậu cho tớ. Tốt hơn hết, hai ta nên kết thúc chuyện này sớm trước khi tiếng trống cất lên và hãy để chút thời gian thừa còn lại để chuẩn bị đồ đạc cùng với tinh thần sẵn sàng cho giờ phút "linh thiêng" sắp sửa bắt đầu.
- Chính cậu mới là thằng đáng bị chỉ trích ấy! Lề mà lề mề! Có mỗi viết mấy cái chữ thôi, có khó khăn gì đâu mà cứ gật gà gật gù như tên say rượu bị lẩm cẩm không bằng. – Vừa đáp trả đầy gắt gỏng, cô nàng vừa tức khắc quắp lấy tờ ghi chú của tôi như một con quạ trẻ sà xuống, đánh cắp lấy chiếc vòng bạc của người khách đi đường, rồi nhanh chóng bay đi mất. Cậu cũng không quên đặt lại gọn ghẽ trên bàn tay tôi một mảnh giấy khác giống y hệt cái cũ đã lấy đi. – Của tôi đây. Lúc nữa, khi kiểm tra xong, ta sẽ cùng bàn bạc về phần thưởng cá cược sau. Giờ thì để yên cho tôi tập trung, đừng có làm ồn hay phát ra tiếng động gì cả. À, còn quên nữa, xé cho tôi một tờ giấy đôi đi! Có qua có lại mới toại lòng nhau chứ, vừa nãy, cậu cũng nhận được giấy ghi chú rồi còn gì.
- Sao thế được? Đổi một tờ giấy đôi lấy một tờ ghi chú bé xíu là một món lỗ lớn dành cho tớ đấy. – Như một lẽ tự nhiên, không cách nào để tôi đồng ý nổi với đòi hỏi quá đáng ấy từ cô nàng. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, chính bản thân đã phải nhận ra mình nên rút lại lời nói đó nếu không muốn một cuộc đổ máu thứ hai xảy ra. – Thôi được rồi… tớ đành xé cho cậu vậy, dù chẳng cam tâm tự nguyện một tý nào. – Đến lúc này đây, tôi mới biết mình đã mắc phải mưu kế tàn độc của con người xảo quyệt kia. Đôi mắt cậu ta giờ đây tràn đầy một niềm hoan hỉ lạ lùng, đó là đôi mắt của tên tội phạm đang ăn mừng vì kế hoạch trót lọt mình thực hiện đã thành công mĩ mãn. Còn tình cảnh của tôi hiện tại lại chẳng khác nào của một bậc cha mẹ phải bỏ tiền túi ra, mua một món đồ vô bổ để chiều lòng đứa con trời đánh đang sụt sịt nước mắt, nước mũi tèm lem. Một chiếc bẫy mà dù có rút ra bao nhiêu kinh nghiệm đi chăng nữa, cũng chẳng thể giúp tôi tránh khỏi nó.
Nhưng vậy cũng không đến nỗi uất ức là bao! Bởi, nếu thực sự, có ngày Liên trực tiếp xin nhờ giúp một cách chân thành và đúng mực thì chẳng lý do gì mà một kẻ rộng lượng như tôi phải tiếc với cô nàng một trang giữa của quyển vở học. Đó là lẽ thường tình trong cuộc sống học đường của bất cứ ai. Song, tôi lại vừa đủ tự tin để đoán được cái lòng tự tôn to lớn như một vũng lầy khổng lồ đang chôn chân cậu ta vào lúc này và quả nhiên, một con người như thế rất ái ngại chuyện phải mắc nợ một ai đó. Nói đúng hơn, tôi và Liên, mối quan hệ giữa chúng tôi vẫn còn quá xa vời khỏi hai từ "gắn kết", hay rằng: cậu sẽ không chịu dựa dẫm vào tôi, cũng như tôi chẳng thể nhờ vả gì ngược lại trừ khi có một sợi dây ràng buộc được quăng ra.
Tôi xem đáp án trong tờ ghi chú, gật gật mấy cái khi biết số phận đã an bài vào lúc này: “Cậu ta sẽ sai mình việc gì đây?”
Tiếng trống một lần nữa vang lên báo hiệu tiết học thứ hai của chiều nay đã bắt đầu. Hai chúng tôi cùng toàn bộ học sinh khác đều đã yên vị ngay ngắn trên chiếc ghế của riêng mình. Những thanh âm tanh tách phát ra từ những chiếc bút tỏ rõ sự căng thẳng. Màn hình chiếu chuyển sang một trang khác và ngay sau đó là lời nói vanh vách của giáo viên:
- Vào giờ rồi! Như đã nói, tiết này, lớp mình sẽ kiểm tra lấy điểm mười lăm phút nhé. Các em đều chuẩn bị giấy bút, đồ dùng đầy đủ rồi chứ? Cô sẽ quy định một chút như sau: có tổng cộng hai mã đề, do đó, người ngồi ở phía tay phải theo hướng cửa chính sẽ làm đề một, các bạn còn lại làm đề hai. Nào mấy em kia, im lặng đi, đừng xì xào nữa, đề nào cũng giống đề nào nên không cần phải tị nạnh nhau đâu. Giờ thì, cả lớp bắt tay vào làm, nhớ duy trì tốc độ viết và thời gian kiểm tra không thì sẽ không kịp đâu. Chỉ có đúng mười lăm phút thôi đấy!
Nếu coi đây là một cuộc đua xe thì vừa mới nghe tiếng súng nổ báo hiệu của cô giáo, Liên đã ngay lập tức đạp chân ga và phóng vọt đi mất, trong khi đó, tôi còn đang mải loay hoay tìm cách để sửa lại cái vô lăng xiêu vẹo: “Mình còn chưa thuộc "Bình Ngô đại cáo" thì biết viết kiểu gì trời? Đề bài là gì đây? Nêu cảm nghĩ của em về chiến thắng giặc Minh oai hùng của quân Lam Sơn bằng một bài văn ngắn á…”-Tôi đang băn khoăn có nên bỏ cuộc vì "xe hết xăng ngay ở vạch xuất phát” hay là vẫn cố chày cối mà "đua tiếp". Chắc chắn, không còn sự lựa chọn nào có ích hơn ngoài tiếp tục gồng sức ra chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, đấy là nếu như bạn chưa muốn phải ngắm nhìn một con điểm liệt nằm chềnh ềnh giữa bảng điểm tổng kết cuối năm.
Những bài kiểm tra nhỏ kiểu này, thường thường, sẽ có một phần nội dung trọng tâm chiếm biểu điểm lớn cần được khai thác. Nhắm vào nó sẽ giúp tôi kiếm được tầm bốn đến năm điểm không chừng. Điều tiên quyết lúc này là: cái kho điểm dồi dào ấy nằm ở đâu? Với những phân tích sơ lược như thế, tôi đã tự đề ra một kế hoạch cụ thể cho bản thân và bắt đầu thực hiện nó trong tâm thế sẵn sàng và không còn gì để mất.
- Các em còn mười phút… Nhanh tay hơn một chút đi nào. – Giáo viên điềm đạm thông báo kèm theo đó là một cái vỗ tay động viên. Tuy nhiên, xem chừng nó đang gây ra tác dụng ngược nhiều hơn là kích thích tinh thần của các học sinh khác. Những bàn tay cầm bút thoăn thoắt tì mạnh trên các dãy bàn học, tiếng sột soạt của giấy trắng ở chỗ này hay chỗ khác. Và như một hiệu ứng đám đông, tôi cũng không cho phép tay mình ngừng viết… Để xem xem, ý chí hay thời gian mới là kẻ chiến thắng trong cuộc tranh tài một chiều này đây! Từ bao giờ, tôi cũng đã buộc phải nổ máy xe và lao vào cuộc đua sống còn của riêng mình.
Mỗi phút giây trôi qua, sức ép đè lên vai lại càng thêm lớn. Dù biết rằng, không đời nào mình có thể hoàn thành xong bài làm trước thời gian quy định nhưng tôi vẫn quyết định cầm chặt cây bút trong tay. Cảm giác tựa như thể đôi chân tuyệt vọng của một nhà thám hiểm đơn độc đang phải chạy bán sống bán chết về phía trước, trên chiếc cầu treo với một đầu dây ở bờ bên kia đã bị đứt, dẫu cho hy vọng đã tắt ngấm dưới vực sâu.
Trong khi, chính bản thân đang dần rơi vào bế tắc như thế, thì ở phía bên kia chiến tuyến, từ bao giờ, có một kẻ khác đã bắt đầu tận hưởng những phút giây thăng hoa bằng một tiếng hô vang: “Xong!” – Khuôn mặt hí hửng của Liên sau khi thốt lên câu đó như đang ăn mừng cho cuộc đại thắng của riêng cậu ta. Tôi chỉ chắc mẩm rằng, hẳn cô nàng phải ưng ý lắm với bài kiểm tra mới hoàn thiện kia, rồi lại quay về với phần bàn của mình, dồn sự tập trung hết sức vào những phút cuối này. Nhưng mà, ông trời thường dành sự bất công cho những con người yếu thế và sự bất công ấy càng trở nên rõ nét hơn nữa đối với một kẻ đang trong tình cảnh ngặt nghèo như thể hiệu ứng Matthew cũng sẽ không chừa tôi ra làm một ngoại lệ. Nói vậy là bởi, Liên khiến tôi không thể chuyên tâm nổi với điệu cười khúc khích của cậu ta:
-Hi hi! Bài này mình viết quá thuận lợi luôn! Không biết sẽ được mấy điểm đây: 8 điểm, 8,5 hay là 9 nhỉ? Có thể lắm chứ, hi hi! Chẳng hiểu sao lúc ấy, văn thơ lai láng, cảm xúc như cứ chợt tuôn trào ra mãi không ngừng như thác chảy vậy. Quả nhiên, nhờ học hành đến nơi đến chốn nên kết quả học tập của mình đã khả quan hơn hẳn, sắp tới phải nỗ lực hơn mới được! – Những câu từ hân hoan ấy như chỉ trực chờ cứa thêm vào vết thương rớm máu trong lòng tôi. Những suy nghĩ ưu tư lay động tầm nhìn chăm chú của tôi khỏi trang giấy và theo một bản năng kỳ lạ, tôi lại tự ngẫm: “Cảm xúc ư? Nó nằm ở đâu vậy? Chẳng đời nào chúng ta có thể viết nên một bài văn xuất sắc, đạt điểm cao chỉ bằng cái thứ thầm kín, tầm thường đó được! Hay vì tôi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng ở chỗ nào đó, đến nỗi bản thân cũng không thể tự khắc phục? Ta đâu hề nhìn nhận văn học dưới con mắt của một kẻ bạc nhược toàn đi dựa dẫm vào cảm tính, một bản sàng lọc hoàn hảo của suy nghĩ mới xứng đáng được gọi là kiệt tác…”
- Hết giờ! Bạn nào chưa viết xong cũng hãy mau chóng dừng tay lại. Cả lớp để bài làm ra đầu bàn để các bạn tổ trưởng đi thu. – Sau hồi chuông kết thúc ấy, tôi bỏ bút xuống mà chẳng vấn vương dù là một chút luyến tiếc. Nhìn vào hư vô, tưởng chừng như tồn tại một tấm hàng rào quá cao chắn ở ngay trước mặt, nơi giới hạn nhỏ bé của tôi không có cách nào vượt qua nổi, vì vậy, tôi sẽ chấp nhận thực tại này bằng sự hài lòng đầy khiêm tốn của riêng mình.
- Mọi người dừng tay đi! Nộp bài thôi! – Anh bạn tổ trưởng đang đi dọc dãy bàn với lời nhắc nhở xen lẫn sự trách móc dành cho những người tham lam và cứng đầu vẫn đang cố chấp viết thêm cho được vài chữ nữa. Từng bước, từng bước, một cách nghiêm nghị, cậu ta dần tiến xuống cuối tổ, đến bên chiếc bàn học có sự hiện diện của tôi. Và Liên, không chần chừ thêm một giây, liền đặt bài kiểm tra của cô nàng lên trên xấp giấy xếp lung tung những cái tên cùng nhiều nét chữ tùm lum, khác nhau.
- Minh, còn cậu thì sao? – Tổ trưởng gọi tên tôi, giữ nguyên chất giọng chẳng có gì thay đổi.
- À, đây. – Tôi cũng đáp lại hời hợt, rồi chìa tay ra đưa cho cậu ta cùng một tiếng thở phào. Như vậy đã là quá đủ sóng gió cho một buổi chiều…
Sau mười lăm phút cẳng thẳng tột độ đó, lớp học giờ đây theo một cách tự nhiên, đã tự chia nó ra thành hai thái cực riêng biệt: một nửa, bao gồm những con người đang ngất ngây trong men say chiến thắng, họ vui vẻ trò chuyện với nhau, xôn xao bằng những lời bàn tán hân hoan cùng những điệu cười ríu rít; trong khi đó, những bộ mặt ở phía bên kia lại tỏ ra bất mãn và thất vọng não nề, họ thốt ra những lời than vãn ngao ngán về lý do tại sao định mệnh lại nghiệt ngã tới vậy. Còn với tôi, một con người luôn giữ cho mình cái vị thế trung lập giữa đám đông, chỉ cảm thấy rằng, thật may mắn làm sao khi giờ kiểm tra địa ngục kia đã trôi qua trong êm đẹp mà không gặp phải bất trắc nào.
Giờ học quay trở lại cùng sự ồn ã khó coi nhất, dường như mọi người đều đã quên mất rằng vẫn còn tận nửa tiếng nữa, tiếng trống hết giờ mới thực sự vang lên, cho đến khi vị giáo viên thống kê xong chồng giấy dày tập một cách gọn ghẽ và yêu cầu cả lớp giữ trật tự để hoàn thành nốt tiết ôn tập. Như bao nhiêu học sinh khác, Liên ổn định lại nhanh chóng tư thế ngồi của mình dù vừa rồi, cậu ta vẫn còn đang ngó ngang tứ phương tám hướng, tìm kiếm những người bạn và hỏi han nhau xem họ đã làm bài kiểm tra thuận lợi như thế nào. Gương mặt cậu chưa khỏi hết phấn khích:
- Ê, này! Bài kiểm tra không tốt lắm hả? Sao trông cậu có vẻ thiếu sức sống quá vậy? Nhìn qua là biết liền luôn, chúng ta chắc chắn khác nhau một trời một vực rồi ha! Đó là sự chênh lệch hoàn toàn giữa chăm chỉ và lười biếng đấy. Mà cũng chẳng lâu nữa đâu, đến tuần sau là bắt đầu lịch kiểm tra cuối kỳ II và ngay môn đầu tiên đã là Văn học rồi. Nếu cậu vẫn chưa muốn từ bỏ việc cải thiện thành tích thì ngay từ bây giờ, hãy tranh thủ thời gian rảnh để hệ thống lại các kiến thức văn học đi. Dù biết là không kịp nhưng được chút nào hay chút nấy chứ! Hai dà… – Cô nàng nghếch cằm lên, thở dài tỏ ra bất lực vì một thứ gì đó khó giải quyết cùng một cái nhấc vai. Song, nghe hết những lời khuyên nhủ ấy, tôi chẳng cảm nhận được chút chân thật nào hơn ngoài sự thương hại đủ khiến người ta phải đau lòng. Cuối cùng, mục đích thực sự của nó cũng chỉ đơn giản là khuếch đại lòng tự hào cá nhân một cách thật giả dối giống như việc bạn sẽ trông cao hơn nếu đứng bên cạnh một kẻ thấp lùn.
- Còn quên nữa! Tôi vẫn chưa xem đáp án của cậu, đợi đến khoảnh khắc này mãi. Như thế mới kịch tính chứ! Với cả, chắc cậu cũng biết rồi, tôi đã đoán trúng một trong hai mã đề rồi đấy, còn liệu cậu có đoán đúng được mã đề nào không ta? Xem nào… – Nở một nụ cười khinh khỉnh với tôi xong, Liên liền nhanh tay dở mảnh giấy nhỏ mà cậu ta đã gấp làm bốn và cất vào một xó dưới ngăn bàn ra. Thoáng trên nét mặt có chút hồi hộp nhưng ngay lập tức biến mất. – Hả? Thật á! Cậu cũng đoán trúng một mã đề này, sao hên thế? Làm tôi cứ tự đắc trong lòng từ nãy đến giờ là mình thắng chắc rồi vậy mà... Chưa kể còn là “Trao duyên” nữa, hai ta đoán trúng hai đề khác nhau mới tức chứ! – Rồi khi kết quả đã lộ rõ, từng biểu cảm của cô nàng cứ thế thay đổi như chong chóng qua đôi mắt ẩn sau gọng kính lấp lánh.
- Số phận hẳn đã sắp đặt giữa chúng mình một cuộc trao đổi công bằng… – Tôi, sau một hồi không nói gì, đã tự động chen vào một câu bình luận nhạt nhẽo. –Thế thì, ngay lúc này đây, cậu có muốn đưa ra yêu cầu của mình dành cho tớ luôn không? Nếu được, tớ mong có thể giải quyết nó càng nhanh càng tốt, nhớ đừng có quá đáng đấy nhé.
- Trông cậu có vẻ mạnh miệng nhỉ? Chuyện đó, tôi sẽ nói sau khi tiết học này kết thúc. Đến khi ấy, đừng có thấy khó quá mà trốn tránh trách nhiệm đấy, tên kia. Được rồi, còn cậu thì sao… muốn yêu cầu tôi gì nào? – Đến lượt Liên chĩa mũi giáo về phía tôi, một góc cạnh nào đó trong cử chỉ của cậu cảnh báo cho tôi biết rằng, nếu tôi dám sai khiến điều gì đó đồi bại thì khuôn mặt này sẽ bỗng dưng biến thành một đống bầy nhầy bầm dập dưới nắm đấm và gót chân khủng khiếp kia. – Tớ ấy hả… – Tôi đáp lại cùng những suy xét cẩn trọng nhất. – Ừm, trả lời thành thật một câu hỏi của tớ thì sao? Nó cũng đâu tới nỗi nào.
- Hả? Sao chán vậy! – Liên bĩu môi, tỏ ra hụt hẫng như thể cô nàng đã chờ đợi một phát ngôn thú vị hơn từ đối phương. – Vậy ra cậu còn muốn một đề nghị tồi tệ hơn cơ à? – Nhưng khi nghe tôi nói ra câu ấy, cậu ta liền phản pháo. – Tất nhiên là không rồi!
Ít ra, tôi có thể được sử dụng cái quyền lợi sai khiến này theo cách bản thân cho là hữu ích nhất. Hãy cứ coi đây như một phần thưởng xứng đáng cho quãng thời gian gian khổ mà mình đã phải chịu đựng trong suốt hai tiết Văn cùng cực đi vậy. Cũng chẳng phải là điều gì quá to tát với chỉ duy nhất một câu hỏi, nhưng với tình cảnh hiện tại, tôi bỗng nhận ra rằng, nếu một mình đơn độc sẽ chẳng đủ khả năng để trả lời trọn vẹn nó. Lắng nghe suy nghĩ từ một người khác và bổ sung cho những gì còn thiếu sót cũng đâu đồng nghĩa là ta đang đánh mất đi định kiến của mình như thể chôn vùi một nấm mồ xuống lòng đất sâu thăm thẳm.
Nói đi cũng phải nói lại, thật thảm hại làm sao khi tôi lại mắc kẹt ngay ở chính luận điểm mà mình tự đề ra. Tuy nhiên, phần nào bản thân tôi vẫn mong được thanh minh đôi lời, âu cũng là để giấu giếm bớt đi cái câu chuyện đáng xấu hổ này: “Còn đáng mừng chán bởi vì bản thân ta vẫn chưa hề bỏ đi thứ khao khát bất diệt của loài người, đó là được hoàn thiện và nâng tầm giá trị của chính mình, cao và ngày một cao hơn nữa. Không thể nào khác ngoài việc tiếp tục vật lộn trong đau đớn, giúp bản thân mình tiến bộ hơn qua từng ngày và đương đầu với những cơn sóng thần hung dữ nhất của đời người. Còn tôi dường như đang phải đứng chông chênh trên đôi chân của kẻ không có được một chiếc cầu phao vững chãi, lần mò cho mình một lối thoát giữa hàng vạn người trên sông, con đường phía trước chỉ có thể là tất thắng hoặc đại bại và ở trong hoàn cảnh ấy, người ta phải đưa ra phương án đúng đắn trên hết thảy.”
- Liên này, cậu nghĩ Văn học có được viết nên từ cảm xúc không hay là một thứ gì đó quan trọng hơn thế nhiều? – Nghiêng đầu ra phía cửa sổ, cố tránh đi ánh mắt hiện giờ của cô nàng, tôi lại tự tưởng tượng xem cậu sẽ trưng ra bộ mặt như nào khi nghe thấy câu hỏi ấy.
- Điên vừa thôi chứ! Muốn viết được một bài văn hay thì cần phải có một trái tim dạt dào cảm xúc, đó là lẽ đương nhiên mà bất cứ học sinh nào cũng biết. Bao nhiêu cái thú vị trên trời dưới bể không đem ra hỏi, đi đặt ra cái câu hỏi chán ngắt! Được rồi, cho cậu thêm một cơ hội nữa đấy, chứ để cậu phung phí đặc quyền của mình như thế thì tôi cũng cảm thấy bản thân mất giá lắm. – Giọng điệu chói tai của Liên khiến tôi cảm tưởng cậu giống như một đứa bé gái đang bắt đền người ta vì họ đã làm hỏng con búp bê của mình. Và chính qua cách cô nàng buông những lời mắng nhiếc thậm tệ ấy, dễ đoán được, Liên hẳn vẫn chưa hiểu hết ý định thực sự đằng sau câu hỏi vừa rồi. Dù chẳng cần liếc nhìn ra đằng sau lấy tới một lần, tôi cũng đủ hiểu rằng, có một ánh mắt thiếu kiên nhẫn hiện giờ đang lăm le, chờ đợi một lời phản hồi càng nhanh càng tốt.
- Vậy sao… – Tôi hít một hơi sâu, lấy lại tư thế ngồi – Thế thì cho tớ hỏi tiếp, nếu thực sự văn học chất chứa nhiều tình cảm đến mức đó, thì nó nằm ở đâu, cụ thể là trong bài kiểm tra vừa rồi, cậu nghĩ như thế nào khi xem xét kỹ những gì mình đã viết ra? – Sau câu hỏi thứ hai ấy, chẳng hiểu sao Liên lại nhìn tôi một cách đầy lúng túng như thể trông thấy một thằng thần kinh mới trốn ra từ một nhà thương điên không lâu. Sắc mặt cô nàng căng cứng một cách thái quá, với một bên gò má nhăn nhúm vào nhau, còn miệng chỉ đủ thốt ra những tiếng ú ớ vì dường như bị mắc một cục nghẹn kỳ quái ở cổ họng. Rồi thì, tôi không còn cách nào khác và đành phải ngậm ngùi, giải thích tường tận để có thể thuyết phục cậu ta trả lời:
- Tớ chẳng tài nào hiểu nổi tại sao mọi người thường hay cho rằng môn văn là ô cửa rọi vào tâm hồn, cảm xúc của chúng ta, trong khi mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói hay mỗi dòng chữ bản thân viết ra đều sẽ phải được chấn chỉnh một cách thật gọn gàng, sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục. Như vậy là quá giả tạo, đúng không? Tuy nhiên, tớ cũng không phủ nhận hoàn toàn phần cảm xúc vẫn hiện hữu trong văn học, nhưng chẳng phải chính nó lại vô cùng ít ỏi so với lượng lớn đã hoàn toàn bị thất thoát đi sao? Do đó, tớ đã đi đến kết luận, ý kiến kia quả thực là một sai lầm… Này, khoan đã, cậu bị làm sao vậy? Thả lỏng cổ tớ ra một chút đi.
- Cậu sai rồi! Cậu sai hoàn toàn rồi nhé! – Liên vớ lấy ngực áo trên của tôi, nắm chặt nó như đang cố vò nát một cục giấy thô kệch, rồi giật huỵch một cái mạnh đến nỗi có thể nghe thấy tiếng chỉ kêu ken két tưởng chừng có thứ gì đó sắp rách toạc ra tới nơi. – Nghe cho kỹ đây, dù tôi chẳng hiểu và cũng chẳng quan tâm cậu đang muốn truyền đạt cái khỉ khô gì, nhưng tôi đủ tự tin để chắc một điều là tư tưởng bại não đó của cậu là một trong những sai lầm kinh khủng nhất trên thế giới này. Cậu đang bôi tro trát chấu vào mặt của biết bao nhiêu nhà văn vĩ đại đấy, biết không hả tên khốn! Nếu còn giữ nguyên si thứ hoang tưởng đó trong đầu thì cậu đừng hòng học khá lên được. – Cô nàng bỗng chốc trở nên tức giận tột độ bởi một cơn xúc động vô cớ từ đâu tới, nhưng theo một cách thật kỳ lạ, tôi lại thấy nó đáng mừng thay, rằng cậu ta đang tìm mọi cách để bác bỏ cái luận điểm điên rồ kia đi và bắt kẻ ngu ngốc đã tạo ra nó phải hiểu cho ra nhẽ. Trong đôi mắt của cậu bừng bừng, sục sôi một ngọn lửa dữ dội như muốn nung chảy hắn ta thành một đống than tro, còn quai hàm cậu thì lại nghiến xiết chặt vào nhau tựa như hàm của loài thú đói sẽ xé xác hắn thành trăm mảnh bất cứ lúc nào. Vậy mà, kỳ lạ làm sao, bản thân tôi vẫn có thể đứng vững trong tình cảnh ấy mà đáp lại thản nhiên, chẳng hề e sợ:
- Vậy cậu làm ơn giảng giải đi. Nó sai ở chỗ nào? Như đã nói rất nhiều lần trước đây, cậu sẽ chẳng khuyên nhủ được ai với mấy lời khó nghe ấy.
- Hừ… cậu thách thức tôi sao?
- Hãy nhớ rằng, tớ đang sử dụng quyền lợi của mình đấy. Đánh tớ thêm vài cái thì được ích lợi gì chứ. Cậu đâu thể cứ thế mà cự tuyệt không trả lời được, phải không?
Một khoảng lặng đột ngột xuất hiện giữa chúng tôi. Hồi lâu sau, Liên mới chịu buông cánh tay hung ác trước đó của mình ra khỏi người tôi, giờ đây là một tâm thế hoàn toàn khác hẳn. Cậu đã lấy lại vẻ nghiêm túc và bình tĩnh vốn có của một nữ sinh thanh lịch. Thấy vậy, sâu trong lòng tôi cũng thấy vơi bớt đi ít nhiều nỗi lo lắng, rồi liền lấy tay mình chỉnh lại một bên áo đã bị làm cho xộc xệch. Đúng lúc này, giọng Liên lại vang lên đều đều và uyển chuyển:
- Đành vậy, coi như lần này cậu thắng, dù chính bản thân tôi bây giờ đây vẫn chẳng thể làm nguôi nổi cơn bực dọc khó chịu đang chạy dọc sống lưng mình. Ừ thì, có thể tôi đã sai vì đã thiếu kiềm chế mà xách cổ cậu lên như thế nhưng tên đần nhà cậu cũng chẳng khá khẩm hơn khi thốt ra đống câu từ tởm lợm đó đâu. Không có con người nào đã dành ra từng ngày cố gắng để gọt dũa văn phong và đặt toàn bộ tâm hồn mình vào trong đó mà lại không nổi đóa lên khi nghe hết mớ tư tưởng ô uế ấy cả. Hãy cảm thấy may mắn vì tôi đã quyết định tha cho và ngồi đây giải thích cho cậu đi nhé…
Một cách đầy miễn cưỡng, Liên gật gù như để tự cố tìm kiếm được một chút gì đó đồng thuận với con người bên trong mình. Rồi cậu bắt đầu cất tiếng bằng một chất giọng chất giọng vừa điềm đạm mà lại pha thêm chút hằn học không thể lẫn vào đâu được, cậu ép tôi phải kể hết những khúc mắc đang liên kết tôi với chính cái tư tưởng lệch lạc kia như cố gồng sức bóp chặt lấy một chai tương ớt đã cạn kiệt. Có những đoạn, cô nàng chỉ thẳng vào mặt tôi mà nói thế này: “Viết một bài văn có cảm xúc cũng giống với việc cần cho thêm gia vị vào thức ăn vậy, cậu sẽ không thể không cho và cũng không được phép cho quá nhiều, chỉ cần một lượng vừa đủ để tạo hương vị hài hòa. Theo đó, nếu áp dụng cái tôi vừa nói vào định nghĩa về "cảm xúc và văn học" của cậu thì nó sẽ tự động biến thành một bãi bầy nhầy, bẩn thỉu mất thôi. Văn học phải là được chắt lọc từ những phần tinh túy nhất của mỗi con người chứ không phải một nồi thập cẩm thích bỏ gì vào cũng được đâu nhé, hiểu chưa hả?”
Thiết nghĩ, không biết Liên đã dồn nén bao nhiêu để có thể nói ra những lời đó với tôi. Thật đáng để cảm kích! Tuy nhiên, có lẽ tớ đã phụ lòng chân thành đó của cậu mất rồi bởi vì ngay từ đầu, tớ đâu có quan tâm tới chuyện "văn học có cảm xúc" là như thế nào, thay vào đó, điều duy nhất tớ cần biết chính là tại sao phần lớn số người đều có quan điểm cố hữu rằng, văn học luôn có dính dáng chặt chẽ đến cảm xúc bên trong họ. Do đó, những lời vừa rồi và cả trước đó nữa quả thực là thừa thãi. Nhưng mà, cũng lại thêm một sự bất ngờ lớn nữa, trong khi bị câu thẳng thừng chỉ trích bằng những ngôn từ sắc đá ấy, tớ đã tự nhận ra được mảnh ghép còn thiếu sót để lắp vào lỗ hổng của mình.
Kết luận cuối cùng vẫn sẽ không thể thay đổi dù Liên có nói với tôi bằng mọi kiểu lý lẽ của cậu đi chăng nữa. Đối với tôi, văn học chẳng có tí vẹo cảm xúc nào cả, mà nó chỉ đơn giản là một bản làm lại đầy tiểu xảo và mánh khóe của con người. Để rồi, họ lại bị mắc lừa… Đúng vậy, là bị mắc lừa đấy, bởi chính thứ cảm xúc trỗi dậy từ đáy lòng mình. Họ tin rằng những cảm xúc ấy đã tuôn trào ra ngoài và chảy vào trong ngòi bút của họ mà quên mất rằng những tầng suy nghĩ cũng đang vô thức được tạo dựng lên như những đập chắn khổng lồ của một nhà máy thủy điện đứng sừng sững và ngăn không cho dòng nước lũ khủng khiếp tràn ra ngoài.
Thay vào đó, tôi tin rằng cảm xúc đóng vai trò gần giống với một động lực thúc đẩy, thứ giúp chúng ta đạt tới trạng thái tập trung cao độ nhất cùng một tâm thế tràn trề cảm hứng sáng tác. Nó tương tự như một chiếc bệ phóng tinh thần đưa con tàu tâm trí đến với những vì sao xa xôi trên bầu trời hay là cùng một ví dụ với nhà máy thủy điện bên trên, cảm xúc sẽ làm xoay những tua bin nước và nạp đầy năng lượng cho bộ óc suy nghĩ của chúng ta. Suy cho cùng, tôi đã nắm rõ nguyên do tại sao mình không thể nào đạt được kết quả khả quan trong lĩnh vực văn học rồi, đó là bởi bản thân tôi chẳng hề nảy ra một mống cảm xúc nào trong khi viết mà dựa dẫm hoàn toàn vào lý tính: lên bố cục, nội dung, rồi các ý chính cần phải có,… Quả thực, cảm thụ văn bản trong sách giáo khoa là một việc gì đó quá đỗi thất bại đối với một kẻ như tôi. Nói một cách dễ hiểu như cô bạn đã giải thích thì, một bài văn muốn giàu ý tưởng phải lấy cảm xúc làm điểm bật, còn muốn viết một bài văn không dở thì đừng để cảm xúc lấn át mất tâm trí của mình.
Liên đã dứt lời, cậu ta bỗng dưng dừng lại và quay sang lục lọi thứ gì đó trong cặp, còn tôi lại từ từ buông lỏng cơ thể mình ra, khoanh hai tay ôm trọn lấy một bên bàn và đặt chiếc cằm của mình xuống một cách đầy thư giãn sau khi đã giải quyết xong vấn đề khó nhằn kia. Bên ngoài hành lang có tiếng vài bước chạy, gió lay xào xạc qua kẽ lá xanh um mà hàng ngày tôi vẫn hay ngắm nhìn mãi như một gã si tình không thể rời mắt khỏi bóng dáng của người con gái trẻ. Nắng dần dịu xuống báo hiệu về một buổi chiều mát lành hiếm hoi trong suốt nhiều ngày hè nóng nực. Hãy đợi khi tiếng ve đầu tiên cất lên, rồi ngân nga râm ran khắp chốn sân trường là khi ấy góc lớp này sẽ trở thành bãi cỏ yên bình để tôi nhắm mắt lại, thư thái đánh một giấc ngon lành.
- Này, cho cậu mượn!
- Hả? – Tôi ề à gượng dậy, ban đầu có hơi bất ngờ với hành động ấy của Liên, cô nàng chìa tay ra và đưa nó về phía tôi. – Vở ôn Văn của tôi trong mấy tuần vừa rồi đấy. Nó có tổng hợp tất cả kiến thức học kỳ II và những kỹ năng cơ bản mà tôi rút ra được. Nghĩ qua nghĩ lại, tôi thấy lỡ giúp cậu rồi thì nên làm cho tới nơi tới chốn, thế nên vậy đấy, cầm đi! – Rồi cậu nhìn một cách đầy quả quyết, một gương mặt mà tôi biết chắc không có cách nào có thể chối từ nó.
- Ừ… Cảm ơn, vậy thì tớ xin nhận. Nhưng mà chẳng phải cậu vẫn đang trong quá trình ôn tập sao, nhỡ nếu có lúc cần tới vở thì sao đây?
- Không phải khách sáo, tôi nghĩ kỹ lắm rồi mới cho mượn đó. Đợi thi văn xong cậu trả cũng được. Với cả, nhớ mà học hành cho đàng hoàng vào nốt mấy ngày cuối cùng đi nhé, cậu mà phụ lòng tốt của tôi thì liệu hồn, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy đến với cậu đâu!
Không nói thừa thêm nửa lời, Liên, một lần nữa quay mặt đi chỗ khác, dường như tôi cảm giác cậu đang muốn tránh mặt đi thật xa sau khi đột nhiên thực hiện một động thái kỳ lạ mà bình thường, một người như cậu hiếm khi nào lại làm vậy: giúp đỡ cho một người bạn cùng bàn, một tên thỉnh thoảng chỉ xã giao với nhau bằng hàng loạt những lời tranh cãi. Tôi không biết lý do nào khiến cô nàng đưa ra một quyết định trái ngược với thường ngày, nhưng có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, Liên cũng không hẳn là hoàn toàn ghét bỏ tôi hay phải chăng đã có một mối liên kết mỏng manh đang nhen nhóm được hình thành giữa cả hai trong nhiều phút đã qua?
-Tùng! Tùng! Tùng!
Dù chưa biết phải trả lời thế nào cho câu hỏi đó nhưng ít ra, tôi cũng sẽ thầm cảm kích cậu ấy vì "quyển vở lòng tốt" này. Nghĩ vậy, tôi mở chiếc cặp thân thương của mình ra và cất nó vào một góc kín đáo nhất. Giờ ra về đã điểm. Từng cặp ghế lần lượt theo tay những học sinh được đặt đều tăm tắp trên bốn dãy bàn học, vị giáo viên chào cả lớp rồi vội vã xách chiếc cặp đi ra khỏi cửa nhanh hơn bất cứ ai, còn với tôi, một rắc rối nữa vẫn đang nằm chờ phía trước.
3 Bình luận